Những từ khóa liên quan chủ đề ‘từ bỏ Đảng cộng sản’ trên bộ máy tìm kiếm Google ở trưa ngày 31/10/2018, bình quân có khoảng 24.500.000 kết quả trong vòng chỉ có 0,51 giây [một phút có 3.600 giây].
Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII - Ảnh minh họa.
Phê và tự phê : nói vậy mà không phải vậy (!?)
Hai năm về trước. vào ngày 30/10/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 04-NQ/TW (1).
Nghị quyết 04-NQ/TW, có đoạn viết : "Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức ; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm ; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao".
Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, nghị quyết cũng nêu : "Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm ; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng".
Thế nhưng trên thực tế thì khi những đảng viên cấp trên nhận sự phê bình của đảng viên cấp dưới, lại dễ chạm tự ái và quy chụp ‘tự diễn biến’.
Theo tuyên bố được công khai hôm sáng 29/10, thì giáo sư Chu Hảo gọi việc thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng hôm 25/10 (2) là "thiếu dân chủ, đi ngược lại hoàn toàn với ý kiến của các đảng viên và các cấp ủy đảng của Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam sau cả bốn lần thanh-kiểm tra vào các năm 2009, 2016 và 2018".
Nói một cách khác, cụm từ "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa" dễ dàng chụp mũ cho bất kỳ đảng viên nào dám ý kiến trái với nghị quyết đảng. Đơn cử, bất kỳ đảng viên nào dám đòi 'tam quyền phân lập', 'xã hội dân sự' là sẽ bị kỷ luật khai trừ Đảng (3).
Tôn trọng pháp luật, cần… rời bỏ đảng ?
Không quá lời khi nói rằng nếu đảng viên nào am tường pháp luật, đặc biệt là các vấn đề hiệp ước quốc tế, thỏa thuận thương mại song phương, có lẽ nếu không chọn im lặng, thì lựa chọn tốt nhất là rời khỏi hàng ngũ đảng viên Đảng cộng sản.
Bởi nếu không chấp nhận ‘xã hội dân sự’, thì CPTPP [Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP] mà tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội nếu có thông qua, cũng khó thực hiện đầy đủ tại Việt Nam.
Ở CPTPP, tự do hóa đầu tư yêu cầu các nước phải mở cửa cho các công ty và nhà đầu tư thuộc các nước thành viên CPTPP. Các đối tượng này có thể hoạt động tương tự các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ nội địa. Nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện chính phủ nước chủ nhà lên tòa án quốc tế vì thiệt hại quyền lợi, lợi nhuận cùng giá trị tài sản ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai, nếu chính phủ đó đưa ra các chính sách về kinh tế, xã hội và môi trường ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, hay thậm chí là kế hoạch kinh doanh của họ.
Điều này có nghĩa với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ có thể có tự do hóa thương mại, tự do hóa làm ăn khi mà xã hội dân sự ở quốc gia đó được coi là đối tác độc lập, đối trọng với nhà nước, chứ không phải là đối kháng, đối lập chống lại nhà nước…
Thế nhưng theo Quy định số 102-QĐ/TW (quy định này được viện dẫn làm căn cứ để đưa ra mức kỷ luật giáo sư Chu Hảo, nguồn đã dẫn) của Đảng cộng sản, thì ‘xã hội dân sự’ là chỉ nhằm chống lại đảng và nhà nước, tức là phản động, cần "cảnh giác" tiêu diệt là phương hướng ứng xử cơ bản với xã hội dân sự.
Trong bối cảnh đó của CPTPP, dễ thấy rằng nếu vẫn tiếp tục cách nghĩ như Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị, xem ra chuyện chính phủ Việt Nam tương lai phải bận rộn hầu tòa nước ngoài là không gì phải bàn cãi.
Mặt khác, việc cấm cổ súy 'xã hội dân sự' của Quy định số 102-QĐ/TW cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang mâu thuẫn với chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khi ông vừa trình CPTPP để Quốc hội phê chuẩn.
Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục có quan niệm "sợ hãi" trước xã hội dân sự, coi xã hội dân sự là "sân sau" của diễn biến hòa bình, sẽ dẫn đến cách mạng sắc màu lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Như vậy để bước vào sân chơi chung của CPTPP, xem ra Việt Nam đã xuất phát yếm thế, nhất là với việc bắt đầu có nhiều trí thức như giáo sư Chu Hảo, từ lẳng lặng bỏ đảng, chuyển sang công khai với những tuyên bố rời Đảng cộng sản do đảng này không còn trung thành với quyền lợi tổ quốc và nhân dân tối thượng.
Nên biết mình đang đứng ở đâu…
Lý thuyết kinh điển mác–xít trên giảng đường đại học lâu nay vẫn nói rằng nhànước nào thực mạnh sẽ là nhà nước giảm dần vai trò can thiệp và để cộng đồng xã hội dân sự có được vị thế cao hơn, chủ động hơn trong tự quản.
Tiếc là người được gọi là nhà nghiên cứu lý luận với học hàm giáo sư chuyên ngành xây dựng đảng như ông Nguyễn Phú Trọng lại quên mất những tiết học vỡ lòng ấy của môn kinh tế chính trị Mác – Lê nin ; và quên cả lời di huấn của người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo : "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (4).
Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 30/10 có bài tường thuật với tựa đề khá sốc : Con trai Đặng Tiểu Bình : ‘Trung Quốc nên biết mình đang đứng ở đâu’ (5). "Chúng ta phải nhìn ra lẽ phải từ thực tế, giữ một cái đầu tỉnh táo và biết được vị trí của mình. Chúng ta không nên hống hách cũng như xem thường" - ông Đặng, 74 tuổi đã có lời như vậy, theo bài báo cho biết.
Nhắc nhở này cũng đúng cho Đảng cộng sản Việt Nam, rằng ‘nên biết mình đang đứng ở đâu’ trong đời sống xã hội và chính trị hiện nay.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 01/11/2018
(3) [Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị http://bit.ly/2Q6fod4