Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/10/2018

Bước ngoặt chính trị Việt Nam : hố sâu tồn vong không lối thoát

Thiên Điểu

"Quyết định cho phép thanh toán đồng nhân dân tệ của Trung Quốc về thực chất sẽ đưa đến kết quả đồng nhân dân tệ trở thành công cụ tài chính chính thức, thay thế đồng tiền Việt Nam hiện nay. Điều này không có gì là khó hiểu và sẽ xảy ra sớm hơn rất nhiều dự đoán của bất cứ chuyên gia về tài chính nào khi mà Việt Nam đang trong tình thế áp lực trả nợ quốc tế – trong các khoản nợ đó thì Trung Quốc lại là quốc gia chiếm tỷ lệ rất lớn"...

nhandante0

Quyết định cho phép thanh toán đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ thay thế đồng tiền Việt Nam hiện nay

Sau sự kiện Trần Đại Quang qua đời, động thái "nhất thể hóa" ở thượng tầng cụ thể là việc Tổng bí thư "được đề cử kiêm Chủ tịch nước" đã chỉ ra xu thế giành lại vị trí quyền lực tối cao vào tay phe đảng đã hoàn tất. Sẽ không có có gì để bàn cãi nếu xét vấn đề thuần túy trên khía cạnh ổn định bộ máy chính trị của chế độ trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ngay sau đó là một chuỗi các sự kiện mang tính thông điệp liên tiếp xuất hiện, trong đó 2 sự kiện đang làm nóng dư luận mà rõ ràng bộ máy chính quyền đã âm thầm chuẩn bị từ trước bất ngờ được bạch hóa là Nghị định thi hành luật an ninh mạng và chính thức cho phép thanh toán đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tại 7 tỉnh phía bắc.

Có lẽ không cần bàn sâu về tính pháp lý của các chính sách này vì nó cũng như bao nhiêu các quyết sách khác của chế độ Việt Nam hiện nay vốn luôn không tuân thủ các nguyên tắc luật pháp mà chính chế độ đề ra. Nói ngắn gọn và dễ hiểu nhất là cả 3 sự kiện đình đám trên thực tế đều vi hiến.

Trong việc Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, tuy nó là xu thế tất yếu đối với cục diện chính trị nhưng rõ ràng bộc lộ ý đồ thống lĩnh quyền lực một cách hết sức nóng vội. Theo Hiến pháp hiện hành thì Tổng bí thư không thể kiêm Chủ tịch nước và vị trí Chủ tịch nước phải thông qua một quá trình bầu bán rộng rãi hơn, rõ ràng hơn. Nghĩa là nếu Đảng Cộng sản Việt Nam muốn như vậy thì phải sửa Hiến pháp trước khi thực hiện, tương tự như Tập Cận Bình ở Trung Quốc hay Putin ở Nga, đều phải đi qua một bước là sửa đổi hiến pháp trước khi thâu tóm quyền lực.

Tại sao ở Việt Nam lại không cần ? Câu trả lời hợp lý duy nhất là phe đảng đã có một niềm tin về một thứ quyền lực chống lưng đủ mạnh để bất chấp hướng bất ổn có thể xảy ra trong nội bộ đất nước, kể cả khả năng vấp phải sự phản đối ở trong và ngoài bộ máy nhà nước. Mặt khác, phía sau hẳn có những yếu tố bắt buộc nào đó đã khiến Trung ương đảng cộng sản không thể dành thời gian cho giai đoạn chuyển tiếp dù rất ngắn để thực hiện công việc chiếu lệ là sửa đổi hiến pháp – điều mà Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thề làm dễ dàng chỉ trong vài ba tháng.

Về Nghị định thi hành luật an ninh mạng, – một văn bản dưới luật lẽ ra phải là Hướng dẫn thi hành – ngay khi nó được công bố thì cư dân mạng đã chỉ ra điểm bất thường : Nghị định được soạn thảo và công bố thời gian biểu quyết (lấy ý kiến) tại quốc hội trước khi thông qua luật an ninh mạng, chưa thể xác định qui trình biểu quyết, lấy ý kiến Nghị định trước luật là đúng hay sai. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ : Bản thân Luật an ninh mạng vốn đã bộc lộ tham vọng kiềm chế xã hội, xâm phạm nhiều quyền của công dân trong hiến pháp nhưng Nghị định lại còn mở rộng hơn, sử dụng nhiều chi tiết theo hướng gia tăng quyền lực hành pháp cho ngành công an, bao trùm lên mọi lĩnh vực, tầng lớp và mọi ngõ ngách của xã hội. Theo nhiều ý kiến trên mạng thì Nghị định này cho phép Bộ công an "nắm đầu" bất cứ ai, kể cả quan chức và phớt lờ vai trò của các bộ khác trong các vấn đề liên quan đã được luật hóa. Nó không chỉ chúng minh chủ ý tập trung quyền lực vào tay Bộ công an mà còn chỉ ra ý đồ tổ chức Bộ công an thành công cụ siêu quyền lực để cai trị toàn xã hội.

Thông tin ngày 12/10/2018, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được phép lưu hành, thanh toán ở 7 tỉnh phía bắc đã lý giải khá nhiều nghi vấn. Cũng không cần đi sâu về việc tại sao một quyết định như vậy lại im ắng trên truyền thông cho đến tận ngày có hiệu lực thực hiện. Điểm then chốt của nó là : Đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền lưu hành chính thức trên thị trường Việt Nam ! Con số "7 tỉnh" nghe qua thì người ta dễ ngộ nhận khi nghĩ nó chỉ là một khu vực, một phần lãnh thổ.. nhưng đồng tiền cũng như dòng máu, dòng nước.. khi ở trong cơ thể nó sẽ chạy đến từng tế bào cần nó để sống. "Thanh toán ở 7 tỉnh" vì vậy thực chất chỉ là cái bình phong đánh lừa người dân, che đi sự vi hiến của quyết định này – Theo hiến pháp thì tiền đồng Việt Nam là loại tiền tệ duy nhất được phép lưu hành. Trong quyết định này, việc không sửa hiến pháp thực chất là một chiêu trò cố ý để lấp liếm bằng lý luận kiểu ngộ nhận hạn chế từ con số 7 tỉnh thành nói trên.

Thực ra việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở các tỉnh giáp biên với Trung Quốc đã có từ lâu nhưng chỉ giới hạn ở hoạt động biên mậu với Trung Quốc và mức độ ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ lên tiền đồng Việt Nam bị hạn chế khá nhiều. Với văn bản "cho phép thanh toán đồng nhân dân tệ tại 7 tỉnh thành", thực tế bất cứ ở đâu cũng có thể lưu giữ đồng nhân dân tệ, thực hiện các giao dịch cho bất cứ lĩnh vực nào chỉ cần một điều kiện duy nhất là thực hiện "thanh toán" tại 7 tỉnh thành kia là được. Nói cách khác : Thực chất quyết định cho phép thanh toán đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thực chất sẽ đưa đến kết quả đồng nhân dân tệ trở thành công cụ tài chính chính thức, thay thế đồng tiền Việt Nam hiện nay. Điều này không có gì là khó hiểu và sẽ xảy ra sớm hơn rất nhiều dự đoán của bất cứ chuyên gia về tài chính nào khi mà Việt Nam đang trong tình thế áp lực trả nợ quốc tế – trong các khoản nợ đó thì Trung Quốc lại là quốc gia chiếm tỷ lệ rất lớn – và tỷ trọng thương mại qua xuất nhập khẩu với Trung Quốc luôn áp đảo và ngày càng gia tăng khoảng cách thì đồng nhân dân tệ bóp chết tiền đồng Việt Nam hết sức dễ dàng. Chính trị Việt Nam phía sau sự thật đó là gì chắc không cần phải lý giải thêm.

Những ngờ vực về hiệp ước Thành Đô sau việc công nhận đồng nhân dân tệ và các đặc khu dù chưa được luật hóa nhưng vẫn đang tiến hành đầu tư mạnh mẽ đến bất thường.. đã khiến các nghi ngờ không còn là ẩn số. Chắc chắn ngay đầu năm 2019 sắp tới, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (trừ Trung Quốc) vào Việt Nam sẽ nhanh chóng giảm dần và kết thúc, làn sóng thoái vốn của các nhà đầu tư ở các quốc gia sử dụng đồng dollar hay ngoại tệ khác sẽ tăng mạnh. Các nhà đầu tư chứng khoán đã thoái vốn qua đợt khủng khoảng vừa qua sẽ không dại dột đưa vốn trở lại chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ngày càng gay gắt hơn bởi rủi do từ đồng nhân dân tệ.

Một viễn cảnh xáo trộn và hố sâu chôn vùi sự tồn vong của Việt Nam đã hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.

Thiên Điểu

Nguồn : VNTB, 18/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 946 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)