Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/03/2018

Sau 5 năm, Pháp đã "ưu tiên" cho Việt Nam về nhân quyền !

Phạm Chí Dũng

Xảo ngôn "Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người" (nhân quyền) đã khiến một nước Pháp hiền hòa phải thay đổi quan niệm của mình.

Sau 5 năm tính từ năm 2013, nội dung và cách thức đề cập về nhân quyền trong bản tuyên bố chung Việt – Pháp đã được người Pháp điều chỉnh một cách đầy chủ ý.

5nam1

Cuộc gặp Macron – Trọng : Tổng thống Pháp đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ảnh : Vietnamnet

Theo "Tuyên bố chung Việt Nam – Pháp" – bản văn được phát ra cho báo chí sau bữa ăn trưa giữa Tổng thống Macron và Nguyễn Phú Trọng, "Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước. Việt Nam và Pháp nhắc lại sự coi trọng các mục tiêu và nguyên tắc mà các cơ quan của Liên hợp quốc theo đuổi, trong đó có tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc".

Vào tháng Chín năm 2013, trong chuyến công du Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Jean – Marc Ayrault, hai bên đã ra bản tuyên bố chung với nội dung liên quan nhân quyền : "Pháp và Việt Nam, với quyết tâm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, sẽ tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy quản trị tốt, nhà nước pháp quyền và các quyền con người. Trong lĩnh vực này, hai nước khẳng định ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, đồng thời quan tâm làm sâu sắc thêm đối thoại giữa EU và Việt Nam".

Có hai điểm khác biệt rõ rệt giữa hai bản tuyên bố chung vào năm 2013 và vào năm 2018 :

– Bản tuyên bố chung Việt – Pháp vào năm 2013 chỉ đề cập một cách chung nhất và không có điểm nhấn mạnh nào về chủ đề nhân quyền. Còn bản Tuyên bố Việt – Pháp năm 2018 đã dùng từ "nhấn mạnh".

– Trong bản tuyên bố chung Việt – Pháp vào năm 2013, nhân quyền chỉ được xếp vào mục thứ 6. Còn bản Tuyên bố Việt – Pháp năm 2018 đã đưa nhân quyền lên mục thứ 2, tức "ưu tiên" hơn nhiều.

Chắc chắn không phải ông Nguyễn Phú Trọng và giới quan chức Việt Nam mong muốn thứ tự "ưu tiên" như thế, mà do chính phía Pháp yêu cầu.

Vì sao lại ra "nông nỗi" ấy ?

Vào năm 2017, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã "tiến bộ" đến mức tống giam đến ít nhất 25 nhà hoạt động nhân quyền và xử tù blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu "Người phụ nữ can đảm quốc tế" đến 10 năm tù giam, chỉ vì Quỳnh viết bài phản đối và tố cáo nạn xả thải gây ra thảm họa ô nhiễm của Nhà máy Formosa cùng sự bao che quá trắng trợn của giới quan chức cao cấp Việt Nam.

Trong khi đó, hoạt động của Phong trào Lao Động Việt – một tổ chức xã hội dân sự độic lập đấu tranh cho quyền tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập của công nhân ở Việt Nam, phù hợp với tiêu chí về lao động và quyền tự do nghiệp đoàn trong TPP lẫn EVFTA – vẫn bị chính quyền và công an cấm đoán nghiệt ngã. Trong năm 2017, Hoàng Bình – Phó chủ tịch của tổ chức này, đã bị công an Nghệ An bắt giam và xử tù nặng nề vào đầu năm 2018.

Chỉ vài ngày trước chuyến thăm Pháp của Nguyễn Phú Trọng, 3 tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Paris là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hội Nhân quyền Pháp quốc (LDH) đã đồng ký chung một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẩn thiết yêu cầu "hãy đặt ra câu hỏi nóng bỏng về nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng’’, yêu cầu Pháp tạo áp lực để Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, chấm dứt mọi sách nhiễu, bạo hành công an đối với các xã hội dân sự, cũng như chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo và huỷ bỏ mọi điều luật chống nhân quyền.

Ngay sau cuộc gặp Macron – Trọng, không phải báo đảng Việt Nam, mà những hãng thông tấn của Pháp như AFP đã loan tin là trong cuộc gặp này, Tổng thống Pháp Macron đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.

Đề cập và lời kêu gọi của Tổng thống Macron là logic với đánh giá cho rằng Chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung "nhấn mạnh nhân quyền" vào Tuyên bố chung Việt – Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này.

Nhưng bởi vị trí đầu tiên của bản tuyên bố chỉ là đoạn giới thiệu về lý do mời "năm 2018 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược", về thực chất nội dung "nhấn mạnh nhân quyền" được ưu tiên số 1.

Cần nhắc lại, những chuyến "dân vận" Châu Âu của các đoàn Việt Nam vào năm 2017 đã chỉ giúp cho hệ thống báo đảng trong nước có thêm cơ hội tuyên giáo một chiều về Thụy Điển, Bỉ, Séc… "hoàn toàn ủng hộ Việt Nam tham gia EVFTA" theo phương chậm "nhét chữ vào miệng" giới quan chức Châu Âu, cùng tinh thần "tự sướng" về "EU sẽ thông qua EVFTA vào cuối năm 2017" và sau đó là "EU sẽ thông qua EVFTA vào đầu năm 2018".

Nhưng cả thời gian năm 2017 và đầu năm 2018 đã bẵng trôi mà không có bất kỳ kết quả nào về "EU thông qua EVFTA". Tất cả vẫn lặng tăm chờ Việt Nam… cải thiện nhân quyền.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : CaliToday, 28/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)