Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2018

Tranh cãi 'công nghệ giáo dục' : Lý sự nhiều, chứng cứ ít !

Nguyễn Đức An

Theo dõi diễn tiến tranh luận về "công nghệ giáo dục" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhiều người bị "sốc" trước làn sóng phản đối cảm tính và thiếu bình tĩnh trên mạng, nơi một bộ phận không nhỏ dường như không còn xem chuyện "ném đá", "chửi bới" và mạt sát người khác là một điều cấm kỵ xã hội nữa.

giaoduc1

Vấn đề giáo dục cho trẻ em làm phụ huynh lo lắng ở Việt Nam

Tôi cũng bị sốc. Sốc rất nặng. Nhưng sau cơn sốc, cũng phải sòng phẳng thừa nhận rằng sự quá trớn đó một phần là sự vỡ ào của tình trạng bất bình chung ngầm và sự bất tín vào nền giáo dục nước nhà, cũng như vào các bậc mũ cao áo rộng đang cầm cương nó ở thượng tầng xã hội. Sự vỡ ào càng mạnh bạo khi dân thấy nền giáo dục đó lại đang coi họ không ra gì và tìm cách tước đi cái quyền và trách nhiệm, cũng là niềm vui, dạy con cái của họ.

Trong tình hình như thế, cái mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại và những người ủng hộ ông cần làm nhất là trưng ra những bằng chứng thực tiễn để trấn an lòng người về hiệu quả chương trình công nghệ giáo dục. Rất tiếc, tôi cảm thấy những lý lẽ từ phía ủng hộ ông, dù bình tĩnh và có logic hơn những lời chửi đổng tràn lan trên mạng, vẫn thiếu sức thuyết phục, đôi lúc hơi cảm tính và có tính "ngụy biện".

Chẳng hạn, một công chúng đang sôi sục không dễ chấp nhận lời một vị giáo sư khả kính rằng công nghệ giáo dục là ưu việt, vì con tôi học trường thực nghiệm ra và bây giờ đã là thế này, thế nọ.

Việc báo chí tập trung phỏng vấn một vài trường hợp thành đạt nổi tiếng từ các trường thực nghiệm công nghệ giáo dục để minh chứng cho sự ưu việt của hệ thống là một hình thái nguỵ biện. Nếu bây giờ, tôi đem bao nhiêu tài năng xuất chúng không đến từ hệ thống thực nghiệm, thậm chí từng từ bỏ nó, để chứng minh các mô hình giáo dục khác cũng ưu việt thì các vị có chấp nhận không ? Chả nhẽ 40 năm rồi mà công nghệ giáo dục vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ có hệ thống để tự chứng tỏ mình sao ?

Cũng không thể lý luận rằng chương trình đã chạy 40 năm rồi có sao đâu mà bây giờ lại moi ra… Việc Giáo sư Đại tuyên bố trên báo chí rằng ông không "chấp" phản ứng từ dân chúng vì chúng hồ đồ, thiếu hiểu biết cũng chẳng giúp gì thêm cho cuộc tranh luận. Nguyên tắc tranh luận dân chủ là bình đẳng, dựa trên chứng lý : không ai được cho mình thuộc đẳng cấp cao hơn để phủ đầu bên kia.

Độ tin cậy của các con số

Vì nhiều ràng buộc công việc và cuộc sống hằng ngày, tôi không định tham gia cuộc tranh luận này, cho đến khi thấy trên mạng nhiều người chia sẻ một biểu đồ thống kê sai sót như bằng chứng về tính ưu việt của mô hình công nghệ giáo dục.

Biểu đồ này, được đăng trong bài Kết quả đo nghiệm bất ngờ từ chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục trên báo Lao Động Online, Soha và vài website khác, có lẽ là mẫu chứng cứ thực nghiệm duy nhất được công bố trong mấy tuần qua.

Kết quả "bất ngờ" mà bài báo đề cập là sự khác nhau về tỉ lệ đọc và viết đạt chuẩn giữa hai nhóm học sinh - thực nghiệm công nghệ giáo dục và đại trà. Cụ thể là tỉ lệ đọc đạt chuẩn trong nhóm thực nghiệm cao hơn 4,3% so với nhóm đại trà. Với tỉ lệ viết, sự chênh lệch là 3,3%.

"Người trần mắt thịt" chỉ cần suy ngẫm một tí cũng thấy hai con số chênh lệch trên chẳng phải là lớn lao gì. Nhưng để chứng minh cho sự "bất ngờ" nêu trong tựa, bài báo dựng lên một biểu đồ rất "hoành tráng", làm bật lên sự khác biệt có vẻ rất lớn về tỉ lệ đạt chuẩn đọc và viết giữa hai học sinh công nghệ giáo dục và đại trà.

Biểu đồ này có sự "lập lờ" rất tinh vi : ai cũng biết tỉ lệ phần trăm trong trường hợp này có giá trị thấp nhất là số 0 và cao nhất là 100. Cho nên trục đứng phải bắt đầu từ số 0 và lên dần đến 100. Biểu đồ trong bài báo lại bắt đầu từ 90, thay vì số 0.

Nếu chiếu 4,3% và 3,3% trên nền thang số ngắn từ 90% đến 100% (như tác giả làm) thì hai con số đó trông rất lớn. Nhưng nếu làm theo đúng quy tắc, chiếu trên thang số đầy đủ từ 0% đến 100% (tức bắt đầu trục đứng ở số 0, chứ không phải 90), sẽ thấy chúng chẳng đáng kể gì cả.

Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi dựng lại các biểu đồ trong hình dưới đây, bên trái là theo cách làm trong bài báo trên và bên phải là làm theo đúng quy tắc thống kê học.

giaoduc2

Biểu đồ dựng lại theo tinh thần bài trên các báo (bắt đầu trục đứng với số 90)

giaoduc3

Biểu đồ dựng lại theo đúng quy cách khoa học (bắt đầu trục đứng với số 0)

Nói ví von, dựng biểu đồ như thế chẳng khác gì đặt con kiến bên hạt gạo, thay vì bên củ khoai, để chứng minh là con kiến đó to đáng kể. Đây cũng có thể xem là một ví dụ rất kinh điển để minh họa cho lời một bậc tiền nhân : "Có ba kiểu nói láo : nói láo, nói láo trơ trẽn và thống kê".

Dĩ nhiên thống kê tự nó chẳng bao giờ biết nói láo. Chỉ những người tạo ra nó hay sử dụng nó mới "láo" mà thôi. Ở đây, số liệu đưa ra không phải là bịa đặt nhưng việc tác giả kín đáo "thổi phồng" nó lên qua một biểu đồ trực quan có thể gây rất nhiều nhầm tưởng trong công chúng ủng hộ cũng nhử phản đối công nghệ giáo dục.

Đó là chưa kể nhiều yếu tố khiến tôi phải đặt vấn đề về độ tin cậy của các con số trên. Chẳng hạn, học sinh thực nghiệm công nghệ giáo dục thường là đã qua chọn lọc. Nghĩa là, so với học sinh bình thường, học sinh thực nghiệm thuộc thành phần có khả năng học tập và trí thông minh cao hơn, nên sẽ dễ tiếp nhận "công nghệ giáo dục" dựa trên tư duy trừu tượng của Giáo sư Đại hơn.

Tức là, giả sử nghiên cứu trên tìm thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai nhóm thực nghiệm và đại trà, thì cũng không thể khẳng định chắn chắn là do cách dạy và học. Có thể đó chỉ là do khác biệt năng lực ban đầu thì sao ?

Hơn nữa, nếu tôi không nhầm thì nhiều học sinh thực nghiệm bỏ giữa chừng vì "vỡ mộng", vì không theo kịp chương trình... Lúc làm nghiên cứu thẩm định, các vị có đưa thành phần này vào không ?

Vài lời cuối

Nói ngắn gọn, ngay cả khi nghiên cứu trên đạt chuẩn tắc khoa học cơ bản, sự khác nhau vài phần trăm trên không có ý nghĩa thống kê hay giá trị thực tiễn để cả hệ thống giáo dục quốc gia uốn mình chạy theo công nghệ giáo dục. Thậm chí, có người còn sẽ hỏi toẹt ra : dạy học sinh giỏi chỉ để đạt chênh lệch về tỉ lệ đọc và viết khiêm tốn ở trên thì cần gì phải có công nghệ giáo dục ?

giaoduc4

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức An

Tôi không có ý nói công nghệ giáo dục của Giáo sư Đại đúng hay sai ở đây. Các triết lý đằng sau đó đều rất hay, rất đẹp và những mục tiêu nó nhắm đến đều kỳ vĩ và đầy tham vọng cho dân tộc Việt. Là hậu sinh, tôi rất kính trọng tâm huyết và tinh thần phi vụ lợi mà Giáo sư Đại dành cho giáo dục. Bản thân kết quả thẩm định trên cũng không là gì để có thể nói công nghệ giáo dục chẳng hay ho gì lắm so với chương trình đại trà hiện hành.

Nhưng khi chưa có đủ cơ sở thực chứng, tôi sẽ còn rất e dè về một "công nghệ giáo dục" mà bản thân tôi còn chưa hiểu hết nội hàm là gì (dù đã cố gắng tìm hiểu đôi chút). Tôi cũng lo rằng, một phương pháp giáo dục đòi hỏi trẻ em nhiều năng lực lý trí như thế, nếu triển khai đại trà không khéo, có thể sẽ góp phần gây nên bất công xã hội và gia tăng khoảng cách giữa các tầng lớp dân chúng, vùng miền khác nhau.

Chúng ta cần một nghiên cứu toàn diện và độc lập để có thể đưa ra kết luận về nội hàm cũng giá trị thực tiễn của công nghệ giáo dục. Trong khi đó, cũng phải xem lại một trách nhiệm đạo đức : có nên sử dụng quá nhiều học sinh ở hơn 40 chục tỉnh thành làm "chuột bạch" thí nghiệm cho một mô hình giáo dục mà hiệu quả thực tiễn vẫn còn là ẩn số ?

Nguyễn Đức An

Nguồn : BBC, 12/09/2018

Tác giả Nguyễn Đức An là Phó Giáo sư Tiến sĩ Đại học Bournemouth, Anh

Quay lại trang chủ
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)