Xây nhà hát ngàn tỷ - nỗi đau, sự phẫn nộ của dân và sự vô cảm cùng cực của quan chức Thành phố Hồ Chí Minh
Xây Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch vì "cần cho người dân" ?
Phát biểu trong buổi họp khai mạc kỳ họp thứ 10 (bất thường) của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX để thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch, bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng "đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc", và cuối cùng thành phố đã thông qua dự án này vì "cần cho người dân" (1).
Bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng "đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc"
Chả biết bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và đám quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đã làm một cuộc khảo sát, hỏi ý dân bao giờ chưa mà dám tuyên bố ngon lành và cho thông qua dự án này, nhưng chỉ cần đọc lướt qua hơn 1.093 comments bên dưới bài báo (tính đến sáng sớm ngày 12/10 giờ Việt Nam) thì đa số ý kiến là phản đối. Còn nếu theo dõi trên mạng facebook mấy ngày nay thì thấy dư luận chửi không tiếc lời.
Nhưng phải đến khi xem clip bà con dân oan thủ Thiêm biểu tình trước cửa Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/10 để phản đối việc xây Nhà hát, yêu cầu các quan chức thành phố giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm, trả lại nhà, trả lại tài sản cho dân, mới thấy người dân Thù Thiêm đau đớn, phẫn nộ như thế nào ! (2).
Đây mới là tiếng nói thật của người dân đây, bà Quyết Tâm, bà vào mà nghe dân rủa "nếu không giải quyết được chuyện đất đai, tài sản cho dân thì dân chúng tôi nguyện đổ máu trong nhà hát, cái nhà hát xây trên xương máu của nhân dân này…". "Yêu cầu dẹp ngay cái vụ nhà hát xây trên xác người…".
Bà con dân oan thủ Thiêm biểu tình trước cửa Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/10 để phản đối việc xây Nhà hát
Dân chỉ thẳng mặt từ Nguyễn Phú Trọng cho tới đám lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, cả một lũ chỉ lo vui sướng trên mồ hôi nước mắt, trên xương máu, trên nỗi đau của dân oan Thủ Thiêm suốt mười mấy, hai chục năm nay. Ông Nguyễn Phú Trọng vào mà nghe "Ông là vua một nước, ông phải nhớ : Lấy được đất nước phải lấy được lòng dân, còn không là mất tất cả...".
Nghe dân kêu mà đau. Vậy mà có những kẻ còn lên tiếng ủng hộ xây nhà hát Giao hưởng này ra cái điều biết thưởng thức nghệ thuật cao đẹp !
Sẽ không ai phản đối xây nhà hát Giao hưởng - Ca vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế nếu như nó không phải xây từ đất đai cướp của dân, trên nỗi đau của dân ; nếu như Việt Nam không phải là một nước nghèo, tham nhũng đã trở thành "quốc nạn" và vẫn đang nợ nần ngập cổ ; nếu như người dân Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng không còn quá nhiều nhu cầu bức thiết khác, đường xá thì ngập, toilet công cộng còn không có đủ, bệnh viện thì luôn luôn quá tải, trường học còn thiếu, thậm chí nếu xây một cái thư viện công cộng đạt tiêu chuẩn quốc tế cho dân vào đọc sách xem phim nghe nhạc miễn phí để nâng cao dân trí cũng còn có lý hơn ; và cuối cùng, thành phố này đã có mấy cái nhà hát nào Nhà hát Thành phố, Nhạc viện Thành phố, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành… sao không nâng cấp, sửa chữa mà cứ phải xây thêm cho bằng được ?
Nghe dân kêu gào mà đau. Vậy mà đám quan chức nước này vẫn cứ trơ mặt ra, miễn sao tiền đầy túi là được !
Thủ Thiêm dậy sóng : dân oan đồng loạt biểu tình phản đối nhà hát 1.500 tỷ - Saigon Times 11/10/2018
Đất đai-mâu thuẫn, xung đột và bi kịch lớn nhất của chế độ
Có ai đó nói một câu "nhà hát xây trên những xác người" ! Thật không có gì đúng hơn. Và trong clip biểu tình kia, người dân cũng lặp đi lặp lại cụm từ đó : nhà hát xây trên những xác người !
Nhưng thật ra, từ bao nhiêu năm nay rồi, cái đảng này, cái nhà nước này lúc nào mà chả hát trên những xác người ? Cả một con đường dài suốt hơn 7 thập niên qua của đảng cộng sản là xây bằng xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống và hàng chục triệu người khác đã và đang bị đày đọa trong nhà tù lớn Việt Nam. Bao nhiêu mạng người hy sinh cho những cuộc chiến tranh lẽ ra đã không phải xảy ra, để rồi cứ hàng năm nhà cầm quyền lại ăn mừng chiến thắng, lại tụng ca trên những xác người… Bao nhiêu mất mát, đau thương để cuối cùng cả đất nước này, cả tài nguyên, khoáng sản, lãnh thổ cho tới sinh mạng của người dân là thuộc về nhà cầm quyền, nói gì đến mảnh đất của dân...
Riêng chuyện đất đai, bao nhiêu nỗi đau, bao nhiêu người trở thành dân oan, bao nhiêu người mất nhà, hóa rồ dại hay tự sát, rồi những ngôi chùa, nhà thờ…bị nhà nước này lấy mất, tất cả cũng chỉ vì cái nguyên tắc "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý !". Sở hữu toàn dân cũng có nghĩa là của chung, không ai có thực quyền tư hữu, nhà nước quản lý nên muốn lấy lại lúc nào, muốn làm gì là tùy ý ! Khi nào còn chế độ cộng sản, còn Luật đất đai khẳng định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là người đại diện và thống nhất quản lý" thì còn nhiều dân oan, nhiều bi kịch, và ngược lại, về phía nhà cầm quyền, là còn lắm kẻ vì lòng tham sẵn sàng làm tất cả để cướp trắng đất đai, nhà cửa... được xây bằng mồ hôi nước mắt và cả máu, của nhân dân...
Mâu thuẫn, xung đột về đất đai là mâu thuẫn, xung đột lớn nhất dưới chế độ cộng sản, và đã từng có những bi kịch lớn như cuộc nổi dậy của nông dân Thái Bình năm 1997 dẫn đến hàng ngàn người bị bắt, bị cầm tù và cả bị chết trong tù. Hay vụ Biểu tình ở Tây Nguyên 2004 của đồng bào dân tộc thiểu số đòi lập Nhà nước Đề Ga tự trị, đòi đất, đòi tự do tôn giáo với tổng cộng gần 10 000 người tham gia, đồng loạt ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, nhưng xuất phát điểm cũng là do đất đai, đồng bào bị nhà cầm quyền cướp đất, đuổi khỏi khu vực ngàn đời sinh sống của họ. Vụ này cũng bị đàn áp dữ dội, không ai biết được chính xác con số bao nhiêu người bị bắt, bị giết, một số tháo chạy qua Thái Lan, Campuchia xin tỵ nạn còn bị truy lùng đuổi tận…
Còn những bi kịch cá nhân, người dân phẫn uất nổi dậy chống lại nhà cầm quyền thì rất nhiều, trong đó có vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, là kĩ sư nông nghiệp tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, vì bị cưỡng chế đất, tài sản mà nổi dậy, dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả nhằm vào lực lưỡng cưỡng chế, hậu quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương, còn anh em ông Đoàn Văn Vươn thì phải đi tù nhiều năm. Hay vụ anh Đặng Ngọc Viết ở phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, nổ súng tại UBND Thành phố Thái Bình làm bị thương 4 người đều là cán bộ của trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố Thái Bình sau đó tự sát v.v… Đó là chưa kể bao nhiêu vụ thu hồi đất của các giáo xứ, xóa sổ nhà thờ, chùa…
Thế nhưng thay vì thay đổi Luật đất đai nhằm tháo ngòi nổ cho những xung đột trong xã hội, làm giảm những bi kịch và hạn chế tham nhũng thì nhà cầm quyền vẫn làm ngơ !
Vụ Thủ Thiêm này có hàng chục ngàn hộ dân bị giải tỏa, đền bù không thỏa đáng phài lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, ròng rã đi khiếu kiện kêu oan bao nhiêu năm nay, và trong đó có bao nhiêu gia đình phải ly tán, bao nhiêu người trở thành bệnh nhân tâm thần hay tự sát treo cổ ?
Nhà báo Ngọc Vinh viết trên facebook : …
"Năm 2010, khi làm trưởng Ban thời sự Xã hội của TT, tôi có chỉ đạo PV phụ trách nhà đất tìm hiểu về vấn đề đất đai ở Thủ Thiêm. Đó là phận sự của tôi, của vị trí mà tôi phụ trách. Một tuần sau, cậu PV 11 năm tuổi nghề báo cáo : "thưa anh, ko làm được đâu anh ơi, vì có làm báo cũng ko dám đăng ; nếu đăng cũng sẽ ko đi đến đâu, vì đất ở đó đại gia đình "anh Hai" đã thâu tóm hết rồi".
Chúng tôi, và rất nhiều nhà báo nữa đã ko làm tròn được cái gọi là "sứ mệnh "của kẻ được xã hội gọi là nhà báo, nhưng trong hệ thống đó, lúc ấy, một thằng nhà báo như tôi, như cậu phóng viên nọ sẽ làm được gì khi Tổng biên tập mới được cử về là phó Ban tuyên giáo thành ủy, là đệ tử ruột của anh 3Đ- người đã ký quyết định số 6565 ngày 27/12/2005 chỉnh sửa quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, dẫn đến nỗi đau của hàng ngàn người ?
Báo chí hầu như im lặng. Mà im lặng là đồng lõa.Thời điểm đó, nỗi đau của người dân Thủ Thiêm đã kéo dài được 12 năm ! Chỉ có súc vật mới thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại- đó là câu nói khá nặng nề của ông tổ chủ nghĩa cộng sản. Vậy mà ở đất nước cộng sản này, có quá nhiều quan chức quay lưng lại trước nỗi đau của con người…
Mất 20 năm, mất rất nhiều thứ, từ tài sản vật chất và tinh thần, mất những năm tháng hạnh phúc quý báu của đời người, mất niềm tin và…rất nhiều nước mắt, thì một lời xin lỗi mới được đưa ra từ phía chính quyền. Những kẻ gây tai họa cũng là những kẻ cầm nắm chính quyền trong tay. Sau lời xin lỗi đó, người dân Thủ Thiêm sẽ được đền bù gì cho những tổn thất của họ ?
Hay chỉ vỏn vẹn là một lời xin lỗi ?
Với người dân Thủ Thiêm, nhà hát 1.500 tỷ đồng không phải là một cách đền bù.Họ cần được trả lại (và phải trả lại họ) những gì họ đã mất đi và… có lãi.
Vay thì phải có trả, và trả thì phải có lãi như luật nhân quả và của ngân hàng, đất nước của tôi ạ !".
Đừng nhân danh cái Đẹp, nhân danh Nghệ thuật để ủng hộ cái Ác
Có những người nhân danh thưởng thức nghệ thuật cao đẹp, ủng hộ việc xây nhà hát như cô ca sĩ Mỹ Linh, và rằng "ai dám phán xét người nghèo không có cái quyền yêu cái đẹp", "các bạn phản đối xây nhà hát Thủ Thiêm, mình tôn trọng. Nhưng đừng phản đối vì lý do "dân không cần ba lê và nhạc giao hưởng"… Ai cho các bạn quyền phán xét đó"… ("Ca sĩ Mỹ Linh công khai phát ngôn ủng hộ việc xây dựng nhà hát Thủ Thiêm 1.500 tỷ thách thức dư luận", tin 8.co). Cô ca sĩ này đã bị thiên hạ ném đá dữ dội, bởi nói như facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà :
..."chẳng có một người thuộc tầng lớp trung lưu có lương tri nào có thể bước chân vào nhà hát giao hưởng khi biết nó được xây dựng trên mảnh đất có quá nhiều oan khiên chưa được giải quyết. Cái nhu cầu có nhà hát giao hưởng là một nhu cầu chính đáng nhưng nó phải được xây lên bởi, khi và chỉ khi xã hội phát triển thực thụ và bền vững về kinh tế, văn hóa phát triển đồng đều, các giá trị và quyền con người được tôn trọng, các nhu cầu hưởng thụ của đại bộ phận người dân không quá chênh lệch và nhất là không được tạo ra oan khiên".
…"Nếu đất nước này đã có sự công bằng xã hội, phúc lợi xã hội đã có thể chăm lo cho người yếu thế, các công trình công cộng đã được đầu tư một cách khả dĩ, văn hóa đã được nâng lên, không ít người dân bình thường vẫn có thể mua vé xem, nghe nhạc giao hưởng mà không phải nhịn đói ba bốn tháng thì lúc đó xây hai chục cái nhà hát vẫn ổn".
Lại có người so sánh với các nước Đức, Pháp, Mỹ… nếu dân cũng phản đối là "hãy để tiền lo cho vấn đề dân nhập cư" (ở Đức) hay "tình trạng thất nghiệp còn cao và các vấn đề xã hội cấp thiết hơn một nhà hát ?" (ở Mỹ), rằng "nếu mình cứ quan niệm phải đợi dân trí cao đã rồi mới xây nhà hát, thì làm sao tiến bộ được", "Nếu giờ chưa phải lúc thì bao giờ mới là thời điểm đó ?". Hoặc nhu cầu của con người đâu chỉ ăn, mặc, ở v.v…
Mọi sự so sánh Việt Nam với các nước tự do, dân chủ, văn minh khác là vô cùng khập khiễng : thứ nhất, nước người ta có đủ tiền để vừa lo cho những chuyện khác vừa xây nhà hát ; thứ hai, tỷ lệ tham nhũng ở họ thấp nên các công trình xây ra bảo đảm là không rơi vào tình trạng bị "rút ruột" một cách kinh hoàng, xài chưa được bao lâu đã xuống cấp tệ hại như ở ta, thứ ba, chính phủ của họ có các chương trình an sinh xã hội lo cho dân đầy đủ, dân dù không giàu thì cũng không đến nỗi phải bạc mặt kiếm cơm hoặc đói vàng mắt, lấy đâu ra tinh thần mà đi nghe nhạc, xem vũ kịch, và cuối cùng dân nước người ta biết thưởng thức văn hóa nghệ thuật bác học, nên xây nhà hát Giao hưởng - Ca vũ kịch sẽ có người nghe.
Còn Việt Nam ? Cướp đất của dân để xây "nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế" ? Nói thật, từ quan chức cho đến người dân Việt Nam có bao nhiêu phần trăm nghe được nhạc giao hưởng, xem được ca vũ kịch-ballet, opera ? Hay là xây Nhà hát để ế, một thời gian sau có lý do "chuyển đổi công năng" lại ăn thêm một mớ ?
Từ lâu tôi đã chọn thế đứng của mình là đứng về phía nước mắt, là chống lại chế độ độc tài toàn gây tội ác cho dân cho nước này, nên cũng không sao ủng hộ được dự án xây Nhà hát này. Trước mắt đám quan chức thành phố Hồ Chí Minh hãy lo mà giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm, trả lại đất đai, tài sản cho dân, còn muốn xây cái gì, hãy trưng cầu dân ý. Dân đóng đủ loại thuế nuôi mấy ông bà bạc cả mặt, dân có quyền được có ý kiến, đừng nhân danh nhân dân mà làm thêm quá nhiều tội ác nữa !
Song Chi
Nguồn : RFA, 11/10/2018
(1) "Thành phố Hồ Chí Minh xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm vì 'cần cho người dân', VnExpress
(2) https://www.facebook.com/MaiTrungChinh/videos/10217119282555194/