Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2018

Vì sao lần thứ 4 chính phủ phải đốc thúc ‘vét’ vàng và ngoại tệ ?

Minh Quân

Một sự trùng hợp rất đáng chú ý và mổ xẻ là chỉ vài ngày sau cú bắt và phạt công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ, vào tháng Mười năm 2018 Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó một lần nữa (lần thứ 4) nhắc "Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển".

vet1

Cảnh báo nạn móc túi ! Ảnh minh họa

Không chỉ thời thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng, mà từ sau đại hội 12 đến nay, khá nhiều lần Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã tung ra chính sách "sẽ huy động vàng" trong dân, tái hiện lại chủ trương mà Ngân hàng nhà nước đã có đề án 'lấy mỡ nó rán nó" vào cuối năm 2011 nhưng không thành công vì gây ra nhiều nghi ngờ.

Lần này cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại lo lắng về "quyết tâm thu hồi vàng trong dân" của Ngân hàng nhà nước, nhưng trong thực tế chính quyền vẫn chưa có giải pháp đủ thuyết phục nào để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng. 

Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Agribank, ACB, Vietinbank..., cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như..., hoặc hiện tượng "tiền tiết kiệm bốc hơi", đã khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ "không cánh mà bay".

Từ khi Ngân hàng nhà nước dự trù thực hiện đề án huy động vàng vào năm 2011, đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có những giải pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu nào từ phía Ngân hàng nhà nước để trưng ra sự bảo đảm của họ. 

Điều đơn giản là nếu lần này Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại không xây dựng được một cơ chế tuyệt đối bảo đảm an toàn cho người gửi vàng, chính sách huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 400 tấn vàng trong dân nào tuôn chảy vào ngân quỹ của giới ngân hàng quen thủ lợi thay cho mối lo lắng về quốc kế dân sinh.

Trong khi đó, vụ chính quyền thành phố Cần Thơ thình lình ‘đánh úp’ công dân Nguyễn Cà Rê khi ông này vào tiệm vàng chỉ để đổi tờ 100 USD do người thân của ông tặng đã khiến bật ra dấu hiệu có thể sắp rơi vào tình trạng cạn kiệt của Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Từ tháng Năm - Sáu năm 2018, tình hình vét đô cho Quỹ dự trữ ngoại hối đã chậm hẳn lại, để cho đến nay không còn nghe báo cáo thành tích dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng phi mã. Cũng trong thời gian đó, chính phủ Nguyễn Xuân phúc và hai cơ quan tham mưu là Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính một lần nữa, trong nhiều lần kể từ năm 2011 đến nay - phải tính đến việc gom 500 tấn vàng trong dân, mà rất có thể sẽ được quy đổi sang USD để trả nợ nước ngoài. Cùng lúc, một chuyên gia Ngân hàng thế giới, không biết lấy thông tin từ đâu, đã ‘chỉ điểm’ cho chính phủ Việt Nam rằng trong dân Việt còn tới 60 tỷ USD nhàn rỗi - hàm ý tha hồ mà vét…

Một lần nữa, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và hẳn phải nhận được sự đồng thuận rất cao trong ‘tập thể Bộ Chính trị’ có thể đã phải tính đến kế vét đô bằng cách ép dân phải bán USD cho ngân hàng chứ không được giao dịch trên thị trường tự do, để sau đó các ngân hàng phải bán lại USD cho Ngân hàng nhà nước theo ‘giá nội bộ’.

Cú bắt và phạt công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ có thể là phát súng thăm dò, để nếu thuận lợi mà không bị một xã hội ‘cừu’ phản ứng nhiều thì sẽ mở màn cho chiến dịch ép buộc người dân phải bán đô cho ngân hàng như thế, làm giàu hơn cho Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ cho nước ngoài vào năm 2018 và những năm sau.

Hai động thái ‘vét’ vàng và ngoại tệ trên xảy ra trong bối cảnh các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017 và 2018 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,l5 tỷ USD vào năm 2015…


Minh Quân

Nguồn : VNTB, 31/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)