Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/10/2018

Đình Vũ – Cát Hải hay tập đoàn bất động sản Vingroup

Ánh Liên

Câu chuyện về Vinfast đi xa hơn dự tưởng khi mà giờ đây, câu chuyện nhà máy tại Đình Vũ – Cát Hải liệu có nằm trong chiến lược ‘dụng đất’ gốc của tập đoàn Vingroup.

vin1

Bản đồ vị trí Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải - Hải Phòng

Vingroup xuất phát từ buôn bán bất động sản, và gần như những mảnh đất vàng ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước đều lưu dấu ấn sở hữu của tập đoàn này. Chiến lược của Vingroup đề ra là sử dụng tốt cách thức ‘đổi đất lấy hạ tầng’ của nhà nước, cụ thể - Vingroup sẽ tiến hành xây dựng hạ tầng (đặc biệt là đường xá) để có thể có những mảnh đất mà Vingroup lựa chọn.

Vào tháng Tư, 2018, UBND Thành phố Hà Nội đã tiến hành khởi công đường vành đai 2 trên cao và phía dưới đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đồng Đa, với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, và chủ đầu tư là Vingroup tiến hành theo theo hình thức đối tác công tư (PPP-Public Private Partner), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT-Build and Transfer).

PPP là hợp tác đầu tư công, từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định hướng dẫn trước đó, theo đấy, nhà nước và nhà đầu tư (tư nhân) sẽ cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, và hiện mô hình này được áp dụng ngay cả ở Anh, Mỹ, Nhật… Lý do, PPP là giải pháp tốt để cải thiện cơ sở hạ tầng cả về chất lượng và mặt thời gian, với sự tham gia của tư nhân, làm giảm thâm hụt ngân sách chính phủ, tính chất bảo dưỡng dự án tốt hơn. Tuy nhiên, mô hình này cũng gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có việc nhà đầu tư sẽ áp giá đền vụ để nhận những rủi ro xảy ra, và lạm dụng chính sách này để đầu cơ vị trí đất hay gia tăng giá trị các dịch vụ - hàng hóa của mình.

Trong thực tế, dự án đường vành đai 2 (Hà Nội) do Vingroup đầu tư khiến báo giới chính thống ngay sau đó phải đặt câu hỏi : liệu nhà đất xung quanh (dự án) sẽ dậy sóng ? Cụ thể, tuyến đường sẽ kết nối các điểm vàng mà Vingroup có sự hiện diện, bao gồm cả việc hình thành các trung tâm thương mại, chung cư. Có thể dễ dàng nhìn ra ở tuyến Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, khi hoàn tất thì tuyến đường Minh Khai sẽ được mở rộng, và Times City, thành phố của Vingroup với hệ sinh thái gồm Vinmec, Vinschool, Vinhomes sẽ được hưởng lợi trong việc gia tăng giá trị khi nằm trên khu đất này. Hay đúng hơn nó chứng minh cho nguyên tắc tỷ lệ thuận giữa giá đất với cơ sở là hạ tầng hoàn thiện (đường, điện, trường trạm). 

Trong Sài Gòn, Vingroup cũng tham gia chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh với việc ứng ra 1.100 tỷ đồng, con đường này lại dẫn đến Vinhomes Ba Son, khu vực đắc địa mà bản thân Vingroup sở hữu được.

Quay trở lại với Đình Vũ – Cát Hải, nơi được báo giới phác họa từng là làng chài nghèo (tương tự Thâm Quyến – Trung Quốc). Nhưng điều đó đã khác khi mà cầu Tân Vũ kết nối đất liền với đảo này, trị giá 11.849 tỷ đồng (trong đó phân nửa là vốn vay ODA) vào hoạt động, và cầu này trợ giúp cho nhà máy trị giá 3,5 tỷ USD của Vingroup trở nên giá trị hơn. Trước đó, vào năm 2008, khu vực này được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quy hoạch là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm, ven biển của cả nước. Hiểu đúng là, khu vực này đã được lót bằng cơ chế - chính sách cho dự án 3,5 tỷ USD của Vingroup, chưa kể hàng loạt chính sách về thuế mà tập đoàn này được hưởng bởi Chính phủ.

vin2

Cầu vượt biển Đình Vũ-Cát Hải dài nhất Việt Nam.

Chưa dừng tại đó, khi cầu Đình Vũ – Cát Hải vào hoạt động, giá nhà đất của khu làng chài này tăng vọt. Và một giả thiết mà Facebooker Trương Ngọc đặt ra là, liệu có phải Vingroup đặt nhà máy tại đây, nhưng cái nhắm đến lại là nguồn lợi đất đai, vốn sẽ được hưởng lợi theo Khoản 1 – Điều 62 Luật đất đai 2013, một điều luật mà cho phép thu hồi giá đất rẻ nhằm mục đích ‘phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng’ ?. Dù quan điểm này chưa mang tính vững chắc, nhưng tại đảo Cát Hải (Cát Bà) đang được định hướng như một đảo ngọc (trung tâm du lịch) và dịch vụ cảng biển, và tại đây, nhiều tập đoàn bất động sản hiện diện, trong đó có cả Sungroup và Vingroup. 

Trong một nghiên cứu về ‘chính trị đất đai’ trong chế độ xã hội chủ nghĩa thị trường của nhóm tác giả Hoang Linh Nguyen, Jin Duan, và Guo Qin Zhang 2, cũng đề cập đến Điều 62 Luật đất đai 2013, như là yếu tố chiếm đoạt đất đai mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản vì ‘lý do công cộng’. Và định nghĩa này cũng bị lạm dụng bởi việc ‘xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu công nghệ cao’. Chính điều này nó phản ánh sự can thiệp chính trị của nhà nước vào thị trường đất đây, phản ánh ý chí đơn phương của Chính phủ trong phát triển địa phương (thay vì nhu cầu nội tại), và chính vì vậy, quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam là cơ sở đều tiết sử dụng đất hơn là phát triển ‘lợi ích công cộng’.

Trong khi đó, giá đất chính thức tại mỗi tỉnh được điều chỉnh hàng năm để phù hợp với giá trị đất thay đổi trên thị trường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy, giá đất chính thức đã không phản ánh giá trị đất hiện hành. Tỷ lệ đề xuất giá trị đất ở địa phương thấp hơn 30–70% so với giá trị thị trường ước tính. Và hệ thống định giá đất của Việt Nam đã giúp giảm chi phí đền bù đất, làm tăng lợi nhuận đầu tư.

Trở lại với Vingroup, rõ ràng, dự án đầu tư của tập đoàn này vào ‘làng chài nghèo’ đã đón nhận sự hỗ trợ rất lớn về mặt chính sách, bao gồm cả Điều 62 Luật đất đai, và điều này liệu biến Vingroup trở thành một hình mẫu lý tưởng của cái gọi là ‘chính trị đất đai’ không ?

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 04/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 708 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)