Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội nghị Trung ương 8 Khóa 13 định kỳ củng cố sự lãnh đạo toàn diện của đảng

Sáng ngày 2/10/2023 tại Hà Nội Đảng cộng sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa 13 (Hội nghị Trung ương 8). Trong phát biểu khai mạc ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "gợi ý" sáu vấn đề chính. Một là, Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 ; Hai là, Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 ; Ba là, Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ; Bốn là, Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước ; Năm là, Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ; Sáu là, Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV ; và một số vấn đề quan trọng khác.

tw81

Hội nghị trung ương 8 đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội hôm 2/10/2023 - TTXVN

Tuy nhiên, xét từ phương diện liệu Đảng có ra một nghị quyết, chính sách mới thế nào thì Hội nghị Trung ương 8 lần này chỉ là định kỳ nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản theo tinh thần Đại hội 13 về củng cố Đảng – Nhà nước mạnh. Nó thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13 được xác định trong Hội nghị trung ương 7 (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) khóa 13 mới tổ chức "gọn" trong hai ngày 15-17/ 5/2023. Bởi vậy, trong Hội nghị có ba nội dung cần quan sát.

Một là, Đảng công nhận tình hình kinh tế xã hội của đất nước là khó khăn, phức tạp, và vì vậy Đảng phải tăng cường "toàn trị" đối với sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội và kiểm soát xã hội nói chung ;

Hai là, tiếp tục sự lãnh đạo bằng nghị quyết trên cơ sở rà soát, bổ sung theo kỳ bội số của 5 năm mang "truyền thống kế hoạch hóa tập trung", trong đó có bốn Nghị quyết như nêu ở trên được lựa chọn ;

Ba là, vấn đề nhân sự đảng, trong đó có kỷ luật và quy hoạch mới, cần phải "chờ", theo quy định về quyền hạn, đến Hội nghị toàn thể của Ban chấp hành trung ương thực hiện.

tw82

Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ

Theo tôi, có hai nội dung thu hút được sự chú ý của giới quan sát.

Trước hết, cần nhìn thẳng vào những khó khăn thách thức từ thực tế để đánh giá tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh thế giới phức tạp, biến đổi nhanh và mạnh từ đó đề xuất giải pháp chính sách và dự báo xu hướng. Trong đó, sự phản ứng của Đảng – Nhà nước trước sự ảnh hưởng của tình hình chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine, sự suy thoái của Mô hình Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, thay đổi xu hướng toàn cầu hoá… như thế nào ? Chẳng hạn, động thái nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ thành đối tác chiến lược toàn diện ngày 12/9 mới đây sẽ tác động chính sách như thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực mới, đào tạo nhân lực, thương mại… và, tất nhiên, hệ quả có thể ra sao ?

Kế là, công tác nhân sự đảng luôn quan trọng, mặc dù luôn được nhấn mạnh trong mỗi kỳ đại hội hay hội nghị, đặc biệt từ Khóa 11 trở lại đây, nhưng luôn có vấn đề "tồn đọng" nhưng mới được "phát hiện" và mới phát sinh chưa có tiền lệ. Dường như, chúng không bớt đi tính chất nghiêm trọng. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Đảng đã ban hành quyết định kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) và ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 -2021.

Công luận đặt vấn đề vì sao đối với trường hợp ông Chiến, nhiều vụ việc "lùm xùm" đã lâu, được báo chí, mạng xã hội lan truyền nhiều, đã lâu về tư cách đạo đức (có con riêng với thuộc cấp), tài sản cá nhân cũng như vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể, nhưng nay mới có quyết định kỷ luật ? Có cần thay đổi chế độ giám sát và kỷ luật cán bộ lãnh đạo cấp cao ? Đối với Ủy viên Trung ương đương nhiệm, "con cá bự" đã qua các khâu "nghiêm ngặt" như quá trình phấn đấu, bồi dưỡng tuyển chọn, bổ nhiệm… của công tác cán bộ đảng, nhưng vẫn "lọt lưới", Vì sao ? Ông này không trung thực trước Đảng thế nào ? Tài sản gia đình ông ta thực sự lớn đến đâu ? Sơ hở ở khâu nào trong quy trình ? Nguyên nhân là gì ? Đảng gánh trách nhiệm công tác cán bộ, nhưng liệu có ai chịu trách nhiệm ? Như đã biết, sau quyết định kỷ luật Đảng quyết định hành chính mới được thực hiện. Cấu trúc quyền lực tập trung đang ngăn cản chính sách chống tha hóa khi sự suy thoái đạo đức, tham nhũng của cán bộ lãnh đạo mang tính hệ thống.

tw83

Cựu bí thư Trịnh Văn Chiến và "hot girl" Quỳnh Anh

Quy hoạch là khâu quan trọng chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ 14. Trong các nhiệm kỳ trước quy hoạch được Đảng "quảng bá" với các tiêu chuẩn tuổi, kinh nghiệm, phẩm chất (hồng) và năng lực (chuyên), thậm chí "lên" một danh sách để các đại biểu góp ý và lựa chọn. Họ được "quy hoạch" và "phấn đấu" từ cấp cơ sở (chi bộ), trung gian (đảng bộ, tỉnh uỷ, ban cán sự…) lên đến trung ương. Về lý thuyết là cả quá trình phấn đấu "trưởng thành" và "chín muồi"… Nhưng sao vẫn "lọt lưới" những "cá bự" không phải vì những lý do định tính như suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến, tự chuyển hoá" (chưa có lãnh đạo nào công khi bị hình thức kỷ luật này !) mà lại là "không trung thực" với tổ chức ! Chưa hết nhiệm kỳ 13 mà đã có hàng chục án kỷ luật lãnh đạo cao cấp đương nhiệm ! Vì sao, trí tuệ tập thể đảng không thể cải thiện được công tác cán bộ ?

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa 13 dự kiến kéo dài trong một tuần làm việc. Công luận không mong muốn nghe các phát biểu quen thuộc rằng nó đã diễn ra trong "bầu không khí thẳng thắn" hay góp nhiều ý kiến sôi nổi và "đã thành công tốt đẹp…" Mọi người đều hiểu rằng kinh phí đảng chi cho các đại hội, hội nghị, làm mọi việc đảng… cũng là từ tiền thuế của người dân, mong các vị lãnh đạo, Ủy viên Trung ương, hãy làm việc có hiệu quả vì dân, vì nước.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 03/10/2023

Published in Diễn đàn

Một cách nào đó, Việt Nam sẽ ‘đi lên từ biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển’ bằng sức mạnh của hải quân Mỹ.

hoinghi1

Hội nghị trung ương 8 ra nghị quyết ‘dựa vào biển và hướng ra biển’

Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà ‘tân chủ tịch nước’ Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cho Hội nghị trung ương 8 của đảng cầm quyền - diễn ra vào đầu tháng Mười năm 2018 - ban hành một nghị quyết đáng chú ý : "chiến lược lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển".

Nhưng vì sao phải ‘dựa vào biển và hướng ra biển’ ?

Về thực chất, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã hầu như cạn kiệt, bao gồm cảnh nạn khai thác khoáng sản vô thiên lủng từ nhiều năm qua, trong khi độ che phủ rừng thực tế đã giảm xuống dưới 20% và khiến Việt Nam, thay vì xuất khẩu gỗ như cách đây ba chục năm, đã và đang phải nhập khẩu gỗ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chỉ còn biển và trữ lượng dầu khí dưới biển là còn tiềm năng để mang lại ngoại tệ cứu đảng trong một thời gian có hạn, có thể chỉ đến năm 2022.

Chẳng phải tự nhiên mà trong một kỳ họp quốc hội vào năm 2017 - trùng thời gian với ‘nỗi nhục bãi Tư Chính’ lần đầu tiên, một số ‘nghị gật’ đã đề nghị tăng sản lượng khai thác dầu khí hàng năm từ 1,5 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn hoặc thậm chí hơn thế.

Những thông tin mới nhất về tình hình thu thuế của năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đều cho biết ‘cơ cấu thu không bền vững’ vì phần lớn nguồn tăng thu đến từ khai thác dầu thô và thuế đất, trong khi khối sản xuất bao gồm các thành phần kinh tế quốc doanh, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài thì lại ì ạch đến khó tả và gây giảm thu khá lớn cho cái thùng ngân sách không đáy.

Hiện nay, Việt Nam có 3 dự án khai thác dầu khí lớn ở các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ và Cá Voi Xanh.

Sau khi công ty Repsol của Tây Ban Nha bỏ chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, còn Rosneft của Nga dù chưa thoái lui nhưng cũng chẳng thể nhúc nhích ở mỏ Lan Đỏ - đều trong cơn cám cảnh bởi nạn ‘khủng bố Trung Quốc’, chỉ còn mỏ Cá Voi Xanh với đối tác Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ hiện là niềm an ủi duy nhất cho chính thể Việt Nam thuộc loại văn dốt võ dát và một ngân sách Việt Nam đang sắp lao xuống vực thẳm.

Chi tiết đáng chú ý là chỉ ít ngày sau nghị quyết ‘dựa vào biển và hướng ra biển’ của Hội nghị trung ương 8, Việt Nam đã đón tiếp Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, cùng lúc với tin tức Mỹ chính thức công nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và "Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không" - một phát ngôn cứng rắn chưa từng có của Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton.

Hẳn là người Mỹ cũng biết khá rõ là trong túi Việt Nam còn được bao nhiêu tiền, và làm thế nào để có được ngoại tệ trả nợ nước ngoài.

Không thể khác hơn và thật ra cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Để Việt Nam có thể ‘can đảm bám Mỹ’, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.

Một cách nào đó, Việt Nam sẽ ‘đi lên từ biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển’ bằng sức mạnh của hải quân Mỹ.

Chỉ có điều là trong mọi tính toán dựa dẫm vào Mỹ để khai thác dầu khí, tập đoàn của ông Nguyễn Phú Trọng đã chẳng hề quan tâm đến tình cảnh dở sống dở chết của ngư dân Việt Nam trước cảnh nạn đâm phá và bắn giết của tàu Trung Quốc, càng không thèm quan tâm đến thảm họa xả thả chưa hề dừng lại của Formosa mà đã khiến nửa triệu dân miền Trung phải treo thuyền treo niêu và ly phương phiêu bạt.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 20/10/2018

Published in Diễn đàn

Một trong những phương án được bàn tán sôi nổi lâu nay là có "nhất thể hóa" các chức danh Tổng bí thư với Chủ tịch nước hay không ?

hoi1

Trong cơ chế chính trị Việt Nam hiện thời, 'tứ trụ', trong đó có Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước, là những người nắm quyền lực cao nhất

Vấn đề không chỉ là sáp nhập ở cấp độ cá nhân, mà phải đi tới sáp nhập cả ở cấp độ các thiết chế. Lãnh đạo hay quản trị là trên cơ sở thượng tôn pháp luật, cá nhân hay thiết chế có phân công phân nhiệm rõ ràng, thông qua hệ thống "kiểm soát và cân bằng".

Khai hội Trung ương 8 từ 2/10/2018, thoạt kỳ thuỷ, là một sự kiện mang tính thông lệ (routine) của đảng cầm quyền, giữa hai kỳ đại hội.

Tuy nhiên, dịp này, do những hoàn cảnh đặc biệt ở cả quốc nội lẫn quốc tế, hội nghị có thể sẽ được ghi nhận như một cột mốc đáng nhớ trong toàn bộ lộ trình định trước và không định trước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nếu sáp nhập xẩy ra…

"Lộ trình không định trước" bao gồm việc lấy biểu quyết của các ủy viên Trung ương Đảng về việc liệu có "nhất thể hóa" chức danh Tổng bí thư với chức danh Chủ tịch nước hay không ? Việc nhất thể hóa này sẽ được các ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 quyết định.

Đây là cả một câu chuyện đại sự mà kết quả cuộc bỏ phiếu được giới chuyên gia dự đoán từ nhiều góc độ khác nhau.

Khi bàn thảo đề tài này, kể cả tại các bàn tròn của BBC tiếng Việt, mọi người nhấn chưa "đủ độ" tính chất đặc thù của Việt Nam. Đó là, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam như một định chế toàn trị trong hệ thống quyền lực, từ trung ương đến các địa phương. Vì vậy, sáp nhập hay không thì bản chất "toàn trị" vẫn là đặc điểm nổi trội của cái "lồng quyền lực" dài dài.

hoi2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thăm Hungary hôm 11/09 /2018

Nói như thế không có nghĩa là một sự sáp nhập diễn ra nay mai không hề có tác động gì tới cấu trúc quyền lực nói chung.

Từ "bộ tứ" xuống "bộ tam" trên trung ương, chắc chắn ở các địa phương, cấu trúc "lưỡng đầu chế" (bí thư và chủ tịch ở cấp tỉnh thành) cũng đứng trước thay đổi. Đấy là chưa kể, hiện nay, tại một số cơ sở, tuy chỉ ở cấp xã, phường, thi thoảng có cả cấp huyện, người ta đã "rón rén" sáp nhập bí thư và chủ tịch làm một.

Sự thay đổi từ trên thượng đỉnh (top-down change) nếu gặp sự chuyển động cải cách từ dưới lên (bottom-up) biết đâu sẽ làm nên một trùng phùng lịch sử chưa có tiền lệ.

Nhưng trước khi hy vọng vào điều này, với cái thể chế nhất nguyên ở ta, phải hóa giải cho được nổi lo lạm quyền và lộng quyền ! Phải có thể chế chuẩn rồi mới bàn đến còn người. Làm ngược lại chỉ là cầu may !

Để đạt được hy vọng nói trên, vấn đề không chỉ là sáp nhập ở cấp độ cá nhân, mà phải đi tới sáp nhập cả ở cấp độ các thiết chế.

Lãnh đạo hay quản trị là trên cơ sở thượng tôn pháp luật, cá nhân hay thiết chế có phân công phân nhiệm rõ ràng, thông qua hệ thống "kiểm soát và cân bằng", chứ không thể quản trị đất nước bằng các nghị quyết để rồi trách nhiệm cuối cùng không quy được về ai.

hoi3

Đại diện Amnesty International nói về di sản Trần Đại Quang

Xã hội sẽ chuyển "pha" ?

Cho đến phút này, chưa ai dám đoan chắc, nếu sáp nhập hai chức danh ở cấp trung ương thì Việt Nam có đi tiếp để thay đổi hay chuyển dịch cái mô hình phát triển hiện nay hay không ?

Bởi vì thời chiến thì các tướng lĩnh quân đội thường ở vào vị trí chủ chốt, khi tới giai đoạn chuyển đổi thì thế lực "hình sự" (công an) nắm quyền. Còn giờ đây, đất nước đã/đang vận động sang "status" thời bình thì liệu xã hội dân sự có được lên ngôi ?

Chính Karl Marx chứ không ai khác từng khẳng định, nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không dựa vào yếu tố xã hội dân sự. Marx còn chua thêm, "đây là điều kiện tất yếu cần có" (conditio sine qua non).

Một sự chuyển động rốt ráo từ cả trên lẫn dưới, đạt được đồng thuận sau tranh luận, có thể sẽ thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế nói chung.

Từ những năm 2012 - 2013, vấn đề sáp nhập nói trên đã được xới ra để bàn trong nội bộ đảng cầm quyền. Song đề nghị ấy bị bác bỏ, với lý do, khó có thể kiểm soát một người giữ quá nhiều quyền lực như thế và điều này có thể dẫn tới tai họa.

hoi4

Ông Nguyễn Phú Trọng trước khi nắm vị trí Tổng bí thư đã từng giữ chức Chủ tịch quốc hội, nhiệm kỳ 2006-2011. Trong hình là ông Trọng cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong một lần tới viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 5/2010

Nhưng ngay thuở ấy cũng đã thấp thỏm, tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại bác cái mô hình mà cả Trung Quốc, Lào lẫn Cuba đều đang áp dụng ?

Còn lần này, chúng ta vẫn thấy có nhiều khuynh hướng đối nghịch nhau, tựu chung lại là ủng hộ và phản bác việc hợp nhất hai chức danh.

Phía phản bác, thì ngoài lý do lo ngại độc tài, còn thể hiện khuynh hướng phổ biến là dị ứng với tất cả cái gì giống với Trung Quốc, hay làm theo Trung Quốc. Thậm chí còn lo, ấy là do Trung Quốc đạo diễn (?)

Phía ủng hộ thì cổ võ đừng sợ tập trung quyền lực vào một người, nếu chúng ta tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm dụng quyền lực, dù đó là nguyên thủ. Vấn đề ở chỗ là làm thế nào để xóa được chữ "nếu" to tướng nói trên, khi chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực của đảng, chưa thay đổi hiến pháp ?

Văn hóa chính trị Việt Nam cho đến nay vẫn chưa chấp nhận các phạm trù gốc là "nhà nước pháp quyền" và "xã hội dân sự", mặc dầu khi đi ra thế giới, đến đâu lãnh đạo ta cũng yêu cầu các nước sở tại công nhận Việt Nam có "kinh tế thị trường" ; khi mà ở trong nước, đối với người dân thì đó là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Mà cái này thì dường như không tồn tại trên trái đất.

hoi5

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Triệu Lạc Tế chiều 27/09 tại Hà Nội, trong chuyến đi của ông Triệu tới Việt Nam viếng Chủ tịch Trần Đại Quang và gặp gỡ nhiều quan chức chủ nhà

Trong khi đó, "kinh tế thị trường", "xã hội dân sự" và "nhà nước pháp quyền" là "tam vị nhất thể" (ba trong một) của cái mô thức phổ quát đối với các quốc gia dân chủ và tiến bộ. Hãy nhìn tấm gương tày liếp của người hàng xóm vĩ đại để thấy không phải cứ ghi được vào hiến pháp để làm vua suốt đời thì sau đó muốn làm gì cũng được cả. Thời đại đã sang trang !

Như một vĩ thanh

Khi trao đổi với một số đồng nghiệp, nhiều người vẫn chưa thấy cơ hội nào cho dân chủ từ Hội nghị Trung ương 8 cả.

Tuy nhiên, một cách tiềm năng, đất nước quả là đang đứng trước cơ hội lớn lao và hiếm có, giống như Hồ Chí Minh khi xưa phát hiện "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Nay là lúc Mỹ-Trung đại chiến và cơ hội của chúng ta.

Cuộc chiến của Trump đâu chỉ là chiến tranh thương mại mà là cuộc chiến trên rất nhiều lĩnh vực. Trump tuyên chiến cả với bạn bè, nhưng căng đấy mà chùng đấy. Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật rồi Mỹ-Mexico-Canada vẫn đạt được thỏa thuận như thường. Sao thấy ít bàn về chuyện tận dụng thời cơ, mà chỉ xăm xăm lo tập trung quyền lực. Liệu trăm con đường ấy rồi sẽ đổ về đâu (về Đông Hải chắc ?).

Làm thế nào sớm hòa hợp và hòa giải dân tộc để đưa đất nước vượt qua "nút thắt" Biển Đông một cách gọn ghẽ và an toàn. Đừng lao vào cuộc chiến quyền lực bằng mọi giá, dễ phát sinh rạn nứt trên thượng tầng. Ghế thì có ít, mà người ham muốn thì nhiều. Tại sao cứ phải kích hoạt sự ham hố mà không tập trung kích hoạt các nhánh quyền lực thật sự của dân, do dân và vì dân ?

Tại khóa họp 72 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái, ông Trump đã tuyên bố : "Những ai tuyên truyền giáo lý cho loại ý thức hệ đã lỗi thời thì chỉ đóng góp vào việc kéo dài nỗi thống khổ của người dân mà thôi". Tại khóa họp 73 năm nay, sự phê phán về ý thức hệ của Trump có vẻ quyết liệt hơn. Quyết liệt hơn, vì trong nội tình nước Mỹ hiện nay, Trump cần phải thoát khỏi "hiệu ứng bóng đè" của cuộc cách mạng "bottom-up" (từ dưới lên).

Và khi chúng ta nhìn vào hội trường của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc kín đặc dự khán của các phái đoàn trên thế giới ngồi lại để nghe Trump đọc diễn văn, trái ngược với hình ảnh độc thoại với khán phòng gần như trống rỗng của một vài trưởng đoàn khác, thì có thể nhận ra nước Mỹ không hề "đơn độc" như một số người nghĩ.

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : BBC, 02/10/2018

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, hiện là Giám đốc Đối ngoại của Viện các vấn đề phát triển, VIDS thuộc VUSTA. Bài viết được gửi cho BBC tiếng Việt từ Hà Nội.

Published in Diễn đàn