Như mọi người đã biết, trong mấy tháng gần đây, đảng và nhà cầm quyền của chế độ độc tài toàn trị "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã liên tục đưa ra xét xử và kết án nặng nề những nhà bất đồng chính kiến và nhân dân chỉ vì các hoạt động ôn hòa đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền được biểu tỏ trên thực địa hay trên mạng truyền thông. Thế nhưng bị đảng và nhà cầm quyền coi là vi phạm Bộ luật Hình sự của chế độ cũng như Luật An ninh mạng mới được quốc hội của đảng cộng sản thông qua, dù bị nhân dân chống đối quyết liệt và chưa có hiêu lực chấp hành cho tới đầu năm tới 2019.
Biểu tình chống 2 dự luật, Đặc Khu Kinh Tế và An Ninh Mạng.
Sự thể này cho thấy từ đây, ngoài công cụ pháp lý là "Bộ Luật hình sự" để nhà cầm quyền trấn áp các hoạt động thể hiện các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền trên thực địa ; nay tăng cường thêm "Luật An ninh mạng" là công cụ pháp lý để "bịt miệng, siết cổ" nhân dân trên lãnh vục truyền thông trên mạng.
Hệ quả thực tế đúng như tuyên bố hôm 09/10 vừa qua của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong đó có đoạn viết "Xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và những bản án nặng nề đối với các nhà hoạt động ôn hòa từ đầu năm 2016 đến nay hết sức đáng lo ngại. Từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam đã kết án hơn 30 nhà hoạt động ôn hòa, tăng đáng kể so với năm ngoái".
Tuyên bố này nhằm bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ về hành động mới nhất của nhà cầm quyền Việt Nam xử phạt các nhà hoạt động thuộc "Liên minh Dân tộc Việt Nam" hôm 05/10. Theo đó, Tòa án thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù, và Phan Trung 8 năm tù.
Ngoài ra, Chiến dịch NOW ! (Now Campaign), một chương trình có sự tham gia của 14 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế cho biết chính phủ Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 246 tù nhân lương tâm trong tù hoặc trong điều kiện tương tự, tăng hơn 80 người so với con số 165 vào tháng 11 năm 2017, khi chiến dịch được khởi xướng. Tổ chức Now Campaign cũng nói rằng Việt Nam là nước đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng người hoạt động bị giam cầm, chỉ sau Myanmar.
Trong chín tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 24 người hoạt động nhân quyền, và kết án 33 người hoạt động với tổng cộng mức án 225.5 năm tù và 56 năm quản chế, theo NOW Campaign.
Ngoài ra, Việt Nam đã kết án 60 người tham gia các cuộc biểu tình hồi giữa tháng 6 để phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu Kinh tế, với tổng cộng 113 năm và 5 tháng tù và tổng cộng 89 tháng quản chế. Có 148 tù nhân lương tâm thuộc sắc tộc Kinh và 75 người Thượng từ Tây Nguyên, hai người thuộc sắc tộc Khmer Krom.
Vẫn theo NOW Compaign, để đối phó với sự bất mãn xã hội ngày càng gia tăng và trấn áp giới bất đồng chính kiến, chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hà khắc, bao gồm kết án nhiều người bất đồng kính kiến với những bản án nặng nề, bắt giữ nhiều blogger và cáo buộc họ với những cáo buộc chính trị, và sử dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn các cuộc biểu tình trên đường phố. Chỉ riêng từ ngày 1/7 đến ngày 30/9 năm nay, Việt Nam đã bắt giữ 19 nhà hoạt động và blogger. 10 người trong số họ bị buộc tội theo cáo buộc trong Bộ luật hình sự, trong khi các cáo buộc chống lại 9 người còn lại vẫn chưa được công bố, mới nhất là vụ bắt giữ blogger Hoàng Thị Thu Vang vào ngày 14/9 với cáo buộc "Phá rối an ninh" ở thành phố Hồ Chí Minh
Vào tháng 4 năm nay, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam, đa số phải sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi. Ông James Gomez, Giám đốc Amnesty International tại Đông Nam Á tuyên bố :
"Việt Nam là một trong những nhà tù giam giữ nhiều nhà tranh đấu hòa bình nhất Đông Nam Á – một danh hiệu đáng xấu hổ. Cả 97 tù nhân lương tâm mà chúng tôi biết được là những con người can đảm, đã bị mất đi tự do chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền. Điều tệ hại nhất là con số này có thể thấp hơn so với thực tế".
Một số vụ án điển hình
Sau đây có thể liệt kê một số vụ án điển hình cho điều mà bản Tuyên bố của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, cũng như sự ghi nhận của chiến dịch NOW, và Tổ chức Ân xá Quốc tế về sự gia tăng cường độ và mức độ đàn áp dân chủ, tước đoạt các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền trên thực địa cũng như trên mạng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
1. Ngày 27/9/2018. Facebooker Bùi Mạnh Đồng bị Tòa án ở Cần Thơ kết án 2 năm 6 tháng tù, cho là vì đăng tải những thông tin và hình ảnh ‘xuyên tạc’ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông Đồng, 40 tuổi, bị kết án với tội danh ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước" theo điều 331 của Bộ Luật hình sự 2015, theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam. Đây là người thứ hai ở Cần Thơ nhận án tù trong tuần này vì đăng tải những thông tin mà chính quyền cho là nhằm bôi nhọ Đảng và Nhà nước trên Facebook.
2. Hôm 26/9, một tòa án ở tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt mức án gần 50 năm tù đối với 15 người với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ do tham gia vào đợt biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và Luật An ninh Mạng vào tháng 6, theo hãng tin Reuters.
3. Hôm 24/9, một tòa án ở Cần Thơ đã phạt blogger Đoàn Khánh Vinh Quang 27 tháng tù vì đăng tải thông tin xúc phạm đảng cộng sản, chính phủ Việt Nam (giống như tội "phạm húy" hay "khi quân" thời phong kiến) , và kêu gọi biểu tình.Hãng tin Reuters cho biết nhà hoạt động Đoàn Khánh Vinh Quang, 42 tuổi, chủ tài khoản "Quang Đoàn" trên Facebook, bị phạt tù 27 tháng với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
4. Với cùng tội danh như ông Quang, hôm 22/9, một tòa án ở Cần Thơ tuyên phạt Nguyễn Hồng Nguyên, 38 tuổi, và Trương Đình Khang, 26 tuổi, hai năm tù giam và một năm tù giam. Ông Nguyên, chủ tài khoản Facebook "Nguyên Hồng Nguyễn (Bồ Công Anh)" và bà Khang, chủ tài khoản Facebook "Hồ Mai Chi", bị cáo buộc là đã soạn thảo, đăng và chia sẻ những bài viết, hình ảnh và video "có nội dung nói xấu, bôi nhọ lãnh tụ vô sản quốc tế, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh".
5. Một tòa án ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hôm 18/9 tuyên án tù hai người vì tham gia biểu tình chống Luật Đặc khu hồi tháng 6. Ông Tạ Thành Duy, 47 tuổi, và ông Nguyễn Văn Ý, 32 tuổi, bị tuyên cùng mức án 1 năm 3 tháng tù giam về tội "gây rối trật tự công cộng" khi tham gia cuộc biểu tình diễn ra ở Nha Trang vào ngày 10/6.
6. Ngày 4/9, Công an tỉnh Đồng Tháp và Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt giam ông Huỳnh Trương Ca, một blogger phản ánh các vấn đề xã hội, với cáo buộc "kích động, chống phá nhà nước", theo điều 117 Bộ luật hình sự. và kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Trong một video clip được phát trực tiếp trên Facebook hôm 16/8, ông Ca nói, dù ông bị an ninh bố ráp và khủng bố tinh thần trong thời gian gần đây nhưng ông và các blogger khác quyết tâm phát động phong trào khai hiến, đòi quyền làm người như đã quy định tại điều 25 của Hiến Pháp năm 2013 : quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.Trong thông điệp phát đi hôm 16/8, ông Ca kêu gọi xuống đường biểu tình một cách ôn hòa vào ngày 4/9 để đòi các quyền hiến định của người dân.
7. Một tòa án ở tỉnh Đồng Nai hôm 30/7 tuyên án tù từ 8 tháng đến 1 năm 6 tháng đối với 15 người biểu tình chống hai dự luật gây tranh cãi hồi đầu tháng 6 là "Đặc khu hành chánh kinh tế" và "An ninh mạng". Nhà chức trách khép những người này vào tội "gây rối trật tự công cộng". Tin cho hay, bị cáo nhận bản án cao nhất là Nguyễn Duy Quang, 35 tuổi, ngụ ở huyện Thống Nhất trong tỉnh. Mức án cao thứ nhì, 1 năm 4 tháng tù, được tuyên cho Phạm Ngọc Hạnh, 45 tuổi, sống tại thành phố Biên Hòa. 13 người còn lại nhận mức án từ 8 - 10 tháng tù.
8. Hôm 23/7, 10 người khác đã bị tòa án huyện Tuy phong tuyên án tổng cộng 27 năm tù giam vì tham gia bạo động tại thị trấn Phan Rí Cửa, theo VTC News. Trước đó, ngày 12/7, Tòa án tỉnh Bình Thuận tuyên các án tù lên tới 2 năm rưỡi đối với sáu người tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu.
Những vụ án điển hình trên đây cho thấy, đảng và nhà cầm quyền của chế độ độc tài toàn trị hiện nay đã và đang điên cuồng gia tăng cường độ và mức độ trấn áp mọi tiếng nói bất đồng chính kiến của người dân ; dù đó chỉ là sự thể hiện ôn hòa các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền đã được chính Hiến pháp của chế độ qui định.
Trong cuộc hội luận mới đây trên một đài Phát thanh Việt ngữ ở Houston, người điều hợp đã nêu ra tình hình thực tế trên, với sự kiện diển hình là nhà cầm quyền đã tăng cường tối đa các biện pháp trấn áp trước và trong ngày lễ 2/9 khiến không có cuộc biểu tình nào của quần chúng nhân dân dự trù trước đó diễn ra được, để nêu câu hỏi với người viết : "Với kinh nghiệm của một người từng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền bị bắt cầm tù trong nước, đánh giá thế nào về việc nhà cầm quyền tăng cường các biện pháp trấn áp đối với cao trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền của quần chúng và tinh thần của các nhà đấu tranh vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước ?".
Các biện pháp trấn áp bằng các công cụ bạo lực để bảo vệ chế độ
Sau đây là câu trả lời của chúng tôi : Các biện pháp trấn áp bằng các công cụ bạo lực để bảo vệ chế độ như quân đội, công an, luật pháp, tòa án, nhà tù, pháp trường… trong một chế độ độc tài toàn trị như chế độ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" (ngụy cộng hòa, dân chủ, ngụy giai cấp vô sản) hiện nay :
1. Đối với cao trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền của quần chúng nhân dân, thì mọi biện pháp trấn áp dù tinh vi, tàn bạo đến đâu, cũng chỉ có hiệu quả nhất thời.
Tỷ như việc tăng cường các công cụ đàn áp bằng bạo lực trước và trong ngày 2/9 vừa qua, chỉ làm cho các cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân tạm thời không nổ ra, để tránh tổn thất, bảo toàn lực lương đấu tranh. Nhưng không thể tiêu diệt được các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục nổ ra trong tương lai, khi cần và có thời cơ, với cường độ mạnh hơn, phạm vi mở rộng hơn. Bởi vì nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình là mâu thuẫn đối kháng (một mất, một còn) ngày càng sâu sắc giữa nhân dân (đòi quyền làm chủ và các quyền tự do, nhân quyền) với nhà cầm quyền độc tài toàn trị cộng sản (bác đoạt quyền làm chủ, các quyền tự do, nhân quyền) vẫn chưa giải quyết. Nghĩa là ngày nào còn tồn tại trên đất nước ta một chế độ độc tài đảng trị cộng sản, "thiết lập bằng bạo lực (cướp chính quyền), duy trì bằng bạo lực (bằng các công cụ độc tài ngụy giai cấp vô sản, trấn áp nhân dân), thì nhân dân bị tước đoạt quyền làm chủ, bị áp bức, bóc lột sẽ tiếp tục vùng lên đấu tranh cho tới khi nào giành lại tất cả các quyền của mình.
2. Đối với tinh thần của các nhà đấu tranh vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, từ kinh nghiệm bản thân cũng như của những nhà đấu tranh cho những lý tưởng cao cả trên khắp thế giới, từ cổ chí kim, chúng tôi cho rằng mọi biện pháp trấn áp của nhà cầm quyền dù tàn bạo (xỉ nhục, khủng bố, tra tấn…) và nghiệt ngã đến đâu (hành hạ, bỏ đói khát, để chết vì bệnh tật trong nhà tù…) cũng không thể hủy diệt được tinh thần và các hoạt động đấu tranh kiên cường của họ và không giảm số lượng những người kế tục.
Bởi vì, một khi dấn thân vào con đường đấu tranh vì nhân dân, vì đất nước và dân tộc, hầu hết các nhà đấu tranh cho dân chủ hôm nay, đều có ít nhiều bản lãnh, vượt qua sự sợ hãi , chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ cá nhân, hạnh phúc gia đình.
Chính vì vậy và nhờ vậy, khi phải đương đầu với cường quyền, tương quan lực lượng không cân sức ; dẫu ở thế yếu và dù biết rằng con đường đấu tranh còn dài, mục tiêu tối hậu có khi cả đời mình chưa đạt được, như "một con én không làm nổi mùa xuân", có thể bị cường quyền nghiền nát như"một xác én". Thế nhưng họ vẫn kiên trì, tình nguyện làm "một xác én", với niềm tin mãnh liệt là đã góp phần cùng "những xác én khác làm nên Mùa Xuân Dân Tộc".
Lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc,chống xâm lược Phương Bắc kéo dài hàng ngàn năm và chống xâm lược Phương Tay kéo dài gần 100 năm, đã chứng mình rằng, nếu không có sự tình nguyện dấn thân hy sinh làm "những xác én" của các anh hùng hào kiệt và nhân dân, thì làm sao đánh duổi được cường quyền xâm lược,đem lại "Mùa xuân cho Dân tộc"… Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp của nhân dân Miền Nam, hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực từng khẳng định đại ý "Bao giờ quân xâm lược Pháp nhổ hết cỏ Nước Nam, thì mới hết người dân Nam chống Pháp". Trước khi cùng 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bước lên máy chém của thực dân Pháp, anh hùng Nguyễn Thái Học cũng từng kêu gọi mọi người "chấp nhận cái chết cho Tổ Quốc quyết sinh".
Ngay nay cũng vậy, nếu ai cũng nghĩ rằng "Con én không làm nổi mùa xuân" khi đứng trước cường quyền độc tài toàn trị cộng sản, không dám dấn thân đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước, tình nguyện hy sinh và chấp nhận làm "những xác én" lót đường cho các thế hệ mai sau tiếp nối để tạo dựng "mùa xuân cho dân tộc".
Viết đến đây chúng tôi liên tưởng đến bài hát "Đảng đã cho ta mùa xuân" có nội dung và mục đích tuyên truyền ca ngợi công lao của đảng cộng sản Việt Nam. Bài hát thể hiện hai nghịch lý : Một là tác giả bài Viết là Phạm Tuyên, con của Thượng thư Phạm Quỳnh, đã bị Việt Minh cộng sản giết vì bị kết tội "Việt gian" sau khi cướp đưiợc chính quyền trong biến cố Tháng 8 năm 1945. Vậy mà đã tình nguyện hay phải viết (để tồn tại) một bài viết ca ngợi chính kẻ đã giết cha mình. Hai là tên và nội dung bài viết hoàn toàn trái với sự thật : Thực tế, đảng cộng sản Việt Nam đã không cho "Ta" (là quần chúng nhân dân Việt Nam ?) "Mùa Xuân", mà "Đảng" đã chỉ cho "Ta" (nhân dân ta, đất nước ta) những "Mùa Đông băng giá, nghiệt ngã và buồn thảm !".
Vậy thì, trong hiện trạng Việt Nam cũng đang cần "nhiều xác én" đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, để làm tiêu vong từng bước chế độ độc tài toàn trị"Cộng hòa xã hội chủ nghĩa", tạo dựng "mùa Xuân cho dân tộc" là một đất nước phải có "chế độ dân chủ pháp trị" đích thực, làm tiền đề đoàn kết toàn lực quốc gia, tập trung cao độ mọi tiềm năng nhân dân trong nước và người Việt hải ngoại để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước đến phú cường và văn minh tiến bộ.
Từ đó và nhờ đó mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam sẽ được sống trong "Độc lập-Tự Do-Hạnh phúc" thực sự ; chứ không còn là khẩu hiệu tuyên truyền lừa mị của đảng Cộng sản Việt Nam (gia danh, giả hiệu) như bấy lâu nay. Phải không ạ, thưa quý độc giả thân mến !
Houston, ngày 12/10/2018
Thiện Ý