Khi bên EU đang diễn ra điều trần về vấn đề nhân quyền với sự tham gia của nhà hoạt động Nguyễn Quang A, thì vào thứ Sáu, Việt Nam tiếp tục tuyên án tù đối với Blogger Đỗ Công Đương, người đã sử dụng Facebook để đưa ra những chỉ trích về tham nhũng và tranh chấp đất đai.
Đã có hơn 50 nhà hoạt động, nhà vận động và blogger bị bắt vào năm 2018, đưa năm này trở thành năm tiêu điểm cho việc kiểm soát chặt chẽ giới bất đồng chính kiến của nhà nước Việt nam.
Một bài viết trên ABS-CBN cho biết, nhiều nhà quan sát nhận thấy rằng, khi chính quyền bảo thủ lên năm quyền vào năm 2016, nó đã hình thành một chiến dịch truy quét người bất đồng chính kiến.
Luật sư Hà Huy Sơn, người được dẫn lời bởi AFP cho hay, ông Đương bị kết án 5 năm tù vì tội ‘lạm dụng quyền tự do dân chủ’, trong khi thân chủ của ông khẳng định, ông ấy chỉ chống tham nhũng, bất công và đấu tranh cho quyền con người được tôn trọng. Ông ấy không chống đảng hay nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, TAND Bắc Ninh vẫn tuyên án và theo ông Sơn thì, đó là một thông điệp cảnh báo.
Đất đai, tại Việt Nam vẫn là chủ đề nhạy cảm, nơi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng đã khiến các hộ dân nghèo nhanh chóng trở thành dân oan.
Facebook, nơi mà cho phép tạo chế độ chia sẻ và tương tác nhanh chóng đang trở thành một trong những mục tiêu bị giám sát và quản lý bởi nhà nước Việt Nam. Mới đây, một văn bản hướng dẫn thực hiện Luật an ninh mạng do Bộ Công an chủ trì được chia sẻ trên Facebook, nó cho thấy, chính quyền Việt Nam muốn Facebook và Google phải hợp tác và bàn giao dữ liệu người dùng nếu Chính phủ yêu cầu.
Sự tự do đang trở thành một yếu tố mà nhiều người Việt Nam mong muốn, nơi chế độ một đảng và sự kiểm duyệt đã hiện diện trong gần một thế kỷ qua.
Mai Khôi, người từng là ca nhạc sĩ có tiếng ở Việt Nam, nhưng sau đó, cô thừa nhận với nhiều báo đài nước ngoài về mong muốn bức phá ra khỏi sự kiểm duyệt của đất nước.
‘Tôi không cảm thấy sự tự do’, Mai Khôi cho CNBC biết.
Và cũng như nhiều người tìm kiếm tự do khác, Mai Khôi bị sách nhiễu bởi lực lượng an ninh, cô không còn được xuất hiện trên TV hay báo chí nữa, cô chia sẻ với CNBC.
Nhiều người đồng tình với quan điểm của Mai Khôi về sự tự do ngôn luận gắn liền với bền vững quốc gia.
‘Rất khó để phát triển thịnh vượng kinh tế nếu như chưa phát huy tiềm năng của con người. Tiềm năng đó bao gồm cả sự thể hiện bản thân, ý tưởng và phê phán sai lầm trong xã hội’.
Cũng như nhiều nhà hoạt động khác, Facebook của Mai Khôi cũng gặp vấn đề, và khi cô gửi email để phản ánh sự việc, thì Facebook vẫn giữ ‘quyền im lặng’.
Những nhà đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam đang thực sự gặp những khó khăn, khi công cụ Facebook – thứ khiến họ cất lên tiếng nói hay những áp lực từ các hiệp định thương mại đang mất dần đi. Và nhà cầm quyền Việt Nam đang thúc đẩy nhanh việc trừng trị sự nảy nở tự do ngôn luận trên Facebook.
Vẫn chưa có một phương cách nào hữu hiệu đối với sự đấu tranh giành nhân quyền tại Việt Nam, nơi mà các luật lệ bị thao túng và đang dần siết chặt trong các lĩnh vực, và bản thân yếu tố nhân quyền bị hạ thứ bậc so với thương mại trong mắt nhiều quốc gia, tổ chức khi hợp tác với nhà nước Việt Nam. Người đấu tranh nhân quyền Việt Nam đang chờ đợi một áp lực từ Mỹ hơn là từ EU, nơi cuộc chiến thương mại và nguyên tắc tự do hàng hải đang đem lại những giá trị mà nhà nước Việt Nam nhận thấy có thể đánh đổi được. Vấn đề, là nước Mỹ phải nhất quán trong gia tăng mối quan tâm về nhân quyền và đặt nhân quyền ngay trong nhiều vấn đề liên quan đến thương mại, trong khi đó – với người bất đồng chính kiến, họ cần xây dựng một chương trình đấu tranh chung, nơi chấm dứt sự lẻ tẻ và rời rạc trong phương hướng và định hướng đấu tranh như hiện nay.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 15/10/2018