Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/10/2018

Vì sao Hội nghị trung ương 8 ra nghị quyết ‘dựa vào biển và hướng ra biển’ ?

Minh Quân

Một cách nào đó, Việt Nam sẽ ‘đi lên từ biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển’ bằng sức mạnh của hải quân Mỹ.

hoinghi1

Hội nghị trung ương 8 ra nghị quyết ‘dựa vào biển và hướng ra biển’

Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà ‘tân chủ tịch nước’ Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cho Hội nghị trung ương 8 của đảng cầm quyền - diễn ra vào đầu tháng Mười năm 2018 - ban hành một nghị quyết đáng chú ý : "chiến lược lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển".

Nhưng vì sao phải ‘dựa vào biển và hướng ra biển’ ?

Về thực chất, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã hầu như cạn kiệt, bao gồm cảnh nạn khai thác khoáng sản vô thiên lủng từ nhiều năm qua, trong khi độ che phủ rừng thực tế đã giảm xuống dưới 20% và khiến Việt Nam, thay vì xuất khẩu gỗ như cách đây ba chục năm, đã và đang phải nhập khẩu gỗ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chỉ còn biển và trữ lượng dầu khí dưới biển là còn tiềm năng để mang lại ngoại tệ cứu đảng trong một thời gian có hạn, có thể chỉ đến năm 2022.

Chẳng phải tự nhiên mà trong một kỳ họp quốc hội vào năm 2017 - trùng thời gian với ‘nỗi nhục bãi Tư Chính’ lần đầu tiên, một số ‘nghị gật’ đã đề nghị tăng sản lượng khai thác dầu khí hàng năm từ 1,5 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn hoặc thậm chí hơn thế.

Những thông tin mới nhất về tình hình thu thuế của năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đều cho biết ‘cơ cấu thu không bền vững’ vì phần lớn nguồn tăng thu đến từ khai thác dầu thô và thuế đất, trong khi khối sản xuất bao gồm các thành phần kinh tế quốc doanh, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài thì lại ì ạch đến khó tả và gây giảm thu khá lớn cho cái thùng ngân sách không đáy.

Hiện nay, Việt Nam có 3 dự án khai thác dầu khí lớn ở các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ và Cá Voi Xanh.

Sau khi công ty Repsol của Tây Ban Nha bỏ chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, còn Rosneft của Nga dù chưa thoái lui nhưng cũng chẳng thể nhúc nhích ở mỏ Lan Đỏ - đều trong cơn cám cảnh bởi nạn ‘khủng bố Trung Quốc’, chỉ còn mỏ Cá Voi Xanh với đối tác Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ hiện là niềm an ủi duy nhất cho chính thể Việt Nam thuộc loại văn dốt võ dát và một ngân sách Việt Nam đang sắp lao xuống vực thẳm.

Chi tiết đáng chú ý là chỉ ít ngày sau nghị quyết ‘dựa vào biển và hướng ra biển’ của Hội nghị trung ương 8, Việt Nam đã đón tiếp Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, cùng lúc với tin tức Mỹ chính thức công nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không" - một phát ngôn cứng rắn chưa từng có của Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton.

Hẳn là người Mỹ cũng biết khá rõ là trong túi Việt Nam còn được bao nhiêu tiền, và làm thế nào để có được ngoại tệ trả nợ nước ngoài.

Không thể khác hơn và thật ra cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Để Việt Nam có thể ‘can đảm bám Mỹ’, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.

Một cách nào đó, Việt Nam sẽ ‘đi lên từ biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển’ bằng sức mạnh của hải quân Mỹ.

Chỉ có điều là trong mọi tính toán dựa dẫm vào Mỹ để khai thác dầu khí, tập đoàn của ông Nguyễn Phú Trọng đã chẳng hề quan tâm đến tình cảnh dở sống dở chết của ngư dân Việt Nam trước cảnh nạn đâm phá và bắn giết của tàu Trung Quốc, càng không thèm quan tâm đến thảm họa xả thả chưa hề dừng lại của Formosa mà đã khiến nửa triệu dân miền Trung phải treo thuyền treo niêu và ly phương phiêu bạt.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 20/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)