Hãy để Tự Do lên tiếng : Giễu cợt Hồ Chí Minh là chuyện bình thường !
Gió Bấc, RFA, 22/04/2023
Chủ trương xử kín Nguyễn Lân Thắng rồi công khai bản án nặng kịch khung sáu năm tù, hai năm quản chế, hẳn nhà cầm quyền vừa muốn thị uy vừa muốn giấu dân đen cái tội tày trời nào đó mà anh đã gây ra với triều đình nhà sản. Điều đó thể hiện ngay trong thái độ im lặng đến khiếp nhược của đại gia đình Nguyễn Lân nhiều thế hệ khoa bảng, có đến hàng chục người là giáo sư tiến sĩ thành đạt là niềm tự hào như hình mẫu gia đình của chế độ nhà sản. Tất cả đều im lặng chấp nhận phiên tòa phi pháp, bản án phi lý phi nhân xử con cháu của mình. Ngay cha mẹ anh có lên tiếng trước phiên tòa khẳng đĩnh anh Thắng vô tội nhưng sau phiên xử cũng đành lặng thinh.
Trái với mong muốn của nhà cầm quyền, xử kín, phạt tù nặng nề nhưng dân không sợ. Mạng xã hội bùng vỡ những ý kiến phản đối, phản kháng dù không biết Thắng làm gì, phạm tội gì. Qua những việc Thắng đã làm công khai như biểu tình chống Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, người ta biết và tin Thắng yêu nước, dũng cảm. Qua việc đồng hành với dân oan mất đất ở Văn Giang đấu tranh chống cường quyền, quan tham người ta thấy và tin Thắng nghĩa khí, thương người cô thế.
Cộng đồng mạng đồng tình thương cảm, tôn vinh Thắng gần như tuyệt đối.
So với sức mạnh của chế độ chuyên chính, với lực lượng thanh kiếm lá chắn trùng trùng điệp điệp, nuôi sống bằng tiền thuế của dân để đàn áp người dân thì tiếng nói cộng đồng mạng phản kháng phiên tòa, bênh vực cho Nguyễn Lân Thắng cũng chỉ là cơn bão trong miệng chén.
Nhưng điều đáng qúy là nó như ngọn lửa âm ỉ giữ gìn và nâng cao sức mạnh dân khí mà chính quyền luôn muốn tiêu diệt để thay thế bằng sự im lặng của một đàn cừu hoặc những lời tôn xưng nịnh hót. Sự thật bị hủy diệt bằng sức mạnh đàn áp, im lặng được ban bố cho sự yên thân tủi nhục, nịnh hót được hậu đãi bằng quyền lợi, quyền lực danh vị. Những nhà khoa bảng danh giá trong gia đình Nguyễn Lân quá thừa sức hiểu anh Thắng vô tội nhưng vì sao lại im lặng ?
Ngoài yêu nước, đòi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, ngoài thương dân oan mất đất anh còn phạm cái tội tày trời nào nữa không ?
Trong chế độ toàn trị, nhà thơ Phùng Quán đã phải trả giá bằng cả cuộc đời tàn lụi chhỉ vì ước mong nói lên sự thật, tình cảm thật trong bài thơ :
Lời mẹ dặn
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Một chiến sĩ cách mạng, một nhà thơ cách mạng đã bị tù đày, bị đàn áp lên bờ xuống ruộng cùng thế hệ văn nghệ sĩ tham gia nhân văn giai phẩm.
Cái tự do nhỏ nhoi nghĩ thật, nói thật, sống thật trong xứ thiên đường trở nên đắt đỏ. Thời phong kiến người ta chỉ phải kiêng húy kỵ tên của vua chúa đương triều nhưng trong nền văn minh xã nghĩa có quá nhiều điều kiêng kỵ bất thành văn : Điều 4 Hiến pháp, tình hữu nghị nô bộc với nước lạ, quyền cướp đất mang tên mỹ miều là sở hữu toàn dân và quan trọng nhất là hào quang thần thánh của lãnh tụ. Chạm tới các điều cấm kỵ ấy là chuốc họa vào thân. Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ chỉ đăng bài "Bác Hồ có vợ" là bị mất chức ngay dù từng được Nguyễn Văn Linh ưng ý xem là "con nuôi".
Sự nhồi nhét bằng tuyên truyền, đàn áp, tẩy não đã làm cho nhiều lớp người Việt chấp nhận những tín điều vô ngôn ấy như một thứ kim cô.
Võ sư Đoàn Bảo Châu, một fber thường có ý kiến phản biện xã hội khá nổi tiếng, trang fb Chau Doan có hơn 130.000 người follow đã viết trên trang nhà một stt "Điều cần nói nốt về Nguyễn Lân Thắng". Ông khẳng định phản đối bản án, tôn trọng và đồng tình với việc đấu tranh của Thắng nhưng đã phê phán Nguyễn Lân Thắng vi phạm điều cấm kỵ thiêng liêng là giễu cợt ông Hồ Chí Minh.
Ông Đoàn Bảo Châu viết "Từ những năm trước, tôi đã không đồng ý với việc Thắng có thái độ chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh. Ông không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hóa, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp.
Nếu ai đấy muốn có được tiếng nói có uy tín trong xã hội, muốn thực sự mình có đóng góp tích cực với xã hội thì không nên phủ nhận sạch trơn những gì thế hệ trước đã làm. Tôi chỉ hỏi đơn giản một điều rằng, nếu bạn được sinh ra vào thời những bậc tiền bối cộng sản vào thời kỳ như ông Hồ, ông Giáp thì các bạn sẽ làm được điều gì ?" (1).
Ngay lập tức ông Đoàn Bảo Châu nhận số gạch đá đủ xây cái lăng mới cho ông Hồ. Trang này đã nhận được 2700 ý kiến phản hồi, đương nhiên có không ít bò đỏ, AK47 hưởng ứng tung hô nhưng đa số ý kiến đã phản bác với ông Châu. Cộng đồng đã nghiêm túc dẫn chiếu thực tế lịch sử từ Cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, cả cuộc chiến Quốc Công tốn bao xương máu và cả hiện tình đất nước đang nghèo đói, bệ rạc ngày nay đã khẳng định rằng ông Hồ chính là kẻ tội đồ của dân tộc.
Trong thế giới phẳng có đầy đủ thông tin, những ý kiến phản hồi đã đưa ra nhiều thông tin, những sự kiện lịch sử về mặt thật của ông Hồ là bức tranh ảm đạm.
Quan trọng hơn là nhiều ý kiến đã phản bác lối nghĩ truyền thống của một số người Việt bị nhiễm bệnh "sùng bái lãnh tụ : mà nhà cầm quyền đã nhồi nhét.
Nick Tèo Ngu Khìn đã có ý kiến xác dáng là "Nhiều độc giả của ông Nguyễn Lân Thắng, tuy ủng hộ ông hoạt động xã hội, đấu tranh dân chủ, nhưng cũng không tán thành việc ông "đem Bác Hồ ra làm trò cười".
Tuy vậy, cũng không ai giải thích được tại sao kính trọng lãnh tụ lại là một thứ đạo đức.
Đó chính là bởi vì tâm lý sùng bái lãnh tụ trong dân chúng Việt Nam còn rất nặng, mà tâm lý ấy là kết quả của sự tuyên truyền không ngừng nghỉ của chính quyền cộng sản về ông Hồ Chí Minh như một vị cha già dân tộc.
Họ không biết rằng nhà nước Việt Nam xây dựng, sử dụng, thần thánh hóa nhân vật Hồ Chí Minh, mỗi năm chi hàng chục ngàn tỷ đồng để duy trì phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là để đảng cộng sản dựng lên một tấm bình phong, một chỗ dựa, một trụ đỡ của chế độ. Hạ bệ thần tượng, bình thường hóa một nhân vật lịch sử, chép lại đúng những gì lịch sử đã diễn ra là việc làm của những người dũng cảm.
Không chỉ người khách quan phê phán mà ngay Fber Dương Quốc Chính vốn thân thiết với Đoàn Bảo Châu đã bức xúc vừa viết bình luận trên trang của ông Châu vừa phải đưa ý kiến phản đối trên trang cá nhân của mình. Dương Quốc Chính minh định : "Em đồng ý là không nên xúc phạm các nhân vật lịch sử, nên có thái độ trung tính, nhưng không nhất thiết phải tỏ ra kính trọng lãnh tụ của người khác. Với người có tư tưởng tự do thì không nên coi ai là lãnh tụ. Lãnh tụ là khái niệm chỉ có ở các chế độ độc tài thôi".
Với nhân vật Hồ Chí Minh, Dương Quốc Chính cũng chỉ ra ba yếu tố còn gây tranh cãi là :
Về tư tưởng Hồ Chí Minh, đã là người cộng sản thì không có khái niệm dân chủ, theo đúng nghĩa phổ quát bây giờ, mà chỉ là dân chủ tập trung (dân chủ kiểu cộng sản, gấp vạn lần Mỹ !).
Về khái niệm nhà văn hóa, thì cũng còn gây tranh cãi. Vì khả năng văn chương thơ phú của ông Hồ không có giá trị nghệ thuật cao, thiên về tuyên truyền, văn thơ cổ động là chính. Cái này là quan điểm cá nhân em.
Về lòng yêu nước thì cũng còn gây tranh cãi, tùy quan điểm, góc nhìn. Ông Hồ Chí Minh đúng là có tư tưởng chống thực dân, muốn giải phóng dân tộc, đó là sự thật. Có thể coi là yêu nước. Nhưng mặt khác, giải phóng dân tộc khỏi thực dân nhưng lại trao đất nước vào chế độ cộng sản, cũng là lệ thuộc về tư tưởng, khiến đất nước chậm tiến, nhân dân cực khổ 1 thời gian quá dài, nhất là khiến nhiều người chết oan vì cải cách ruộng đất và chiến tranh. Thế lại bị coi là không yêu nước…" (2).
Vì sao nhà cầm quyền cộng sản lai thần thánh hóa Hồ Chí Minh, buộc mọi người dân phải sùng kính và tàn nhẫn tù đày người bất đồng chính kiến ? Đơn giản thôi bằng phương pháp diễn dịch thô thiển họ đồng hóa ông Hồ với đảng, đồng hóa đảng với tổ chức nhà nước đang cầm quyền và tự tô vẽ cho nó ánh hào quang giả dối để bịt mắt, bịt miệng người dân và duy trì độc quyền cai trị. Để tiêu diệt mọi mầm mống phản biện, phản kháng họ quy nạp thô thiển không kém, mọi suy nghĩ, tiếng nói khác biệt đều là phản động.
Áp dụng bài học của Mạnh Mẫu ngày xưa, họ ngăn chặn mọi thông tin thật và tận dụng mọi phương tiện truyền thông, cài cắm người vào mọi giới, mọi ngành để tuyên truyền. Bài vở nôi dung thì cha già đã viết sẵn rồi : từ cục gạch mùa đông Paris, đôi dép râu, nắm gạo tiết kiệm nuôi quân,… các con chỉ cần xào nấu thêm mắm muối để tăng phần hấp dẫn. Mưa dầm thấm lâu, không ít người thế hệ trước đã nhiễm độc thật sự sùng bái Hồ Chí Minh.
Ngay trong gia đình tôi, cha mẹ đều là trí thức tham gia kháng Pháp. Từng bị nghi kỵ, bị thanh trừng gián tiếp bằng cách bố trí đi công tác ở vùng Pháp kiểm soát mà không thông báo, mượn tay Pháp giết. Giả vờ đưa vào danh sách đi tập kết sau đó loại ra cho về điều loắng. Ông bà cụ biết tất cả điều ấy nhưng vẫn cho rằng đó là sai sót của cấp dưới, Hồ Chí Minh vẫn đúng. Con cháu lở miệng nói những sự thật nhơ nhớp của Hồ Chí Minh lập tức bị la mắng, giận hờn.
Mặt khác, sức mạnh đàn áp bằng tù ngục, bằng sự quy chụp chính trị buộc những người biết được sự thật phải câm nín, tránh né sự thật về Hồ Chí Minh ngay với con cái của mình. Nick Bạch Cúc đã kể câu chuyện bản thân mình trong hoàn cảnh ấy. Gia đình có hai tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày 30-4, cha mẹ Bạch Cúc đã không dám nói thật với con cái những điều họ biết về Hồ Chí Minh. Bạch Cúc cũng mặc nhận những tín điều do nhà trường và xã hội cưỡng chế "Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh".
Mãi đến khi thế hê con cái đã trưởng thành, đặt câu hỏi về mặt thật của Hồ Chí Minh, Bạch Cúc mới ngộ ra không thể lặng im, không thể quay lưng với sự thật. Bạch Cúc đã kết luận bài viết "Xin bạn hãy dạy cho con trẻ, những thế hệ sau bạn biết tôn trọng sự thật và chân lý ! Xin đừng chần chừ, đừng ngại ngần, đừng sợ hãi khi nhắc đến sự thật bởi sự thật là ánh sáng. Dù bạn có cố né tránh hay che đậy sự thật thì sự thật vẫn vây quanh bạn, tác động đến bạn và nhắc nhớ cho bạn biết rằng, bạn đã hèn nhát với chính bản thân mình và đang rất tàn nhẫn với các thế hệ mai sau !...
Muốn đất nước thay đổi bạn phải thay đổi, điều thay đổi dễ dàng nhất là hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận nó và đồng hành giúp con bạn, giúp những người trẻ tiếp nhận sự thật càng sớm càng tốt. Nếu tất cả các bậc làm cha làm mẹ trên toàn nước Việt Nam này can đảm nói sự thật với con mình và giúp con quay lưng với dối trá thì tôi tin rằng đất nước này sẽ sớm thay đổi, thật thế !(3)
Sinh ra trong gia tộc con cưng của chế độ, học hành tử tế, có năng lực chuyên môn, Nguyễn Lân Thắng chắc chắn sẽ được thăng tiến thần tốc giáo sư, tiến sĩ nếu ngoan ngoãn chấp nhận cái vòng kim cô đảng quang vinh- bác Hồ vĩ đại. Nguyễn Lân Thắng không thể không biết điều ấy ! Nhưng đồng thời kiến thức học vấn cũng đã cho Nguyễn Lân Thắng hiểu giá trị tự do lớn gấp ngàn lần bả vinh hoa phú qúy phải sống tủi nhục mù lòa một cách tiếp tay duy trì thảm họa tham nhũng bất công.
Hơn ai hết, Nguyễn Lân Thắng cũng dư biết cái giá phải trả khi tháo đi vòng kim cô nhà sản, giải ảo thần tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng sống trong nhà tù nhỏ tự do và phẩm giá vẫn được bảo toàn, vẫn hạnh phúc hơn là sống tủi hổ trong nhà tù lớn.
Trong mọi công dân Việt ít nhiều đều có tố chất tương tự Nguyễn Lân Thắng. Hãy để cho Tự Do lên tiếng.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 22/04/2023
2.https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.kts/posts/pfbid02zMM5fG4yS5K9wy...
3.https://www.facebook.com/bachcuc.loannguyen/posts/pfbid0ZNEr8X2iAibV9zMp...
*************************
"Bác Hồ của chúng tôi ngày xưa"
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 20/04/2023
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xảy ra những cuộc tranh cãi dữ dội liên quan đến việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ, kết án trong sự lấm lét và khuất tất với bản án nặng nề với những quy kết hết sức mơ hồ Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng. Anh bị kết tội 6 năm tù và 2 năm quản chế vì những điều khoản trong cái gọi là "luật", mà với những điều luật đó, thì cả đất nước là một đội ngũ tù nhân tiềm năng.
Nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ, kết án trong sự lấm lét và khuất tất với bản án nặng nề với những quy kết hết sức mơ hồ Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng.
Tuy nhiên, mạng xã hội ngoài sự bất bình về bản án khuất tất, tiềm ẩn những sự hèn hạ của việc trả thù những người bất đồng chính kiến - Những người đã dám đứng thẳng, cất lên tiếng nói lương tâm của mình phản đối sự tàn bạo, sự nhẫn tâm, sự thối nát của chế độ đang gieo tai ương lên nhân dân và nguy cơ cho tiền đồ dân tộc – thì một vấn đề khác lại được nói đến. Đó là thần tượng Hồ Chí Minh.
Một Facebooker, người đã lên án phiên tòa ô nhục lấm lét của nhà cầm quyền cộng sảnVN nhằm trả thù hèn hạ Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, cũng bày tỏ thái độ của mình về việc Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng đã có những hành vi người này cho là chưa tôn trọng Hồ Chí Minh.
Và cả mạng xã hội dậy sóng tranh luận về vấn đề này.
Loại trừ đám Dư luận viên, là những kẻ ăn tiền để nói theo chỉ thị, hướng dẫn, bất chấp sự thật, bất chấp suy nghĩ và lý trí – loại này hành nghề đĩ miệng kiếm ăn, không đáng chấp.
Loại trừ một đám nữa, là những kẻ bị ngộ độc nặng nề đến mức không thể có một loại chất tẩy rửa nào có thể tẩy được các nếp nhăn trong não được tạo ra bởi hệ thống tuyên truyền một chiều về một hào quang rực rỡ của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản – Loại này chỉ đáng thương hại, bởi não của họ không có khả năng tiếp nhận được thêm thông tin mà chỉ nhai lại những món ôi thiu đã dọn sẵn.
Phần còn lại, là những người có tìm hiểu về các vấn đề xã hội, hiểu được những bất công xã hội, hiểu bản chất của chủ nghĩa cộng sản chỉ là chiếc bánh vẽ được sản xuất ra nhằm mê hoặc người dân đi theo đó, mà cống hiến máu xương cho một đám người mạo danh "Đầy tớ nhân dân" bòn xương, rút máu sống phè phỡn với chế độ độc tài đảng trị.
Muốn xóa bỏ độc tài, thì điều hết sức cần thiết, là xóa bỏ mọi thần tượng bày đặt, tô vẽ bởi hệ thống tuyên truyền cộng sản, kể cả Hồ Chí Minh.
Ở đó có hai luồng ý kiến khác nhau.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng :
Đảng cộng sản độc tài, tham nhũng là nguyên nhân tụt hậu của đất nước, của dân tộc, điều đó gây bức xúc cho dự luận nhân dân, cần phải có những sự thay thế cần thiết để xã hội có cơ hội phát triển và đất nước, dân tộc trường tồn. Thế nhưng, Hồ Chí Minh là một người lỗi lạc, là một thần tượng của người dân Việt Nam rồi, việc nói đến nhân vật này là không nên.
Hoặc rằng : Dù sao thì Hồ Chí Minh cũng đã chết, và để có nhiều người dân nghe theo mình, thì không nên động đến thần tượng Hồ Chí Minh, vì điều đó sẽ dẫn đến sự bất bình của người dân… vì họ không thể hiểu.
Và rất nhiều lý do khác nữa, để không động chạm tới thần tượng Hồ Chí Minh.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng :
Nguyên nhân của chế độ hiện hành tồn tại được, dựa trên sự sùng bái cá nhân và những huyền thoại được thêu dệt, được bịa đặt nhằm ru ngủ người dân, để người dân hiểu rằng : Số phận, khả năng của mình chỉ là loài sâu kiến, không xứng đáng đòi hỏi những quyền lợi của con người mà những tinh hoa, những lãnh tụ như Hồ Chí Minh là đại diện.
Và vì thế, muốn xóa bỏ độc tài, thì điều hết sức cần thiết, là xóa bỏ mọi thần tượng bày đặt, tô vẽ bởi hệ thống tuyên truyền cộng sản. Còn khi mà người dân vẫn còn u mê, chấp nhận số phận và định mệnh của mình chỉ là nô lệ cho một cá nhân đại diện cho đám cộng sản tự xưng là "ưu tú", "trí tuệ", "văn minh, đạo đức"… thì không thể có việc giải phóng được con người và xã hội triệt để.
Và hai luồng tư tưởng đó đã va chạm nhau tạo thành những cuộc tranh luận, cãi vã sôi sùng sục mạng xã hội khi kẻ bênh, người chống.
"Bác Hồ" trong tôi của ngày xưa
Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Nghệ - Tĩnh, vào thời kỳ Miền Bắc đang hô hào những khẩu hiệu, thúc nhau những phong trào rầm rộ bắt đầu từ "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì chủ nghĩa xã hội, mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba"… rồi sau đó, khi kết thúc cuộc chiến Nam – Bắc, thì cả nước hô hào "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội".
Trong quá trình đó, những thông tin đến với chúng tôi hầu như chỉ có cái loa phường, sau này lớn lên chút thì vài tờ báo đảng và những cuộc "nói chuyện thời sự".
Ở đó, cái từ "Bác Hồ" được nhắc đến với tất cả mọi sự kính trọng, sùng kính và thậm chí là cuồng tín đến mê muội của hầu hết mọi cán bộ, đảng viên cho đến cả những người không ưa nhà nước cộng sản. Bởi tất cả mọi thông tin có thể đến với người dân, chỉ từ cái loa phường, mấy tờ báo và tin… truyền miệng. Ở đó thì ngồn ngộn thông tin về "bác Hồ", thật có, giả có nhưng mục đích cuối cùng, thì "bác Hồ" là một ông tiên, ông Thánh chứ không phải người thường.
Tất cả mọi thông tin về "bác Hồ", thật có, giả có nhưng mục đích cuối cùng, thì "bác Hồ" là một ông tiên, ông Thánh chứ không phải người thường.
Ngay từ những ngày tôi bước vào học lớp 1, điều ấn tượng đầu tiên mà tôi nhớ đến nay, đó là cái chết của Hồ Chí Minh.
Sau cái ngày hò hét reo mừng Quốc khánh 2/9/1969, thì hôm sau nghe tin Hồ Chí Minh từ trần. Chiếc loa phóng thanh vừa đọc bản thông báo nghe như tiếng nức nở của phát thanh viên chưa xong, thì mụ Thanh Thảo đã khóc um sùm và mếu máo đến tội. Nhưng, cả xóm chúng tôi, hình như chỉ có mụ ấy khóc, bởi mụ ấy là đảng viên gốc công giáo hiếm hoi trong xóm và đã công khai chống lại nhà thờ một cách mạnh mẽ nhất, sâu hiểm nhất và bất chấp nhất khi đó. Còn lại, người ta im lặng, người ta thì thầm.
Điều tôi còn nhớ, là tờ báo Nhân Dân đăng hình ảnh chân dung Hồ Chí Minh và bản thông báo kèm ảnh mấy ôngTôn Đức Thắng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng đứng bên chiếc quan tài bằng kính. Bọn trẻ con chúng tôi chỉ biết vậy, chỉ trầm trồ nhau về việc thằng lớp trưởng nó có cái băng đen đeo trên ngực để tang "bác hồ" vì nó là con ông chủ tịch xã.
Và từ đó, tuổi trẻ chúng tôi được học, được dạy, được tắm trong môi trường Hồ Chí Minh.
Sáng dậy mới mờ sương, chiếc loa phóng thanh đã rống lên khắp mọi ngõ ngách làng quê :
"Toàn Việt Nam đón chào ngày mới.
Hồ Chí Minh Dẫn dắt toàn dân nước ta,
Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta.
Hồ Chí Minh muôn năm, giải phóng cho nhân dân,
xây dựng non nước Việt Nam…".
Rồi sáng đến lớp học, tất cả xếp hàng vào lớp xong thì lớp trưởng bắt nhịp cho cả lớp đồng thanh "Năm điều bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng".
Mở sách ra, thì hầu như là thơ về bác, là câu chuyện về bác, là những cử chỉ, tình cảm của bác với thiếu niên, nhi đồng từ chuyện bác tắm cho mấy đứa bé người dân tộc hoặc mua chiếc lắc bạc và mấy cuốn vở để "ta tặng cháu yêu ta"…
Rồi những buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ hay trông em, những câu chuyện thầm thì về "bác Hồ" được mang đến với chúng tôi qua hệ thống truyền thanh "chạy bằng cơm" bằng cách truyền miệng. Rằng thì là bác Hồ của chúng ta tài giỏi, tiết kiệm, cao thủ. Rằng thì là Tạ Đình Đề làm việt gian phản động định vào thủ tiêu Bác mà bác biết, còn dặn chú cần vụ nấu thêm cho suất cơm nữa, đến khi dọn ra ăn bác mới nhìn lên mái nhà gọi "Chú Đề xuống ăn cơm với bác" làm cho tên phản động Tạ Đình Đề tâm phục khẩu phục đành bỏ ý định thủ tiêu mà về phục vụ bác.
Cho đến nửa đêm thì chương trình Tiếng Thơ :
"Bác để tình thương cho chúng con
Một đời trinh bạch, chẳng vàng son…
Bác ơi tim bác mênh mông thế
Ôm cả non sông trọn kiếp người"
Và cuộc sống của chúng tôi như vậy, cái gọi là "bác hồ" luôn phục sẵn, luôn có sẵn để chúng tôi ngụp lặn trong đó, hít thở trong đó, tiêu hóa nó và biến nó thành một phần không thể thiếu trong suy nghĩ và hành động của những thế hệ chúng tôi.
Thế rồi một quá trình hình thành não trạng thần tượng Hồ Chí Minh dần dần trở thành những phản ứng tự nhiên. Mỗi khi nghe nói về Hồ Chí Minh, thì những tính từ tốt đẹp nhất như khiêm tốn, tài tình, đạo đức, thương yêu, anh hùng, tài giỏi… đều tự nhiên tuôn ra để đi kèm đại từ nhân xưng là "bác".
Và cả nửa đất nước chúng tôi đều chỉ biết rằng : Nếu không có bác, thì dân tộc này không tồn tại, đất nước này không có tên trên bản đồ thế giới, bác là tinh hoa dân tộc, là lãnh tụ, là thiêng liêng chẳng bao giờ có vướng vào bất cứ tội lỗi, nhơ bẩn hay một điều gì không trong sáng.
Thậm chí, tôi còn nghe nói rằng một linh mục đi theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo (Mà dân gian gọi là Đàn Két Công giáo) còn oang oang giảng giữa nhà thờ rằng có thể là bác đã lên Thiên đàng trước chúng ta.
Và chúng tôi lớn lên như vậy, ngây thơ tin, ngây thơ tôn sùng, ngây thơ bảo vệ hình ảnh, thần tượng Hồ Chí Minh không hề thấy có điều gì phải lăn tăn, phải suy nghĩ. Thậm chí, người ta có thể chấp nhận để người khác xúc phạm đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình, vì dù sao cũng có những khuyết điểm, nhưng đụng đến Hồ Chí Minh là không được, họ sẽ bảo vệ đến cùng.
Tong vụ cải cách ruộng đất, người ta có thể chấp nhận để người khác xúc phạm đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình, vì dù sao cũng có những khuyết điểm, nhưng đụng đến Hồ Chí Minh là không được, họ sẽ bảo vệ đến cùng.
Bởi Hồ Chí Minh là Thánh, là Thần là người Việt Nam đẹp nhất, là tinh hoa của nhân loại.
Khi nói đến tài trí, phải kể đến bác Hồ Chí Minh. Bởi bác Hồ Chí Minh đã đi khắp năm châu bốn bể, làm đủ mọi nghề kiếm ăn và đến đâu ai cũng phục tài của bác Hồ Chí Minh.
Nói đến yêu nước, thương nòi, trước hết phải nói đến Hồ Chí Minh. Bởi bác Hồ Chí Minh đã đi tìm đường cứu nước, để giải phóng đất nước này khỏi cảnh trầm luân, nô lệ.
Nói đến hy sinh cho đất nước, cho dân tộc đầu tiên phải nói đến Hồ Chí Minh. Bởi Hồ Chí Minh dù được cả nước yêu mến, có bạn bè khắp nơi mà vẫn sống chay tịnh không hề có gái gú, không vợ con để rảnh tay mà lo cho đất nước, cho dân tộc.
Nói đến tiết kiệm, phải nêu gương Hồ CHí Minh, bởi bác hàng ngày nấu cơm bác bỏ ra một nắm gạo để góp vào hũ gạo kháng chiến. Bác ăn uống đam bạc chỉ cà pháo xứ Nghệ với nước luộc rau muống là thích mà thôi.
Nói đến giản dị, phải kể đến Hồ Chí Minh, bởi bác đã nêu gương dùng chút bút chì người ta vứt đi, cuốn giấy lại để viết còn được thêm 2 năm, những chiếc áo bác mặc đều đã sờn cổ mà không mua áo mới.
Và biết bao nhiêu đức tính, tính cách hay nhất, tài nhất, đẹp nhất, giỏi nhất… đều tích tụ ở Hồ Chí Minh.
Dưới hình bóng của bác Hồ Chí Minh, con người Việt Nam, chẳng ai đáng giá nửa xu. Tôi còn nhớ trong một đêm nói chuyện về "Bác Hồ trong thơ Tố Hữu" tại trường Cấp 3 Phan Đình Phùng, diễn giả đọc mấy câu thơ sau của Tố Hữu. Mấy câu thơ như sau :
Người là đỉnh non cao vun vút
Mà chúng con là chút lá cây
Người là cả đóa hoa say
Mà con là chút hương bay của người.
Cũng theo diễn giả, thì mấy câu thơ này sau đó đã bị lược đi vì quá đề cao "chủ nghĩa cá nhân", làm sao mà có ai dám tự nhận là chút hương bay của Hồ Chí Minh được, không thể xứng đáng với bác được.
Ngụp lặn, ngộ độc trong Hồ Chí Minh
Và chúng tôi đã mê mẩn, đã cuồng dại như vậy từ nhỏ, lớn lên cho đến tuổi trưởng thành. Bởi chẳng có một thần tượng nào có thể thay thế được "bác hồ" trong tâm trí chúng tôi. Chẳng có ai đủ tài, đủ đức để sánh ngang bác hồ. Chẳng ai xứng đáng để được nói đến bác mà không dùng những lời lẽ ngôn từ kính trọng nhất chứ không nói đến là xúc phạm hoặc coi thường.
Và chúng tôi cứ nghiễm nhiên coi điều ấy là bình thường, để rồi nơi nào có tượng bác hồ thật to cũng là bình thường, lăng bác ngốn bao nhiêu tiền không quan trọng, ở nhà phải mua tấm ảnh bác to nhất, để nơi trang trọng nhất mà thờ.
Bởi chúng tôi đâu biết được đằng sau sự thật về "bác" của chúng tôi.
Chúng tôi đâu biết rằng : Chỉ riêng với dân tộc này, một người không thể được cả mọi thế hệ gọi là "bác’. Bởi không có chuyện loạn xị ngậu ông nội, bố con, cháu chắt ngang hàng nhau khi đều gọi là "bác". Và danh xưng này, oái oăm thay, chính "bác" Hồ Chí Minh đã tự xưng mình là "bác" cha già dân tộc khi cha già mới có 58 tuổi đời. Chúng tôi đâu biết rằng đằng sau lời kêu gọi "Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" mà "bác hồ" in thành sách, thì chính "bác hồ" lại bí mật tự viết sách ca ngợi mình lấy tên người khác.
Chúng tôi đâu biết rằng : Cái gọi là "đi tìm đường cứu nước" của "bác" ngày xưa, chỉ là một chuyến đi khi bản thân và gia đình quẫn bách không lối thoát. Và con đường gọi là giải phóng dân tộc kia, chỉ là con đường mà phong trào Cộng sản Quốc tế đã chỉ thị cho "bác" đem về Việt Nam để phục vụ mưu đồ của Quốc tế Cộng sản.
Chúng tôi cũng đâu biết được, đằng sau cái gọi là "Cả một đời vì nước vì non" kia, thì "bác hồ" cũng có cuộc sống cá nhân hỉ, nộ, ái ố như mọi người. Chỉ có điều là "bác" hèn nhát hơn khi để đồng chí mình giết vợ con mình mà không dám mở mồm, nghĩa là đồng lõa với kẻ giết vợ mình để bảo vệ thanh danh cho bác là "trọn đời hy sinh".
Và chỉ những sự tình cờ, chúng tôi mới biết được rằng khi chúng tôi thậm chí ăn cả cám lợn, sắn mốc không đủ no, để tất cả vì tiền tuyến, và bác được nói rằng hàng ngày vẫn bớt từng nắm gạo bỏ vào hũ tiết kiệm, thì sau này báo chí mới viết rằng : "Buổi sáng Bác ăn lúc 6g, trưa ăn lúc 10g rưỡi, còn chiều ăn vào lúc 17g30. Các món ăn thay đổi luôn cho ngon miệng, nhưng thường thì bữa sáng Bác dùng cà phê đen, với bánh ngọt giống như bánh patêsô bây giờ. Có hôm Bác đổi sang xúc xích chấm mù tạt hoặc bánh mì trứng ốp la. 10g Bác uống một ly nước sâm, 10g30 thì ăn trưa. Đến 2g chiều Bác uống một cốc cà phê sữa, 4g lại uống 1 ly nước sâm, rồi 5g30 chiều thì ăn cơm. 8g tối Bác uống thêm một cốc cà phê sữa nữa, chỉ thế thôi".
Vâng, chỉ thế thôi. Nhưng chỉ riêng cốc sữa ấy những năm 60 của thế kỷ trước là mơ ước không chỉ một mà là cả một thế hệ trẻ em như chúng tôi, những đứa trẻ từ mới lọt lòng mẹ đêm khóc ngằn ngặt vì sữa mẹ chỉ có toàn nước trong veo vì không đủ ăn.
Đằng sau cái gọi là "Cả một đời vì nước vì non" kia, thì "bác hồ" cũng có cuộc sống cá nhân hỉ, nộ, ái ố như mọi người. Chỉ có điều là "bác" hèn nhát hơn khi để đồng chí mình giết vợ con mình mà không dám mở mồm, nghĩa là đồng lõa với kẻ giết vợ mình (bà Nông Thị Xuân bị giết năm 1957 ở vào tuổi 24-25) để bảo vệ thanh danh cho bác là "trọn đời hy sinh".
Chúng tôi cũng chỉ biết và tin những tài liệu, hoặc qua những những nhân vật như Hoàng Chí Bảo sau này chuyên bịa chuyện về một Hồ Chí Minh nghĩa tình, thậm chí đi mua bằng được bông hoa, con gà để về làm giỗ mẹ ở Pháp.
Nhưng chúng tôi đâu biết rằng dù đi mấy chục năm xa quê hương và gia đình, nhưng khi về đến đất nước thì gần 2 chục năm sau "bác hồ" mới về thăm quê. Không chỉ thế, khi anh chị em ruột mình, ốm đau, chết chóc, "bác hồ" đều coi là chuyện của thiên hạ. Thậm chí mấy lần về quê, "bác hồ" không thèm thắp một nén hương trước ban thờ ông bà, tổ tiên hoặc chẳng thèm nhắc đến chứ không nói bước đến nơi mộ mẹ mình nằm ngay gần đó ở quê.
Và thế hệ chúng tôi lớn lên như vậy với niềm tin về "Bác Hồ". Và nếu ai xúc phạm đến "bác" thì chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ bác của chúng tôi với những đức tính tốt đẹp nhất.
Nhớ lại những giai đoạn ấy, chúng tôi mới cảm thông cho những người ngày nay vẫn còn ngộ độc thông tin về "bác hồ". Chỉ thương họ là thời buổi này rồi khi mạng Internet ngập tràn khắp thế giới, mà họ vẫn tê liệt khả năng tìm hiểu sự thật mà thôi.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 20/04/2023
Trong những ngày qua, tôi vẫn đọc được đôi ba bức thư (mỗi chữ đều như róc/từ xương thịt cuộc đời/từ bi thương phẫn uất …) của mấy ông bố trẻ gửi cho những đứa con thơ.
Tôi không thân thiết chi với Bùi Bảo Trúc và cũng chả mặn mà gì với chuyện văn nghệ/văn gừng nên mãi tới bữa rồi mới (tình cờ) được biết thêm rằng ông không chỉ là một nhà báo, nhà văn mà còn là một nhà thơ hơi nặng tình đất nước :
Tôi cũng như ông đời biệt xứ
Trẻ ra đi già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn …
("Xa nhà đọc thơ Hạ Tri Trương")
Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
Mấy bức thư đọng lại những năm qua
Một tấm thiệp báo tin người yêu nhỏ
Đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa…
Ngoài khuynh hướng hoài hương, Bùi Bảo Trúc còn là một người hoài cổ. Trong hàng chục ngàn Thư gửi bạn ta mà ông viết đều đặn hằng ngày, ròng rã qua mấy thập niên – có hôm – tác giả đã tỏ ý tiếc nuối những Lá thư đã cũ của Từ Linh & Đoàn Chuẩn :
Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau
Phong thư ngào ngạt hương
Nét bút đa tình lả lơi…
Tôi sinh sau đẻ muộn nên chưa hề gửi đi (hay nhận được) một phong thư nào lãng mạn và trang trọng tới cỡ đó. Những lá thư nắn nót trên "giấy trắng mực thường" cũng khỏi có luôn :
Có gì đâu một lá thư
Giấy trắng như giấy, mực như mực thường
Cũng chưa một chữ rằng thương
Mà tôi đọc suốt đêm trường sang mai
Không nhớ nữa ngắn hay dài
Hình như tôi đã đọc ngoài trang thơ.
("Có gì đâu" – Trần Ninh Hồ)
Thư thì mỏng như suối đời mộng ảo
Tình thì buồn như tất cả chia ly
Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo
Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi.
("Tình thư thứ nhất " – Xuân Diệu)
Tôi bước vào tuổi dậy thì cùng lúc với Bridgestone, Kawasaki, Suzuki, Honda… đang đang tràn ngập khắp miền Nam. Đám choai choai chúng tôi như được chắp cánh, bay lượn tá lả bùng binh, đâu có đứa nào rảnh để thư từ (vớ vẩn), nói chi đến cái dzụ "viết lại trăm lần". Nghe mà phát mệt !
Khi đời về chiều thì nhịp sống còn hối hả và bận rộn hơn nữa. Sau máy fax, thiên hạ email, rồi inbox, và text (liền liền) cho nó lẹ. Chả còn ai đủ bình tâm hay kiên nhẫn ngồi bên bàn viết, hoặc bàn phím để thư từ gì nữa. Ấy thế mà trong những ngày qua, tôi vẫn đọc được đôi ba bức thư (mỗi chữ đều như róc/từ xương thịt cuộc đời/ từ bi thương phẫn uất…) của mấy ông bố trẻ gửi cho những đứa con thơ.
Ông Nguyễn Lân Thắng cùng vợ và con gái trong cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016 - Fb Nguyen Lan Thang
Bức thư thứ nhất của ông Nguyễn Lân Thắng, viết hôm 30/7/2014, gửi cho con gái vừa 2 tuổi – mới được lan truyền rộng rãi trên mạng – sau khi nhân vật bất đồng chính kiến này bị bắt giữ vào hôm 5 tháng 7 vừa qua. Xin ghi lại đôi ba đoạn ngắn :
Con thương yêu của bố…
Bố có thể có nhiều lựa chọn. Nếu chấp nhận cuộc sống giả dối, tung hô những điều dối trá, tận dụng những quan hệ và lợi thế sẵn có thì sẽ chả thiếu thứ gì. Rồi khi mai này đất nước tan hoang, ta có thể ra nước ngoài sinh sống không cần biết nước Việt ra sao. Rồi con sẽ được sống trong môi trường bình yên với những điều kiện giáo dục, y tế, văn hóa tốt nhất.
Nhưng con ơi, không ai chọn được tổ quốc, không ai lựa được gia đình. Bố yêu con như thế nào thì bố cũng yêu mảnh đất này như thế. Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con.
Bố không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt. Đối với bố đó không phải là hạnh phúc. Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng.
Có thể bố sẽ thất bại. Có thể bố sẽ không được ở bên con ba mươi năm còn lại như dự tính. Nhưng dù thế nào bố cũng đã quyết định thế rồi, và nếu cuộc đời con gặp những khó khăn vì bố gây ra thì xin con hãy nhớ về một ông bố đã tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực mà tha thứ cho bố.
Bố yêu con rất nhiều, bé Đậu tuyệt vời của bố !
Nhà giáo Bùi Văn Thuận cùng vợ con. (Hình : Facebook Trịnh Nhung)
Bức thư thứ hai của nhà giáo Bùi Văn Thuận, viết hôm 5/1/2017 (cho con gái đầu lòng mới mở mắt chào đời) và cũng chỉ vừa được phổ biến, sau khi ông bị bắt giữ vào hôm 30/8/2021 :
Con gái à, hôm nay con đã được 3 tháng 18 ngày, con chưa thể đọc những dòng chữ ba viết cho con, nhưng ba vẫn viết ra đây để sau này con có thể đọc, con có thể cho bạn bè con đọc…
Khi con ngủ (tối qua con ngủ khá ngoan, con gái ạ), ba mẹ nấu cơm và ăn cơm tối lúc hơn 12g đêm. Mẹ con đói lắm vì con bú nhiều, một lần nữa ba lại muốn khóc. Khi ăn ba và mẹ con đã nói rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện khi đi "làm việc" với an ninh, nhỡ ba không về với hai mẹ con nữa thì sao ?
…
Ba rất khó lựa chọn, thật sự rất khó con gái ơi ! Nếu ba chấp nhận sống vì hai mẹ con con, cúi đầu im lặng để có thể chạy vạy lo toan cho hai mẹ con, thì đến thế hệ con, không biết các con làm sao mà sống được ?
…
Nhưng nếu ba lựa chọn lên tiếng, lựa chọn đấu tranh cho những quyền và nhu cầu căn bản của con người, thì ba lại là người vô trách nhiệm với hai mẹ con. Nếu ba vì lên tiếng mà bị bắt, bị những kẻ xấu bỏ tù thì hai mẹ con con sẽ sống ra sao ?
Đó là một sự lựa chọn rất khó khăn cho ba con gái ơi ! Sau khi bàn bạc với mẹ con, ba mẹ đã quyết định : Bình thản đón nhận những gì sẽ đến…
Quyết định "bình thản" của ông Bùi Văn Thuận khiến tôi nhớ đến thái độ và sự lựa chọn của một tù nhân lương tâm khác, Lê Anh Hùng – theo tường thuật của một nhà báo nước ngoài :
"Cứ mỗi lần cầm bút là Lê Anh Hùng nghĩ đến ba đứa con thơ. Người đàn ông 38 tuổi này đã hai lần vào tù, vì viết blog về nhân quyền và nạn hối lộ, hiện đang sống phấp phỏng trong căn nhà của ông ở Hà Nội. Tuy thế, ông nói, ‘Tôi biết điều mình lựa chọn là nguy hiểm nhưng tôi chấp nhận cuộc đấu tranh này".
"Every time Le Anh Hung starts to write he thinks of his three young children. The 38-year-old has already been imprisoned twice for blogging about human rights and corruption from his home in Hanoi and lives half-expecting another fateful knock at the door. And yet "I’m not scared", he says, "I know what I choose to do is risky but I accept the fight" (Charlie Campbell, "Internet Censorship Is Taking Root in Southeast Asia ", Time, 18 Jul 2013).
Thái độ quyết liệt và sự lựa chọn can trường của Lê Anh Hùng, cũng như của những tù nhân lương tâm đồng hành, khiến cho vợ con cùng thân nhân của họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi và phiền toái. Nhưng nếu không có sự hy sinh cao cả như thế thì dân Việt biết trông vào đâu để vẫn còn có thể giữ được chút niềm tin về tương lai của dân tộc, và đất nước này !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : VNTB, 12/04/2023
Một bản án rất 'nặng nề' mà dư luận quốc tế cần 'lên án'
Quốc Phương, RFA, 12/04/2023
Bản án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế mà nhà cầm quyền Việt Nam tại phiên tòa xét xử kín cấp sơ thẩm ở Hà Nội đã tuyên với blogger, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động dân sự ôn hòa, là một bản án "rất nặng nề" mà dư luận quốc tế, những quốc gia tự nhận đứng hàng đầu về tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới, cần phải hết sức "lên án", theo một nhà quan sát và phân tích thời sự chính trị và xã hội dân sự từ Hà Nội.
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng trước khi bị bắt vào tháng 7 năm 2022 - FB Nguyễn Lân Thắng
Hôm thứ Tư, 12/04/2023, ngay sau khi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm cáo buộc ông Nguyễn Lân Thắng đã vi phạm điều 117 Bộ Luật hình sự của nhà nước CHXHCN Việt Nam với tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước", Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phản biện xã hội (IDS – đã tự giải thể), đưa ra bình luận :
"Tất cả những cáo buộc mà người ta nêu ra thì cũng như những cáo buộc người ta từng đưa ra từ trước đây mà thôi và một mức án tuyên là sáu năm tù giam và hai năm quản chế là một mức tương tự như của những người khác phạm tội danh như thế, đấy là một bản án rất, rất là nặng nề".
Hệ lụy thế nào sau bản án nặng nề này ?
Đánh giá về hậu quả có thể gây ra và hệ lụy của bản án vừa được tuyên này với nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, người sinh ra trong một gia đình trí thức, khoa bảng, có nhiều người đã đang phục vụ trên các cương vị quan trọng khác nhau cho chế độ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói :
"Tôi nghĩ nó cũng giống như những bản án tương tự như thế, thậm chí còn nặng hơn trong khoảng một vài năm vừa qua, mà có rất là nhiều, thì chắc chắn nó sẽ làm cho dư luận quốc tế thấy tình hình nhân quyền xấu đi một cách khủng khiếp.
Và chắc chắn người ta nghĩ nó cũng sẽ làm cho nhiều người lo sợ, rồi có thể phong trào dân sự cũng sẽ yếu đi, như là tất cả những cuộc đàn áp sẽ làm ra những cuộc thăng trầm của xã hội dân sự và không gian dân sự bị thu hẹp một cách rất rõ rệt".
Đánh giá về cách thức phiên tòa sơ thẩm xét xử kỹ sư Nguyễn Lân Thắng được tiến hành, mà trong đó có việc tòa quyết định xét xử kín, nhiều báo cáo loan tin về các vụ canh giữ, hạn chế, phong tỏa với giới hoạt động, các nhà bất đồng tiếp cận theo dõi, và thành viên gia đình, thân nhân bị hạn chế ngặt nghèo đến tham dự phiên tòa, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói :
"Cái đấy cũng không có gì là lạ, vì tất cả những cuộc xử trong ba bốn năm trở lại đây thì dù có được nói là công khai, nhiều cuộc cũng chẳng cho ai vào cả, và thậm chí gia đình cũng không được vào.
Chị Lê Bích Vượng, vợ anh Thắng được vào là với tư cách ‘người liên quan’, chứ không phải là ‘người nhà’. Người nhà chưa bao giờ được vào cả. Và điều mà tôi không bao giờ có thể hiểu được là tại sao cuộc này lại là cuộc xử kín ?".
Thông điệp gì cho chính quyền và với công luận quốc tế ?
Nhân vụ xét xử này với kỹ sư Lân Thắng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người có nhiều năm chủ biên các công trình nghiên cứu, khảo cứu, dịch thuật về xã hội dân sự và cải cách thể chế ở Việt Nam, cũng đưa ra một vài điều được xem là thông điệp của ông với nhà nước, chính quyền cộng sản Việt Nam, cũng như với cộng đồng và giới quan sát, hậu thuẫn dân chủ, nhân quyền quốc tế.
"Tôi chỉ muốn nói với chính quyền Việt Nam rằng vì lợi ích của chính họ và vì lợi ích của dân tộc, thì không thể bỏ tù những người tử tế như vậy được.
Còn đối với các nước mà gọi là dân chủ, hay mà tự nhận mình là dân chủ, nhưng mà thực sự cũng sa sút rất là nhiều về dân chủ trong một thập niên vừa qua, tôi nghĩ và muốn nói rằng họ hãy hành động làm sao cho hiệu quả.
Và tôi nghĩ dư luận quốc tế phải rất là lên án những bản án như thế này, nhất là đối với Việt Nam, một thành viên của Hội đồng nhân quyền vừa mới được bầu vào", nhà quan sát chính trị và xã hội dân sự Việt Nam đưa ra bình luận trên quan điểm riêng của ông từ Hà Nội".
Được biết, theo cáo trạng, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một cộng tác viên thường xuyên từ trước của RFA tiếng Việt, bị bắt vì được cho là "tàng trữ" một số sách vở, tài liệu có nội dung "chống nhà nước", tham gia và xuất hiện trên nhiều thảo luận của truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt, cụ thể là dự nhiều cuộc thảo luận bàn tròn của BBC với nội dung bị cáo buộc là "chống phá", "bôi xấu" nhà nước Việt Nam, bên cạnh việc đăng tải hơn một chục "video" có nội dung được cho là "xuyên tạc" chế độ của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Phiên xử kín đối với ông Nguyễn Lân Thắng diễn ra trong bối cảnh ngay trước đó đã có nhiều tổ chức giám sát nhân quyền, dân chủ quốc tế lên án việc bắt giữ ông, bày tỏ quan ngại về việc xét xử không công khai và yêu cầu chính quyền Việt Nam trao trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện với ông, cùng lúc cũng có một số thống kê, tài liệu từ tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cho thấy chiều hướng rõ ràng về gia tăng bắt bớ, trấn áp với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.
Về bối cảnh quan hệ quốc tế và bang giao Mỹ - Việt, phiên tòa cũng diễn ra ngay trước thềm một chuyến thăm chính thức của ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, người theo dự kiến sẽ viếng thăm Việt Nam vào cuối tuần này, nhân tròn mười năm hai quốc gia cựu thù thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023).
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 12/04/2023
**********************
Ông Nguyễn Lân Thắng bị tuyên 6 năm tù, 2 năm quản chế
Bùi Thư, BBC, 12/04/2023
Hôm 12/4, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên ông Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù và 2 năm quản chế, theo Luật sư Lê Đình Việt.
Nguyễn Lân Thắng - Ảnh minh họa
"Nếu chính quyền trả tự do cho anh Thắng ngay tại tòa thì đó là lợi thế của nhà nước, nhất là khi họ đang tiếp đón những phái đoàn hay có những ký kết hợp tác với các nước phương Tây", bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng nói với BBC hôm 11/4, trước phiên xử của chồng mình.
Ông Nguyễn Lân Thắng bị công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam hôm 5/7/2022 theo Điều 117 với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Trước đó ngày 4/4, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng nhận được giấy triệu tập cho phiên tòa và điều khiến mọi người ngạc nhiên đó là tòa quyết định xử kín vụ án.
Trả lời BBC News tiếng Việt ngày 11/4, bà Vượng nêu thắc mắc : những tài liệu được thu giữ tại nhà để quy tội cho chồng Điều 117 thì không có tài liệu nào là đóng dấu mật và cũng không nằm trong danh mục sách cấm.
"Còn 12 video trả lời đài BBC tiếng Việt mà bị cáo buộc thì các đường link hiện vẫn công khai, nhưng vụ án lại bị đem xử kín", bà Vượng nói.
Theo Điều 25 Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015, "trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự " thì tòa án "có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".
Theo luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho ông Thắng, thân chủ của ông, trong cuộc gặp hôm 7/4 tại trại giam đã nói rõ ông không đồng ý việc Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội "xét xử kín" vụ án. Ông Thắng lập luận sự việc liên quan đến ông không có gì liên quan đến bí mật nhà nước nên không cần phải xử kín.
Bà Vượng vợ ông Thắng nói với BBC rằng, hôm 10/4, các luật sư đã vào trại gặp chồng bà và thông báo hiện tinh thần ông Nguyễn Lân Thắng vẫn rất tốt.
Bà cho hay, tuy không có ý chống đối nhưng chồng bà bác bỏ các cáo buộc của tòa án cũng như của Viện Kiểm sát về tội "chống phá nhà nước".
"Tôi tin tưởng những gì chồng mình làm là không xâm phạm lợi ích của ai cũng như không chống đối nhà nước. Anh Thắng chỉ muốn góp một tiếng nói, phản biện cũng được, là góp ý cũng được, để mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn và tôi thấy trong nhiều việc, anh ấy đã làm được điều đó", bà Vượng chia sẻ.
Gia đình từ ngày bố đi vắng
Năm 2014, khi bé Đậu, con gái lớn của ông Nguyễn Lân Thắng tròn 6 tháng tuổi, ông đã viết một bức thư gửi con mình. BBC xin trích một vài dòng như sau :
"Bố yêu con như thế nào thì bố cũng yêu mảnh đất này như thế. Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con. Bố không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt. Đối với bố đó không phải là hạnh phúc. Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng.
Có thể bố sẽ thất bại. Có thể bố sẽ không được ở bên con ba mươi năm còn lại như dự tính. Nhưng dù thế nào bố cũng đã quyết định thế rồi, và nếu cuộc đời con gặp những khó khăn vì bố gây ra thì xin con hãy nhớ về một ông bố đã tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực mà tha thứ cho bố".
Bên cạnh những bài viết phản biện xã hội, trên Facebook tên Nguyễn Lân Thắng cũng thường xuyên đăng tải video, hình ảnh gia đình, đặc biệt là con gái tên Đậu đánh đàn.
Theo lời kể của bà Vượng, tiếng đàn của bé Đậu vẫn vang lên hàng ngày, nhưng thiếu mất một người nghe trung thành. Đậu nhắc đến bố, bảo là sẽ tập bài này, bài kia để tặng bố. Bé cũng vẽ tranh và nói với mẹ là để kiếm tiền phụ mẹ nuôi bố.
"Ngay buổi chiều hôm anh Thắng bị bắt, lúc đó Đậu nghỉ hè nên tôi cũng cho con đi cùng tới Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội để gửi đồ cho bố và kiểm các đồ đạc họ tịch thu ở nhà. Tôi cũng nói với cán bộ điều tra cho bé ôm bố một chút thì Đậu được ôm bố và nói chuyện vài câu. Sau khi về thì bé cũng hỏi và tôi cũng chia sẻ hết toàn bộ với con.
"Thực ra, vợ chồng tôi vẫn hay nói chuyện với con, anh Thắng thì hay đi từ thiện khắp nơi và giải thích cho Đậu rằng bố mang sách, mang thức ăn cho những gia đình ở vùng cao hay những nơi bị lũ lụt. Anh Thắng cũng cho Đậu ăn thử lương khô và nói với con đó là thức ăn dài ngày của các bạn nên Đậu rất hiểu vấn đề. Về sau này khi anh bị bắt, tôi cũng nói rằng bố có những tiếng nói khác với chính quyền", bà Vượng kể với BBC.
Ông Nguyễn Lân Thắng cùng bé Đỗ nghe Đậu đánh đàn
Từ khi bố đi vắng, bé Đậu dù chỉ mới 9 tuổi nhưng phụ mẹ làm việc nhà và chăm em. Bà Vượng kể, dường như ba mẹ con ai cũng trưởng thành hơn :
"Thực sự mà nói là tôi biết ơn con mình vì bé rất thông cảm và bao dung với mẹ. Có hôm tôi chở Đậu đi qua nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, thấy mọi người xếp hàng tham quan thì Đậu hỏi và tôi cũng nói đó là nơi trước đây giam giữ những người làm cách mạng".
"Cuối câu chuyện, con hỏi rằngb: Mẹ ơi, thế bố có phải là người làm cách mạng không. Tôi cũng nói với con, bố chưa phải là người làm cách mạng, nhưng bố có những tư tưởng tiến bộ. Và rồi phải giải thích cho con tiến bộ, tiên phong là gì".
Còn Đỗ, chỉ vừa tròn 18 tháng tuổi khi ông Thắng bị bắt, theo lời bà Vượng, nay cũng đã trưởng thành hơn nhiềub:
"Hễ có khách đến nhà chơi, đặc biệt là đàn ông hay con trai như các bác, các chú đến thăm là bé sẽ ôm chầm lấy vì có lẽ bị cảm giác thiếu bố".
Đối với bà Vượng, dù bận bịu hơn từ khi chồng bà bị bắt giữ, nhưng cực nhọc đến mấy cũng không bằng sự vắng mặt người chồng, người bố trong gia đình. Với bà, đó là điều quan trọng nhất "không gì thay thế hay bù đắp được".
Thế nên cứ hai tuần một lần, bà đều đặn đến Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội để gửi đồ cho chồng mình vì muốn "cảm giác gần, tiếp cận anh Thắng hơn".
Đã hơn 9 tháng trời, bà Vượng cũng như bé Đậu, bé Đỗ đều không được gặp ông Thắng dù bà đã nỗ lực làm đơn gửi các nơi như trại giam, viện kiểm sát, tòa án, theo hướng dẫn của các luật sư.
Ba tuần trở lại đây, chính sách trại giam thay đổi nên việc thăm hỏi khó khăn hơn : "Trước đó mỗi tuần được gửi một lần và số lượng đồ cũng thoải mái và mình đi tuần này thì cũng có thể gửi phiếu cho các tuần sau đó. Nhưng giờ thì tuần nào chỉ được gửi cho tuần ấy và mỗi lần gửi không quá 66.000 VND".
Trước phiên tòa ngày mai, bà Vượng vẫn giữ niềm hy vọng chồng bà sẽ được trả tự do ngay tại tòa, dù điều này chưa từng có tiền lệ.
"Tôi cũng có nói với Đậu rằng ngày mai, 12/4, là cột mốc rất quan trọng với gia đình mình : có thể bố sẽ được về sớm, có thể bố sẽ đi lâu hơn. Nhưng tôi không nói với bé về một phiên tòa vì con cũng chưa hiểu về việc đấy. Nhưng Đậu biết và nói rằng tối nay bé sẽ đi ngủ sớm, ngày mai sẽ dậy sớm phụ ông bà đưa em đi học để mẹ yên tâm đi công việc của bố", vợ ông Nguyễn Lân Thắng tâm sự.
Ông Nguyễn Lân Thắng (thứ ba từ phải sang) cùng con gái và nhóm No-U
Bức thư của bố mẹ ông Thắng
Ông Nguyễn Lân Thắng, sinh năm 1975, là con của một gia đình trí thức hàng đầu ở Việt Nam. Ông là cháu của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, là con của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng. Ông Tráng là Giảng viên bộ môn Hệ thống điện, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Có thể nói, dòng dõi Nguyễn Lân được xem danh giá hết mực và nổi tiếng ở Việt Nam với hàng chục giáo sư tiến sĩ nổi tiếng.
Nguyễn Lân Thắng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, bắt đầu hoạt động từ đầu những năm 2000 bằng việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ông là một trong những nhân vật chủ chốt của Đội bóng No-U Hà Nội- tập hợp của những người tham gia biểu tình chống yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ông cũng tham gia vào nhóm nhân đạo No-U để hỗ trợ những người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa và nạn nhân của thiên tai.
Trên Facebook, ông lấy nickname Ông Ké, với nhiều bài viết châm biếm lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhiều quan chức cao cấp của chế độ cùng nhiều chính sách chỉ có lợi cho nhóm cầm quyền mà không mang lại lợi ích cho dân chúng và đất nước. Ông cũng là cây bút viết xã luận cho đài RFA và góp mặt trên nhiều chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC, 12 video cáo buộc ông Thắng cũng đều là video ông tham dự chương trình này của BBC.
Hôm 10/4, bố mẹ ông Thắng là Giáo sư Nguyễn Lân Tráng và giảng viên Trần Thảo Nguyên đã gửi tới tòa án bức tâm thư về trường hợp của con mình. Lá thư có đoạn :
"Sinh ra trong một gia đình trí thức có tiếng, cơ hội để sống nhàn hạ và dễ dàng của Lân Thắng không hề thiếu, và chúng tôi đã từng chỉ mong con trai có cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn chúng tôi khi xưa. Lân Thắng đã may mắn có một người vợ giỏi giang và hai con còn rất nhỏ nhưng ngoan ngoãn hiểu chuyện".
"Nhưng khi chứng kiến những chuyện ngang trái, những điều bất cập, con chúng tôi không chọn cách nhắm mắt im lặng qua ngày. Thắng đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước. Kể cả khi có những áp lực từ những người thân xung quanh, con chúng tôi vẫn sống đúng với những gì Thắng tin là đúng. Chúng tôi rất lo lắng cho Thắng và gia đình nhỏ, nhưng chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình. Con trai chúng tôi chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội".
Lá thư cũng bày tỏ sự ngạc nhiên của hai vợ chồng Giáo sư Nguyễn Lân Tráng khi nhận được cáo trạng của Viện Kiểm sát rằng con ông bà "chống phá" nhà nước, vì vợ chồng ông cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là "tội chống chính quyền". Đồng thời, bố mẹ ông Thắng gửi gắm những người có trách nhiệm bảo vệ công lý sẽ xem xét và đưa ra kết luận đúng đắn về trường hợp của Nguyễn Lân Thắng.
Hồi 7/7/2022, hai ngày sau khi ông Thắng bị bắt, Phó Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã thay đổi hình bìa lớn trên trang Facebook cá nhân có khoảng hơn 106.000 lượt theo dõi của mình bằng tấm hình đại gia đình. Trong ảnh có cả ông Nguyễn Lân Thắng và vợ.
Ông Hiếu còn là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 14, khóa 15. Hành động trên của ông được nhiều người ủng hộ và để lại bình luận "kính trọng" ông cũng như gia đình Nguyễn Lân.
Nhiều tổ chức nhân quyền lên tiếng
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International - AI) đã phát thông cáo kêu gọi trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng.
AI viết : "Trong hơn một thập niên, Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện công việc quan trọng là lập hồ sơ các cuộc biểu tình và sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bất chấp bầu không khí ngày càng xấu đi với những trừng phạt nhắm vào những người chỉ trích nhà nước. Hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp, nhưng thay vào đó, ông đang phải đối mặt với nhiều năm tù".
AI cũng kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và cùng với tất cả các nhà báo, nhà hoạt động đang bị bỏ tù theo Điều 117 quá mơ hồ. AI cũng nói Việt Nam đã thành "trò hề" với vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khi vi phạm quyền của người dân. Và việc ông Thắng không được tiếp cận đầy đủ với luật sư hay gia đình là một "vết nhơ" của một phiên tòa bất công.
Còn nói với BBC hôm 11/4, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á cho rằng chính phủ Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để quét sạch hết dấu vết của các nhà bất đồng chính kiến hay chống đối.
"Vì vậy tất nhiên họ tìm đến một người có tư tưởng tự do như Nguyễn Lân Thắng, người luôn can đảm với niềm tin của mình, và sẵn sàng nói lên sự thật trước quyền lực. Trong một xã hội dân chủ bình thường, ông Nguyễn Lân Thắng sẽ được đề cao như một thành viên quan trọng của xã hội dân sự lên tiếng đòi cải cách vì lợi ích của người dân. Nhưng ông ấy không may sống trong chế độ độc tài một phần theo chủ nghĩa Stalin, nơi bất đồng chính kiến được coi là phản quốc, và việc lên tiếng bị coi là tội phạm", ông Phil nhận định.
Ông Nguyễn Lân Thắng từng chia sẻ bất cứ blogger chính trị nào cũng có thể bị bắt bởi điều 88
Bên cạnh đó, đại diện HRW cũng chỉ ra, hành động đàn áp một cách có hệ thống của Việt Nam nhắm vào những người chỉ trích ôn hòa ngày càng củng cố lập luận rằng, phải có một số tiêu chuẩn tối thiểu để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
"Đây sẽ là một phép thử mà Việt Nam sẽ thất bại. Thực tế rằng, Việt Nam được cho là quốc gia đàn áp nhất trong khối ASEAN, đứng sau chế độ độc tài quân sự ở Myanmar. Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những bên vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong khu vực", ông Phil nói với BBC.
Ngoài ra, ông Phil cũng kêu gọi Anh quốc cần xem xét thỏa thuận thương mại với Việt Nam, làm sao để giảm bớt những lo ngại về nhân quyền.
"London không nên tham dự vào việc cắt giảm các điều kiện nhân quyền trong các hiệp định thương mại của EU hoặc Hoa Kỳ", ông Phil nhấn mạnh.
Theo thông tin của BBC, Đoàn đại biểu Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu khi có chuyến thăm từ 4-6/4 đến Việt Nam đã nêu lên những diễn biến về nhân quyền ở Việt Nam sau khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU.
Trong đó, họ đã nêu quan ngại về phiên xử kín của ông Nguyễn Lân Thắng và bày tỏ với Bộ Tư pháp, VKS lẫn Bộ Công an mong muốn được dự phiên tòa.
Vào đầu tháng 11/2022, các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ "tùy tiện" 18 nhà hoạt động nhân quyền. Trong đó có trường hợp ông Thắng, với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản "mơ hồ" như "Tuyên truyền chống nhà nước" và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Bùi Thư
Nguồn : BBC, 12/04/2023
*****************************
"Xử kín vì không muốn bị mất mặt trước quốc tế"
Quốc Phương, cộng tác viên RFA tiếng Việt từ London
Việc Tòa án Việt Nam và nhà cầm quyền quyết định xét xử kín trong phiên tòa sơ thẩm với blogger, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho thấy "nhà nước cộng sản Việt Nam không muốn mất mặt" trước quốc tế và dư luận, một nhà quan sát chính trị và nhân quyền Việt Nam nêu quan điểm từ Cộng hòa liên bang Đức.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng - FB Nguyễn Lân Ké
Hôm 12/4/2023, trong lúc đang diễn ra phiên sơ thẩm nói trên với kỹ sư Nguyễn Lân Thắng tại Hà Nội, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bình luận với Đài Á Châu Tự Do :
"Việc phiên tòa được xét xử kín ở Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội là một điều rất kỳ lạ, vì từ xưa đến nay, với các vụ án liên quan đến chính trị dưới chế độ này, chưa bao giờ có một phiên tòa nào xét xử kín cả.
Bởi vì tất cả những tài liệu mà anh Nguyễn Lân Thắng bị cáo buộc là tuyên truyền chống lại nhà nước cộng sản Việt Nam đều được công khai trên mạng xã hội và đều không có bất kỳ tài liệu nào liên quan bí mật quốc gia, thế nhưng ở đây lại quyết định tổ chức một phiên xét xử kín".
Ông Đài cho biết theo các thông tin ông có được trước phiên xử này, rất nhiều quan chức ngoại giao của các đại sứ quán của các nước tại Hà Nội có đề nghị phía Việt Nam cho phép họ tham dự phiên tòa này.
Ông cho rằng, có thể đây là lý do mà Chủ tọa phiên tòa quyết định xử kín vụ án để né tránh việc tham dự của các quan chức ngoại giao nước ngoài trong phiên xử ông Thắng.
Về lý do của việc né tránh, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định những sự thật trong phiên tòa có thể khiến chính quyền mất mặt với quốc tế :
"Bởi vì những bài trả lời phỏng vấn của anh Nguyễn Lân Thắng với các cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế bằng tiếng Việt rất công khai. Mọi người đọc đều thấy rất bình thường, không có vấn đề gì, những vấn đề mà anh Thắng nêu lên đều là những vấn đề xảy ra trong thực tế ở Việt Nam.
Anh chỉ đưa quan điểm của anh về những vấn đề và sự kiến ấy như thế nào, mà chiếu theo quyền tự do ngôn luận, thì đó là một quyền rất bình thường thôi.
Nhưng khi xử kín như vậy, các quan chức ngoại giao nước ngoài sẽ nghe được bên công tố công bố những tài liệu như vậy, rồi nghe được bên luật sư bào chữa và quan điểm của anh Thắng, cũng như của Chủ tọa phiên tòa, thì đương nhiên phía cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá đây không phải là vấn đề vi phạm pháp luật, mà chỉ thấy ở đây có yếu tố chính trị ở trong vụ án này mà thôi".
Ngay cả theo dõi qua màn hình cũng không áp dụng
Trước đây, nhiều phiên tòa xét xử giới bất đồng chính kiến, hay các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, khi đại diện giới chức ngoại giao quốc tế được phép tham gia, chính quyền có thể bố trí cho các quan khách này theo dõi qua một kênh và không gian đặc biệt, như có thể theo dõi qua màn hình tường thuật trực tiếp ngay bên trong khu vực xét xử của tòa, luật sư Nguyễn Văn Đài nói thêm vì sao ngay cả hình thức theo dõi hạn chế này cũng không được chính quyền Việt Nam áp dụng tại phiên xử ông Nguyễn Lân Thắng :
"Tôi được biết, ngay sau những phiên xử trước đây mà các cơ quan ngoại giao nước ngoài được tham dự, ngay sau buổi tham dự đó, các quan chức bao giờ cũng có bản báo cáo về cơ quan ngoại giao của họ ở các nước.
Và trong lần đối thoại nhân quyền, họ thường hay đưa ra những vụ án mà được các quan chức ngoại giao tham dự và đánh giá rằng với những gì họ biết về pháp luật Việt Nam, hay những gì mà chính quyền Việt Nam gọi là ‘chứng cứ vi phạm pháp luật’ của các nhà hoạt động đối lập, thì quốc tế không coi đó là vi phạm pháp luật.
ho nên chính quyền Việt Nam không muốn chính phủ các nước có được thêm những bằng chứng về việc chính quyền Việt Nam đã coi việc những nhà hoạt động ở Việt Nam hoạt động về nhân quyền là những vấn đề chính trị. Tức là họ không muốn có thêm những bằng chứng bất lợi cho họ trong vấn đề quan hệ quốc tế".
Ông Đài từng có nhiều năm hành nghề luật sư ở Hà Nội và từng bảo vệ nhiều vụ án nhân quyền và tôn giáo trước khi bị bắt giam và kết án hai lần về các tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước" và "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Năm 2018, khi đang thụ án 15 năm tù giam cho bản án thứ hai ông được phép rời khỏi trại giam và đi tị nạn chính trị tại Cộng hòa liên bang Đức.
Kết quả của phiên tòa có thể như thế nào ?
Từ kinh nghiệm quan sát của bản thân và về chính trị Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định, vụ án và phiên xử các nhà bất đồng chính kiến thường chịu những áp lực rất lớn từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài và quốc tế đối với chính quyền, ông nói :
"Đặc biệt như ngay trong phiên xử sơ thẩm của tôi, đã có tới sáu, bảy đại diện sứ quán các nước được phép tham dự và họ cũng đã có những áp lực rất mạnh mẽ.
Hay là trong phiên xử với chị Phạm Đoan Trang cũng như vậy, rất nhiều cơ quan đã tham dự phiên tòa đó, và chị Phạm Đoan Trang còn bị tuyên mức án vượt trên mức mà ban đầu được đề nghị bởi Viện Kiểm sát của Việt Nam.
Thế cho nên từ đầu tôi không có một chút hy vọng nào là nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng có thể sẽ được chính quyền trả tự do, hay mức hình phạt sẽ ở mức thấp hơn so với những nhà hoạt động trước đây đã từng bị kết án", ông Đài nêu góc nhìn của mình.
Ông Nguyễn Văn Đài, hiện là một nhà bình luận chính trị Việt Nam, hy vọng các luật sư dày dạn kinh nghiệm trong các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến đang bào chữa cho ông Thắng sẽ được thực thi đầy đủ chức năng của mình tại phiên tòa, để qua đó Hội đồng xét xử có thể có một cách nhìn khách quan và công bằng hơn trong vụ án này.
"Song, tôi cũng phải nói thêm rằng Hội đồng xét xử lại không có quyền quyết định mức án mà ở đây là với ông Nguyễn Lân Thắng phải chịu, bởi vì trong tất cả những vụ án chính trị, mà bằng kinh nghiệm của tôi, và bằng tất cả những gì trong thực tiễn đã xảy ra trong nền chính trị ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua, mức án dành cho những nhà hoạt động đối lập đều do cơ quan an ninh của Bộ Công an quyết định trước.
Còn tất cả những gì diễn ra tại phiên tòa chỉ là một vở kịch mà thôi, mà trong đó người đạo diễn, cũng như người viết kịch bản là Bộ Công an của Nhà nước cộng sản Việt Nam", luật sư Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm riêng từ Cộng hòa liên bang Đức.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 12/03/2023
*****************************
Tòa xử kín ông Nguyễn Lân Thắng trong khi an ninh "phong tỏa" những người bất đồng chính kiến
RFA, 12/04/2023
Tòa án xử kín blogger Nguyễn Lân Thắng, không ai được vào trừ vợ và các luật sư bào chữa, tuy vậy lực lượng an ninh vẫn canh giữ nhiều người bất đồng chính kiến ở Hà Nội.
Blogger Nguyễn Lân Thắng và Phạm Đoan Trang trước khi bị bắt - Fb Thu Đỗ/ RFA edited
Sáng 12/4, Tòa án nhân dân Hà Nội đem ông Nguyễn Lân Thắng, blogger của Đài Á Châu Tự Do ra xét xử sơ thẩm, lực lượng an ninh ở nhiều nơi vẫn đến canh giữ ở trước nhà các nhà hoạt động và gia đình tù nhân lương tâm ở Hà Nội như các phiên tòa công khai xử người bất đồng chính kiến.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Hoàng, một thành viên của đội bóng No-U (chủ trương chống "đường lưỡi bò" của Trung Quốc) cho biết có hai công an khu vực đã đến chốt ở gần nhà ông từ đêm hôm trước trong mưa rét. Tuy nhiên, sáng ra ông vẫn có thể đi làm bình thường mặc dù luôn có một người lạ mặt bám theo sau lưng.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, cho biết công an Dương Nội cũng cử một người đến canh gần nhà bà từ sớm. Tuy nhiên, bà đã rời khỏi nhà từ sớm để đến gần trụ sở Tòa án thành phố ở quận Hoàng Mai, nơi diễn ra phiên tòa kín xử ông Thắng.
Tuy nhiên, bà cùng nhiều người thân và bạn bè của ông Thắng chỉ có thể quan sát khu vực xử án từ xa. Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại vào lúc gần trưa :
"Bây giờ là 11 giờ 40 phút rồi nhưng phiên tòa xử anh Nguyễn Lân Thắng vẫn chưa kết thúc. Sáng nay có khoảng gần 50 người mặc quần áo công an, cảnh sát cơ động và thường phục đứng quanh khu vực tòa và không cho ai vào tham dự phiên tòa ngoài vợ anh Thắng và các luật sư".
Một số người bị công an canh giữ có thể kể đến như : bà Phạm Thị Lân - vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thụy, cô Nguyễn Thanh Mai - con gái tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Tâm, và đại tá quân đội nhà văn Nguyễn Nguyên Bình... cho dù bà đã rời nhà đi thăm người ốm từ hôm trước.
Bà Hoàng Hà bị an ninh địa phương thăm hỏi từ tối hôm trước, và trong buổi sáng thứ Tư, bà được một nữ an ninh "tháp tùng" khi bà đi siêu thị để mua sắm hàng hóa.
Bà giáo già Trần Thị Thảo (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) cho biết bản thân cũng bị canh giữ bởi dân phòng cho dù bà đã nhiều lần tuyên bố không đi biểu tình vì tuổi già và bệnh tật mà chỉ muốn chính quyền Hà Nội tiến bộ về nhân quyền và nhiều vấn đề khác nữa.
Một ngày trước phiên toà, luật sư Lê Văn Luân, một trong năm luật sư của ông Thắng viết trên trang Facebook cá nhân (Luân Lê) rằng thân chủ của ông đã đưa ra chính kiến của mình trước cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Theo đó, ông Thắng cho rằng ông là người đi chụp ảnh những người biểu tình trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc ở Hà Nội năm 2011 và đưa lên mạng xã hội những bức ảnh, phản ánh những vấn đề xã hội của người dân, nó là phản ánh lịch sử. Những bức ảnh đó là bằng chứng lịch sử và ông là một phóng viên tự do.
Ông cũng nói mình tham gia một số chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây trường học cho vùng cao, tham gia hỗ trợ thiên tai, lũ lụt, tham gia phong trào phản đối chặt cây xanh với vai trò chính là người chụp ảnh.
Ông cũng nhắc đến việc tham gia làm phim về thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra ở ven biển miền Trung năm 2016.
"Tôi đã đi biển với ngư dân để tôi hiểu được mức độ thiệt hại xảy ra là như thế nào. Tôi thực hiện những điều đó trên cơ sở quyền tự do báo chí, để phản ánh những mặt trái của xã hội mà báo chí chính thống không dám nhắc tới. Tôi tham gia với tư cách một người dân bình thường nên có điều kiện để quan sát kỹ hơn, gần gũi với dân hơn để có thể hiểu được những mong mỏi và quan điểm của người dân".
Về việc tham gia hội luận của BBC, ông nói :
"Trong quá trình tích lũy nhiều năm, tôi được truyền thông quốc tế quan tâm. Tôi tham gia hội nghị bàn tròn. Người ta phỏng vấn tôi. Tôi trả lời phỏng vấn rất thực tế, dựa trên sự hiểu biết và trải nghiệm của cá nhân mình. Họ phỏng vấn thì có kịch bản, tôi trả lời cũng theo phiên bản của kịch bản của họ. Trong những buổi phỏng vấn đó, tôi nghĩ những nội dung tôi nêu ra đã đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích".
Ông khẳng định nội dung bình luận của mình không có mục đích chống Nhà nước Việt Nam mà chỉ muốn nêu ra những tồn đọng trong xã hội, ví dụ như nạn tham nhũng, lợi ích nhóm.
Ông cũng nói mình không có ý xúc phạm cá nhân hay chống Nhà nước mà thực hiện tất cả những công việc từ trước đến nay trên tinh thần công dân với mục đích là phản biện, đưa ra những khiếm khuyết để các cơ quan chức năng điều chỉnh, mục đích cuối cùng là làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
"Trong những phát ngôn của mình, có thể do cách biểu đạt của tôi có sai sót nào đó khi phê phán, chỉ trích. Nhưng những điều đó không thể bị xử lý hình sự. Nó có thể bị xử phạt hành chính".
Ông nghi ngờ việc mình bị bắt và đem ra xử kín vì các phát ngôn của ông trong một thời gian dài, đã động chạm đến vây cánh của các nhóm lợi ích
Khi được hỏi ý kiến về khả năng đi tị nạn chính trị, ông quả quyết: "Đây là chuyện của riêng Việt Nam, không phải của bất kỳ quốc gia nào khác. Tôi là người Việt Nam, nên tôi sống và đấu tranh trước mọi thứ cũng là cho đất nước mình, cho dân tộc mình, với tư cách công dân Việt Nam, không phải để đi nước nào khác".
Nguồn : RFA, 12/04/2023
**********************
Xử ông Nguyễn Lân Thắng : "Việt Nam đang làm xấu vị trí trong Hội đồng Nhân quyền !"
RFA, 11/04/2023
Trước phiên tòa kín xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, tổ chức Ân xá Quốc tế nói Chính phủ Việt Nam đang làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm quyền con người của người dân.
Ông Nguyễn Lân Thắng cùng vợ và con gái trong cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016 - Fb Nguyen Lan Thang
Cùng với Ân xá Quốc tế (Amnesty International), các tổ chức phi chính phủ khác như Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cũng ra tuyên bố kêu gọi Nhà nước Việt Nam bãi bỏ các cáo buộc chống lại ông Thắng và trả tự do cho ông ngay lập tức.
Ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động nhân quyền và người có những đóng góp cho trang blog của Đài Á Châu Tự Do, bị bắt vào đầu tháng 7 năm ngoái với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đem ông ra xử kín vào ngày 12/4, ông sẽ đối mặt với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Nhà báo Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 11/4 bày tỏ sự cảm kích trước sự lên tiếng của các tổ chức quốc tế đồng thời khẳng định :
"Đối diện với những cáo buộc, anh Nguyễn Lân Thắng cho rằng anh chỉ thực hiện quyền biểu đạt và tự do báo chí, thực hiện trách nhiệm của công dân trước việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, môi trường, quyền con người, và phản đối bất công trong xã hội.
Gia đình tôi cũng không có nguyện vọng gì lớn lao, chỉ muốn sau ngày mai anh Thắng có thể được trả tự do và được về nhà như bé Đậu nhà tôi có nói : Ước gì sau ngày mai bố có thể về nhà".
Bé Đậu là con gái đầu của ông Thắng. Năm 2014 ông viết "Thư gửi bé Đậu" qua đó khẳng định "Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con".
Ngày 10/4, Ân xá Quốc tế ra thông cáo , trong đó, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc phụ trách vận động khu vực cho hay :
"Trong hơn một thập niên qua, Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện công việc quan trọng là ghi lại các cuộc biểu tình và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bất chấp bầu không khí trừng phạt ngày càng tồi tệ nhắm vào những người chỉ trích nhà nước.
Hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp, nhưng thay vào đó ông đang phải đối mặt với nhiều năm tù".
Ân xá Quốc tế nói phiên tòa xử ông nhằm bịt miệng những cây bút dũng cảm, qua đó bảo đảm sự phục tùng chế độ.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh quốc) nói phiên tòa sắp tới là bất công vì ông Nguyễn Lân Thắng không được gặp gia đình và không được tiếp cận với luật sư trong thời gian dài sau khi bị bắt.
"Việt Nam tiếp tục làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm nhân quyền của người dân. Cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và cùng với tất cả các nhà báo, nhà hoạt động và nhà phê bình nhà nước khác đang bị bỏ tù theo Điều 117, ông nên được trả tự do ngay lập tức", đại diện của Ân xá Quốc tế nói.
Ngay trước phiên tòa chỉ một ngày, CPJ ra thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động đa lĩnh vực và là blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ năm 2013 cho đến khi ông bị bắt.
Dẫn lời Trưởng phụ trách báo chí của RFA Rohit Mahajan, CPJ nói ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vì các hoạt động báo chí, cụ thể là 12 video về tình hình Việt Nam được ông chia sẻ trên Youtube và Facebook với hơn 157.000 người theo dõi.
Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á, nói trong thông cáo báo chí :
"Nguyễn Lân Thắng đã bị giam giữ hơn chín tháng vì các hoạt động báo chí của mình. Nhà chức trách Việt Nam phải hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại ông, và ngay lập tức trả tự do cho ông ấy cùng tất cả các nhà báo khác bị giam giữ sai trái sau song sắt trong nước".
Vào thứ ba, tổ chức HRW có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) cũng ra tuyên bố về nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng. Trong thông cáo báo chí, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW cho biết ông Nguyễn Lân Thắng bắt đầu quá trình hoạt động bằng việc tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vi phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông năm 2011. Sau đó, ông mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực khác như môi trường, thiện nguyện, trợ giúp dân oan, và chống thu hồi đất đai mà không đền bù thoả đáng cho người dân ở nhiều địa phương.
"Nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp lên nhân quyền một cách có hệ thống bằng cách trừng phạt những người viết blog dũng cảm như Nguyễn Lân Thắng chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm của mình về chính quyền. Chính phủ các quốc gia hữu quan, bao gồm các đối tác thương mại ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và Nhật Bản cần lên án tình trạng đàn áp tự do ngôn luận và kêu gọi phóng thích Nguyễn Lân Thắng", ông Phil Robertson nói.
Đại diện của HRW nói tuy là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng Việt Nam có hồ sơ nhân quyền đặc biệt tồi tệ và đáng xấu hổ.
"Chính quyền Việt Nam nên phóng thích Nguyễn Lân Thắng và bất kỳ ai đang bị giam giữ chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình", ông nói.
Vài ngày trước phiên tòa xử ông Nguyễn Lân Thắng, cha mẹ của ông là phó giáo sư Nguyễn Lân Tráng và tiến sĩ Trần Thảo Nguyên, gửi thư đến Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bày tỏ kỳ vọng về một phiên tòa đúng đắn, minh bạch, và con trai của họ sẽ được trả tự do vì "chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm" và "sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội" khi lên tiếng phản đối tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước.
Nói về cáo trạng chống lại con trai, hai ông bà cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là "tội chống chính quyền" và việc lưu giữ sách được bạn bè tặng không thể là "tội tàng trữ tài liệu có thông tin xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân".
Hai ông bà có nhiều khả năng không được tham dự phiên tòa kín xử con trai của mình. Chỉ có vợ của ông Nguyễn Lân Thắng là bà Lê Bích Vượng nhận được giấy mời vào tòa với tư cách là người có quyền lợi liên quan.
Trong lần gặp luật sư gần đây nhất, ông Nguyễn Lân Thắng thông báo đã gửi kiến nghị yêu cầu Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa công khai vì trường hợp của ông không nằm trong những trường hợp cần xử kín, và việc xử kín có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới quyền bào chữa của ông.
Một nhà hoạt động ẩn danh vì lý do an ninh ở Hà Nội cho rằng hình thức xử kín ông Nguyễn Lân Thắng có thể sẽ đặt ra tiền lệ để xét xử những người bất đồng chính kiến trong tương lai.
************************
HRW, Ân xá Quốc tế, CPJ kêu gọi trả tự do cho blogger Nguyễn Lân Thắng
VOA, 11/04/2023
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế, và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng.
"Nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp lên nhân quyền một cách có hệ thống bằng cách trừng phạt những người viết blog dũng cảm như ông Nguyễn Lân Thắng chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm của mình về chính quyền", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của HRW cho biết trong một thông báo hôm 11/4.
"Chính phủ các quốc gia hữu quan, bao gồm các đối tác thương mại ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và Nhật Bản cần lên án tình trạng đàn áp tự do ngôn luận và kêu gọi phóng thích Nguyễn Lân Thắng", ông Roberston kêu gọi một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xử kín ông Thắng ở Hà Nội.
Hôm 10/4, Ân xá Quốc tế nói rằng việc xét xử ông Thắng cho thấy chính phủ Việt Nam đang làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm quyền con người của người dân.
Bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc phụ trách vận động khu vực của Ân xá Quốc tế, cho biết trong một thông báo :
"Trong hơn một thập niên qua, ông Nguyễn Lân Thắng đã thực hiện công việc quan trọng là ghi lại các cuộc biểu tình và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bất chấp bầu không khí trừng phạt ngày càng tồi tệ nhắm vào những người chỉ trích nhà nước.
"Các hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp, nhưng thay vào đó ông đang phải đối mặt với nhiều năm tù".
Đại diện của Ân xá Quốc tế nêu nhận định : "Việt Nam tiếp tục làm xấu vị trí của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách vi phạm nhân quyền của người dân. Cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng và cùng với tất cả các nhà báo, nhà hoạt động và nhà phê bình nhà nước khác đang bị bỏ tù theo Điều 117, ông nên được trả tự do ngay lập tức".
Hôm 10/4, Ủy ban bảo vệ Ký giả (CPJ) đưa ra lời kêu gọi tương tự.
VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân Hà Nội, nơi ông Thắng sẽ được xử kín ngày 12/4, và gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị hai cơ quan này cho ý kiến về lời kêu gọi của HRW và của các nhóm nhân quyền khác, nhưng chưa được phản hồi.
Công an Hà Nội bắt giữ ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, người thường lên tiếng phản biện về các diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, vào ngày 5/7/2022 và cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117, khoản 1 của Bộ luật hình sự. Ông phải đối mặt với mức án có thể lên tới 12 năm tù giam.
Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Thắng, nói với VOA rằng chồng bà vô tội :
"Theo đánh giá của tôi thì anh Thắng không có tội. Trong quá trình anh Thắng gặp luật sư, anh cũng phủ nhận việc anh "tàng trữ các tài liệu chống nhà nước".
"Thực ra các quyển sách thu được ở nhà tôi đa phần là của tôi, một số quyển khác trong kết luận điều tra không công bố, tuy nhiên trong đó nói có hai quyển sách của Phạm Đoan Trang với lời đề tặng cho anh Thắng. Đồng thời, một số video, clip trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài, anh Thắng cũng nói rằng việc anh trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài đấy không vi phạm pháp luật và anh không chống nhà nước".
Nhà báo Phạm Đoan Trang, bị bắt vào tháng 10/2020, hiện đang thụ án 9 năm tù cũng với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước".
Sau khi Nguyễn Lân Thắng bị bắt, chính quyền giam giữ không cho ông liên lạc với bên ngoài suốt hơn 7 tháng. Mãi đến ngày 16/2/2023, luật sư bào chữa mới được gặp ông lần đầu tiên. Hiện gia đình ông vẫn chưa được phép thăm gặp.
Luật sư Lê Văn Luân, một trong những người bào chữa cho ông Nguyễn Lân Thắng, hôm 10/4 nói với VOA rằng ông Thắng cho rằng ông vô tội.
"Ông khẳng định không có mục đích chống nhà nước, chống chính quyền", luật sư Luân nói.
Ông Nguyễn Lân Thắng bắt đầu hoạt động từ đầu thập niên 2000 qua việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ông phản ứng lại với động thái trấn áp thẳng tay nhằm vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bằng cách "mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác như bênh vực dân oan, chống cướp bóc đất đai, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người, phổ biến pháp luật"..., theo HRW.
Ông công khai ủng hộ việc hoạt động ôn hòa, ghi rõ rằng ông mong muốn đấu tranh "vì một thế hệ trẻ Việt Nam ngày mai : hiểu biết, tôn trọng, không cuồng tín, không bạo lực"...
Trong nhiều năm, nhà cầm quyền Việt Nam nhiều lần sách nhiễu, đe dọa và đàn áp ông. Ông từng bị câu lưu tùy tiện, thẩm vấn, quản chế tại gia và cấm xuất cảnh.
"Việt Nam hiện là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nên hồ sơ tồi tệ về nhân quyền của quốc gia này lại càng đặc biệt đáng xấu hổ hơn", ông Robertson nói. "Chính quyền Việt Nam nên phóng thích Nguyễn Lân Thắng và bất kỳ ai đang bị giam giữ chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình".
Cả gia đình và luật sư bào chữa nói với VOA rằng họ "rất bất ngờ" về quyết định xử kín của tòa. Luật sư Luân bày tỏ mong muốn "làm rõ về cơ sở" của quyết định này trong phiên tòa ngày 12/4.
Nguồn : VOA, 11/04/2023
Thắng chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm
Nguyễn Lân Tráng & Trần Thảo Nguyên, VNTB, 11/04/2023
Việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là "tội chống chính quyền" ?
Nguyễn Lân Thắng - Ảnh minh họa
-------------------------------
Thư gửi Tòa án nhân dân Hà Nội
Kính gửi : Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Hà Nội và những người có trách nhiệm.
Chúng tôi là Nguyễn Lân Tráng và Trần Thảo Nguyên, bố mẹ của Nguyễn Lân Thắng, người sẽ bị đưa ra xét xử sáng thứ tư, ngày 12/4/2023.
Nhận được tin Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử kín đối với Lân Thắng, hai vợ chồng tôi vừa hồi hộp vừa lo lắng. Hồi hộp là vì chúng tôi đã không được gặp Lân Thắng kể từ ngày Thắng bất ngờ bị bắt tạm giam (5/7/2022). Mặc dù thỉnh thoảng vẫn được tin vợ Thắng gửi đồ tiếp tế, song việc không được tận mắt nhìn thấy và nghe tin tức về con trai khiến hai vợ chồng già chỉ biết thấp thỏm chờ đợi. Cuối cùng thì chuỗi ngày bị điều tra kín và cách ly thông tin với gia đình của Lân Thắng sắp kết thúc. Chúng tôi thực sự kỳ vọng rằng những đại diện của công lý đất nước sẽ tiến hành phiên tòa đúng đắn, minh bạch, và mong kết quả sẽ là vô tội, vì chúng tôi biết Thắng chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm.
Tuy vậy, hai vợ chồng chúng tôi cũng rất lo lắng và thương con trai mình. Chúng tôi có Lân Thắng vào cuối năm 1975, khi đất nước đang trong niềm vui thống nhất. Gia đình hai họ đều là những cán bộ, công chức tận tụy, cùng đóng góp tâm trí và sức lực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, như bao người dân Việt Nam khác. Là những trí thức, chúng tôi không có nhiều điều kiện để cho con sự giàu có về vật chất, mà bù lại bằng những bài học về tu dưỡng bản thân, về lịch sử dân tộc, về lòng yêu nước, về những giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái. Chúng tôi luôn cố gắng dạy con trai thành người thẳng thắn, tử tế và đường hoàng.
Lân Thắng đã lớn lên cùng đất nước, chứng kiến từng giai đoạn đi qua cả gian khó và từng bước đi lên của dân tộc Việt Nam. Thế hệ của ông cha chúng tôi đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc, thế hệ của chúng tôi cũng đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, còn thế hệ của con chúng tôi đã chứng kiến và trực tiếp trải nghiệm những biến đổi to lớn nhất của dân tộc ta trong gần 50 năm qua. Lân Thắng là một trong hàng triệu nhân chứng sống cho tiến trình Đổi mới của Việt Nam. Con trai chúng tôi từng có tuổi thơ với tem phiếu, được thấy ông bà cha mẹ chắt chiu từng manh vải mũi kim để lo cho cuộc sống của cả đại gia đình. Đại hội VI diễn ra cũng là lúc Lân Thắng học được rằng nếu lãnh đạo có sai phạm thì phải lên tiếng, để rồi cùng sửa sai trước khi quá muộn màng. Một chính quyền "xứng đáng với cái tên của nó phải tiếp nhận một cách vô tư mọi sự thật, bất kể từ phía nào tới, dù những sự thật đó làm phật ý những kẻ bị vạch mặt". Và con chúng tôi đã thấm nhuần tư duy sống như vậy.
Sinh ra trong một gia đình trí thức có tiếng, cơ hội để sống nhàn hạ và dễ dàng của Lân Thắng không hề thiếu, và chúng tôi đã từng chỉ mong con trai có cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn chúng tôi khi xưa. Lân Thắng đã may mắn có một người vợ giỏi giang và hai con còn rất nhỏ nhưng ngoan ngoãn hiểu chuyện. Nhưng khi chứng kiến những chuyện ngang trái, những điều bất cập, con chúng tôi không chọn cách nhắm mắt im lặng qua ngày. Thắng đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước. Kể cả khi có những áp lực từ những người thân xung quanh, con chúng tôi vẫn sống đúng với những gì Thắng tin là đúng. Chúng tôi rất lo lắng cho Thắng và gia đình nhỏ, nhưng chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình. Con trai chúng tôi chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội.
Khi nhận được Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, trong kết luận con trai chúng tôi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý và một loạt những tội khác, chúng tôi đã thấy rất ngạc nhiên. Chúng tôi cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là "tội chống chính quyền" ? Cũng như việc được tặng sách từ bạn bè không thể là tội tàng trữ tài liệu có thông tin xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân ?
Do không được có mặt tại phiên tòa sắp tới, chúng tôi xin bày tỏ một vài suy nghĩ về Lân Thắng qua bức thư này và nhờ luật sư gửi đến với những người có trách nhiệm. Sau những trình bày trên, kính mong các vị thẩm phán, những người có trách nhiệm bảo vệ công lý sẽ xem xét và đưa ra kết luận đúng đắn về trường hợp của Nguyễn Lân Thắng !
Kính thư,
Hà Nội 10/04/2023
Nguyễn Lân Tráng
Trần Thảo Nguyên
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng tin mình vô tội, cha mẹ ông mong tòa tuyên như vậy
VOA, 10/04/2023
Luật sư Lê Văn Luân, một trong những người bào chữa cho nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng trong phiên tòa ngày 12/4, nói với VOA rằng ông Thắng có tinh thần tốt, tin rằng ông vô tội, và cha mẹ ông cũng mong tòa sẽ tuyên như vậy.
Ông Nguyễn Lân Thắng tự chụp ảnh với một thông điệp phản biện xã hội.
Ông Nguyễn Lân Thắng, người thường lên tiếng phân tích, phản biện về các diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, bị công an bắt giữ hồi đầu tháng 7/2022.
Sau 7 tháng, gia đình ông được biết rằng nhà chức trách đã hoàn tất điều tra và ông đối mặt với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước". Đến ngày 4/4, vợ ông Thắng nhận được giấy triệu tập cho phiên tòa xét xử ông vào ngày 12/4 và thấy "ngạc nhiên" là tòa quyết định "xử kín".
Hôm 10/4, luật sư Lê Văn Luân cho VOA biết rằng ông và một số đồng nghiệp đã gặp ông Thắng trong trại tạm gian vào thời gian gần đây để chuẩn bị cho phiên tòa. Ông Luân nói thêm rằng ông Thắng trong trạng thái tinh thần "tốt" và cho rằng mình vô tội :
"[Việc ông] thực hiện các bài phỏng vấn với các đài nước ngoài mà [viện kiểm sát] dùng để cáo buộc thì ông cho rằng đó là quyền cơ bản và thực hiện trên quyền tự do ngôn luận, ông thực hiện với vai trò một công dân có trách nhiệm với đất nước, ông mong cải thiện mọi việc tốt hơn. Ông khẳng định không có mục đích chống nhà nước, chống chính quyền".
Nhà hoạt động đang bị tạm giam cho rằng những lời phê phán, phản biện của ông là "đúng" song cũng có thể đã động chạm đến "những nhóm lợi ích hoặc những thế lực nào đấy" nên ông bị cáo buộc vào tội danh hiện nay, luật sư Luân thuật lại. Ông Thắng có quan điểm là cáo buộc đó không đúng và ông chỉ nên bị "phạt hành chính".
Luật sư Luân cũng xác nhận với VOA rằng phó giáo sư Nguyễn Lân Tráng và tiến sĩ Trần Thảo Nguyên, cha và mẹ của ông Thắng, đã gửi thư đến Tòa án Nhân dân Hà Nội để bày tỏ "kỳ vọng rằng những đại diện của công lý đất nước sẽ tiến hành phiên toà đúng đắn, minh bạch, và mong kết quả sẽ là vô tội" vì hai ông bà biết rằng người con trai của họ "chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm".
Hai vị phụ huynh ông Thắng viết rằng là những trí thức trong một đại gia đình trí thức có tiếng ở Việt Nam, họ luôn cố gắng dạy con trai thành người thẳng thắn, tử tế và đường hoàng thông qua những bài học về tu dưỡng bản thân, về lịch sử dân tộc, về lòng yêu nước, về những giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái.
Tương tự như những gì ông Thắng nói về bản thân với luật sư Luân, bức thư của cha mẹ ông gửi đến tòa án có đoạn nhấn mạnh rằng "Con trai chúng tôi chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội".
"…khi chứng kiến những chuyện ngang trái, những điều bất cập, con chúng tôi không chọn cách nhắm mắt im lặng qua ngày. Thắng đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước. Kể cả khi có những áp lực từ những người thân xung quanh, con chúng tôi vẫn sống đúng với những gì Thắng tin là đúng. Chúng tôi rất lo lắng cho Thắng và gia đình nhỏ, nhưng chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình", hai ông bà viết.
Hai ông bà bày tỏ "rất ngạc nhiên" khi thấy cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội có kết luận là ông Thắng "chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" cũng như "tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý", bên cạnh một số tội danh khác.
"Chúng tôi cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là ‘tội chống chính quyền’", cha mẹ của ông Thắng nêu quan điểm.
Hai ông bà cho biết rằng do không được có mặt tại phiên toà xét xử kín sắp tới nên họ nêu ra các suy nghĩ về con trai mình qua thư gửi đến tòa, đồng thời mong rằng các thẩm phán sẽ "xem xét và đưa ra kết luận đúng đắn" về ông Nguyễn Lân Thắng.
Luật sư Lê Văn Luân nói với VOA rằng nhóm bào chữa "bất ngờ" về quyết định xử kín của tòa và mong "làm rõ về cơ sở" của quyết định đó. Về các khía cạnh pháp lý khác, ông Luân và các đồng nghiệp đã và đang làm việc tích cực để chuẩn bị tốt cho việc bào chữa, song ông không đi vào chi tiết khi nói chuyện với VOA.
Blogger Nguyễn Lân Thắng không đồng ý bị xét xử kín, đề nghị công khai phiên tòa
RFA, 07/04/2023
Blogger Nguyễn Lân Thắng lo ngại việc Tòa án nhân dân Hà Nội đưa vụ án của ông ra xét xử kín trong phiên tòa sơ thẩm sắp tới sẽ không thể bảo đảm quyền được bào chữa trước tòa.
Ông Nguyễn Lân Thắng trong một video trả lời phỏng vấn RFA năm 2015 - Ảnh chụp màn hình video
Ngày 12/4 tới đây ông Thắng sẽ phải ra tòa với cáo buộc tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật sự do các hoạt động phản biện ôn hòa trên mạng xã hội.
Luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho ông Thắng hôm 7/4 có buổi làm việc với thân chủ tại Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội.
Luật sư dẫn lại lời ông Thắng cho biết, mặc dù đã có đơn gửi Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội từ ngày 15/3 để đề nghị được tiếp cận hồ sơ vụ án, cho phép cơ sở giam giữ cung cấp giấy bút để chuẩn bị cho việc bào chữa và "đối chất" với người giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội trước hoặc tại phiên tòa nhưng đến nay các yêu cầu này đều chưa được giải quyết.
Ông cho rằng, những yêu cầu của bản thân hoàn toàn là chính đáng, phù hợp với pháp luật, nếu những yêu cầu này không được Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đáp ứng kịp thời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được bào chữa của ông.
Cũng theo luật sư Việt, thân chủ của ông không đồng ý việc Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ông ra "xét xử kín", cho rằng sự việc liên quan đến ông không có gì liên quan đến bí mật nhà nước nên không cần thiết phải xét xử kín.
Tại Điều 25 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
"Bằng việc xét xử kín, tôi e rằng phiên tòa sẽ không được diễn ra bình thường, các hoạt động, thậm chí cả quyền lợi của tôi, trong đó có quyền bào chữa sẽ không được bảo đảm theo đúng pháp luật.
Chính vì vậy, hôm qua tôi đã có đơn thông qua Ban giám thị Trại tạm giam gửi đến Tòa án thành phố Hà Nội đề nghị để vụ án được xét xử công khai.
Nếu vụ án được xét xử công khai tôi sẽ có cơ hội được bày tỏ quan điểm, tranh luận về những gì Viện kiểm sát sử dụng làm căn cứ buộc tội tôi. Khi đó, tôi mới có cơ hội thực sự để chứng minh mình không phạm tội như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã quy kết" - ông Thắng được luật sư trích nguyên văn trong bài viết đăng trên Facebook cá nhân.
Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, có nhiều vài bài viết về tự do, dân chủ và nhân quyền trên trang blog của RFA từ cuối năm 2013.
Ông Thắng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ năm 2011 và là một nhà nhiếp ảnh có nhiều đóng góp các hình ảnh và video về biểu tình vì chủ quyền biển đảo và đấu tranh chống bất công ở Việt Nam.
Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) được cho là của ông hiện nay có gần 160.000 người theo dõi, mặc dù ông đang bị tạm giam tài khoản này vẫn hoạt động bình thường với nhiều bài đăng, chia sẻ.
Nguồn : RFA, 07/04/2023
Nếu đây là ‘án bỏ túi’, thì xử kín sẽ giúp kịch bản tuyên án trơn tru hơn khi đối ngoại với các tổ chức nhân quyền nước ngoài.
Ông Nguyễn Lân Thắng
Ông Nguyễn Lân Thắng bị truy tố theo khoản 1, điều 117 Bộ luật hình sự. Phía luật sư bào chữa cho biết phiên tòa sẽ được xử kín.
Hình thức xét xử kín hay công khai đối với phiên tòa hình sự sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với hoạt động tư pháp nói riêng, đối với cộng đồng xã hội nói chung.
Lần đầu có án theo điều luật 117 được tuyên bố công khai xử kín.
Trên tài khoản facebook của luật sư Phạm Lệ Quyên hôm 31/3/2023, đưa tin :
"Ngày 24 tháng 2 năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã ra bản cáo trạng để truy tố ra trước Tòa án nhân dân TP.Hà Nội để xét xử đối với ông Nguyễn Lân Thắng về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 1 điều 117 Bộ luật hình sự.
Ngày 30 tháng 3 năm 2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm hình sự đối với ông Nguyễn Lân Thắng.
Thời gian mở phiên tòa : 8g00 ngày 12 tháng 4 năm 2023.
Địa điểm : Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Vụ án được xử kín".
Thật ra lâu nay các vụ án liên quan điều luật hình sự 117 đều hạn chế gắt gao các người dân, tổ chức ngoại giao muốn vào dự khán ; thậm chí cả thân nhân người bị truy tố cũng bị cản trở quyền tự do tham dự phiên tòa xét xử công khai…
"Nay với yếu tố xử kín, có nghĩa về quy định tố tụng, phía luật sư tham gia vụ án cũng không được phép công khai với báo chí, hay trên tài khoản facebook cá nhân về nội dung diễn biến các tranh tụng lúc xét xử. Nôm na, nếu đây là ‘án bỏ túi’, thì xử kín sẽ giúp kịch bản tuyên án trơn tru hơn khi đối ngoại với các tổ chức nhân quyền nước ngoài" – một luật sư bàn luận như vậy.
Hợp thức hóa ‘án bỏ túi’ ?
Ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào tháng 7/2022 với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo điều 117 Bộ luật hình sự.
Vào đầu tháng 11/2022, các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ "tùy tiện" 18 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có trường hợp ông Thắng, với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản "mơ hồ" như "Tuyên truyền chống nhà nước" và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Với thông tin đây sẽ là phiên tòa xử kín, cho thấy có thể một tiền lệ tố tụng được đặt ra liên quan đến án theo cáo buộc điều luật hình sự 117.
Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định : "Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín".
Căn cứ vào quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định rõ : "Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì về nguyên tắc, với ông Nguyễn Lân Thắng sẽ xét xử kín nếu tòa xét thấy cần giữ bí mật nhà nước. Những vụ án có những tội danh liên quan đến bí mật nhà nước như làm lộ bí mật nhà nước, đánh tráo, chiếm đoạt bí mật nhà nước,…
Đàng sau lưng ông Nguyễn Lân Thắng là những bí mật gì cần ‘xử kín’ ?
Bí mật nhà nước là một phạm vi bao trùm lên nhiều lĩnh vực, có những thông tin, tài liệu, những chính sách, thủ tục để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mà nhà nước quy định hạn chế thông tin, những thông tin tài liệu đó thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước và được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản dưới luật.
Khi Tòa án quyết định xét xử kín thì chỉ có những người có giấy triệu tập mới được tham dự phiên tòa. Các cơ quan báo chí có thể đưa tin về phần thủ tục và kết quả phiên tòa.
Pháp luật quy định, khi Tòa án quyết định xét xử kín thì các tình tiết, diễn biến của phiên tòa không được phép công khai, những người không được triệu tập thì sẽ không được chứng kiến diễn biến phiên tòa. Tuy nhiên khi Tòa án tuyên án thì nội dung bản án sẽ phải công khai và tất cả các đương sự, những người dân và các cơ quan truyền thông đều có quyền được biết kết quả của vụ án thông qua hoạt động tuyên án công khai theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Lân Thắng nếu bị buộc tội và bào chữa từ phía các luật sư không được tòa chấp nhận đầy đủ, thì với việc được cho là vi phạm quy định tại khoản 1 điều 117 Bộ luật hình sự, ông Thắng sẽ nhận mức án ở phiên sơ thẩm dao động trong khoảng từ 5 năm đến 12 năm.
Một liên tưởng : Ngày 9/7/2021, ông Phạm Chí Thành – tức bLogger "Bà Đầm Xòe" Phạm Thành, đã bị Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên án phạt 5 năm 6 tháng tù về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo quy định tại điều 117, khoản 1, Bộ luật hình sự năm 2015.
Ông Phạm Chí Thành nguyên là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, đã nghỉ hưu từ tháng 6/2012.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 05/04/2023
Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng được trao giải Phóng viên Vỉa hè 2023
RFA, 04/04/2023
Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng, người đang thi hành án tù năm năm về tội danh "tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước", được tổ chức Việt Nam Infos (Thông tin Việt Nam) trao giải thưởng Phóng viên Vỉa hè 2023.
Ông Lê Trọng Hùng trong một video phát trực tiếp trên Facebook cá nhân - Chụp màn hình FB Lê Trọng Hùng
Ông Lê Trọng Hùng, 44 tuổi, là thành viên của "Phong trào chấn hưng nước Việt" có mục tiêu sử dụng nền tảng mạng xã hội để khai dân trí cho người dân bằng cách thẳng thừng phanh phui những sai phạm của tầng lớp lãnh đạo đất nước trên cơ sở pháp luật và giải ảo thần tượng lãnh tụ.
Ông bị bắt vào tháng ba năm 2021 sau khi nộp đơn tự ứng cử vào quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng năm năm đó.
Hôm 4/4/2023, từ Paris (Pháp), ông Bùi Xuân Quang, đại diện Việt Nam Infos, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về việc chọn ông Hùng để trao giải thưởng năm nay :
"Lê Trọng Hùng có một thái độ đấu tranh khác thường. Ông tôn trọng luật pháp và muốn dùng luật pháp của nhà nước để mà nói lên những điều ông nghĩ.
Chúng tôi trao giải thưởng để mà cho ông Lê Trọng Hùng biết ông không chỉ một mình, nghĩa là có nhiều người hiểu cách đấu tranh của ông và cảm phục cách đấu tranh của ông".
Giải thưởng Phóng viên Vỉa hè năm nay, ngoài kỷ niệm chương, còn có hiện vật là 1.000 USD.
Từ Hà Nội, bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Lê Trọng Hùng, cho biết gia đình bà rất vui khi nhận được tin chồng mình được trao giải thưởng. Bà nói với RFA:
"Cái giải thưởng này là sự ghi nhận cho những đóng góp của chồng tôi. Chồng tôi nói rằng có những người khác có thể xứng đáng hơn anh nhưng dù sao thì anh cũng rất cảm động trước sự ghi nhận của ban tổ chức".
Theo ông Quang, mục tiêu của giải thưởng nhằm khuyến khích tinh thần công dân, can đảm và tự do của người dân Việt Nam, đồng thời giúp những người lên tiếng can đảm trong nước như ông Trịnh Bá Phương và Phạm Minh Vũ…
Việt Nam Infos (Thông tin Việt Nam) là một tờ liên lạc thông tin về Việt Nam được thành lập năm 2000. Hiện nay, hoạt động chính của tổ chức này là trao giải thưởng Phóng viên Vỉa hè thường niên, với sự trợ giúp của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, và Quỹ tù nhân lương tâm Úc.
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam Infos đã trao giải thưởng này cho 68 cá nhân, trong đó có các ông bà Nguyễn Thuý Hạnh, Trương Văn Dũng, Trịnh Bá Phương, Lưu Minh Vũ…
Những người được lựa chọn để trao giải thưởng hàng năm là người dân can đảm đưa tin tức về Việt Nam, dân oan và blogger, và người hoạt động về chính trị và dân quyền, ông Quang cho biết.
Ông Lê Trọng Hùng là giáo viên của Trường câm điếc Xã Đàn (Hà Nội). Năm 2015, ông nghỉ việc và tố cáo sai phạm của hiệu trưởng nhà trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp và học sinh khuyết tật nơi đây.
Ông quyết định tham gia vào lĩnh vực báo chí tự do nhằm thay đổi nhận thức của xã hội hướng tới một nền văn minh, dân chủ. Ông tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt của nhà hoat động Vũ Quang Thuận.
Sau khi ông Thuận bị bắt vào đầu năm 2017, ông Lê Trọng Hùng cùng với một số người bạn lập kênh truyền hình CHTV (Chấn hưng tivi) để phổ biến kiến thức pháp luật và giúp dân oan tố cáo sai phạm trong việc giải tỏa, đền bù đất đai và giúp họ soạn thảo đơn thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông cùng nhiều người trong nhóm mua bản in Hiến pháp Việt Nam để tặng cho người dân nhằm giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình.
Từ năm 2015 đến ngày bị bắt, ông Hùng còn tích cực tham gia hoạt động cùng nhóm Cựu giáo chức Chu Văn An do giáo sư Nguyễn Khắc Mai cùng một số trí thức yêu nước thành lập.
Ông Hùng còn tham gia các hoạt động biểu tình phản đối tập đoàn Fomosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Đầu tháng 3/2021, ông nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử vào tháng năm năm đó với mong muốn cải tổ cơ quan lập pháp này để nó xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của người dân.
Tuy nhiên, cuối tháng 3, ông bị bắt với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, ông bị kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế.
Trước và sau phiên toà, nhiều tổ chức quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.
Nguồn : RFA, 04/04/2023
**************************
Tòa án Hà Nội sẽ xử kín nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng vào ngày 12/4
RFA, 03/04/2023
Cập nhật ngày 04/4/2023: Bà Lê Bích Vượng đã nhận được giấy triệu tập của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội để vào tham dự phiên xử sơ thẩm của chồng là ông Nguyễn Lân Thắng trong phiên tòa ngày 12/4 với tư cách "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan".
Blogger Nguyễn Lân Thắng trước khi bị bắt - Facebook Nguyễn Lân Thắng
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên xử sơ thẩm với hình thức xử kín vào ngày 12/4 để xét xử blogger Nguyễn Lân Thắng về cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Gia đình và luật sư xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do (RFA)
Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ và là blogger của RFA, bị bắt vào ngày 05/7/2022. Vào cuối tuần trước, tòa án đã ra quyết định đưa ông ra xét xử. Ông đối diện với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.
Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng, nói với RFA về phiên tòa dự kiến vào thứ tư tuần tới:
"Tôi được thông báo qua luật sư lịch xử phiên tòa của anh Thắng sẽ diễn ra vào sáng ngày 12/4. Quyết định xét xử ghi là xét xử kín".
Bà Vượng cho biết cả gia đình và luật sư đều bất ngờ về quyết định xử kín vì trong vụ án của ông Thắng không có yếu tố nào dẫn tới phải xử kín. Bà nói:
"Thậm chí các luật sư cũng ngỡ ngàng không hiểu tại sao bây giờ lại có quyết định xử kín. Những cái mà quy kết cho anh ấy anh ấy hoàn toàn vô tội nhưng với một phiên xử kín thì gia đình và bàn bè rất là hoang mang".
Điều 25 của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: "Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".
Phóng viên không thể gọi điện cho Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội theo số điện thoại đăng trên website của cơ quan này để hỏi về lý do đưa ra quyết định xử kín trong phiên tòa xử ông Nguyễn Lân Thắng.
Trong nhiều năm gần đây, các phiên tòa chính trị xét xử người bất đồng chính kiến đều là phiên tòa công khai, cho dù chỉ có một vài trường hợp số ít người thân được tham dự phiên tòa còn bạn bè và người quen biết hay các nhà hoạt động khác hoặc bị quản thúc tại gia hoặc bị lực lượng an ninh ngăn cản bằng bạo lực khi họ đến gần khu vực xử án.
Bà Vượng cho biết không một người thân nào của ông Thắng, kể cả bà, nhận được giấy mời tham dự phiên toà. Do vậy, gia đình và luật sư đang làm đơn đề nghị tòa cho phép họ được vào phòng xử án để chứng kiến phiên xử.
Dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, bà Vượng cho biết chồng bà bị cáo buộc "tàng trữ" gần 20 cuốn sách trong đó có hai cuốn Chính trị Bình dân và Phản kháng Phi bạo lực của nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù chín năm về tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước".
Tuần trước, ông Trương Văn Dũng cũng bị kết án sáu năm tù giam vì "tàng trữ" cuốn sách Chính trị Bình dân của Phạm Đoan Trang, bên cạnh việc trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài.
Cáo trạng cũng cáo buộc ông Thắng "tuyên truyền chống nhà nước" bằng việc tham gia với tư cách là khách mời trong 12 cuộc hội luận bàn tròn về tình hình Việt Nam của Đài BBC (Anh Quốc).
Bà Vượng cho biết những cuốn sách mà cơ quan công an thu giữ từ nhà bà là sách được tặng có chữ ký của tác giả, và một số cuốn mà bà mua ở hội chợ sách về cho con gái mình đọc.
Bà chia sẻ thêm về phần trả lời phỏng vấn Đài BBC của chồng mình :
"Anh Thắng có trả lời là các phần trả lời phỏng vấn đấy của anh ấy không vi phạm pháp luật, không tuyên truyền chống phá (nhà nước- PV) và anh ấy đang cùng các luật sư làm khiếu nại để phản đối kết quả điều tra của cơ quan điều tra".
Cáo trạng cũng đề cập đến Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) và trang Fanpage Nguyễn Lân Thắng nhưng thừa nhận trang này không công khai email và điện thoại cá nhân nên chưa xác định được thông tin đăng ký, tạo lập tài khoản, người quản trị trang Fanpage không công khai nên cũng không xác định được cá nhân quản lý, điều hành trang.
Phóng viên cũng liên lạc với hai luật sư của ông Thắng là Lê Văn Luân và Lê Đình Việt để đề nghị bình luận về vụ án này. Luật sư Lê Văn Luân xác nhận phiên tòa sẽ xử vào tuần tới và xử kín nên không thể trả lời RFA.
Bà Vượng cho biết Công an Hà Nội đã kết thúc điều tra vào ngày 17/01 năm nay, và ông Thắng được gặp luật sư lần đầu vào ngày 26/02. Tuy nhiên, cho tới nay, gia đình vẫn chưa được gặp ông cho dù đã nhiều lần viết đơn đề nghị.
Ông Nguyễn Lân Thắng xuất thân từ một gia đình khoa bảng ở Hà Nội. Ông nội ông là giáo sư Nguyễn Lân, tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt được sử dụng từ nhiều thập niên qua. Nhiều người con của cụ Nguyễn Lân là giáo sư, tiến sĩ, hoặc bác sĩ nổi tiếng của Việt Nam.
Kỹ sư xây dựng Nguyễn Lân Thắng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ năm 2011 và là một nhà nhiếp ảnh có nhiều đóng góp các hình ảnh và video về biểu tình vì chủ quyền biển đảo và đấu tranh chống bất công ở Việt Nam.
Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) được cho là của ông hiện nay có gần 160.000 người theo dõi, mặc dù ông đang bị tạm giam tài khoản này vẫn hoạt động bình thường với nhiều bài đăng, chia sẻ...
Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện cùng với những người cùng chí hướng, như cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt, và xây trường cho trẻ em vùng cao.
Ông Nguyễn Lân Thắng có nhiều vài bài viết về tự do, dân chủ và nhân quyền trên trang blog của RFA từ cuối năm 2013.
Nguồn : RFA, 03/04/2023
Khi rong chơi ở Yên Bái, thấy dân chúng, đặc biệt là trẻ con địa phương phải lội qua suối để vào trường là hết sức nguy hiểm nhất là mùa mưa lũ...
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng "bị can vàđồng bọn"đã tổ chức bàn giao cho chính quyền xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái một đoạn đường tràn giúp trẻ con và dân chúng bản Háng Đề Sủa băng qua nơi hai con suối tại khu vực này
1. Trung tuần tháng 1 năm 2014, "bị can và đồng bọn" đã tổ chức bàn giao cho chính quyền xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái một đoạn đường tràn giúp trẻ con và dân chúng bản Háng Đề Sủa băng qua nơi hai con suối tại khu vực này giao nhau và một căn nhà cấp bốn thay thế cho cái gọi là "điểm trường" (địa điểm được chọn làm trường ở những nơi xa xôi, hẻo lánh) thuộc Tiểu học Xéo Dì Hồ vốn đã dột nát, xiêu vẹo.
Theo tường thuật từ một trong những "đồng bọn" của "bị can" thì năm 2013, khi cùng "đồng bọn" rong chơi ở Yên Bái, "y" thấy dân chúng, đặc biệt là trẻ con địa phương phải lội qua suối để vào trường là hết sức nguy hiểm nhất là mùa mưa lũ, "điểm trường" Háng Đề Sủa của Tiểu học Xéo Dì Hồ không có hoặc không còn hình thù của một ngôi trường nên đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi quyên góp, hỗ trợ dân chúng trong vùng. Khi có đủ tiền, "bị can và đồng bọn" tự thiết kế, tự tổ chức thi công rồi bàn giao (1)...
2. Ngày 9/7/2022, khi đến thăm Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành ở tỉnh Bắc Ninh, nghe những thương binh tại đây đệ đạt nguyện vọng :Xin một máy giặt mới thay thế cho máy giặt cũ đã hư, "đồng chí" đã chỉ đạo trao tặng ngay cho nơi này 100 máy giặt mới.Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội, người tháp tùng đồng chí đã lập tức giao cho Cục Người có công phối hợp giải quyết ngay trong tuần tới...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng 100 máy giặt cho 97 thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành
Hệ thống truyền thông chính thức không cho biết máy giặt ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành hư từ khi nào, sinh hoạt và việc chăm sóc thương binh khó khăn ra sao ? Nơi này đã xin cung cấp máy giặt trong bao lâu ? Vì sao không có ? Cũng không có cơ quan truyền thông chính thức nào băn khoăn khi Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành chỉ chăm sóc 97 thương binh nhưng "đồng chí" lại hào phóng tới mức ra lệnh trao tặng 100 máy giặt (2) ?
3. Vì sao không có ai trong số các thành viên của phái đoàn tháp tùng "đồng chí" đi thăm Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành phát giác : Nếu mỗi thương binh ở nơi này có quyền dùng riêng một máy giặt thì vẫn còn dư tới ba máy giặt để nhắc "đồng chí" điều chỉnh chỉ lệnh ? Chẳng có thống kê nào về hạ tầng, tiện nghi của những cơ sở công lập đang chăm sóc người già, người tàn tật ở Việt Nam song có thể khẳng định là những nơi ấy lúc nào cũng thiếu đủ thứ.
Khi ngân sách có giới hạn, đặc biệt là ngân sách dành cho việc chăm sóc các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội vốn luôn luôn khiêm tốn, quyết định tặng 100 máy giặt cho 97 thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành chắc chắn sẽ khiến cơ hội được chăm sóc tử tế của những cá nhân thuộc nhóm yếu thế ở những nơi khác sẽ giảm sâu hơn. Nên xếp quyết định ấy của "đồng chí" vào loại nào : Sáng suốt hay u mê ? Nhân đạo hay tàn bạo ?
4. "Bị can" đã đề cập ở phân đoạn một tên là Nguyễn Lân Thắng. "Y" bị khởi tố rồi bị tống giam hôm 5/7/2021 để điều tra về hành vi "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Thắng là một trong những "tên", những "thị" thường xuyên thắc mắc hay nhận định về những sự kiện như đã nêu ở phân đoạn hai và ba. Đó là lý do những việc y đã làm như đã kể ở phân đoạn một không những không thể ghi nhận mà còn phải ngăn chặn.
"Đồng chí" đã đề cập ở phân đoạn hai tên là Nguyễn Xuân Phúc – người đang là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Phúc là thành viên của một tập thể không bao giờ sai lầm, làm gì cũng đúng và việc chỉ trích các tuyên bố, quyết định của những thành viên trong tập thể này, không thừa nhận sự "tài tình, sáng suốt" tuyệt đối của họ sẽ phạm vào tội nào đó trong Bộ Luật hình sự.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/07/2022
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/chu-tich-nuoc-tang-100-may-giat-cho-thuong-benh-binh-4485940.html
(3) https://thanhnien.vn/nguyen-lan-thang-bi-bat-de-lam-ro-toi-chong-pha-nha-nuoc-post1475151.html
VOA, 08/07/2022
Trong một đoạn nói chuyện được thâu âm, giữa ông Nguyễn Lân Thắng và một người làm truyền thông ở hải ngoại vào năm 2020, trước viễn cảnh có thể bị bắt, ông Thắng nói rằng : "Những video hay những âm thanh, hình ảnh nào đó của tôi, các kiểu, ở trên truyền thông vào lúc tôi bị bắt, thì nó không đại diện cho suy nghĩ, chính kiến, cũng như nguyện vọng của tôi".
Đoạn thâu âm nói trên được người thâu trao cho VOA, kèm theo lời ông Thắng nói gần đây, rằng ông ấy và các anh chị em như ông ấy "luôn nằm trong danh sách chờ "nhập kho" – tức bị bắt".
Đoạn nói chuyện được thâu vào ngày 29 tháng Chín, 2020, liên quan đến vụ Phạm Chí Thành. Ông Thắng nói rằng, "Hiện tại, tôi đang ở trong một đợt điều tra thẩm vấn một số những việc liên quan đến vụ ông Phạm Chí Thành. Ngoài những chuyện đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khai thác tôi, hỏi những chuyện gì, và tôi cũng không biết là thực sự sẽ diễn ra bao lâu. Nhưng khi các bạn nghe được âm thanh này thì có thể là tôi đã bị tạm giam hay tạm giữ".
Ông Phạm Chí Thành, tức nhà văn Phạm Thành, 70 tuổi, người viết sách chỉ trích Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 7 năm 2021 bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và 5 năm quản chế vì "tuyên truyền chống nhà nước". Ông Thành, viết blog với tên Bà Đầm Xòe, bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào ngày 21/05/2020.
Ông Thắng, 47 tuổi, bị công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam hôm 5/7, với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ Luật hình sự năm 2015, cùng tội danh với ông Thành.
Người trao đoạn thâu âm cho VOA nói rằng, ông Thắng "nhờ trao cho truyền thông khi anh ấy gặp nạn".
"Tôi muốn nói rằng là, dù có thể sau này, những video hay những âm thanh, hình ảnh nào đó của tôi, các kiểu, ở trên truyền thông vào lúc tôi bị bắt, thì nó không đại diện cho suy nghĩ, chính kiến, cũng như nguyện vọng của tôi, mà có thể tôi bị một cái sự là thẩm vấn gắt gao hay là một sự đe dọa nào đó liên quan đến gia đình, bạn bè, liên quan đến những người thân yêu của tôi". Đoạn thâu âm có lời ông Thắng.
Ông Thắng còn nói : "Và những lời tôi nói trên truyền thông lúc đó sẽ không có giá trị đại diện cho tất cả những suy nghĩ của tôi. Trước sau như một, tôi luôn luôn mong muốn đất nước Việt Nam sẽ có một nền dân chủ, có cuộc sống tự do, và những ý chí nguyện vọng của nhân dân được cất lên một cách tự do, không bị ràng buộc, không bị áp đặt".
Người hỏi chuyện ông Thắng có đặt câu hỏi, rằng lúc phát biểu này, ông có "tỉnh táo" không ? Và "có ý định tự hại nào đến thân thể ?"
Ông Thắng trả lời : "Tôi sẽ không làm gì để tự hại đến thân thể của mình. Nếu tôi có bị thương tật, bị ốm, thậm chí có thể là chết, thì đó không phải là ý chí hay nguyện vọng của tôi".
Trao đổi với VOA vào tháng 4/2022, ông Nguyễn Lân Thắng bày tỏ sự kỳ vọng vào sự thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam, nhấn mạnh rằng đó sẽ là sự thay đổi đến từ chính người dân.
"Người Việt Nam, sẽ có nhiều người thức tỉnh hơn, người ta hiểu được những vấn đề về chính trị, những vấn đề đang chi phối đất nước, và tại sao mà cuộc sống của người ta lại chưa được như mong đợi.
"Mọi điều bắt đầu từ sự mong ước. Và khi đã mong ước, có sự hiểu biết thì có lẽ đó là cơ hội mới cho đất nước thay đổi. Nó đến từ người dân, chứ không phải phụ thuộc vào người cầm quyền hay một thế lực chính trị nào".
Một số nhà hoạt động và blogger tại Việt Nam từng dự báo trước khả năng mình có thể bị chính quyền bắt giam và chia sẻ quan điểm cá nhân trước khi bị bắt.
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, hiện đang thụ án tù 9 năm cũng với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước", đã chuẩn bị bức thư với tiêu đề "Nếu tôi có đi tù" được công bố ngay sau khi bà bị bắt vào tháng 10/2020, trong đó viết : "Tôi không cần tự do cho riêng mình", "Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều : Tự do, dân chủ cho Việt Nam", đồng thời kêu gọi vận động cho luật bầu cử mới.
Tương tự, tiên liệu trước việc bị chính quyền bắt giữ khi lên tiếng về các vấn đề được cho là "bất công" ở Việt Nam, như tranh chấp đất đai ở Dương Nội và vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, hai anh em nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư nói trong một video về quá trình hoạt động ôn hòa, bất bạo động của mình. Ông Phương và ông Tư, hiện đang thụ án tù lần lượt 10 năm tù và 8 năm tù sau khi bị bắt từ giữa năm 2020, bày tỏ trong video mong muốn của mình rằng "mọi người dân được đối xử công bằng trước pháp luật", và "quyền con người được tôn trọng".
*************************
RFA, 07/07/2022
Việc chính quyền Việt Nam bắt giữ blogger Nguyễn Lân Thắng với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước hôm 5/7 là tin tức được chia sẻ và bình luận nhiều trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam tuần này, trong đó có không ít những ý kiến ủng hộ những hoạt động vì xã hội của ông.
- Facebook Nguyen Lan Thang
Giống như trong nhiều vụ án chính trị khác, ông Nguyễn Lân Thắng, 47 tuổi và là bố của hai đứa con 8 tuổi và 2 tuổi, sẽ bị biệt giam ít nhất bốn tháng trong giai đoạn điều tra, và đối diện với mức án có thể từ 7 năm đến 12 năm tù, thậm chí 20 năm tù nếu bị kết tội.
Ông xuất thân từ gia đình khoa bảng nổi tiếng nhất lịch sử đương đại Việt Nam, với ông nội là giáo sư Nguyễn Lân, nhà nghiên cứu kiêm biên soạn Từ điển Tiếng Việt được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Tám người con của cụ Nguyễn Lân, trong đó có ông Nguyễn Lân Tráng- bố của ông Nguyễn Lân Thắng, là tiến sỹ, và bảy trong số họ có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư trong giáo dục và y học. Bác của ông, giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn là đại biểu quốc hội nhiều khóa.
Chọn con đường dấn thân, đấu tranh về chủ quyền quốc gia và môi trường
Với một gia đình công thần của chế độ như thế, bản thân là kỹ sư xây dựng, ông có thể có một tương lai tốt nếu "ngoan ngoãn" gắn mình với chế độ. Tuy nhiên, ông đã chọn con đường dấn thân trong nhiều hoạt động dân sự vốn có lịch sử non trẻ ở một quốc gia bị đảng cộng sản độc quyền chính trị từ nhiều thập niên qua.
Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam phát triển mạnh từ năm 2011 khi Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông. Khi đó nổ ra 11 cuộc biểu tình trong 11 sáng chủ nhật ở trung tâm thành phố Hà Nội, có lúc tập hợp được hàng trăm người cho dù nhiều buổi bị công an đàn áp khốc liệt.
Ông Nguyễn Lân Thắng hoà mình vào các cuộc biểu tình này. Với kỹ năng chụp ảnh, ông là một trong số ít ký giả ảnh đưa tin về các hoạt động còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.
Nói về ông, bà Nguyễn Kim Tiến, một nhà hoạt động tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà ở Hà Nội trong thập nhiên trước và thường được gọi là "hoa hậu biểu tình", trao đổi với phóng viên Đài Á Châu Tự Do :
"Em quen biết anh Nguyễn Lân Thắng trong cuộc biểu tỉnh năm 2011 chống Trung Quốc xâm lược. Lúc biểu tình thì không ai quen biết ai nhưng sau mọi người ngồi lại và giới thiệu qua và biết lẫn nhau. Sau nhiều cuộc biểu tình thì có sự kết nối giữa những người hoạt động với nhau. Em quen với anh Nguyễn Lân Thắng từ đó.
Hồi đó mọi người đi với một sự nhiệt huyết…. Giữa em và anh Thắng không có nhiều hoạt động chung nhưng những gì em biết là anh Thắng tham gia rất nhiều hoạt động như là biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, xuống đường bảo vệ cây xanh, và một số hoạt động khác bảo vệ môi trường như phản đối Formosa xả thải ở ngoài biển.
Anh Thắng có tài chụp ảnh. Ảnh anh chụp rất đẹp. Anh Thắng hay mang máy ảnh trong các cuộc biểu tình và chụp nhiều bức ảnh để lưu lại những dấu ấn kỉ niệm về các cuộc biểu tình".
Ông Nguyễn Lân Thắng cũng là một trong những nhân vật chủ chốt của Đội bóng No-U Hà Nội- tập hợp của những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc thường gặp nhau để luyện tập thể thao và chia sẻ về các vấn đề xã hội trong chiều chủ nhật trong thời gian từ tháng 10 năm 2011 đến 2017 trước khi bị lực lượng an ninh can thiệp khiến đội bóng không thể hoạt động công khai.
Blogger Nguyễn Lân Thắng mặc áo của đội bóng No-U FC trong một trận đấu giao hữu ở Hà Nội hôm 9/7/2017. AFP
Blogger Nguyễn Lân Thắng với phong cách hóm hỉnh
Không chỉ là một nhiếp ảnh gia, ông Nguyễn Lân Thắng còn là blogger của Đài Á Châu Tự Do, với hàng chục bài viết về nhiều khía cạnh ở Việt Nam. Bài cuối cùng của ông viết về việc Nga lách cấm vận quốc tế trong việc xuất khẩu dầu sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine bằng cách bán lậu dầu trong vùng biển quốc tế.
Trên Facebook, ông lấy nickname Ông Ké, với nhiều bài viết chế giễu lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhiều quan chức cao cấp của chế độ cùng nhiều chính sách chỉ có lợi cho nhóm cầm quyền mà không mang lại lợi ích cho dân chúng và đất nước.
Cây bút Võ Ngọc Ánh, người thường viết cho BBC cũng như Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), viết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng tuy chưa gặp trực tiếp Nguyễn Lân Thắng bao giờ nhưng hai người thường xuyên nói chuyện trực tuyến để chia sẻ tình hình chính trị trong nước mà nhiều người Việt không dám nói. Theo nhà báo đang định cư ở Hoa Kỳ này thì ông Nguyễn Lân Thắng rất thẳng thắn, chọn cuộc sống có giá trị chứ không phải là một cuộc sống an nhàn và an toàn.
Blogger Nguyễn Lân Thắng trong một chuyến đi từ thiện chụp hình cùng các em nhỏ vào năm 2019. Facebook Nguyen Lan Thang
Nhà từ thiện Nguyễn Lân Thắng ở miền Trung và vùng cao phía Bắc
Ông cũng tham gia vào hoạt động từ thiện, trong đó có cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung và vùng núi phía Bắc cũng như xây dựng nhiều lớp học cho học sinh vùng cao hay đơn giản là phát quà cho chúng trong dịp Trung thu cùng với một số thành viên khác của No-U Hà Nội.
Nói về hoạt động thiện nguyện của ông Nguyễn Lân Thắng, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ chưa cưới của tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung, cho Đài á Châu Tự Do biết, bà là một người bạn của ông Nguyễn Lân Thắng cùng tham gia hoạt động thiện nguyện nhiều lần, trong đó có vụ giúp bà con ở Văn Chấn- Yên Bái trong vụ lũ quét năm 2018.
"Tôi không nghĩ con người anh ấy nhỏ bé mà làm được quá nhiều việc như vậy. Qua những buổi thiện nguyện như thế, tôi thấy anh ấy là một con người nhiệt huyết cả về tâm và sức mặc dù sức khoẻ của anh ấy không được tốt do bị bệnh hen…. Tuy những việc làm của anh Thắng cho xã hội và cộng đồng không phải là điều gì quá to lớn nhưng anh đã hy sinh bản thân và thời gian cho vợ con để giúp đỡ bà con. Tôi rất trân trọng con người của anh ấy khi anh được thấy anh ấy thực hiện những công việc theo lương tâm mà anh ấy nghĩ cần phải làm".
Dường như sẵn sàng với việc bị bắt giữ, ông Nguyễn Lân Thắng, trong một bài viết trên Facebook chia sẻ với con gái tên Đậu, nói rằng ông có thể có nhiều lựa chọn. Nếu chấp nhận cuộc sống giả dối, tung hô những điều dối trá, tận dụng những quan hệ và lợi thế sẵn có thì ông và gia đình sẽ chả thiếu thứ gì và có thể ra nước ngoài sinh sống không cần biết nước Việt tan hoang ra sao. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con mình. Ông cũng nói ông không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt vì đối với ông, đó không phải là hạnh phúc.
Như thể biết mình sẽ bị giam cầm, ông nói với con rằng đời ông có thể bị coi là thất bại, nhưng đã "tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực".
Nếu ai từng đam mê đi phượt Tây Bắc chắc các bạn cũng biết một địa danh khá nổi tiếng, là sống khủng long Tà Xùa hùng vĩ. Nhưng trái ngược với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp thì ở đây lại là một vùng rất nghèo khó. Đó là Háng Đồng, một xã nghèo nằm cách thị trấn Bắc Yên - Sơn La khoảng 50 km đường núi hiểm trở. Năm 2013, theo sự giới thiệu của một số thầy giáo ở trên này, chúng tôi đã có mặt ở Háng Đồng để tìm cách giúp đỡ xây dựng một vài phòng học cho trẻ em địa phương.
Nhưng rồi khi lên đến nơi tình cờ, chúng tôi tìm thấy ở đây có một dự án dang dở vô cùng lãng phí, bị bỏ mặc đã bao năm qua. Đó chính là dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các xã đặc biệt khó khăn chương trình 135 ở Tây Bắc. Sau những phanh phui của chúng tôi trên mạng xã hội thì ngay trong năm 2013 báo Tuổi Trẻ đã vào cuộc và họ cho ra một phóng sự để vạch trần vụ bê bối này. Các bạn có thể theo dõi theo trình tự thời gian sau :
Ngày 11/5, những thiết bị của dự án điện mặt trời nằm im lìm trong kho của xã Chiềng Nơi - Ảnh : N.V.Hải
Trạm thu năng lượng mặt trời ở xã Tra Ka (Bắc Trà My, Quảng Nam) bị bỏ hoang - Ảnh : TẤN VŨ
"Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm"
Ông Nguyễn Văn Thanh - Ảnh : MINH QUANG
Những thiết bị của dự án điện năng lượng mặt trời nằm “đắp chiếu” tại UBND xã Chiềng Nơi từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được lắp đặt (ảnh chụp ngày 11/5/2013) - Ảnh : MINH QUANG
Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ "tiền tỉ phơi mưa nắng"
Ban quản lý dự án báo cáo không đúng sự thật
Thế rồi đến năm 2014, bài báo cuối cùng mà tôi được biết của báo Tuổi Trẻ là 3 câu hỏi dành cho ông Giàng Seo Phử, bộ trưởng - chủ nhiệm uỷ ban dân tộc miền núi :
Hình ảnh sai phạm ở dự án điện mặt trời cho 70 xã miền núi do Tuổi Trẻ ghi nhận
Đó là những việc hết sức đáng tiếc trên đất nước chúng ta mà rồi sau này tôi cũng không rõ giải quyết thế nào. Chỉ biết rằng mùa hè năm đó chúng tôi đã kêu gọi và xây dựng xong trên Háng Đồng 2 phòng học xinh xắn để phục vụ các em nhỏ ngay trước năm học mới.
Làm từ thiện, thực ra bao nhiêu năm qua tôi đã làm rất nhiều chương trình. Nhưng có đôi khi những việc như vậy làm tôi cũng áy náy, băn khoăn rất nhiều. Trong đầu tôi luôn có những câu hỏi kiểu như : chúng ta làm vậy tốt rồi, nhưng phải làm đến bao lâu nữa ? Giúp bao nhiêu là đủ ? Chúng ta làm vậy, nhưng liệu có đủ để bù đắp cho những thiệt hại của ai đó đang phá từng ngày không ? Bao giờ thì người dân có thể tự biết, tự đòi hỏi, và tự đứng lên bảo vệ những quyền lợi của mình ?
Thế rồi khi tìm hiểu sâu hơn về chính trị, tôi chợt bừng tỉnh khi phát hiện ra những trăn trở này không chỉ ở riêng trong lòng mình. Ở tầm mức quốc gia, các nhà chính trị trên toàn thế giới cũng bị giằng xé để lựa chọn ra điều cần phải làm.
Có một khái niệm gọi là dải phổ chính trị.
Dải phổ chính trị phân loại theo quyền lực chính phủ
Dải phổ chính trị thường được phân loại dựa theo tiêu chí chính phủ sử dụng quyền lực ra sao. Ở bên phải, chính phủ nắm càng ít quyền lực đến mức không còn chính phủ (chủ nghĩa vô chính phủ), càng về phía trái, chính phủ càng nắm nhiều quyền, đến mức độc tài. Và đó chính là đặc điểm mà người ta phân chia thành cánh tả hay cánh hữu trong khuynh hướng chính trị.
Nhìn vào biểu đồ này, chúng ta thấy cánh tả thường có khuynh hướng tập trung quyền lực vào tay nhà nước nhằm giải quyết những vấn đề về công bằng xã hội. Họ phản đối bất công, bất bình đẳng và phân tầng xã hội. Họ có thiên hướng tập trung vào kết quả của sự công bằng.
Ở chiều ngược lại, phe cánh hữu cổ xuý cho các khuynh hướng tự do phát triển, tự do cạnh tranh, tự do thương mại. Họ giảm an sinh xã hội, duy trì sự can thiệp của nhà nước vào xã hội ở mức thấp nhất có thể. Họ coi trọng sự công bằng ở điểm khởi đầu.
Chính sự khác biệt này làm nổ ra các cuộc tranh cãi, các cuộc vận động... thậm chí là cả các cuộc cách mạng trong thế giới loài người.
Trong bối cảnh dịch bệnh cúm Trung Quốc đang hoành hành hiện nay, chúng ta có thể thấy các xã hội có thể chế quyền lực tập trung vào nhà nước đang có vẻ thắng thế. Việc tập trung quyền lực này cho phép nhà nước nhanh chóng đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn và phong tỏa đại dịch. Người dân ở các nước đó cũng dễ chấp nhận các biện pháp kỷ luật hà khắc hơn. Ở chiều ngược lại, các xã hội mà quyền tự do cá nhân được đề cao thì có vẻ như tình hình dịch bệnh lại lan tỏa ở mức độ khủng khiếp.
Vậy thì, trong tư cách là một cá nhân, chúng ta nên lựa chọn thái độ như thế nào ? Hợp tác hay bất hợp tác với nhà nước ? Hy sinh lợi ích cá nhân hay bảo vệ quyền được đi lang thang bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì mình thích ?
Tôi cho rằng, trong giai đoạn này cần phải hợp tác với nhà nước, cho dù đó là nhà nước độc tài. Chúng ta phải sống trước đã. Sống thì mới có cơ hội làm gì tiếp trong tương lai. Tôi rất thích một câu nói của Charles Darwin : "Kẻ thắng không phải kẻ khỏe nhất, càng không phải là kẻ thông minh nhất. Kẻ thắng là kẻ giỏi thích nghi nhất".
Nhưng cũng xin nhắc nhở với mọi người rằng, chuyện đó nên chỉ là tạm thời thôi. Nhìn xa hơn, chúng ta cần hiểu rằng xã hội Việt Nam vẫn đang bị cai trị bởi chế độ độc tài. Hệ luỵ của nó, mất mát do nó gây ra cho đất nước còn lớn hơn nhiều những gì mà dịch bệnh đang tác động lên xã hội chúng ta. Hãy luôn ghi nhớ mấy từ này : Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp, thuyền nhân vượt biển... để tỉnh táo lựa chọn thái độ của mình với nhà nước.
Dịch bệnh ghê gớm đến đâu rồi nó cũng sẽ qua đi. Dù hiện tại đang chọn một thái độ hợp tác, nhưng tôi vẫn mong muốn rằng Việt Nam sau này sẽ trở thành một quốc gia dân chủ, nơi mọi khuynh hướng chính trị được tự do cạnh tranh nhau, nơi quyền con người, quyền tự do ngôn luận được tôn trọng.
Và trên hết, đó là quốc gia phải có người lãnh đạo lựa chọn được điều đúng đắn để bảo vệ và phát triển đất nước này. Tôi đặt tiêu đề bài viết Vừa hợp tác, vừa đấu tranh là có ý như vậy.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 28/03/2020 (nguyenlanthang's blog)
Aesop là một nhà văn Hy Lạp cổ đại. Ông được cho là tác giả của hàng ngàn câu chuyện ngụ ngôn, được chép tay và truyền khẩu bằng nhiều ngôn ngữ qua hàng thế kỷ cho đến tận ngày nay.
Truyện ngụ ngôn Bác nông phu và con rắn - Ảnh minh họa
Trong bộ sưu tập về ngụ ngôn của Aesop, có một câu chuyện rất nổi tiếng về bác nông dân và con rắn như thế này :
Vào một buổi sớm mùa đông một bác nông phu ra đồng. Bác chợt thấy có một con rắn đang nằm dài trên mặt đất, lặng im và cứng đờ vì lạnh. Mặc dù biết rắn là loài nguy hiểm chết người, bác vẫn nhặt nó lên và ôm nó vào ngực bác để sưởi cho nó sống lại.
Chẳng mấy chốc con rắn đã cựa quậy được, và khi nó đã tỉnh hẳn, nó liền cắn người đã có lòng tốt cứu lấy sinh mạng của nó. Cú táp hết sức nguy hiểm và bác nông phu biết rằng mình sẽ chết. Khi bác trút hơi cuối cùng, bác nói với mọi người xung quanh : "Hãy lấy cái chết của tôi làm bài học, đừng bao giờ thương hại những kẻ vô ơn"
Bài học của người xưa là vậy, nhưng rất tiếc đến giờ này nhiều người vẫn không hiểu, và họ vẫn vấp phải lỗi lầm khi thương hại những kẻ vô ơn và nham hiểm. Tôi phải nhắc đến chuyện này bởi hôm trước vào Đồng Tâm thắp hương viếng cụ Kình tôi được nghe bà con kể rất nhiều việc.
Chuyện kể rằng hồi năm 2017 khi cụ Kình bắt đầu phải cùng bà con giữ đất, có một tốp an ninh thường xuyên mò vào thôn Hoành xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức. Vốn là trưởng công an xã, rồi lên làm bí thư, cụ Kình chả ngại gì tiếp đón đám an ninh này. Cụ coi chúng nó như đám con cháu trong làng, vì nhiệm vụ như cụ ngày xưa nên phải về đây nắm bắt cơ sở mà thôi.
Chúng về làng nhiều lắm, ăn nghỉ ở đó hàng năm trời, thăm thú rồi giao lưu hỏi han cả xã. Nhiều lần cụ Kình còn cho con cháu tiếp đãi cơm nước chúng nó đàng hoàng, chứ không phải chỉ là chuyện đãi bôi hay xã giao qua ngày. Dân làng còn mua hộ chúng nó bao lần toàn gà tơ với trứng gà ta ngon nhất ổ, nhưng ai dám lấy tiền cán bộ về giúp dân "ổn định tình hình" địa phương đâu.
Thế rồi cái đêm kinh hoàng đó cụ Kình bị giết. Hàng ngàn lính kéo về bao vây làng Hoành trong đêm. Ba người lính nữa thấy bảo cũng chết cháy, nhưng cái đêm đó không ai thấy gì vì lính ốp đầy làng như Pháp đi càn năm xưa. Ầm ầm cả đêm ngoài đường nhưng hễ ai thò cổ ra hóng là bị ném lựu đạn cay mù mịt. Sáng ra báo đài cả nước gọi cụ Kình là tên phản động nguy hiểm cầm đầu xã Đồng Tâm chống lại nhà nước.
Chuyện làng Hoành nếu bạn tin vào báo đài nhà nước thì thôi, không nên đọc bài viết này của tôi nữa. Nhưng nếu bạn có mảy may nghi ngờ chi tiết gì thì hãy tìm đọc bài viết mới đây nhan đề "Tội ác Đồng Tâm" của giáo sư Hoàng Xuân Phú. Tôi chỉ muốn làm rõ thêm mấy vấn đề xảy ra từ trước cái đêm đẫm máu ở thôn Hoành.
Ba ngàn tên công an kéo vào Đồng Tâm đêm đó có ai thù oán gì với cụ Kình không ? KHÔNG. Cụ Kình cả đời chỉ lo việc làng việc nước. Cả mấy xã xung quanh ai cũng biết cụ. Cụ như ông tiên ở trong làng, con trẻ quanh đó đứa nào cũng quý, làm gì có quan hệ hay thù oán với ai ở bên ngoài cái đất này ?
Ông Phúc hay ông Trọng có ai thù oán với cụ không ? CŨNG KHÔNG ! Cụ Kình cả đời làm cán bộ. Từ chủ nhiệm hợp tác xã, rồi sang làm trưởng công an xã, rồi lên chủ tịch và bí thư xã Đồng Tâm cho đến tận lúc về hưu. Chả có lúc nào cụ không hoàn thành nhiệm vụ của mình cả. Đến tận khi phải cùng làng Đồng Tâm chống những kẻ bất chấp pháp luật để cướp đất Đồng Sênh, cụ Kình vẫn luôn nhắc nhở con cháu chấp hành đúng pháp luật. Hình ảnh băng rôn khẩu hiệu ủng hộ đảng và nhà nước hồi năm 2018 còn đầy ra trên mạng đấy, mắc mớ gì thù oán với ông Phúc ông Trọng ở trên cao đâu ?
Vậy mà từ đâu cả một hệ thống chính quyền, công an, báo đài nhà nước từ trên xuống dưới nhảy xổ vào tấn công cụ Kình ? Vì đâu cụ Kình phải chết tức tưởi với tấm thân nát bấy đạn ngay trong nhà mình ? Vì đâu thêm ba mạng người ngành công an nữa phải chết một cách rất mờ ám trong cái đêm kinh hoàng đó ?
Tôi cho rằng mọi chuyện bắt đầu chính là từ những bản báo cáo của tốp an ninh mà dân làng vừa kể cho tôi nghe hôm trước. Câu chuyện Đồng Tâm đã bị méo mó sai lạc ngay từ đầu. Những bản báo cáo nắm tình hình từ cơ sở này như nọc độc của con rắn. Nó tiêm nhiễm vào đầu hệ thống công quyền từ trên xuống dưới. Nó làm cả một hệ thống chính trị đờ đẫn, mụ mị và rồi đi đến quyết định tiêu diệt tàn khốc một cán bộ lão thành của nó, bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận như vậy. Nó cũng làm cụ Kình và con cháu mụ mị tin vào hệ thống tàn bạo này đến tận lúc chết.
Có thể bây giờ đảng và nhà nước đang coi vụ Đồng Tâm là một chiến công. Nhưng vụ Đồng Tâm sẽ còn phức tạp vì hệ luỵ của nó đã lan rộng trong tâm tư của nhiều cán bộ đảng viên. Thế nên tôi nhắc các vị rằng, ngoài việc vinh danh và truy tặng phẩm hàm cho những người lính đã chết, hãy nhớ đến tốp an ninh nằm vùng ở Đồng Tâm bao năm qua. Vinh danh hay đổ tội thì tuỳ các vị, nhưng họ là những người quá giỏi khi dẫn dắt tất cả hệ thống hành động như vậy. Họ còn quan trọng hơn nhiều kẻ nào đã trực tiếp cầm súng bắn xuyên qua tim, qua ngực cụ Kình.
Công hay tội thì cũng nên rõ ràng để nhân dân còn biết. Tôi để đây ảnh chụp nghiêng vị chỉ huy nhóm an ninh nằm vùng này trong sự kiện tiếp đón ông Obama từ năm 2016. Ai nhận ra xin đừng mất công sỉ vả. Nhân và quả ở đời là điều không ai tránh khỏi, chỉ có điều nhiều khi nó đến muộn mà thôi.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 14/02/2020 (nguyenlanthang's blog)