Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/10/2018

Nhà hát Thủ Thiêm hay bản giao hưởng "Chiêu hồn dân oan" ?

Nguyễn Hoàng Hải

Dân oan Thủ Thiêm, là một trong những khổ danh quá đỗi quen thuộc dành cho những người dân bị cướp đất, bị đập phá nhà cửa, bị cưỡng chế, bị tước đoạt quyền sở hữu, bị chết một cách oan khiêng bởi một chính quyền luôn rêu rao là công bộc của dân, lo cho dân và vì dân.

dan1

Một căn nhà ở Thủ Thiêm nằm trơ trọi giữa um tùm lau sậy, ngổn ngang đất đá của nhà cửa đã bị đập phá thời gian qua. Ảnh : Nguoidothi

22 năm, nợ máu và nước mắt của dân oan Thủ Thiêm vẫn còn đó, những mảnh đời bất hạnh không còn chổ cư ngụ, những mảnh đời hạ mình xin miếng ăn để tồn tại, những mảnh đời rong ruổi đi tìm công lý với những tiếng kêu oan thấu tận trời xanh, dường như vẫn chưa đủ liều để thức tỉnh lương tri từ nhà cầm quyền. Lương tri của họ chắc chỉ quy chiếu theo những vật chất gắn liền với quyền lực để thâu tóm triệt để những đất đai, biệt phủ, nhà lầu, xe hơi, tài nguyên khoáng sản, tiền thuế của người dân có sẵn..., nên họ phải ra sức bảo vệ cho tới cùng những thứ đó trước sự thèm thuồng đố kỵ của phe nhóm tranh giành nào đó mà lương tri cũng không còn tồn tại.

Hàng trăm cánh tay giơ lên cùng nụ cười thường trực, không một chút tư lự hay đắn đo suy nghĩ về mảnh đất Thủ Thiêm đầy tội lỗi, được thể hiện qua con số một trăm phần trăm công bộc đồng tình vì dân. Đây không phải là quả báo gặp ác mộng giữa ban ngày mà là kết quả mỹ mãn giữa thanh thiên bạch nhật, giữa mười triệu dân trong đó có hàng ngàn dân oan hay bất cứ người nào từ trẻ em đến người già, từ nghèo hay đại gia, khỏe mạnh hay bịnh hoạn nằm xếp lớp trong bệnh viện đi nữa thì tất cả vẫn được thừa hưởng một nhà hát giao hưởng ca vũ kịch Thủ Thiêm "vi diệu" trong tương lai.

Một ngày trong tương lai có hay không ? Khi nhà hát ca vũ kịch được trình làng trước công chúng mười triệu dân và bản giao hưởng số 3 "Anh hùng ca" sẽ được cất lên để ca ngợi những đảng viên cộng sản đã anh dũng vượt lên trên những mất mát đau thương của dân oan, nhẹ nhàng lướt qua sự lụn bại an sinh của xã hội, cùng nâng ly cắt băng khánh thành nhà hát để thỏa lòng mong đợi của mười triệu dân thành phố đang thiếu thốn âm nhạc để thưởng thức, để quên hết những nhọc nhằn và bất hạnh vây quanh.

Tiếp nối chương trình, những bản giao hưởng có nền âm thanh trầm lắng chậm rãi, có lúc dồn dập một cách rùng rợn khi những bản giao hưởng "Định mệnh" , bản "chiêu hồn dân oan" được rít lên một cách linh thiêng giữa đất và trời bán đảo Thủ Thiêm, và dường như những hình ảnh lúc ẩn lúc hiện là linh hồn của những cái chết oan khiêng đã kịp về dự khán trong một ngày trọng đại của một phiên bản cần phải có mà lãnh đạo đã hết lòng vì dân.

Và để tiếp tục trong một ngày trọng đại như vậy, cũng cần phải có một vở kịch mang tính lịch sử về nhà hát giao hưởng ca vũ kịch Thủ Thiêm, đã trải qua sóng gió ra sao và vượt qua nó bằng cách nào để có ngày hôm nay. Bối cảnh đầu của vỡ kịch, có thể bắt đầu từ việc tấm bản đồ gốc Thủ Thiêm bị thất lạc một cách bí hiểm ra sao. Tạo được kịch tính ngay từ đầu vở kịch, sẽ dẫn dắt câu chuyện càng về cuối càng gây cấn, càng dâng cao tính bi hài của vở kịch mới thật sự đi vào sự thật của lịch sử.

Và, với một sân khấu hoành tráng như vậy, thì việc dàn dựng lại cảnh ngôi chùa Liên Trì với hai câu thơ gắn trên phông chính của ngôi chùa để ai cũng có thể nhìn thấy và cầu nguyện cũng chẳng có gì trở ngại :

"Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông"…

Phần cuối của chương trình, để tạm biệt dân oan và phần nhân dân còn lại ra về trong trạng thái cảm phục hơn nữa, những bản giao hưởng thật nổi tiếng của Mozart qua bản số 40, 41 sẽ được gióng lên một cách nhanh nhất có thể. Bởi, ý nghĩa của những bản giao hưởng này nói lên một năng lực sáng tạo huyền diệu mà giới âm nhạc gọi đó là "Sức mạnh của quỷ thần". 

Nguyễn Hoàng Hải

Nguồn : VNTB, 19/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 602 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)