Báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 3 tháng Giêng năm 2019, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức đối thoại - về sách giáo khoa dạy theo "công nghệ giáo dục" - với ông Hồ Ngọc Đại, ông Nguyễn Kế Hào và các cộng sự của hai ông. Bài báo cho biết [1] "cuộc đối thoại có những lúc rơi vào cãi cọ, nặng lời, xúc phạm nhau" giữa "nhà nước" và "đối phương".
Ông Hồ Ngọc Đại (trái) và ông Nguyễn Kế Hào (phải).
Cho đến mãi sau này, người ta biết thêm, sách "công nghệ giáo dục" do ông Hồ Ngọc Đại "cầm đầu" đã được đưa vào sử dụng từ 40 năm trước và có chỉnh sửa nhiều lần, trước khi dẫn đến bộ sách mới nhất bị dư luận khen chê nhiều chiều, trong đó phần "chê" chiếm số đông.
Không ai gọi "tiếng cha đẻ".
tiếng Việt vốn đơn âm, vì vậy, khi dạy cho trẻ việc gọi là "tách tiếng" là việc làm phản khoa học. Ví dụ : chữ "cho anh", "cho em" không được phép đọc thành "choanh" hay "choem" ; Chữ "cái áo" không được phép đọc thành "cáo" hoặc chữ "thị tình" không được đọc thành "thịt tình" v.v...
Học sinh được tự do chọn hình khối, màu sắc để biểu thị cho các tiếng, theo phương pháp đánh vần của Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Ảnh: Quỳnh Trang.
Không chỉ người Việt Nam, bất kỳ dân tộc nào, trẻ em (nếu không mắc bệnh kiếm thính) đã biết nói trước khi biết chữ. Vì lẽ đó, khi tiếp xúc với chữ, trẻ con không cần phải hiểu có bao nhiêu âm (ví dụ : một câu có 6 âm, 8 âm v.v...). Điều này vô nghĩa.
Bước vào năm học đầu đời của trẻ, nhìn mặt chữ và làm quen chữ cái cũng như các âm (nguyên âm, phụ âm, nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, nguyên âm ba) được các nhà nghiên cứu giáo dục quan sát, phân tích rồi đúc kết để tạo ra lý thuyết phù hợp cho trẻ, theo cách giản dị : Từ dễ đến khó và từ đơn giản đến phức tạp.
tiếng Việt cũng phát âm khác nhau theo vùng miền. Do đó, có những vùng miền này nói, vùng miền khác không hiểu. Đó là điều bình thường như đã và đang diễn ra trên xứ sở Việt Nam. Nhưng, chữ viết buộc phải giống nhau và phải hiểu đúng cùng một ý nghĩa.
Vì vậy, không thể nào chấp nhận cách dạy trẻ con đọc các chữ : C, K, Q cùng đọc là "cờ". Cho đến nay, cuốn gọi là "sách" có tựa "Đường Kách Mệnh" của Hồ Chí Minh chủ biên là một bằng chứng khó chối cãi về sự bảo thủ cùng cực của người cộng sản Việt Nam. Đã thành "thánh nhân" như Hồ Chí Minh nhất quyết không bao giờ sai (!).
Cũng không thể chấp nhận cách dạy trẻ con đọc các chữ : D, G, R cùng đọc là "dờ". Đây là bằng chứng cho thấy sự bào thủ của ông Hồ Ngọc Đại bằng tư duy phiến diện với phát âm theo kiểu người Bắc. Ngay cả chữ D, GI, R người miền Bắc cũng phát âm giống nhau. Điều này cũng bình thường nốt. Nhưng không được phép viết "cây dù" (umbrella) trở thành "cây giù" hay "cây rù".
Nói đến đây, có thể nhiều người sẽ nói rằng : Hãy gọi là "cái ô". Không sai. Nhưng đó lại thêm bằng chứng xác nhận ngôn ngữ địa phương không phải là ngôn ngữ của một quốc gia. Không ai dám nói chữ "mẹ" hay chữ "má" (chữ "u", chữ "đẻ", chữ "bầm"...) hoặc chữ "ba", chữ bố" (chữ "thầy, chữ "cha", chữ "tía"...) chữ nào "đúng hơn", "hay hơn", "đẹp hơn" cả. Lý giải này, cho thấy rõ hơn tư tưởng đơn nguyên trong sách giáo khoa của người cộng sản Việt Nam ngày càng làm cho tiếng Việt nghèo nàn.
Trong tiếng Việt, chữ P, Q đứng riêng hoàn toàn vô nghĩa. P phải luôn luôn đi cùng H để tạo ra "PH". Q chỉ có nghĩa khi kết hợp với các nguyên âm đôi, nguyên âm ba để tạo ra "QU" (ví dụ : qua, quới v.v...).
Tiếng mẹ đẻ - không ai gọi là "tiếng cha đẻ" - dùng để nói lên mối liên hệ không gì thay thế được cho một đứa trẻ từ lúc lọt lòng mẹ. Người mẹ là người thầy đầu đời cho em bé, dù lúc đó nó chưa hiểu gì "chữ nghĩa".
Tiếng Việt không phải là tiếng Anh, nó không mang tính phổ quát toàn cầu. Vì vậy, tham vọng của Hồ Ngọc Đại - khi ông ta cho rằng - trong tương lai có thể phiên âm tiếng Việt ra "bất cứ thứ tiếng nào cũng được" [2] là một phát ngôn hoang tưởng - điều không nên có ở một người làm khoa học, đặc biệt lại làm khoa học về giáo dục mà lại là giáo dục căn bản cho trẻ em !
Tiếng Việt không còn giản dị, đẹp và dễ hiểu
Người dân có thể không nhớ từ khi nào chữ "Y" và chữ "I" được "coi như một" - chỉ khi có nguyên âm đôi, chữ "Y" mới còn vai trò của nó - nhưng người ta biết chính Hồ Ngọc Đại đã tàn phá chữ "Y" trong cái cách ông ta gọi là "sáng tạo" (!)
Ban đầu nhiều bậc phu huynh vô cùng khó chịu khi phải nhìn thấy những chữ : kì lạ, kỉ niệm, kí sự, lí lẽ, mĩ từ, ma quỉ v.v...nhưng người đời không biết làm sao, hơn là tập quen dần.
Trong khi tập quen dần, sự xỏ xiên lại bắt đầu nở rộ, ví dụ : người ta bỡn cợt khi gọi chữ "thúy" thành ra chữ "thúi", chữ "uy" thành ra chữ "ui" và nhiều người cũng phân vân không biết nên dùng chữ "quý" hay chữ "quí" để rồi cuối cùng chấp nhận "chữ nào cũng được" (!). Thế cho nên những người nào có tên hay chữ lót như : Đặng Đình Quý (Quí) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Quý Hòa (Nguyễn Quí Hòa) - Nguyên tổng giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sĩ hài Phú Quý (Quí) v.v... họ cũng mắc kẹt giữa mớ bòng bong do Hồ Ngọc Đại gây ra cảnh "nồi chữ xáo nghĩa" như thế !
Đó không thể là khoa học, bởi khoa học không được phép dung chứa "cái kiểu nào cũng được".
Chính từ việc tàn phá chữ "Y", sẽ rất kệch cỡm khi buộc phá bĩnh bằng nhưng chữ : iêu (thay vì yêu), thyểu não (thay vì thiểu não), phyền muộn (thay vì phiền muộn) v.v...
Không dừng lại ở hình thức "chữ", tiếng Việt - về "nghĩa" - cũng mai một theo thời gian.
Hai chữ : "xin" và "cho" cần được dùng chính xác với ngữ cảnh đặt ra. Ví dụ rất nhiều, người viết xin phép dẫn ra bằng một vài nhạc phẩm để rộng đường dư luận :
- Xin cho tôi yên ngủ phận này (Xin cho tôi - Trịnh Công Sơn)
- Xin hát lên cho mặt trời tình yêu rọi sáng chốn âm u ngục tù (Lửa tù - Đình Đại)
- Xin hỏi anh là ai, sao bắt tôi ? Tôi làm điều gì sai ? (Anh là ai - Việt Khang)
Nếu trong nhạc phẩm "Xin cho tôi" và "Lửa tù", chữ "xin" nói lên nỗi lòng thiết tha, khao khát về một điều gì đó thì nhạc phẩm "Anh là ai", chữ "xin" là một sự mỉa mai nhưng rất lịch sự (tương tự với câu : Anh lấy tư cách gì bắt tôi ?).
Ngày nay, người ta bắt gặp chữ "xin" và chữ "cho" đầy dẫy trong đời : Đơn xin tố cáo (tố cáo mà cũng phải xin !) ; Đơn xin cứu xét (người ta cứ ngỡ "cứu" là cứu giúp" nhưng "cứu xét" nghĩa là nghiên cứu-xem xét) ; Xin mời (đầy trong các hội nghị, diễn văn của quan chức từ cấp cao nhất) ; Đơn xin phong tặng (các loại) nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, thầy giáo ưu tú, thầy giáo nhân dân, thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân và tất cả các loại danh hiệu (anh hùng, liệt sĩ, huân chương này, huy chương nọ v.v...)
Không biết có phải do nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" tạo cảnh lá lai với "chữ nghĩa ăn mày" đầy nhóc như thế không nữa ?! Chỉ biết người cộng sản Việt Nam vốn luôn luôn thích thú sự "ban ơn bố thí" cho toàn dân, nên "cứ mở ti-vi" lên là nghe thấy... Thật não nề và ê chề cho dân tộc Việt Nam !
Kết Luận
Không thể nhìn giáo dục như một "trào lưu thời trang" để thay đổi xoành xoạch như Hồ Ngọc Đại và cộng sự của ông ta làm, rồi gọi tên "công nghệ" - một loại giống như "công nghệ tiệc cưới" vốn vô hồn trong các đám cưới ngày nay !
Không thể cải cách giáo dục trên vũng lầy "vô văn hóa - vô giáo dục" - nguồn gốc xuất thân của người cộng sản.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 05/01/2020 (nguyenngocgia's blog)
[1] https://tuoitre.vn/doi-thoai-gay-gat-giua-hoi-dong-tham-dinh-sach-va-gia...
[2] https://vnexpress.net/giao-duc/40-nam-thang-tram-cua-sach-tieng-viet-con...
Phần 3
Phân tích, so sánh và bình luận
Trong câu chuyện ông Hồ Ngọc Đại và Công nghệ giáo dục, giữa một mớ hỗn độn thông tin phê phán cũng như bênh vực, tôi biết tất cả những ai quan tâm đều phải suy tư và đặt ra những câu hỏi thế này : Cái gì là điều đúng ? Đâu là lẽ phải ? Ta có thể làm gì ? Đó là những câu hỏi rất đơn giản, nhưng mang tính triết học ở trong đó mà từ xa xưa các nhà triết học đã đặt ra. Trong một bộ phim tài liệu, Nỗi buồn sông Gianh năm 2016 kể về thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, tôi đã từng một lần đề cập đến ý này.
Nỗi buồn sông Gianh năm 2016 kể về thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra
Immanuel Kant, nhà triết học Đức thời kỳ khai sáng từng đặt ra những câu hỏi để khơi gợi ý tưởng cho con người suy nghĩ trước một vấn đề :
Tôi có thể biết được gì ?
Tôi nên làm gì ?
Tôi có thể hi vọng được gì ?
Trong 3 câu hỏi trên, riêng ngay chữ "biết" đã hàm chứa rất nhiều khía cạnh ở bên trong cần được làm rõ. Chúng ta biết điều gì ? Chúng ta đã nhìn nhận vấn đề từ đủ các mặt chưa, hay lại như đám thầy bói mù xem voi ? Những ai theo dõi nội dung và phần bình luận trong bài viết 1 và 2 về chủ đề Công nghệ giáo dục của tôi, chắc các bạn sẽ thấy rất nhiều bình luận trái chiều, và tôi nghĩ có rất nhiều người phân vân, có nhiều người chưa đồng tình với tôi, và không phải ai cũng thể hiện quan điểm của mình vào đó.
Trong các phản hồi, có những phê phán bài viết của tôi rất đúng. Ví dụ như chuyện hình vuông, hình tròn, hình tam giác có xuất hiện trong sách Công nghệ giáo dục, tôi đã phải nhận lỗi và sửa lại ngay trong bài thứ nhất về điều đó. Nhưng có những phản hồi làm rất nhiều người khó nghĩ, không biết chuyện tôi đang nói đúng sai thế nào, có đáng nói hay không.
Ví dụ như :
- Anh ơi, anh Thức đang tuyệt thực, có cần thiết nói chuyện này không ?
- Anh ơi, Trung Quốc đang thôn tính sáp nhập Việt Nam, có cần nói chuyện này không ?
- Anh ơi, ông Hồ Ngọc Đại ăn cắp phương pháp của ông A bà B đó.
- Anh ơi, đây là nhóm lợi ích muốn độc quyền sách giáo khoa...
Thậm chí, có những người như Thuy Le, một tiến sỹ đang nghiên cứu gì đó ở nước ngoài chẳng hạn, liên tục spam hàng chục những nội dung đả phá ông Hồ Ngọc Đại và Công nghệ giáo dục vào bài, mà chẳng liên quan gì đến nội dung, đến lý lẽ mà tôi đang trình bày trong bài viết. Dù không muốn, nhưng tôi đã phải mạnh tay block những người bình luận thiếu thiện chí như vậy. Vì sao ? Vì tôi đang làm cái việc giống như là vẽ nên một bức tranh.
Bức tranh là hình dung, là quan sát trong đầu của tôi về một điều gì đó. Tôi không muốn ai đem màu nước vẩy lên bức tranh, để rồi công chúng khi quan sát tác phẩm sẽ không được nhìn thấy những đường nét, màu sắc thật sự của nó. Hãy kiên nhẫn, tôi chưa nói hết đâu. Dù có thể không đồng tình với tôi, muốn chửi bới tôi cũng được, nhưng không thể làm mất trật tự khi phim đang chiếu trong rạp. Và quý vị vẫn có thể dùng cái quyền tự do ngôn luận mà phán xét tôi trên tường facebook nhà quý vị.
Chính vì những rắc rối như vậy, tôi quyết định thay đổi một chút cấu trúc bài viết này, để cùng bạn đọc trước hết đi vào làm rõ các khái niệm cũng như phương pháp để phân định đúng sai, có như vậy chúng ta mới tiếp tục đi sâu vào phân tích chuyện Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại một cách khách quan nhất.
Con người chúng ta nhận biết thế giới bằng 5 giác quan. Những hiện tượng và sự vật bên ngoài thế giới được chúng ta thông qua 5 giác quan, ghi nhận lại vào não bằng những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác. Nhưng thế giới rất rộng lớn. Có quá nhiều thứ mà ta không thể biết, không thể trải nghiệm trực tiếp bằng giác quan của mình, nhưng vẫn có nhu cầu phải biết, để có thể đưa ra quyết định cho mình trong cuộc sống. Chính vì thế, con người chúng ta giao tiếp với nhau, kể cho nhau những điều mình trải nghiệm, và đó chính là hình thức sơ khai của giáo dục. Nhưng vì không trải nghiệm trực tiếp, nên những thông tin, kiến thức đến với chúng ta lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đưa thông tin, rắc rối bắt đầu từ chỗ đó.
Một sự vật hiện tượng luôn có nhiều mặt, chưa cần nói sai, nói trái, thổi phồng về nó, chỉ cần nói thiếu thôi thì sự vật hiện tượng đã bị phản ánh méo mó, không trung thực vào trong não ta. Từ đó ta có thể có những quyết định sai lầm vì sự thiếu hiểu biết của mình. Giáo dục con người tự thân nó, trước hết là một công việc cao quý. Nó bắt đầu từ quan hệ huyết thống, gia đình, làng xóm. Bố mẹ dạy con, ông bà dạy cháu, già làng dạy thanh niên, người từng trải dạy người chưa biết. Khi xã hội loài người càng phát triển lên cao, việc truyền thụ kiến thức từ người này sang người khác càng phức tạp, đòi hỏi những người chuyên làm việc này, đó chính là thầy giáo. Và khi sự hợp tác của con người trong đời sống chuyển từ hình thức sơ khởi là thị tộc, bộ lạc lên đến hình thức đế chế, nhà nước, có một nhu cầu ngày càng cấp thiết của người cầm quyền là phải thống nhất được ý chí của mọi người để cùng hợp tác làm một điều gì đó. Lúc này việc truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm không còn đơn thuần mang ý nghĩa trao cho người khác nhận thức đúng về mọi việc, mà bắt đầu lồng ghép vào đó ý chí chủ quan của một số người có lợi ích nào đó, hoặc một giai cấp cầm quyền.
Hãy thử tìm hiểu một số khái niệm như : quảng cáo, tuyên truyền, nhồi sọ, tẩy não.v.v... Có thể thấy, để bán hàng người ta phải giới thiệu, chào hàng, thậm chí thổi phồng một số đặc tính của sản phẩm. Để thôn tính một nước lân bang, nhà vua phải hô hào dân chúng rằng, ngoài kia là đám người mọi rợ, đang đe dọa đến sự bình yên của chúng ta... đại loại như vậy. Trong Binh pháp Tôn Tử, người ta có thể thấy những mưu mẹo như : Thanh Đông kích Tây (聲東擊西-Dương Đông kích Tây, vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại), Vô trung sinh hữu (無中生有-Không có mà làm thành có)... Trong thời kỳ hiện đại, người ta nghe nhiều đến thuyết Chủng tộc Aryan thượng đẳng của Hitler, đến lý thuyết tuyên truyền "Một lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lý". của Goebbels - Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã... Đó là một số ví dụ tiêu biểu để thấy việc truyền thụ thông tin, kiến thức theo thời gian đã bị dùng vào việc định hướng suy nghĩ, tình cảm và hành động của con người như thế nào.
Với vị thế lâu đời, với danh nghĩa cao quý, giáo dục là một việc bị lợi dụng nhiều nhất trong việc áp đặt ý chí chủ quan của một nhóm thiểu số lên số đông trong xã hội. Giáo dục vì thế là cái dễ nhìn thấy nhất để phân biệt một xã hội tự do hay độc tài chuyên chế. Nhìn sâu vào giáo dục ở nơi thiếu tự do tư tưởng, người ta mới hiểu được chuyện tại sao "chim trên cây cũng phải khóc thương" Kim Jong il - lãnh tụ Bắc Hàn, tại sao lực lượng cờ đỏ chửi bới, tấn công người cười cợt với hình ảnh lãnh tụ ở Việt Nam... Giáo dục khi không còn chỉ mang mỗi chức năng truyền thụ kiến thức, nó sẽ trở thành công cụ tẩy não, nhồi sọ của nhà cầm quyền với người dân.
Giờ là lúc tôi quay lại với chuyện ông Hồ Ngọc Đại. Để tìm hiểu và so sánh sách Công nghệ giáo dục và sách theo chương trình của bộ Giáo Dục, tôi đã tìm và nắm được trong tay một đống các sách giáo khoa gồm :
- Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 âm-chữ, tập 2 vần, tập 3 tự học, tái bản lần thứ 9, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục
- Giáo án bộ môn Tiếng Việt lớp 1, theo Công nghệ giáo dục.
- Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1,2 tái bản lần thứ 16, do Đặng Thị Lanh chủ biên, theo chương trình đại trà.
- Sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ nhất, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục.
- Sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ 13, do Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, theo chương trình đại trà.
- Sách Đạo Đức lớp 4, tái bản lần thứ 13, do Lưu Thu Thuỷ chủ biên, theo chương trình đại trà.
- Sách Toán lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ nhất, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục.
Đây chưa phải là toàn bộ những sách giáo khoa trong cả 2 loại chương trình, nhưng có thể giúp tôi nhận ra một số vấn đề.
Thứ nhất, đi tìm những hình ảnh, lời thơ, bài viết có nội dung liên quan đến nhân vật chính trị Hồ Chí Minh tôi thấy :
- Trong sách Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục xuất hiện 2 lần trong tập 1 (trang 7,10) 2 lần trong tập 3 - Sách tự học (trang 84,88).
- Trong sách Tiếng Việt lớp 4 theo Công nghệ giáo dục xuất hiện 1 lần trong tập 1 (trang 6) 1 lần trong tập 2 (trang 85).
- Trong sách Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình đại trà xuất hiện 5 lần trong tập 2 (trang 12,49,50,99,160).
- Trong sách Tiếng Việt lớp 4 theo chương trình đại trà xuất hiện 3 lần trong tập 1 (trang 22,82,116) 3 lần trong tập 2 (trang 21,137,138).
Như vậy, nếu quý vị không ưa sách theo Công nghệ giáo dục chỉ vì có hình tượng Hồ Chí Minh trong đó, con cái quý vị sẽ phải học một bộ sách khác với tần xuất lãnh tụ dày đặc hơn.
Chưa hết, thứ hai là... hãy xem kỹ cách thức học tiếng Việt trong hai loại sách. Hồ Chí Minh xuất hiện trong sách Công nghệ giáo dục cùng với nhiều nhân vật lịch sử khác chỉ như là một ví dụ về câu, từ để học sinh học sâu về cấu trúc ngữ âm, ngữ pháp. Còn bên mảng sách đại trà, Hồ Chí Minh xuất hiện trong đó như là một tấm gương đạo đức sáng ngời, và đặc biệt hãy để ý các câu hỏi gợi ý sau mỗi nội dung có Hồ Chí Minh. Hãy xem các hình ảnh sau trong sách lớp 1 đại trà :
Và xem các hình ảnh sau trong sách lớp 4 đại trà :
Sách Công nghệ giáo dục từ lớp 1 đến lớp 4 rèn cho học sinh quy tắc ngữ pháp, hình tượng Hồ Chí Minh có xuất hiện hay không chỉ là một nhân vật, một tình huống, một ví dụ về câu văn hay từ ngữ để học tiếng Việt. Sách đại trà từ lớp 1 đến lớp 4 người ta rèn cho học sinh biết thế nào là đạo đức cách mạng, thế nào là lãnh tụ vì nước vì dân, lại còn cho trẻ con phát biểu cảm nghĩ một cách rất sâu sắc như người lớn. Ông Đại để học sinh đọc ra rả về Hồ Chí Minh xong rồi bắt phân tích từ ghép, từ láy, ngữ âm, chủ vị... chả có phần phân tích, nhận định và phát biểu cảm nghĩ về nhân vật gì cả, làm học sinh coi lãnh tụ cũng bình thường chỉ như con gà, con chó, con ếch xuất hiện quanh ta. Theo tôi đây là một thất bại nặng nề của ông Hồ Ngọc Đại trong việc giáo dục con người mới xã hội chủ nghĩa, nếu ông có ý định như vậy.
Hãy đọc trang đầu tiên của sách Công nghệ giáo dục lớp 4
Ông Đại dạy thật là rắc rối. Từ lớp 1 lên đến lớp 4, tại sao ông lại cung cấp tỉ mỉ cho học sinh toàn bộ những kiến thức để học sinh có thể tự tư duy và suy luận. Tại sao không dạy theo lối để cô giáo chỉ bảo cho học sinh đâu là trắng thì phải là trắng, đâu là đen thì nhất định phải là đen, cho dễ quản lý. Để học sinh nắm chắc cặn kẽ lý thuyết, rồi để nó tự do phát triển lung tung, đến lúc nó nói ra cái gì đụng chạm thì ông có cãi lại được chúng nó không ? Lệnh lạc về tư tưởng bắt đầu từ đây, phai nhạt lý tưởng bắt đầu từ đây, ông cãi đi !
Trước đây tôi định viết tiếp ở phần này về những gì ghi nhận được qua ý kiến của cha mẹ học sinh đã học theo chương trình Công nghệ giáo dục, nhưng quyết định dừng lại. Ai muốn tìm hiểu tự đi mà tìm. Trường nào cũng có thông tin đầy trên internet. Nhỡ mà con quý vị sau này thành phản động lại trách tôi.
Phần sau, phần cuối cùng có thể tôi sẽ viết tiếp về giáo dục Việt Nam nói chung cũng như thái độ cần có của chúng ta. Nếu ai không sợ bị phai nhạt lý tưởng cộng sản, không sợ mất lập trường cách mạng thì mời đón đọc. Đừng quên chia sẻ bài viết này của tôi.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 17/09/2018
Phần 2
Tìm hiểu triết lý giáo dục của Hồ Ngọc Đại
Chào mừng các bạn quay trở lại đọc bài viết thứ hai trong loạt 4 bài viết của tôi về chủ đề công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại.
Lý thuyết tháp nhu cầu của Maslow
Như các bạn đã theo dõi trong bài viết trước, trong các bình luận ngay bên dưới đó, cuộc tranh cãi về Công nghệ giáo dục trong xã hội chúng ta chưa thể kết thúc. Ngay khi tôi đang gõ những dòng chữ mở đầu bài viết này thì điện thoại của tôi vẫn đang nảy tưng tưng thông báo có các bình luận trong bài viết đó. Người khen cũng nhiều, mà người chửi cũng lắm, nên thú thực là tôi cũng bị sức ép vô cùng lớn.
Theo như dự định từ trước thì bài viết này tôi sẽ tập trung vào mổ xẻ và phân tích triết lý giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại. Nhưng có lẽ các bạn hãy cho phép tôi trước hết bàn luận xa hơn một chút, đó là bàn về việc tại sao mình cãi nhau.
Từ xa xưa khi con người sinh ra, tổ tiên chúng ta đã vượt trội mọi giống loài khác trên hành tinh này bởi khả năng tư duy, học hỏi, phát kiến, để rồi dần làm chủ cuộc sống. Trong 1 triệu năm tiến hóa, dù hình thể, dáng đứng, bàn tay hay những thứ khác trên cơ thể con người chúng ta có thay đổi để phù hợp với tập tính cũng như việc cầm nắm công cụ lao động, nhưng thay đổi quan trọng nhất chính là tư duy trong não chúng ta.
Tư duy là một hệ thống quan niệm, tri thức, bài học mà con người nhận được từ cuộc sống, từ người khác, ghi vào trong não bộ, và rồi chính nó quay trở lại chi phối mọi hành động, thái độ, tình cảm của con người. Nhưng thế giới rất rộng lớn. Mỗi người đều có những trải nghiệm và bài học không hoàn toàn giống nhau, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến tư duy của chúng ta là khác nhau.
Những tranh cãi về Công nghệ giáo dục mà chúng ta đang chứng kiến ở đây không có gì mới trong 1 triệu năm hình thành và phát triển loài người. Con người chúng ta có lịch sử cãi nhau 1 triệu năm, từ chuyện cách hạ con voi Ma mút như thế nào, dựng lều trại, giữ lửa ra làm sao... cho đến những chuyện có Chúa hay Phật không, trái đất tròn hay vuông, mặt trời có phải là trung tâm của vũ trụ hay không. Cãi nhau về mọi chủ đề trong cả triệu năm, nhưng đến giờ chúng ta vẫn rất hăng hái làm việc đó, bởi vì suy cho cùng, nhu cầu nhận thức đúng đắn những điều quanh ta là để con người có khả năng hành động nhằm thoả mãn những điều mong ước của mình.
Bạn mong ước điều gì ? Người khác mong ước điều gì ? Dù có khác nhau về dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, lứa tuổi, nghề nghiệp, xuất thân, quan điểm xã hội thì con người vẫn có điểm chung là mong mình được thoải mái, được an toàn, được hạnh phúc.
Maslow là người đã đưa ra lý thuyết nổi tiếng về tháp nhu cầu, trong đó thể hiện rõ theo từng thứ bậc những mong muốn của con người. Thiếu bất cứ một nhu cầu gì từ thấp đến cao, con người còn đấu tranh, và đó chính là nguyên nhân gây ra xung đột cũng như sự hợp tác phát triển trong thế giới loài người. Trong quá trình lao động và nhận thức thế giới, từ thời cổ đại các nhà triết học đã đưa ra những khái niệm, những lý lẽ khác nhau về vai trò cũng như sự tồn tại của con người với thế giới xung quanh, và đó là tiền đề dẫn hướng cho nhiều trường phái, tôn giáo, văn hóa khác nhau. Mang theo những quan điểm khác nhau đó, loài người vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong hàng ngàn năm, để rồi có một thế giới hiện đại như ngày nay chúng ta đang sống. Lý thuyết "con người là trung tâm", đây là điều căn bản mà tôi đã phải trình bày rất dài ở trên, cuối cùng chỉ để dẫn các bạn đến điều này.
************
"...Năm 1968, ông Hồ Ngọc Đại là một trong 2 người được cử sang Liên Xô để học tập kiến thức và tiếp thu các phương pháp học tập mới.
Khi đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2, ông Đại đã bắt đầu tích lũy được kiến thức về tâm lý học, làm quen với lý thuyết trong lĩnh vực giáo dục của Galperin và có thời gian theo dõi thực nghiệm của các nhà khoa học trong lĩnh vực này là Elkonin – Đavưđov..." (1)
Ông Hồ Ngọc Đại đã rất nhiều lần bày tỏ với truyền thông và báo chí về quan điểm lấy "học sinh làm trung tâm". Ngay trong mấy trang đầu tiên sách Tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục cũng in một bức tranh học sinh tới trường, với hai khẩu hiệu nổi bật là "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui" và "Đi học là hạnh phúc". Tôi cho rằng triết lý lấy "học sinh làm trung tâm" chính là bắt nguồn từ triết lý lấy "con người làm trung tâm" của phương Tây khi ông học tập tại Liên Xô mà tôi sẽ đề cập dưới đây.
"Con người là trung tâm" là một câu nói rất cô đọng của một chủ thuyết có lịch sử rất lâu đời, có nhiều phái hệ, có sự thăng trầm theo thời đại. Mỗi người chúng ta có thể nghe thấy điều này từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tôi đồng ý với ý kiến của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Sỹ Quý rằng, khái niệm con người là trung tâm được thừa nhận và bàn luận ở Việt Nam vào khoảng từ những năm 1990, khi Tổ chức phát triển Liên hợp quốc UNDP bắt đầu lấy đó làm tiêu chí cho hoạt động của mình. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, các bạn có thể tham khảo thêm bài "Con người là trung tâm : sự khác biệt giữa hai quan điểm tiêu biểu" (2).
Khi lấy "con người làm trung tâm", UNDP đã đưa ra một quan niệm mà mọi chế độ chính trị xã hội hiện nay đều phải thừa nhận. Cộng sản hay tư bản, quân chủ hay hay lập hiến, độc tài hay dân chủ... dù thực chất bên trong có coi trọng con người hay không, tất cả các chế độ chính trị khác nhau đều phải thừa nhận giá trị này.
Ý niệm coi "con người là trung tâm" không phải do UNDP phát minh ra, mà nó là cả hệ thống lý luận được nghiên cứu từ thời cổ đại phương Tây với nhiều nhánh hệ khác nhau. Tư tưởng đó lúc mạnh lúc yếu, nhưng đã tác động rất sâu rộng đến mọi ngành nghề, trong đó có việc giáo dục con người, đặc biệt là ở phương Tây, nơi sản sinh ra nó. Tuy nhiên, song hành với nó trên toàn thế giới còn nhiều hệ tư tưởng khác, có ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm giáo dục. Trên thế giới có tám nền văn minh chính, bao gồm : văn minh phương Tây, văn minh Nho giáo, văn minh Nhật Bản, văn minh Hồi giáo, văn minh Ấn giáo, văn minh của người Slav – Chính thống giáo, văn minh Mỹ Latinh và văn minh Châu Phi. Liên quan đến Việt Nam, có thể kể đến ngay Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) ở nước Lỗ, là triết gia cổ đại với tác phẩm Luận Ngữ, là có ảnh hưởng nhất. Cách nhìn về giáo dục của Khổng Tử từ hàng ngàn năm đã ảnh hưởng lên xã hội Trung Quốc và các nước láng giềng như Triều Tiên, Việt Nam, và Nhật Bản. Khổng Tử đặt vị thế của người thầy rất cao về tri thức và đạo đức, phải làm gương cho học trò, phải am hiểu để truyền đạt kiến thức cho học trò. Ngay trong ca dao tục ngữ từ bé chúng ta đã được nghe những câu như : "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".
Nhắc sơ qua như vậy, các bạn đã dần hình dung ra sự mâu thuẫn giữa hai luồng tư tưởng lấy "học trò làm trung tâm" và lấy "thầy giáo làm trung tâm" chưa nhỉ ?
Việt Nam với đặc điểm là một nước có một ngàn năm Bắc thuộc, lại ảnh hưởng văn minh phương Tây từ thế kỷ 18 với sự đô hộ của thực dân Pháp, nên thực chất mỗi con người chúng ta sinh ra và lớn lên ở Việt Nam đều chịu sự ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Nho Giáo và Phương Tây. Cho nên, tôi cho rằng cuộc tranh cãi về công nghệ giáo dục thực chất là cuộc xung đột giữa các nền văn minh, ngay trong lòng mỗi người Việt Nam. Đây không phải chuyện thiên hạ chửi nhau với ông Đại, không phải chuyện các bạn chửi nhau với tôi, mà là chính chúng ta đang xung đột với chính mình trong tư tưởng, nhưng không nhận ra. Sự phức tạp này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm "Sự va chạm giữa các nền văn minh" của Samuel P. Huntington (1993) (3).
Quay trở lại chuyện Công nghệ giáo dục, năm 1978 ông Hồ Ngọc Đại lập trường Thực Nghiệm ở Giảng Võ, Hà Nội. Đây là cái nôi đầu tiên thí nghiệm phương pháp giáo dục mà ông Hồ Ngọc Đại đưa ra. Nhà giáo Phạm Toàn là người cộng sự của ông Hồ Ngọc Đại kể từ lúc đó, cho đến khi tách ra lập nhóm giáo dục Cánh Buồm. Lúc ban đầu tôi có tham vọng viết sâu về triết lý của Công nghệ giáo dục, nhưng sau khi tìm tòi tài liệu, tôi thấy mình không thể lý giải hay hơn về vấn đề này bằng ông Phạm Toàn trong tác phẩm "Hợp Lưu Các Dòng Tâm Lý Học Giáo Dục" Nhà xuất bản : Tri thức, Hà Nội, 2008. Các bạn có thể tìm hiểu sơ qua trong trích đoạn sau, là bài viết giới thiệu cuốn sách đó của ông Vũ Quang Việt :
"...Triết lý Công nghệ Giáo dục nếu hiểu một cách đại thể, dựa vào chính kinh nghiệm của người đọc này, là một triết lý giáo dục dựa vào các kết quả của nghiên cứu tâm lý giáo dục trên thế giới, đặc biệt là Piaget và sự vận dụng ở Nga vào thực tiễn theo từng giai đoạn phát triển của trẻ em trên trục định hướng không khác mấy với Piaget, và nhất là vào kết quả thực chứng từ công việc các tác giả này thực hiện ở Việt Nam : Công nghệ Giáo dục Việt Nam đã mở rộng và thoát ra khỏi hoàn cảnh chỉ có một trường thực nghiệm như trường Jean-Jacques Rousseau của Piaget và trường số 91 của Viện Tâm lý học ở Moskva. Nó muốn thay thế nền giáo dục nhồi nhét, thày đọc trò chép, về nhà thì học thêm và gò lưng luyện giải bài mẫu. Dựa vào kinh nghiệm ở Mỹ, theo người đọc sách này hình dung, Công nghệ Giáo dục của Hồ Ngọc Đại có thể cũng khá sát phương pháp giáo dục thực hiện ở các trường theo phương pháp Montessori, bắt nguồn ở Geneva, quê hương của Piaget, hay phương pháp mà các trường tiểu học và trung học do Tổ chức Liên Hợp Quốc hiện đang quản lý gián tiếp (tiếp nhận ảnh hưởng của Piaget).
Đơn giản là các trường loại này phát triển các hoạt động dựa vào hợp tác nhóm, nhưng theo dõi, dạy và để học sinh phát triển theo nhịp điệu của từng em, không tạo cạnh tranh làm trẻ em mất tự tin, do đó trong giai đoạn tiểu học, các trường này không cho điểm, không xếp hạng học sinh, nhưng theo dõi kỹ, đánh giá mặt yếu, mặt mạnh và làm việc thường xuyên với phụ huynh để hướng dẫn học sinh tiến bộ thêm. Không phải hầu hết các trường Mỹ theo phương pháp này, nhưng phải nói là các trường và cha mẹ muốn phát triển trẻ em hài hòa tự tin thì thường đi học các trường này. Các trường áp dụng phương phát này chỉ dễ thực hiện với lớp ít học sinh. Ở lớp theo phương pháp Montessori ở Mỹ, và ở cả trường Liên Hợp Quốc, một lớp học thường không quá 25 em, với một giáo viên chính và một trợ lý giáo viên (đó là chưa kể các giáo viên dạy nhạc, vẽ, thể dục)..." (4).
Bài viết tôi vừa dẫn link rất dài, khá phức tạp. Nhưng nói cho đơn giản, bạn có thể nhảy lên một chiếc xe hơi điều khiển rất ngon lành mà chưa chắc bạn đã hiểu hết những công nghệ tinh vi bên trong nó. Công nghệ giáo dục cũng y như vậy. Những phát kiến trong mọi lĩnh vực khoa học ngày càng lớn và một con người bây giờ không thể hiểu đủ kiến thức do chính con người phát minh ra. Bây giờ đâu phải như thời tiền sử, cha có thể dạy con mọi điều ngoài kia, như việc đi săn thú hay nhóm lửa nấu ăn. Nhưng nếu bạn vẫn muốn tìm hiểu thực chất bên trong Công nghệ giáo dục, ít nhất bạn hãy đọc thật kỹ bài viết tôi vừa dẫn link bên trên. Có rất nhiều điều trong bài viết đó làm bạn vừa hiểu được bản chất của Công nghệ giáo dục, vừa hiểu được lý do tại sao Công nghệ giáo dục 40 năm qua trầy trật ở Việt Nam. Càng tìm hiểu sâu về bản chất của Công nghệ giáo dục, tôi càng thấy kiến thức của mình quá hạn hẹp. Chính vì thế như tôi nói ở bài 1, có rất nhiều phụ huynh hay thầy cô giáo khi mới tiếp xúc với Công nghệ giáo dục đã phản ứng dữ đội. Điều này theo tôi bắt nguồn từ việc chưa hiểu rõ triết lý, chưa tin tưởng vào Công nghệ giáo dục. Tôi đố ông thợ sửa xe nào đang quen sửa Huyndai chẳng hạn nhảy sang sửa xe đua Ferrari đó, biết gì về nó mà sửa. Đó, những phát ngôn có phần nóng nảy làm phật lòng nhiều người của ông Hồ Ngọc Đại có lẽ cũng bắt nguồn từ đây.
Hồ Ngọc Đại là một nhà giáo chỉ quan tâm đến học sinh. Chấm hết ! Khi bạn đi sửa xe, bạn sẽ chọn nơi có người thợ quan tâm đến từng con ốc trên cái xe của bạn, hay chọn nơi ngon ngọt dỗ dành bạn bằng những lời bùi tai ? Và xe hơi nói chung thì cũng có đủ loại từ Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc hay Tàu... cái nào cũng chạy được, nhưng sự lựa chọn là ở bạn.
Tôi chưa có điều kiện khảo sát hết những nơi đang áp dụng Công nghệ giáo dục trên cả nước, nhưng đã gặp vài cha mẹ có con theo học tại Trường tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội - viết tắt là CGD. Trường tư thục này mua bản quyền Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại, mỗi lớp chỉ 25 cháu. Các cháu đọc thông viết thạo, bản lĩnh và tự tin, không chửi bậy, rất đoàn kết và có tình thân ái với bạn bè. Giáo viên buổi sáng giảng bài, buổi trưa cùng ăn, buổi chiều xắn quần đá bóng với học sinh. Từ lớp 4 trở lên mới bắt đầu cho điểm học sinh. Cuối tháng có nhận xét từng môn qua email, cuối kỳ có giấy nhận xét từng bạn, của ai nhà đó giữ, ko biết bạn bên cạnh thế nào. Trước đây học sinh về nhà không phải làm bài tập, nhưng do sức ép của một số phụ huynh nên ở đây bắt đầu giao một chút bài tập về nhà. Tuy nhiên khối lượng bài tập là rất nhẹ so với trường công, và không có chuyện phải đi học thêm bất cứ môn nào.
Ngoài trường CGD còn có trường Victory ở Hà Đông cũng đang mua lại chương trình dạy theo Công nghệ giáo dục. Trường Thực nghiệm Giảng Võ thì hiện nay là trường công, học phí rẻ, nhưng lớp lên đến 40-45 cháu (5).
Xin nhắc lại một ý tôi đã nói trong bài viết trước : "tôi quyết định sẽ viết về vấn đề này, để tự minh định cho mình một thái độ đối với chương trình Công nghệ giáo dục, đồng thời chia sẻ ý kiến cá nhân tôi với những ai quan tâm". Tôi không có lợi ích hay bất kỳ liên quan nào trước đây với Công nghệ giáo dục. Đậu chủ tịch con tôi năm nay chưa đi học. Tôi vẫn đang tìm hiểu và cân nhắc việc sẽ cho nó đi học ở đâu. Nhưng dù học ở đâu, theo phương pháp nào, tôi vẫn tin rằng nó sẽ hài lòng và vượt qua. Giống như bố nó, khi cuộc đời bắt ta phải đi một con đường xấu đầy ổ gà, ta vẫn phải chấp nhận đi qua, và nuôi ước vọng rồi một ngày sẽ có đủ sức lực để quay lại sửa con đường đó cho tốt hơn.
Cảm ơn tất cả các bạn đã theo dõi bài viết rất dài này của tôi. Xin hẹn gặp lại các bạn trong phần 3, nơi tôi sẽ tìm hiểu về vấn đề nhồi sọ chính trị mà rất nhiều người quan tâm, đồng thời so sánh sách theo Công nghệ giáo dục và sách theo chương trình của bộ Giáo dục hiện nay.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 17/09/2018 (nguyenlanthang's blog)
(1) https://m.viettimes.vn/cong-nghe-giao-duc-va-nhung-dieu-la-lung-cua-gs-ho-ngoc-dai-302997.html
(2) http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/con_nguoi_la_trung_tam_hai_quan_diem_tieu_bieu-e.html
(3) http://nghiencuuquocte.org/2013/09/08/54-clash-of-civilizations/
(4) http://zung.zetamu.net/2012/07/một-bai-của-vu-quang-việt-về-cai-gọi-la-cong-nghệ-giao-dục/
Phần 1
Hồ Ngọc Đại - Ông đang dạy cái gì ?
Những phản ánh về nội dung cuốn sách trên mạng xã hội có đúng không ?
Vừa đúng vừa không !
Đúng là có trang sách in hình ông Hồ Chí Minh với câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" ngay bài đầu tiên trang số 7.
Đúng là có trang sách với các nội dung về "quả bứa", về "cá gỗ", về "phép lịch sự", về "dỗ bé", về "bé xách đỡ mẹ", về "cháo rìu", về "vẽ gì khó".
Không đúng là, hoàn toàn không có bài toán chặt ngón tay trong sách công nghệ giáo dục. Nội dung đó cùng với một số nội dung phản cảm khác được đưa lên mạng xã hội để gán ghép cho sách công nghệ giáo dục, qúy vị và các bạn có thể tìm hiểu thêm qua nội dung bài báo từ năm 2013 này (1).
Không đúng là, các hình tròn và tam giác được chế thêm để phản đối nội dung sách công nghệ giáo dục. Nội dung sách công nghệ giáo dục hoàn toàn không có hình tròn hay hình tam giác. Chỉ có mỗi hình vuông được chọn và thể hiện trong sách nhằm giúp trẻ tập đọc và phân biệt từng chữ, từng từ, từng tiếng trong cả câu văn.
Đặc biệt, sách của chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại không liên quan gì hết đến việc đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền. Cái này rất nhiều người nhầm lẫn.
Những người lên tiếng về sách công nghệ giáo dục là những ai ?
Theo quan sát cá nhân của tôi thì những người lên tiếng và phản ứng về sách công nghệ giáo dục gồm có :
- Theo trình độ, nghề nghiệp : Từ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, luật gia, thầy giáo... cho đến những người thuộc giới bình dân như bán quần áo, bán hoa quả, lái xe taxi, nông dân... đều lên tiếng. Điều này chứng tỏ sự quan tâm đến công nghệ giáo dục nói riêng cũng như việc giáo dục nói chung của mọi tầng lớp xã hội là rất lớn. Theo tôi đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên các ý kiến phản đối bắt đầu xuất hiện từ một số người trong giới tinh hoa của xã hội, sau đó lan rộng đến các giới khác, và hầu hết giới bình dân đều phản đối.
- Theo vùng miền và lãnh thổ : Từ Bắc, Trung, Nam cho đến người Việt hải ngoại đều lên tiếng về vấn đề này, trong đó phản ứng phản đối mạnh nhất là từ miền Trung và Nam cùng với người Việt hải ngoại. Điều này theo lý giải cá nhân của tôi là do những vùng miền có tiếng địa phương hay những người đã được học theo chương trình giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa sẽ có cảm nhận tiêu cực khi sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục dạy đánh vần hay phát âm theo tiếng Bắc, đồng thời có những ác cảm nhất định với công cuộc cải cách giáo dục dài lê thê chẳng đi đến đâu nói riêng và tình hình chính trị xã hội Việt Nam nói chung suốt mấy chục năm qua.
- Theo đối tượng trực tiếp hay gián tiếp tiếp xúc với công nghệ giáo dục : Cả hai đối tượng đều có sự phản đối hay bênh vực đan xen lẫn nhau. Có những thầy cô giáo giảng dạy lâu năm theo cách đánh vần cũ đã rất phản đối cách đánh vần theo công nghệ giáo dục. Nhưng cũng có những thầy cô giáo đánh giá cao chương trình theo công nghệ giáo dục. Có nhiều cha mẹ khi tiếp xúc lần đầu với sách công nghệ giáo dục phản đối rất dữ, nhưng không thấy mấy ai là cha mẹ hay học sinh từng học hết chương trình công nghệ giáo dục bậc tiểu học lại phản đối việc học đánh vần theo sách này.
Sách công nghệ giáo dục qua các thời kỳ bộ trưởng Bộ Giáo dục
Sách Tiếng Việt chỉ là một trong cả bộ sách giáo khoa tiểu học của chương trình công nghệ giáo dục do ông Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Những mốc chính của công nghệ giáo dục từ khi hình thành cho đến bây giờ có thể điểm lại như sau (2) :
(Trích)
- Năm 1978 Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội.
- Năm 1986, chương trình Công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi thực nghiệm.
- Năm 2006, Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ : Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số.
Ông cho biết, mình đã nhận được sự ủng hộ của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy Lào Cai, đạt được kết quả khả quan.
- Mấy năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thêm 5 tỉnh tiếp tục thí điểm là : Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm mở dần thêm mấy tỉnh.
- Năm học 2014 - 2015 có 37 tỉnh, thành. Người quyết định mở rộng phạm vi áp dụng Công nghệ giáo dục chính là (nguyên) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận.
Còn theo bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học thời điểm năm 2013, khi trả lời báo Giáo dục và Thời đại bà Thắm cho biết :
- "Trước năm 1995, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã được triển khai tại 43 tỉnh thành nên các địa phương đã biết đến Công nghệ giáo dục.
- Năm 2007, tài liệu được hoàn thiện và đã được Bộ Giáo dục và đào tạo nghiệm thu.
- Năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo đây là một trong 5 giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
- Năm học 2011 - 2012, chủ trương của Bộ dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục để nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt.
- Trong quá trình triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các địa phương tự nguyện đăng ký tham gia, số lượng tăng dần, chỉ riêng năm học 2013 - 2014 tăng thêm 19 tỉnh.
- Các tỉnh đã tích cực, sát sao trong quản lý, chỉ đạo, giáo viên nhiệt tình, hào hứng khi tiếp thu và thực hiện dạy tài liệu.
- Đến năm học 2013 - 2014 đã có 37 tỉnh đăng ký tham gia triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.
...
Theo lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với báo Giáo dục và Thời đại cùng một số tờ báo khác, người giúp ông đưa bộ sách nào vào chương trình giáo dục phổ thông ở các địa phương có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
"Đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận cũng hết sức ủng hộ. Song Bộ trưởng cũng rất thận trọng khi tìm hiểu để đi đến quyết định cho nhân rộng việc triển khai bộ sách tại các tỉnh thành.
Chính Bộ trưởng đã đích thân vào tận các trường có học sinh dân tộc để kiểm tra thực tế việc dạy học Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục.
Sau khi tự mình đi kiểm tra tại 5 trường học sinh dân tộc, Bộ trưởng đã thấy hiệu quả về cách dạy học này nên đã mời luật sư tư vấn về luật và quyết định cho các địa phương triển khai đại trà trên tinh thần tự nguyện".
"Lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo đã nhìn thấy lợi ích của dân tộc nên đã ủng hộ rất nhiệt tình trong quá trình triển khai nhân rộng tại các địa phương.
Khi nhận được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và đào tạo thì bộ sách Tiếng Việt đã được đưa vào dạy trong các nhà trường một cách thuận lợi".
Còn trên báo Vietnamnet, Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể rằng :
"Để mục sở thị hiệu quả dạy học tiếng Việt bằng Công nghệ giáo dục, anh Luận âm thầm mua vé tàu đi Lào Cai, thuê xe ôm đi đến 5 trường trong vòng hai ngày.
(Hết trích)
Nhưng mọi chuyện với chương trình công nghệ giáo dục bắt đầu có khó khăn kể từ khi bộ trưởng giáo dục mới Phùng Xuân Nhạ nhậm chức tháng 6/2016. Đó chính là việc xuất hiện bài báo vừa trích ở trên với tựa đề "Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ?" cùng với một loại bài khác có link đính kèm trong đó. Sau đó còn một loạt bài báo khác lác đác xuất hiện trong năm 2017, 2018 nhưng dư luận chưa thực sự chú ý lắm.
Chỉ đến khi dư luận phẫn nộ với "sáng kiến" cải tiến chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền một thời gian thì bắt đầu một loạt các fanpage không biết do ai quản lý, có số lượng theo dõi lớn trên facebook bắt đầu đưa vấn đề sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục ra, cắt chụp một hai trang sách trong đó để suy diễn, gán ghép chuyện công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại với việc "cải tiến" chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền. Rồi nhiều hot facebooker bắt đầu chia sẻ và bình luận theo hướng tiêu cực mà các fanpage kia đưa ra, rồi dẫn tới sự chia sẻ ồ ạt của những người khác nữa.
Cho đến hiện nay sự tranh cãi vẫn chưa chấm dứt, nhưng có thể quan sát thấy mấy việc sau :
- Không có giáo viên nào gắn bó lâu dài với chương trình công nghệ giáo dục phản đối.
- Không có học sinh nào đã qua bậc tiểu học theo công nghệ giáo dục phản đối.
- Không có cha mẹ nào có con em đã trải nghiệm qua công nghệ giáo dục phản đối.
Chính vì việc này, tôi ngờ rằng công nghệ giáo dục đã bị dư luận hiểu sai, và quyết phải đi tìm sự thật. Để tìm hiểu cặn kẽ sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục, tôi nghĩ phải đặt nó vào tổng thể bộ sách tiểu học theo công nghệ giáo dục, phải tìm hiểu triết lý đằng sau phương pháp của ông Hồ Ngọc Đại, so sánh nó với cái trước đây đã có ở Việt Nam, đồng thời so sánh với giáo dục ở nước ngoài. Đó sẽ là phần tiếp theo, tôi sẽ trình bày trong phần sau.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 12/09/2018 (nguyenlanthang's blog)
(1) https://vtc.vn/truy-tim-bai-toan-chat-ngon-tay-d135945.html
"Trong y văn thế giới, đánh vần theo "Công nghệ giáo dục" ô vuông, tròn, tam giác là một sáng kiến của nhà tâm lí học người Nga D. B. Elkonin nhằm "điều trị các trẻ em gặp khó khăn trong đọc và viết".
Elkonin là người thầy của ông Hồ Ngọc Đại !
Chúng ta biết rằng, lời nói được xây dựng bằng chữ (words). Chữ được cấu thành từ âm tiết (syllables). Âm tiết được hình thành từ âm thanh hay tiếng (sound). Phonemes là đơn vị nhỏ nhất của âm thanh (cũng như nucleotide trong di truyền học vậy). Trong tâm lí ngôn ngữ học, họ có khái niệm "Phonemic Awareness" (nhận thức về ngữ âm) để chỉ sự hiểu biết về chữ nói từ âm thanh. Phonemic Awareness là một kĩ năng nói (oral) và nghe (aural). Sáng kiến của ông Elkonin xoay quanh vấn đề Phonemic Awareness.
Sáng kiến của Elkonin là dùng các ô để thể hiện âm thanh [sound] của một chữ (1). Một ví dụ nhỏ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn chút. Chẳng hạn như với tiếng Anh, theo phương pháp của Elkonin, chữ CAT sẽ được thể hiện bằng 3 ô vuông, vì chữ này có 3 âm thanh : /k/ + /a/ + /t/. Nhưng với chữ SOAP thì cũng được thể hiện bằng 3 ô dù nó có 4 mẫu tự. Tuy 4 mẫu tự, nhưng chỉ có 3 âm thanh : /s/ + /O/ + /p/. Tuy nhiên, với chữ MILK thì có 4 ô chữ vì 4 mẫu tự có 4 âm thanh khác nhau : /m/ + i/ + /l/ + /k/. Người ta gọi phương pháp đánh vần này là "Elkonin box", có khi còn gọi là "Sound Box".
Ngày nay, có cả một App trong điện thoại để sử dụng trong việc dạy cách đánh vần này !
Trên thế giới, có khoảng 15% trẻ em gặp khó khăn về đọc và đánh vần (hội chứng "dyslexia"). Phương pháp của Elkonin chủ yếu áp dụng nhằm giúp những trẻ em với hội chứng "dyslexia", nhưng cũng áp dụng cho trẻ em nước ngoài mới học tiếng Anh hay một ngoại ngữ (2-3). Có một số chứng cứ khoa học cho thấy khi can thiệp trên trẻ em gặp khó khăn về đọc viết, thì phương pháp Elkonin có hiệu quả giúp các em cải tiến đọc chữ. Có cả một luận án tiến sĩ báo cáo hiệu quả của Elkonin box ở trẻ em gặp khó khăn trong việc đọc (4). Nhưng ở "học trò bình thường thì chưa có dữ liệu nào cho thấy phương pháp Elkonin có hiệu quả".
Tuy nhiên, điều quan trọng cần biết là phương pháp Elkonin chỉ là một trong nhiều phương pháp cho trẻ học đọc/đánh vần. Các phương pháp khác là bắt cặp (one-to-one matching), tách chữ (taking words apart), và ví von (analogies). Có thể tóm tắt các phương pháp này thành 2 nhóm [theo tiếng Anh] : nhóm "whole language" và nhóm "decoding". Nhóm whole language xem chữ là một hình tượng có ý nghĩa, nên học trò phải học nguyên chữ và ý nghĩa của nó, chứ không tách ra từng âm thanh. Phương pháp Elkonin có thể xem là thuộc nhóm decoding, có nghĩa là tách chữ thành âm thanh, mà ít quan tâm đến ý nghĩa. Xem ra cách tiếp cận whole language thích hợp cho trẻ em bình thường, còn cách tiếp cận decoding thích hợp cho trẻ em có khó khăn về đọc/viết.
Trong thực tế, phương pháp Elkonin rất hiếm được áp dụng ở các nước phương Tây. Lí do có lẽ do số trẻ em gặp khó khăn đọc/viết không nhiều, và ngay cả trong nhóm này thì bằng chứng về hiệu quả của phương pháp Elkonin không nhiều và thuyết phục bằng các phương pháp khác.
Quay lại trường hợp Việt Nam, phương pháp dạy theo ô chữ (hay 'công nghệ giáo dục') là một sản phẩm của một đề tài nghiên cứu cấp Bộ do ông Hồ Ngọc Đại chủ trì. Đề tài này có mục tiêu giúp học sinh tiểu học các dân tộc thiểu số (5). Trong khoa học, có khái niệm "external validity" (hợp lí ngoại tại), có nghĩa là kết quả nghiên cứu trên quần thể nào thì chỉ có thể áp dụng cho quần thể đó. Nếu thuốc được nghiên cứu ở nữ giới sau mãn kinh, thì chỉ định điều trị thuốc đó chỉ cho phụ nữ sau mãn kinh. Tương tự, nếu nghiên cứu trên người thiểu số thì kết quả chỉ áp dụng cho họ, chứ khó áp dụng cho ngoài dân tộc thiểu số. Do đó, "đáng lý ra cách dạy theo ô chữ của Elkonin ở Việt Nam chỉ nên áp dụng cho học trò thiểu số. Thế nhưng trong thực tế phương pháp này được triển khai đại trà cho hàng triệu học sinh là điều không đúng khoa học".
Càng kém tính khoa học hơn khi chưa có chứng cứ về hiệu quả từ các thử nghiệm khoa học (chứ chưa nói đến thử nghiệm randomized controlled trial) mà đã áp dụng cho hàng triệu trẻ em. Thật ra, có chứng cứ ban đầu cho thấy phương pháp 'công nghệ giáo dục' không có gì hơn so với phương pháp hiện hành ở trẻ em ở vùng xa thành phố (6). Việc triển khai đại trà như thế là cách làm không đúng với chủ trương giáo dục thực chứng -- evidence based education.
Ghi thêm : Xin các bạn bình luận nhè nhẹ thôi, và đừng nên có những lời lẽ khiếm nhã với cá nhân Giáo sư Hồ gọc Đại. Bác ấy là người cao tuổi. Chỉ nên bàn về công trình 'công nghệ giáo dục' thôi. Có những điều tôi muốn nói thêm, nhưng đây chỉ là cái note, trước là tôi học, sau là chia xẻ thông tin, chứ chẳng phải là 'nghiên cứu' hay 'phản biện' phản biếc gì đâu. Nếu các bạn có thêm thông tin khoa học để chia sẻ thì rất hay, chứ đừng nên lên lớp làm gì.
Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn : VNTB, 18/09/2018
(1) Clay M. Reading Recovery : a guidebook for teachers in training. Portsmouth, 1993.
(2) Teffaine R. Phonemic Awareness prevents reading disabilities.
http://psych.hsd.ca/Phoneme.pdf
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Elkonin_boxes
"Elkonin boxes are an instructional method used in the early elementary grades especially in children with reading difficulties and inadequate responders in order to build phonological awareness by segmenting words into individual sounds".
(4) https://etd.ohiolink.edu/…/document/get/osu1342804885/inline
(5) http://giaoduc.net.vn/…/Ve-loi-ich-nhom-dang-sau-tranh-luan…
"Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa sách Công nghệ Giáo dục trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ : 'Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số'".
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=546391275808194&set=a.105461306567862&type=3&theater
Theo dõi diễn tiến tranh luận về "công nghệ giáo dục" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhiều người bị "sốc" trước làn sóng phản đối cảm tính và thiếu bình tĩnh trên mạng, nơi một bộ phận không nhỏ dường như không còn xem chuyện "ném đá", "chửi bới" và mạt sát người khác là một điều cấm kỵ xã hội nữa.
Vấn đề giáo dục cho trẻ em làm phụ huynh lo lắng ở Việt Nam
Tôi cũng bị sốc. Sốc rất nặng. Nhưng sau cơn sốc, cũng phải sòng phẳng thừa nhận rằng sự quá trớn đó một phần là sự vỡ ào của tình trạng bất bình chung ngầm và sự bất tín vào nền giáo dục nước nhà, cũng như vào các bậc mũ cao áo rộng đang cầm cương nó ở thượng tầng xã hội. Sự vỡ ào càng mạnh bạo khi dân thấy nền giáo dục đó lại đang coi họ không ra gì và tìm cách tước đi cái quyền và trách nhiệm, cũng là niềm vui, dạy con cái của họ.
Trong tình hình như thế, cái mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại và những người ủng hộ ông cần làm nhất là trưng ra những bằng chứng thực tiễn để trấn an lòng người về hiệu quả chương trình công nghệ giáo dục. Rất tiếc, tôi cảm thấy những lý lẽ từ phía ủng hộ ông, dù bình tĩnh và có logic hơn những lời chửi đổng tràn lan trên mạng, vẫn thiếu sức thuyết phục, đôi lúc hơi cảm tính và có tính "ngụy biện".
Chẳng hạn, một công chúng đang sôi sục không dễ chấp nhận lời một vị giáo sư khả kính rằng công nghệ giáo dục là ưu việt, vì con tôi học trường thực nghiệm ra và bây giờ đã là thế này, thế nọ.
Việc báo chí tập trung phỏng vấn một vài trường hợp thành đạt nổi tiếng từ các trường thực nghiệm công nghệ giáo dục để minh chứng cho sự ưu việt của hệ thống là một hình thái nguỵ biện. Nếu bây giờ, tôi đem bao nhiêu tài năng xuất chúng không đến từ hệ thống thực nghiệm, thậm chí từng từ bỏ nó, để chứng minh các mô hình giáo dục khác cũng ưu việt thì các vị có chấp nhận không ? Chả nhẽ 40 năm rồi mà công nghệ giáo dục vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ có hệ thống để tự chứng tỏ mình sao ?
Cũng không thể lý luận rằng chương trình đã chạy 40 năm rồi có sao đâu mà bây giờ lại moi ra… Việc Giáo sư Đại tuyên bố trên báo chí rằng ông không "chấp" phản ứng từ dân chúng vì chúng hồ đồ, thiếu hiểu biết cũng chẳng giúp gì thêm cho cuộc tranh luận. Nguyên tắc tranh luận dân chủ là bình đẳng, dựa trên chứng lý : không ai được cho mình thuộc đẳng cấp cao hơn để phủ đầu bên kia.
Độ tin cậy của các con số
Vì nhiều ràng buộc công việc và cuộc sống hằng ngày, tôi không định tham gia cuộc tranh luận này, cho đến khi thấy trên mạng nhiều người chia sẻ một biểu đồ thống kê sai sót như bằng chứng về tính ưu việt của mô hình công nghệ giáo dục.
Biểu đồ này, được đăng trong bài Kết quả đo nghiệm bất ngờ từ chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục trên báo Lao Động Online, Soha và vài website khác, có lẽ là mẫu chứng cứ thực nghiệm duy nhất được công bố trong mấy tuần qua.
Kết quả "bất ngờ" mà bài báo đề cập là sự khác nhau về tỉ lệ đọc và viết đạt chuẩn giữa hai nhóm học sinh - thực nghiệm công nghệ giáo dục và đại trà. Cụ thể là tỉ lệ đọc đạt chuẩn trong nhóm thực nghiệm cao hơn 4,3% so với nhóm đại trà. Với tỉ lệ viết, sự chênh lệch là 3,3%.
"Người trần mắt thịt" chỉ cần suy ngẫm một tí cũng thấy hai con số chênh lệch trên chẳng phải là lớn lao gì. Nhưng để chứng minh cho sự "bất ngờ" nêu trong tựa, bài báo dựng lên một biểu đồ rất "hoành tráng", làm bật lên sự khác biệt có vẻ rất lớn về tỉ lệ đạt chuẩn đọc và viết giữa hai học sinh công nghệ giáo dục và đại trà.
Biểu đồ này có sự "lập lờ" rất tinh vi : ai cũng biết tỉ lệ phần trăm trong trường hợp này có giá trị thấp nhất là số 0 và cao nhất là 100. Cho nên trục đứng phải bắt đầu từ số 0 và lên dần đến 100. Biểu đồ trong bài báo lại bắt đầu từ 90, thay vì số 0.
Nếu chiếu 4,3% và 3,3% trên nền thang số ngắn từ 90% đến 100% (như tác giả làm) thì hai con số đó trông rất lớn. Nhưng nếu làm theo đúng quy tắc, chiếu trên thang số đầy đủ từ 0% đến 100% (tức bắt đầu trục đứng ở số 0, chứ không phải 90), sẽ thấy chúng chẳng đáng kể gì cả.
Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi dựng lại các biểu đồ trong hình dưới đây, bên trái là theo cách làm trong bài báo trên và bên phải là làm theo đúng quy tắc thống kê học.
Biểu đồ dựng lại theo tinh thần bài trên các báo (bắt đầu trục đứng với số 90)
Biểu đồ dựng lại theo đúng quy cách khoa học (bắt đầu trục đứng với số 0)
Nói ví von, dựng biểu đồ như thế chẳng khác gì đặt con kiến bên hạt gạo, thay vì bên củ khoai, để chứng minh là con kiến đó to đáng kể. Đây cũng có thể xem là một ví dụ rất kinh điển để minh họa cho lời một bậc tiền nhân : "Có ba kiểu nói láo : nói láo, nói láo trơ trẽn và thống kê".
Dĩ nhiên thống kê tự nó chẳng bao giờ biết nói láo. Chỉ những người tạo ra nó hay sử dụng nó mới "láo" mà thôi. Ở đây, số liệu đưa ra không phải là bịa đặt nhưng việc tác giả kín đáo "thổi phồng" nó lên qua một biểu đồ trực quan có thể gây rất nhiều nhầm tưởng trong công chúng ủng hộ cũng nhử phản đối công nghệ giáo dục.
Đó là chưa kể nhiều yếu tố khiến tôi phải đặt vấn đề về độ tin cậy của các con số trên. Chẳng hạn, học sinh thực nghiệm công nghệ giáo dục thường là đã qua chọn lọc. Nghĩa là, so với học sinh bình thường, học sinh thực nghiệm thuộc thành phần có khả năng học tập và trí thông minh cao hơn, nên sẽ dễ tiếp nhận "công nghệ giáo dục" dựa trên tư duy trừu tượng của Giáo sư Đại hơn.
Tức là, giả sử nghiên cứu trên tìm thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai nhóm thực nghiệm và đại trà, thì cũng không thể khẳng định chắn chắn là do cách dạy và học. Có thể đó chỉ là do khác biệt năng lực ban đầu thì sao ?
Hơn nữa, nếu tôi không nhầm thì nhiều học sinh thực nghiệm bỏ giữa chừng vì "vỡ mộng", vì không theo kịp chương trình... Lúc làm nghiên cứu thẩm định, các vị có đưa thành phần này vào không ?
Vài lời cuối
Nói ngắn gọn, ngay cả khi nghiên cứu trên đạt chuẩn tắc khoa học cơ bản, sự khác nhau vài phần trăm trên không có ý nghĩa thống kê hay giá trị thực tiễn để cả hệ thống giáo dục quốc gia uốn mình chạy theo công nghệ giáo dục. Thậm chí, có người còn sẽ hỏi toẹt ra : dạy học sinh giỏi chỉ để đạt chênh lệch về tỉ lệ đọc và viết khiêm tốn ở trên thì cần gì phải có công nghệ giáo dục ?
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức An
Tôi không có ý nói công nghệ giáo dục của Giáo sư Đại đúng hay sai ở đây. Các triết lý đằng sau đó đều rất hay, rất đẹp và những mục tiêu nó nhắm đến đều kỳ vĩ và đầy tham vọng cho dân tộc Việt. Là hậu sinh, tôi rất kính trọng tâm huyết và tinh thần phi vụ lợi mà Giáo sư Đại dành cho giáo dục. Bản thân kết quả thẩm định trên cũng không là gì để có thể nói công nghệ giáo dục chẳng hay ho gì lắm so với chương trình đại trà hiện hành.
Nhưng khi chưa có đủ cơ sở thực chứng, tôi sẽ còn rất e dè về một "công nghệ giáo dục" mà bản thân tôi còn chưa hiểu hết nội hàm là gì (dù đã cố gắng tìm hiểu đôi chút). Tôi cũng lo rằng, một phương pháp giáo dục đòi hỏi trẻ em nhiều năng lực lý trí như thế, nếu triển khai đại trà không khéo, có thể sẽ góp phần gây nên bất công xã hội và gia tăng khoảng cách giữa các tầng lớp dân chúng, vùng miền khác nhau.
Chúng ta cần một nghiên cứu toàn diện và độc lập để có thể đưa ra kết luận về nội hàm cũng giá trị thực tiễn của công nghệ giáo dục. Trong khi đó, cũng phải xem lại một trách nhiệm đạo đức : có nên sử dụng quá nhiều học sinh ở hơn 40 chục tỉnh thành làm "chuột bạch" thí nghiệm cho một mô hình giáo dục mà hiệu quả thực tiễn vẫn còn là ẩn số ?
Nguyễn Đức An
Nguồn : BBC, 12/09/2018
Tác giả Nguyễn Đức An là Phó Giáo sư Tiến sĩ Đại học Bournemouth, Anh
Trong gần 1 tháng quá, vấn đề tiếng Việt gây xáo động rất lớn trong dư luận liên quan đến chữ viết cải tiến của Phó Giáo sư Bùi Hiền và Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Càng cải cách qua Đổi mới sách giáo khoa, thì càng có nhiều tiền 'chia nhau'
Say mê chửi
‘Chửi’ là hình thức phổ biến nhất được thấy trong mạng xã hội, nhất là đối với hệ thống nhận tiếng bằng hình tam giác, vuông, tròn của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
‘Chửi’ là sự bất mãn với một vấn đề, nhưng nó cũng chỉ ra sự ‘bất lực’ về mặt lý luận với vấn đề đó. Không khó để nhận ra, việc chửi chỉ gắn liền với những từ ngữ thô lỗ và xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác. Và khi ‘chửi’ thì đồng thời sự tôn trọng, phản biện dường như biến mất.
Người viết đồng ý với Facebooker Phan Thanh Thanh Chúc rằng, chị thấy đáng sợ những người ngồi chửi giáo sư Đại. Bởi ở đó nó lấp lửng một chút gì đó thiếu hiểu biết, một chút gì đó lười, và một chút gì đó bảo thủ.
Một đứa trẻ vào lớp 1 làm được, tại sao người lớn không làm được việc nhận diện tiếng qua hình ?
Một đứa trẻ vào lớp 1 chưa biết khai niệm trừu tượng chữ nghĩa, tại sao cứ bắt các em nhận diện rõ ràng mặt chữ.
Một đứa trẻ tại sao cứ phải là ‘Bờ, bờ a ba’ trong khi một phương thức tiếp cận khác giúp các em hiểu nhanh hơn ?
Và đến khi nào, những người đang say mê ‘chửi’ mới nhận ra rằng : Phương pháp của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không làm ảnh hưởng đến việc học sinh biết chữ và nhận mặt chữ, mà nó giúp trẻ định hình được tư duy ngay từ bé.
Và đến khi nào, những người đang say mê ‘chửi’ mới nhận ra rằng : sáng kiến của Phó Giáo sư Bùi Hiền – người đòi cải cách chữ viết tiếng Việt, khác với phương pháp dạy trẻ học về âm rồi mới bắt đầu ghép vào chữ cái để đọc của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ?
Rõ ràng, điều cản trở sự phát triển tư duy đa chiều ở Việt Nam chính là ‘chửi’, là sự độc tôn phương thức đánh tiếng truyền thống và coi đó là một chân lý vĩnh cửu. Một khi chúng ta chưa tôn trọng sự khác biệt, chúng ta có đủ điều kiện và phẩm chất để chạm vào cái gọi là ‘dân trí cao’ ?
Người viết không sợ hay ngại những phản biện thẳng thắn và quyết liệt đối với cách đánh tiếng của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đặc biệt càng trân trọng những phương thức phản biện như của Giáo sư Nguyễn Văn Lợi (nguyên Phó Viện trưởng, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) trên báo Lao Động, hoặc một phần bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tuấn trên VNTB. Nhưng cả hai trường hợp này đều là phản biện ngôn ngữ ôn hòa và có dẫn chứng, chứ nó không phải là sự ‘chửi bới, lăng mạ’ kéo dài như thời gian qua.
Chửi và tự biến mình thành chiến binh bảo vệ lợi ích nhóm ?
Vấn đề của đám đông ‘chửi’ là chúng ta bị dắt mũi bởi một hệ thức ‘1 con số 7 và 13 con số 0’. Con số này do Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa ra, và nếu viết tròn trịa thì đó là con số thuộc Đề án cải cách giáo dục trị giá 70.000.000.000.000 (bảy mươi nghìn tỷ đồng) do Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì. Và có vẻ một số tiền khá lớn chi cho sách giáo khoa.
Vấn đề của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nổi lên khi Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam cho ra đời Bộ sách giáo khoa mới, và đồng thời yêu cầu các trường không được phép đăng ký chuyển đổi chương trình dạy sang Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Tại vì sao ? Vì sách giáo khoa là nguồn lợi nhuận khổng lồ, tức càng cải cách thì nguồn lợi càng lớn.
Nói thêm về vụ cải cách giáo dục, bao năm qua chúng ta nhận thấy Bộ Giáo dục và đào tạo đã làm được những gì từ các đề án khác nhau liên quan cải cách ? Không gì cả, ngoài hàng tỷ đồng thu lợi được liên quan trực tiếp đến độc quyền in sách. Chẳng phải ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng lên tiếng về đề án 70 nghìn tỷ đồng, và khi vấp sự phản ứng của dư luận thì con số đó mau chóng rớt xuống còn 962 tỷ đồng ? Nói chính xác, cải cách giáo dục là một kho kim cương mà Bộ Giáo dục và đào tạo luôn tìm cách đào, bòn rút đồng tiền từ xương máu nhân dân - nhân danh cái gọi là giáo dục.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại vô tình rơi vào thế bẫy của Bộ Giáo dục và đào tạo, và ông đã lên tiếng thẳng khi đề cập dãy số 7 và 13 nêu trên, ý chỉ là bên Bộ Giáo dục và đào tạo tìm cách lợi dụng đầu sách của ông để chia tiền. Thế nhưng, khi báo Giáo dục phản ánh thì lại quy về việc Giáo sư Hồ Ngọc Đại thừa nhận chương trình mới cơ bản là để chia tiền qua bài viết : Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới : cơ bản là để CHIA TIỀN !
Vấn đề chia tiền cái gì ? Chính là sách giáo khoa. Và trong chương trình phỏng vấn đề cập đến dãy số nêu trên, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã gắn liền với chương trình cải cách của Bộ Giáo dục và đào tạo, không đề cập đến vấn đề công nghệ giáo dục của ông.
Chia tiền là chính là cơ sở mấu chốt của vấn đề đấu đá truyền thông hiện nay. Cụ thể là từ khi báo Giáo dục đăng nội dung : Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh.
Nếu đây không phải đấu đá vì 'ăn chia' không đều trong nội bộ Bộ Giáo dục và đào tạo thì đó là gì ?
Hãy để ý lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại khi phóng viên câu hỏi : 'Từ năm 2019-2020, tức năm học sau đấy, sách giáo khoa mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào...'. Giáo sư Hồ Ngọc Đại thẳng thắn trả lời : Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế.
Tức bản chất hiện thời chính là chia chác tiền qua sách giáo khoa, còn chương trình thực nghiệm chỉ đơn thuần là công cụ gây tranh cãi khi bản thân sự chia chác này không đồng đều.
Vậy tại sao chúng ta chửi Giáo sư Hồ Ngọc Đại ? Vì ông giáo sư trả lời quá thẳng, quá thật, và quá đau lòng về 'nồi cám heo' mang tên Bộ Giáo dục và đào tạo với chương trình cải cách giáo dục (đổi mới sách giáo khoa) ?
Và chẳng phải tự nhiên mà trang báo Giáo dục (trực thuộc chủ quản của Bộ Giáo dục và đào tạo) lại ‘hăng say) đưa tin và đả kích về chương trình thực nghiệm.
Và khi chúng ta chửi một cách vô cớ Giáo sư Hồ Ngọc Đại, thì vô tình, bản thân chúng ta lại trở thành những chiến binh kiên cường nhất để bảo vệ lợi ích nhóm còn lại - trong Bộ Giáo dục và đào tạo. Lợi ích của hàng triệu học sinh trở về con số 0 tròn trĩnh.
Cần nhấn mạnh rằng, bản thân sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại chỉ là sách mang tính tham khảo, nhưng nó có ý nghĩa mở đường cho việc phá thế độc quyền sách giáo khoa, trong đó nhiều NXB được tham gia soạn và ấn hành. Còn nhóm sách mới năm sau sẽ áp dụng, và tất nhiên, không đến từ Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Rõ ràng, một cộng đồng chuyền tin nhanh là điều tốt, nhưng tỉnh táo trước một sự kiện là điều cần thiết, và trong hệ thức xã hội này, cần nhất vẫn là ngừng chửi lại, xã hội này chửi quá nhiều rồi, chúng ta cần phản biện : khoa học và ôn hòa.
Nếu phản biện sai, thì có người khác chỉnh lại ; nhưng nếu chửi thì sẽ không phân đúng sai. Nghĩa là, không sợ phản biện sai, chỉ sợ chửi.
Khi chúng ta chửi bới, chúng ta không còn thì giờ đặt lại vấn đề phải cứu học sinh - thế hệ tương lai trong nền giáo dục độc quyền và chia tiền ra sao.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 09/09/2018
Những đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội liên quan đến việc học sinh tiểu học chỉ nhìn vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác có thể đọc vanh vách cả một bài thơ, nhưng khi chỉ vào chữ thì không thể đọc được đang tạo nên sự chú ý của dư luận. Theo đó, nhiều phụ huynh cho rằng cách dạy của sách Công nghệ giáo dục khiến con họ chỉ có thể học vẹt chứ không nhận được mặt chữ.
Không ít phụ huynh bày tỏ sự hoang mang, lo lắng. Có người cho rằng phương pháp này có vấn đề, chỉ dạy học sinh "học vẹt". Nhiều người cũng thắc mắc, tại sao trẻ nhìn vào các ô vuông, tròn có thể đọc được thơ ?
Nói về việc học sinh tiểu học chỉ nhìn vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác có thể đọc vanh vách cả một bài thơ, nhưng khi chỉ vào chữ thì không thể đọc được
Trước những ồn ào của dư luận về cách đánh vần theo Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, ngày 28/8 Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng chia sẻ với kênh VTC14 về vấn đề này.
Nội dung thầy Hồ Ngọc Đại nói về cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục và sự khác biệt với cách đánh vần tiếng Việt lâu nay khá dài, thời lượng phát sóng hơn 2 phút không lột tả hết ;
Chính vì vậy nên nhà báo của VTC14 đã tải toàn bộ video phỏng vấn lên tài khoản mạng xã hội Facebook của mình. Đoạn video này đã và đang được người xem chia sẻ rộng rãi.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói về công nghệ giáo dục, phỏng vấn của phóng viên (05/09/2018)
Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, thầy Hồ Ngọc Đại đã có những giải thích khá dễ hiểu về cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục, cũng như sự khác biệt với cách đánh vần truyền thống.
Bên cạnh đó, điều khiến chúng tôi còn đặc biệt quan tâm là những đánh giá và bình luận của thầy về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều khác đặc biệt trong cuộc phỏng vấn với VTC14, Giáo sư Đại có nhắc tới "Tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền". Chúng tôi xin trích 1 phần của buổi nói chuyện này :
Phóng viên : Từ năm 2019-2020, tức năm học sau đấy, sách giáo khoa mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào…
Hồ Ngọc Đại : Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế.
Phóng viên : Mà lúc đó lại có nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh, cho giáo viên, cho phụ huynh lựa chọn thì nó sẽ rối rắm như thế nào ạ ?
Hồ Ngọc Đại : Cái này rối rắm, việc vớ vẩn thôi. Tức là tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền, thế thôi. Cô có biết cái số tiền nó bỏ ra bao nhiêu không ? Cô tưởng tượng 1 con số 7 và 13 con số 0 [1].
"1 con số 7 và 13 con số 0", theo cá nhân người viết, dường như thầy Hồ Ngọc Đại muốn nhắc đến đề án Đổi mới Chương trình – sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015.
Đề án này dư luận gọi vắn tắt là "đề án 70 nghìn tỷ", được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2011 với vài chục trang giấy và khái toán 70 nghìn tỷ đồng từng làm rúng động xã hội một thời.
Hình ảnh ở trong cuốn sách lớp 1 của Giáo sư Đại. Photo credit : laodong
Đáng chú ý, đề án này được xây dựng dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, bắt đầu từ ngay khi vừa triển khai xong cuốn sách giáo khoa cuối cùng của lớp 12, Chương trình 2000.
Nó kéo dài cho đến tận bây giờ với nhiều lần biến động về con số, từ 70 nghìn tỷ đồng năm 2011 xuống 34 nghìn tỷ đồng tháng Tư 2014, xuống 462 tỷ đồng tháng Mười 2014 và hiệnnay đang triển khai với 80 triệu USD.
Nhiều ý kiến độc giả cho rằng, trong một xã hội đầy rẫy những tiêu cực hiện nay, việc thầy Đại nói như vậy không phải không có cơ sở vì từ trước đến nay việc in sách giáo khoa đã có quá nhiều ý kiến phản đối
TH
Cám ơn tác giả Trúc Giang đã đưa "công nghệ giáo dục" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ra công luận qua bài viết "Luật giáo dục để làm gì ?" đăng trên Việt Nam Thời báo số ra ngày 4/9/2018 .
Sách tiếng Việt thực nghiệm công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Là một giáo viên trải qua cả 2 thời kỳ trước và sau 1975. Tôi chỉ học Sư Phạm, chuyên lo đứng lớp dạy học, nên về hành chánh : "pháp quy giữa luật và giáo dục", tôi không rành lắm. Phạm vi bài viết này, tôi xin được nêu lên vài hệ lụy của cái goi là Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Mong sao qua đó, rút ra được một lời giải đáp mà tác giả Trúc Giang đã nêu đặt trong bài viết : vi phạm luật giáo dục sao không xử lý ?
Trong số 29 chữ cái chuẩn (trừ ô, ơ, ư, ê, ô, ơ), không phải chỉ dùng để ghép lại thành chữ, thành câu văn... mà còn được các ngành khoa học cơ bản sử dụng để mã hóa thành các ký hiệu phục vụ cho bộ môn. Do vậy, càng giàu âm tiết càng tiện lợi trong diễn đạt nội dung khoa học, C, K, Q phát đủ 3 âm xê, ca, quy. Nay cả 3 C, K, Q chỉ được đọc chung là" Cờ" ; D, R, Gi chỉ được đọc chung là zờ , có thể dẫn đến hậu quả, khi lên cấp 2, các cháu sẽ gặp khó khăn khi phải hoc các môn toán đại số, hình học, vật lý, hóa học,…
Một là, ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Hóa : giáo viên đọc kali (kalium), học sinh sẽ viết là cali ; giáo viên viết Calci (calcium), học sinh đọc là calki ! Hai từ kali và calci thuộc đa âm poliphonique, nếu giáo viên viết một nguyên tố đơn âm monophonique như Cu, hoc sinh sẽ rối trí đọc là cờ-u hoặc là cu !
Hai là, ảnh hưởng đến môn đại số : Cho một đẳng thức C/K=C/Q, suy ra KQ=CC, học sinh sẽ đọc là cờ trên cờ bằng cờ trên cờ bằng cờ cờ.../ Bình phương của tổng (K+Q), hằng đẳng thức cho ra : cờ bình phương + cờ bình phương + 2 lần cờ cờ.../ Tích của 2 tổng (C+K)(Q+K) = K(C+Q). Học sinh sẽ đọc vanh vanh : cờ cộng cờ nhân với cờ cộng cờ bằng cờ nhân với cờ cộng cờ. Nếu viết lại những gì học sinh vừa đọc sẽ ra như thế này : (C+C)(C+C)= C(C+C). Rối trí rối loạn cả !
Ba là, ảnh hưởng đến môn hình học : Để học sinh không nhầm lẫn, giáo viên phải vất vả đọc thế này : Cho tam giác a bờ cờ, "cờ xê" nghe các con ! Vẽ đường cao a cờ, "cờ ca" (k) nghe các con và trung truyến a cờ, "cờ cu" nghe các con ! Cuối cùng như đã thấy, giáo viên luôn phải nhắc học sinh cờ ca là K, và cờ cu là Q, như vậy giáo viên lại phải cầu cứu cách đọc truyền thống !
Việc "cầu cứu" này thực tế đã xảy ra, cô giáo phải "lén lén" dạy ráp vần truyền thống, giúp hoc trò của mình mau biết đọc kịp lên lớp 2, không bị mang tiếng "ngồi nhầm lớp" vì chưa biết đọc !
Vào năm 2017, tôi có dịp gặp lại các cô cậu hoc trò rất cũ của mình, trong vài cuộc hội thảo về "cải cách giáo duc tổng thể", được dịp bày tỏ băn khoăn về công nghệ giáo dục, các cô cậu ấy lạc quan khuyên tôi : "Đừng lo thầy ơi ! khi lên lớp 4 lớp 5, hay lớp 8 lớp 9, học trò "công nghệ" quay trở lại đọc CKQ, DRGi theo truyền thống như thường lệ ! Do các gv nhắc nhở để khai thông việc giảng dạy các môn TLH".
Hèn chi, học sinh "công nghệ" hồi lớp 1, khi lên trung học, vẫn đổ Tú Tài rồi lên đại học hay đi du học vẫn là chuyện bình thường ! Không thể lấy chuyện bình thương ấy làm cái phao cứu sinh cho Công nghệ giáo dục đang bị dư luận xã hội lên án và tẩy chay !.
"Công nghệ giáo dục" không thể nào đánh vần được chữ QUA : Q=Cờ nên QUA phải đọc là CUA (con cua) / vì"u" đi vớ a phải đọc là ua không thể đọc là oa được dù là truyền thống hay "công nghệ". Chỗ này Giáo sư Hồ Ngọc Đại không tài nào vượt qua được, buộc phải ép ua thành oa để đọc được chữ QUA (qua cầu), không thành cua cầu. Điều này rất hại não bởi sự nhồi nhét, o ép này cứ lặp đi lặp lại khiến học sinh mang một vết sẹo vĩnh hằng trong não : Con quạ các cháu đọc thành con cụa, con cua thành con coa, kính thưa thành kính thoa, mua bán lúa gạo thành "moa bán lóa gạo".
Xã hội có quyền lo ngại, cải cách của Bùi Hiền, cộng hưởng với "công nghệ" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại sẽ đẩy con cháu của chúng ta vào con đường mù với quá khứ và ngọng nghiệu với hiện tại lẫn tương lai.
Chữ Quốc ngữ, trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, đã được nhuần gội, sàng lọc miệt mài, từ con chữ, cách phát âm, cách đánh vần, cách viết thành văn, rõ ràng, trong sáng. Do vậy, cho đến nay, Chữ Quốc ngữ đủ khả năng và bản lĩnh truyển tải tiếng Việt mà dân ta trìu mến gọi là tiếng mẹ đẻ !
A, Ă, Â... hay I, U, Ư... Từ thời tiền chiến, đến Cách Mạng Tháng 8 (Bình dân học vụ 1945), chữ Quốc ngữ chủ đạo, đồng hành cùng nền giáo dục truyền thống, dù Bắc hay Nam, đã góp phần đào tạo biết bao nhiêu hiền tài cho đất nước. Những gì đã ổn định rồi thì nên tạm giữ nguyên như vậy. Quá trình phát triển, cả nước ta còn đang vận động khắc phục, đối phó với biết bao nhiêu khó khăn đang phát sinh từng ngày, nhất là trong bản thân ngành giáo dục hiện nay.
Trong suốt năm 2017 đến qua năm 2018, phản biện (tôi không muốn dùng từ đấu tranh) ôn hòa trên không gian mạng từ Bắc chí Nam, đối với cải cách tiếng Việt của Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền, bước đầu đã tranh thủ (không dùng từ thắng lợi) được sự đồng thuận của cấp lãnh đạo đương quyền : Hội đồng Khoa học - Viện nghiên cứu học trung ương đã chính thức kết luận và ra văn bản (1/2018), trả lời về đề xuất cải cách chữ viết của Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền như sau : "Trong tình hình chữ quốc ngữ đang vận hành hiệu quả như hiện nay, hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kỳ cải cách nào đối với chữ quốc ngữ".
Chuyện đã qua rồi, nhìn lại, chúng ta cũng nên thương Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền, vì mong muốn tiết kiệm giấy mực (như ông tự biện bạch), ông phải đơn giản chữ viết như vậy, nếu được nhân dân đồng tình, thì ông cũng có "chút công gì đó" thiên cổ với núi sông. Lấy công tâm mà xét thì ông cũng không có ý định lợi nhuận tiền gạo gì ! Dù công trình của mình có bị bác bỏ, nhưng thiện chí ấy vẫn là một công đức chẳng có tội tình gì. Do đó, ông vẫn xứng đáng là người thầy, một bậc tiền bối trong lòng của chúng ta !
Khác hẳn với trường hợp của thầy Bùi Hiền, Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có liên quan đến cả một tập đoàn kinh doanh sách giáo khoa với lợi nhuận khổng lồ. Rồi đây cũng sẽ lần lượt bị dư luận xã hội phanh phui, cho phơi bày ra ánh sáng ! Kinh doanh làm giàu là chính đáng, nhưng ngụy tạo ra cơ hội làm giàu là đầu cơ trục lợi . Cái gọi là Công nghệ giáo dục chưa được nhà nước nghiệm thu, chưa được phụ huynh – học sinh đồng thuận, nếu có "thí nghiệm" thì gói gọn trong vài trường sư phạm thôi, sao lại mở rộng ra hàng trăm nghìn học sinh trên các tỉnh thành cả nước, thế thì sao gọi là thí nghiệm được ?
Giáo dục là nhân bản, nhân là người, bản là gốc, lấy con người làm đối tượng để phục vụ, công nghệ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại sao lại lấy trẻ con để "thí nghiệm thực hành" !? Trong khía cạnh khác, học sinh tiểu học hàng năm tiêu thụ hàng trăm nghìn bộ sách giáo khoa 1 (1 bộ nhiều quyển), số sách tiêu thụ hẳn phải lên đến hàng triệu, lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Trong lúc Đảng và nhà nước đang đốt lò hừng hực chống tham nhũng, thế mà ngoài xã hội, giữa thanh thiên bạch nhật, vẫn còn nhan nhản xảy ra cái cảnh : "Đa kim ngân phá luật lệ" (Đồng bạc dâm toăc tờ giấy) như thế này sao ?
Luật giáo dục để đâu, Luật pháp để đâu ?
Trần Minh Quốc
Nguồn : Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, VNTB, 06/09/2018
****************
Luật Giáo dục để làm gì ?
Trúc Giang, VNTB, 04/09/2018
Giáo sư Hồ Ngọc Đại với dự án "Công nghệ giáo dục" đã được thực nghiệm ngay trong hệ thống giáo dục công lập gần 40 năm qua, song vẫn chưa được nghiệm thu. Rồi đến phó giáo sư Bùi Hiền với dự án"cải tiến chữ Quốc ngữ" được Cục Bản quyền chấp nhận bảo hộ, tiếp tục dậy sóng dư luận phản đối.
Trường Công nghệ giáo dục Victory do Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập nhìn từ trên cao. Ảnh: cgdvictory.edu.vn
Câu hỏi đặt ra là nếu căn cứ vào Luật Giáo dục thì những vấn đề nói trên chịu sự điều chỉnh ra sao ?
Nguyên lý giáo dục của Việt Nam ?
"Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội". Điều 3, Luật Giáo dục 2005, đã viết như vậy.
Theo báo Giáo dục Việt Nam (Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam), thì giáo sư Hồ Ngọc Đại từng có phát biểu như sau : "Bản chất của giáo dục theo cách cũ là "ngu dân", phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức. Cách giáo dục ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa hão về tương lai. Còn tinh thần của Công nghệ giáo dục là giải phóng trẻ em, lấy hạnh phúc và sự phát triển tự nhiên của trẻ em làm mục tiêu. Mỗi em sẽ là một người duy nhất trong xã hội, các em phải khác nhau, khác bố mẹ và thầy cô, Công nghệ giáo dục tôn trọng suy nghĩ tự do và cá tính khác biệt" (1).
Giáo sư Hồ Ngọc Đại còn được cho là từng kể : "Có một lần Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi tôi: "Trong công việc của mình, ai gây khó khăn cho anh nhiều nhất ?". Tôi trả lời là "Toàn người tốt gây khó khăn cho tôi". "Tại sao lại thế ?" – ông Đỗ Mười ngạc nhiên. Tôi trả lời : "Vì những người tốt đó họ tưởng tôi làm sai, để bảo vệ nền giáo dục đương thời nên họ phải chống lại lý thuyết của tôi". Phải nói thật là lý thuyết của tôi đã đảo ngược lại toàn bộ nền giáo dục của nước ta. Ví dụ, tôi đề ra các nguyên tắc : học trò là trung tâm chứ không phải là thầy giáo ; học là chơi chứ không phải là quá trình vật lộn đau khổ ; học không có thi cử, không có chấm điểm…" (2).
Như vậy, nếu nhìn dưới giác độ cáo buộc hình sự, giáo sư Hồ Ngọc Đại rất có thể đối mặt với "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Vi phạm Luật Giáo dục sao không xử lý ?
Những câu trích dẫn nói trên của giáo sư Hồ Ngọc Đại, vốn nằm trên website Hệ thống Giáo dục Công nghệ giáo dục Victory do chính giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập. Hiện tại thì các nội dung trích dẫn này chỉ còn mỗi địa chỉ, còn nội dung đã được tháo xuống (3).
Rất có thể không hẳn đúng với sự thật và bối cảnh của những phát ngôn trích dẫn đó. Song việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấp thuận để cho bộ sách giáo khoa do giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn theo Công nghệ giáo dục mà ông cũng chính là tác giả, vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục công lập trên toàn quốc, là một quyết định vi phạm Luật Giáo dục.
Đơn cử, ngày 1/7/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục năm học 2016 – 2017 tại 48 tỉnh thành (4).
Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT, tại phần II.7, ghi : "Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục tại 48 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 01/7/2016 về việc ban hành Kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục năm học 2016-2017.
Để triển khai hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, các sở cần tổ chức tập huấn cấp tỉnh cho lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo, trường tiểu học và toàn thể giáo viên trực tiếp dạy Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục ; chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tập huấn cấp huyện, tổ chức Hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn cụm trường, trao đổi kinh nghiệm và dạy minh họa khi chuyển sang mẫu bài mới ; thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các trường trong quá trình thực hiện ; chỉ đạo dạy học tăng thời lượng (nếu cần và có điều kiện) ; phối hợp sử dụng kĩ thuật dạy học tích cực để tổ chức dạy học ; điều chỉnh ngữ liệu phù hợp với địa phương ; tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học nhưng không lạm dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học ; không tập trung giải nghĩa từ khi học sinh học ngữ âm ; chú ý rèn kĩ năng nói cho học sinh ; căn cứ chuẩn kiến thức kĩ năng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành để thiết kế đề kiểm tra đánh giá định kì theo yêu cầu của môn học".
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là người ký Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT dưới sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Nội dung như vừa nêu đã vi phạm Điều 29, Luật Giáo dục vì nội dung sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn chưa được thẩm định theo đúng quy định.
Ở Khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi năm 2009) quy định : "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông ; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa".
Tham nhũng chính sách ?
Nhà giáo Vũ Thị Phương Anh nhận xét : "Tôi cho rằng nếu ông Hồ Ngọc Đại hay bất kỳ ai sử dụng tiền túi của mình để thử nghiệm thì rất đáng hoan hô ; còn sách giáo khoa dạy theo phương pháp của ông, nếu do tác giả tự bỏ tiền túi in để cho ai muốn học thì mua, cũng không có gì đáng nói.
Nhưng nếu nghiên cứu của ông Hồ Ngọc Đại có sử dụng tiền ngân sách, rồi sách giáo khoa của ông Hồ Ngọc Đại lại được bán độc quyền, và áp từ trên xuống trong giai đoạn làm VNEN (*) thì rõ ràng là không thể chấp nhận được".
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 04/09/2018
(1) http://bit.ly/2Q3snN8
(3) http://bit.ly/2PwWLhP ; http://bit.ly/2LRIg65
(*) Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam. GPE-VNEN, Global Partnership for Education – VNEN viết tắt của từ Viet Nam Escuela Nueva.