Với việc Ủy ban Châu Âu thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng Châu Âu chấp thuận để ký chính thức, Việt Nam cơ bản đã có những thắng lợi cơ bản và tích cực từ hiệp định này. Không có quá nhiều rắc rối cũng như những tác động khiến cho hiệp định này bị chệch hướng vào cuối năm (thời điểm dự định ký kết).
EU và Việt Nam 'nhất trí toàn diện về một chương trình thương mại' - Ảnh minh họa
EVFTA có gì hay ?
Trong thông cáo mới nhất của Ủy ban Âu Châu tại website của tổ chức này vào ngày 17/10, cho biết các thông tin bao quát về mặt thương mại và nhân quyền. Có một số điểm đáng chú ý như, về mặt mua sắm công, các công ty thuộc EU có thể đấu thầu công khai các hạng mục với các bộ và doanh nghiệp nhà nước Việt Nam và thỏa thuận này là cơ sở nâng cao tính minh bạch và công bằng về thương mại ở các nước phát triển.
Nhân quyền nằm ở mục 5 và 6, theo đó, EU và Việt Nam ‘nhất trí toàn diện về một chương trình thương mại với sự cam kết đầy đủ’ bao gồm : thực hiện các tiêu chuẩn lao động cốt lõi và các công ước của ILO ; thực hiện Hiệp định Paris về môi trường ; ngăn chặn sự phá hoại luật lao động và môi trường trong thu hút thương mại và đầu tư ; sự tham gia của xã hội dân sự trong tham vấn về thương mại và phát triển bền vững giữa hai bên.
Nhìn chung, tại mục 5 đa phần là những cam kết liên quan đến lao động và môi trường, điều mà EU cho rằng, nó sẽ hỗ trợ hoặc thúc đẩy tính thương mại bền vững, tuy nhiên, không có quá nhiều sự kỳ vọng về mặt chuyển biến tích cực liên quan đến nhân quyền trong xã hội Việt Nam, bởi bấy lâu nay - sự tham gia của xã hội dân sự trong tham vấn thương mại và môi trường vẫn mang tính hình thức (tức các góp ý, kiến nghị chỉ nảy sinh ở thời điểm diễn ra hội thảo hơn là sự tác động đối với giới lãnh đạo, hoặc các góp ý sẽ được ghi nhận nếu nằm trong danh sách 'không mang tính nhạy cảm' - được lựa chọn trước đó bởi chính quyền), mặc dù nó diễn ra đều đặn ở các thành phố.
Do vậy, nếu nhà nước Việt Nam đẩy mạnh bình đẳng giới, hoặc thực hiện thỏa ước lao động (liên quan đến sửa Luật lao động) thì nó cũng cơ bản là đáp ứng tốt các yếu tố mà Mục 6 nêu ra. Tức là thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền ghi nhận, ‘một liên kết thể chế và pháp lý giữa Hiệp định tự do và Hiệp định đối tác và hợp tác EU-Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam có thể tránh được tình huống xấu là bị 'đình chỉ Hiệp định Thương mại.'
Vậy Hiệp định đối tác và hợp tác EU-Việt Nam có gì ?
Đó là chuỗi dài những điều mà hai bên cam kết hợp tác, phạm vi khá rộng, và hầu hết là sự hợp tác về các giá trị pháp lý liên quan đến môi trường, giải quyết hậu quả chiến tranh, quyền động vật, văn hóa, năng lượng, thuế… Trong khi đó, nhân quyền chỉ được đề cập ở Điều 33 và 35, tại Điều 33 là nhân quyền bình phong liên quan đến hợp tác về bình đẳng giới – yếu tố mà Hà Nội làm rất tốt để nâng cao điểm số nhân quyền trong mắt quốc tế (như đề cập ở trên). Điều 35 Hợp tác về nhân quyền chỉ là sự lặp lại những hình thức trình bày nhân quyền mà Việt Nam đã làm nhuần nhuyễn trước đó : thúc đẩy và giáo dục nhân quyền ; tăng cường thể chế nhân quyền ; đối thoại nhân quyền hiện có ; hợp tác thể chế liên quan đến nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Điều này cho thấy, giá trị nhân quyền thực chất mà người đòi hỏi nhân quyền tại Việt Nam mong muốn được thể hiện khá lỏng lẻo và mơ hồ, và 'trụ cột' thứ 2 được xác định trong EVFTA là 'củng cố sự tham gia của nhà nước và xã hội dân sự vào quá trình hợp tác' không không có quá nhiều chuyển biến tích cực khi hiệp định này đi vào đời sống.
Người viết chỉ kỳ vọng yếu tố liên quan đến cốt lõi ILO (mà chủ yếu là hình thành các tổ chức thương lượng tập thể không thuộc nhà nước quản lý để bảo vệ quyền công dân), cơ sở để đảm bảo lợi quyền cho giới công nhân và người lao động Việt Nam tốt hơn.
Hậu EVFTA Việt Nam có gì ?
Việt Nam rõ ràng hưởng lợi nhiều về thương mại và đầu tư liên quan đến Hiệp định lần này. Nếu hỏi đúng thì EU chấp nhận toàn bộ quan điểm mà Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đưa ra khi trả lời bà Judith Kirton-Darling (thành viên nghị viện EU) : Chúng tôi chưa bao giờ (tôi không nhớ) đã ký bất kỳ cam kết nào về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào vấn đề nhân quyền.
EVFTA cũng không tập trung quá nhiều nhân quyền như kỳ vọng, hoặc nhân quyền đó là những nhân quyền ‘không nhạy cảm’ mà Hà Nội có thể đáp ứng được.
Vấn đề đặt ra, sau EVFTA, áp lực nào sẽ đến với Việt Nam ?
Ngày 17/10, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một nhà hoạt động nhân quyền bị kết án 10 năm tù được ‘hộ tống’ lên máy bay để sang Mỹ.
Mỹ một lần nữa lại là một nước có thể gây áp lực với Việt Nam hơn cả khối EU. Với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam nhận được yếu tố thuận lợi, tuy nhiên – sự thuận lợi này có thể bị giảm thiểu khi quan hệ Liên Triều ấm lên, mà trong một động thái gần nhất, tập đoàn Samsung đang úp mở về việc di chuyển nhà máy Samsung từ Việt Nam về ‘người anh em Bắc Triều Tiên’. Cần nhớ, Samsung là một trong hai tập đoàn (cùng với Formosa) có đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Nói cách khác, tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các ông lớn FDI như Samsung và Formosa.
Nhân quyền Việt Nam phụ thuộc vào Mỹ hơn là chịu tác động từ EVFTA
Nhưng chưa dừng tại đó, trang tin Bloomberg vừa có bài viết về ‘cây gậy và củ cà rốt’ mà Mỹ thực hiện để lôi kéo đồng minh trong cuộc chiến với thương mại với Trung Quốc. Theo đó, Điều 32.10 của Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) quy định các nước thành viên phải được hai nước kia nhất trí mới được đàm phán thương mại với một nền kinh tế bị coi là ‘phi thị trường’. Chẳng hạn như nếu Canada muốn ký thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc, họ sẽ phải đệ trình dự thảo thỏa thuận để cả Mỹ và Mexico xem xét. Nếu hai nước này không hài lòng với các điều khoản trong đó, họ sẽ ‘đá’ Canada ra khỏi USMCA. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ví điều 32.10 trong USMCA là ‘điều khoản thuốc độc’, còn giới quan sát cho đó là một sự răn đe có tính abor toàn.
Nhưng chưa dừng tại đó, chính quyền Trump cũng tuyên bố đang xem xét các thỏa thuận thương mại tự do với Philippines và Việt Nam.
Vấn đề mấu chốt ở đây là, Việt Nam chưa bao giờ được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Nhưng Việt Nam lại đã ký hiệp ước CPTPP với Canada và Mexico. Trong trường hợp xấu nhất có thể, nếu Việt Nam không đảm bảo tính tự chủ nền kinh tế, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc nấp sau lưng để đưa hàng vào Mỹ thì Hà Nội sẽ phải gánh chịu những thiệt hại tương tự Trung Quốc. Tiếp đó, nếu Việt Nam không làm hài lòng Mỹ, thì Việt Nam buộc phải bị gánh chịu những biện pháp kinh tế của chính khối CPTPP dành cho (trong đó có Canada và Mexico) vì là nền kinh tế phi thị trường.
Và nếu Việt Nam cứng đầu trong mắt Mỹ, thì sẽ xem xét các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như một bài viết của New York Times cho biết vào ngày 17/10. Cụ thể, Mỹ chuyển sự chú ý sang Việt Nam, nơi có những rào cản thương mại cao. ‘Công việc đã được thực hiện’, Chad Bown, một nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết khi đề cập đến một phác thảo chi tiết về các điều khoản giao dịch mới cho phía Việt Nam. Và Việt Nam buộc phải mở rộng thị trường và thương mại, chịu thêm các sức ép hơn nữa từ Mỹ trong thời gian tới.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 20/10/2018