Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/10/2018

Hợp tác tư pháp : Việt Nam học nhiều kinh nghiệm từ Pháp

Thanh Phương

Trong số các lĩnh vực hợp tác lâu năm giữa Pháp và Việt Nam, hợp tác về pháp luật, tư pháp đã được khởi xướng ngay từ năm 1986, nhằm hỗ trợ công cuộc "đổi mới" của Việt Nam, và sau này là nhằm hỗ trợ cho cải cách tư pháp ở Việt Nam. Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực như tư pháp cho tội phạm vị thành niên, phát triển án lệ.

tuphap1

Các diễn giả tại hội thảo (từ trái sang phải) : Chủ tịch Hội đồng Quốc gia các Luật sư đoàn Christianne Feral-schuhl, đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot và giáo sư Trần Thanh Vân.RFI

Trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm bang giao Pháp - Việt Nam và 5 quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, vào chiều tối 16/10/2018, một cuộc hội thảo về hợp tác Pháp - Việt đã diễn ra tại Nhà Luật sư đoàn (Maison du Barreau) ở Paris, theo sáng kiến của luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot, chủ tịch Ủy ban Việt Nam trong Luật sư đoàn Paris.

Khách mời danh dự của cuộc hội thảo này là hai giáo sư Lê Kim Ngọc và Trần Thanh Vân, tức là hai sáng lập viên của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, những người đã có nhiều đóng góp cho hợp tác Pháp - Việt.

Tuy chỉ kéo dài chưa tới 3 tiếng đồng hồ, nhưng hội thảo đã có thể điểm qua những kết quả và triển vọng hợp tác giữa hai nước, trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, quốc phòng, cho đến tư pháp, với phần trình bày của các diễn giả, trong đó có cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison, bác sĩ Gildas Treguier, phó chủ tịch Liên đoàn Y tế Pháp - Việt Nam, thẩm phán Patrick Matet thuộc Tòa Phá án của Pháp và đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp. Đối với luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot, các diễn giả có điểm chung là họ đều rất tâm huyết với hợp tác Pháp - Việt.

Trong số các lĩnh vực hợp tác lâu năm giữa Pháp và Việt Nam, hợp tác về pháp luật, tư pháp đã được khởi xướng ngay từ năm 1986, nhằm hỗ trợ công cuộc "đổi mới" của Việt Nam, và sau này là nhằm hỗ trợ cho cải cách tư pháp ở Việt Nam. Nhân chuyến viếng thăm của tổng thống François Mitterrand hòi tháng 02/1993, hai thỏa thuận quan trọng đã được ký kết : Thỏa thuận hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Pháp và Việt Nam và Thỏa thuận thành lập Nhà Pháp luật Việt - Pháp tại Hà Nội.

Nhà Pháp luật Việt - Pháp, được thành lập năm 1993 và hoạt động cho đến 2012, đã tư vấn và hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách cũng như tổ chức các đợt nghiên cứu thực tiễn tại Pháp, đào tạo cho các chuyên ngành pháp lý (thẩm phán, luật sư, công chứng viên, thừa phát lại), đào tạo tiếng Pháp chuyên ngành luật…

Coi như là tiếp nối công việc của Nhà Pháp luật Việt - Pháp, luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot từ mấy năm qua đã có nhiều hoạt động để giúp đào tạo, nâng cao trình độ cho các thẩm phán, luật sư Việt Nam. Trả lời RFI sau hội thảo, luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot cho biết :

"Chúng tôi có dự án giữa tháng 5 và tháng 6 năm tới tổ chức nhiều hội thảo ở Việt Nam, ở Hà Nội về luật hợp đồng, ở Huế về luật cầm cố, thế chấp tài sản, ở Thành phố Hồ Chí Minh và Quy Nhơn hội thảo về trọng tài quốc tế. Đây là lĩnh vực mới mà Việt Nam có rất nhiều nhu cầu về đào tạo, nâng cao trình độ, để các trọng tài Việt Nam có thể tham gia hoạt động trên thế giới".

Một hợp tác đáng chú ý khác giữa Pháp và Việt Nam là thỏa thuận hợp tác giữa Tòa Phá án (Cour de cassation) của Pháp với Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, ký vào năm 2013.

Trả lời RFI sau cuộc hội thảo ngày 16/10, thẩm phán Patrick Matet cho biết thêm :

"Tòa phá án của Pháp đã ký một hiệp định với Tòa án Tối cao Việt Nam để tăng cường hợp tác giữa hai nước và đáp ứng nhu cầu của các thẩm phán Việt Nam, cũng như của Tòa án Tối cao Việt Nam. Đây cũng là phương cách để tòa án của hai bên bổ túc kiến thức cho nhau.

Cũng như các cơ chế khác của Việt Nam, Tòa án Tối cao Việt Nam, về luật dân sự, là dựa theo luật của nước Pháp chính quốc, tức là coi như giống với luật hiện hành tại Pháp, không phải giống về các điều luật, mà là về cơ cấu của luật.

Kể từ khi ký kết thỏa thuận, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức cho các phái đoàn Pháp và Việt Nam đi thăm lẫn nhau, tổ chức nhiều cuộc hội thảo để các thẩm phán Việt Nam và Pháp có dịp trao đổi với nhau về nhiều chủ đề : tư pháp vị thành niên, giải thích các phán quyết, phổ biến các quyết định của Tư pháp, phát triển án lệ. Đó là những vấn đề liên quan đến cả hai nước Pháp và Việt Nam".

Những lĩnh vực mà thẩm phán Matet vừa nêu, đặc biệt là tư pháp đối với tội phạm vị thành niên và phát triển án lệ, là những lĩnh vực mà Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Thẩm phán Matet cũng cho rằng Pháp có thể đóng góp nhiều kinh nghiệm cho các thẩm phán Việt Nam, đặc biệt Pháp là quốc gia có lịch sử phát triển án lệ từ lâu, như nhiều nền tư pháp tiên tiến khác trên thế giới :

"Việt Nam đã phát triển hệ thống tư pháp vị thành niên riêng. Nhưng chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm từ năm 1945 trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ là nước Pháp có thể đóng góp cho Việt Nam những kinh nghiệm đó, nhất là về mặt hỗ trợ giáo dục vị thành niên.

Về án lệ, vì những lý do liên quan đến tổ chức hệ thống tư pháp, Việt Nam không muốn có những án lệ, cho nên những án lệ không có trọng lượng giống như ở Châu Âu, nhất là ở Pháp. Dần dần, Việt Nam mới nhận thấy sự cần thiết phải cho một người biết về cách thi hành các phán quyết của thẩm phán. Từ khoảng 2 năm nay, Tòa án Tối cao đã xem một số phán quyết của họ là án lệ. Nhưng hiện giờ việc tiếp nhận khái niệm án lệ còn hạn chế, vì chỉ có 17 trên tổng số 300 phán quyết của Tòa án Tối cao Việt Nam được gắn "nhãn hiệu" án lệ.

Về việc phổ biến các phán quyết, thì tôi thấy ở Việt Nam có một cơ chế khá là độc đáo, cho phép người dân tiếp cận được những phán quyết của tòa, nhất là của Tòa án Tối cao. Tất cả các phán quyết này có thể được tham khảo trên mạng. Bây giờ phải tìm hiểu xem việc phổ biến như vậy có tác động như thế nào đối với công luận. Đây chỉ mới là giai đoạn đầu. Phía Việt Nam phải tiến hành đánh giá về hiệu quả của cơ chế đó.

Trong thời đại mở như hiện nay, việc phổ biến các quyết định của tư pháp phải mang tính toàn diện. Nước Pháp cũng đang theo hướng thiết lập một trung tâm dữ liệu mở để phổ biến toàn bộ các quyết định tư pháp và tôi tin là Việt Nam sẽ biết cách để thích ứng với tình hình mới. Tương lai sẽ cho chúng ta biết là Việt Nam đi về hướng nào".

Ngoài việc cung cấp những kinh nghiệm, Pháp tiếp tục giúp Việt Nam về mặt đào tạo trong lĩnh vực tư pháp. Chẳng hạn như nhân chuyến viếng thăm của phái đoàn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đến Paris, Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp năm ngoái đã ký kết Thỏa thuận chung về hợp tác đào tạo tư pháp với Học viện Tòa án Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo ngày 16/10 ở Nhà Luật sư đoàn tại Paris, một số diễn giả, trong đó có đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, cũng nêu lên khả năng phục hồi lại hoạt động của Nhà Pháp luật Việt - Pháp.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 24/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)