Hội nghị Trung ương 8 Khóa 13 định kỳ củng cố sự lãnh đạo toàn diện của đảng
Sáng ngày 2/10/2023 tại Hà Nội Đảng cộng sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa 13 (Hội nghị Trung ương 8). Trong phát biểu khai mạc ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "gợi ý" sáu vấn đề chính. Một là, Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 ; Hai là, Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 ; Ba là, Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ; Bốn là, Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước ; Năm là, Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới ; Sáu là, Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV ; và một số vấn đề quan trọng khác.
Hội nghị trung ương 8 đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội hôm 2/10/2023 - TTXVN
Tuy nhiên, xét từ phương diện liệu Đảng có ra một nghị quyết, chính sách mới thế nào thì Hội nghị Trung ương 8 lần này chỉ là định kỳ nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản theo tinh thần Đại hội 13 về củng cố Đảng – Nhà nước mạnh. Nó thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13 được xác định trong Hội nghị trung ương 7 (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) khóa 13 mới tổ chức "gọn" trong hai ngày 15-17/ 5/2023. Bởi vậy, trong Hội nghị có ba nội dung cần quan sát.
Một là, Đảng công nhận tình hình kinh tế xã hội của đất nước là khó khăn, phức tạp, và vì vậy Đảng phải tăng cường "toàn trị" đối với sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội và kiểm soát xã hội nói chung ;
Hai là, tiếp tục sự lãnh đạo bằng nghị quyết trên cơ sở rà soát, bổ sung theo kỳ bội số của 5 năm mang "truyền thống kế hoạch hóa tập trung", trong đó có bốn Nghị quyết như nêu ở trên được lựa chọn ;
Ba là, vấn đề nhân sự đảng, trong đó có kỷ luật và quy hoạch mới, cần phải "chờ", theo quy định về quyền hạn, đến Hội nghị toàn thể của Ban chấp hành trung ương thực hiện.
Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ
Theo tôi, có hai nội dung thu hút được sự chú ý của giới quan sát.
Trước hết, cần nhìn thẳng vào những khó khăn thách thức từ thực tế để đánh giá tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh thế giới phức tạp, biến đổi nhanh và mạnh từ đó đề xuất giải pháp chính sách và dự báo xu hướng. Trong đó, sự phản ứng của Đảng – Nhà nước trước sự ảnh hưởng của tình hình chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine, sự suy thoái của Mô hình Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, thay đổi xu hướng toàn cầu hoá… như thế nào ? Chẳng hạn, động thái nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ thành đối tác chiến lược toàn diện ngày 12/9 mới đây sẽ tác động chính sách như thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực mới, đào tạo nhân lực, thương mại… và, tất nhiên, hệ quả có thể ra sao ?
Kế là, công tác nhân sự đảng luôn quan trọng, mặc dù luôn được nhấn mạnh trong mỗi kỳ đại hội hay hội nghị, đặc biệt từ Khóa 11 trở lại đây, nhưng luôn có vấn đề "tồn đọng" nhưng mới được "phát hiện" và mới phát sinh chưa có tiền lệ. Dường như, chúng không bớt đi tính chất nghiêm trọng. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Đảng đã ban hành quyết định kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) và ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 -2021.
Công luận đặt vấn đề vì sao đối với trường hợp ông Chiến, nhiều vụ việc "lùm xùm" đã lâu, được báo chí, mạng xã hội lan truyền nhiều, đã lâu về tư cách đạo đức (có con riêng với thuộc cấp), tài sản cá nhân cũng như vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể, nhưng nay mới có quyết định kỷ luật ? Có cần thay đổi chế độ giám sát và kỷ luật cán bộ lãnh đạo cấp cao ? Đối với Ủy viên Trung ương đương nhiệm, "con cá bự" đã qua các khâu "nghiêm ngặt" như quá trình phấn đấu, bồi dưỡng tuyển chọn, bổ nhiệm… của công tác cán bộ đảng, nhưng vẫn "lọt lưới", Vì sao ? Ông này không trung thực trước Đảng thế nào ? Tài sản gia đình ông ta thực sự lớn đến đâu ? Sơ hở ở khâu nào trong quy trình ? Nguyên nhân là gì ? Đảng gánh trách nhiệm công tác cán bộ, nhưng liệu có ai chịu trách nhiệm ? Như đã biết, sau quyết định kỷ luật Đảng quyết định hành chính mới được thực hiện. Cấu trúc quyền lực tập trung đang ngăn cản chính sách chống tha hóa khi sự suy thoái đạo đức, tham nhũng của cán bộ lãnh đạo mang tính hệ thống.
Cựu bí thư Trịnh Văn Chiến và "hot girl" Quỳnh Anh
Quy hoạch là khâu quan trọng chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ 14. Trong các nhiệm kỳ trước quy hoạch được Đảng "quảng bá" với các tiêu chuẩn tuổi, kinh nghiệm, phẩm chất (hồng) và năng lực (chuyên), thậm chí "lên" một danh sách để các đại biểu góp ý và lựa chọn. Họ được "quy hoạch" và "phấn đấu" từ cấp cơ sở (chi bộ), trung gian (đảng bộ, tỉnh uỷ, ban cán sự…) lên đến trung ương. Về lý thuyết là cả quá trình phấn đấu "trưởng thành" và "chín muồi"… Nhưng sao vẫn "lọt lưới" những "cá bự" không phải vì những lý do định tính như suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến, tự chuyển hoá" (chưa có lãnh đạo nào công khi bị hình thức kỷ luật này !) mà lại là "không trung thực" với tổ chức ! Chưa hết nhiệm kỳ 13 mà đã có hàng chục án kỷ luật lãnh đạo cao cấp đương nhiệm ! Vì sao, trí tuệ tập thể đảng không thể cải thiện được công tác cán bộ ?
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa 13 dự kiến kéo dài trong một tuần làm việc. Công luận không mong muốn nghe các phát biểu quen thuộc rằng nó đã diễn ra trong "bầu không khí thẳng thắn" hay góp nhiều ý kiến sôi nổi và "đã thành công tốt đẹp…" Mọi người đều hiểu rằng kinh phí đảng chi cho các đại hội, hội nghị, làm mọi việc đảng… cũng là từ tiền thuế của người dân, mong các vị lãnh đạo, Ủy viên Trung ương, hãy làm việc có hiệu quả vì dân, vì nước.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 03/10/2023