Kết luận ‘nước đôi’
Ngày 15/5 vừa qua, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Thanh tra Chính phủ làm rõ khiếu nại của người dân Thủ Thiêm về việc bị thu hồi đất không đúng qui định. Tuy nhiên lời kêu cứu của họ suốt gần 20 năm không được cơ quan chức năng nào giải quyết.
Hình chụp từ trên cao khu đô thị Thủ Thiêm - RFA
Đến ngày 7 tháng 9, kết luật của Thanh tra Chính phủ về vụ việc Thủ Thiêm mới được công bố. Theo đó việc thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 ở Thủ Thiêm để thực hiện một số dự án khu đô thị là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên những người dân trong cuộc vẫn cho rằng kết luận của Thanh Tra Chính Phủ vẫn chưa bóc tách đến nơi đến chốn mọi sai phạm. Mạng Việt Nam Express ngày 10 tháng 9 trích lời ông Hoàng Thăng Long thuộc khu phố 5, phường An Khánh nêu rõ : "Kết luận này chưa rõ ràng. Cái cốt lõi thì lại không đi vào mà cứ nói về 4,3ha. Chỉ có 9 hộ bị ảnh hưởng trong diện tích đó, còn thực tế hơn 100 hộ dân chúng tôi thuộc 5 khu phố, 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch, mới vác đơn đi tố cáo".
RFA liên lạc với bà Hương, một "nạn nhân" của khu quy hoạch đô thị Thủ Thiêm và được bà cho biết ý kiến về kết luận của Thanh tra Chính phủ :
"Cái kết luận này của Thanh tra Chính phủ chơi nước đôi thôi. Hài lòng thì không hài lòng, nhưng có 1 vấn đề thấy cũng được chút xíu, đó là những người còn lại nằm ngoài ranh thì được tái định cư trong hai phường, là Bình An và Bình Khánh. Còn nằm ngoài ranh thì đang đề nghị để thu hồi luôn. Cái này thì mình thấy không được".
Bà Hương cho biết người dân không bằng lòng với kết luận thanh tra này, với lý do đưa ra là "trước sau gì họ cũng bênh nhau".
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho RFA biết suy nghĩ của ông đối với kết luận này :
"Những sai phạm nghiêm trọng trong vấn đề đền bù giải toả ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì quan điểm của tôi là phải chỉ ra đúng người đúng tội phải chịu trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm phải là người cao nhất của Tp HCM qua các thời kỳ. Phải kỷ luật vì đây là 1 việc rất quan trọng đẩy hàng chục ngàn người phải sống vất vưởng trong vòng 20 năm chứ không phải sai sót hành chính, rõ ràng có ý đồ, có nhóm lợi ích chi phối cố tình làm sai. Không thể nào khoả lấp được mà phải làm đến nơi đến chốn".
"Nếu không trị được tham nhũng, không trị được việc làm trái trong vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm thì đừng hô hào chống tham nhũng".
Theo ông Đinh Kim Phúc, trước áp lực của dư luận và quần chúng, những người mất đất khiếu kiện gần 20 năm qua, thì đây chỉ là một động thái nhằm làm yên dư luận chứ không mang tính giải quyết nghiêm túc, trên nền tảng của pháp luật.
Về ranh giới quy hoạch, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 năm 1998 bao gồm điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền. Diện tích này bị giảm 23,3 ha so với quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt và "thừa" 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An.
Cũng từ 1 bài viết của báo mạng Vnexpress ngày 9 tháng 9 trích lời Nguyên kiến trúc sư trưởng Tp HCM ông Lê Văn Năm cho biết trước khi ký quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Thủ Thiêm, ông có trình lên lãnh đạo thành phố. Sau đó, lãnh đạo giao lại cho ông ký . Đó là thời điểm năm 1998.
Phải truy từ nhiều đời Chủ tịch Thành phố
Cộng đồng mạng xã hội những ngày qua có nhắc đến 1 nhân vật có tên gọi "Hai Nhựt" và cho rằng nếu không xét xử, truy tố người này đối với vụ án Thủ Thiêm thì chiến dịch chống tham nhũng là vô nghĩa.
Nhân vật này được ông Đinh Kim Phúc cho biết :
"Là ông Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Thành uỷ Bộ Chính trị. Quy trách nhiệm cho vấn đề cố tình sai phạm hay tham ô hay nhóm lợi ích thì chúng ta phải truy từ các đời của chủ tịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ Võ Viết Thanh, cho đến Lê Thanh Hải cho đến Lê Hoàng Quân. Vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm coi là thuộc thời kỳ nào ? Thuộc người nào chứ không thể nói chung chung là văn phòng Kiến trúc sư trưởng, rồi xuống UBND Quận 2, rồi Ban đền bù, giải toả…Các cấp đó là cấp thừa hành. Còn đây là chủ trương, là lệnh của cấp trên. Người nào ra lệnh, người nào làm trái thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ý kiến của tôi là phải truy tố".
Bản đồ Thủ Thiêm Photo : RFA
Đó là ý kiến của người "đứng ngoài khu ranh giới", còn với người dân mất đất mang đơn khiếu hàng chục năm ròng rã như bà Hương, cho biết :
"Mình mong mỏi từ bên phía nhà nước phải xử những người làm sai, coi pháp luật không ra gì hết, muốn đập nhà ai thì đập, thích thì đập, buồn thì đập, vui cũng đập, coi tính mạng và tài sản của người ta như đồ chơi đồ bỏ. Nói chung giống như là ăn cướp vậy. Người ta đau khổ bao nhiêu năm trời.
Tui nói làm gì làm cũng phải xử ông Can, Vũ Hoài Phương, Đặng Trung Kiên. 4 người đó tội lỗi nhất trước mắt dân. Vì những người kia ký, mình biết sai, mình ở dưới mình còn làm ác hơn thì phải xử thôi, phải moi ra đến cùng cực thôi".
Cho đến nay, ngoài thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố là "có nhiều sai phạm" thì hoàn toàn chưa có một biện pháp hay hình thức kỷ luật nào được đề nghị từ phía lãnh đạo nhà nước.
Chưa thể biết được khi nào người dân Thủ Thiêm mới được nhìn thấy một bản án công bằng cho những mất mát của họ, nhưng với bà Hương, thì mỗi ngày, bà chứng kiến rất nhiều những người dân mất đất Thủ Thiêm điên điên dại dại, lang thang vất vưởng ở những khu đất bị san bằng như sau một trận càn bằng bom mìn thời chiến tranh.
Nguồn : RFA tiếng Việt, 13/09/2018