Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

18/09/2018

Công nghệ giáo dục 3 - Phân tích, so sánh và bình luận

Nguyễn Lân Thắng

Phần 3

Phân tích, so sánh và bình luận

Trong câu chuyện ông Hồ Ngọc Đại và Công nghệ giáo dục, giữa một mớ hỗn độn thông tin phê phán cũng như bênh vực, tôi biết tất cả những ai quan tâm đều phải suy tư và đặt ra những câu hỏi thế này : Cái gì là điều đúng ? Đâu là lẽ phải ? Ta có thể làm gì ? Đó là những câu hỏi rất đơn giản, nhưng mang tính triết học ở trong đó mà từ xa xưa các nhà triết học đã đặt ra. Trong một bộ phim tài liệu, Nỗi buồn sông Gianh năm 2016 kể về thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, tôi đã từng một lần đề cập đến ý này.

Nỗi buồn sông Gianh năm 2016 kể về thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra

Immanuel Kant, nhà triết học Đức thời kỳ khai sáng từng đặt ra những câu hỏi để khơi gợi ý tưởng cho con người suy nghĩ trước một vấn đề :

Tôi có thể biết được gì ?

Tôi nên làm gì ?

Tôi có thể hi vọng được gì ?

Trong 3 câu hỏi trên, riêng ngay chữ "biết" đã hàm chứa rất nhiều khía cạnh ở bên trong cần được làm rõ. Chúng ta biết điều gì ? Chúng ta đã nhìn nhận vấn đề từ đủ các mặt chưa, hay lại như đám thầy bói mù xem voi ? Những ai theo dõi nội dung và phần bình luận trong bài viết 1 và 2 về chủ đề Công nghệ giáo dục của tôi, chắc các bạn sẽ thấy rất nhiều bình luận trái chiều, và tôi nghĩ có rất nhiều người phân vân, có nhiều người chưa đồng tình với tôi, và không phải ai cũng thể hiện quan điểm của mình vào đó. 

Trong các phản hồi, có những phê phán bài viết của tôi rất đúng. Ví dụ như chuyện hình vuông, hình tròn, hình tam giác có xuất hiện trong sách Công nghệ giáo dục, tôi đã phải nhận lỗi và sửa lại ngay trong bài thứ nhất về điều đó. Nhưng có những phản hồi làm rất nhiều người khó nghĩ, không biết chuyện tôi đang nói đúng sai thế nào, có đáng nói hay không.

Ví dụ như :

- Anh ơi, anh Thức đang tuyệt thực, có cần thiết nói chuyện này không ?

- Anh ơi, Trung Quốc đang thôn tính sáp nhập Việt Nam, có cần nói chuyện này không ?

- Anh ơi, ông Hồ Ngọc Đại ăn cắp phương pháp của ông A bà B đó.

- Anh ơi, đây là nhóm lợi ích muốn độc quyền sách giáo khoa...

Thậm chí, có những người như Thuy Le, một tiến sỹ đang nghiên cứu gì đó ở nước ngoài chẳng hạn, liên tục spam hàng chục những nội dung đả phá ông Hồ Ngọc Đại và Công nghệ giáo dục vào bài, mà chẳng liên quan gì đến nội dung, đến lý lẽ mà tôi đang trình bày trong bài viết. Dù không muốn, nhưng tôi đã phải mạnh tay block những người bình luận thiếu thiện chí như vậy. Vì sao ? Vì tôi đang làm cái việc giống như là vẽ nên một bức tranh.

Bức tranh là hình dung, là quan sát trong đầu của tôi về một điều gì đó. Tôi không muốn ai đem màu nước vẩy lên bức tranh, để rồi công chúng khi quan sát tác phẩm sẽ không được nhìn thấy những đường nét, màu sắc thật sự của nó. Hãy kiên nhẫn, tôi chưa nói hết đâu. Dù có thể không đồng tình với tôi, muốn chửi bới tôi cũng được, nhưng không thể làm mất trật tự khi phim đang chiếu trong rạp. Và quý vị vẫn có thể dùng cái quyền tự do ngôn luận mà phán xét tôi trên tường facebook nhà quý vị.

Chính vì những rắc rối như vậy, tôi quyết định thay đổi một chút cấu trúc bài viết này, để cùng bạn đọc trước hết đi vào làm rõ các khái niệm cũng như phương pháp để phân định đúng sai, có như vậy chúng ta mới tiếp tục đi sâu vào phân tích chuyện Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại một cách khách quan nhất.

cngd1

Con người chúng ta nhận biết thế giới bằng 5 giác quan. Những hiện tượng và sự vật bên ngoài thế giới được chúng ta thông qua 5 giác quan, ghi nhận lại vào não bằng những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác. Nhưng thế giới rất rộng lớn. Có quá nhiều thứ mà ta không thể biết, không thể trải nghiệm trực tiếp bằng giác quan của mình, nhưng vẫn có nhu cầu phải biết, để có thể đưa ra quyết định cho mình trong cuộc sống. Chính vì thế, con người chúng ta giao tiếp với nhau, kể cho nhau những điều mình trải nghiệm, và đó chính là hình thức sơ khai của giáo dục. Nhưng vì không trải nghiệm trực tiếp, nên những thông tin, kiến thức đến với chúng ta lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đưa thông tin, rắc rối bắt đầu từ chỗ đó.

Một sự vật hiện tượng luôn có nhiều mặt, chưa cần nói sai, nói trái, thổi phồng về nó, chỉ cần nói thiếu thôi thì sự vật hiện tượng đã bị phản ánh méo mó, không trung thực vào trong não ta. Từ đó ta có thể có những quyết định sai lầm vì sự thiếu hiểu biết của mình. Giáo dục con người tự thân nó, trước hết là một công việc cao quý. Nó bắt đầu từ quan hệ huyết thống, gia đình, làng xóm. Bố mẹ dạy con, ông bà dạy cháu, già làng dạy thanh niên, người từng trải dạy người chưa biết. Khi xã hội loài người càng phát triển lên cao, việc truyền thụ kiến thức từ người này sang người khác càng phức tạp, đòi hỏi những người chuyên làm việc này, đó chính là thầy giáo. Và khi sự hợp tác của con người trong đời sống chuyển từ hình thức sơ khởi là thị tộc, bộ lạc lên đến hình thức đế chế, nhà nước, có một nhu cầu ngày càng cấp thiết của người cầm quyền là phải thống nhất được ý chí của mọi người để cùng hợp tác làm một điều gì đó. Lúc này việc truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm không còn đơn thuần mang ý nghĩa trao cho người khác nhận thức đúng về mọi việc, mà bắt đầu lồng ghép vào đó ý chí chủ quan của một số người có lợi ích nào đó, hoặc một giai cấp cầm quyền. 

Hãy thử tìm hiểu một số khái niệm như : quảng cáo, tuyên truyền, nhồi sọ, tẩy não.v.v... Có thể thấy, để bán hàng người ta phải giới thiệu, chào hàng, thậm chí thổi phồng một số đặc tính của sản phẩm. Để thôn tính một nước lân bang, nhà vua phải hô hào dân chúng rằng, ngoài kia là đám người mọi rợ, đang đe dọa đến sự bình yên của chúng ta... đại loại như vậy. Trong Binh pháp Tôn Tử, người ta có thể thấy những mưu mẹo như : Thanh Đông kích Tây (聲東擊西-Dương Đông kích Tây, vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại), Vô trung sinh hữu (無中生有-Không có mà làm thành có)... Trong thời kỳ hiện đại, người ta nghe nhiều đến thuyết Chủng tộc Aryan thượng đẳng của Hitler, đến lý thuyết tuyên truyền "Một lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lý". của Goebbels - Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã... Đó là một số ví dụ tiêu biểu để thấy việc truyền thụ thông tin, kiến thức theo thời gian đã bị dùng vào việc định hướng suy nghĩ, tình cảm và hành động của con người như thế nào.

Với vị thế lâu đời, với danh nghĩa cao quý, giáo dục là một việc bị lợi dụng nhiều nhất trong việc áp đặt ý chí chủ quan của một nhóm thiểu số lên số đông trong xã hội. Giáo dục vì thế là cái dễ nhìn thấy nhất để phân biệt một xã hội tự do hay độc tài chuyên chế. Nhìn sâu vào giáo dục ở nơi thiếu tự do tư tưởng, người ta mới hiểu được chuyện tại sao "chim trên cây cũng phải khóc thương" Kim Jong il - lãnh tụ Bắc Hàn, tại sao lực lượng cờ đỏ chửi bới, tấn công người cười cợt với hình ảnh lãnh tụ ở Việt Nam... Giáo dục khi không còn chỉ mang mỗi chức năng truyền thụ kiến thức, nó sẽ trở thành công cụ tẩy não, nhồi sọ của nhà cầm quyền với người dân.

Giờ là lúc tôi quay lại với chuyện ông Hồ Ngọc Đại. Để tìm hiểu và so sánh sách Công nghệ giáo dục và sách theo chương trình của bộ Giáo Dục, tôi đã tìm và nắm được trong tay một đống các sách giáo khoa gồm :

- Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 âm-chữ, tập 2 vần, tập 3 tự học, tái bản lần thứ 9, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục

- Giáo án bộ môn Tiếng Việt lớp 1, theo Công nghệ giáo dục.

- Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1,2 tái bản lần thứ 16, do Đặng Thị Lanh chủ biên, theo chương trình đại trà.

- Sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ nhất, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục.

- Sách Tiếng Việt lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ 13, do Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, theo chương trình đại trà.

- Sách Đạo Đức lớp 4, tái bản lần thứ 13, do Lưu Thu Thuỷ chủ biên, theo chương trình đại trà.

- Sách Toán lớp 4, tập 1, 2 tái bản lần thứ nhất, do Hồ Ngọc Đại chủ biên, theo Công nghệ giáo dục.

Đây chưa phải là toàn bộ những sách giáo khoa trong cả 2 loại chương trình, nhưng có thể giúp tôi nhận ra một số vấn đề.

Thứ nhất, đi tìm những hình ảnh, lời thơ, bài viết có nội dung liên quan đến nhân vật chính trị Hồ Chí Minh tôi thấy :

- Trong sách Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục xuất hiện 2 lần trong tập 1 (trang 7,10) 2 lần trong tập 3 - Sách tự học (trang 84,88).

- Trong sách Tiếng Việt lớp 4 theo Công nghệ giáo dục xuất hiện 1 lần trong tập 1 (trang 6) 1 lần trong tập 2 (trang 85).

- Trong sách Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình đại trà xuất hiện 5 lần trong tập 2 (trang 12,49,50,99,160).

- Trong sách Tiếng Việt lớp 4 theo chương trình đại trà xuất hiện 3 lần trong tập 1 (trang 22,82,116) 3 lần trong tập 2 (trang 21,137,138).

Như vậy, nếu quý vị không ưa sách theo Công nghệ giáo dục chỉ vì có hình tượng Hồ Chí Minh trong đó, con cái quý vị sẽ phải học một bộ sách khác với tần xuất lãnh tụ dày đặc hơn. 

Chưa hết, thứ hai là... hãy xem kỹ cách thức học tiếng Việt trong hai loại sách. Hồ Chí Minh xuất hiện trong sách Công nghệ giáo dục cùng với nhiều nhân vật lịch sử khác chỉ như là một ví dụ về câu, từ để học sinh học sâu về cấu trúc ngữ âm, ngữ pháp. Còn bên mảng sách đại trà, Hồ Chí Minh xuất hiện trong đó như là một tấm gương đạo đức sáng ngời, và đặc biệt hãy để ý các câu hỏi gợi ý sau mỗi nội dung có Hồ Chí Minh. Hãy xem các hình ảnh sau trong sách lớp 1 đại trà :

cngd2

cngd3

cngd4

cngd5

Và xem các hình ảnh sau trong sách lớp 4 đại trà :

cngd6

FA15D5AE-29C4-4A2B-8579-61FC3F3F041C

cngd8

cngd9

cngd10

Sách Công nghệ giáo dục từ lớp 1 đến lớp 4 rèn cho học sinh quy tắc ngữ pháp, hình tượng Hồ Chí Minh có xuất hiện hay không chỉ là một nhân vật, một tình huống, một ví dụ về câu văn hay từ ngữ để học tiếng Việt. Sách đại trà từ lớp 1 đến lớp 4 người ta rèn cho học sinh biết thế nào là đạo đức cách mạng, thế nào là lãnh tụ vì nước vì dân, lại còn cho trẻ con phát biểu cảm nghĩ một cách rất sâu sắc như người lớn. Ông Đại để học sinh đọc ra rả về Hồ Chí Minh xong rồi bắt phân tích từ ghép, từ láy, ngữ âm, chủ vị... chả có phần phân tích, nhận định và phát biểu cảm nghĩ về nhân vật gì cả, làm học sinh coi lãnh tụ cũng bình thường chỉ như con gà, con chó, con ếch xuất hiện quanh ta. Theo tôi đây là một thất bại nặng nề của ông Hồ Ngọc Đại trong việc giáo dục con người mới xã hội chủ nghĩa, nếu ông có ý định như vậy. 

Hãy đọc trang đầu tiên của sách Công nghệ giáo dục lớp 4

cngd11

cngd12

Ông Đại dạy thật là rắc rối. Từ lớp 1 lên đến lớp 4, tại sao ông lại cung cấp tỉ mỉ cho học sinh toàn bộ những kiến thức để học sinh có thể tự tư duy và suy luận. Tại sao không dạy theo lối để cô giáo chỉ bảo cho học sinh đâu là trắng thì phải là trắng, đâu là đen thì nhất định phải là đen, cho dễ quản lý. Để học sinh nắm chắc cặn kẽ lý thuyết, rồi để nó tự do phát triển lung tung, đến lúc nó nói ra cái gì đụng chạm thì ông có cãi lại được chúng nó không ? Lệnh lạc về tư tưởng bắt đầu từ đây, phai nhạt lý tưởng bắt đầu từ đây, ông cãi đi !

Trước đây tôi định viết tiếp ở phần này về những gì ghi nhận được qua ý kiến của cha mẹ học sinh đã học theo chương trình Công nghệ giáo dục, nhưng quyết định dừng lại. Ai muốn tìm hiểu tự đi mà tìm. Trường nào cũng có thông tin đầy trên internet. Nhỡ mà con quý vị sau này thành phản động lại trách tôi.

Phần sau, phần cuối cùng có thể tôi sẽ viết tiếp về giáo dục Việt Nam nói chung cũng như thái độ cần có của chúng ta. Nếu ai không sợ bị phai nhạt lý tưởng cộng sản, không sợ mất lập trường cách mạng thì mời đón đọc. Đừng quên chia sẻ bài viết này của tôi. 

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 17/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 668 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)