Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/09/2018

Điểm chết của nền kinh tế Việt Nam : Không cùng cách chơi với thế giới

Thảo Vy - Trúc Giang

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nôm na, ông Phúc trách doanh nghiệp Việt Nam chỉ thích những khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm…

diem00

Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do Vina Capital quản lý thông báo đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm của Ba Huân.

Chiều 13/9, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 với chủ đề "Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy" đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự tham dự của 1.200 doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, thay cho những lời tán dương về thành tích, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào thẳng vấn đề về những yếu kém của doanh nghiệp. Tuy nhiên ông lại không đề cập nguyên nhân chính dẫn đến yếu kém ấy, mà trên rất nhiều diễn đàn trước đó doanh nghiệp đã lên tiếng về chính sách thất thường, thậm chí chỏi nhau của các cơ quan Bộ, Ngành quản lý nhà nước.

‘Không cùng cách hiểu với thế giới’ về kinh tế thị trường

Diễn ra đồng thời với diễn đàn mở "ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người" trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, theo ghi nhận của phóng viên Việt Nam Thời báo tại hội thảo "Để khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thêm hiệu quả", cho thấy nền ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam là ‘không cùng cách hiểu với thế giới’ về kinh tế thị trường.

Trình bày tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, nhìn nhận sở dĩ các chính sách dành cho khởi nghiệp tại Bến Tre vẫn chưa tạo động lực phát triển cho những doanh nhân, là vì cách vận hành của bộ máy hành chánh còn nặng nề, chậm thích nghi với đòi hỏi chung của nền kinh tế thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Phương Lam, Chủ tịch Mạng lưới khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, nói rằng có thể hiểu thêm về vận hành của những nhà quản trị quốc gia trong lãnh vực kinh tế, đặc biệt là khởi nghiệp thông qua vụ lùm xùm giữa bà Ba Huân và Vina Capital [*] ; cũng như việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu sự can thiệp của các lãnh đạo trung ương để bảo vệ thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

diem1

Bà Ba Huân và phiên vụ lùm xùm với Vina Capital. Ảnh : PLO

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao doanh nghiệp lại thường xuyên yêu cầu lãnh đạo trung ương, trong đó có thủ tướng để giải quyết các khó khăn phát sinh trong kinh doanh như vậy ?

Thực tế này dường như thể hiện một nghịch lý là việc mở cửa phát triển kinh tế dẫn đến tranh chấp phát sinh nhiều hơn, nhưng các bên, hay một bên của Việt Nam trong tranh chấp, không tin rằng pháp luật có đủ quyền năng để giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả. Nghịch lý này có thể dẫn tới nhiều bất an, nghi ngờ, căng thẳng cũng như gây tốn kém nguồn lực kinh tế của toàn xã hội.

"Tôi từng tham gia nhóm đàm phán trong một dự án khởi nghiệp trong ngành truyền thông với đối tác Vina Capital. Họ có đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, và họ sử dụng những luật sư người Mỹ gốc Việt để tránh vướng mắc trong hàng rào ngôn ngữ. Các văn bản soạn thảo cũng luôn là song ngữ.

Tuy nhiên tôi nghĩ điều mà những luật sư đối tác, dẫu là người Việt đi nữa, họ cũng khó quen với cách giải quyết của Việt Nam là hay nhờ vã sự can thiệp từ mối quan hệ quan chức, bao gồm cả thủ tướng. Thay vì ở đây phải là phần việc của tòa án, của trọng tài.

Bởi nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên thì thông thường với cách hiểu chung của nền kinh tế thị trường, sẽ có 4 cơ chế để giải quyết tranh chấp, gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại, tòa án. Không có cơ chế cầu cứu thủ tướng như ở Việt Nam". Nhà báo Bạch Xuân Sơn, cho biết như vậy tại bên lề diễn đàn mở "ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người".

‘Không cùng cách chơi với thế giới’ về khởi nghiệp

Xu hướng người Việt Nam, nhất là những người trẻ khởi nghiệp (startup), sang Singapore đăng ký thành lập công ty đang ngày càng mạnh hơn. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân và đặt ra nhiều câu hỏi với các nhà quản lý trong nước.

Có khá nhiều nguyên nhân khiến các startup chọn cách làm đó. Thứ nhất là hành lang pháp lý nước bạn rõ ràng, các cơ quan công quyền tại đây hỗ trợ, cũng không yêu cầu về vốn pháp định (chỉ cần từ một đô la Singapore) ; thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn Việt Nam khá nhiều. Mọi thông tin về doanh nghiệp cũng minh bạch, rạch ròi, dễ tra cứu, không lòng vòng.

Quan trọng hơn là có pháp nhân Singapore khi kinh doanh sẽ dễ dàng tiếp cận với các khách hàng trong khu vực châu Á hơn là pháp nhân Việt Nam ; công ty cũng được định giá cao hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Không những vậy, pháp luật Singapore có sự cam kết cao với cộng đồng quốc tế trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ. Chính những lợi ích dễ thấy này mà dù vẫn còn khá nhiều rào cản, khó khăn, như phải rành rẽ ngoại ngữ, có đủ thông tin để ra quyết định ; phí đăng ký cũng không rẻ, và nhất là phải có người quốc tịch Singapore đứng tên trong thành phần doanh nghiệp..., nhưng nhiều người Việt Nam vẫn sang đảo quốc sư tử để mở doanh nghiệp, nhất là những startup có mục đích kêu gọi vốn.

Từ thực tế kể trên, qua ghi nhận ở nội dung WEF ASEAN 2018 mà phóng viên Việt Nam Thời báo tham dự, thì để cùng cách chơi, cùng cách hiểu của thế giới về chuyện làm ăn trong nền kinh tế thị trường, buộc Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa trong đổi mới thể chế, đặc biệt và cũng là quan trọng đó là đổi mới thể chế chính trị. Trong đổi mới thể chế chính trị, điều phải làm đầu tiên là phân định rõ vai trò của các nhánh quyền lực hành pháp, lập pháp và tư pháp trong bộ máy nhà nước.

Lâu nay cả cơ quan Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng, cho đến Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất nhiều tới việc học tập những mô hình thể chế tiên tiến trên thế giới. Tất cả các quốc gia có thể chế chính trị tiên tiến đều có sự phân công rành mạch chức năng của ba cơ quan này.

Tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội phần lớn vẫn là người của các cơ quan hành pháp và tư pháp. Do vậy, Quốc hội vẫn khó có được tiếng nói độc lập. Nhất là còn phải chịu sự quản lý trực tiếp từ cấp cao hơn là Bộ Chính trị.

Trước mắt, không chỉ cần có sự điều chỉnh theo hướng tăng đại biểu chuyên trách của Quốc hội từng khóa, mà còn cần mạnh dạn thay đổi một lần trong nhiệm kỳ tới, giảm đại biểu Quốc hội không phải người của các cơ quan hành pháp và tư pháp, để tiến tới việc Quốc hội phải là cơ quan quyền lực cao nhất, chứ không phải là Bộ Chính trị như hiện tại.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 15/09/2018

[*] Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do Vina Capital quản lý thông báo đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm của Ba Huân. Sau gần nửa năm hợp tác, Ba Huân đã có văn bản nhờ Thủ tướng Chính phủ can thiệp hủy thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp này với Vina Capital. 

Quay lại trang chủ
Read 684 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)