Cách đây nửa năm có một lần Đậu đi học về, nó hỏi tôi một cách rất thản nhiên : Bố ghét bác Hồ à ? Tôi thực sự choáng, và phải mất một vài giây sau mới trấn tĩnh, và rồi nhẹ nhàng trả lời nó thế này : Ừ, bố không thích ông ấy. Có nhiều điều về ông Hồ không giống như người ta nói với con đâu. Con còn bé, con chưa biết đọc, nên con chưa thể biết những chuyện này. Sau này khi nào con lớn lên, biết đọc chữ, con sẽ hiểu tại sao bố lại không thích ông ý. Nhưng dù thế nào thì bố cũng rất yêu con...
Muốn xã hội thay đổi tốt hơn, mỗi người trong chúng ta cần góp tay vào giáo dục ngay con cái của chính mình, để lớp người sau có nhận thức đúng đắn mọi vấn đề, rồi mới cùng có hành động đúng đắn để cứu lấy đất nước này.
Câu chuyện kết thúc ở đó vì con tôi nó tạm yên tâm về chuyện này. Nhưng thú thực là từ đó đến nay, tôi luôn ám ảnh vì sự kiện này, và lâu lâu lại mang ra để nghiền ngẫm và suy tư. Từ lúc đẻ nó ra, chưa bao giờ tôi nói gì với nó về quan điểm chính trị, về sự thật lịch sử, về thực trạng xã hội. Tại sao một đứa trẻ mới 5 tuổi lại được giáo dục thế nào, có những quan sát thế nào, suy nghĩ gì, để rồi hỏi được một câu khó nhưng vậy ?
Một lần khác, Đậu đi tham quan về. Hôm đó lớp mẫu giáo của nó được đưa đi tham quan ở bảo tàng Phòng không - Không quân. Nó vui vẻ kể cho tôi nghe về chuyến tham quan, về những khẩu pháo, những chiếc máy bay to lớn... và xúc động nói về những "tội ác của đế quốc Mỹ".
Tôi cố gắng kìm chế, im lặng một lát, rồi nói lại với Đậu thế này : Con ạ, chiến tranh là điều khủng khiếp và không ai mong muốn. Thế nhưng đôi khi chiến tranh vẫn xảy ra vì mỗi bên đều có lý do của mình. Chẳng hạn khi con thấy hai bạn đánh nhau, rất có thể là do một bạn cướp đồ chơi của bạn kia, nên cả hai mâu thuẫn rồi lao vào đánh nhau. Mình cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân thì mới biết thực sự là thế nào. Bố không cho việc hai bạn đánh nhau là hoàn toàn xấu. Bố cho phép con bằng mọi cách để bảo vệ đồ chơi của mình, kể cả phải đánh nhau. Nếu con thích, con có thể cho bạn. Nhưng nếu bạn cướp của con mà con không đồng ý, con có toàn quyền làm mọi thứ để giành lại đồ của mình. Việc Mỹ ném bom ở Việt Nam ngày xưa là điều đáng buồn, nhưng có lý do của nó. Và không chỉ có Mỹ, ngày xưa Pháp cũng mang súng đến đây. Rồi gần đây nhất là Trung Quốc cũng mang quân xâm lược Việt Nam, đánh chiếm nhiều đảo của Việt Nam, đâm chìm nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam, con có biết những điều đó không ? Có những điều rất phức tạp trong lịch sử mà con chưa được biết, con cần phải học chữ, rồi bố sẽ chỉ cho con dần tại sao lại có chuyện đó.
Đậu im lặng và thôi không nói về chuyện Mỹ ném bom nữa. Sau này có một lần mẹ Đậu đến trường và hỏi cô giáo về những chuyện này. Tất nhiên là với kiến thức của một cô giáo mầm non, cô ý cũng chỉ biết giải thích đơn giản rằng đó là chương trình giáo dục từ trên xuống mà các cô buộc phải tuân theo. Mẹ Đậu nói lại với cô giáo thế này : Em ạ, gia đình chị có rất nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có rất nhiều người Mỹ. Anh chị sẽ phải xử sự thế nào nếu trong một cuộc vui gặp mặt bạn bè chẳng hạn, con Đậu lại đi nói về "tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược". Thế nên dù chương trình học thế nào, các em nên cân nhắc nội dung chuyển tải cho các cháu, đừng dạy các cháu lòng căm thù, và tốt nhất là dạy cho các cháu có cái nhìn khách quan về những vấn đề lịch sử.
Đó chỉ là hai ví dụ nhỏ về những chuyện mà tôi phải đối mặt với con khi gặp những vấn đề nhồi sọ trong giáo dục Việt Nam. Tôi biết con tôi rồi sẽ còn phải gặp những chuyện thế này rất nhiều khi nó lớn lên, học cao hơn ở dưới gầm trời này. Đó là một chuyện rất nghiêm trọng mà tôi luôn cần phải cảnh giác. Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng Đậu sẽ không bao giờ trở thành một hồng vệ binh nhí như nhiều đứa trẻ khác, chỉ biết ra rả nói những điều được tuyên truyền ở trường học, vì bố của nó cũng từng bị nhồi sọ mà rồi vẫn vượt qua. Nói những chủ đề này với trẻ con là chuyện rất khó. Bạn cần phải kiên nhẫn, có nhiều kiến thức hơn chúng, và nhất là có cách tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ nhận thức non nớt thì trẻ con nó mới nghe bạn được.
Xã hội chúng ta đang ở một thời kỳ vô cùng hỗn loạn. Tham ô, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, ung thư tràn lan, cướp đất của dân, ấu dâm trẻ em, chạy trường chạy điểm... là những điều ai cũng thấy rõ. Nhưng hễ mỗi khi bạn thấy bất công, bạn lên tiếng phản đối, rồi bạn bị một lũ trẻ trâu vào chửi là phản động. Đó là bởi vì người lớn chúng ta đã không nhận thức đúng, không dạy dỗ những đứa trẻ biết kỹ năng phân biệt đúng sai, biết yêu thương con người, mà phó mặc chúng cho nền giáo dục nhồi sọ này. Muốn xã hội thay đổi tốt hơn, mỗi người trong chúng ta cần góp tay vào giáo dục ngay con cái của chính mình, để lớp người sau có nhận thức đúng đắn mọi vấn đề, rồi mới cùng có hành động đúng đắn để cứu lấy đất nước này.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 30/05/2019 (nguyenlanthang's blog)
*********************
Hòa Ái, RFA, 30/05/2019
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội vào ngày 30 tháng 5, Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nêu lên kiến nghị liên quan triết lý giáo dục của việt Nam rằng trước mắt cần thiết đưa ra nguyên tắc giáo dục là một nền giáo dục không nói dối.
222222222222222
Hình ảnh ngày khai giảng của một trường học ở Việt Nam - AFP
Giới chuyên gia giáo dục nói gì trước khiến nghị vừa nêu ?
Trong phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội vào sáng ngày 30 tháng 5, Đại biểu Thái Trường Giang, của tỉnh Cà Mau lên tiếng rằng những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy có sự lo lắng, thậm chí còn nghi ngờ vai trò là quốc sách hàng đầu của Giáo dục-Đào tạo.
Đại biểu quốc hội Thái Trường Giang khẳng định bệnh thành tích trong ngành giáo dục không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất, qua dẫn dụ về một lớp học có 43 học sinh mà trong đó có 42 em học sinh giỏi và duy nhất 1 em học sinh khá. Vị đại biểu đến từ Cà Mau nhấn mạnh là "Bây giờ tìm một em học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể".
Lướt qua trang fanpage của các báo mạng quốc nội, Đài RFA ghi nhận rất nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của Đại biểu quốc hội Thái Trường Giang. Không ít ý kiến cho rằng ông Thái Trường Giang đã nói hộ cho ý kiến của nhân dân và kêu gọi Bộ Giáo dục cần nghiêm túc tiếp thu và phải xóa bằng được bệnh thành tích trong ngành giáo dục thì mới được văn minh và có chất lượng thực chất.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS), thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam vào tối cùng ngày chia sẻ với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên và có phần vui mừng trước lời phát biểu tại nghị trường Quốc hội của Đại biểu Thái Trường Giang. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói :
"Tôi không có gì ngạc nhiên hết. Tôi mừng là đến bây giờ người ta nhận ra vấn đề. Nhưng mà tôi cũng tiếc, thậm chí phải nói là đau khi những lời cảnh báo của chỗ này chỗ khác bền bỉ trong nhiều năm qua và trong đó có tôi, tuy là yếu ớt thì không ai nghe. Hoặc là người ta biết mà người ta không dám nói. Chính tôi đã nói về những điều này, đã nhiều lần công khai ở nhiều chỗ khác nhau rằng không nên nói dối về sự thật, dù rằng nó đau nhưng nên nói ra để sửa. Đến bây giờ đưa ra giữa hội trường Quốc hội thì rất là muộn. Tôi nghĩ có lẽ đã 20 năm nay rồi đó. Nhưng tất nhiên là muộn còn hơn không".
Qua trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh những việc làm sai trái trong ngành giáo dục nhiều năm qua đã và đang gây ra nhiều tổn thất cho xã hội mà những hệ lụy đó tính theo thế hệ, chứ không phải theo năm hay theo ngày tháng. Tuy vậy, qua những thông tin dồn dập liên quan về các tiêu cực của ngành giáo dục mà truyền thông trong nước đăng tải gây chú ý trong dư luận, đặc biệt về gian lận thi cử trong mùa thi năm 2019, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng có lẽ đến thời điểm bắt đầu của một sự thay đổi :
"Có lẽ tôi nhìn theo cái nhìn của một người già trải nghiệm thì tin nó tới đáy là phải thay đổi để được khá lên. Tiếp đến là diễn biến ra sao, đường đi như thế nào…thì tôi không tiên đoán nữa bởi vì cũng mệt mỏi rồi. Nhưng tôi nghĩ đó là dấu hiệu của sự thay đổi buộc phải đến, không thể không thay đổi".
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, của tỉnh An Giang, cũng tại phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội vào sáng ngày 30 tháng 5, nhắc lại phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi đã có nhiều ý kiến bàn về triết lý giáo dục và bản thân ông kiến nghị trước mắt rất cần thiết phải đưa ra nguyên tắc giáo dục là một nền giáo dục không nói dối.
Nhận định về kiến nghị của Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giáo sư Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng không thể khả thi :
"Giáo dục ở Việt Nam có thể nói rằng cực kỳ khó để giải quyết. Tại vì nhà trường không tách rời khỏi xã hội, mà cả xã hội được điều hành trên cơ sở của những nguyên lý hoàn toàn dối trá. Tôi lấy ví dụ, nói rằng là ‘Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất’, nhưng trên thực tế thì ai cũng biết cơ quan quyền lực cao nhất là Bộ Chính trị, không phải là Quốc hội gì cả ; hay nói rằng ‘nhà nước là của dân, do dân, vì dân’ nhưng trên thực tế nó không phải như vậy. Toàn bộ cả một hệ thống chính trị được xây dựng trên những nguyên lý mà nghe thì tốt đẹp lắm nhưng ai cũng thấy là dối trá. Dối trá từ việc xây dựng Nhà nước cho đến việc thực hiện những chính sách cụ thể. Cho nên trong điều kiện đó mà đòi giáo dục thành ốc đảo riêng có sự trung thực được coi là hàng đầu thì tôi thấy đấy là một mơ ước và khó lòng thực hiện lắm".
Một vài chuyên gia giáo dục Đài RFA tiếp xúc thì khẳng định ngành giáo dục Viêt Nam không những bị lạc hậu, lạc đường mà còn có quá nhiều tiêu cực vì sự không trung thực của ngành và do đó ngành giáo dục phải cấp thiết thay đổi.
Hồi đầu tháng 11 năm 2018, trong phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi Đại biểu quốc hội góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ họ không thấy có sự lạc quan nào cho viễn ảnh của ngành giáo dục khi triết lý giáo dục được cô đọng trong Bộ luật Giáo dục năm 2005 cũng như cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục, chủ yếu lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đào tạo con người toàn diện về đạo đức lẫn trí tuệ ; nhưng phải trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó cũng có ý kiến cho lối ra của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay là nên kế thừa di sản giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, như ý kiến của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mạc Văn Trang, cựu viên chức làm việc hơn 30 năm ở Viện Khoa học Giáo dục rằng "nên đưa ra triết lý dân tộc, nhân bản, khai phóng thì mới đúng bản chất của giáo dục".
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 30/05/2019
Xin chào quý anh chị, các thầy cô giáo, và đặc biệt là các vị phụ huynh. Tôi rất vui mừng là trong bài viết trước, "Quỳ xuống với con" tôi đã nhận được sự tán thưởng rất lớn của đông đảo bạn đọc gần xa.
Bạn có thể để lại cho con cái mình một núi tài sản, nhưng nếu nó không hội đủ các kỹ năng cần thiết để trở thành một người thành công, bao nhiêu tài sản rồi cũng hết.
Lần theo từng dòng bình luận, từng cái chia sẻ của mọi người, tôi đã đọc hầu hết cảm nghĩ của tất cả các vị. Tuy nhiên, rất nhiều người đã copy bài viết của tôi đi đâu đó, hoặc chia sẻ bài viết vào các nhóm kín, nên tôi cũng không thể đọc tất cả các ý kiến. Nhưng tôi chắc rằng mọi người ở đây hầu hết đều đồng ý với tôi rằng, công cuộc nuôi dạy con cái là điều trọng đại nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời này thì lại phức tạp, không ai giống ai. Mỗi người sinh ra đều có hoàn cảnh riêng, thế nên dù ai cũng yêu con cái mình, nhưng không phải ai cũng lo được cho chúng theo cách tốt nhất. Chính vì thế tôi muốn tiếp tục bàn sâu về câu chuyện này cùng quý vị gần xa, để mong chia sẻ những suy nghĩ của mình, cũng như được nghe những trao đổi, để rồi chúng ta ai cũng có bài học cho riêng mình, nhằm giúp những đứa con rồi sẽ có một cuộc đời thành đạt và hạnh phúc trong tương lai.
Không phải ai thành đạt và hạnh phúc cũng có một tuổi thơ dễ dàng. Nhiều vĩ nhân sinh ra trong cảnh nghèo túng, và có người còn không có cả cha lẫn mẹ. Ngược lại, không phải đứa trẻ nào có một điểm khởi đầu thuận lợi, lại đạt được cuộc sống hạnh phúc sau này. Cuộc đời vốn như vậy và đâu là nguyên nhân của chuyện đó ? Có lần tôi được đọc một cuốn sách tên là "Những kẻ xuất chúng". Đây là một cuốn sách rất hay, trong đó người ta thống kê và phân tích cuộc đời của 500 người thành đạt và nổi tiếng nhất thế giới từ cổ chí kim. 500 người đó là 500 xuất phát điểm khác nhau, nhưng hầu hết họ có một điểm chung là, họ đã có cơ duyên học hành và rèn luyện một kỹ năng nào đó đủ 10 ngàn giờ trước khi bước vào tuổi trưởng thành. Dù là việc chơi đàn, học toán, soạn nhạc, lập trình máy tính, vẽ tranh... bất cứ ai khi bước vào độ tuổi trưởng thành hội đủ 10 ngàn giờ tập luyện sẽ có đủ kỹ năng ở đẳng cấp thế giới, 6 - 8 ngàn giờ là đẳng cấp chuyên gia, 4 ngàn giờ là đủ để sống và làm việc bằng công việc đó. Đây là những con số thống kê nghiêm chỉnh trong một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học chứ không phải là chuyện nói chơi. 10 ngàn giờ điều đó có nghĩa là, một đứa trẻ học piano chẳng hạn, nó sẽ phải chơi đàn hàng ngày từ 1 đến 2 tiếng lúc 6 đến 10 tuổi, từ 3 đến 4 tiếng lúc 11 đến 18 tuổi. Đó là một công việc hết sức nặng nhọc cho đứa trẻ, và hết sức tốn kém công sức hay tiền bạc của cha mẹ. Nhưng học tập và rèn luyện là chìa khoá căn bản để một con người phát triển và thành công, không thể khác được. Bạn có thể để lại cho con cái mình một núi tài sản, nhưng nếu nó không hội đủ các kỹ năng cần thiết để trở thành một người thành công, bao nhiêu tài sản rồi cũng hết. Và chúng ta cũng không thể đi theo nó hết cuộc đời này để giám sát chúng, bao bọc chúng.
Điều khó khăn cho chúng ta là, có nhiều bé không thích đến trường, không chịu làm bài tập, chịu nghe giảng, không chịu làm những việc cần thiết cho mình mà phải do bố mẹ ép buộc. Tôi cho rằng nguyên nhân chính của việc này là do không phải đứa trẻ nào cũng có ước mơ. Có một lần tôi đưa con gái đến lớp học vẽ. Trên đường đi nó bảo rằng, con không thích đi học đâu. Con muốn về nhà xem phim hoạt hình cơ. Tôi hơi bực mình vì việc đưa đón cũng khá vất vả và tiền học cho khoá học này cũng không phải là ít. Nhưng rồi tôi hỏi nó : Con muốn sau này mình sẽ là người như thế nào ? Con có muốn sau này khi lớn lên con có bàn tay khéo léo, có khiếu thẩm mỹ, có khả năng làm được tất cả những gì con muốn bằng bàn tay của mình không... ? Thế rồi từ từ trên đường đi, bằng những trao đổi nhẹ nhàng như vậy, con gái tôi thay đổi thái độ, và rồi nó lại vui vẻ vào lớp học vẽ. Một lần khác, con gái tôi tắm rất ẩu, người chỉ tráng qua nước và đầu thì vẫn còn dính dầu gội trên tóc. Tôi liền bế nó đến trước gương, chỉ cho nó và lại hỏi : con có muốn sau này mình sẽ thành một công chúa xinh đẹp không ? Công chúa xinh đẹp thì phải có làn da sạch sẽ thơm tho này, có mái tóc óng ả này, biết tự chăm sóc mình này... Và thế rồi nó tự giác vào đi tắm lại chứ không hề phản ứng tiêu cực gì nữa.
Bây giờ con gái tôi mới hơn 5 tuổi, nhưng nó đã tự tắm gội, tự dọn dẹp phòng mình, tự xếp quần áo và tự đi ngủ mà không cần phải ép buộc gì nhiều. Không phải lúc nào con tôi cũng hợp tác với bố mẹ, nhưng mỗi khi có chuyện, tôi đều cố gắng hỏi nó những câu kiểu như : con muốn mình sẽ là ai ? Con muốn mình sẽ là người như thế nào ? Khi đứa trẻ đã có mục tiêu, có ước mơ... chúng ta sẽ không còn phải mất quá nhiều công sức ép buộc hay quát mắng con, mà nó sẽ tự giác làm những việc cần thiết của mình, vì đấy là ước mơ của nó.
Thương con nhưng chưa chắc đã phải cho roi cho vọt. Ai đánh con mà chẳng thấy đau ? Thế nên tôi luôn cố sức bình tĩnh nhất với con, và hỏi nó muốn điều gì, ước mơ điều gì. Nếu tầm nhìn của đứa trẻ được hướng ra xa, nó sẽ tự giác bỏ qua những cám dỗ trước mắt, và rồi tự giác làm những điều đúng đắn, bởi vì nó đã có trong mình một ước mơ.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 22/05/2019 (nguyenlanthang's blog)
Nhà tôi vốn ở trong ngõ nhỏ khá sâu. Thế nên khá nhiều lần tôi đi lại trong ngõ gặp chuyện bực mình thế này.
Thường thì mọi người ở trong xóm mỗi khi đi đâu phải dắt xe ra khỏi nhà, khóa cổng lại, rồi mới nổ máy xe đi. Người ý tứ thì ngay khi dắt xe ra, họ luôn dẹp xe vào sát tường rồi mới quay vào khóa cổng. Hành động này tuy nhỏ thôi, nhưng là để nếu có ai qua lại trong ngõ lúc đó thì đỡ bị vướng đường. Nhưng có người thì chẳng bao giờ để ý chuyện ấy, cứ dắt xe ra ngõ là để quay ngang đường choáng hết lối đi, và điều kỳ lạ tôi thấy rằng hầu hết những trường hợp này là trẻ con. Tất nhiên là khi tôi phải phanh xe lại chờ cũng hơi khó chịu, nhưng đều kiên nhẫn đợi mấy cháu khóa cổng cho xong. Thực ra các cháu cũng ngoan thôi, nhưng có lẽ không được chỉ bảo cách ứng xử cẩn thận, và cũng không nhận ra việc đang làm phiền người khác vì chuyện nhỏ đó.
Chuyện vặt vãnh là vậy, nhưng tôi cho rằng thực ra nó là dấu hiệu của một vấn đề rất lớn trong xã hội chúng ta, đó là vấn đề giáo dục con người. Không chỉ là tri thức trong sách vở mà những kỹ năng giao tiếp và ứng xử hàng ngày là những điều quan trọng để mỗi người tạo lập được sự giao tiếp tốt, có mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Khả năng quan hệ, kỹ năng giao tiếp là chìa khóa quan trọng nhất để cho ta có một cuộc đời thành đạt và hạnh phúc. Tôi thách bất cứ vị nào phản bác câu nói này : "Không một ai trên đời này dù rất giỏi giang mà không có mối quan hệ tốt lại có thể thành công trong cuộc sống".
Những năm gần đây, tuy vấn đề giáo dục con người rất được quan tâm, nhưng có lẽ dư luận cũng như báo chí chỉ chú trọng vào những vấn nạn giáo dục xuống cấp trong nhà trường, chứ chưa để ý nhiều đến nhiều việc giáo dục trong gia đình. Tuần nào, tháng nào ở đâu đó cũng xảy ra chuyện bạo lực học đường, nào thì trò đánh nhau, thầy đánh trò, rồi lại cả chuyện trò đánh lại thầy. Hơn bao giờ hết, xã hội đang đòi hỏi phải chấn chỉnh lại những chuyện này trong học đường. Tuy nhiên theo tôi thì những chuyện đó ta không thể xem xét vấn đề trong mối quan hệ khép kín là chuyện thầy với trò, mà còn phải xét đến nhiều khía cạnh khác như vai trò của gia đình, của nhà trường, của lãnh đạo ngành giáo dục và trên hết là vai trò của nhà nước trong chuyện này. Tuy vậy trong các nhân tố tôi vừa nêu ra đây thì có lẽ ai cũng đồng tình rằng, vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục con người chính là gia đình. Không có những biện pháp phối hợp giữa gia đình và thầy cô, chắc chắn sẽ xảy ra những xung đột, và rồi điều đáng tiếc sẽ xảy ra, không ai được lợi gì trong chuyện đó cả.
Mới đây thôi có một vụ việc là một cô giáo đã bắt học trò quỳ trong lớp suốt giờ giảng. Sau khi hình ảnh đó được chụp lại và lan truyền trên mạng xã hội thì một làn sóng phẫn nộ bùng lên. Cô giáo bị đình chỉ. Rất nhiều cha mẹ lên án. Có người còn tuyên bố : con tao mà thế này thì tao giết... rất căng thẳng. Tuy vậy có một ý kiến như thế này : Quỳ không chết, con hư mới chết ! Đó là tiêu đề của một bài báo mà tôi cho là rất hay, do tác giả Nam Nguyễn đăng trên báo Thời Đại số ra gần đây. Người khen cũng nhiều mà người phê phán bài báo này cũng lắm. Thôi thì dạy con là việc mỗi nhà, tôi cũng không dám phán xét gì ai khác với ý mình, nhưng xin được kể câu chuyện của chính tôi ngày xưa, để mong quý vị gần xa qua câu chuyện này có được cho mình một sự lựa chọn đúng đắn trong việc dạy con của mình.
Hồi bé lúc hơn 10 tuổi tôi nghịch lắm. Nghịch kinh thiên động địa. Nghịch nhất cả họ. Nghịch đến độ đến tận bây giờ mỗi dịp giỗ chạp trong nhà, mọi người còn kể lại những truyền thuyết đó. Số là hồi đó nhà nghèo, mẹ tôi phải đi Liên Xô xuất khẩu lao động từ lúc tôi học lớp 1. Ở nhà với bố và ông bà nội, thế nên dù cũng được cả nhà quan tâm chiều chuộng, nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ thiếu vắng mẹ mất mấy năm giai đoạn đầu đời. Đến khi mẹ về hẳn Việt Nam thì lúc này tôi đã học lớp 5. Lúc đó tôi học cũng bình bình trong lớp, nhưng mải chơi và ngỗ ngược vì vốn được chiều. Thế nên dù tư chất chả kém gì ai, nhưng tôi chưa bao giờ học đạt đến mức khá ở trong lớp. Là gia đình có truyền thống học hành, nên mẹ tôi buồn và xấu hổ lắm. Thế rồi không biết sao mẹ bàn với bố và gửi tôi vào một lớp học thêm ở gần nhà. Đó là một ông thầy dạy toán, nhà ở cuối B16 khu tập thể Kim Liên. Ông thầy này thì nổi tiếng vô cùng "hung ác". Lớp học trong căn hộ tập thể rất chật trên tầng 2, khoảng 30 đứa học trò lít nhít ngồi co chân dưới đất, trước mặt là cái ghế đẩu làm bàn học. Vậy mà cả lũ im thin thít nghe giảng và làm bài, vì lơ mơ là chết đòn với ông ấy. Nói chuyện riêng, bị quật. Không làm bài tập về nhà, bị quật. Quật bằng thước gỗ lim đến tím tay chứ không phải vớ vẩn đâu. Bố mẹ nào không chấp nhận cách giáo dục này thì đừng mơ việc mang con đến lớp của ông ý. Lúc ban đầu tôi cũng bị đánh ghê lắm. Bố mẹ im lặng. Ông bà nội cũng im lặng. Tôi chỉ còn một con đường để tránh đòn roi là tập trung vào học cho tốt, và chịu vào khuôn phép của thầy. Một tháng sau điều kỳ diệu đã xảy ra. Tôi liên tục được điểm 10 môn toán và kết quả các môn học khác khá hẳn lên. Cho đến tận bây giờ, tôi không bao giờ nhớ những phần thưởng mà mình đạt được do học tốt, mà chỉ nhớ những đòn roi mà mình phải chịu khi chểnh mảng học hành.
Sau này khi lớn lên, tôi mới nghiệm thấy mình vô cùng may mắn khi được bố mẹ ép vào cái lớp học thêm nhỏ đó. Không có kỷ luật hà khắc đó, tôi đã không thể thành người.
Nói đến đây chắc nhiều bạn có lẽ vẫn chưa đồng tình với ý kiến của tôi. Các bạn có thể viện dẫn những lý lẽ của Kỷ luật không nước mắt, của phương pháp giáo dục Montessori hay của nhiều phương pháp giáo dục hiện đại khác để phản bác quan điểm của tôi. Xin thưa rằng thực ra tôi cũng rất đồng tình với các quan điểm giáo dục đó, nhưng quan trọng là, nó chỉ hiệu quả khi ta áp dụng nó trong một môi trường hoàn hảo, và đứa trẻ còn nhỏ, chưa định hình kịp các tính cách xấu ở trong mình. Nhân cách đứa trẻ hình thành ngay từ khi lọt lòng. Ngay từ khi bé nằm nôi, hễ đứa nào được bế ẵm ngay khi khóc, chắc chắn đứa trẻ đó sẽ hay ăn vạ và lâu dần sẽ hình thành sự ích kỷ, luôn đòi hỏi ở người khác, mà không bao giờ ý thức được trách nhiệm, được thái độ của mình với người xung quanh. Mỗi người chúng ta khi có gia đình ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất. Nhưng luôn có những biến cố trong cuộc đời làm ta không thể toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Thiếu sự quan tâm của người lớn chính là lúc nguy hiểm nhất làm đứa trẻ sinh hư. Tình trạng phó mặc đứa trẻ cho ông bà, cho người giúp việc và cho nhà trường là điều diễn ra rất phổ biến trong xã hội chúng ta.
Khi câu chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp nổ ra, tôi có tâm sự với một cô giáo đang dạy tiểu học và cô ý nói thế này, xin được trích nguyên văn một đoạn :
"...Em làm giáo viên, 9 năm trước nhiệt huyết lắm anh. Nhưng giờ thì em hết rồi. Nếu em như cô giáo kia, em tự xin nghỉ, chứ em không để ai có thể kỉ luật em. Vì quản lí ngành giáo dục chẳng ai đủ tư cách để kỉ luật 1 người giáo viên như thế. Là cấp quản lí, nhưng họ sợ cấp trên, cấp trên nữa. Có 1 việc gì đó thì cứ giáo viên mà đè ra kỉ luật để làm yên lặng dư luận. Em dạy cấp 1 nên em không biết các cấp trên như thế nào. Nhưng giáo dục nó hư ngay từ cấp 1. Giáo viên không có quyền dạy học sinh, không có quyền cho học sinh ở lại lớp, không có quyền nói lên chính kiến dạy như thế nào, học sách ra làm sao, mà chỉ có mấy ông cấp trên, cấp quản lí quyết định hết.
Mới vừa xảy ra 1 chuyện thế này, có 1 giáo viên tát học sinh, nhưng là học sinh đã dàn dựng sẵn, để quay clip up lên mạng chơi. Thế là cô bị nghỉ dạy và hiệu trưởng cũng như các cấp không hề tìm hiểu rõ sự việc. Thực ra là, có 2 em học sinh, 1 em thủ sẵn điện thoại, 1 em hát tục tĩu : "mặt cô như cái mâm, mặt cô như...". Cô yêu cầu học sinh không hát nữa. Nó vẫn tiếp tục hát. Thế là cô nổi nóng tát luôn...
...nhiều phụ huynh con quậy, con hư, con trốn học. Em mời 3 lần không đến. Em tới tận nhà không tiếp. Tiền ăn của con không nộp, em phải nộp, vậy đó. Nhưng đụng tới con họ, hay giáo viên mất bình tĩnh 1 xí thôi, là họ lên thẳng hiệu trưởng, và giáo viên thì coi như phải này kia xin lỗi...
...1 lớp 30 đứa, phải giỏi 29 thì phụ huynh và nhà trường mới chịu. Thi giáo viên giỏi thì như diễn kịch. Những giáo viên dạy lớp cá biệt thì toàn là "giáo viên không giỏi", là không giỏi nói ngọt nên toàn bị đè vào các lớp đó. Ai có đảng thì được ưu tiên. Ai có đảng mới được làm tổ trưởng, quản lí, dù dốt đặc. Em nào bố mẹ quà cáp cô hậu hĩnh thì nghiễm nhiên nhất nhì ba lớp. Giáo viên nào ý kiến muốn 1 - 2 em ở lại lớp là xác định trước đi, năm sau nhai lớp xương xẩu. Xét thi đua thì bè phái... Bởi vậy, ngày còn nhỏ ước mơ, nhiệt huyết học để thành giáo viên. Giờ qua 9 năm, coi như không còn tâm huyết gì nữa. Nếu 1 ngày nào đó mất tình tĩnh, tát 1 em học sinh nào đó, bị phụ huynh thưa kiện, thì em sẵn sàng nghỉ dạy. Còn bây giờ theo nghề giáo phải bình tĩnh để giữ danh dự cho bản thân và gia đình mình, dù rằng nhiều lúc LƯƠNG TÂM cắn rứt vì mình làm chưa hết lương tâm của 1 người thầy...".
Trên đây chỉ là một phần tâm sự của một cô giáo tiểu học với tôi thôi. Còn rất nhiều vấn đề nữa mà cô nói và khuyên tôi nên vào nhóm Facebook "Chúng tôi là giáo viên tiểu học" để tìm hiểu tâm tư. Tôi đã xin phép cô giáo đăng lại nội dung tâm sự này, qua đó để quý vị gần xa hiểu rõ câu chuyện trong ngành giáo dục, bình tĩnh xét đoán vấn đề, và hơn hết là thấy được trách nhiệm của mình trong việc dạy dỗ con cái. Tôi đã từng nói thế này :
"Những đứa phải quỳ ở lớp thì tôi cho rằng lỗi ở bố mẹ trước tiên. Trẻ con được dạy tử tế ở nhà thì chả bao giờ ra trường làm phiền đến ai. Khổ cái là các vị chiều con thì không bao giờ thấy lỗi ở mình, chỉ biết đổ lỗi cho cả thế giới thôi. Ờ thôi tuỳ, cứ để lúc già cả phải chịu cảnh con hư, con phá gia chi tử mới thấy cái cảnh !". Tôi biết có những vấn đề trong ngành giáo dục nước ta, và tôi cũng muốn có sự công bằng. Nhưng khi sự việc xảy ra, xin hãy nhìn nhiều chiều, hãy thấy trách nhiệm của mình với con cái, và thấy trách nhiệm của các vị lãnh đạo chứ đừng đổ hết lên đầu một giáo viên nào đó. Có bạn hỏi tôi rằng : "Nhưng ý anh là sao ? Đồng ý hay k chuyện quỳ một cái ở lớp".. Tôi đã nói thế này : "con anh mà đáng phải quỳ thì anh cũng đến lớp quỳ cùng con luôn".
Chúng ta rồi ai cũng sẽ chết đi. Nhà cao cửa rộng rồi cũng không thể mang theo. Dù bạn là xe ôm hay quét rác ngoài đường, nhưng những đứa con của bạn chính là di sản của bạn để lại trên cuộc đời này. Nếu con bạn là một người thành đạt và hạnh phúc thì xã hội sẽ luôn nhớ đến bạn, tác giả của tuyệt phẩm này. Xin hãy cẩn thận và chăm chú nuôi dạy con cái mình, vì đó chính là công việc trọng đại nhất của cuộc đời bạn.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 16/05/2019 (nguyenlanthang's blog)
Ngày 11/5/2019, tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã diễn ra một màn đàn áp những người phản đối BOT này vô cùng dã man. 11 xe ô tô bị cẩu đi, gần 20 người bị bắt giữ, dù họ đã rất ôn hòa phản đối với các nhân viên BOT về sự vô lý của trạm này.
Ngày 11/5/2019, tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã diễn ra một màn đàn áp những người phản đối BOT này vô cùng dã man.
Tại Hà Nội muốn đi lên sân bay Nội Bài có 2 con đường chính. Một là đi theo cầu Nhật Tân vượt qua sông Hồng là đến sân bay. Hai là con đường truyền thống có từ rất lâu từ hàng chục năm trước là vượt qua cầu Thăng Long đi theo đường Võ Văn Kiệt khoảng hơn 10 km là đến nơi. Tuy nhiên ở trước nút giao cắt với quốc lộ 18 thì ở đây từ lâu đã hình thành một trạm thu phí BOT nhằm mục đích thu hồi vốn đầu tư cho đường tránh tp Vĩnh Yên. Vì vậy tất cả những xe lưu thông theo đường này dù chỉ lên sân bay Nội Bài vẫn bị thu tiền dù không đi một mét đường tránh nào. Do người dân bức xúc việc trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đặt ở Hà Nội mà thu cho đường ở Vĩnh Phúc, UBND Thành phố Hà Nội từng nhiều lần đề nghị Bộ Giao thông và vận tải kiến nghị Chính phủ bỏ trạm thu phí này. Lần kiến nghị gần nhất là vào tháng 7/2018.
Hôm nay không phải là lần đầu tiên người dân kéo ra phản đối BOT này. Trong khoảng nửa cuối năm 2018 đến tết âm lịch đầu năm 2019, người dân đã từng lập hẳn một trạm dã chiến ven đường gần trạm BOT này để túc trực phản đối hàng tháng trời. Tuy nhiên sau do thời gian kéo dài, sức người có hạn, lại bị đàn áp phá dỡ lều trại nên họ buộc phải rút lui tạm thời. Hôm nay khi những đoạn live stream qua Facebook của những người dân đấu tranh ở đây được phát ra, rất nhiều người trên mạng xã hội từ khắp nơi trên thế giới thấy được trong khi có rất nhiều người mặc cảnh phục ở đó thì một lực lượng đông đảo những người mặc thường phục, được tổ chức chặt chẽ, cơ bắp rất vạm vỡ, đã lao ra đàn áp, đánh đập, bắt giữ những người dân hiền lành tay không tấc sắt. Họ là ai ?
Với những ai thường xuyên quan tâm đến tình hình xã hội, đến biểu tình, đến cưỡng chế đất bao lâu nay có lẽ không lạ gì lực lượng thường phục này. Bản thân tôi cũng đã rất nhiều lần, từ Bắc đến Nam, bị lực lượng thường phục này đánh đập, cưỡng chế, bắt giữ về đồn công an trong khi tôi hoàn toàn không có hành động phạm pháp nào. Nghiệp vụ của lực lượng công an theo tôi hiểu thì về luật, họ được phép mặc thường phục, được hoá trang khi theo dõi hay phục kích truy bắt tội phạm hình sự. Trong khi đó hành động của những người phản đối BOT, hay của tôi là đi chụp ảnh biểu tình, là những hoạt động công khai, không phạm pháp, phù hợp với các qui định của hiến pháp, và có thể khẳng định là hoàn toàn không phải là loại tội phạm quả tang, để bất cứ ai có quân phục hay thường phục nào đó có thể bắt giữ chúng tôi một cách hợp pháp.
Tôi tự hỏi, liệu có phải sau khi bài hát "Anh là ai" của nhạc sĩ Việt Khang vang lên khi hình ảnh những người công an Việt Nam mặc quân phục đàn áp bắt bớ những người biểu tình chống Trung Quốc năm nào, ngành công an đã rút kinh nghiệm sâu sắc, và cho một lực lượng của họ hoá trang thành thường dân, để khi cần thì làm những việc xấu xa, vi hiến, nhằm rũ bỏ trách nhiệm của mình trước công luận, trước nhân dân.
Nhìn những hình đó, người cũ sẽ không lạ, người mới thì ngạc nhiên. Nhưng rồi chắc chắn sẽ không thể che mắt nhân dân mãi mãi. Đây là một hành động vi hiến, vô pháp của lực lượng công an Việt Nam và nó đi ngược lại hiến pháp, luật pháp và mọi điều ước quốc tế về Quyền con người mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế.
Tôi là một cá nhân, rất mong manh nhỏ bé. Những bạn phản đối ở BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài hôm nay cũng không có một tấc sắt trong tay. Chúng tôi có thể bị bắt bớ, đánh đập, đàn áp, bỏ tù hay bị giết bất cứ lúc nào. Nhưng chúng tôi tin rằng, hàng chục triệu người dân khác sẽ ghi nhớ những hình ảnh này vào đầu, sẽ nuôi sâu chí căm hờn, và rồi có ngày sẽ bùng lên thành cơn phẫn nộ khủng khiếp không gì dập tắt được. Đảng cộng sản, Chính phủ, Bộ công an... và tất cả những ai đang tiếp tay cho chế độ tàn bạo này... các người hãy nhớ lấy, chúng tôi có thể chết, nhưng nhân dân biết rõ các vị là ai.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 11/05/2019 (nguyenlanthang's blog)
Tôi đang ngồi uống cafe một mình trong một buổi chiều 30/4 se lạnh. Những cơn mưa xối xả từ đêm qua làm Hà Nội những ngày nghỉ lễ vắng người càng buồn hơn.
Khi miền Bắc còn nghèo nàn lạc hậu, tôi mới 2 tuổi đã được bước lên chiếc máy bay C130 sơn cờ đỏ sao vàng để bay vào Sài Gòn.
Nhắc đến ngày này không ai là người Việt Nam lại không nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt : "...một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm, sẽ "có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn...". Chính vì lẽ đó, hôm nay trong bài viết này tôi muốn trải lòng với các bạn về những suy nghĩ của mình trong ngày cuối cùng của tháng tư buồn đau.
Là thế hệ sinh năm 1975 ở miền Bắc, khi tôi lớn lên thì cuộc chiến giữa 2 miền Nam Bắc đã hoàn toàn chấm dứt. Tôi còn nhớ như in ký ức đầu tiên về miền Nam của mình là hình ảnh chiếc máy bay C130 to lớn. Ngày đó bố tôi là lính mặt đất trong các sân bay quân sự miền Bắc. Sau năm 1975, hàng loạt các khí tài quân sự của miền Nam chưa hỏng hóc vì chiến tranh được miền Bắc đem về sử dụng. Và như để là sự tưởng thưởng công lao, hồi đó lính không quân miền Bắc được đem cha mẹ, vợ con đi chơi bằng máy bay quân sự vào miền Nam, mỗi năm một lần. Chính vì thế năm 1977, khi miền Bắc còn nghèo nàn lạc hậu, tôi mới 2 tuổi đã được bước lên chiếc máy bay C130 sơn cờ đỏ sao vàng để bay vào Sài Gòn.
Đó là một trải nghiệm cực kỳ mạnh mẽ, nên dù chỉ mới 2 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in màu thép đen và hình dáng khổng lồ của chiếc máy bay đó. Rồi suốt trong khoảng 10 năm sau đó, hè năm nào tôi, trong niềm tự hào với bạn bè cùng trang lứa, cũng được đi máy bay vào Nam chơi ở nhiều nơi, từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt. Thế nên dù chưa hiểu gì về chính trị hay lịch sử, nhưng những hình ảnh trong tôi về miền Nam là những hình ảnh chân thực nhất của một miền đất mới được "giải phóng", chưa hề thay đổi gì nhiều so với ngày nay. Những chiếc xe xích lô cao vút, những góc phố chợ trời bày biện đủ thứ linh tinh, những ngôi biệt thự nguy nga cắm cờ đỏ, mùi khói của những chiếc xe lam hối hả trên đường... tất cả những điều ấy ghi sâu trong ký ức non nớt của tôi, và mãi sau này chính nó là chất xúc tác làm tôi tỉnh ra và hiểu được câu chuyện thực về Sài Gòn nhanh hơn so với rất nhiều bạn bè khác.
Khoảng những năm 1982 - 1983, gia đình tôi sống cùng ông bà nội ở khu tập thể Kim Liên.
Không chỉ hình ảnh miền Nam ở miền Nam, trong ký ức của tôi còn có cả hình ảnh của miền Nam ở Hà Nội. Khoảng những năm 1982 - 1983, gia đình tôi sống cùng ông bà nội ở khu tập thể Kim Liên. Hồi đó đây là một trong những khu chung cư đầu tiên của miền Bắc dành cho gia đình cán bộ cấp cao trong các ban ngành đoàn thể. Hàng xóm nhà tôi toàn kỹ sư, bác sỹ, giáo viên... thậm chí còn có nhiều vị bộ trưởng, thứ trưởng oai phong lắm. Trong bối cảnh đó, có một điều rất kỳ lạ là gia đình tôi lại đón tiếp những người họ hàng rất lạ lẫm từ miền Nam ra, và ở lại rất lâu. Họ có trang phục khác hẳn người miền Bắc, rất chỉn chu, kiểu cách. Nhưng thái độ của họ là sự dè chừng, thu mình, nhẫn nhịn hết sức để tránh làm phiền đến xung quanh. Mãi sau này, tôi mới biết một điều rất đau lòng là họ ra Hà Nội tá túc ở gia đình nhà tôi để làm thủ tục đi thăm chồng, thăm cha là lính Việt Nam Cộng Hòa đang đi cải tạo trong các trại tù miền Bắc. Chính vì thế, tôi đã có những trải nghiệm tiền đề rất căn bản, để thay đổi hẳn những suy nghĩ của mình so với những điều được giáo dục, được nhồi sọ về miền Nam từ rất sớm.
Thế rồi theo thời gian, khi sự thật lịch sử được phơi bày, khi những tiếng nói của "bên thua cuộc" được cất lên, rất nhiều người miền Bắc đã thay đổi. Trong bao nhiêu năm qua, cho đến tận bây giờ những ngày tháng tư đau buồn dù được hệ thống tuyên truyền nhà nước cố sức quảng bá cho cái gọi là : "giải phóng miền Nam", "Thống nhất tổ quốc", "đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Nguỵ quyền Sài Gòn"... có ngày càng nhiều người được giải ảo, được mở mắt thông não về thực chất của sự kiện 30/4... Và người ta sụp đổ niềm tin không phải chỉ do những tài liệu, bài viết hay những lời nói của "bên thua cuộc" được cất lên. Thực trạng yếu kém, sự tụt hậu của đất nước, sự lăm le thôn tính của Trung Quốc, sự ngu dốt và ươn hèn của lãnh đạo trong các vấn đề tầm vóc quốc gia... chính là những tác động lớn nhất để người dân mất hết niềm tin, quay ra đi hỏi tại sao, và đồng thời có suy nghĩ rất khác về ngày 30/4 so với trước kia.
Tuy nhiên ý kiến bảo vệ những lập luận về ngày này của chế độ vẫn còn không phải là ít. Sự hung hăng và hiếu chiến đó bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên Facebook trong những ngày cuối tháng tư. Và những lời nói đó không phải chỉ có ở dân miền Bắc mà còn từ các bạn trẻ miền Nam nói ra rất nhiều. Tôi vốn rất khó chịu với những lập luận đầy thù hận và ngu ngốc này nhưng không muốn tranh cãi nhiều, vì tôi biết những bạn trẻ đó vẫn đang bị nhồi sọ giống như tôi ngày xưa thôi.
Tôi vẫn tin là thời gian và những trải nghiệm cuộc sống sẽ cho các bạn trẻ cơ hội để tỉnh ngộ. Và điều cuối cùng tôi muốn nói là : chỉ có kẻ nào sống bằng xương máu người khác mới vui được thôi, nói triệu người vui bây giờ không còn đúng nữa rồi, ông Kiệt ạ !".
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 30/04/2019n (nguyenlanthang's blog)
Trong bài viết trước, "Con phải tự đứng lên" tôi đã trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình về việc nuôi dạy trẻ trước các vấn đề của xã hội. Tôi rất xúc động và xin được cảm ơn mọi người, vì đã nhận được sự chia sẻ và đồng cảm rất lớn từ những bậc cha mẹ rất bình thường, vốn không phải là người hoạt động xã hội, hay cũng không phải là người thường hay lên tiếng trước các bất công.
Blogger Nguyễn Lân Thắng trao tuyên bố 258 cho văn phòng Cao ủy Liên Hợp ngà 30/03/2013 - Ảnh minh họa
Trước đây, tôi cũng là người rất bình thường như quý vị, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, an phận học hành rồi đi làm. Nhưng rồi đột nhiên năm 2011, tôi tham gia vào các đợt biểu tình chống Trung Quốc, và sau đó tôi dấn sâu vào các hoạt động bảo vệ quyền con người, như quyền tư hữu ruộng đất, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng và bất công xã hội... Cả hệ thống an ninh và truyền thông nhà nước từng rất nhiều lần khủng bố và tuyên truyền rằng tôi là phản động, là chống phá chính quyền nhân dân, là bôi nhọ nhà nước, là xuyên tạc lịch sử, là thằng con bất hiếu... Có quá nhiều cái nhãn được gắn lên tên tuổi của tôi, nên tôi hiểu mỗi khi tôi nói hay viết đâu đó trên facebook, nhiều người thường theo dõi một cách đầy cảnh giác và thận trọng. Nhiều người vào đọc và dù có thể đồng ý nhưng không dám bấm vào nút like. Có người đồng cảm, nhưng lại nhắn nhủ riêng : không làm được gì đâu bạn ơi, làm gì phải cẩn thận nhé, bạn làm đúng đấy nhưng chúng tôi nhỏ bé quá, chúng tôi luôn ở sau lưng bạn... Rất nhiều năm tôi đã được nghe những điệp khúc như vậy. Tại sao những lời tôi nói thì khá nhiều người đồng tình, nhưng không mấy ai dám hưởng ứng ? Đó là một điều mà tôi vẫn đang trăn trở trong nhiều năm qua.
Chính vì vậy trong bài viết này, tôi sẽ bàn về các vấn đề xã hội của Việt Nam và thái độ của công dân cần phải có trước những chuyện xã hội. Bạn cho rằng đâu là vấn đề chính của chúng ta hiện nay ? Ô nhiễm môi trường, cướp đất của dân, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, mất tự do ngôn luận, mất tự do hội họp, mất quyền biểu tình và phản kháng bất công, mất chủ quyền biển đảo, nợ công tăng cao... có quá nhiều vấn đề bủa vây chúng ta bao lâu nay, nhưng tôi cho rằng : KHÔNG, đó là những chuyện nghiêm trọng, nhưng chưa phải là vấn đề chính của Việt Nam hiện nay.
Vấn đề chính của Việt Nam theo tôi đó là, chúng ta quen hành xử như là nạn nhân. Việt Nam là đất nước của các nạn nhân. Không phải chỉ mới đây thôi, từ xa xưa trong lịch sử chúng ta đã coi mình là nạn nhân của giặc phương Bắc, là nạn nhân của thực dân Pháp, là nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu. Ai cũng tự coi mình như là nạn nhân, và hành xử với tư cách là nạn nhân. Nạn nhân thì phải chạy trốn. Đó là vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta hiện nay. Nếu chúng ta, mỗi người thôi phản ứng với các vấn đề xã hội trong tư cách nạn nhân, đất nước sẽ thay đổi. Xã hội sẽ trở thành một môi trường tích cực, với các công dân có trách nhiệm, và rồi nhất định Việt Nam sẽ phải khác đi.
Hãy kiên nhẫn để tôi tiếp tục phân tích nhé. Có 4 cấp độ phản ứng của con người trước các bất công, từ mức yếu nhất đến mạnh nhất.
Ở mức đầu tiên, phản ứng nhẹ nhất, là phủ nhận và lãnh cảm. Việt Nam hiện nay có rất nhiều người chọn cách phủ nhận tình cảnh mà chúng ta đang trải qua. Họ muốn được tiếp tục sống một cách bình yên, quên mọi thứ đi mà sống, cho dù điều kiện sống đó thật ra rất lạ lùng, không bình thường chút nào. Giống như một người đang bị cảm cúm. Nhiều người muốn giả vờ như Việt Nam đang bị cảm cúm, rồi bệnh sẽ qua thôi. Nhưng thực ra không phải vậy. Với các vấn nạn xã hội ngày càng trầm trọng, tôi có thể nói rằng Việt Nam đang bị ung thư. Và nếu không chữa trị thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ chết.
Chúng ta đang cần xã hội Việt Nam thay đổi. Từ những người thờ ơ và phủ nhận bệnh tật, chúng ta cần cả một xã hội thừa nhận vấn đề, và chuyển đến một cấp độ phản ứng thứ hai, đó là sự sợ hãi. Sự sợ hãi không phải là điều tích cực lắm, nhưng còn tốt hơn là phủ nhận hay thờ ơ, vì sợ hãi sẽ thôi thúc chúng ta hành động. Tại sao sợ hãi khiến chúng ta hành động, nếu muốn bàn sâu về vấn đề này, tôi đã từng có bài viết "Khi nỗi đau đủ lớn", các bạn có thể tìm đọc lại.
Rất nhiều người Việt Nam đang sợ hãi, và thể hiện nỗi sợ đó ra ngoài. Ra đường, chúng ta phải bịt khẩu trang. Đi chợ, chúng ta phải cố sức tìm mua thực phẩm sạch. Con cái học hành, chúng ta tìm mọi cách để chúng đi du học. Bệnh viện, chúng ta tìm mọi cách lo lót và nhờ vả. Công quyền, chúng ta tìm cách đút lót để cho xong chuyện còn làm ăn. Đây là phản ứng rất bình thường của con người trước các vấn đề, để mong đổi lấy bình an. Nhưng có một điều là, khi mọi người càng co lại, phản ứng chống đỡ thụ động và thể hiện sự sợ hãi như một nạn nhân, thì cái ác càng lộng hành và ngang nhiên tồn tại như là một kẻ làm chủ xã hội. Đó là một cái vòng luẩn quẩn diễn ra nhiều năm nay ở Việt Nam.
Chúng ta sợ. Ai cũng sợ. Và rồi tất cả cứ thế co lại trong đời sống cá nhân, âm thầm nhịn nhục tự giải quyết vấn đề của mình và ôm nỗi sợ đến chết.
Không được. Chúng ta cần thay đổi. Chúng ta cần những con người chuyển từ sợ hãi sang hành động, dám lên tiếng và đối mặt với các vấn đề chung. Chỉ khi những con người nhỏ bé đang co mình trong nhà quay trở lại xã hội, chiếm lĩnh các mặt trận và đấu tranh ở những nơi mà bất công xã hội đang hoành hành, lúc đó cái ác cái xấu mới bị đẩy lùi.
Đã có một số người hành động như vậy, tôi là một trong số họ. Nhưng nhiều người hành động với sự giận dữ. Chúng ta đi từ sợ hãi đến giận dữ. Chúng ta nói : "Tôi không thể chịu đựng được nữa. Hãy làm gì đó đi". Và rồi đã có nhiều người hành động. Nhưng rồi có nhiều người đi tù, bất kể họ có hành vi ôn hòa hay bạo lực hay không. Phản ứng bạo lực chính là cấp độ phản ứng thứ 3 mà tôi đang muốn đề cập ở đây. Theo thông tin báo chí đưa thì năm 2018 Việt Nam đang giam cầm 246 người chỉ vì tham gia các hoạt động xã hội, trong đó riêng năm 2018 bắt giữ 27 người, nhiều người phải bỏ chạy khỏi đất nước. Năm 2019 trôi qua gần nửa năm và tình hình bắt giữ những người hoạt động không hề giảm đi. Chính bản thân tôi cũng đang ở trong diện có nguy cơ cao, có thể bị bỏ tù bất cứ lúc nào. Điều đó có đáng sợ không ? Bắt những người lên tiếng ôn hòa ngày càng nhiều, thực ra chính nhà nước đang chứng tỏ mình ngày càng tuyệt vọng chống đỡ, và nó sẵn sàng bất chấp công lý, vơ lấy luật pháp về mình, để lấy đó làm công cụ chống lại xã hội, chống lại nhân dân. Đáng tiếc là trong những người hoạt động xã hội, có những người lựa chọn cách hành động bạo lực. Phản kháng bằng bạo lực của cá nhân thực ra đang là tấm bình phong, giúp nguỵ trang và che mờ đi bạo lực của nhà nước, mà sức mạnh của nhà nước thì luôn tuyệt đối thắng thế trước sức mạnh của mỗi nhóm đơn lẻ nào trong xã hội.
Nếu bây giờ tôi đấm vào mặt bạn, bạn đấm lại tôi. Đó là bạn đang nguỵ trang cho cho hành động bạo lực của tôi. Bạn đấm vào mặt công quyền thì hậu quả sẽ càng tai hại hơn, vì họ sẽ càng có cớ để sử dụng bạo lực với danh nghĩa vì trật tự xã hội, vì bình yên cuộc sống. Vì thế cách thức phản ứng của công dân với những vấn đề xã hội rất quan trọng, và chúng ta cần hướng những người đang phản ứng theo cách thứ 3 này chuyển lên cách thứ 4, đó là phản ứng phi bạo lực. Hành động phi bạo lực là những hành động mang tính hòa bình, được cân nhắc thận trọng mà không hề bị động. Nó rất dũng cảm, không khoan nhượng, rất hiệu quả mà không hề bạo lực. Thực tế ở Việt Nam trong giới đấu tranh có những ví dụ rất rõ nét về chuyện này. Trong các cuộc biểu tình từ những năm 2011, rồi 2012, 2013, 2014... 2018, nhiều người bị bắt giữ trái phép về đồn công an, uỷ ban nhân dân phường, thậm chí cả trại phục hồi nhân phẩm để khủng bố. Đám đông người biểu tình đã tìm cách tập hợp, gọi cả người nhà người bị bắt và đến trước các nơi giữ người để hỏi người, đòi thăm gặp, đòi mang nước uống đồ ăn, đòi đảm bảo quyền có luật sư khi làm việc với cơ quan công quyền. Tất cả diễn ra trong ôn hoà, nhưng rất cương quyết. Họ nhanh chóng tạo ra một thông điệp ngầm với cơ quan nơi bắt giữ rằng : "Hãy bắt cả chúng tôi nếu người bên trong có làm gì sai, bởi chúng tôi cũng hành động như vậy. Chúng tôi sẵn sàng đợi ở đây cho các người bắt. Còn không thì hãy thả người ra ngay". Có những trận họ đã phải ngồi đó rất lâu đến tận nửa đêm, và với số lượng ngày càng đông. Những trường hợp này rất nhanh sau đó, người bị tạm giữ được thả ra trong ngày, và không chịu thêm nhiều sự khủng bố so với khi nếu không có ai hành động. Đó là một ví dụ đắt giá về tính hiệu quả của cách thức phản ứng phi bạo lực.
Dĩ nhiên là cơ quan công quyền có thể trả thù. Nhiều người sau đó bị khủng bố tại gia, bị đổ sơn, bị ném mắm tôm, bị an ninh điều tra và ngăn chặn tại cổng mỗi khi có chuyện gì lớn. Nhiều người còn bị cài bẫy trong các sự việc khác không liên quan, với mục đích để tống họ vào tù. Có người dừng lại. Có người chạy đi tị nạn. Nhưng vẫn có rất nhiều người dũng cảm. Họ tan vào đám đông, lách ra chỗ khác, tạo dựng một cuộc chơi mới, với những con người mới. Hàng ngàn người hành động như vậy thì Việt Nam sẽ trở thành một đất nước khác hẳn. Và thực tế thì bây giờ xin nói với các bạn rằng : họ vẫn đang ở ngoài kia, đang giơ tay lên, đang đòi hỏi sự phản ứng của cộng đồng, từ những việc nhỏ nhất như đi nhặt rác, lên tiếng chống nạn ấu dâm và bạo hành phụ nữ... cho đến những việc như chống BOT bẩn, chống cướp đất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chống nước mắm hoá chất, chống gian lận tuyển sinh, chống lạm thu trong trường học...
Tôi có một thời gian sống đủ lâu, đi đủ nhiều để rất yêu đất nước này, tổ quốc này, dù nó đang bị tàn phá từng ngày. Và tôi thấy rằng kể cả những bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam cũng không khó để yêu mảnh đất này. Nào những tà áo dài thướt tha, những cánh đồng quê hiền hoà, những cành hoa nở trắng núi rừng... không ở đâu sánh được với Việt Nam về lòng hiếu khách, về vẻ đẹp của sông núi, về những bí mật còn tiềm ẩn chưa được khám phá ra. Và tôi biết đó không phải chỉ là cảm giác của riêng mình. Hãy nhìn lại cảm giác vỡ òa của cả nước trước chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Sự tận tuỵ hết lòng và sự nhường cơm sẻ áo của mọi người mỗi khi có lũ lụt thiên tai. Tình cảm nồng nàn khi chúng ta cất lên tiếng hát, những lời về quê hương, về bạn bè, và về mẹ. Tất cả điều đó nói lên rằng vẫn còn nhiều người yêu tổ quốc, yêu đất nước này và sẵn sàng hi sinh vì lẽ đó.
Với người Việt Nam chúng ta có lẽ sự xúc phạm lớn nhất là động đến mẹ của mình. Việt Nam là đất mẹ của tất cả chúng ta. Chúng ta đang đi qua giai đoạn tối tăm nhất của lịch sử, khi mà mẹ của chúng ta bị bạo hành ngay trước mắt những đứa con. Mẹ Việt Nam đang đau. Mẹ Việt Nam của chúng ta đang chờ đợi. Mẹ đợi những đứa con được sinh ra trên mảnh đất này hành động. Những đứa con của bà đâu ?
Chúng ta sẽ làm gì ? Kẻ thù của đất nước này đang hoành hành, đang đầu độc, đang tàn phá hết thảy những gì được coi là quý giá, là thiêng liêng của quốc gia. Nhân danh tự do, nhân danh độc lập, chúng bóc lột nhân dân và tàn phá đất nước mà không mang lại hạnh phúc cho ai.
Một trăm năm trước, cụ Phan Chu Trinh đã nhìn thấy được cảnh "dịch chủ tái nô" (đổi chủ nhưng dân vẫn làm nô lệ) mà đáng tiếc rằng bây giờ thực tế vẫn chưa thay đổi được. Vì vậy chúng ta cần những con người Việt Nam, đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ em... những người yêu tổ quốc, hãy nắm tay nhau để sẵn sàng hành động một cách khôn ngoan, nhằm thay đổi đất nước này. Có thể ai đó còn hành động nóng nảy, vội vàng hoặc bỏ cuộc. Nhưng xin đừng trách họ. Hãy yêu thương và thông cảm với họ và động viên nhau thật nhiều. Vì nếu không hành động thì chắc chắn những gì tốt đẹp nhất, trân quý nhất của đất nước sẽ vĩnh viễn mất đi trên thế giới này.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 10/04/2019 (nguyenlanthang's blog)
Các bạn, những ai từng biết chút ít về đạo Công giáo thì chắc đều đã nghe qua câu chuyện này. Một lần Chúa đến một đám đông vây quanh một người phụ nữ. Đám đông hỏi Chúa : "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?". Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi"… Kết cục là đám đông về hết và chỉ còn đống đá nguyên vẹn ở đó.
Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : "Ai trong các ngươi trong sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi"…
Chuyện từ xa xưa là vậy, nhưng nếu bây giờ tôi được đứng trước mặt Chúa, tôi sẽ hỏi Người rằng : "Nếu người kia lại là người đàn ông có tên Nguyễn Hữu Linh ấu dâm trẻ con thì Ngài nghĩ sao?". Xin nói ngay rằng tôi không hề có ý muốn mạo phạm các bậc thánh thần, nhưng tôi sẽ phải hỏi câu nói vừa rồi nếu có cơ hội, bởi tôi chỉ là một người phàm.
Là một con người, tôi có tai, tôi có mắt, tôi có trí não. Trước khi biết Nguyễn Hữu Linh thì tôi đã được biết rất nhiều cái tên khác như Nguyễn Trường Tô, Sầm Đức Xương, Nguyễn Khắc Thủy, Đinh Bằng My... và nhiều nữa tôi không thể kể hết. Nhưng điểm chung của những cái tên này thì một : họ đều là (hoặc từng là) công chức, hai là : vụ án của họ vô cùng trầy trật bởi một lực cản vô hình nào đó đã làm khó khăn cho công tác điều tra, xử án.
Ấu dâm trẻ em không phải là điều mới mẻ, nhưng cường độ và tốc độ ngày càng lớn. Ngay khi tôi đang gõ những dòng chữ này thì lại biết thêm một vụ xâm hại tình dục khác diễn ra ở Thanh Xuân - Hà Nội. Theo thống kê thì bây giờ người ta tính ra cứ 8 giờ đồng hồ lại có một trẻ em bị xâm hại. Điều này trầm trọng đến mức độ nhiều người trong đó có tôi đã mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo bà Lê Thị Hoàng Yến đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em, tại Việt Nam có hơn 15 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em. Điều này làm cho bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) từng phải thốt lên :
"Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, vậy mà tại sao khi con chúng ta bị xâm hại thì chúng ta không biết gọi đến đâu ? Cá nhân tôi thấy điều này thật mỉa mai, chúng ta có lẽ không cần quá nhiều cơ quan như vậy. Chúng ta chỉ cần đến 1, 2 cơ quan nhưng thực sự làm".
"Tôi cảm thấy là không chỉ riêng ấu dâm, mà trong tất cả vấn đề liên quan đến phụ nữ hay trẻ nhỏ thì những hội đoàn đó vô tác dụng. Họ không làm việc, không có một tiếng nói nào cho người dân, không thăm hỏi, không động viên, không bảo vệ. Nói chung họ không có vai trò gì hết, họ chỉ có cái tên và nhận lương. Vậy thôi !".
Ông Nguyễn Hữu Linh không xâm hại chúng ta. Ông ấy xâm hại một đứa bé. Nhưng tôi biết có người đã hỏi tại sao chúng ta cậy đông ném đá ông ấy ? Xin thưa rằng, không phải chúng ta đang ném đá ông ấy. Chúng ta đang ném đá và phỉ nhổ vào cả một cái thể chế mà đáng lý ra nó được chúng ta trao quyền lực để bảo vệ cho từng đứa trẻ, từng người phụ nữ, thay vì chỉ phạt 200 ngàn đồng.
Tôi không bao giờ e ngại khi bị chỉ trích bởi những phát ngôn của mình xung quanh chuyện này, và tôi luôn ủng hộ các bạn khác cũng lên tiếng, bởi chính hành động đó của chúng ta góp phần làm chúng ta trở nên những công dân có trách nhiệm cho đời.
Xin Chúa ở cùng anh chị em.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 06/04/2019 (nguyenlanthang's blog)
Hồi mới sinh bé Đậu, gia đình chúng tôi có may mắn khi quyết định sinh cháu ở bệnh viện Việt Pháp. Không phải chỉ có chuyện lúc sinh, vợ chồng tôi phải đi học một lớp tiền sản. Đây là một khóa học gồm 5 buổi, ở đó bố mẹ được dạy từ đầu đủ thứ liên quan đến đứa trẻ đang hình thành. Họ dạy từ dinh dưỡng và chăm sóc cho bà bầu ra sao, tạo môi trường chăm sóc bé sau khi sinh thế nào, và nhất là cách giao tiếp đối thoại với trẻ từ khi còn nhỏ.
Khóa học tiền sản dạy từ dinh dưỡng và chăm sóc cho bà bầu ra sao, tạo môi trường chăm sóc bé sau khi sinh thế nào, và nhất là cách giao tiếp đối thoại với trẻ từ khi còn nhỏ.
Tôi nhớ mãi chuyện cô hộ lý ở đó dạy rằng, trẻ em ngay từ lúc đẻ ra, thậm chí chưa mở mắt đã biết vòi vĩnh. Một đứa trẻ đang khóc, tất nhiên là sẽ phải chú ý đến nó, nhưng đừng lao vào dỗ hay bế ngay mà phải quan sát xem nó có bị khó chịu ở đâu. Đừng đáp ứng trẻ nhỏ ngay lập tức mọi yêu cầu của nó mà phải nhớ nguyên tắc 60/40. Chỉ đáp ứng 60% các đòi hỏi của trẻ. Đứa trẻ ngay từ một hai ngày tuổi không được chiều nó. Ngay từ lúc đó mà cứ ôm ấp ru bế suốt ngày thì nó sẽ không bao giờ rời bố mẹ để ăn ngủ sinh hoạt một mình và tự lớn lên được. Ơn trời, đó là những điều vô cùng đúng đắn mà chúng tôi được chỉ bảo. Bé Đậu lớn lên một cách mạnh mẽ và có tính cách rất độc lập, tự chủ. Chúng tôi đã từng phải nhiều lần nghiêm mặt để ngăn ông bà đỡ nó dậy mỗi khi ngã. Chơi bị ngã là phải tự đứng dậy, đấy là một trong những điều nhỏ nhặt trong muôn vàn điều khác mà chúng tôi áp dụng từ khi Đậu mới lọt lòng.
Tôi phải bộc bạch chuyện bé Đậu ngày hôm nay bởi như các bạn đã biết, là vừa rồi nhân chuyện Nguyễn Hữu Linh ấu dâm đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt liên quan đến cô Đỗ Anh Thư. Cô Thư là một người mẹ có con nhỏ, và hình như đang sắp sinh thêm đứa nữa. Khi vụ ấu dâm nổ ra và có thông tin gia đình nạn nhân đã hòa giải với thủ phạm, cô Thư đã lên Facebook bầy tỏ quan điểm rằng : "Nếu con mình bị dâm ô, đặc biệt khi thủ phạm là một quan chức cao cấp, mình cũng không kiện".
Lý giải cho quan điểm này, cô Thư cho rằng đừng tin vào luật pháp Việt Nam, đừng đừng tin vào trình độ cán bộ điều tra vì họ có thể gây thương tổn cho trẻ nhỏ, hãy xem trường hợp Nguyễn Khắc Thủy - Vũng Tàu đó, mẹ cháu bé đã phải cách ly con bằng cách ra nước ngoài sống... Chốt lại status này cô Thư nói rằng :
"Nếu các vị muốn thay đổi luật pháp, các vị hãy tự làm, và hãy hiểu rằng đó là một chặng đường đằng đẵng gian truân. Cho nên đừng lôi một đứa trẻ còn chưa hết kinh hãi để làm công cụ cho các vị, mà hỏng cả cuộc đời con bé".
Status này được khoảng 5 ngàn người vào like và chia sẻ, nhưng chưa phải xong chuyện. Một luồng dư luận khác còn kinh khủng hơn bùng lên phản đối ý kiến này của cô Đỗ Anh Thư, nhất là sau khi cô Thư khóa status đầu tiên và đăng status thứ hai bảo rằng :
"Tôi vừa chuyển chế độ cho bài viết của tôi, do có nhiều kẻ sử dụng bài viết đấy vì mục đích chính trị. Những kẻ chống phá nhà nước : không phải là đối tượng tôi muốn đối thoại".
Không chỉ có chuyện người ta moi móc ra đời tư của cô Thư thế nào, bố làm tướng công an ra sao, mà chính bà mẹ cô bé trong vụ ấu dâm ở Vũng Tàu cũng lên sóng phản bác quan điểm của cô Đỗ Anh Thư.
Gạt bỏ qua chuyện quan niệm thế nào là phản động, là chống phá nhà nước... của cô Đỗ Anh Thư, chuyện đấy sẽ còn tranh cãi nhiều, tôi muốn nói về chuyện nuôi dạy và bảo vệ con. Tất nhiên cô Thư và gia đình có thể có quan điểm riêng của mình trong việc bao bọc và bảo vệ đứa trẻ, nhưng tôi thì không nghĩ như cô. Tôi không chỉ nghĩ mà đã làm như vậy với bé Đậu từ lúc lọt lòng. Không chỉ chuyện ăn uống sinh hoạt của Đậu, chúng tôi đã cho nó đi biểu tình cây xanh từ năm 2015, lúc mới hơn 1 tuổi khi còn đi chưa vững. Một đứa trẻ non tơ mà bế nó đi 2 vòng Bờ Hồ giữa trời nắng nóng tháng 5, trong tiếng hô hào của một đám đông khổng lồ, có lẽ không phải là điều bố mẹ nào dám làm. Nhưng chúng tôi đã làm như vậy. Và không chỉ có vậy, Đậu còn tham gia nhiều trận biểu tình Formosa khốc liệt, còn chứng kiến màn khủng bố liên miên của đám côn đồ, bò đỏ với bố mẹ nó, từ trường học của nó đến nhà riêng.
Chúng tôi có yêu con không ? Có chứ ! Nhưng tại sao chúng tôi lại làm và để Đậu đối mặt với những chuyện kinh khủng như vậy ? Đó là vì chúng tôi quan niệm rằng, dậy dỗ và bao bọc đứa trẻ trước hiểm nguy là điều ngu ngốc. Trẻ con sinh ra trên đời ai mà chẳng yêu thương. Nhưng rồi bố mẹ sẽ chết đi và đứa trẻ trước sau gì rồi cũng phải tự sống nốt phần đời của nó. Cuộc đời này rất tiếc lại không bằng phẳng và không hề bình yên. Vậy thì, thay vì nuôi nhốt đứa trẻ trong lồng kính, cách ly nhận thức của nó với các vấn đề của xã hội, chúng tôi cho Đậu tham gia mọi chuyện mà chúng tôi đang làm, tất nhiên là với tinh thần cảnh giác và sự trợ giúp để nó không gặp chuyện quá nguy hiểm.
Chúng tôi cho Đậu tham gia mọi chuyện mà chúng tôi đang làm, tất nhiên là với tinh thần cảnh giác và sự trợ giúp để nó không gặp chuyện quá nguy hiểm.
ãy thử tưởng tượng một chuyện như thế này. Bạn đang đi cùng gia đình trên một con tàu. Nó bị thủng đáy. Bạn đã cố hết sức để tát nước ra mà chưa có gì khả quan lắm. Bạn sắp kiệt sức và có thể chết bất cứ lúc nào. Những chiếc tàu cứu hộ thì chưa thấy tăm hơi đâu. Vậy thì trong lúc hiểm nguy đó, bạn sẽ vẫn giấu đứa trẻ mọi chuyện chứ ? Hay là bạn sẽ cần phải cho nó đối mặt với thực tế, cho nó chuẩn bị tinh thần để đối mặt, để vượt thoát, và để sống đến ngày mai ? Đây chỉ là một giả thiết tôi đặt ra để các bạn dễ hình dung câu chuyện. Nhưng thực tế thì, hãy nhìn vào lịch sử. Có rất nhiều gia đình đã phải vào trại tập trung của Đức quốc xã, hay của Polpot. Lúc đó nếu là bạn, bạn sẽ nói với con mình như thế nào ? Nhắn nhủ với nó những điều cần thiết để tồn tại, hay tiếp tục che chở và làm mù các giác quan của nó bằng những lời giả dối màu hồng ?
Xã hội chúng ta đang ở một khúc quanh đầy rối ren. Một đứa trẻ không chỉ có nguy cơ bị xâm hại tình dục mà còn phải đối mặt với nhiều chuyện khác như thực phẩm bẩn, vacxin kém chất lượng, bạo lực học đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Chính vì lẽ đó chúng tôi quan niệm là phải dạy cho Đậu biết sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy chứ không phải là bỏ chạy. Ai cũng chạy hết thì đất nước này sẽ đi về đâu ?
Và cuối cùng, tôi muốn nói thế này. Chuyện nuôi dạy và bảo vệ trẻ con thế nào là quan điểm của mỗi gia đình. Nhưng tội lên mạng dám chửi người khác phản động là cái tội nặng nhất, thiên hạ sẽ không dễ bỏ qua cô Đỗ Anh Thư ạ./.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 07/04/2019 (nguyenlanthang's blog)
Con gái Mác đã có lần viết thư hỏi cha : "Cha hiểu hạnh phúc là gì ?". Ông đã trả lời : "Hạnh phúc là đấu tranh".
Năm 2011, người thanh niên trẻ Nguyễn Văn Phương, đã thay mặt cả ngàn người biểu tình yêu nước, đứng trên thềm Nhà hát lớn Hà Nội đọc bản tuyên cáo lên án những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đối với nhiều người ngoài đời sống riêng, chưa từng trải qua một lần bước xuống đường để làm một việc có ý nghĩa cho cộng đồng, cho dân tộc thì khó mà hiểu được câu nói này của Mác. Dù không đồng tình nhiều điểm trong học thuyết của Mác, nhưng tôi phải thừa nhận là điều này ông ấy nói đúng.
Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này và bạn có thể hình dung ra tại sao Mác đã đúng. Ngày hôm qua là một ngày rất vui của dân đấu tranh Hà Nội. Có khoảng hơn 100 cô chú bác và anh chị em, những người từng bám Bờ Hồ trong các cuộc biểu tình yêu nước đã tụ hội cùng nhau để chung vui trong ngày cưới của Nguyễn Văn Phương.
Nếu ai từng theo dõi 11 cuộc biểu tình mùa hè đỏ lửa năm 2011 sẽ biết Nguyễn Văn Phương, người thanh niên trẻ này năm ấy đã thay mặt cả ngàn người biểu tình yêu nước, đứng trên thềm Nhà hát lớn Hà Nội để dõng dạc đọc những lời đanh thép trong bản tuyên cáo lên án những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Từ năm 2011 đến năm 2019 là một quãng thời gian chưa phải là dài so với dòng chảy lịch sử của dân tộc, nhưng nếu ai thấu hiểu đời sống cũng như hoạt động của người đấu tranh mới thấy cả gần 1 thập kỷ qua là một chặng đường rất dài, đầy những chông gai, những hiểm nguy, những cạm bẫy nghẹt thở mà chúng tôi phải vượt qua.
Trong bức ảnh trong lễ cưới mà tôi gắn kèm theo đây còn thiếu rất nhiều người thuộc diện "quản lý" của Bộ Công an. Từ những người già cả như bác Khánh - Trâm, bác Nghiêm Việt Anh hay những bạn rất trẻ trong bức ảnh... mỗi khi ở Bờ Hồ có chuyện lớn thì ở cửa nhà mỗi người dù là già trẻ hay lớn bé đều có khoảng hơn chục an ninh và dân phòng canh giữ sát sao. Hãy ngắm nhìn kỹ những gương mặt này. Họ cũng rất bình thường như bao người dân khác, nhưng trừ cô dâu ra thì ai cũng từng bị bắt bớ, đánh đập, tra khảo, nhục mạ trong các trận biểu tình... và nhiều người phải vào ra đồn công an, trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà rất nhiều lần.
Có khoảng hơn 100 cô chú bác và anh chị em đã tụ hội cùng nhau để chung vui trong ngày cưới của Nguyễn Văn Phương.
Không chỉ có vậy, trong đời sống riêng của mọi người, ngoài việc mưu sinh kiếm sống thì tất cả đều gặp phải những khó khăn rất lớn mà người ngoài khó có thể tưởng tượng được. Từ những chuyện bị phá nơi làm việc, bị ép trong việc thuê nhà cửa, bị đuổi học... đến những chuyện như bị tuyên truyền ở tổ dân phố là phản động, bị doạ dẫm thúc ép với họ hàng và người thân... Nhưng sau tất cả, vượt qua mọi nghịch cảnh, họ vẫn có mặt ở đây cùng nhau, để cùng cười, để cùng khóc, để ôm lấy nhau và chung vui trong ngày trọng đại này. Chính vì thế, đám cưới của Nguyễn Văn Phương không còn chỉ là ngày vui riêng của gia đình, mà còn là ngày những bạn bè đấu tranh xưa cũ gặp lại nhau với niềm hạnh phúc, niềm vui và bao nhiêu kỷ niệm tuyệt vời.
Mùa hè đỏ lửa năm ấy giờ đã thành kỷ niệm, nhưng sức sống của phong trào đấu tranh vẫn âm ỉ cháy. Gặp nhau không chỉ từ biểu tình chống Trung Quốc năm 2011, số người tham gia hoạt động xã hội ngày càng nhân lên trong các phong trào đấu tranh, qua nhiều hình thái khác nhau mà tiêu biểu như phong trào cây xanh, Fomosa, đòi sửa đổi hiến pháp, đòi ứng cử đại biểu quốc hội, đòi xoá bỏ BOT bẩn, chống cưỡng chế ruộng đất. Giờ đây tuy mỗi người đã có đời sống cũng như hoạt động riêng rẽ tùy hoàn cảnh, nhưng ngọn lửa trong tim được nhen nhóm từ buổi ban đầu ấy vẫn cháy mãi, lan mãi, không bao giờ dừng, và nhất định có ngày sẽ hội tụ lại để trở thành ngọn lửa lớn nhằm xua tan vĩnh viễn bóng đêm đang bao phủ trên đất nước này.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 31/03/2019 (nguyenlanthang's blog)
Kể từ ngày 30/11/2018 đến nay là hơn 3 tháng, tôi đã không có một bài viết nào đáng kể trên mạng xã hội. Điều đó một phần là vì tôi bị report Facebook mấy đợt liên tục, một phần khác là do tôi cũng bận bịu mấy tháng trời phải tập trung vào công việc sửa sang nhà cửa. Trong hơn ba tháng qua có bao chuyện đã xảy ra, nhưng không được bình luận, không được viết status, không được like, không được share, không thể nhắn tin trả lời ai được... mới ban đầu điều đó quả là một cực hình thật ghê gớm. Bạn cứ tưởng tượng mình như biến thành một ông phỗng đá ngồi đó, biết hết đấy, nghe hết đấy, hiểu hết đấy, nhưng không thể biểu lộ một chút cảm xúc nào ra bên ngoài dù chỉ là một cái nhíu mày khẽ thôi.
Từ tháng này sang tháng khác sao nó giống y như một người còn sống mà bị nhốt xuống hầm mộ đến thế.
Nhưng rồi tôi bắt đầu quen với điều đó. Và rồi hơn một tháng nay tôi đã rảnh rang hơn, dù rất dễ nhưng tôi cũng cố tình không lập thêm một Facebook phụ nào để tương tác với mọi người. Cái cảm giác im lặng kéo dài chầm chậm, lặng lẽ, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác sao nó giống y như một người còn sống mà bị nhốt xuống hầm mộ đến thế. Bạn thấy người ta nháo nhác hỏi thăm đến mình trên Facebook. Thấy những nắm đất và những cánh hoa từ bên trên rơi xuống. Thấy cả những lời trách mỉa mà nếu mình còn trên mặt đất chắc là sẽ không được nghe. Rồi đám đông ồn ào trên cửa huyệt dần tan đi. Mọi người tản bớt ra và bắt đầu nói về những điều khác. Những niềm vui, những nỗi buồn, những lo âu, những phẫn uất... lại tuôn chảy hàng ngày trên mạng xã hội, mà không có mình. Con người ta chúng ta sinh ra ở trên đời rồi ai cũng phải đi xa. Nhưng trải nghiệm như thấy rõ được khung cảnh mình chết đi ra sao, mọi người phản ứng ra sao, rồi ai còn nhớ đến mình không quả là khá thú vị. Tôi cố tình vẫn im lặng không lập facebook khác là vì thế.
Chỉ trong vòng khoảng 2 ngày nữa thôi, nick facebook của tôi sẽ mở khoá. Hai ngày nữa là tôi lại ngoi lên từ huyệt mộ tối tăm của mình. Để nói. Để cười. Để buông lời trêu ghẹo ai đó vẫn đang nằm trong tủ kính mà chưa được chôn. Hi hi... thật là tuyệt ! Dù chẳng biết niềm vui đó kéo dài trong bao lâu.
Trong những khoảng im lặng giả chết, tôi mới có được rất nhiều thời gian để xem phim, đọc sách, quan sát mà không bình luận mọi chuyện, và để suy nghĩ về chính bản thân cuộc đời mình. Mark Twain, nhà văn Mỹ từng có câu nói như thế này : "Hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời là ngày bạn sinh ra, và ngày bạn tìm ra lý do vì sao mình sinh ra" (1).
Ngày mình chết đi hoàn toàn không quan trọng. Dù chỉ là khoảng ngắn trong cuộc đời để giả chết, dù chỉ là giả chết trong cõi ảo, nhưng bây giờ tôi mới thấy thấm thía câu nói trên của Mark Twain. Tôi biết mình là ai. Tôi hiểu được sức mình đến đâu. Và tôi biết mình phải làm gì tiếp theo, dù có thể bất ngờ biến mất mãi mãi trong thế gian này bất cứ lúc nào.
Chắc các bạn còn nhớ bài viết "Những người đi ném sao biển" của tôi dạo trước. Tôi đang ở đây. Ngay đây. Vẫn vung tay ném những con sao biển về với nước cùng với các bạn như trong câu chuyện kia.
Xin chào nhé cuộc đời mến yêu !
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 07/03/2019 (nguyenlanthang's blog)
(1) The two most important days in your life are the day you were born and the day you find out why