Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/10/2018

Săn bắt tê giác : bắt giữ không giải quyết được gì cả !

Mai Hưng

Lời người dịch : Việt Nam được quốc tế nhìn nhận là một điểm đến của ngà voi và sừng tê giác. Bên cạnh đó là những câu chuyện về Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi và vụ phơi vây cá mập trên nóc tòa đại sứ quán ở Chi-lê. Bài báo này đăng trên tờ The New York Times International Edition, số ra ngày thứ Năm, 27 tháng Chín, 2018, để dư luận rộng rãi thấy được toàn cảnh vấn đề. Và cũng là cách để bày tỏ thái độ đối với đôi ngà voi (và cả một cái trống đồng) được trưng bầy một cách hãnh tiến trong nhà ông Lê Khả Phiêu – cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Mai Hưng

********************

tegiac1

Chumlong Lemtongthai, một công dân Thái Lan bị kết tội ở Nam Phi liên quan đến săn bắn tê giác. Những chiếc sừng được bán trên thị trường chợ đen. Ảnh : Julian Rademeyer

Việc bắt giữ những nhân vật được cho là các ông trùm của những băng nhóm săn bắn trộm không khởi đầu cho việc giải quyết được vấn đề.

Năm 2003, những phần tử tội phạm liều lĩnh ở Đông Nam Á nhận ra rằng có thể khai thác những lỗ hổng, những kẽ hở trong các luật lệ săn bắn của Nam Phi để vận chuyển một cách hợp pháp các sừng tê giác qua biên giới quốc tế. Thông thường, Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm phần lớn giấy phép săn tê giác của Nam Phi. Nhưng cũng vào năm đó (năm 2003), 10 "thợ săn" Việt Nam đã lặng lẽ khai thác những lỗ hổng, những kẽ hở trong các luật lệ săn bắn của Nam Phi.

Các thợ săn được phép vận chuyển một cách hợp pháp các chiến lợi phẩm thu được qua biên giới theo các luật quốc tế và luật bản địa của các quốc gia khác nhau. Các thợ săn Việt Nam, khi trở về nhà, mỗi người đều mang theo sừng (đúng ra phải nói là một "tòa" sừng tê vì các sách sử Việt Nam, ví dụ, Đại Việt sử ký toàn thư, từ xưa đã dùng như vậy – người dịch), đầu hoặc thậm chí toàn bộ cơ thể con tê giác.

Lời lời lan truyền. Mặc dù Việt Nam và các nước Châu Á khác không được biết đến như những quốc gia có lịch sử về các môn săn bắn thể thao lớn, nhưng Nam Phi đã nhanh chóng bị tràn ngập bởi các đương đơn (xin giấy phép săn bắn – người dịch) từ Châu Á, những người mà đôi khi trả đến 85.000 đô la hoặc hơn để được săn bắn một con tê giác trắng duy nhất còn lại ("a single white rhino").

Điều đó cho thấy một sự khởi đầu của một ngành công nghiệp bất hợp pháp được gọi là dưới danh nghĩa săn bắt - bước đầu tiên dẫn tới cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác đang lan tràn ngày nay. Và câu chuyện về một trong những người thực hiện chính của nó cho thấy những lộ trình đường trường mà các phần tử tội phạm sẽ phải vượt qua để vận chuyển lậu những động vật hoang dã. Không ai biết được là đã có bao nhiêu sừng tê giác đã thực sự được vận chuyển trở lại Châu Á như những chiến lợi phẩm săn bắn có mục đích. Nam Phi có hồ sơ của hơn 650 "tòa" sừng tê đã rời khỏi quốc gia này (Nam Phi) để trở về Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2010 – một lượng hàng hóa trị giá khoảng 200 triệu đến 300 triệu USD trên thị trường chợ đen. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có một số lượng nhỏ các hồ sơ tương ứng.

Tính đến năm 2012, các nhà điều tra Nam Phi đã xác định được có ít nhất năm tổ chức tội phạm độc lập của Việt Nam đã khai thác thác những lỗ hổng, những kẽ hở trong các luật lệ săn bắn của Nam Phi. Chumlong Lemtongthai, một công dân Thái Lan, và một nhóm các gái điếm cầm súng của nhân vật này chắc chắn là những người nổi bật nhất trong số những băng nhóm này.

tegiac2

Một chiếc sừng tê giác ở một cửa hàng may tại Hà Nội. Nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam rất lớn. Ảnh : Brent Stirton

Để có được nhiều giấy phép săn bắn hơn, ông Chumlong đã thuê hơn hai chục phụ nữ đóng vai thợ săn. Những người phụ nữ này nhận được khoảng 550 USD chỉ để giao nộp những bản sao photocopy hộ chiếu của họ và đi nghỉ một "kỳ nghỉ" ngắn ngủi với ông Chumlong và những người khác của ông ta ở Nam Phi.

Ông Chumlong cuối cùng đã bị kết án 40 năm tù vì đã phạm tội trong việc săn bắn, vận chuyển động vật hoang dã, mặc dù thời gian ông ta ngồi tù là ít hơn rất nhiều.

Đó là một sự trừng phạt chưa từng thấy theo mức độ nghiêm trọng của nó, đặc biệt là ở một đất nước có tỷ lệ kết án cực kỳ thấp trong các tội danh liên quan đến động vật hoang dã. Ví dụ, trong số 317 vụ bắt giữ liên quan đến săn trộm tê giác của năm 2015, chỉ 15 phần trăm trong số 317 vụ này được phán quyết là có tội.

Trường hợp của ông Chumlong minh họa một trong những trở ngại sâu sắc nhất trong việc phá vỡ nền thương mại quốc tế trong các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến động vật hoang dã : các mạng lưới phân cấp, liên tục biến hình, liên tục thay đổi mà theo đó những hàng hóa bị săn trộm được vận chuyển.

Nam Phi đã siết chặt các quy định săn bắn thể thao của mình sau khi ông Chumlong bị bắt, và trong câu chuyện tổng thể về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, việc mượn danh săn bắn (hoặc là dưới danh nghĩa săn bắn – "pseudo-hunting") đã được chứng minh chỉ là một "màn diễn" ("sideshow"), như Ronald Orenstein, một nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đời sống hoang dã, đã miêu tả trong cuốn sách của ông : "Ngà, Sừng và Máu".

Thực sự mà nói, việc săn trộm và buôn bán hiện nay đang chiếm ưu thế (trong hoạt động săn bắn được cấp phép tại Nam Phi). Tuy nhiên, nhiều trong số những người tham gia các hoạt động ấy vẫn là những khuôn mặt cũ.

Một cách lặp đi lặp lại, vẫn những cộng sự của ông Chumlong và ông chủ của ông ta, Vixay Keosavang, từ một thập kỷ trước, hoặc lâu hơn, đã xuất hiện trong các vụ buôn bán động vật hoang dã, trong số đó có Bach "Boonchai" Mai – người vừa bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ đầu hồi đầu năm nay.

tegiac3

Ông Chumlong trong một phiên xử tại ngoại sau khi bị bắt tại Pretoria, Nam Phi, vào năm 2011. Ảnh : Julian Rademeyer

Vixay Keosavang, một công dân Lào, từng được gọi là một Pablo Escobar trong lĩnh vực buôn bán động vật hoang dã. Ông ta đã phủ nhận việc tham gia buôn bán (động vật hoang dã), và ông Chumlong nói với tôi rằng ông ta không có bất kỳ một liên hệ nào với ông Vixay Keosavang sau khi ông này (Vixay Keosavang) bị bắt.

Nhưng theo cách thức hoạt động của các mạng lưới săn bắn trộm và buôn lậu này, thì việc xóa sổ bất kỳ một trong những "ông trùm" này đều sẽ không ngăn chặn được các giao dịch bất hợp pháp.

Để lấy được những phần thưởng từ những ông trùm (buôn bán động vật hoang dã), những kẻ săn trộm tê giác - thường là những người dân địa phương nghèo đói đến mức tuyệt vọng sinh sống ở vùng ven các công viên và khu bảo tồn – thường lẻn vào (các công viên và khu bảo tồn) khi trời tối. Một khi đã ở trong công viên, họ thường đợi cho đến khi ánh sáng đầu tiên của một ngày mới ló dạng để bắn hạ một con tê giác. Sau đó, họ có thể chờ để được đưa đón một cách có tổ chức tốt, hoặc họ có thể chôn sừng để sẽ lấy lại sau này. Những người khác chỉ đơn giản là chạy về nhà với chiếc sừng càng nhanh càng tốt.

Sau đó, những hàng hóa này thường được vận chuyển theo một chuỗi "những người buôn lậu" – những người đưa chúng (các loại hàng hóa) đến các thành phố lớn hơn và lớn hơn nữa. Tại một số điểm, các doanh nhân Châu Á có trụ sở ở Châu Phi thường là có khả năng tham gia – đối với sừng tê giác thường là các ông chủ Việt Nam, còn đối với ngà voi thì thường là các ông chủ người Trung Quốc.

Một khi công việc buôn lậu được bắt đầu hành trình buôn bán của nó, các lộ trình thường là không trực chỉ. Một lô hàng ngà voi mà điểm đến cuối cùng của nó là Trung Quốc có thể đầu tiên được gửi từ Togo đến Tây Ban Nha ; một hành khách mang một chiếc sừng tê giác có thể bay đến Dubai trước khi đến Kuala Lumpur và sau đó đến Hồng Kông để che giấu nguồn gốc xuất xứ và điểm đến thực sự của nó.

Một thuật ngữ bị lạm dụng

Ở phương Tây, "những phần tử tội phạm có tổ chức sống trong một xã hội không khác biệt mấy so với xã hội bình thường" ("a somewhat parallel society"), Tim Wittig, một nhà khoa học bảo tồn tại Đại học Groningen, Hà Lan cho biết như vậy. Nhưng trong thế giới của những kẻ buôn bán động vật hoang dã, "những phần tử tội phạm lớn thường là những người kinh doanh lớn".

"Thông thường, những phần tử tội phạm tham gia vào các doanh nghiệp hậu cần, tiếp vận ("logisticstype businesses") - ví dụ như các công ty thương mại hoặc vận tải - hoặc trong các công ty có liên quan đến hàng hóa, đó là lý do tại sao điều đó sẽ dễ dàng cho họ khi vận chuyển mọi thứ đi loanh quanh, lòng vòng", ông nói.

Những cá nhân này đôi khi được gọi là kingpins (ông trùm hoặc đầu nậu), một thuật ngữ mà các chuyên gia nói là đã bị lạm dụng.

"Theo một cách nào đó, theo sau một ông lớn là một một chút ít huyền thoại", Julian Rademeyer, một nhà lãnh đạo dự án mang tên Traffic, một nhóm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, và tác giả của cuốn sách "Sự giết chóc vì mục đích lợi nhuận : Giải phẫu việc buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp".

tegiac4

Vixay Keosavang (trái) và ông Lemtongthai (phải). Ảnh : Julian Rademeyer

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của mạng lưới săn bắn trộm và buôn lậu là tính đa dạng của chúng, theo Vanda Felbab-Brown, một chuyên gia về tội phạm quốc tế tại Viện Brookings, một cơ quan nghiên cứu tư vấn ở Washington. Trong khi một số mạng lưới được tổ chức cao, những mạng lưới khác lại hoàn toàn phân tán, manh mún. Một đại lý buôn lậu ngà voi một khi xuất hàng ra khỏi một hải cảng Châu Phi có thể không biết ông chủ bản địa - người giám sát việc săn bắn trộm hoặc thương nhân cuối cùng bán hàng lậu ở Châu Á là ai.

Trong các tổ hợp ("cartels") do chỉ một hoặc một vài cá nhân điều hành, các khoảng trống quyền lực để lại bởi các vụ bắt giữ sẽ nhanh chóng được lấp đầy.

Tiến sĩ Felbab-Brown đã chỉ ra rằng đó là lý do tại sao mà những bản án này, thậm chí là những bản án nặng nề ví dụ như đã dành cho ông Chumlong, thường có ít ảnh hưởng đối với việc chặn đứng các hoạt động buôn bán bất hợp pháp - trong các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, ma túy hoặc bất kỳ một loại buôn bán hàng hóa lậu nào khác.

Ba vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp gần đây đã thu hút sự chú ý rộng rãi của các nhà hoạt động bảo tồn : Feisal Mohamed Ali, bị buộc tội buôn lậu ngà voi ở Kenya ; Abdurahman Mohammed Sheikh, một kẻ buôn lậu ngà voi khác bị cáo buộc ở Kenya ; và Yang Fenglan, người được gọi là nữ hoàng ngà voi của Tanzania. Tất cả đều bác bỏ các cáo buộc và đang chờ ngày xét xử.

Nhưng tiến sĩ Wittig cũng lưu ý rằng ngay cả khi nếu tất cả những người này cuối cùng đều bị kết tội thì các giao dịch của họ cũng chỉ chiếm khoảng 10,9 tấn ngà voi ít ỏi trong thập kỷ qua, tương đương với 1.500 con voi. Theo ước tính của Tiến sĩ Wittig, tổng số ngà voi mà họ buôn lậu này chỉ chiếm 10% lượng ngà voi Châu Phi buôn lậu trong giai đoạn đó mà thôi. Và việc săn bắn trộm cũng không nhờ có những vụ bắt bớ các cá nhân đó mà giảm đi.

Tiến sĩ Wittig cho biết : "Việc bắt giữ một vài ông trùm được cho là buôn bán động vật hoang dã có thể là một công cụ tượng trưng hữu ích đối với việc nâng cao tầm quan trọng và tính khả thi của việc thực thi mạnh mẽ đối với công chúng rộng rãi. Nhưng nó dường như không có khả năng có hiệu quả trong thực tế bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là nếu nó được thực hiện trong sự cô lập, đơn độc".

Việc thay đổi điều này phần lớn phụ thuộc vào việc thay đổi cách thức mà thế giới giải quyết vấn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

tegiac5

Một phụ nữ Thái Lan thuê ông Lemtongthai săn tê giác, theo các nhà điều tra Nam Phi. Ảnh : Julian Rademeyer

John Sellar, cựu giám đốc thực thi Công ước về việc buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, đã cho rằng chúng ta nên nghĩ rằng buôn bán động vật hoang dã chính là vấn đề tội phạm chứ không phải đơn giản là vấn đề bảo tồn.

Nhưng hầu hết những người có nhiệm vụ đấu tranh với loại tội phạm này là những nhà hoạt động bảo tồn, kiểm lâm và các nhà quản lý động vật hoang dã. Ông Sellar và các chuyên gia khác cho rằng công việc này nên được giao cho cảnh sát, thám tử, chuyên gia chống rửa tiền và tòa án.

Các nhóm tội phạm kinh doanh động vật hoang dã có xu hướng bao gồm những phần tử dính líu đa quốc gia đã khiến cho các hoạt động điều tra trở nên phức tạp hơn. Các chính phủ thường không chia sẻ thông tin hoặc không cộng tác một cách hiệu quả xuyên qua các biên giới quốc gia.

Ví dụ, Samuel Wasser, chủ tịch Trung tâm bảo tồn sinh học tại Đại học Washington, sau nhiều thập kỷ làm việc, đã phát triển một phương pháp pháp lý gọi là "gamechanging" cho phép các chuyên gia sử dụng DNA để xác định nguồn gốc địa lý của những ngà voi bị tịch thu, và từ đó lập bản đồ các điểm nóng về săn bắn trộm ở Châu Phi.

Tiến sĩ Wasser có thể đưa ra một bản đồ để cho các quan chức và cơ quan thực thi pháp luật thấy được chính xác nơi họ cần phải tới để xóa sổ các hoạt động buôn bán ngà voi trong hình thức hiện tại của chúng. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều thường loanh quanh tránh né việc gửi cho ông những mẫu ngà voi bị săn bắn trộm trong một hoặc hơn một năm sau khi bị bắt giữ. Một số quốc gia lại từ chối việc chia sẻ bất kỳ mẫu nào.

"Đó là phần khó nhất đối với tôi, khi nhìn nhận một công cụ mạnh mẽ mà chúng tôi có. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cũng rất miễn cưỡng để cho phép chúng ta sử dụng nó", Tiến sĩ Wasser nói.

Ngay cả các quan chức trong một quốc gia bị hoành hành bởi những kẻ săn bắn trộm cũng có thể không hợp tác. Nhân viên cảnh sát không nói chuyện với các viên chức hải quan và rồi các viên chức hải quan cũng lại không nói chuyện với các nhân viên kiểm lâm. Các nhân viên kiểm lâm không tiếp cận được với các nhà hoạch định chính sách và rồi các nhà hoạch định chính sách cũng không tham vấn ý kiến của các nhóm hoạt động bảo tồn.

"Môi trường tình báo giống như môi trường của hoạt động phản gián", Ken Maggs, người đứng đầu lực lượng kiểm lâm tại Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) nói.

tegiac6

Một phụ nữ ở Bảo Lộc, Việt Nam, uống một loại thuốc làm từ sừng tê giác ở quán cà phê ven đường. Bà tuyên bố nó chữa khỏi bệnh sỏi thận của mình, và bây giờ bà uống nó hàng ngày để bảo vệ sức khỏe. Ảnh : Brent Stirton

Các chuyên gia nói rằng việc phá vỡ mạng lưới tội phạm săn bắn trộm phi tập trung sẽ yêu cầu xây dựng mạng lưới mới trong số những người chống lại sự tàn sát các loài động vật. Việc bắt giữ một vài ông trùm, đầu nậu ở chỗ này chỗ kia sẽ không bao giờ làm thay đổi được tình hình.

Ngài Sellar đã viết như thế này : "Nếu vị thần trong chai (như trong câu chuyện Aladin và cây đèn thần – người dịch) dành cho tôi chỉ một điều ước để chống lại tội phạm sát hại động vật hoang dã quốc tế, thì tôi sẽ ước mong rằng tất cả mọi người sẽ làm việc một cách cộng tác hơn. Tôi vẫn bị thuyết phục, hoàn toàn bị thuyết phục, rằng chúng ta sẽ tạo được một sự đột phá trong công cuộc đấu tranh chống lại loại tội phạm động vật hoang dã quốc tế với điều kiện duy nhất là nếu chúng ta hành động cùng nhau".

"Tôi tổ chức cho những người đi du lịch săn bắn"

Ông Chumlong, một thợ săn người Thái Lan đã tuyển dụng nhiều phụ nữ để có thêm giấy phép săn bắn, rất có thể sẽ thực hiện trôi chảy kế hoạch này nếu như không có Johnny Olivier, người lập kế hoạch kiêm phiên dịch ở Nam Phi. Ông Olivier làm việc cho ông Chumlong, nhưng sau khi có khoảng 50 con tê giác bị bắn hạ, lương tâm của ông (Olivier) bắt đầu cắn dứt ông.

"Đây không phải là những chiến lợi phẩm hay bất cứ điều gì đại loại như thế", ông Olivier nói với tôi rằng ông đã nhớ lại và suy nghĩ như thế. "Điều này giờ đây đang biến thành một công việc giết mổ, hoàn toàn là vì tiền. Những con tê giác này là di sản của đất nước tôi".

Ông Olivier thảo luận về các giao dịch của ông Chumlong với một điều tra viên tư nhân, và người này bắt đầu đi sâu phanh phui sự việc. Điều tra viên này cuối cùng đã tập hợp được 222 trang giấy về các chứng cứ.

Khi vụ việc được đưa ra tòa xét xử vào năm 2012, các công tố viên Nam Phi đã mô tả ông Chumlong là người chủ mưu đứng đằng sau "một trong những vụ lường gạt lớn nhất trong lịch sử tội phạm về môi trường". Ông Chumlong bị kết án tới 40 năm tù giam, một cú sốc đối với ông Chumlong và nhiều những người quan sát khác. Thế nhưng ông Chumlong chẳng ngồi tù ở đâu đến 40 năm. Năm 2014, bản án của ông Chumlong đã được giảm xuống còn có 13 năm tù giam, cộng với mức phạt khoảng 78.000 đô la.

tegiac7

Cảnh sát Thái Lan bắt giữ Bach "Boonchai" Mai vào tháng Giêng về buôn bán động vật hoang dã. Ảnh : Roberto Schmidt

Hồi tháng này, nhà nước Nam Phi đã ân xá cho ông Chumlong – ông này được trả tự do sau sáu năm thụ án. Trong bối cảnh những lời chỉ trích sôi sục từ các nhóm hoạt động bảo tồn và các quan chức chính phủ, ông đã nhanh chóng bị trục xuất về Thái Lan.

Tôi đã phỏng vấn ông Chumlong tại Trung tâm cải tạo trung ương Pretoria vào một buổi sáng chủ nhật đầy nắng của tháng 10 năm 2016.

Các lính canh dẫn tôi vào một văn phòng nơi ông Chumlong đang ngồi trên một chiếc ghế dài, mặc bộ đồ áo liền quần màu cam với những dòng chữ "phạm nhân cải tạo" được viết theo các hình tròn trên toàn bộ bộ quần áo.

Sau một chút ngần ngại, do dự, ông ta đồng ý nói chuyện.

Bằng một tràng tiếng Anh bồi, ông Chumlong nói với tôi rằng ông là một doanh nhân hợp pháp đã tuyển dụng các du khách Châu Á để đi săn ở Nam Phi. "Tôi tổ chức khách đi du lịch để săn bắn, tôi nhận ăn hoa hồng", ông nói. "Tôi chưa bao giờ săn trộm. Tôi đi theo con đường hợp pháp".

Ông mô tả những gì ông nghĩ là giấy phép săn bắn hợp pháp, ông chỉ bị cảnh sát Nam Phi bắt giữ vì tội gian lận và bị tống vào tù sau khi ký kết những gì mà ông tin là một thỏa thuận để nộp phạt.

Chẳng mấy chốc, ông ta thực sự run rẩy, mắt mở to, giọng cao lên. "Luật sư của tôi đã nói dối tôi ! Người thực sự cầm sừng tê giác thì đã mang về nhà, còn tôi thì đi tù đến 40 năm !".

Cứ như theo cái cách mà ông Chumlong kể lại, thì có vẻ như ông Chumlong đã từng là một vật tế thần cho những tên tội phạm ranh ma đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ông Chumlong để giúp tuồn những chiếc sừng tê giác ra khỏi đất nước (Nam Phi).

Rachel Nuwer

Nguyên tác : How to Stop Poaching and Protect Endangered Species ? Forget the ‘Kingpins’, New York Times, 24/09/2018

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 04/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 678 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)