Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhiệm kỳ mới của tổng thống Macron : Pháp tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam

Năm 2023, Việt Nam và Pháp sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược song phương. Tính đến tháng 11/2021, Pháp là một trong ba nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với 632 dự án còn hiệu lực có tổng số vốn đăng ký là 3,62 tỷ đô la.

phapviet1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 04/11/2021.  AP - Lewis Joly

Ngoài hợp tác kinh tế, được đánh giá còn nhiều tiềm lực tăng trưởng với Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA, có hiệu lực từ ngày 01/08/2020) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu, Pháp còn có nhiều dự án và chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực, được triển khai từ lâu tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt ngày 29/04/2022, ông Nicolas Warnery, đại sứ Pháp tại Việt Nam, đánh giá việc tổng thống Emmanuel Macron đắc cử thêm một nhiệm kỳ hôm 24/04 đánh dấu sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại của Paris với Hà Nội.

----------------------

RFI :Việc tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ có thể cho thấy là chính phủ Pháp sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Xin ngài đại sứ giải thích về mối quan hệ đối tác song phương này ?

Nicolas Warnery : Quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam trước hết được tiến hành dựa trên sự năng động rất lớn giữa hai nước và mối quan hệ lịch sử phong phú, có từ lâu, và hiện giờ trở thành "quan hệ đối tác chiến lược". Trong chuyến công du Paris của thủ tướng Việt Nam vào tháng 11/2021, chính quyền hai nước đã quyết định tăng cường mối quan hệ đối tác này, được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất là lĩnh vực chính trị và chiến lược với việc phân tích các mối đe dọa chung, những thách thức chung về an ninh, trong đó có an ninh khu vực Đông Nam Á.

Lĩnh vực thứ hai liên quan đến kinh tế với những mối quan hệ mà chúng tôi muốn đào sâu và phát triển, thông qua những dự án lớn, cũng như thương mại thường nhật giữa các công ty vừa và nhỏ của hai nước theo Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA).

Lĩnh vực lớn thứ ba liên quan đến phát triển và hợp tác văn hóa, ngôn ngữ, khoa học, nghiên cứu và đại học. Ngoài ra còn phải kể đến vấn đề khí hậu và việc triển khai những cam kết đầy tham vọng được Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Khí hậu COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh).

Y tế là một mối quan hệ hợp tác truyền thống khác mà tôi muốn tách riêng, vì đó là lĩnh vực có từ rất lâu, rất vững chắc và phong phú. Sự hợp tác này được thể hiện rất rõ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 qua những gói quà tặng giữa hai nước. Ví dụ Việt Nam tặng khẩu trang cho Pháp năm 2020 khi Paris đang rất cần. Vào năm 2021, Pháp cũng tặng vắc-xin ngừa Covid-19, khi Việt Nam tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

Trên đây là một vài tóm lược về sự vững chắc và phong phú trong mối quan hệ đối tác giữa hai nước.

RFI : Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu, mà Pháp là nhân tố chính, đã được công bố vào tháng 09/2021. Cho đến giờ, đây mới chỉ là mặt lý thuyết. Chiến lược sẽ được triển khai cụ thể như thế nào trong 5 năm nhiệm kỳ tới của tổng thống Emmanuel Macron ?

Nicolas Warnery : Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu bao gồm phần nào đó những tham vọng chiến lược của Pháp có từ năm 2018. Nhìn chung, chiến lược này có bốn lĩnh vực lớn.

Thứ nhất là lĩnh vực chính trị và chiến lược mà tôi đã nêu ở trên, có nghĩa là hướng đến an ninh quốc phòng để nhìn chung, biến Ấn Độ-Thái Bình Dương thành một vùng hòa bình, nơi có thể tránh được các cuộc khủng hoảng và xung đột hoặc các mối đe dọa, như trường hợp mà chúng ta đang thấy với chiến tranh Ukraine hiện nay.

Lĩnh vực thứ hai liên quan đến kinh tế, trao đổi thương mại, kết nối, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và sáng tạo với tất cả các nước ở trong vùng. Về phía Pháp, cũng như Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi dự tính phối hợp nhiều với Việt Nam, cũng như với ASEAN.

Lĩnh vực thứ ba liên quan đến quốc phòng, chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, pháp quyền, trong đó có quy định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, vẫn thường xuyên được nhắc đến. Công ước này bị một số nước trong vùng vi phạm, nói rõ hơn là ở Biển Đông.

Lĩnh vực lớn cuối cùng liên quan đến tất cả những thách thức chung, như thách thức về mặt nhân đạo, biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý bền vững tài nguyên đại dương.

Đây là những lĩnh vực mà chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhắm đến. Mục tiêu hiện giờ là đưa ra những dự án chung và cụ thể. Pháp đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu nên đã tập hợp các nước liên quan tại Paris vào ngày 22/02/2022 nhằm triển khai chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu thành những dự án cụ thể, thành bước tiếp cận đến từng lĩnh vực cho những năm sắp tới. Đây chính là thách thức của chúng tôi, có nghĩa là triển khai chiến lược vô cùng quan trọng này.

https://youtu.be/lyeVx7Xf5Qc

RFI :Ở cấp hợp tác phi tập trung, hội nghị sắp tới dường như sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2022, sau thời gian gián đoạn vì Covid-19. Đây có phải là điểm đặc thù trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam ?

Nicolas Warnery : Đúng vậy. Pháp duy trì mối quan hệ hợp tác phi tập trung với nhiều nước khác nhưng mối quan hệ này giữa Pháp và Việt Nam đã có từ lâu và rất đa dạng.

Hội nghị hợp tác phi tập trung thường xuyên được tổ chức xen kẽ giữa hai nước. Cuộc họp sắp tới được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 12. Chúng tôi đã đề cập vấn đề này với chính quyền Việt Nam. Chúng tôi hy vọng hội nghị sẽ thành công và sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác phi tập trung sau hội nghị này.

RFI :Liệu những dự án cụ thể trong hợp tác phi tập trung Việt-Pháp phần nào phản ánh và bổ trợ cho mối quan hệ song phương ở cấp Nhà nước ? Xin ông cho biết các dự án hợp tác phi tập trung chủ yếu nhắm đến những lĩnh vực nào ?

Nicolas Warnery : Đây là những chương trình hợp tác vô cùng đa dạng do chính những địa phương ở Pháp và Việt Nam tự hoạch định. Chúng tôi hỗ trợ về mặt chính trị và đôi khi là về việc thực hiện, nhưng chương trình này thường độc lập hoàn toàn với chính phủ Pháp và bổ sung cho mối quan hệ ở cấp Nhà nước.

Hợp tác phi tập trung Pháp-Việt có thể liên quan đến tất cả các lĩnh vực, như y tế, giáo dục, phát triển bền vững, dạy nghề, quản lý kinh tế, chương trình trao đổi giữa các trường học và đôi khi có thêm hoạt động thể thao. Nói tóm lại là có rất nhiều lĩnh vực bổ trợ và hoàn toàn độc lập với sự hợp tác ở cấp Nhà nước.

RFI :Trong nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống Emmanuel Macron nói là muốn đến thăm Việt Nam, nhưng đã không thực hiện. Liệu ông Macron, vừa tái đắc cử tổng thống Pháp, có đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ tới không ?

Nicolas Warnery : Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có những chuyến công du cấp cao. Các chuyến công du như vậy luôn là điểm tích cực, nhưng hiện giờ tôi hoàn toàn không thể hứa bất kỳ điều gì. Tổng thống vừa mới tái đắc cử, sắp tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội, tiếp theo là bổ nhiệm một chính phủ mới và chỉ đến thời điểm đó, chúng tôi mới có thể biết dự án các chuyến công du.

Đại sứ quán Pháp làm tất cả để mối quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam, mà tôi nêu ở trên, được tiếp tục và trở nên sâu sắc hơn. Chúng tôi sẽ làm tất cả để triển khai những quyết định được đưa ra trong chuyến thăm Paris của thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Chúng tôi mừng vì Pháp đã có sự tiếp nối về vị trí lãnh đạo Nhà nước ; nhưng tôi không thể hứa về khả năng công du Việt Nam của tổng thống Pháp.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ngài đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.

*****

Ngày 12/04/2022, nhân dịp kỷ niệm 49 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam, đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã nêu ba sự kiện minh chứng cho sự năng động của quan hệ song phương giai đoạn 2021-2022 :

1. Một đợt viện trợ vắc-xin mới từ Pháp đến Việt Nam, nâng số liều vắc-xin viện trợ lên hơn 3,5 triệu, thể hiện tình đoàn kết giữa Pháp và Việt Nam ;

2. Các đợt chạy thử nghiệm đầu tiên từ mùa xuân 2021 của tuyến số 3 tàu điện Hà Nội, một dự án cơ cấu cho thành phố và người dân Hà Nội, dựa trên tài trợ và kinh nghiệm của Pháp ;

3. Tàu tuần dương Vendémiaire tới thăm cảng Cam Ranh vào đầu năm 2022 và tham gia hoạt động huấn luyện với hải quân Việt Nam.

Theo Đại sứ quán Pháp, điểm nhấn thực sự của năm ngoại giao này là chuyến thăm Pháp của thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 03-05/11/2021, tạo động lực mới cho mối quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc ở cấp cao nhằm hướng tới một giai đoạn mới trong quan hệ đối tác Pháp-Việt trong nhiều lĩnh vực như vệ tinh, cũng như những dự án cấu trúc công nghệ cao mang tính chiến lược với viễn cảnh nâng cấp mối quan hệ đối tác.

Tuyên bố chung, được phủ thủ tướng Pháp công bố ngày 05/11/2021, cho biết Việt Nam đánh giá cao vai trò và những chiến lược của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phía Pháp nhấn mạnh đến tầm quan trọng Triển vọng về Ấn Độ-Thái Bình Dương của ASEAN (AIPO). Trong những chiến lược của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Việt Nam, cũng như các nước thành viên ASEAN, đóng vai trò chủ đạo.

Cam kết của Châu Âu trong khu vực này được bà Alice Guitton, tổng vụ trưởng Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Bộ Quân lực Pháp, kiêm chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu của Pháp hiện nay, nhấn mạnh trong Đối thoại cấp cao về các vấn đề chiến lược và hợp tác quốc phòng diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 14-15/04/2022. Hai bên nhấn mạnh tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường quyền tự chủ chiến lược và thúc đẩy các giá trị chung. Hai bên cũng khẳng định chủ nghĩa đa phương, đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng của hợp tác quốc phòng Pháp-Việt.

Ngoài ra, có thể nhắc đến thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công vụ, hiện đại hóa nền hành chính được Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Chuyển đổi và công vụ Pháp ký kết ngày 31/03. Phía Pháp, thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (Agence Française de Développement, AFD), cũng hỗ trợ Việt Nam trong dự án phát triển chính phủ điện tử.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 02/05/2022

Additional Info

  • Author Nicolas Warnery, Thu Hằng
Published in Diễn đàn

Trong số các lĩnh vực hợp tác lâu năm giữa Pháp và Việt Nam, hợp tác về pháp luật, tư pháp đã được khởi xướng ngay từ năm 1986, nhằm hỗ trợ công cuộc "đổi mới" của Việt Nam, và sau này là nhằm hỗ trợ cho cải cách tư pháp ở Việt Nam. Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực như tư pháp cho tội phạm vị thành niên, phát triển án lệ.

tuphap1

Các diễn giả tại hội thảo (từ trái sang phải) : Chủ tịch Hội đồng Quốc gia các Luật sư đoàn Christianne Feral-schuhl, đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot và giáo sư Trần Thanh Vân.RFI

Trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm bang giao Pháp - Việt Nam và 5 quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, vào chiều tối 16/10/2018, một cuộc hội thảo về hợp tác Pháp - Việt đã diễn ra tại Nhà Luật sư đoàn (Maison du Barreau) ở Paris, theo sáng kiến của luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot, chủ tịch Ủy ban Việt Nam trong Luật sư đoàn Paris.

Khách mời danh dự của cuộc hội thảo này là hai giáo sư Lê Kim Ngọc và Trần Thanh Vân, tức là hai sáng lập viên của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, những người đã có nhiều đóng góp cho hợp tác Pháp - Việt.

Tuy chỉ kéo dài chưa tới 3 tiếng đồng hồ, nhưng hội thảo đã có thể điểm qua những kết quả và triển vọng hợp tác giữa hai nước, trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, quốc phòng, cho đến tư pháp, với phần trình bày của các diễn giả, trong đó có cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison, bác sĩ Gildas Treguier, phó chủ tịch Liên đoàn Y tế Pháp - Việt Nam, thẩm phán Patrick Matet thuộc Tòa Phá án của Pháp và đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp. Đối với luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot, các diễn giả có điểm chung là họ đều rất tâm huyết với hợp tác Pháp - Việt.

Trong số các lĩnh vực hợp tác lâu năm giữa Pháp và Việt Nam, hợp tác về pháp luật, tư pháp đã được khởi xướng ngay từ năm 1986, nhằm hỗ trợ công cuộc "đổi mới" của Việt Nam, và sau này là nhằm hỗ trợ cho cải cách tư pháp ở Việt Nam. Nhân chuyến viếng thăm của tổng thống François Mitterrand hòi tháng 02/1993, hai thỏa thuận quan trọng đã được ký kết : Thỏa thuận hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Pháp và Việt Nam và Thỏa thuận thành lập Nhà Pháp luật Việt - Pháp tại Hà Nội.

Nhà Pháp luật Việt - Pháp, được thành lập năm 1993 và hoạt động cho đến 2012, đã tư vấn và hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách cũng như tổ chức các đợt nghiên cứu thực tiễn tại Pháp, đào tạo cho các chuyên ngành pháp lý (thẩm phán, luật sư, công chứng viên, thừa phát lại), đào tạo tiếng Pháp chuyên ngành luật…

Coi như là tiếp nối công việc của Nhà Pháp luật Việt - Pháp, luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot từ mấy năm qua đã có nhiều hoạt động để giúp đào tạo, nâng cao trình độ cho các thẩm phán, luật sư Việt Nam. Trả lời RFI sau hội thảo, luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot cho biết :

"Chúng tôi có dự án giữa tháng 5 và tháng 6 năm tới tổ chức nhiều hội thảo ở Việt Nam, ở Hà Nội về luật hợp đồng, ở Huế về luật cầm cố, thế chấp tài sản, ở Thành phố Hồ Chí Minh và Quy Nhơn hội thảo về trọng tài quốc tế. Đây là lĩnh vực mới mà Việt Nam có rất nhiều nhu cầu về đào tạo, nâng cao trình độ, để các trọng tài Việt Nam có thể tham gia hoạt động trên thế giới".

Một hợp tác đáng chú ý khác giữa Pháp và Việt Nam là thỏa thuận hợp tác giữa Tòa Phá án (Cour de cassation) của Pháp với Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, ký vào năm 2013.

Trả lời RFI sau cuộc hội thảo ngày 16/10, thẩm phán Patrick Matet cho biết thêm :

"Tòa phá án của Pháp đã ký một hiệp định với Tòa án Tối cao Việt Nam để tăng cường hợp tác giữa hai nước và đáp ứng nhu cầu của các thẩm phán Việt Nam, cũng như của Tòa án Tối cao Việt Nam. Đây cũng là phương cách để tòa án của hai bên bổ túc kiến thức cho nhau.

Cũng như các cơ chế khác của Việt Nam, Tòa án Tối cao Việt Nam, về luật dân sự, là dựa theo luật của nước Pháp chính quốc, tức là coi như giống với luật hiện hành tại Pháp, không phải giống về các điều luật, mà là về cơ cấu của luật.

Kể từ khi ký kết thỏa thuận, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức cho các phái đoàn Pháp và Việt Nam đi thăm lẫn nhau, tổ chức nhiều cuộc hội thảo để các thẩm phán Việt Nam và Pháp có dịp trao đổi với nhau về nhiều chủ đề : tư pháp vị thành niên, giải thích các phán quyết, phổ biến các quyết định của Tư pháp, phát triển án lệ. Đó là những vấn đề liên quan đến cả hai nước Pháp và Việt Nam".

Những lĩnh vực mà thẩm phán Matet vừa nêu, đặc biệt là tư pháp đối với tội phạm vị thành niên và phát triển án lệ, là những lĩnh vực mà Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Thẩm phán Matet cũng cho rằng Pháp có thể đóng góp nhiều kinh nghiệm cho các thẩm phán Việt Nam, đặc biệt Pháp là quốc gia có lịch sử phát triển án lệ từ lâu, như nhiều nền tư pháp tiên tiến khác trên thế giới :

"Việt Nam đã phát triển hệ thống tư pháp vị thành niên riêng. Nhưng chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm từ năm 1945 trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ là nước Pháp có thể đóng góp cho Việt Nam những kinh nghiệm đó, nhất là về mặt hỗ trợ giáo dục vị thành niên.

Về án lệ, vì những lý do liên quan đến tổ chức hệ thống tư pháp, Việt Nam không muốn có những án lệ, cho nên những án lệ không có trọng lượng giống như ở Châu Âu, nhất là ở Pháp. Dần dần, Việt Nam mới nhận thấy sự cần thiết phải cho một người biết về cách thi hành các phán quyết của thẩm phán. Từ khoảng 2 năm nay, Tòa án Tối cao đã xem một số phán quyết của họ là án lệ. Nhưng hiện giờ việc tiếp nhận khái niệm án lệ còn hạn chế, vì chỉ có 17 trên tổng số 300 phán quyết của Tòa án Tối cao Việt Nam được gắn "nhãn hiệu" án lệ.

Về việc phổ biến các phán quyết, thì tôi thấy ở Việt Nam có một cơ chế khá là độc đáo, cho phép người dân tiếp cận được những phán quyết của tòa, nhất là của Tòa án Tối cao. Tất cả các phán quyết này có thể được tham khảo trên mạng. Bây giờ phải tìm hiểu xem việc phổ biến như vậy có tác động như thế nào đối với công luận. Đây chỉ mới là giai đoạn đầu. Phía Việt Nam phải tiến hành đánh giá về hiệu quả của cơ chế đó.

Trong thời đại mở như hiện nay, việc phổ biến các quyết định của tư pháp phải mang tính toàn diện. Nước Pháp cũng đang theo hướng thiết lập một trung tâm dữ liệu mở để phổ biến toàn bộ các quyết định tư pháp và tôi tin là Việt Nam sẽ biết cách để thích ứng với tình hình mới. Tương lai sẽ cho chúng ta biết là Việt Nam đi về hướng nào".

Ngoài việc cung cấp những kinh nghiệm, Pháp tiếp tục giúp Việt Nam về mặt đào tạo trong lĩnh vực tư pháp. Chẳng hạn như nhân chuyến viếng thăm của phái đoàn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đến Paris, Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp năm ngoái đã ký kết Thỏa thuận chung về hợp tác đào tạo tư pháp với Học viện Tòa án Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo ngày 16/10 ở Nhà Luật sư đoàn tại Paris, một số diễn giả, trong đó có đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, cũng nêu lên khả năng phục hồi lại hoạt động của Nhà Pháp luật Việt - Pháp.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 24/10/2018

Published in Diễn đàn

Xảo ngôn "Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người" (nhân quyền) đã khiến một nước Pháp hiền hòa phải thay đổi quan niệm của mình.

Sau 5 năm tính từ năm 2013, nội dung và cách thức đề cập về nhân quyền trong bản tuyên bố chung Việt – Pháp đã được người Pháp điều chỉnh một cách đầy chủ ý.

5nam1

Cuộc gặp Macron – Trọng : Tổng thống Pháp đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ảnh : Vietnamnet

Theo "Tuyên bố chung Việt Nam – Pháp" – bản văn được phát ra cho báo chí sau bữa ăn trưa giữa Tổng thống Macron và Nguyễn Phú Trọng, "Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước. Việt Nam và Pháp nhắc lại sự coi trọng các mục tiêu và nguyên tắc mà các cơ quan của Liên hợp quốc theo đuổi, trong đó có tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc".

Vào tháng Chín năm 2013, trong chuyến công du Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Jean – Marc Ayrault, hai bên đã ra bản tuyên bố chung với nội dung liên quan nhân quyền : "Pháp và Việt Nam, với quyết tâm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, sẽ tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy quản trị tốt, nhà nước pháp quyền và các quyền con người. Trong lĩnh vực này, hai nước khẳng định ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, đồng thời quan tâm làm sâu sắc thêm đối thoại giữa EU và Việt Nam".

Có hai điểm khác biệt rõ rệt giữa hai bản tuyên bố chung vào năm 2013 và vào năm 2018 :

– Bản tuyên bố chung Việt – Pháp vào năm 2013 chỉ đề cập một cách chung nhất và không có điểm nhấn mạnh nào về chủ đề nhân quyền. Còn bản Tuyên bố Việt – Pháp năm 2018 đã dùng từ "nhấn mạnh".

– Trong bản tuyên bố chung Việt – Pháp vào năm 2013, nhân quyền chỉ được xếp vào mục thứ 6. Còn bản Tuyên bố Việt – Pháp năm 2018 đã đưa nhân quyền lên mục thứ 2, tức "ưu tiên" hơn nhiều.

Chắc chắn không phải ông Nguyễn Phú Trọng và giới quan chức Việt Nam mong muốn thứ tự "ưu tiên" như thế, mà do chính phía Pháp yêu cầu.

Vì sao lại ra "nông nỗi" ấy ?

Vào năm 2017, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã "tiến bộ" đến mức tống giam đến ít nhất 25 nhà hoạt động nhân quyền và xử tù blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu "Người phụ nữ can đảm quốc tế" đến 10 năm tù giam, chỉ vì Quỳnh viết bài phản đối và tố cáo nạn xả thải gây ra thảm họa ô nhiễm của Nhà máy Formosa cùng sự bao che quá trắng trợn của giới quan chức cao cấp Việt Nam.

Trong khi đó, hoạt động của Phong trào Lao Động Việt – một tổ chức xã hội dân sự độic lập đấu tranh cho quyền tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập của công nhân ở Việt Nam, phù hợp với tiêu chí về lao động và quyền tự do nghiệp đoàn trong TPP lẫn EVFTA – vẫn bị chính quyền và công an cấm đoán nghiệt ngã. Trong năm 2017, Hoàng Bình – Phó chủ tịch của tổ chức này, đã bị công an Nghệ An bắt giam và xử tù nặng nề vào đầu năm 2018.

Chỉ vài ngày trước chuyến thăm Pháp của Nguyễn Phú Trọng, 3 tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Paris là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hội Nhân quyền Pháp quốc (LDH) đã đồng ký chung một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẩn thiết yêu cầu "hãy đặt ra câu hỏi nóng bỏng về nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng’’, yêu cầu Pháp tạo áp lực để Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, chấm dứt mọi sách nhiễu, bạo hành công an đối với các xã hội dân sự, cũng như chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo và huỷ bỏ mọi điều luật chống nhân quyền.

Ngay sau cuộc gặp Macron – Trọng, không phải báo đảng Việt Nam, mà những hãng thông tấn của Pháp như AFP đã loan tin là trong cuộc gặp này, Tổng thống Pháp Macron đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.

Đề cập và lời kêu gọi của Tổng thống Macron là logic với đánh giá cho rằng Chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung "nhấn mạnh nhân quyền" vào Tuyên bố chung Việt – Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này.

Nhưng bởi vị trí đầu tiên của bản tuyên bố chỉ là đoạn giới thiệu về lý do mời "năm 2018 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược", về thực chất nội dung "nhấn mạnh nhân quyền" được ưu tiên số 1.

Cần nhắc lại, những chuyến "dân vận" Châu Âu của các đoàn Việt Nam vào năm 2017 đã chỉ giúp cho hệ thống báo đảng trong nước có thêm cơ hội tuyên giáo một chiều về Thụy Điển, Bỉ, Séc… "hoàn toàn ủng hộ Việt Nam tham gia EVFTA" theo phương chậm "nhét chữ vào miệng" giới quan chức Châu Âu, cùng tinh thần "tự sướng" về "EU sẽ thông qua EVFTA vào cuối năm 2017" và sau đó là "EU sẽ thông qua EVFTA vào đầu năm 2018".

Nhưng cả thời gian năm 2017 và đầu năm 2018 đã bẵng trôi mà không có bất kỳ kết quả nào về "EU thông qua EVFTA". Tất cả vẫn lặng tăm chờ Việt Nam… cải thiện nhân quyền.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : CaliToday, 28/03/2018

Published in Diễn đàn