Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2017

Hội hè đổ đốn

Uyên Vũ

"Bữa ấy mưa Xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo "thôn Đoài hát tối nay"

Bốn câu trên đây là thơ của thi sỹ Nguyễn Bính trích trong bài Mưa Xuân, bốn câu thơ nhẹ như mưa phùn ấy luôn trở về trong tâm thức tôi khi mùa Xuân lại đến, có lẽ vì đó là bài thơ mà mẹ tôi thường ru các anh em tôi từ ngày xưa và nó đẹp, đẹp một cách mong manh. Tôi không hiểu tại sao, phải chăng vì nó dấy lên từ một nền tảng văn hóa dân tộc nghìn đời từ đồng bằng Bắc bộ ?

uv1

Chùa Thầy ngày xưa (ảnh Đoàn Đức Thành).

Nhưng cái đẹp mong manh ấy đã tan tành trong tôi từ mấy năm nay. Thử xem vài tờ báo lớn của Việt Nam, thử lướt qua các mạng xã hội, dễ dàng thấy nhiều hình ảnh rùng rợn và đẫm bạo lực về các lễ hội mùa Xuân xứ Bắc như phanh thây lợn giữa làng, như treo cổ trâu lên cành cây đến chết để tế Mẫu ở Đông Cuông, Yên Bái… Vài đoạn phim (video clip) trên mạng còn cho thấy một đám đông trai làng lấm lem bùn đất đang nhẩy bổ lên đầu lên cổ nhau giành giật, tranh cướp một quả phết, một túm hoa tre hay vài lễ vật không có giá trị nhưng nặng phần huyền bí. Người ta cho rằng cướp được lễ vật hoặc nhúng được mớ tiền vào máu con lợn ấy là may mắn, là lợi lộc sẽ đến trong năm mới. Các anh giai làng sau một buổi lễ hội tan hoang, mệt phờ ấy sẽ ngồi bên chiếu rượu nhậu nhẹt mừng Xuân và đôi khi sẽ đánh nhau chí tử hoặc chém nhau như chém lợn.

Tôi không biết các quốc gia khác có nhiều lễ hội không, nhưng theo số thống kê cho biết, mỗi năm Việt Nam có gần 8,000 lễ hội hầu hết ở miền Bắc và phần lớn vào mùa Xuân. Ấy vậy nhưng theo ký ức của thế hệ trước, các lễ hội không bao giờ bát nháo, xô bồ và đầy tục lụy như vậy. Lễ của dân Việt cần thiết vì nó nuôi lòng biết ơn và sự tưởng nhớ của cư dân với tiền nhân, lễ sinh ra hội để mừng cho lễ. Đất nước vài ngàn năm thì nhiều lễ hội là phải. Lúc quá nghèo đói mấy ai còn nghĩ đến lễ và lấy đâu tiền của để hội hè. Chưa kể một thời kỳ dài nhà cầm quyền cộng sản cấm đoán, triệt tiêu các lễ hội truyền thống. Nhưng khi đời sống tương đối no đủ, nhu cầu tâm linh bắt đầu trở về và người ta đua nhau khơi lại quá khứ. Cũng chỉ vài năm gần đây, các lễ hội nhỏ thường chỉ được tổ chức trong phạm vi một làng – ví dụ như lễ tưởng nhớ thành hoàng làng – lại được cổ vũ, giới thiệu và tổ chức linh đình rồi báo chí, truyền thông thi nhau bơm phồng như một sự kiện lớn.

uv2

Sư "vãi lộc" xuống đám đông bá tánh (ảnh internet).

Nhiều lễ hội chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa văn hóa ban đầu để trở thành dịp cho nhiều người trục lợi và cầu lợi. Ví dụ như ở lễ Khai ấn đền Trần, mỗi năm có hàng vạn con người đổ đến phủ Thiên Trường, nơi quê hương của nhà Trần ngày xưa, họ chen chúc, ăn bờ ngủ bụi vài ngày, để chờ chực lúc phát ấn, họ giành giật nhau để sở hữu mảnh giấy mỏng đã được ban tổ chức đóng ấn, vì tin rằng sẽ thăng quan tiến chức. Rồi lễ Bà Chúa Kho : người ta đến để "vay" bà ít lộc coi như vốn làm ăn, năm sau sẽ "tạ ơn và đáp lễ", như thế hóa ra nhân vật có thật và vốn liêm chính đến mức được thờ phượng nay biến thành nơi người ta đến đút lót, hối lộ( !). Nói về cảnh cướp ấn đền Trần, một quan chức quản lý văn hóa đương thời lúc đó, đã lên tiếng bênh vực "Đây là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ. Vấn đề ở đây là cướp với sự nỗ lực của cá nhân mới có được chứ không phải tự nhiên mà lộc thánh đến với mình". Một quan chức chuyên trách về văn hóa mà phát ngôn như vậy, trách gì đám đông trai tráng đang hỗn loạn tranh cướp nhân ngày hội. Thực chất, mỗi dịp lễ hội, các quan chức địa phương đều được hưởng nhiều lợi lộc từ các nhà tổ chức.

Nhưng tại sao các lễ hội ở miền Nam không có tình trạng bát nháo, xô bồ đó ? Điển hình là lễ Vía Bà ở Bình Dương vào rằm tháng Giêng hàng năm. Ký giả Hoài Hương thuật lại lễ vía Bà năm nay : "lễ rước kiệu Bà được tổ chức theo lối cổ truyền : Kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng đội múa lân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới tại chùa và trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua. Sự hiếu khách của người dân Bình Dương, trãi dài cả cây số trên đường chính, đường dẫn đến chùa, chỉ có thể đi bộ và hai bên đường cơ man nào là nước uống đóng chai, khăn lạnh, bánh mì chay miễn phí dành cho du khách, họ mời chào đưa nước tận tay khách mời uống… Đặc biệt không có màn cướp lộc, mà mọi người xếp hàng lần lượt nhận lộc…".

Nhà báo Huy Đức nhận xét : "Người Việt ngày nay lại đổ xô cúng bái, xin lễ chùa chiền vì họ đã từng trải qua những năm tháng phỉ báng thần linh, đập phá chùa chiền. Đây chỉ là tiến trình dao động quay về theo nguyên tắc con lắc. Từng bị giữ quá lâu bên cực tả, nay được buông ra, lập tức dao động đạt mức tối đa ở bên cực hữu. Nhưng, điều quan trọng hơn là văn hóa hối lộ đã ăn sâu vào tâm thức của những người đi chùa. Họ đã dùng tiền để mua quan, bán chức giờ họ nghĩ cũng có thể dùng tiền để mua thần bán thánh. Thay vì biết sợ quả báo, thì chấm dứt lạm dụng quyền lực, đục khoét ngân khố ; chấm dứt nhũng nhiễu dân chúng, họ bỏ ra hàng đống tiền xây chùa, cúng thầy, rồi quay về nhiệm sở tiếp tục làm điều ác như cũ".

uv3

Một hiện tượng khác, phổ biến trên toàn quốc là việc "cúng sao giải hạn" được thực hiện trong các chùa chiền. Mùa Xuân, dòng người hành hương trẩy hội đen đặc các con đường đến miếu, chùa. Họ đội mâm, dâng sớ, cầu khấn các vị sư hành lễ hóa giải kiếp hạn cho mình. Dĩ nhiên tiền càng nhiều lễ các long trọng… Thực ra, việc ấy là một trong nghi thức đầy thần bí của Đạo Giáo, chẳng hiểu từ lúc nào ngang nhiên thành lễ nghi Phật giáo ? Theo kinh Di Giáo thì trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật khuyên chúng sinh chớ nên xem tướng, nhìn sao mà luận tội phước, mà cầu giải hạn hay mong lợi lộc. Tuần trước, ở lễ khai hội chùa Hương, vị sư Thích Đạo Trụ đứng trên cao tươi cười vung tay thi ân "vãi lộc" xuống một đám chúng sinh nghìn nghịt bên dưới, "lộc" ấy là sợi chỉ đỏ xâu hình đức Phật (!). Đường đến chùa Hương nên thơ của Nguyễn Nhược Pháp, của Tản Đà nay đầy dẫy các quán thịt rừng, đám đông đến nhậu say, lăn kềnh ngủ và hồn nhiên xả rác.

Ngày xưa, đọc Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng hay các tác phẩm khác dễ thấy cảnh chùa luôn tịch mịch, hòa trong cảnh ruộng nương, ngôi chùa cũng đơn sơ gần gũi như giếng nước, như giàn cau. Nay từ Bắc chí Nam chùa chiền sừng sững mọc lên như các lâu đài, bóng loáng và mênh mông, người người đến lễ bái nườm nượp như đi hội chợ, đến độ nhà nước dự định làm một xa lộ nối thẳng từ Hà Nội đến chùa Bái Đính.

Báo Vietnamnet cho biết "một đại gia bí ẩn bỏ ra hàng nghìn tỷ để xây chùa Bái Đính" nhưng bài báo cũng tiết lộ đại gia ấy có tên Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963 sống ở Ninh Bình là tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn. Còn ở Bình Dương thì một trọc phú tên là Huỳnh Uy Dũng có hỗn danh là Dũng Lò Vôi xây một khu vui chơi khổng lồ, giữa khu vui chơi xây thêm một ngôi chùa bề thế và ngang nhiên đặt tên là "Đại Nam Quốc Tự". Bá tánh bất cần biết chùa nào, Phật nào mới linh thiêng, cứ thản nhiên nhét tiền vào tay, vào nách, vào nếp áo và cả miệng Phật. Một người tôi quen, gia đình có phần hùn trong "tập đoàn chùa Bái Đính" kể rằng trong mấy ngày Tết tiền cúng dường không kịp đếm, cứ nhét vào bao và dùng xe tải chở đi nơi khác "kiểm toán". Là các doanh nhân thành công, nên khuynh hướng đầu tư tiền bạc vào chùa chiền đang là một lựa chọn sinh lợi cao, báo chí trong nước gọi đó là "du lịch tâm linh". Những lễ vật và dịch vụ cung ứng quanh chùa đều được tính với giá cắt cổ. Trong đám đông nồng nặc hơi người và mù mịt nhang khói, mùi tiền dường như đang lấn át hẳn.

Không chỉ có thế, rất nhiều đền, chùa phía Bắc bây giờ cũng còn là nơi hầu đồng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của dân gian hay còn gọi là Saman giáo. Nhiều nhà sư trẻ thoa son, trét phấn, xiêm y sặc sỡ, múa may quay cuồng theo nhịp phách của điệu chầu văn. Tôi đã có lần đến một phủ ở Hà Nội để chứng kiến buổi hầu đồng và được biết người đứng giá hầu đồng phải tốn chi phí vài cây vàng cho một buổi hầu đồng. Tay chủ điện thờ vốn cũng là người quen biết thì giàu lên thấy rõ. Đến chàng danh hài Hoài Linh nay cũng xây một điện thờ ở Sài Gòn và lên ngôi đồng cậu…

uv4

Tranh cướp lộc thánh (ảnh internet)

Thế nhưng, những lễ hội dân gian và các thứ "du lịch tâm linh" theo kiểu trên càng ngày càng ăn nên làm ra. Tất nhiên đều được sự hậu thuẫn và ủng hộ từ phía nhà nước, các cán bộ cộng sản vô thần ngày xưa cổ súy cho duy vật biện chứng, từng phá chùa, phá nhà thờ nay cũng tổ chức lễ tịch điền, cũng vào chùa thắp hương, rước xá lợi Phật, rồi hô thần nhập tượng… Phải chi các cán bộ ấy đã biết buông dao đồ tể để quay về hồi đầu hướng thiện. Không, người dân vẫn đói nghèo, vẫn bị tước đoạt các cơ hội sinh nhai. Họ không còn tin tưởng vào các định chế xã hội và đành hướng về tâm linh và đến lượt cái tâm linh ấy cũng đã biến tướng theo khẩu vị của cán bộ cộng sản.

Biết đâu chừng lễ hội và các trò nhảm nhí cũng là chỗ được cố tình lập ra để dân chúng xả bớt những dồn nén, những hoang mang thời cuộc ? Người ta mặc cho các trò nhảm nhí cái áo "văn hóa", cái áo "bản sắc dân tộc" hoặc "về nguồn cội" vân vân. Nhưng sự thiếu vắng tính văn hóa hay sự phản văn hóa lại hiện rõ mồn một. Ngày xưa, thi sỹ Tú Xương từng mỉa mai cách thực dân Pháp ru ngủ dân chúng bằng các trò giải trí : "Cậy sức cây đu nhiều chị bám, ham tiền cột mỡ lắm anh leo…". Những đám đông quần chúng luôn hừng hực sự bất mãn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, các đám đông đẩy quan tài người chết oan lên tòa tỉnh gây áp lực ở Bắc Giang, đám đông bạo lực đốt phá nhà máy ở Bình Dương là những dẫn chứng cụ thể.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng : "Ở đâu mà lòng người bất an, xã hội bất trắc, thì mê tín dị đoan cũng có nhiều cơ hội, như cỏ dại gặp đất hoang vậy". Chứng kiến các hiện tượng xã hội ngày nay, có thể nói chưa bao giờ lòng người bất an, xã hội bất trắc như thế ! Không tìm được niềm tin nơi trần thế, dân chúng đành tìm kiếm niềm tin trong hoang mang vũ trụ.

Hành trình về tâm linh thật diệu vợi, tôi không hiểu những đứa trẻ hào hứng xem lễ chém lợn, xem lễ treo cổ trâu, chứng kiến cảnh tranh ấn đoạt hoa đẫm máu me kia lớn lên sẽ ra sao. Liệu khi lớn lên chúng có thản nhiên chặt người làm ba khúc cho vào bao tải phi tang như rất nhiều vụ hiện nay hay không ? Liệu mai sau khi làm một điều ác, chúng có nhét tiền vào miệng tượng Phật để bịt đi tiếng lương tâm hay không ?

Giữa một bầu khí ngùn ngụt những tham, sân, si biểu hiện qua các lễ, hội biến tướng hiện nay, có lẽ thần Phật cũng phải ngoảnh mặt đi. Khóc cho hậu sinh nhân thế quá suy đồi.

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ, Nam Cali, tháng 02/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Uyên Vũ
Read 633 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)