Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2017

Hủy hoại di sản là tội ác

Uyên Vũ

Hơn 20 năm trước, khi lần đầu tiên ra đất Bắc quê cha đất tổ, tôi đã háo hức và bồi hồi khi chuyến tàu lửa xuyên Việt bắt đầu tiến vào Hà Nội, những địa danh quen thuộc trong sử sách lần lượt hiện ra trước mắt, tiếng nhân viên trên tàu lửa thông báo đã đến ga Ngọc Hồi, Hà Hồi rồi đến gò Đống Đa… mang lại bao xúc cảm đến rưng rưng.

Ngay chiều đó tôi đã kịp đến Hồ Gươm. Hồ Gươm hay hồ Hoàn kiếm với truyền thuyết thần Kim Quy trả gươm cho vua Lê từng in sâu trong tâm khảm và đầy vẻ huyền hoặc của thế giới cổ tích hiện ra trước mắt thật đẹp đẽ long lanh… Nhưng tôi đã khựng lại, hệt như người đang ăn một món ngon bỗng cắn phải xác một con gián, đó là ngôi Tháp Rùa cổ kính nay bị mặc một lớp vôi trắng bệch, chưa hết, trên đỉnh ngọn tháp người ta gắn lên một ngôi sao to, chớp đèn đỏ (!). Dĩ nhiên là mọi bồi hồi xúc động đều tụt mất, những ngày sau, dù có lên cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn giữa hồ, tôi vẫn cố không đưa mắt sang ngọn Tháp Rùa phía bên kia.

uv5

Văn Miếu Quốc Tử Giám mới tinh sau đợt trùng tu

Tôi chắc rằng những ai yêu mến vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội, bất kể là cư dân tại chỗ hay khách phương xa đều có chung một cảm giác giống tôi và có lẽ trong bụng ai cũng thầm "chửi cha" cái đứa ngu dốt đã phá hoại di tích bằng một cách hết sức vô văn hóa như thế. Bây giờ thì Tháp Rùa không còn kệch cỡm như dạo ấy, nhưng tôi vẫn e ngại, bởi biết đâu một ngày đẹp giời nào đấy người ta sẽ ốp gạch men hiệu American Standard cho toàn bộ ngôi tháp ? Chẳng phải người ta vừa cho "trùng tu" bằng cách trám xi măng, quét sơn lên các bức tường hoa, các cổng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đấy sao ? (nên nhớ Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, có lịch sử gần 1.000 năm và được UNESCO công nhận là di tích lịch sử văn hóa) ; Chẳng phải người ta đã sơn màu vàng chóe lên bia Chiến Sĩ Trận Vong (còn gọi là Bia Quốc Học) ở cố đô Huế đó sao ? Những dấu vết thời gian, những trầm mặc qua nhiều thời đại lịch sử bỗng bị xóa sạch và tô trét màu mè hệt như như sân khấu một gánh hát rong và thực hiện ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt bàn dân thiên hạ !

Buồn thay, những ví dụ như trên rất nhiều, ở khắp nơi và càng ngày càng trầm trọng hơn. Tôi còn được biết, sắp tới đây dự án tàu điện Metro Hà Nội sẽ đi sát cạnh Văn Miếu (chỉ cách mươi thước), một nhà ga Văn Miếu nhộn nhịp người, âm thanh náo loạn ầm ĩ trong tương lai có thể phá hủy cả "dấu xe xe ngựa hồn thu thảo" lẫn nền đất, chân móng Văn Miếu… cây hoa đại mà cụ Nguyễn Nghiễm (thân phụ đại thi hào Nguyễn Du) trồng trong sân Văn Miếu liệu có còn ? Cái dự án Metro ấy cũng đe dọa sẽ xóa luôn nhiều đền thờ miếu mạo như miếu Đông Cô, đền Tú Uyên tại xóm Bích Câu (trong truyền thuyết Bích Câu Kỳ Ngộ)… Có thể tôi quá hoài cổ, nhưng thử xem ngay tại các thành phố cổ của Mỹ hay Tây Âu người ta đã nâng niu di tích lịch sử, văn hóa ra sao. Tôi không thể tưởng tượng nổi rồi đây thế hệ con cháu muốn tìm về nguồn cội, muốn tận mắt thấy công trình xưa sẽ tìm ở đâu hay chỉ còn biết xem nó qua màn hình computer.

Đó là những công trình gắn liền với văn hóa và lịch sử, còn những danh thắng, những cảnh quan thiên nhiên dường như còn bị hủy hoại nặng nề hơn. Cách đây vài năm khi lái xe gắn máy từ Hội An ra Đà Nẵng, ghé vào Ngũ Hành Sơn nằm sát con đường ven biển phẳng phiu, tôi ngỡ ngàng khi thấy một "công trình thang máy" bóng loáng, cao sừng sững với hai cabin rộn rịp đưa người từ chân núi, vụt một phát đến ngay tận sân ngôi chùa cổ trên đỉnh ngọn Thủy Sơn. Dĩ nhiên là khách lãng du vẫn có thể nhẩn nha lên núi viếng chùa Tam Thai và Linh Ứng theo hai con đường bậc đá mà ngày xưa vua Minh Mạng đã cho xây dựng. Nhưng tránh sao khỏi bị cái "hộp thang máy" tíu tít, bận rộn đó chen lấn vào, đâm xọc vào tầm mắt giữa cảnh sơn thủy hữu tình ?

uv6

Bia Chiến sĩ Trận Vong bị cạo lớp vữa và sơn màu vàng rực

Nhân đây tôi cũng tả sơ về danh thắng Ngũ Hành Sơn : Cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8 cây số về phía Đông Nam, Ngũ Hành Sơn mang vẻ đẹp hội tụ của vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc. Ngũ Hành Sơn là tên chung của một danh thắng gồm sáu ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 cây số vuông, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền. Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất. Núi cao 106 m, có ba ngọn ở ba tầng giống như ba ngôi sao (Tam Thai). Đây cũng là nơi có nhiều hang động, chùa nhất.

Sử sách ghi, Thủy Sơn là ngọn núi được vua Minh Mạng đến viếng cảnh nhiều nhất. Ngay lần đến vãn cảnh đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai và lối lên chùa Linh Ứng. Ngọn cao nhất 106 m ở phía Tây Bắc của Thủy Sơn gọi là Thượng Thai, gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu nhà Hành Cung, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không và động Linh Nham. Ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi là Trung Thai gồm có Cổng Trời (Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa. Ngọn phía Đông thấp nhất gọi là Hạ Thai, gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi và động Tàng Chơn. Ngũ Hành Sơn còn là nơi tụ hội nhiều thợ giỏi chuyên tạc tượng Phật từ đá Non Nước, tôi thấy một số ngôi chùa ở Hoa Kỳ cũng thỉnh tượng Phật từ nơi đây về thờ phụng.

Cách Ngũ Hành Sơn không xa lắm là đỉnh Bạch Mã, cũng giống như khu Bà Nà, Bạch Mã là nơi từ ngày xưa Pháp đã cho xây một số biệt thự để nghỉ ngơi. Bạch Mã còn là Vườn Quốc gia có rừng nguyên sinh và để bảo tồn một số loại thú quý hiếm. Nhiều năm nay, Bà Nà đã bị nhượng cho một công ty du lịch khai thác, làm cáp treo, bán vé cho thường dân muốn đến thưởng ngoạn. Bạch Mã cũng bị "bán" cho công ty du lịch, rồi sẽ có cáp treo, rồi sẽ bán vé… như người ta đã từng làm với cáp treo ngáng biển ở Hòn Tằm – Nha Trang cho Vinpearl, cáp treo lên chùa Bà Đen – Tây Ninh, chùaTuyền Lâm- Đà Lạt hay dị hợm nhất là cáp treo lên đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Việt Nam ở Lào Cai. Tôi vừa ký tên vào trang mạng Petition change.org để phản đối dự án cáp treo vào Sơn Đoòng, một hang động kỳ vỹ và thuộc hạng đẹp nhất thế giới ở tỉnh Quảng Bình.

uv7

Cáp treo đưa lên đỉnh Fansipan

Những phương tiện tối tân thời hiện đại dường như đã làm người dân lười biếng dần, người ta không muốn mất thời giờ nhẩn nha trèo núi vãn cảnh chùa, không muốn thảnh thơi từ tốn ngồi trên sườn núi, phóng tầm mắt xa xa chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước. Người ta mua vé thang máy, cáp treo và sẽ vụt một phát đến nơi cần đến, chụp hình selfie chứng tỏ đã đến nơi và chui vào cabin tụt xuống… để còn đi nơi khác. Các công ty du lịch rất thích điều đó, họ sẽ đáp ứng ngay, không cần biết để xây dựng và vận hành những thứ cáp treo ấy sẽ làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi sinh ra sao. Vả lại, như lệ thường thấy, mỗi dự án mở ra đều mang lại khoản tư túi hậu hĩnh cho các quan chức sở tại. Thế nên quan chức tỉnh thành nào cũng đua nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có trong tỉnh mình. Họ viện cớ phát triển du lịch "ngành công nghiệp không khói" để làm giàu, nhưng người dân không được dự phần. Một cảnh quan trước khi có dự án nhân dân tha hồ đến chơi miễn phí, nhưng khi hoàn thành thì dân chúng buộc phải xùy tiền nếu muốn đến.

Một thực tế hiển nhiên đang xảy ra khắp nước là di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đang bị băm vằm, bị hủy hoại hoặc làm mất giá trị. Một phần rất lớn do kẻ khai thác, một phần nữa do thái độ văn hóa của người dân. Người dân chưa học được cách tôn trọng môi trường, tôn trọng thiên nhiên, người ta thản nhiên xả rác, thản nhiên vặt hoa nơi công cộng. Đến các di tích dễ thấy nhất là những hàng chữ ghi chằng chịt tên người, rồi gạch xóa lung tung, chưa kể những câu chửi thề tục tĩu… dày đặc trên các bức tường, các gốc cây.

uv8

Lên chùa ở Ngũ Hành Sơn bằng thang máy

Ai yêu mến Sài Gòn với các kiến trúc từ thời Pháp sẽ cảm thấy đau lòng khi quan sát nhà thờ Đức Bà, bên ngoài bức tường bằng gạch đỏ (nhập cảng từ Pháp, xây dựng cách đây 140 năm) của nhà thờ dày kín tên người, nhiều chỗ gạch bị mục, lở loét vết đục phá. Bên cạnh đó, mái nhà thờ đang hư hỏng nặng, nhiều chỗ ngói vỡ phải che tạm bằng các mảnh tôn sơn màu nâu, chóp tháp chuông vốn lợp bằng đá xám bị vỡ, phải thay bằng tôn kẽm, nay lớp tôn kẽm ấy cũng phải vá víu… Nhưng muốn sửa sang ngôi nhà thờ vốn tiêu biểu cho Sài Gòn thật không dễ, ngoài tốn rất nhiều công của còn phải được nhiều ban bệ của thành phố duyệt xét, cho phép. Chưa biết đến bao giờ nhà thờ Đức Bà mới trở lại được như xưa.

Nếu thế giới lên án Nhà nước Hồi Giáo (IS) là tội ác chiến tranh vì hành vi phá hủy các di tích văn hóa loài người tại thành cổ Niniveh, tại Nimrud, tại Hatra, Mosul ở Iraq, hủy diệt di chỉ khảo cổ tại Palmyra ở Syria thì hành động của các du khách Trung Quốc khi khắc tên mình lên tường ngôi đền cổ vài ngàn năm tuổi ở Luxor – Ai Cập ; khi du khách Việt Nam băm vằm, khắc chữ trên Tháp Bút, Tháp Hòa Phong ở Hà Nội cũng có thể gọi là tội ác văn hóa. Mà lạ thay việc ấy cứ tiếp diễn.

Không khó nhận ra rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh của quê hương đã bị hủy hoại nột cách cố ý, tôi nghĩ người Việt chúng ta, dù đang sinh sống khắp nơi trên thế giới hay còn trong nước đều có chung một cội nguồn cần gìn giữ, một quê hương để đau đáu nhớ về và cần chia sẻ chung một nỗi lo cho vận mệnh đất nước. Chẳng phải căn cước của chúng ta chính là dòng máu Việt chảy suốt chiều dài lịch sử ngàn năm hay sao ?

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ, Nam Cali, tháng 02/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Uyên Vũ
Read 710 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)