Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/10/2018

Mỹ càng đánh Trung Quốc : Việt Nam càng hưởng lợi

Ánh Liên

Mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi, ý thức hệ hay là thương mại ?

my0

Biến động chiến tranh thương mại đã giúp Hà Nội hưởng lợi nhiều, hầu hết từ việc đón nhận chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang

Trong quá khứ, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố giữ vững chủ nghĩa xã hội hơn là theo chủ nghĩa tư bản để đánh mất chế độ. Quan điểm quan liêu này tưởng chừng như biến mất trong thời kỳ toàn cầu hóa, nơi mọi quốc gia bình đẳng, và sức mạnh kinh tế đến từ hợp tác - trao đổi, tuy nhiên, trong các kỳ Đại hội Đảng, đảng viên cao cấp Đảng cộng sản Việt Nam lại luôn nhắc lại với cụm từ : cảnh giác trước diễn biến hòa bình.

Giữ bằng được chủ nghĩa xã hội, và tránh mối quan hệ quá sâu với chủ nghĩa tư bản là quyết sách hàng đầu của Đảng, và nó quyết định trong việc chơi với ai (Phương Tây hay Trung Quốc) ? Yếu tố chủ nghĩa xã hội cũng là cơ sở để đảm bảo mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc, và người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam - ông Nguyễn Phú Trọng từng thừa nhận gián tiếp điều này qua lời chia sẻ tại một cuộc họp : nếu xảy ra đụng độ trên Biển Đông thì liệu 'chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không' ?

Bản thân Trung Quốc cũng là hình mẫu mà Hà Nội tìm cách học theo nhằm phát triển kinh tế nhưng cũng đồng thời giữ bằng được chế độ, để hiện thực hóa giấc mơ : sự lãnh đạo tài tình của Đảng - một khẩu hiệu thường thấy trên các đường phố các tỉnh thành.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại Trung Việt nổ ra, thì đồng thời câu chuyện chơi với ai phải được đặt ra. Một ví dụ rất nhỏ là trong tuần vừa qua, phía Trung Quốc ngừng thu mua thanh long khiến không ít nông dân Việt Nam phải khốn đốn, nó cho thế tác hại của sự lệ thuộc vào Trung Quốc, mà Việt Nam lại là quốc gia xuất siêu và nhập siêu bởi thị trường tỷ dân này.

Cũng là vấn đề thanh long, các doanh nghiệp phía nam khi xuất khẩu sang Tây Âu thì được giá (nghĩa là không bị khủng hoảng), một phần dựa vào uy tín sản xuất và sự chuyên nghiệp trong mua bán thông qua hợp đồng (hơn là dựa vào lối ăn dựa trên lời nói với thương lái khi vào thị trường Trung Quốc).

Trong khi đó, sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở Biển Đông luôn trong trạng thái báo động đỏ. 

Và để thoát ra khỏi sự rắc rối đến từ người láng giềng phương Bắc, thì Hà Nội cần các Hiệp định thương mại hơn bao giờ hết. Theo trang tin Atimes, '12 hiệp định FTA và 17 giao dịch thương mại song phương ; Hiệp định FTA và CPTPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ trở thành một điểm sản xuất hấp dẫn nhờ kết nối hoàn thiện với thương mại toàn cầu'. Có lẽ vì vậy, mà nhà hoạt động Nguyễn Quang A, người từng bị chính quyền Việt Nam chỉ trích gay gắt và bị gây khó dễ trong thời gian qua lại được đối xử 'tốt hơn' trong thời gian gần đây, nhất là 'phải cho đi Bỉ lần này' thông qua lời nhắc nhở 'kiểm tra passport' của các viên an ninh khi đi đến thăm nhà ông.

Trở lại câu chuyện, sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hỗ trợ gì cho chính Việt Nam trong cả chính trị và kinh tế.

Đầu tiên là chính trị, Việt Nam bớt những rắc rối không cần thiết ở mặt trận Biển Đông, khi mà Mỹ lôi kéo đồng minh (Anh, Nhật) đến vào tháng Chín. Sự hiện diện của phương Tây trong khu vực này lại vô tình giúp cho Việt Nam không rơi vào tình huống khó xử, cụ thể là : làm thế nào để ứng phó với Trung Quốc một cách hiệu quả mà nhận được sự đồng thuận của người dân.

Kết quả, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam thay vì 'quan ngại', thì lần này lại bày tỏ sự cầu thị : tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Trong lĩnh vực thương mại, là sự xuất hiện dòng chảy các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh hệ quả 'áp thuế' từ chính sách của Donald Trump.

Rõ ràng, Trung Quốc bị đánh trong thương mại thì Việt Nam là người hưởng lợi ; nó chấn chỉnh nền sản xuất của quốc gia. Nhưng muốn có sự bền vững trong hưởng lợi này, Việt Nam cần phải tôn trọng hệ thống thương mại mà Mỹ định hình, hơn là nối đuôi với Trung Quốc vì mục đích chính trị. Và đó còn là chủ nghĩa thực dụng mà các nhà lãnh đạo Việt Nam cần tăng cường và phát huy trong thời gian tới.

Chơi với Mỹ là sự công bằng và phát triển, điều này ngược hoàn toàn với Trung Quốc : lệ thuộc và rủi ro. Vấn đề các nhà lãnh đạo Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế đến đâu, hay lại chỉ luẩn quẩn quanh vòng tròn diễn biến hóa bình và chơi với Trung Quốc để giữ gìn chế độ mà họ đặt ra từ vài thập niên trước, trong bối cảnh chiến tranh.

Đọc thêm : Ánh Liên chuyển ngữ (VNTB) Trong một bài viết vào ngày 08/10, Asiatimes đã cho biết, biến động chiến tranh thương mại đã giúp Hà Nội hưởng lợi nhiều, hầu hết từ việc đón nhận chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang, ngay cả đối với các ông lớn như Foxconn, LG, Samsung,...

Khối lượng thương mại Việt Nam trong một báo cáo của Hải quan Việt Nam cho biết, tăng từ -6,65% trong tháng 05/2011 lên 2,67% vào tháng 05/2018.

Bản thân Việt Nam cũng dự kiến xuất khẩu mạnh sản phẩm da giày, túi xách với dự đoán tăng 10% so với năm ngoái, nói cách khác, Việt Nam đang chơi trong thương mại Mỹ - Trung. Nhưng chưa dừng tại đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nhiều khi mà Hà Nội là chủ thể tham gia của 12 hiệp định FTA và 17 giao dịch thương mại song phương. Khi Hiệp định FTA và CPTPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ trở thành một điểm sản xuất hấp dẫn nhờ kết nối hoàn thiện với thương mại toàn cầu.

Sự tấn công thương mại một cách cương quyết của ông Donald Trump cũng khiến cho nguồn cung và nhu cầu đối với các nhà sản xuất đang giảm mạnh, từ đơn hàng xuất khẩu ở mức 51,2% trong tháng 5, xuống còn 48% trong tháng 9, theo báo cáo của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc. 

Tuy nhiên, một vấn đề mà Việt Nam sẽ gặp phải là các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Việt Nam có thể tìm cách lách thuế quan trong sản xuất, chiến thuật này có thể khiến Hà Nội bị vạ lây khi hàng rào thương mại của Tổng thống Mỹ có thể được áp dụng mở rộng đối với một số quốc gia có liên quan đến Trung Quốc. 

Trong bối cảnh được hưởng lợi, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại lên đến 40 tỷ USD với Mỹ, và Việt Nam sẽ sớm trở thành khâu gia công, lắp ráp của ngành công nghiệp linh kiện điện tử chừng nào thương mại Mỹ - Trung còn gián đoạn, ngay cả đối với nhà sản xuất oto tại Trung Quốc (một ngành công nghiệp phụ trợ mà Việt Nam đang kỳ vọng có sự thay đổi lớn). Trung Quốc làm gì ? Trung Quốc đang tìm cách đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam, bằng cách Trung Quốc sẻ kết nối trung tâm sản xuất ở Nam Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam, và đây cũng là cách thương để Bắc Kinh san sẻ rủi ro thương mại trong thời gian tới. Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 57 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, và đầu tư Trung Quốc cũng tiếp tục tăng. 

Đặc biệt, Trung Quốc có vẻ hài lòng về các điều khoản thương mại mang tính chất lỏng lẻo trong biên giới chung, khi vào tháng 8 - Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 18 trong cho phép thanh toán đồng nhân dân tệ. Cạnh đó, Hà Nội ban hành hai đạo luật khuyến khích mở rộng tuyến sản xuất sản phẩm Trung Quốc qua Việt Nam, và điều này khiến cho dòng sản xuất thương mại này bùng nổ. Đây cũng có thể là một yếu tố mang tính chính trị hơn là kinh tế, bởi điều này đồng nghĩa với gian dối thương mại mà Mỹ đang hết sức nghiêm túc răn đe, khi mà sản phẩm Trung Quốc lại được dán nhãn 'made in Việt Nam' nhằm tránh thuế quan Mỹ như đề cập ở trên.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 10/10/2018

(1) https://bit.ly/2NxgSee

Quay lại trang chủ
Read 460 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)