Trong khi Hoa Kỳ đang tập trung một cách cận thị vào việc chuẩn thuận một thẩm phán cho tòa án tối cao, chính phủ Donald Trump bị cáo buộc đang làm khách bàng quan cho tình trạng vô luật lệ trên toàn thế giới.
Sự biến mất của chủ tịch tổ chức điều phối cảnh sát quốc tế Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, mà sau cùng được nhà cầm quyền Trung Cộng công nhận đã cầm giữ.
Tổng thống thường tweet đủ thứ, vụ mất tích của ông Khashoggi đã vắng bóng trên địa chỉ Twitter của ông. (Hình : Mark Wilson/Getty Images)
Trong khi đó ngày càng có thêm những bằng cớ cho thấy sự liên hệ của Moscow đối với vụ đầu độc bằng hóa chất ở Salisbury bên Anh.
Rồi đến vụ án mạng kinh khủng của ông Jamal Khashoggi, nhà báo Saudi Arabia đã mất tích mà nhà chức trách ở Thổ Nhĩ Kỳ nghi đã bị một toán công an bên trong tòa tổng lãnh sự của vương quốc ở Istanbul thủ tiêu và chặt thành nhiều mảnh.
Tất cả những sự kiện này đều chỉ cho chúng ta đến một thế giới rối loạn, vô trật tự : của một sự đang thụt lùi về một giai đoạn biến động ; một thời đại mới của những chính quyền độc tài cá nhân trị và sự thối lui của luật pháp quốc tế.
Cũng phải thêm đó là thế giới trước thế chiến, thời đại của những giai đoạn ngoại giao tàu chiến (gun boat diplomacy) khi một quốc gia đem quân tới buộc một quốc gia khác phải tuân thủ ý muốn của mình. Nhưng sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã coi mình trở thành kẻ bảo vệ cho tiêu chuẩn, một sự lãnh đạo đạo đức qua làm gương, cảnh sát cho một thế giới để bảo vệ cho những hành vi xấu không được dung túng.
Dĩ nhiên đó là một lý tưởng mà không quốc gia nào có thể đạt được, nhưng dầu sao chăng nữa, thế giới vẫn coi Hoa Kỳ là ngọn hải đăng, là thánh đường lý tưởng trên đỉnh đồi. Việt Nam cộng sản thường tức tối nói đến Hoa Kỳ như là "một sen-đầm quốc tế", nhưng chính nhờ có người "sen đầm" – nói trại của chữ gendarme – mà thế giới đã có mấy thập niên ổn định và Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc số một của thế giới, không phải chỉ nhờ vũ lực mà còn vì một sức mạnh đạo đức và tâm linh.
Nhưng mấy tuần lễ vừa qua đã đẩy thế giới đến một sự thức tỉnh là Tổng thống Donald Trump không muốn đóng vai trò đó nữa. Nó cũng cho chúng ta thấy là chủ thuyết ái quốc của ông đang có nguy cơ bị những quốc gia khác diễn dịch như là chủ thuyết cho tự do hành động, muốn làm gì thì làm.
Phải chăng trong cái đỏ, trắng, và xanh của chính sách America First, những quốc gia khác đã thấy một sự bật đèn xanh cho họ hành động mà không sợ phải trả giá.
Hôm thứ Tư, 10 tháng Mười, tổng thống Trump diễn tả vụ mất tích của ông Jamal Khashoggi là "rất nghiêm trọng" và nói chính phủ của ông đã nêu vấn đề này "ở cấp cao nhất" với Riyadh. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, và con rể kiêm cố vấn cho vùng Trung Đông Jared Kushner, đã điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman, người hiện nay cầm đầu Saudi Arabia trên thực tế. Những kế hoạch cũng được dự trù cho ý trung nhân của nhà báo, cô Hatice Cengiz được tiếp kiến ở Tòa Bạch Ốc.
Nhưng tổng thống đã ngưng lại không lên án hay chỉ trích Saudi Arabia, ngay cả khi tờ Washington Post tường thuật là tình báo Hoa Kỳ đã có được những thông tin liên lạc giữa các viên chức Saudi âm mưu vụ bắt cóc ông Khashoggi, một nhà bình luận của tờ Post và là một nhà chỉ trích nổi tiếng chính quyền Saudi Arabia. Trong khi tổng thống thường tweet đủ thứ, vụ mất tích của ông Khashoggi đã vắng bóng trên địa chỉ Twitter của ông, vốn là phương tiện mà ông thích nhất để bày tỏ tức giận.
Ông đã không nhắc nhở gì đến những chuyện này ở trong các cuộc vận động tranh cử, một diễn đàn mà ông thường sử dụng để bày tỏ những cảm giác thầm kín nhất của ông. Tuy ông cười hôm tối thứ ba khi những người ủng hộ ông ở Iowa đưa ra lời hô "Lock Her Up" với Thượng nghị sĩ Diane Feinstein, người đứng đầu bên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, ông không đả động gì đến sự mất tích của nhà báo.
Rõ ràng là Tòa Bạch Ốc muốn tránh chuyện vội vàng kết án và nói là họ đang "đòi hỏi" trả lời từ Riyadh. Nhưng cũng có thể là sự né tránh này của tổng thống chỉ là để che giấu việc tránh không muốn khiển trách các đồng minh Saudi chăng ? Cho một vị tổng thống vốn chưa bao giờ tỏ ra ngần ngại, nó dễ dàng được coi như là cố tình trì hoãn và một sự từ chối trách nhiệm lãnh đạo truyền thống của Hoa Kỳ.
Ngay cả các nhân vật Cộng hòa của tổng thống ở Điện Capitol còn lên án nặng nề hơn. Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, nói là "sẽ chắc chắn có hậu quả" nếu nó thực sự là do phía Saudi thực hiện. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bạn đánh golf với tổng thống và một người đã mạnh mẽ bênh vực thẩm phán Kavanaugh, nói nó sẽ "tai hại" cho liên hệ Saudi-Hoa Kỳ. Không có một khuyến cáo công khai nào như vậy đến từ Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump đã làm bạn với thái tử, và đã vô cùng cương quyết trong sự ủng hộ của ông cho hàng lãnh đạo ở Saudi. Chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông là đến Saudi Arabia, nơi ông đã tham dự vào một nghi thức hầu như là thần bí trong đó ông đã đặt tay lên một quả cầu rực sáng. Chính phủ Trump đã ủng hộ chương trình bỏ bom do Saudi lãnh đạo ở Yemen, một phần trong cuộc chiến gián tiếp của Riyadh với Tehran.
Hồi tháng Mười Một năm ngoái, tổng thống đã ủng hộ một cuộc thanh trừng trong các hoàng tử, nhà kinh doanh và bộ trưởng dưới chiêu bài của một cuộc chiến chống tham nhũng. Ông cũng đã chấp thuận một chương trình bán vũ khí 1 tỷ USD cho vương quốc. Ngay thứ Tư vừa qua, tổng thống đã nhắc lại sự cảm phục của ông cho thái tử 33 tuổi, gọi ông là "một người tốt". Ông tiếp tục nói về thái tử với một sự tự hào hầu như là của một người cha.
Một trong những yếu tố nổi bật của chính sách ngoại giao của tổng thống đã là việc ông miệt thị những đồng minh thân cận nhất và chào đón những lãnh tụ nào nịnh bợ ông, bất chấp thành tích nhân quyền của họ.
Hiện nay, ngoại trưởng Mike Pompeo đang tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thứ nhì với nhà độc tài Kim Jong-un. Và tuy là nhà độc tài này đã bị cáo buộc những hành vi tàn bạo trong đó có dùng súng phòng không để xử tử và bắt giam đến 130.000 người Bắc Hàn trong các trại tập trung, tổng thống đã nói với một cuộc meeting bầu cử ở West Virginia hôm tuần trước là ông đã "cảm thấy yêu mến" lãnh tụ Bắc Hàn ở Hội nghị Thượng đỉnh Singapore. Không hiểu tổng thống có nhớ đây cũng chính là người đã ra lệnh cho nhân viên ám sát người anh cùng cha khác mẹ bằng vũ khí hóa học.
Tổng thống cũng ca tụng tổng thống độc tài Abdel Fattah al-Sissi, người đã đàn áp không nương tay mùa Xuân Ả Rập ở Ai Cập, diễn tả ông là "một người tuyệt vời". Ông cũng ca tụng ông Rodrigo Dutertes, tổng thống Philippines, cho "một công việc khó tin về vấn đề ma túy", mặc dầu cái gọi là cuộc chiến chống ma túy, theo Human Rights Watch, đã giết chết 12,000 người mà nhà cầm quyền bảo là những kẻ buôn ma túy và người sử dụng ma túy, nhưng rất nhiều là vô tội.
Ông cũng cho ông Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ "điểm rất cao", mặc dầu ông Erdogan đang làm hết sức để phá hủy nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và dĩ nhiên không thể không nhắc đến sự việc là ông từ chối chỉ trích ông Vladimir Putin. Có lẽ chúng ta phải quay trở lại những ngày mà tổng thống mới nhậm chức. Trong cuộc phỏng vấn với ông Bill Reilly của Fox News, khi ông Reilly nói "Putin là một kẻ sát nhân", tổng thống bèn gân cổ lên cãi : "Có rất nhiều kẻ sát nhân. Chúng ta có rất nhiều kẻ sát nhân. Bộ anh tưởng là đất nước của chúng ta vô tội lắm hả?"
Ngoài chuyện vô lý khi đề nghị một sự cân bằng đạo đức giữa cái trò côn đồ của điện Kremlin với hành động của nhiều chính phủ Hoa Kỳ, lời nói của ông đã đưa ra một chỉ dấu chấm dứt một sự khác biệt của Hoa Kỳ, ý tưởng là Hoa Kỳ phải bắt các quốc gia khác tuân theo một tiêu chuẩn đạo đức cao hơn và chính Hoa Kỳ là biểu tượng cho tiêu chuẩn cao quý đó.
Sự ra đi của bà Nikki Haley cũng là một điều đáng ghi nhận. Khi bà rút khỏi chức vụ đại sứ Liên Hiệp Quốc vào cuối năm nay, chính phủ sẽ mất đi một trong những người bênh vực công khai nhất cho các tiêu chuẩn quốc tế.
Không phải bất cứ tội ác quốc tế nào cũng không bị trừng phạt. Hai lần tổng thống đã ra lệnh cho không kích giới hạn vào chính quyền Assad để trả đũa cho việc họ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhưng tổng thống cũng thường ngần ngại sử dụng những biện pháp trừng phạt với các kẻ vi phạm luật lệ quốc tế. Trong cuốn "Fear", ông Bob Woodward nói là tổng thống đã nổi giận khi các phụ tá thúc đẩy ông trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và tình nghi gián điệp để trả đũa cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Salisbury. Ông muốn một phản ứng giới hạn hơn.
Nó cũng không giúp gì cho đạo đức thế giới khi tổng thống đã tấn công mãnh liệt vào những cơ quan truyền thông đứng đắn nhất của Hoa Kỳ, gọi họ là "kẻ thù của nhân dân". Tờ Washington Post và tờ New York Times là tệ nhất. Cũng vậy, sự tấn công vào báo chí tự do được diễn dịch trên toàn thế giới bởi những nhà độc tài là họ tha hồ đàn áp đối lập.
Thời gian gần đây Hoa Kỳ còn tấn công Tòa Án Hình Sự Quốc tế. Ông John Bolton đã khuyến cáo tòa là nếu họ điều tra Hoa Kỳ hay Israel thì chính phủ sẽ cấm các thẩm phán và công tố viên của tòa vào Hoa Kỳ, chiếm dụng ngân quỹ của họ và đưa họ ra trước tòa án Hoa Kỳ.
Và ngay cả ngành tư pháp Hoa Kỳ nữa. Thật là đáng ngạc nhiên khi thấy lễ tuyên thệ nhậm chức của Thẩm Phán Brett Kavanaugh ở Tòa Bạch Ốc đã trở thành một cuộc meeting chính trị của đảng Cộng Hòa. Chả trách vài vị thẩm phán đã tỏ ra ngượng ngùng trước sự công khai chính trị hóa một tòa án trên nguyên tắc phải đứng trên chính trị.
Và tuần này tổng thống nói đến những kẻ "evil", một chữ mà những vị tiền nhiệm của ông, như Tổng thống Ronald Reagan dùng để chỉ đế quốc Liên Xô, hay Tổng thống George W. Bush gọi Bắc Hàn. Nhưng không phải ông nói đến những kẻ độc hại cho thế giới mà là về những người đã cáo buộc người mà ông đề cử vào Tối Cao Pháp Viện.
Thế ra ngày nay, những lời nguyền rủa mạnh mẽ nhất của tổng thống Hoa Kỳ là dành cho những người mà ông coi là kẻ thù trong nước. Thật đáng buồn Hoa Kỳ không có khái niệm "Đối lập trung thành" bởi vì cái đà này có ngày tổng thống cảm thấy đối lập đáng bỏ tù hết.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 13/10/2018