Cuốn sách linh thiêng có số phận gian truân ‘Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử’ do First News - Trí Việt cùng nhiều tác giả sau 4 năm tâm huyết thực hiện.
Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Văn Học xuất bản, giấp phép phát hành hoàn toàn hợp pháp, được cấp phép Họp báo trang trọng ra mắt bạn đọc cùng các thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh Gạc Ma đúng vào tháng Bảy tri ân Liệt sĩ 2018 (dự định xuất bản ban đầu 27/7/2014).
Cuốn sách được đông đảo bạn đọc cả nước và nhất là các gia đình liệt sĩ và Cựu binh Gạc Ma xúc động, vui mừng ủng hộ, và cũng đã tạo nên một cuộc tranh luận đa chiều chưa từng có trên mạng xã hội về cuốn sách. Nhưng tất cả mọi người rất bất ngờ và ngỡ ngàng khi sau đó ít lâu có công văn thu hồi !
Đọc lại những văn bản quan trọng khởi đầu của tác phẩm ‘Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử’ trong hành trình xin giấy phép xuất bản từ những năm đầu 2014 - 2015, tôi và mọi người trong ban biên soạn rất ấn tượng và xúc động với Lời giới thiệu được viết xong lúc gần sáng ngày 1/7/2014 sau khi xem đoạn clip 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma vào sáng ngày 14/3/1988 của anh Đào Văn Lừng, lúc đó đang là Vụ Trưởng - Trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Ban Tuyên giáo Trung ương.
Điều quan trọng không phải là anh Lừng đã tự tay viết một lời giới thiệu vô cùng tâm huyết bằng chính cảm xúc và nhận thức của mình về sự thật - mà để hỗ trợ cho nhóm tác giả đi xin giấy phép - anh đã đóng con dấu đỏ của Cơ quan Thường trực phía Nam - Ban Tuyên giáo Trung ương vào văn bản và chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc làm đúng đắn của mình.
Khi gặp 16 anh em Cựu binh Gạc Ma vào Thành phố Hồ Chí Minh phỏng vấn thực hiện sách giữa tháng 3/2016, anh Lừng đã trò chuyện chân tình, bắt tay từng người và trích tiền lương gửi biếu mỗi người 200 ngàn đồng để ăn bát phở và hỗ trợ phần nào tàu xe. 200 ngàn không hề lớn nhưng tấm lòng của anh Lừng làm tất cả anh em cựu chiến binh Gạc Ma rất xúc động lúc đó và ghi nhớ, nhắc đến tận bây giờ.
Việc ghi rõ họ tên chức vụ của mình và đóng dấu vào văn bản giới thiệu một cuốn sách vào năm 2014 - thời điểm mà hai chữ mà bất kỳ ai nhắc đến - Gạc Ma - đang được cho là rất nhạy cảm - là một hành động rất dũng cảm, bản lĩnh và chính trực của anh Đào Văn Lừng, mà không phải ai cũng dám làm - sau này nhân dân và lịch sử sẽ ghi nhận.
Gạc Ma - Sao lại lãng quên ?
Anh Đào Văn Lừng đã có lời phát biểu rất sâu sắc trong buổi ra mắt sách Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử ngày 10/7/2018 : "Sự kiện thảm sát của Trung Quốc ở đảo Gạc Ma diễn ra chưa đầy 20 phút ngoài biển khơi nhưng ở trên đất liền cuộc chiến đấu cho sự thật Gạc Ma được công bố trọn vẹn dai dẳng suốt 30 năm qua, và chắc chắn sẽ còn diễn ra ác liệt sau khi cuốn sách được cấp giấy phép phát hành giữa bên ủng hộ sự thật và bên vì các lợi ích, mục đích khác". Mọi việc đã và đang diễn ra đúng như nhận định của anh Đào Văn Lừng.
Người thứ hai là anh Nguyễn An Tiêm (tên thật là Nguyễn Anh Tiêm), vào năm 2014 anh đang là Phó Vụ trưởng - Vụ Báo chí xuất bản - Phụ trách xuất bản của Ban Tuyên giáo Trung ương (hiện nay là Phõ Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam), đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong hành trình xin giấy phép xuất bản cuốn sách lịch sử này. Hơn thế nữa, anh đã cùng First News và anh Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, bay sang Seoul, Hàn Quốc cùng tham gia tổ chức cuộc đấu giá bức tranh cát Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử và làm lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma tại tổ đình Phụng Nguyên tại trung tâm Seoul do Sư cô Thích Giới Tánh, Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra tổ chức (2).
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm là người trực tiếp trong chiến dịch Chủ quyền 88, nguyên Phó Tham mưu trưởng kiêm Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng Hải quân Việt Nam giai đoạn 1988 tuy tuổi cao, sức yếu nhưng rất trăn trở và tâm huyết với sự ra đời cuốn sách này. Một vị tướng chính trực như ông - không chỉ đau đáu về Gạc Ma - mà từng phản ứng rất mạnh mẽ khi giàn khoan HD981 xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Ở Việt Nam có nhiều người khi đang tại chức, họ được người dân bình chọn và hưởng lương sống từ tiền thuế của dân nhưng không phải lúc nào họ cũng dám mạnh dạn lên tiếng nói chính trực, đấu tranh cho sự công bằng cho số đông nhân dân, của đất nước, dân tộc đúng như những điều họ hứa khi nhậm chức, đúng như lương tâm họ cảm nhận và từ những gì sự thật mà chính bản thân họ đã mắt thấy tai nghe - mà thường là im lặng cho yên phận ‘dĩ hòa vi quí’, có lúc vô cảm không nhìn, không nghe, không thấy, miễn sao cái ghế và quyền lợi của họ được an toàn, đảm bảo. Ai mà cũng vậy thì hỏi vì sao đất nước, quốc gia này đầy rẫy tiêu cực, tham nhũng bất công và khó phát triển nhanh được ?
Lời Bác Hồ dạy làm cán bộ phải tuyệt đối chí công vô tư, hết lòng trung thành vì nước vì dân dường như cũng không còn được áp dụng, quán triệt thực hiện triệt để.
Một số ít trong họ sau khi hạ cánh về hưu mới lên tiếng về những điều lẽ ra họ dám nói khi còn tại chức thì ý nghĩa và tạo được nhiều sự thay đổi cho đất nước biết bao ?
Rất nhiều cựu chiến binh và bạn đọc ngạc nhiên và ước mong rằng những vị tướng tá về hưu đang lên tiếng đòi tiêu hủy cuốn sách nói rằng nếu họ hiểu sự thật Gạc Ma ngay từ khi sự việc diễn ra thì sao họ không chính trực lên tiếng để giúp người dân và những người lính trẻ trong quân đội hiểu rõ về sự kiện Gạc Ma để nâng cao tình yêu Tổ quốc khi họ còn đang tại chức, có tiếng nói và quyền lực trong quân đội ?
Và đâu phải là làm sách về Gạc Ma, tôn vinh liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc là bài Trung, phò Mỹ đâu ?
Trên trang mở đầu cuốn ‘Tâm hồn cao thượng’ của Ý có một câu : "Trên chuyến bay cuối cùng của cuộc đời, không một ai được quyền mang theo hành lý - kể cả xách tay lẫn ký gửi - trừ tâm hồn cao thượng và công tội suốt quãng đời khi còn sống".
Với tất cả lòng tri ân sâu sắc nhất hướng về 64 liệt sĩ Gạc Ma và tình yêu Tổ Quốc và biển đảo Việt Nam - tôi và tất cả những người tham gia thực hiện cuốn sách cùng rất nhiều bạn đọc yêu quê hương khắp cả nước có một niềm tin chắc chắn là không một thế lực nào, với bất kỳ lý do nào có thể ngăn cản được sự trường tồn của tác phẩm ‘Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử’ (đã đính chính các lỗi kỹ thuật) - cho dù nó có thể phải trải những thăng trầm thử thách chưa từng có trong lịch sử xuất bản Việt Nam.
Bởi cái đúng, lẽ phải sau cùng tất sẽ chiến thắng, và - như lời một người đang giữ trọng trách đối với tác phẩm này :
"Trong cuốn sách đặc biệt này, không chỉ chứa dựng rất nhiều sự thật mà mọi người dân Việt Nam nên biết - mà còn ẩn chứa Linh hồn của 64 Liệt sĩ Gạc Ma trước nay ẩn dật âm thầm, lạnh lẽo nơi biển lạnh đảo xa suốt 30 năm qua vì hài cốt vẫn còn nằm ở dưới đáy biển sâu giờ đang hiển linh hiện về trong từng trang của cuốn sách linh thiêng này !" (3).
Nguyễn Văn Phước
Nguồn : fb: nguyenvanphuocfirstnews, 07/10/2018
(1) https://news.zing.vn/vi-sao-sach-ve-gac-ma-chua-duoc-cap-ph…
https://vov.vn/…/tuong-le-ma-luong-sach-gac-mavong-tron-bat…
(2) http://cand.com.vn/…/Sua-Le-cau-sieu-va-dau-gia-tranh-cat-…/
http://congan.com.vn/…/nguoi-viet-danh-352-trieu-dong-trao-…
(3) https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1776650939115016&id=100003103817076
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1861336480646461&id=100003103817076