Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/10/2018

Hợp nhất hai chức danh và công thức 'thần thánh'

Võ Thị Hảo

Truyền thống tính toán khác thường của thể chế toàn trị được cho là thường không thích chân lý hiển nhiên.

hop1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ ba từ trái sang) trong một chuyến thăm Việt Nam.

Chẳng hạn, họ có thể thích công thức 2+2 = 5 chứ không phải 2+2 = 4, vì 2+2 cộng một phần không phải sự thật thì sẽ bằng 5.

Cái này là theo phát hiện của một ngòi bút thiên tài, George Orwell trong tiểu thuyết vĩ đại mang tên '1984', khi ông mô tả về một xã hội giả tưởng nhưng được vô số nhà phê bình và người đọc trên thế giới nhận xét rằng nó 'rất tương hợp với mô hình' của chế độ lãnh đạo tại nước Đức hồi Thế chiến II và chủ nghĩa xã hội ngày nay.

'Đó là chốn mà các công dân của đất nước Oceania buộc phải sống trong cảnh thống khổ, sợ hãi, và tràn ngập lòng căm ghét hận thù', với sự cai trị của một 'anh Cả muôn năm', anh Cả nhòm vào tất cả mọi hang lỗ từ vi mô tới vĩ mô…", nhà văn viết.

"Trong đó, nếu nhà lãnh đạo nói về sự kiện nào đó rằng 'nó chưa hề xảy ra' - thì vâng, nó chưa hề xảy ra. Nếu ông ta nói rằng hai cộng hai là năm - thì vâng, hai cộng hai bằng năm. Viễn cảnh này làm tôi thấy kinh sợ hơn cả bom đạn".

Nói gần nói xa, chẳng qua cũng là nói tới chuyện Việt Nam hiện nay.

Với cái chết đột ngột của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, việc nhất thể hóa chức Tổng bí thư với Chủ tịch nước, như nhiều người quan tâm, cũng có thể có khả năng nào đó biến thành sự thật, dù Văn phòng Trung ương Đảng đưa ra tín hiệu cuối tuần này rằng Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chưa cứu xét ngay phương án bổ sung ủy viên Bộ Chính trị vào cơ cấu đầy quyền lực này, cũng như sẽ cần chuẩn bị hết sức 'chu đáo, cẩn trọng' để Quốc hội bầu người thay thế chính thức Chủ tịch Quang.

Hiển nhiên có lợi ?

Và tôi xin đặt ra câu hỏi đây có phải việc hiển nhiên, có lợi cho dân nước không ?

Sau khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc sửa Hiến pháp, sửa điều lệ Đảng để lên 'ngôi Hoàng đế đỏ' suốt đời nhằm không bị hạn chế bởi nhiệm kỳ, ông ta từ chỗ chỉ là đảng trưởng của Đảng cộng sản, chỉ đại diện cho một phần nhỏ công dân - gần 90 triệu đảng viên - nghiễm nhiên làm 'Hoàng đế đỏ' quyền lực vô hạn, được đóng dấu hợp thức đại diện cho toàn quốc gia Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân. Thế phải chăng là 'một cộng một bằng ba và hơn thế nữa' ?

Thể chế cộng sản đã gần như hợp nhất với sự chuyên quyền của chế độ phong kiến mà họ đã đánh đổ gần một thế kỷ nay. Kết hợp chyên chính vô sản với chế độ phong kiến, mang màu sắc chiếm hữu nô lệ, với những đầu lĩnh như Kim Nhật Thành đến Kim Jong-un, Fidel Castro ở Cuba và vừa rồi là Tập Cận Bình ở Trung Quốc, những 'mảng tường vỡ' còn sót lại của Chủ nghĩa Xã hội trên thế giới mà vừa rồi đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công trực diện, không thương tiếc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, dường như đã không thèm giấu giếm tham vọng vô biên của họ, rất mạnh bạo trong việc kéo lùi lịch sử lại vài thế kỷ !

Thế còn công thức 1+1 bằng Một thì sao ?

Chức Tổng bí thư - chỉ là của một đảng - Đảng Cộng sản ở Việt Nam - chỉ đại diện cho khoảng 4,6 triệu đảng viên - rất ít so với gần 97 triệu người Việt Nam hiện nay.

Hiến pháp 2013 vẫn quy định đảng không nằm trong hệ thống Nhà nước, chỉ có Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước. Chủ tịch nước là chức vị do Quốc hội bầu, về nguyên tắc không phải do đảng.

Thực vậy, Điều 86 Hiến pháp năm 2013 quy định : Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chỉ có Chủ tịch nước mới là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng..., có thể tuyên bố tình trạng chiến tranh...

Vậy, nếu được thực hiện nghiêm chỉnh, tử tế, không phải là hình thức và 'phù phép', sẽ là hợp lý, tránh sự chuyên quyền độc đoán quá mức của đảng. Hợp nhất chức Chủ tịch nước vào Tổng bí thư khi đó sẽ là một việc làm gây nhiều nguy cơ.

Khi không có đảng đối lập, các đảng khác cùng cạnh tranh, nhân quyền và tự do ngôn luận 'bị bóp nghẹt', không thể minh bạch hóa thông tin để các lực lượng khác cùng giám sát, 'sự lộng quyền' này đương nhiên là không giới hạn.

Vậy là theo phương thức 1+1=1, theo góc nhìn này, thì quyết không thể bằng 2. Và những quý vị đang suy nghĩ về cái lợi 'kinh tế, tài chính, thủ tục' khi hợp hai trong một, xin hãy vui lòng nhìn xa hơn và tôi xin đa tạ.

Phương án 'Hoàng đế Đỏ' ?

Trước hết, chữ 'Hoàng đế Đỏ' xuất hiện trên truyền thông quốc tế và ngay cả các nhà bình luận quốc tế của phương Tây trên nhiều tờ báo lớn sử dụng, kể cả ở Châu Á, ở đây nó được dùng lại để gọi tên một mô hình quyền lực có tính tham khảo.

Một lần nữa, tôi lại kêu gọi các quí vị muốn tiết kiệm tiền bạc, tài chính, thủ tục hãy suy nghĩ cho thật xa, và tôi nghĩ không phải là kết hợp hay không kết hợp mà trả lại dân chủ và quyền tự quyết lập nhà nước và chính quyền cho nhân dân mới là cứu cánh, tức là mục đích cuối cùng và cao nhất, và phải được cân nhắc để làm ngay mà không trì hoãn.

Năm 2017, 2018 là năm có nhiều người bất đồng chính kiến bị khủng bố, bắt giam với những bán án tù nặng chưa từng có mặc dù theo Hiến pháp và luật là họ hoàn toàn vô tội.

Và người ta còn sợ là tình hình này Việt Nam sẽ cho nước láng giềng Trung Quốc sự thoải mái to lớn vào khống chế an ninh và khai thác biển Đông - mà thực sự là họ đang dọa nạt và cả xâm chiếm lâu nay, mặc cho nhân dân hết sức phẫn nộ.

Trước mắt, tôi nghĩ hãy canh chừng Quốc Hội bằng giám sát và phản biện và nhiều công cụ khác.

Trong đó, nếu công dân không lên tiếng đủ mạnh để bảo vệ quyền chính đáng của mình và Hiến pháp, thì e rằng không có gì bảo đảm là Quốc hội sẽ không hợp nhất hóa ngay sắp tới cho hai chức nói trên, sau khi họ có thể trì hoãn trước, trong hay là sau Đại hội đảng 13 một chút.

Và công thức sẽ là 1+1=1 hoặc bằng 3. Không có chân lý, vì đảng bảo thế, để rồi bước tiếp theo, rất nhanh thôi, biết đâu Quốc hội với đa số những người vừa 'ngủ gật vừa nhấn nút' ấy sẽ có thể khai tử Hiến pháp thêm lần thứ 'n', nhằm đặt lên đầu dân tộc Việt Nam một 'Hoàng đế đỏ' cai trị vô thời hạn thì sao ?

Võ Thị Hảo

Nguồn : BBC, 02/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 629 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)