Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/10/2018

Tăng giá ngày quốc tang : 'đánh đĩ phải chừa một phương chứ' ?

Ánh Liên

Câu chuyện quốc tang hay chuyện tưởng niệm người đã chết sẽ không được nhắc nhiều đến hiện nay, khi mà trong giờ phút đó, một doanh nghiệp nhà nước đã tìm cách tranh thủ tăng giá xăng dầu.

xang1

Giá xăng tăng giá đúng ngày Quốc tang Tổng bí thư Đỗ Mười.

Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi, Petrolimex tăng giá xăng lên 300 đồng ; khi Tổng bí thư Đỗ Mười mất, giá xăng tăng lên 700 đồng. Nếu như thêm 2 lần quốc tang nữa, thì có thể xăng dầu tăng thêm gần 2.000 đồng. 

Dân mạng sửng sốt, vì đây không phải là một việc làm đúng tình, đúng nghĩa, cả về mặt ứng xử với đời sống sinh hoạt người dân cũng như đối với người vừa mất. Bởi nếu làm như thế, không khác gì việc đẩy tâm lý người dân vào việc ghét quốc tang, bởi mỗi lần quốc tang là mỗi lần giá xăng dầu lại tăng.

Xăng tăng giá mạnh quá, rồi lại kéo theo hàng loạt mặt hàng khác tăng giá theo, điều này nói thẳng ra là 'bóc lột sức dân, móc túi dân'. Trong khi đó, giá dầu thế giới ngày 6.10 (thời điểm mà Petrolimex tăng giá xăng) thì giảm mạnh, sau khi sự kiện Nga công bố mức sản lượng dầu thô đạt kỷ lục. Những gì diễn ra là sự đảo lộn mọi giá trị, nhưng nó lại vô cùng hợp lý với quan điểm của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, người từng tuyên bố : ủng hộ sớm tăng thuế để các loại thuế chiếm trên 50% giá xăng nhằm bù đắp vào ngân sách.

Nếu cho đây là phương cách để phục hồi lại ngân sách bằng mọi giá, thì đây rõ ràng là một việc làm phi nhân đạo.

Facebooker Lê Hoài Anh, và cũng là một doanh nhân có tiếng ở phía Nam bày tỏ trên trang cá nhân : Trong không khí Quốc tang vô cùng bi ai, thương tiếc các lãnh đạo vừa ra đi của đất nước. Chợt giật mình khi đọc tin xăng dầu lại lên giá, trùng hợp quá, toàn rơi tõm vào đúng những dịp quốc tang. Tổn thất này thật là lớn lao ! Đau thương này thật là vô hạn.

Tăng xăng là hậu quả của sự tham nhũng và yếu kém trong công tác quản lý kinh tế - xã hội quốc gia, nhưng người dân buộc phải gánh chịu điều đó. Quốc tang lại là những người từng đưa ra hoặc góp phần làm nên vấn nạn tham nhũng và yếu kém đó. Có phải lãnh đạo đang muốn người dân phải thực sự khóc lóc trong những ngày quốc tang, nên nghĩ ra trò tăng giá ?

Sự kiện tăng giá trong ngày quốc tang không chỉ tăng lạm phát và làm tổn thương các doanh nghiệp trong nước ; mà còn làm tổn thương người dân lẫn lãnh đạo đã khuất. Bởi người dân sẽ ghi nhớ sự kiện quốc tang của một 'đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước' như là một cơ hội để bóp lấy sức dân. Đến mức, nhà báo Hoàng Hải Vân phẫn nộ : 'Đánh đĩ' mười phương thì phải chừa ra một phương chứ, sao nhằm vào ngày quốc tang mà trục lợi ?

Người dân buộc phải cầu trời rằng, các vị lãnh đạo đảng và nhà nước sống mãi trong sự nghiệp cách mạng, hoặc bản thân các vị lãnh đạo phải trường tồn với dân tộc như là một biện pháp để giữ giá xăng dầu ổn định và tránh lạm phát. Điều này nghe thật kỳ cục, nhưng trong hệ thống chính trị - xã hội – kinh tế hiện nay, mọi điều kỳ cục đều có khả năng trở thành một thực tế.

Một nghịch lý tồi tệ, đầy chướng khí, khôi hài của một xã hội đảo điên mọi thứ. Một thời thổ tả lên ngôi, trong một màu áo mới ! Người dân từ nay, thay vì hát vang bài ca 'thôi đừng chiêm bao tiến lên xã hội chủ nghĩa', thì họ có thể bày tỏ, 'thôi đừng quốc tang !'.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 08/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)