Giá dầu thế giới tăng, Việt Nam thu thêm tiền, người dân gánh thêm ‘giá xăng tăng’
Nhân viên đang đổi bảng giá tại một cây xăng.
Giá dầu thế giới tăng đang giúp cho Việt Nam kiếm tiền, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và có thể giúp cho nước này xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Duy chỉ có một cảnh báo, đó là giá xăng dầu cao hơn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Mặc dù không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn như các nước Trung Đông, nhưng Việt Nam xem các sản phẩm liên quan đến năng lượng là nguồn xuất khẩu cao thứ năm của mình. Ngành công nghiệp này chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nhà cung cấp năng lượng PetroVietnam, với doanh thu hàng năm là 3,1 tỷ USD. Phần lớn năng lượng của Việt Nam được khai thác ngoài biển ở phía đông và phía nam của đất nước.
Nếu giá dầu thô giữ ở mức trung bình 65 USD/thùng trong năm nay, cao hơn mức trung bình của năm ngoái là 60USD/thùng, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đặt ra là 6,7%, trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết vào tuần trước.
Ralf Matthaes, người sáng lập công ty tư vấn nghiên cứu Infocus Mekong tại thành phố Hồ Chí Minh, nói : "Việt Nam có trữ lượng dầu khí rất lớn, do đó nếu giá tăng lên chắc chắn sẽ là mối lợi cho Việt Nam".
Chuyên gia này nói thêm rằng : "Một lợi ích khác cho Việt Nam là có nhiều xuất khẩu hơn, không chỉ cà phê và gạo".
Giá dầu thế giới tăng vọt
Bộ Tài chính Việt Nam dự báo tổng thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu thô sẽ đạt 3,13 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2018, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tổng doanh thu từ tháng 1 đến tháng 9 đã vượt mục tiêu của cả năm.
Doanh thu tăng lên đối với Việt Nam phản ánh thu nhập cao hơn từ việc xuất khẩu dầu. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, giá dầu thế giới sẽ lên tới 73 USD/thùng trong năm nay và 74 USD/thùng trong năm tới. Cơ quan này nói giá dầu tăng là vì có vấn đề về cung, trong đó có ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
"Đối với chính phủ và doanh nghiệp nhà nước PetroVietnam, đây chắc chắn là tin tốt", ông Frederick Burke, đối tác của công ty luật Baker McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định. "Thời gian qua họ đã gặp khó khăn ở hạng mục này trong ngân sách".
Một giàn khoan ngoài khơi của PetroVietnam.
Việt Nam xuất khẩu dầu chủ yếu sang Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Nguồn thu từ xuất khẩu này đóng góp vào nền kinh tế trị giá 224 tỷ USD và tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm kể từ năm 2012. Phần lớn tăng trưởng nhờ vào các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất và chế tạo các mặt hàng như phụ tùng ô tô và đồ điện tử gia dụng.
Đảng Cộng sản cho biết Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 11,23 triệu tấn dầu thô trong năm nay.
Làm gì với tiền ?
Theo ông Matthaes, doanh thu từ xuất khẩu dầu sẽ giúp cho chính phủ có nhiều tiền hơn để chi cho cơ sở hạ tầng công cộng. Các quan chức Việt Nam đang xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để các nhà sản xuất thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu, vận chuyển từ nhà máy ra thị trường nước ngoài. Vận chuyển hàng hóa dễ dàng sẽ giúp giữ chân các nhà sản xuất ở Việt Nam, vốn cạnh tranh với Trung Quốc và phần lớn khu vực Đông Nam Á để thu hút đầu tư.
Tờ báo trong nước VnEpress nói chính phủ hiện đang chi tiền cho các tuyến đường cao tốc và giao thông công cộng đô thị để xử lý "những thiếu hụt hậu cần của đất nước".
Công nhân xây dựng đang làm việc trên một đường cao tốc ở Hà Nội.
Theo ông Burke, các doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ xây dựng thêm nhiều nhà máy lọc dầu. Mặc dù có doanh thu xuất khẩu, nhưng Việt Nam lại là nước nhập khẩu ròng các sản phẩm hóa dầu vì các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam không thể đáp ứng cho tất cả nhu cầu của 95 triệu dân và ngành công nghiệp.
Việt Nam nhập khẩu ngược lại khoảng 70% nhiên liệu của mình để sử dụng trên thực tế, chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Các quan chức Việt Nam muốn xây dựng thêm các nhà máy lọc dầu để đảm bảo Việt Nam luôn có nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định, theo lời ông Burke. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng tình trạng "dư thừa" nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đặt ra nghi ngờ về ý tưởng mở thêm các nhà máy lọc dầu trong nước.
Mối đe dọa lạm phát
Phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ làm tăng giá xăng dầu cho người tiêu dùng Việt Nam, và đó là một mối đe dọa lạm phát, theo dự đoán của các nhà phân tích và truyền thông trong nước.
Theo đó, giá xăng sẽ tăng từ 5 đến 15% và có thể làm tăng lạm phát lên tới 0,64% trong năm, vẫn theo nguồn tin của Đảng Cộng sản.
Các quan chức ở Hà Nội đặt giới hạn mức lạm phát là 4% trong năm nay, nhưng tính đến tháng 6, mức lạm phát đã tăng cao hơn. Giá cả thấp giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như hàng triệu thường dân lái xe máy hằng ngày vẫn còn đang sống với mức thu nhập nghèo túng.
Ông Nguyễn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nói rằng người tiêu dùng bình thường đã "cảm thấy sức nóng".
Ông nói : "Họ đã quá quen với việc xăng dầu tăng giá, nên tôi nghĩ họ vẫn có thể chịu đựng được, nhưng không biết được bao lâu".
Ralph Jennings
Nguồn : VOA, 15/10/2018