Không phải ngẫu nhiên mà ông Trọng không thể kiên nhẫn chờ thêm nửa năm hoặc tối thiểu là ba tháng cho đủ ‘giỗ 100 ngày Trần Đại Quang’ khi tìm cách ngồi ngay vào cái ghế trống của kẻ quá cố vừa để lại, như thể ‘của thừa kế’ đó chỉ dành riêng cho Trọng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 2/4/2018.
Làm thế nào để được ‘chính danh’ ?
Tính ‘chính danh’ - nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất mà blogger ‘lề đảng’ Huy Đức thốt ra trong bài ‘Nhất thể hóa’ như một cách tung hô Tổng bí thư Trọng - là lý do đầu tiên và quan trọng hơn cả để ông Trọng nhất thiết phải được nội bộ đảng và quốc tế xem là chủ tịch nước, tức nguyên thủ quốc gia, nhất là nếu ông ta muốn sớm tiến hành chuyến công du đến Washington vào tháng Mười Một năm 2018 mà không thể bị giới ngoại giao Mỹ và Tổng thống Donald Trump càm ràm về việc Trọng chỉ là một ‘đảng trưởng’ mà không phải là người đứng đầu nhà nước.
Một cách đương nhiên, nếu có thêm được chức chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng sẽ trở nên ‘chính danh’ trong các cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới mà chẳng cần nhờ vả hay quá lệ thuộc vào Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm cách thuyết phục quốc tế chấp nhận ‘đối thoại với kênh đảng’, như các cuộc gặp của Trọng với Obma tại Mỹ vào tháng Bảy năm 2015 và với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào tháng Ba năm 2018.
Không chỉ là thể diện của ‘kênh đảng’, còn có một biểu hiện khác cho thấy Nguyễn Phú Trọng đặc biệt dành tâm trí cho sĩ diện cá nhân trong nhiệm vụ tiếp khách quốc tế tại Việt Nam.
Tháng Mười Một năm 2017, vài ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APCE) kết thúc tại Đà Nẵng và hệ thống báo đảng tự ca ngợi hết lời, Nhân Dân – "cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam" – đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm".
Tựa đề trên có thể khiến người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia "quyền lực" rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của "tứ trụ" trong việc tiếp "Trăm" (phiên sang tiếng Anh là Trump).
Sự kỳ quặc của tựa đề trên cũng bởi đây là một tựa đề hiếm có, cứ như thể nếu không ghi rõ ra sự phân công trách nhiệm của từng thành viên trong Bộ Chính trị thì người đọc và dư luận quần chúng nhân dân sẽ không thể biết được ai là người có vai trò ra sao, nhất là ai mới là người có vai trò chủ chốt trong việc tiếp "Trăm".
Trước đó khoảng ba tuần, Washington đã phát thông cáo báo chí : "Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam".
Sau đó, Tòa Bạch Ốc phát tiếp thông báo rằng Tổng thống Trump sẽ "chào xã giao" Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghĩa là cuộc gặp giữa "Trăm" với Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là "bổ sung".
Tính chất "bổ sung" như trên là phù hợp với đánh giá của giới quan sát và phân tích chính trị khi cho rằng khác hẳn với tổng thống đời trước Obama có vẻ mềm mỏng và nể nang, "Trăm" là người không quá quan tâm đến phép tắc xã giao và càng chẳng quan tâm đến "kênh đảng" của ông Nguyễn Phú Trọng. Một bằng chứng có thể nhận ra được là mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lặp đi lặp lại về sự cần thiết "duy trì quan hệ kênh đảng’ với phía Mỹ khi ông Phúc đi Washington vào tháng 5/2017, nhưng "Trăm" lại chẳng nói một từ nào về đề nghị này.
Nhân Dân được xem là "báo ruột" của Tổng bí thư Trọng.
Sẽ lần đầu tiên đi Mỹ với tư cách nguyên thủ quốc gia ?
Từ trước ngày 30/9/2018 là thời điểm Bộ Chính trị tổ chức họp bất thường để bàn phương án nhân sự nào sẽ được ngồi vào cái ghế của Trần Đại Quang, trong nội bộ đảng bất chợt lan truyền một luồng thông tin cho biết ‘Cụ Tổng không muốn làm chủ tịch nước đâu, nhưng vì nhiều người tha thiết đề nghị nên đành phải làm’. Sau đó, thông tin này lan nhanh ra dư luận các giới trong xã hội. Một lần nữa, Nguyễn Phú Trọng lại được một số người tin là ‘có đức khiêm tốn’ và ‘không tham vọng quyền lực’.
Thật ra, thông tin trên là phần nào có cơ sở thực tế, nếu xét đến việc Tổng bí thư Trọng đã tập quyền với tốc độ cao kể từ sau đại hội 12, đặc biệt từ tháng Mười Hai năm 2017 khi ông Trọng chỉ đạo Bộ Công an phải bắt quan chức vừa mất ghế ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng. Trong thực tế, Nguyễn Phú Trọng đã từ lâu là Bí thư quân ủy trung ương một cách thực chất, không những thế còn phần nào nắm được Tổng cục Tình báo quân đội - điều mà những đời chủ tịch nước gần nhất như Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang đã không thể nào làm được dù có nhiều cố gắng.
Và cũng chẳng cần là chủ tịch nước hay thủ tướng chính phủ, ông Trọng vẫn đã tung hoành ngang dọc trên bàn cờ chính trị quốc gia bằng thủ thuật ‘luân chuẩn cán bộ’ và ‘phân công, điều động cán bộ’ - những động thái được Ban Tổ chức trung ương của Tô Huy Rứa thực hiện đến 3 chiến dịch trong năm 2015 trước đại hội 12, và của Phạm Minh Chính tiến hành suốt từ cuối năm 2016 đến giờ.
Cả Rứa và Chính đều được xem là ‘người của Trọng’. Không chỉ cán bộ khối đảng mà cả cán bộ thuộc khối chính phủ cũng nằm trong tầm khống chế sát sao của đảng trên danh nghĩa ‘cán bộ nằm trong diện Ban Bí thư và Bộ Chính trị quản lý’.
Thực tế là cho dù Trần Đại Quang không chết hoặc chưa chết, Nguyễn Phú Trọng vẫn không mấy thèm thuồng cái ghế chủ tịch nước mà chủ yếu là chuyện ‘ma chay hiếu hỉ’. Về thực chất, Nguyễn Phú Trọng đã đạt đến mức độ tập quyền cao chưa từng thấy, có thể lên đến 80 - 85% trong nội bộ đảng kể từ sau đại hội 12. Còn sau khi Quang chết, tỷ lệ tập quyền ấy có thể vọt đến 95% như cái cách mà Tập Cận Bình đang ở đỉnh cao quyền lực tại Trung Quốc.
Và đã đến lúc Nguyễn Phú Trọng cần một cái gì hơn thế : thỏa mãn tính sĩ diện cá nhân và thể diện của ông ta trong những chuyến công du nước ngoài. Phải làm sao để bản thân ông ta và Bộ Ngoại giao Việt Nam không còn phải khẩn khoản đề nghị những nước phương Tây lưu ý đến ‘tăng cường quan hệ kênh đảng’, mà chính ông ta phải trở thành một nguyên thủ quốc gia để hợp thức hóa thảm đỏ và 21 phát đại bác chào đón.
‘Mình phải như thế nào người ta mới đón tiếp như thế chứ !’ - Trọng thốt lên đầy hể hả sau khi được đích thân Tổng thống Mỹ Barak Obama đón tiếp trọng thị ngay tại Phòng Bầu Dục như một ngoại lệ vào tháng Bảy năm 2015.
Kỳ tích đó đang được kỳ vọng sẽ lặp lại vào tháng Mười Một tới, nếu Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ và được Trump tiếp. Khi đó, với tư cách nguyên thủ quốc gia, ông Trọng sẽ chẳng cần tỏ ra ngạc nhiên vì sao được tiếp đón khác hẳn với quá khứ ‘đảng trưởng’.
Tư tưởng tuyệt đối hay tha hóa tuyệt đối ?
Toàn bộ quá trình đi lên từ khi còn là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch quốc hội đến nay đã cho thấy với Nguyễn Phú Trọng, tham vọng lớn nhất không phải là vật chất tiền bạc, mà là tinh thần.
Trong một mớ hổ lốn quan chức từ thấp đến cao chỉ biết so nhau bằng tốc độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ và giá trị tài sản từ trăm triệu đến hàng tỷ USD, những người cho tới nay còn giữ được tư cách sạch sẽ, dù chỉ là tương đối như Trọng, được xem là ‘hàng hiếm’. Nỗi khao khát của Nguyễn Phú Trọng hướng sang một kênh khác : phương trình phức hợp giữa chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng mác xít cùng tâm thế ‘thời thế sinh anh hùng’ của thời phong kiến.
Nhưng cái logic tiếp theo sự chọn lựa những yếu tố trên luôn là phải đạt đến một quyền lực tuyệt đối và tư tưởng tuyệt đối. ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ đã được ngự trong hiến pháp Trung Quốc, tại sao lại không thể có ‘tư tưởng Nguyễn Phú Trọng’ nằm trong hiến pháp Việt Nam tại đại hội 13, nếu còn có đại hội đó ?
Và biết đâu đấy trong tương lai, Nguyễn Phú Trọng sẽ còn được thỏa mãn cả một khao khát tinh thần mà ông ta thường nhắc tới trong những cuộc tiếp xúc với cử tri : ‘lưu truyền sử xanh’.
Nhưng sau tất cả mà bài học gần gũi nhất là cái chết chẳng mấy an lành của Trần Đại Quang, cái tiếp biến của quyền lực tuyệt đối - như đã quá nhiều lần được lịch sử loại người dẫn chứng - đó là sự tha hóa tuyệt đối về nhân cách lãnh đạo và đạo đức chế độ cầm quyền mà sẽ tất yếu dẫn đến sụp đổ chế độ đó.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 06/10/2018