Chiến tranh Ukraine : Dấu hiệu rạn nứt trong hậu thuẫn của đồng minh cho Kiev
Anh Vũ, RFI, 04/10/2023
Phe dân túy thắng cử ở Slovakia dọa quay lưng lại với Kiev, chủ tịch Hạ Viện Mỹ bị phế truất ngay sau thỏa thuận tránh shutdown có dính dáng với viện trợ cho Ukraine, căng thẳng về vấn đề ngũ cốc, Ba Lan tuyên bốn ngừng cấp vũ khí... Những diễn biến chính trị ở các nước đồng minh thời gian gần đấy đang được Kiev theo dõi với nhiều lo ngại giữa lúc cuộc chiến tranh ở Ukraine đang kéo dài chưa biết đến bao giờ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đi thăm một vị trí của quân đội Ukraine ở tiền tuyến tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine, ngày 03/10/2023 via Reuters - Ukrainian Presidential Services
Câu hỏi được giới quan sát nhắc đến nhiều trong những tuần qua là : Phải chăng phương Tây đã bắt đầu mệt mỏi với một cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu, bắt đầu đặt vấn đề xem xét lại viện trợ quân sự cho Kiev ?
"Không một viên đạn" cho Kiev, Robert Fico, lãnh đạo đảng dân túy vừa thắng cử tại Slovakia hôm Chủ Nhật đã tuyên bố thẳng thừng như vậy, mặc dù phe của ông còn 2 tuần nữa để thành lập chính phủ.
Tại Ba Lan, trước thềm cuộc bầu cử 15/10 tới, thủ tướng Mateusz Morawiecki đã thông báo Warzawa ngừng cung cấp vũ khí cho Ba Lan, chỉ hứa hoàn thành nốt các hợp đồng cũ với Kiev.
Trên thực tế, Ba Lan vẫn là hậu phương cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Sau khi đã gom góp trong kho các loại xe bọc thép, máy bay và các loại vũ khí khác từ thời Liên Xô, nước này đã phải giảm nhịp độ chuyển vũ khí cho Kiev. Điều này cũng xảy ra với Slovakia, một quốc gia Trung Âu khác nằm trong tốp 10 nhà tài trợ cho Ukraine, quốc gia đã sớm chuyển cho Kiev hệ thống phòng không S-300 cũng như các máy bay chiến đấu Mig-29 cũ.
Theo giới quan sát, điều đáng lo ngại hơn là hai quốc gia này có thể tham gia mặt trận với Hungary của thủ tướng Viktor Orban, quốc gia vẫn luôn không ngần ngại ngăn cản các chủ trương duy trì cung cấp vũ khi lâu dài cho Ukraine của Liên Âu.
Nhưng nghiêm trọng hơn cả là những biến động chính trị đang diễn ra tại Mỹ. Diễn biến mới xảy ra tại Quốc hội Mỹ không chỉ khiến Ukraine mà cả các đồng minh khác ái ngại. Cuối tháng 9, Hạ Viện đã tìm ra một thỏa hiệp giúp tránh được tình trạng shutdown, chính phủ tê liệt vì hết tiền. Nhưng luật tài chính được các dân biểu thông qua vào phút cuối đã loại trừ 24 tỷ đô la viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Có điều, phe hữu trong đảng Cộng Hòa cho rằng chủ tịch Hạ Viện, McCarthy đã có thỏa thuận ngầm với tổng thống Joe Biden để duy trì khoản viện trợ quân sự cho Kiev. Đó chính là lý do mà một nhóm nhỏ dân biểu nhánh hữu trong đảng Cộng Hòa nổi dậy phế truất thành công chủ tịch Hạ Viện trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Viện trợ quân sự của Mỹ mang tính sống còn cho Ukraine, giờ trở nên bất định hơn bao giờ hết do cuộc khủng hoảng ở Hạ Viện. Phe nổi dậy thành công trong đảng Cộng Hòa này chủ trương không chi thêm một đồng viện trợ nào cho Ukraine.
Rõ ràng việc đình chỉ viện trợ quân sự của Mỹ sẽ gây hệ quả tức thì. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã cung cấp hơn một nửa số thiết bị được quân đội Ukraine đang sử dụng ở mặt trận để đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, 31 nước, phần đông là các nước phương Tây, đã viện trợ quân sự cho Kiev từ đầu cuộc chiến tranh. Trong đó Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với số lượng vũ khí, khí tài trị giá tới 42 tỷ euro được chuyển đến Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng Giêng 2022 đến tháng 07/2023. Trong khi đó, tổng viện trợ của các đồng minh khác chỉ chiếm khoảng chưa đầy 5 tỷ euro.
Chuyên gia François Heisbourg, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, nhận định trên kênh truyền hình Pháp TF1 : "Ukraine có lý do để lo lắng, bởi vì Mỹ ngày càng ít ủng hộ việc giúp đỡ họ". Theo một cuộc thăm dò dư luận của CNN hồi đầu tháng 8, 48% trong số họ tin rằng cần phải làm nhiều hơn nữa cho Ukraine. Vào tháng 02/2022, 62% trong số họ nghĩ như vậy. Hiện nay, 55% tin rằng Quốc hội không nên cấp phép tài trợ bổ sung.
Nước Nga của ông Vladimir Putin đã đánh cược rằng phương Tây cuối cùng sẽ "buông tay" cứu giúp Kiev trong cuộc chiến tranh tiêu hao bất tận này. Các nước đồng minh, hoặc đang gặp khó khăn kinh tế, hoặc vướng vào những bất ổn nội bộ, có tiếp tục duy trì sự huy động ủng hộ một quốc gia không phải là thành viên của NATO cũng như Liên Hiệp Châu Âu hay không ? Những ngày qua, Châu Âu và Hoa Kỳ liên tục có các động thái khẳng định quyết tâm hậu thuẫn lâu dài để trấn an đồng minh Ukraine. Hôm qua, tổng thống Mỹ đã lần lượt điện thoại cho hầu hết các đồng minh chủ chốt : Anh, Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan... tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine.
Đến lúc này, sau hơn 500 ngày chiến tranh chống Nga xâm lược, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ có thể nhắc lại các đồng minh rằng : "Chiến thắng của chúng tôi phụ thuộc trực tiếp vào sự hợp tác của các vị", như phát biểu của ông trước các ngoại trưởng Liên Âu họp tại Kiev hôm 02/10.
Anh Vũ
*************************
Tổng thống Joe Biden ra sức trấn an các đồng minh về việc Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraine
Trọng Nghĩa, RFI, 04/10/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua 03/10/2023 đã nói chuyện với một loạt lãnh đạo các nước đồng minh, cũng như với Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Mục tiêu là để khẳng định việc Mỹ tiếp tục giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, đồng thời cảnh báo rằng việc giảm hỗ trợ có thể khiến Nga trở nên táo bạo hơn, làm cho chiến tranh thêm nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/09/2023. Reuters – Kevin Lamarque
Theo Nhà Trắng, tổng thống Biden đã điện đàm với các lãnh đạo Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Rumani, Anh và Pháp, cũng như với những người đứng đầu Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu.
Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby đã khẳng định với báo giới : "Tổng thống Biden đã nói rõ rằng trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể để cho nguồn hỗ trợ mà Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn".
Theo ông Kirby, Hoa Kỳ vẫn còn kinh phí đã được duyệt để đáp ứng nhu cầu chiến trường của Ukraine trong "vài tháng" tới đây, nhưng cần được sự phê chuẩn của Quốc hội để cung cấp viện trợ một cách liên tục.
Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ nhắc lại lời chỉ trích trước đó của tổng thống Biden nhắm vào một nhóm nhỏ dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã ngăn chặn việc chi viện cho Ukraine, nhưng đồng thời lưu ý rằng hầu hết các nghị sĩ của đảng Cộng Hòa đều ủng hộ Kiev.
Ông Kirby cảnh báo : "Tình trạng thiếu vắng hậu thuẫn như vậy sẽ khiến cho Putin tin rằng ông ta có thể yên tâm tiếp tục cuộc chiến cho đến khi chúng ta cùng các đồng minh và đối tác bỏ cuộc".
Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ lo ngại về khả năng Washington bớt ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, sau khi Quốc hội Mỹ loại bỏ các khoản viện trợ cho Ukraine ra khỏi dự luật khẩn cấp tránh nguy cơ chính phủ bị tê liệt một phần do không có nguồn tài chính.
Trọng Nghĩa
*************************
Viện trợ cho Ukraine : Kiev và Bruxelles buộc phải hòa giải với Hungary
Minh Anh, RFI, 04/10/2023
Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu đã cấp 5,6 tỷ euro viện trợ cho Ukraine trong khuôn khổ FEP (Cơ chế Châu Âu vì Hòa bình). Tuy nhiên, việc tháo khoán gói viện trợ thứ tám trị giá 500 triệu đô la bị bế tắc vì thủ tướng Hungary Victor Orban đã phủ quyết.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Quốc hội Hungary ở Budapest, ngày 25/09/2023. AP - Zoltan Mathe
Đây là cách để thủ tướng Hungary phản đối chính quyền Ukraine đưa vào danh sách đen một ngân hàng Hungary hiện vẫn duy trì các hoạt động giao dịch tại Nga. Để tháo gỡ bế tắc, Kiev đã chấp nhận "dịu giọng" với Budapest.
Từ thủ đô Hungary, thông tín viên đài RFI, Florence La Bruyère giải thích :
"Hồi tháng 05/2023, Ukraine đã đưa ngân hàng OTP của Hungary vào danh sách đen. Ngân hàng này vẫn còn có hơn hai triệu khách hàng tại Nga. Chính quyền Kiev cáo buộc ngân hàng tài trợ cho cuộc chiến tranh do Moskva tiến hành.
Chính phủ Orban cho rằng đó là một cáo buộc quá đáng và đã dùng quyền phủ quyết. Thủ tướng Hungary đã chặn một khoản viện trợ quân sự của Châu Âu trị giá 500 triệu euro, vào lúc Ukraine đang cần khẩn cấp nguồn hỗ trợ này. Hơn nữa, khoản tiền sáu tỷ đô la mà Hoa Kỳ hứa cũng đã bị Quốc hội Mỹ đình hoãn.
Trong thế túng, Kiev đã tạm thời rút ngân hàng Hungary ra khỏi danh sách đen. Việc xóa tên sẽ diễn ra khi nào ngân hàng này hoàn toàn cắt đứt liên hệ với Moskva. Cơ sở tài chính này cũng đã đưa ra những cam kết theo chiều hướng này.
Nhưng Ukraine chưa phải là bên duy nhất muốn hạ giọng với Viktor Orban. Ủy ban Châu Âu rất có thể sẽ giải ngân 13 tỷ euro từ Quỹ Châu Âu cho Budapest, và đã bị Bruxelles phong tỏa vì việc không tôn trọng Nhà nước Pháp quyền.
Đổi lại, theo báo Financial Times, Ủy ban Châu Âu dường như đề nghị Viktor Orban bỏ phiếu thông qua ngân sách Châu Âu sắp tới, bao gồm một khoản hỗ trợ quan trọng cho Ukraine".
Minh Anh
************************
Ngũ Giác Đài cảnh báo sắp hết tiền để thay thế vũ khí gửi tới Ukraine
AP, VOA, 03/10/2023
Ngũ Giác Đài cảnh báo Quốc hội rằng họ sắp hết tiền để thay thế vũ khí mà Mỹ đã gửi cho Ukraine và buộc phải giảm tốc độ tiếp tế cho một số binh sĩ, theo một lá thư gửi cho các nhà lãnh đạo Quốc hội.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Ngũ Giác Đài, ở Arlington, Virginia, ngày 12/9/2023.
Bức thư mà hãng thông tấn AP có được, kêu gọi Quốc hội bổ sung nguồn tài trợ cho Ukraine. Quốc hội đã ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa bằng cách thông qua dự luật tài trợ ngắn hạn vào cuối tuần, nhưng biện pháp này đã loại bỏ mọi hỗ trợ dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Kiểm soát viên Ngũ Giác Đài Michael McCord nói với các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện rằng 1,6 tỷ đô la còn lại trong số 25,9 tỷ đô la mà Quốc hội cung cấp để bổ sung cho kho quân sự của Mỹ đã chảy sang Ukraine. Các loại vũ khí này bao gồm hàng triệu viên đạn pháo, rốc-két và phi đạn quan trọng đối với cuộc phản công của Ukraine nhằm lấy lại lãnh thổ mà Nga đã giành được trong cuộc chiến.
Ngoài ra, Mỹ còn lại khoảng 5,4 tỷ đô la để cung cấp vũ khí và thiết bị từ kho dự trữ của mình. Hoa Kỳ lẽ ra đã cạn nguồn tài trợ đó nếu Ngũ Giác Đài không nhận ra vào đầu năm nay rằng họ đã định giá cường điệu số thiết bị mà họ đã gửi đi, giải tỏa khoảng 6,2 tỷ đô la. Một số trong số đó đã được gửi trong những tháng gần đây.
Ông McCord cho biết Mỹ đã hoàn toàn cạn kiệt nguồn tài trợ dài hạn cho Kyiv thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, vốn cung cấp tiền để ký hợp đồng mua vũ khí trong tương lai.
Ông McCord viết trong thư : "Chúng ta đã buộc phải giảm tốc độ bổ sung lực lượng của mình để phòng ngừa một tương lai tài trợ không chắc chắn". "Việc không bổ sung kịp thời các dịch vụ quân sự của chúng ta có thể gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng của quân đội chúng ta".
Ông nói thêm rằng nếu không có nguồn tài trợ bổ sung bây giờ, Mỹ sẽ phải trì hoãn hoặc cắt giảm vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái cũng như các thiết bị phá hủy vốn "quan trọng và cấp bách hiện nay khi Nga chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mùa đông".
Tổng thống Joe Biden ngày 1/10 nói : "Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn". "Chúng ta không nhiều thời gian, và có một cảm giác vô cùng cấp bách".
Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết nếu viện trợ không tiếp tục, sự kháng cự của Ukraine sẽ bắt đầu suy yếu.
Ông nói : "Nếu không có tiền mới, họ sẽ bắt đầu cảm nhận điều đó vào Lễ Tạ ơn".
Dự luật tài trợ ngắn hạn được Quốc hội thông qua chỉ kéo dài đến giữa tháng 11. Và ông McCord cho biết sẽ quá rủi ro nếu Bộ Quốc phòng chuyển tiền từ dự luật tài trợ tạm thời đó để chi trả thêm viện trợ cho Ukraine.
Nhiều nhà lập pháp thừa nhận rằng giành được sự chấp thuận tại Quốc hội cho việc hỗ trợ Ukraine đang ngày càng khó khăn hơn khi chiến tranh kéo dài và sự phản đối viện trợ Ukraine từ phe cực hữu của Đảng Cộng hòa đang có đà tiến.
Nguồn : VOA, 03/10/2023
************************
Ukraine ký hàng loạt hợp đồng vũ khí với các nhà công nghiệp quốc phòng Pháp
Anh Vũ, RFI, 03/10/2023
AFP dẫn các nguồn thạo tin ngày 02/10/2023 cho biết, Ukraine đã ký với nhiều tập đoàn công nghiệp Pháp một loạt hợp đồng cung cấp vũ khí nhân diễn đàn công nghiệp quốc phòng được tổ chức tại Kiev trong tuần qua. Đã có 15 hợp đồng được ký, phần lớn là những thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí tại Ukraine.
Lính Ukraine chuẩn bị khai hỏa khẩu pháo tự hành CAESAR - do Pháp sản xuất ở gần Avdiyvka, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 26/12/2022. AP - Libkos
Theo nguồn tin B Quân lực Pháp, tập đoàn Nexter, đại diện Pháp trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Pháp-Đức (KNDS) sẽ cung cấp thêm 6 đại bác loại Caesar (loại pháo cơ động 155 ly tầm bắn 40 km), ngoài 30 khẩu Caesar đã được giao và 19 khẩu khác đã chuyển từ Đan Mạch cho Ukraine.
Để đáp ứng nhu cầu, công ty Nexter đã phải tăng tốc sản xuất khẩu pháo Caesar, rút ngắn thời gian sản xuất từ 3 năm xuống 18 tháng, tăng sản lượng mỗi tháng từ 2 lên 6 khẩu.
Nexter đã ký hợp đồng với một công ty của Ukraine trong việc bảo trì pháo Caesar và xe bọc thép AMX-10, cũng như chế tạo tại chỗ một số phụ tùng. Bên cạnh đó còn có hợp đồng lắp đặt vũ khí trên các loại xe quân sự của Ukraine.
Công ty Pháp CEFA cũng ký hợp đồng cung cấp 8 robot rà phá mìn và 8 hệ thống xà lan cơ động để chuyên chở các chiến xa hạng nặng qua sông hồ. Các hệ thống này có thể dùng để lắp ráp thành cầu phao khi cần thiết.
Trước đó, hồi mùa hè công ty Delair đã ký hợp đồng cung cấp cho quân đội Ukraine 150 drone trinh sát và lần này công ty nhận thêm đơn hàng 150 chiếc khác. Ngoài ra, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng khác của Pháp như Thales, Turgis & Gaillard cũng đã ký thỏa thuận với nhiều hãng Ukraine để cùng chế tạo các drone.
Bộ trưởng Bộ Quân lực Pháp, Sébastien Lecornu hôm 28/09 đã đến thăm Kiev và dự diễn đàn của các nhà công nghiệp quốc phòng, lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Ukraine. Tháp tùng ông có khoảng hai chục đại diện các hãng công nghiệp Pháp. Mục đích chuyến đi là thảo luận phương thức hỗ trợ quân sự của Pháp cho Ukraine trong tương lai. Tổng số có 15 hợp đồng của các hãng công nghiệp pháp, một thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục vũ khí Pháp (DGA) đã được ký với phía Ukraine, trong chuyến thăm của bộ trưởng Quân Lực Pháp.
Trên RFI Pháp ngữ, tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc phân tích về chủ trương của Paris hỗ trợ Kiev sản xuất vũ khí tại chỗ :
"Tôi cho rằng chiến lược này đáp ứng viễn cảnh một cuộc chiến tranh lâu dài mà Ukraine và các nước Châu Âu đang đối mặt. Các nước xây dựng chủ trương hậu cần để giúp thúc đẩy cung cấp các khí tài phù hợp cho quân đội Ukraine. Chiến lược mang tính sống còn cho Ukraine và các nước Châu Âu. Cần phải tăng năng lực sản xuất của công nghiệp quân sự. Trước tiên là để rút ngắn đường vận chuyển bằng cách sản xuất tại Ukraine, đồng thời cũng là để hỗ trợ hiệu quả hơn cho Ukraine. Trái lại có điểm khá nhạy cảm là các điểm sản xuất sắp được đặt tại Ukraine có thể trở thành mục tiêu của các tên lửa Nga. Vì thế mà tổng thống Zelensky đã đề nghị nỗ lực đặc biệt vào hệ thống phòng không".
Anh Vũ
************************
Họp các ngoại trưởng của Liên Âu tại Kiev : Thông điệp ủng hộ dành cho Ukraine
Thùy Dương, RFI, 03/10/2023
Hôm 02/10/2023, tại Kiev, thủ đô Ukraine, lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu bất ngờ tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng của 27 thành viên tại một quốc gia chưa gia nhập khối này. Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell xem đây là "một cuộc họp có ý nghĩa lịch sử" và khẳng định tương lai của Ukraine là nằm trong khối này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng cùng các ngoại trưởng Châu Âu tại Kiev, Ukraine, ngày 02/10/2023. AP
Theo báo Le Monde, ngoại trưởng Ukraine tố cáo Nga "dành rất nhiều phương tiện" để chia rẽ các đồng minh của Kiev, trong bối cảnh Nga khẳng định phương Tây ngày càng mệt mỏi, chán nản về hồ sơ Ukraine. Về phần mình, tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh, chiến thắng của Ukraine "phụ thuộc trực tiếp" vào sự hợp tác giữa Kiev với các nước đồng minh phương Tây.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm về ý nghĩa cuộc họp của Liên Âu tại Kiev :
Những gì Liên Hiệp Châu Âu làm ở Kiev chủ yếu là gửi một thông điệp ngoại giao và chính trị mạnh mẽ để thể hiện sự kiên định trong việc ủng hộ Ukraine.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm thứ Hai khẳng định : "Chúng tôi muốn cho Nga thấy rằng họ không nên "trông mong là chúng tôi sẽ chán nản, mệt mỏi". Trong khi đó, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi Liên Âu có một kế hoạch bảo vệ người dân Ukraine trong mùa đông, giúp Kiev đối phó với các vụ oanh kích mới của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Liên Âu cũng tìm cách giảm thiểu tác động của thông tin xấu về việc nhà lãnh đạo dân túy thân Nga, Robert Fico giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Slovakia, và cũng để chứng minh rằng Liên Âu là nguồn hỗ trợ ổn định vào lúc các vấn đề ngân sách của Mỹ đang khiến Washington phải tạm đình chỉ các khoản viện trợ cho Ukraine.
Kể từ khi cuộc chiến xâm lược của Nga nổ ra vào tháng 02/2022, Liên Hiệp Châu Âu đã thành công trong việc duy trì tình đoàn kết chống Moskva và cho thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine là một bản sắc mới của Liên Âu : Cuối cùng thì Liên Hiệp Châu Âu cũng tìm được vai trò địa chính trị của mình trong bối cảnh mới trên lục địa Châu Âu do Nga "bất cẩn" tạo ra.
Thùy Dương
************************
Quốc hội Ukraine ‘ăn miếng trả miếng’ với tỷ phú Elon Musk
Reuters, VOA, 03/10/2023
Quốc hội Ukraine và chủ tịch quốc hội Ukraine ngày 2/10 chế nhạo tỷ phú Elon Musk sau khi ông đăng một hình ảnh châm biếm trên nền tảng mạng xã hội của mình chế nhạo lời cầu xin của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy về sự hỗ trợ thời chiến từ phương Tây.
Tỷ phú Elon Musk sở hữu SpaceX, công ty cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh Starlink rất quan trọng cho nỗ lực quốc phòng của Ukraine nhưng những phát biểu của ông đôi khi khiến Kyiv tức giận.
Ông Musk sở hữu SpaceX, công ty cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh Starlink rất quan trọng cho nỗ lực quốc phòng của Ukraine, nhưng những phát biểu của ông đôi khi khiến Kyiv tức giận kể từ cuộc xâm lược toàn diện do Nga phát động vào tháng 2 năm ngoái.
Sáng ngày 2/10, ông Musk đã đăng một hình ảnh châm biếm trên nền tảng X của mình, trước đây gọi là Twitter : hình ảnh Tổng thống Ukraine cùng dòng ghi chú "Khi đã 5 phút trôi qua mà bạn vẫn chưa xin một tỷ đô la viện trợ".
Nhà lãnh đạo Ukraine và các phụ tá hàng đầu của ông đã kêu gọi các đồng minh của họ trong suốt cuộc chiến đảm bảo hàng tỷ đô la viện trợ quân sự để ứng phó và đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Chủ tịch quốc hội Ukraine, ông Ruslan Stefanchuk, đã chỉ trích ông Musk bằng bài đăng riêng của mình trên X.
"Đây là khi... (ông Elon Musk) cố gắng chinh phục không gian, nhưng đã xảy ra trục trặc và trong vòng 5 phút, ông ấy rơi xuống địa ngục", ám chỉ rõ ràng đến vụ phóng phi đạn thất bại của SpaceX vào tháng 4.
Quốc hội Ukraine, trên trang chính thức trên X, tố cáo ông Musk truyền bá tuyên truyền của Nga. Quốc hội Ukraine cũng đăng nội dung châm biếm với hình ảnh của ông Musk và chú thích : "Khi đã 5 phút trôi qua mà anh vẫn chưa truyền bá tuyên truyền của Nga".
Cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, người trước đây đã chỉ trích một số phát biểu của ông Musk, nói trong một bài đăng trên X rằng việc im lặng hoặc mỉa mai Ukraine làm lợi cho tuyên truyền của Nga.
"Thật không may, không phải tất cả mọi người và không phải luôn luôn, tuy là những nhân vật quan trọng của giới truyền thông, nhưng ở cách xa tâm chấn chiến tranh hàng nghìn km, có thể nhận ra những vụ đánh bom và tiếng khóc hàng ngày của những đứa trẻ mất cha mẹ là như thế nào".
Các quan chức Ukraine trước đó trong cuộc chiến đã chỉ trích ông Musk vì gợi ý rằng họ nên cân nhắc việc nhường đất vì hòa bình, một quan điểm mà Kyiv đã kiên quyết bác bỏ.
Ông Zelenskyy đã đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 và gặp các quan chức hàng đầu nhằm đảm bảo có thêm viện trợ. Cuối tuần qua, viện trợ cho Ukraine đã bị loại bỏ khỏi biện pháp tài trợ tạm thời được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nhằm ngăn chặn việc chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm ngoái, cung cấp hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự và tài chính.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 03/10/2023