Thân mẫu của các công dân mạng là tù nhân lương tâm tại Việt Nam chia sẻ về hành trình họ sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội để đấu tranh đòi công lý cho con của mình.
Mạng xã hội : Công cụ đấu tranh của những bà mẹ tại Việt Nam - AFP
Hòa Ái có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Liên và cô giáo Huỳnh Thị Út là mẹ của hai tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha và Trần Hoàng Phúc cùng Đinh Nguyên Kha.
Hòa Ái : Thưa bà Kim Liên, bà có thể chia sẻ tóm tắt hành trình làm thế nào bà kết nối được với cư dân mạng thế giới và họ đồng hành với bà ra sao qua các chuyến đi vận động cho tù nhân lương tâm Việt Nam tại Hoa Kỳ và Australia ?
Nguyễn Thị Kim Liên : Qua 6 năm tù của hai đưa con Kha và Uy, kinh nghiệm trước nhất mà tôi có là tấm lòng của người mẹ thương con một cách mãnh liệt, nên dù rằng tôi chỉ học tới lớp 8 thôi và cũng là nông dân chân lắm tay bùn nhưng tôi ráng học hỏi để nâng kiến thức của mình lên hòa nhập với thế giới qua mạng xã hội, nhất là qua Facebook. Qua đó, tôi quên rất nhiều bạn bè, anh em ở nước ngoài và ở trong nước, nhiều tổ chức…lên tiếng muốn giúp tôi để lên tiếng cho hai đứa con tôi.
Từ khi tôi kết nối được như vậy, thì tự nhiên tinh thần và tấm lòng thương con của tôi được mạnh mẽ lên. Tôi cảm thấy tôi học cái gì cũng được.
Qua 6 năm, tôi đi được nước Mỹ và nước Úc. Năm rồi đi Úc, tôi cũng nêu vấn đề áp bức tù nhân lương tâm trong tù, mà trước mắt là con tôi bị áp bức trong trại giam. Nhờ tiếng nói được nhiều bạn bè ủng hộ, yểm trợ nên Trại tù K3 Xuyên Mộ ngưng lại chế độ hà khắc đối với các anh em tù nhân trong đó.
Hòa Ái : Thưa cô Huỳnh Thị Út, cô đón nhận thông tin con trai của mình, Trần Hoàng Phúc bị bắt và bị tuyên bản án tù nặng nề 6 năm tù giam và 4 năm quản chế trong tâm trạng như thế nào khi mà cô khẳng định con trai của mình vô tội ?
Huỳnh Thị Út : Chiều 29/06/17, trên mạng xã hội có đăng tin Phúc bị 4, 5 an ninh bắt cóc. Một người mẹ ở Sài Gòn, khi hay tin con mình bị an ninh bắt cóc như vậy thì tâm trạng rất lo lắng vì sợ con của mình bị giết trong đồn công an, do hiện tượng người dân bị chết trong đồn công an xảy ra nhiều năm rồi. Cho nên, sáng ngày 01/07/17, tôi bay ra Hà Nội để đi tim con mình, tìm cho ra ai bắt cóc và cháu đang bị giam giữ ở nơi đâu.
Còn về bản án tuyên cho Phúc 6 năm tù giam và 4 năm quản chế thì rõ ràng mình thấy bản án đó quá là bất công. Nó sai từ cái khâu bắt Phúc trái pháp luật và ép cung, bức cung và lấy cung ban đêm Phúc.
Bởi vì Phúc không vi phạm pháp luật. Xử Phúc như vậy là oan sai và mình không đồng ý, không chấp nhận.
Hòa Ái : Hòa Ái cũng ghi nhận qua trang Facebook cá nhân, cô thường xuyên đăng tải những thông tin quy chiếu theo luật pháp Việt Nam để minh chứng cho sự vô tội của con trai mình qua những việc làm của em. Hòa Ái xin hỏi những thông tin mà cô đăng tải đó là do tự cô tìm tòi hay có ai giúp đỡ để cô tìm mạng xã hội cất lên tiếng nói đòi công lý cho con trai của mình ?
Huỳnh Thị Út : Khi Phúc bị án oan sai như vậy, với tình thương của một người mẹ thì mình cố hết sức đọc sách, tìm hiểu để biết sơ qua các điều luật ; đồng thời để nắm chắc hơn và hiểu rõ hơn các điều khỏan luật và tham vấn thêm với luật sư của Phúc. Do đó, mình mới mạnh dạn hơn chia sẻ về các điều luật đó để cộng đồng mạng biết được rằng họ đã vi phạm và làm sai đối với tất cả các tù nhân lương tâm, cũng như riêng đối với Phúc.
Hòa Ái : Trở lại với bà Kim Liên, Hòa Ái ghi nhận bên cạnh các chuyến đi xuất ngoại để vận động các chính phủ và tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm tại Việt Nam, bà cũng là công dân mạng được nhiều người biết đến với các hoạt động xã hội cũng như cất lên tiếng nói phản biện trước những sai trái của chính quyền. Những điều bà làm như thế, có phải để khích lệ tinh thần cho con trai bị tù đày của mình ?
Nguyễn Thị Kim Liên : Những điều tôi làm trong khi con tôi ở tù ; thứ nhất là tôi nhận thấy tinh thần của các anh em tù nhân rất mạnh mẽ, thúc đẩy tôi ở bên ngoài phải làm điều gì để cất lên tiếng nói và mỗi lần đi thăm tôi kể cho họ nghe, để họ được vững tâm rằng có một người mẹ của một anh em tù nhân lúc nào cũng sẵn sàng lên tiếng cho tù nhân trong Trại K3. Ngoài ra, trong xã hội thì tôi muốn cho mọi người thấy một người mẹ có con đi tù của Cộng sản 6 năm thì sẽ không bao giờ khuất phục trước nhà cầm quyền này.
Hòa Ái : Xin được hỏi Đinh Nguyên Kha, khi mẹ đến thăm và được nghe mẹ kể những việc làm ở bên ngoài để lên tiếng thay cho những tù nhân lương tâm ở trong tù. Kha hay tù nhân lương tâm nào khác có gặp trở ngại nào ở trại giam không khi nghe được những thông tin từ bên ngoại ?
Đinh Nguyên Kha : Lúc đầu những thông tin ở ngoài gia đình đưa vào rất nhạy cảm cho nên cán bộ trại giam tìm cách ngăn cản, không có cho gia đình tôi nói, hay đề cập đến những chuyện đó". Vì nhà tôi cũng đấu tranh, chống lại các áp bức đó nên họ không thể đuổi mình đi được. Cho nên mình cứ cứng rắn. Họ đuổi mình vô mà mình không đi vô thì họ sẽ khiêng mình vô. Mình cứ ngồi lì ở đó thì cuối cùng họ cũng bó tay thôi.
Hòa Ái : Nhân buổi trò chuyện hôm nay, được nghe chia sẻ của hai người mẹ. Nếu như có thể được đại diện cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam và nói một lời với các bà mẹ của tù nhân lương tâm, Dinh Nguyên Kha sẽ nói gì ?
Đinh Nguyên Kha : Tôi muốn nói với các bà mẹ của tù nhân lương tâm hãy tiến lên và bảo vệ cho con mình. Hãy tiếp tục đấu tranh để giành lại độc lập, tự chủ của đất nước. Đừng bao giờ lui bước trước sự đàn áp. Bởi vì tất cả chúng ta đoàn kết thì tất sẽ thắng.
Hòa Ái : Xin cảm ơn ba vị tham gia buổi trò chuyện này !
Hòa Ái thực hiện
Nguồn : RFA, 19/10/2018