Tuần qua, San Francisco lại chứng kiến nhiều cuộc biểu tình. Trong quá khứ, ở đây đã có biểu tình liên tục là vào năm 2008 để phản đối rước đuốc Olympics Beijing qua thành phố, năm 2010 với phong trào Occupy và vài năm trước là Black Lives Matter.
Khu vực bến phà, đường Market và trước tòa thị chính là trung tâm của các cuộc xuống đường. Người Việt thường biểu tình trước lãnh sự quán Việt Nam trên đường California và lãnh sự quán Trung Quốc trên đường Laguna.
Hội nghị APEC 2023 vừa diễn ra tại San Francisco từ 14 đến 17/11 với sự tham dự của lãnh đạo 21 quốc gia đã là tâm điểm của nhiều cuộc xuống đường phản đối. Người Hoa nhắm vào Chủ tịch Tập Cận Bình với cả hai phe bênh chống, hoan hô đả đảo. Người Việt chống Chủ tịch Võ Văn Thưởng.
Xe chở lãnh đạo tham dự APEC bị người biểu tình la ó phản đối (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trưa Chủ Nhật 12/11 tại góc đường Market và Embarcadero có cuộc xuống đường tuần hành được truyền thông dòng chính rộng rãi loan báo trước. Cả trăm nhóm, hội đoàn, tổ chức tham dự và là cuộc biểu dương của liên minh có tên chung "No To APEC" – Nói không với APEC, vì họ cho rằng đây là hội họp của những nhà tư bản nhằm bóc lột công nhân, hủy hoại Trái Đất.
Vài nghìn người tụ họp trước một sân khấu. Đủ các loại biểu ngữ, cờ quạt, bích chương cầm tay mang những hình ảnh, khẩu hiệu phản đối APEC mà ban tổ chức gọi là "Abusing People and the Earth for Cooperations".
Người Philippines lên tiếng bảo vệ quyền phụ nữ (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Nhóm người Philippines lên sân khấu hát một bài bằng tiếng Tagalog, hô to nhiều khẩu hiệu chống Tổng thống Marcos Jr., bênh vực phụ nữ Phi: "Philippines is not for sale", "Filipina women are not for sale". Tôi thấy một biểu ngữ với hàng chữ Gabriela mà không hiểu ý nói gì, hỏi người đang cầm và cô giải thích đây là một tổ chức có mục đích bênh vực quyền phụ nữ tại Philippines và các nước Đông Nam Á, trong đó có cả phụ nữ Việt.
Một phụ nữ người Hoa lên đọc thơ với ý nói lên những gian nan, kì thị người Hoa từng trải qua trên đất Mỹ và bây giờ là người Nam Mỹ.
Ồn ào nhất là những tiếng hô vang phản đối APEC nhắm vào Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, là lãnh đạo hai quốc gia đứng đầu thế giới về kinh tế đang hợp tác với nhau để bóc lột nhân công, làm giàu cho các đại công ty. Tổng thống Biden còn bị cáo buộc hỗ trợ cho Israel và người biểu tình kêu gọi ngừng bắn, đòi Hoa Kỳ chấm dứt viện trợ quân sự cho Israel.
Hai phe bênh và chống Trung Quốc tranh cãi bên ngoài khu vực hội nghị APEC (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trong đoàn biểu tình có vài lá cờ Trung Quốc, có hình Mao và các lãnh tụ cộng sản quốc tế như Marx, Stalin, Lenin. Không thấy có dấu hiệu gì của người Việt vì các hội đoàn người Việt không tham gia biểu tình hôm nay. Mấy hôm trước có bản tin cho biết cộng đồng Việt sẽ biểu tình chống Tập Cận Bình và Võ Văn Thưởng vào ngày thứ Tư 15/11 từ 12 giờ đến 4 giờ và thứ Năm từ 8 giờ đến 12 giờ ở gần trung tâm hội nghị Moscone. Bản tin AP cũng nhắc đến các nhóm người Việt và người Phi sẽ tổ chức biểu tình trong thời gian này.
APEC chính thức diễn ra là từ 14 đến 17/11. Một tuần trước trên các xa lộ dẫn vào thành phố đã có bảng thông báo khuyên cư dân không lái xe vào San Francisco trong những ngày hội nghị mà hãy dùng phương tiện chuyên chở công cộng. Cơ quan giao thông cũng cho biết là cầu Bay Bridge sẽ đóng một làn xe, cả hai hướng đông tây.
Chiều 15/11 tôi đến góc đường Howard và Hawthorne, như ban tổ chức biểu tình của người Việt đã thông báo. Có người biểu tình hai bên đường Howard, họ phất những lá cờ màu xanh dương với nhiều sao, trông giống như cờ Europe Union. Nhìn vào những bảng chữ người biểu tình mang theo thì đây là đoàn người gốc Hoa chống Tập Cận Bình. Các lối dẫn vào khu vực SOMA, South of Market, đều bị chặn. Trung tâm hội nghị Moscone là khu vực bao quanh bởi các đường Market, Mission, Howard và các đường Hawthorne rồi số 2, 3, 4, 5 mà hôm nay có rào sắt cao hơn đầu người dựng bên lề.
Ở khu vực này chừng một giờ, không thấy người Việt biểu tình nên tôi đi về phố Tàu xem có gì lạ. Cũng vẫn tràn ngập lồng đèn đỏ giăng mắc trên đường Grant và hôm nay có biểu ngữ chào mừng các lãnh đạo APEC. Báo Sing Tao ngày 15/11 có hình Biden và Tập ở trang nhất. Tôi mua một tờ. Không hiểu tiếng Trung nhưng xem hai chục hình ở trang trong về APEC toàn thấy biểu tình ủng hộ Tập Cận Bình trên những đoạn đường hay góc phố khi Tập đến hội nghị ngày hôm qua.
Một trạm kiểm soát an ninh trong khu vực hội nghị APEC (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Tối qua trên tivi có tin người Tibet cũng như người Hoa biểu tình chống Tập và có lúc phe bênh và chống tiến gần nhau nên cảnh sát đã phải can thiệp vì sợ có xô xát.
Báo đài cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình ở khách sạn St. Regis vì thế những con đường từ đó đến trung tâm hội nghị có nhiều người biểu tình hoan hô và đả đảo mà lãnh đạo Trung Quốc ngồi trong xe đã thấy.
Sáng thứ Năm 16/11 lúc 7 giờ 30 có người biểu tình chiếm đóng cầu khiến cảnh sát phải đóng Bay Bridge, từ xa lộ 80 West dẫn vào thành phố. Lúc đó tôi đang lái xe, nghe đài đưa thông tin về giao thông cho biết 200 người biểu tình ủng hộ Palestine đã tràn lên cầu. Họ khoá người, khoá xe vào với nhau. Hàng trăm cảnh sát từ Oakland, San Francisco và sở giao thông đã được điều động lên cầu để giải quyết sự việc. Người biểu tình căng biểu ngữ đòi Hoa Kỳ làm áp lực buộc Israel ngừng chiến ở Gaza.
Người ủng hộ Palestine biểu tình chống APEC hôm 12/11 ở San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Những ngày qua nhóm ủng hộ Palestine đã nhiều lần tìm đến nơi Tổng thống Biden hội họp với các lãnh đạo APEC, mang cờ màu xanh trắng đỏ đen và các biểu ngữ lên án cuộc chiến của Israel, kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. Họ liên tục hô vang "Ceasefire Now", "From river to the sea, Palestine will be free" – Ngưng bắn ngay. Từ sông ra biển, Palestine sẽ được giải phóng.
Không thể qua cầu, tôi đậu xe ở trạm BART rồi lấy tàu điện vào San Francisco. Xuống trạm Powell ngay trung tâm thương mại, đi bộ mấy khu phố đến địa điểm hôm qua, hy vọng sáng nay sẽ gặp đoàn biểu tình của người Việt như chương trình đã loan báo trước.
Cũng là đoàn người Hoa biểu tình chống Tập. Chừng hơn trăm người đang hát, phất cờ xanh, giương khẩu hiệu đòi loại bỏ "Xi CP", tức Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản. Khi có xe cảnh sát chớp đèn, hú còi dẫn đầu cho đoàn xe chở VIP tiến vào khu vực hội nghị thì đoàn người liên tục hô vang các khẩu hiệu phản đối Tập.
Lúc sau có chừng chục người ủng hộ Tập mang biểu ngữ nền đỏ chữ vàng và cờ Trung Quốc ra biểu tình ngay cạnh, tức thì mấy người đang biểu tình mang loa, biểu ngữ tiến lại trước mặt họ hô khẩu hiệu, có người hô: "Go back to China". Nhân viên an ninh phải can thiệp. Vài phút sau những người ủng hộ Tập quấn biểu ngữ và bỏ đi.
Đến 10 giờ sáng vẫn không thấy đoàn biểu tình của người Việt. Tôi gọi điện thoại cho anh Huỳnh Lương Thiện, chủ nhiệm báo Mõ San Francisco hỏi xem sao và được anh cho biết người Việt tụ họp ở góc Howard và đường số 5, không phải địa điểm mà ban tổ chức đã thông báo trước.
Nhiều đường bị cấm. Đi lòng vòng gặp nhiều nhóm biểu tình ủng hộ và phản đối Trung Quốc dọc những con phố quen thuộc. Có Pháp Luân Công phản đối Tập, có Hội người Hoa từ tiểu bang Pennsylvania xa xôi về ủng hộ Tập, có panô vẽ hình Covid-19 phát xuất từ Trung Quốc, có rất nhiều cờ 5 sao vàng trên nền đỏ. Quan sát kỹ không thấy một bóng cờ Đài Loan.
Đến một ngã tư gần khách sạn Intercontinental, trên lề đường là hình Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, Hồ Chí Minh bị gạch chéo cho khách bộ hành giẫm lên. Có thể đoàn Việt Nam ở khách sạn này vì trước nay quan chức Hà Nội qua San Francisco thường ở đây. Năm 2009 Hội nghị mang tên "Meet Vietnam" đã được tổ chức tại khách sạn này.
Xa xa thấy cờ vàng ba sọc đỏ, tôi biết là nơi biểu tình của người Việt. Ông Jimmy Phan điều phối, có mặt bác sĩ Phạm Đức Vượng, ông Thiện Ý, bà Cao Thị Tình, ông Viêm Mai là những nhân vật cộng đồng quen thuộc của vùng Vịnh cùng vài chục người Việt trải dài theo lề đường phất cờ, hô khẩu hiệu sau hàng rào an ninh cao hơn đầu người. Mấy bạn trẻ với loa tay vang vang cất tiếng cho mọi người hô theo : "Down with Vietnamese communist", "Communist go home", "Down with Vo Van Thuong", "Down with Xi Jinping", "No Tiktok", "No Fentanyl", "Human Rights for Vietnam".
Người Việt phản đối các lãnh đạo cộng sản là Võ Văn Thưởng và Tập Cận Bình (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Người Việt xem như chiếm khu phố trước khách sạn. Góc đường Howard và số 5 là nhóm biểu tình người Mexico, qua bên phải trên đường số 5 là nhóm biểu tình ủng hộ Tập. Ồn ào nhất là người Việt luôn hô khẩu hiệu, nhất là khi có đoàn xe VIP được cảnh sát hộ tống chạy vào khách sạn.
Nếu phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Võ Văn Thưởng dẫn đầu qua Mỹ dự APEC và ở khách sạn Intercontinental hay có những hội họp tại đây trong hai ngày qua thì đã thấy người Việt với cờ vàng biểu tình phản đối.
Trong những ngày dự hội nghị phái đoàn Việt Nam còn có những hoạt động bên ngoài. Chủ tịch Võ Văn Thưởng đến thăm một gia đình "Việt kiều yêu nước" có gốc cách mạng từ thời Việt Minh. Ông cũng thăm bệnh viện của Đại học Stanford.
Trưa ngày 16/11, Bí thư thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu và Thị trưởng Oakland Sheng Thao cùng Giám đốc Điều hành cảng Oakland Danny Wan ký kết một thoả thuận trao đổi mậu dịch giữa hai thành phố.
Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã không có cuộc họp bên lề riêng với Tổng thống Joe Biden.
Các cuộc thăm viếng ngoài lề của đoàn Việt Nam, như bao lần trước đây, đều không loan báo cho công chúng biết vì khi ra thế giới bên ngoài quan chức Hà Nội rất sợ đối diện với người biểu tình, sợ bị chất vấn về các chính sách.
Dịp APEC vừa qua, Đại học Berkeley đã có buổi nói chuyện với sinh viên của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và của Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati. Bao giờ lãnh đạo Việt Nam mới vượt qua nỗi sợ hãi để ra trước công chúng nói chuyện?
Kết thúc APEC 2023 Chủ tịch Võ Văn Thưởng loan báo ý muốn tổ chức APEC 2027 tại Việt Nam. Hy vọng đến khi đó người Việt trong nước có tự do xuống đường biểu tình, phát biểu quan điểm của mình. Như hàng vạn người đã xuống đường ở San Francisco trong tuần qua.
Bùi Văn Phú
(20/11/2023)
Thượng đỉnh APEC bất đồng về Gaza, Ukraine
Thanh Phương, RFI, 18/11/2023
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, Hoa Kỳ, đã kết thúc hôm qua, 17/11/2023, sau khi đưa ra những lời hứa về hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong khối này cũng đã thể hiện những bất đồng về xung đột ở Gaza và chiến tranh Ukraine.
Từ trái sang phải : Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, giám đốc điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Kristalina Georgieva, tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Úc Anthony Albanese và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại hội nghị thượng đỉnh APEC, San Francisco, Mỹ, ngày 17/11/2023. AP - Evan Vucci
Theo hãng tin AFP, lãnh đạo các quốc gia thành viên APEC đã ra một thông cáo riêng về các hồ sơ nóng hiện nay. Về "khủng hoảng ở Gaza", một số nước ủng hộ tuyên bố của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên án các hành động "man rợ" của quân đội Israel ở dải Gaza. Trong khi đó, tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn khẳng định sự ủng hộ đối với Nhà nước Do Thái. Về tình hình Ukraine, đa số các nước thành viên APEC cực lực lên án cuộc xâm lược của Nga.
Thông cáo nói trên được đưa ra theo yêu cầu của một số nước thành viên, vì theo họ APEC không phải là một diễn đàn thích hợp để thảo luận về các hồ sơ địa chính trị.
Thượng đỉnh APEC hôm qua cũng đã thông qua "Tuyên bố Golden Gate", lấy tên cây cầu biểu tượng của thành phố San Francisco. Trong tuyên bố này, lãnh đạo các quốc gia thành viên cam kết "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đối phó với các thách thức về môi trường, như biến đổi khí hậu".
APEC, hiện quy tụ 21 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, được thành lập năm 1989, để tạo điều kiện cho các trao đổi mậu dịch trong khu vực. Đây là một trong những tổ chức hiếm hoi mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều có đại diện.
Hội nghị thượng đỉnh APEC thường là dịp để lãnh đạo các nước thành viên gặp nhau để giải quyết các vấn đề song phương, chẳng hạn như giữa Trung Quốc và Úc mà quan hệ trong mấy năm qua đã trở nên căng thẳng.
Sau khi thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 11, thủ tướng Úc Anthony Albanese đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ hai trong tháng này bên lề thượng đỉnh APEC. Tại San Francisco hôm qua, thủ tướng Albanese cho biết ông đã mời thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm nước Úc nhằm tiếp tục cải thiện bang giao giữa hai nước.
Cũng tại San Francisco hôm qua, bộ Thương Mại Mỹ thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết sẽ mở cuộc đàm phán thương mại mới vào năm tới. Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ tư bên lề thượng đỉnh APEC.
Thanh Phương
***********************
Biển Đông : Tổng thống Philippines gặp chủ tịch Trung Quốc tìm cách hạ nhiệt căng thẳng
Minh Anh, RFI, 18/11/2023
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm nay, 18/11/2023, đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tìm kiếm những giải pháp hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông và khôi phục quyền tiếp cận các vùng đánh bắt cho ngư dân Philippines.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, California, ngày 17/11/2023, để tìm cách xoa dịu căng thẳng ở biển Tây Philippines. PPA Pool/Marianne Bermudez
Trả lời báo chí bên lề thượng đỉnh APEC tại San Francisco, tổng thống Philippines khẳng định Bắc Kinh và Manila cần tiếp tục trao đổi và cuộc họp này là một yếu tố quan trọng cho tiến trình duy trì hòa bình và bảo đảm tự do lưu thông cho các tuyến hàng hải, hàng không trong vùng Biển Đông.
Tổng thống Marcos cho biết đã "cố gắng đưa ra các cơ chế nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông", nhưng không giải thích thêm. Ngoài việc bày tỏ quan ngại về những sự cố giữa các tầu Trung Quốc và Philippines, kể cả một vụ va chạm, tổng thống Marcos còn đề cập đến hoàn cảnh khó khăn của ngư dân Philippines.
Ông cho biết đã đề nghị khôi phục nguyên trạng trước đây khi ngư dân cả hai nước "cùng đánh bắt tại những vùng biển này". Ngư dân Philippines phàn nàn rằng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc ngăn cản họ đánh bắt ở các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Cũng theo ông Marcos, ông và chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí rằng những vấn đề địa chính trị không nên là yếu tố quyết định cho quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Marcos tuyên bố : "Tôi không nghĩ là ai cũng muốn chiến tranh".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hiện chưa bình luận về những phát biểu trên của tổng thống Marcos.
Reuters nhắc lại, kể từ khi nhậm chức năm 2022, tổng thống Ferdinand Marcos Jr chủ trương cải thiện quan hệ với Mỹ, một đồng minh hiệp ước, trái ngược với lập trường thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm.
Ông Marcos đã mở cửa nhiều căn cứ quân sự cho Mỹ tiếp cận, kể cả tại những tỉnh ngay lối vào Biển Đông và đảo Đài Loan, khiến Bắc Kinh tức giận.
Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, và đã cho bố trí nhiều tên lửa, xây dựng các đường băng tại nhiều đảo nhân tạo trong khu vực này.
Minh Anh
***********************
Gặp Tập Cận Bình, thủ tướng Nhật bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc
Thanh Phương, RFI, 17/11/2023
Bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco, Hoa Kỳ, hôm qua, 16/11/2023, thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp đầu tiên từ một năm qua giữa hai lãnh đạo Nhật-Trung, ông Kishida đã bày tỏ "những quan ngại sâu sắc" về những hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương và về hợp tác giữa Bắc Kinh và Moskva.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh APEC, San Francisco, Mỹ, ngày 16/11/2023. AP - Jeff Chiu
Theo hãng tin AFP, phát biểu với các kênh truyền hình Nhật Bản, thủ tướng Kishida nói rõ : "Về Biển Hoa Đông, một lần nữa tôi đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc của chúng tôi và đã khẩn thiết yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay các phao nổi đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản".
Ông Kishida còn cho biết "đã một lần nữa nhấn mạnh với chủ tịch Trung Quốc về tầm quan trọng của hòa bình ở vùng eo biển Đài Loan đối với cộng đồng quốc tế và Nhật Bản".
Căng thẳng hiện đang gia tăng ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương do các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông và các cuộc tập trận chung quanh đảo Đài Loan.
Trong cuộc gặp với chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Kishida cũng đã kêu gọi Trung Quốc bãi bỏ ngay lập tức lệnh cấm nhập các hải sản của Nhật Bản. Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm này sau khi Nhật Bản vào tháng 8 cho đổ ra biển Thái Bình Dương nước thải đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trong cuộc họp báo sáng nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết chủ tịch Tập Cận Bình hôm qua đã tuyên bố với thủ tướng Kishida rằng việc đổ ra biển nước thải của Fukushima "ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn nhân loại". Tokyo vẫn khẳng định nước thải đó không nguy hiểm và quan điểm này được sự ủng hộ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Tuy có những bất đồng nói trên, thủ tướng Kishida cho biết ông và chủ tịch Tập Cận Bình "đồng ý với nhau là phải tìm các giải pháp thông qua đối thoại và qua các cuộc thảo luận với tinh thần xây dựng".
Thanh Phương
***************************
Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình : Mỹ, Trung nối lại liên lạc quân sự cấp cao
Thanh Hà, RFI, 16/11/2023
Trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 15/11/2023 tại San Francisco, Hoa Kỳ, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại đối thoại, tránh để hai cường quốc hàng đầu thế giới lao vào một cuộc "xung đột". Quan trọng nhất là việc nối lại các liên lạc quân sự cấp cao. Nhưng nhiều xung khắc vẫn tồn tại sau thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình lần này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đi dạo cùng với tổng thống Mỹ Joe Biden tại dinh thự Filoli, bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ở Woodside, bang Californie, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023. Reuters – Kevin Lamarque
Để minh họa cho những căng thẳng nói trên, ngay sau cuộc đối thoại với ông Tập Cận Bình, tổng thống Biden một lần nữa nhắc lại chủ tịch Trung Quốc là một "nhà độc tài". Còn theo hãng tin Mỹ AP, ông Tập Cận Bình trực tiếp quy trách nhiệm cho Washington trong việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan, gây bất ổn trong khu vực.
Đặc phái viên đài RFI Guillaume Naudin từ San Francisco tổng kết về thượng đỉnh Joe Biden và Tập Cận Bình trước thềm hội nghị APEC :
"Cuộc trao đổi diễn ra trong bốn giờ đồng hồ. Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đã thảo luận về hầu hết hồ sơ, tuy nhiên gần như họ chẳng đồng ý với nhau về bất kỳ một chủ đề nào. Dù vậy, ít ra đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm một cách trung thực, như tổng thống Joe Biden ghi nhận.
Ông nói : "Các cuộc họp luôn diễn ra một cách thẳng thắn và trung thực. Không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng ý với nhau, nhưng đối thoại luôn thẳng thắn. Tôi nghĩ rằng hôm nay chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng".
Những tiến bộ mà ông Biden muốn nói đến chính là thỏa thuận nối lại hợp tác chống nạn buôn ma túy tổng hợp Fentanyl. Đôi bên đồng ý khởi động các chương trình hợp tác để ngăn ngừa những hậu quả của việc phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo, nối lại liên lạc quân sự cấp cao, tránh để xảy ra những sự cố có thể dẫn tới khủng hoảng.
Trái lại, lãnh đạo hai cường quốc vẫn không có đồng thuận về chiến tranh Ukraine, về xung đột ở Trung Đông, hay về tự do hàng hải ở Biển Đông, hoặc là về những áp lực của Trung Quốc đối với Đài Loan vài tuần trước bầu cử tổng thống tại đảo này. Nói chung, còn rất nhiều bất đồng mà tổng thống Joe Biden sẽ phải xử lý. Nguyên thủ quốc gia Mỹ kết luận : "Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thế cạnh tranh và trách nhiệm của tôi là giải quyết một cách hợp lý để tránh cho cạnh tranh đó dẫn đến xung đột. Đó là mục tiêu của tôi".
Cũng vì tránh để xảy ra xung đột, lãnh đạo hai nước quyết định sẽ điện đàm trực tiếp với nhau khi cần. Trên nguyên tắc, họ sẽ không đợi thêm một năm nữa mới lại trao đổi với nhau".
Như chính tổng thống Biden đã ghi nhận, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh về kinh tế. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ thông báo "các quan chức cấp cao hai bên sẽ nối lại đối thoại", và đây là điều "quan trọng bởi những sự cố nguy hiểm, hay không mang tính chuyên nghiệp" giữa Không Quân và Hải Quân hai nước có nguy cơ ngày càng thường xuyên xảy ra.
Đối với Bắc Kinh, điểm quan trọng nhất liên quan đến Đài Loan. AP trích lời một quan chức Mỹ cho biết chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc "không có ý định xâm chiếm Đài Loan". Hãng tin Anh Reuters thì chú ý đến việc Bắc Kinh đòi Washington "ngừng trang bị vũ khí" cho Đài Bắc. Liên quan đến cuộc đọ sức Mỹ - Trung về kinh tế và công nghệ, cũng AP cho biết ông Tập Cận Bình xem các biện pháp trừng phạt của chính quyền Biden ảnh hưởng trực tiếp đến những "lợi ích chính đáng" của Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, tường thuật về thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình, Tân Hoa Xã cho biết lãnh đạo Bắc Kinh "tập trung vào hai hồ sơ lớn là Đài Loan và lợi ích kinh tế" trong cuộc trao đổi với tổng thống Biden.
Thanh Hà
Mỹ ca ngợi thỏa thuận kinh tế mới giữa 14 nước Châu Á-Thái Bình Dương
VOA, 18/11/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 16/11 ca ngợi một thỏa thuận kinh tế mới giữa 14 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương nhằm chống lại sự thống trị kinh tế khu vực của Trung Quốc, đồng thời cho biết thỏa thuận các nhà lãnh đạo đã ký tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế khu vực – không phải là một thỏa thuận thương mại chính thức – sẽ giải quyết các vấn đề chính như tương lai thiếu hụt chất bán dẫn bằng cách cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nâng cốc chúc mừng các trưởng phái đoàn tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco tại dạ tiệc ngày 16/11/2023.
Mục tiêu của hiệp ước mới, theo 14 nhà lãnh đạo trong một tuyên bố chung, là "thúc đẩy quyền của người lao động, tăng cường năng lực ngăn chặn và ứng phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sạch, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả quản lý thuế".
Ông Biden, phát biểu hôm 16/11 tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco, thừa nhận rằng các nhà đàm phán đã không đạt được sự đồng thuận về một trụ cột chính của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương IPEF năm ngoái.
Ông nói : "Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể". "Trong thời gian kỷ lục, chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận về ba trụ cột của IPEF". IPEF có bốn trụ cột, được tóm tắt là thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.
Ông Biden cũng công bố chương trình hợp tác với các công ty khởi nghiệp để huy động vốn. Nỗ lực đó dựa trên Quan hệ Đối tác Đầu tư và Cơ sở hạ tầng Toàn cầu của Hoa Kỳ, được coi là phản hồi của Hoa Kỳ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Khi nêu bật kế hoạch, ông Biden cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tư nhân Hoa Kỳ.
"Bạn đã nghe từng đồng nghiệp của tôi nói lần này hay lần khác rằng điều này không thể thực hiện được nếu không có hàng nghìn tỷ đô la đầu tư từ khu vực tư nhân để nắm bắt và nắm bắt nó một cách nhanh chóng để giúp họ tự tin thực hiện những khoản đầu tư đó", ông Biden nói. "Điều đó sẽ tạo ra một loạt các dự án ở các nước đối tác và sau đó kết nối nguồn tài chính của khu vực tư nhân với các dự án này, đồng thời sẽ mang lại cho các nhà đầu tư khu vực tư nhân niềm tin rằng khoản đầu tư của họ sẽ được thực hiện theo các tiêu chuẩn cao nhất. Đầu tư của chính phủ là không đủ. Chúng ta cần huy động đầu tư tư nhân".
Các nhà phê bình cho rằng hiệp định kinh tế mới thiếu các điều khoản tiếp cận thị trường.
"Đối với một quốc gia như chúng tôi, ít nhất chúng tôi phải có khả năng tiếp cận thị trường", Giám đốc điều hành Indonesia Anindya Bakrie nói với đài VOA bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Ông Joshua Kurlantzick, thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều tỏ ra "ít nhiệt tâm" về thỏa thuận này.
Ông nói, điểm mấu chốt : "Đây không phải là một thỏa thuận thương mại và Hoa Kỳ không cung cấp bất kỳ quyền tiếp cận thị trường nào trong IPEF. Và các quốc gia Đông Nam Á có thể so sánh điều đó với các giao dịch thương mại thực tế đã được thông qua ở Châu Á trong bảy năm qua, bao gồm các thỏa thuận thương mại lớn, có sự tham gia của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác, cũng như ASEAN ở giữa".
Tuy nhiên, ông nói, "họ sẽ không nói với việc Hoa Kỳ tham gia IPEF trong vài năm qua là chúng tôi bác bỏ điều này. Họ rất thân thiện và họ muốn có sự hiện diện an ninh lớn hơn của Hoa Kỳ".
Bà Siobhan Das, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Malaysia, có quan điểm lạc quan hơn.
"Tôi thực sự tin rằng đã thành công rồi", bà nói. "Bạn đã có 14 quốc gia nói chuyện với nhau trong 18 tháng qua – làm sao điều đó lại không thành công được ?"
Ông Zack Cooper, một chuyên gia về chiến lược Hoa Kỳ ở Châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với VOA hôm 16/11, thời điểm mà 14 nhà lãnh đạo mỉm cười và chụp ảnh chung, rằng "mọi người đều đồng ý rằng khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có lẽ là khuôn khổ tốt nhất mà chính quyền Biden sẽ làm hiện nay".
Ông nói : "Nhưng điều đó chắc chắn không có nghĩa là họ hài lòng với IPEF hoặc họ sẽ hài lòng với phiên bản IPEF mà họ có được tại APEC, vốn không bao gồm thương mại". "Và có lẽ là có còn hơn không".
Khai mạc thượng đỉnh APEC, tổng thống Mỹ trấn an các nước Châu Á
Minh Anh, RFI, 17/11/2023
Một ngày sau khi gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm qua, 16/11/2023, có bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau hội nghị bàn về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng, bên lề thượng đỉnh APEC, ngày 16/11/2023, tại San Francisco. AP - Godofredo A. Vásquez
Theo AP, trước sự hiện diện của lãnh đạo các nước và doanh nghiệp trong vùng, tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao trong thương mại và quan hệ đối tác, những mối quan hệ sẽ mang lại các lợi ích kinh tế cho toàn vùng Thái Bình Dương.
Nguyên thủ Mỹ tuyên bố : "Hoa Kỳ hiện diện tại đây là để ở lại" và khẳng định Hoa Kỳ "đang giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa" nhưng "không tách rời" khỏi Bắc Kinh.
Tổng thống Biden nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Mỹ và đối thủ Trung Quốc khi cho rằng Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 50 tỷ đô la vào các nền kinh tế trong Khuôn khổ Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, bao gồm các lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch, hàng không và an ninh mạng.
Hãng tin Pháp AFP cho biết thêm tổng thống Mỹ cũng không quên cảm ơn sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương khi đầu tư "hơn 200 tỷ đô la" vào Mỹ kể từ khi ông nhậm chức.
Còn tại hội nghị bàn về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), tổng thống Biden bảo đảm rằng những "cam kết thực tế, cụ thể đã được đàm phán trong một thời gian kỷ lục".
IPEF là một hiệp định liên chính phủ, không mang tính ràng buộc, quy tụ 13 nước trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc và một phần lớn các nước Đông Nam Á nhưng Trung Quốc không được mời tham gia,
Theo giải thích của AFP, trên thực tế, nếu các cuộc thương lượng về chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng và cuộc chiến chống tham nhũng phần lớn đã được đúc kết, thì sáng kiến IPEF đang gặp trở ngại trong vế thương mại, do những bất đồng ngay trong chính nội bộ đảng Dân chủ, liên quan đến các quy định về lao động.
Truyền thông Pháp, Mỹ lưu ý, những tuyên bố này được đưa vào lúc tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc vừa kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh nhằm xoa dịu các căng thẳng giữa hai nước.
Minh Anh
***************************
Cuộc đua Mỹ - Trung để mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á-Thái Bình Dương
Thanh Hà, RFI, 16/11/2023
Rời khỏi phòng hội nghị tại bảo tàng Filoli Estate gần thành phố San Francisco sau 4 giờ họp hôm 15/11/2023, cả tổng thống Mỹ lẫn chủ tịch Trung Quốc đều tiếp tục cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng với các đối tác Châu Á –Thái Bình Dương.
Tổng thống Joe Biden tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Woodside, bang California, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023. AP - Doug Mills
Khai mạc thượng đỉnh APEC hôm nay 16/11/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy sáng kiến "Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" (IPEF) vì thịnh vượng chung để chiêu dụ các đối tác tại một khu vực mà Bắc Kinh liên tục mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn quân sự.
Chủ tịch Tập Cận Bình ngay từ hôm 15/11/2023 đã trấn an các doanh nhân Mỹ rằng Trung Quốc luôn là "một đối tác và là một nước bạn" của Hoa Kỳ, luôn mở rộng cửa đón đầu tư quốc tế và không có ý định "gây chiến" với bất kỳ một quốc gia nào. Tuyên bố này gián tiếp xua tan những lo ngại xảy ra xung đột giữa hai siêu cường kinh tế thế giới. Ông Tập Cận Bình không chỉ trấn an các doanh nhân Mỹ mà còn gửi thông điệp đến tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, vào lúc mà FDI vào Hoa Lục, lần đầu tiên từ 1998, rơi vào tình trạng "thâm hụt", tức là vốn đầu tư ngoại quốc rút khỏi Trung Quốc cao hơn số vốn mới đổ vào "công xưởng của thế giới" này.
Trở lại Hoa Kỳ lần này vào lúc quan hệ Bắc Kinh -Washington đang trong giai đoạn "tồi tệ" vì nhiều lý do, lãnh đạo Trung Quốc cố gắng chứng minh rằng hai nền kinh tế hàng đầu "tuy có liên hệ phức tạp và là đối thủ cạnh tranh với nhau, nhưng đôi bên sẽ cố gắng kềm chế, tránh để tình hình xấu đi thêm, ảnh hưởng đến ổn định, thịnh vượng chung của toàn cầu". Một số nhà quan sát cho rằng có thể ông Tập Cận Bình không có nhiều chọn lựa vào lúc mà Bắc Kinh cần đầu tư trực tiếp nước ngoài và toàn cảnh kinh tế Trung Quốc đang khá ảm đạm.
Trái lại, về phía Hoa Kỳ, mức tăng trưởng và các chỉ số thất nghiệp, sản xuất … đều đang rất khả quan và đây là một lợi thế nhất định đối với ông Biden. Tiếc là nguyên thủ quốc gia Mỹ không thể khai thác thế thượng phong đó một cách tối đa trong đối thoại với các nước Châu Á -Thái Bình Dương.
Nhà Trắng muốn lợi dụng thượng đỉnh APEC ở San Francisco để đẩy mạnh sáng kiến IPEF lên một "tầm cao mới", mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Washington với 13 đối tác khác trong khu vực, mà phần lớn là thành viên APEC.
Sáng kiến của Mỹ trên nguyên tắc bao gồm 4 vế, trong đó hợp tác về năng lượng và chống tham nhũng. Mới đây các bên cũng đã đồng ý về nguyên tắc giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tuy nhiên, bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho biết 14 nước tham gia Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa đạt được đồng thuận về thương mại.
Theo giới phân tích được Reuters trích dẫn, trước mắt đây là một "vố đau" đối với chính quyền Biden, bởi thương mại là "hồ sơ quan trọng hơn cả" trong đối thoại giữa Washington với các quốc gia Châu Á -Thái Bình Dương. Thế nhưng, hơn một năm trước các quộc bầu cử quan trọng tại Hoa Kỳ, Nhà Trắng ý thức được rằng cử tri Mỹ không mặn mà với viễn cảnh mở rộng thêm thị trường Mỹ cho các đối tác nước ngoài.
Vậy làm thế nào để Washington khẳng định lại với các thành viên APEC về mức độ quan tâm của Hoa Kỳ với khu vực này để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ?
Từ năm 2011 đến nay, Mỹ mới lại có dịp tổ chức hội nghị APEC. Từ khi lên cầm quyền tháng Giêng 2021 đây là lần đầu tiên Joe Biden trực tiếp tiếp xúc với các lãnh đạo của khối này. Tháng 5/2022, tổng thống Biden đã đề xuất sáng kiến IPEF, sáu năm sau khi người tiền nhiệm Donald Trump đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Washington đã ký kết với 11 nước.
Sáng kiến Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương quy tụ tổng cộng 14 quốc gia có trọng lượng kinh tế tương đương với 40% GDP toàn cầu, trong đó có nhiều thành viên quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc, Singapore và một số nền kinh tế đang phát triển mạnh như Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia. Sáng kiến của tổng thống Biden cũng dựa trên 4 "lĩnh vực chủ chốt", thế nhưng, như vừa nói, "cột trụ quan trọng nhất là trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ với các thành viên khác" lại đang gặp bế tắc.
Do vậy, giới phân tích cho rằng nguyên thủ quốc gia Mỹ có thể hô hào rằng sáng kiến IPEF "cho phép phác họa ra những quy tắc về kinh tế cho thế kỷ 21", nhưng thiếu vế thương mại thì đấy sẽ chỉ là "một cái thùng rỗng". Chắc chắc chắn là Bắc Kinh "không bỏ lỡ cơ hội để khai thác kẽ hở đó", vào lúc mà một số thành viên IPEF đã chịu ảnh hưởng khá lớn của Trung Quốc.
Thanh Hà
Hội nghị APEC 2023 – Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương – diễn ra tại thành phố San Francisco, California trong ba ngày, từ ngày 15 đến 17/11/2023.
Từ nhiều tháng qua, đã có những chuẩn bị từ các cấp trong chính quyền Mỹ cho APEC. Theo ban tổ chức, sẽ có hai vạn khách đến từ nhiều nơi trên thế giới, cùng với hai nghìn phóng viên có mặt để tường thuật cuộc họp thượng đỉnh. Khu vực tài chánh và quanh toà thị chính cuối tuần qua trông sạch sẽ, không còn thấy những người không nhà nằm bên lề đường.
Nhiều bộ trưởng kinh tế, tài chánh các nước đã có mặt từ tuần trước để họp sơ bộ với giới chức Hoa Kỳ.
APEC gồm 21 thành viên ven biển Thái Bình Dương, có các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật cùng Canada, Úc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan, Mexico, Brunei, Chile, New Zealand, Papua New Guinea, Peru. Đài Loan và Hong Kong không phải là hai quốc gia nhưng có nền kinh tế độc lập và phát triển nên cũng được mời tham dự.
Giới quan sát chú ý nhất đến gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày thứ Tư 15/11. Lãnh đạo hai nước sẽ có đạt được sự đồng thuận quan trọng nào để làm tan băng và đưa quan hệ trở lại bình thường hay không ?
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào nhau trong họp mặt trực tiếp đầu tiên sau một năm [Kevin Lamarque / Reuters]
Quan hệ Mỹ-Trung trong những năm gần đây đã đóng băng, bắt đầu từ 2017 khi Donald Trump lên làm tổng thống với chính sách quân bình cán cân thương mại, thay đổi mức xuất nhập cảng giữa Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là "chiến tranh kinh tế mậu dịch" giữa Bắc Kinh và Washington. Cùng lúc có nhiều căng thẳng trên không và trên biển Đông Á mà Tập Cận Bình xem đó như ao nhà.
Hơn một năm qua, Trung Quốc đã không nhận điện thoại của lãnh đạo quân sự Mỹ, từ khi Tổng thống Joe Biden có những phát biểu liên quan đến việc bảo vệ Đài Loan, mà Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh thuộc về Trung Quốc.
Hai năm qua, đã có quan chức cao cấp Mỹ sang Đài Bắc gồm nhiều bộ trưởng, dân biểu và nghị sĩ, có cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, là một loạt những chuyến đi liên tục chưa từng thấy trước đây trong quan hệ dù không chính thức có giữa Mỹ và Đài Loan, khiến Bắc Kinh bực bội.
Trước thềm APEC, thứ Năm tuần qua có một buổi nói chuyện về tương lai quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học U.C. Berkeley với các diễn giả :
- Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Asia Society
- Zongyuan Zoe Liu, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Council for Foreign Relations
- Andy Rothman, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ hiện là nhà chiến lược đầu tư của Matthews Asia
- Victor Shih, giám đốc 21st Century China Center.
- Ker Gibbs, giám đốc điều hành Center for Business Studies and Innovation in Asia-Pacific của Đại học San Francisco là người điều hợp chương trình.
Các phân tích, nhận định được diễn giả đưa đều có một điểm chung là không thể tách (decoupling) Trung Quốc ra được, vì hai nước đã có những quan hệ từ giáo dục, kỹ thuật, mậu dịch đan kết với nhau trong nửa thế kỷ qua.
Andy Rothman với 20 năm kinh nghiệm ngoại giao, từng làm việc tại Trung Quốc đưa ra quan sát là nhờ nhân công Trung Quốc mà người dân Mỹ có mức sống cao với tiện nghi vật chất. Ngược lại nhờ Mỹ và phương Tây mà lợi tức đầu người của dân Trung Quốc đã tăng gấp 148 lần trong nửa thế kỷ qua, trong khi chỉ tăng 5 lần cho người Mỹ. Ông nói, hãy thử tưởng tượng nếu không có bàn tay của công nhân Trung Quốc làm ra các mặt hàng từ tivi, tủ lạnh, điện thoại cầm tay cho đến dược phẩm để người Mỹ tiêu dùng với giá rẻ thì mức sống ở Mỹ sẽ đắt đỏ hơn bây giờ rất nhiều. Tuy nhiên có người đặt câu hỏi, như thế là các công ty Mỹ bóc lột sức lao động của dân Trung Quốc ?
Bà Zoe Liu, sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc cho biết là không bao giờ nghe nói đến hai chữ "bóc lột", mà rất nhiều công nhân lại thích làm cho hãng Mỹ, cảm thấy hãnh diện là công nhân của các công ty đa quốc gia. Theo Liu, dân Trung Quốc nói chung rất thích Mỹ. Ông nội của bà từng là lính tham dự ba cuộc chiến, trong đó có chiến tranh Triều Tiên chống lại "đế quốc Mỹ", bà kể, nhưng từ khi hai nước mở ra quan hệ, ông nội khuyên bà nếu có cơ hội nên đến Mỹ học hỏi.
Nhận định về Chủ tịch Tập Cận Bình, Victor Shih nói ông là một người có khả năng lãnh đạo, nhất là trong những lúc khó khăn. Các chính sách nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19 được ban hành đã kiểm soát được sự lây lan, giữ cho số tử vong ở Trung Quốc rất thấp. Tuy nhiên, Tập là một nhà độc tài, gần đây ông đã loại bỏ những "nhà kỹ trị" (technocrats) ra khỏi thành phần lãnh đạo vào đưa vào guồng máy những ai chỉ biết phục tùng Tập. Trong lãnh vực tài chánh thương mại nay không còn những lãnh đạo có sáng kiến, theo quan sát của Shih, và sự việc này làm thế giới quan ngại. Cũng như Tập Cận Bình đang có những bước mang tính chiến lược trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), thách thức Hoa Kỳ vì hiện nay khối lượng tàu chiến của Bắc Kinh hiện diện ở đó nhiều hơn Mỹ.
Giáo sư Orville Schell nguyên là hiệu trưởng Trường Báo Chí của Đại học Berkeley, tác giả của hơn chục sách về Trung Quốc, trong đó có tác phẩm "Silicon Triangle" phân tích về quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan. Nhận định về chiến tranh liên quan đến Đài Loan có thể xảy ra, Schell nói vì chất bán dẫn và micro-chip ngày nay có trong mọi sản phẩm, từ đơn sơ cho đến tinh vi, đang được sử dụng khắp thế giới mà Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ là những trung tâm sản xuất nên các bên sẽ không để xung đột xảy ra, vì thiếu micro-chip thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng.
Victor Shih cho biết Trung Quốc là nước hỗ trợ tài chánh cho việc sản xuất panô chuyển năng lượng mặt trời thành điện và đang được bán khắp thế giới, đây là một điều tích cực trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và là điểm thuận lợi cho hai quốc gia khi bàn thảo về biến đổi khí hậu.
Điều hợp viên Ker Gibbs nhắc lại lời Tổng thống Richard Nixon khi mở đường giao thương với Trung Quốc cách đây nửa thế kỷ : "Về viễn cảnh, đơn giản mà nói chúng ta không thể để Trung Quốc mãi mãi sống bên ngoài đại gia đình những quốc gia để họ ôm ấp những ước mơ, cùng thù ghét và đe dọa các nước láng giềng. Vì không có nơi nào trên địa cầu bé nhỏ này để cho 1 tỷ người tràn đầy năng lực phải sống trong tức giận và cô lập".
Gibbs phân tích, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay căng thẳng vì lãnh đạo Hoa Kỳ có người cho rằng Trung Quốc đã lớn mạnh, sẽ vượt qua Mỹ trong tương lai gần và đe dọa đến an ninh nước Mỹ cũng như thế giới. Còn Bắc Kinh nhìn Hoa Kỳ như đang tìm cách bao vây Trung Quốc, không chỉ ở biển Đông Á mà còn bao vây kinh tế, kỹ thuật và chính trị để Trung Quốc không thể vươn lên thành cường quốc vượt qua Hoa Kỳ.
Làm sao để tương lai quan hệ hai nước được tốt hơn ? Theo tôi là khó và ông bi quan, vì hai quốc gia có hai thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau. Làm sao chúng ta không quan tâm khi nhà nước Trung Quốc có thể bắt bỏ tù bất cứ ai, bất cứ lúc nào, ông nói.
Quan tâm đến tự do của người dân Trung Quốc nên tháng 9 vừa qua, cũng tại Đại học Berkeley, ông Schell đã có buổi đàm luận với nghệ sĩ Ngải Vị Vị, nhà bất đồng chính kiến với Bắc Kinh nổi tiếng nhất hiện nay và đang phải sống lưu vong.
Năm ngoái, trong một buổi thảo luận do Asia Society tổ chức, với diễn giả là một cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách Châu Á, tôi có đặt câu hỏi là nếu chẳng may Biden hay Tập bất thình lình qua đời thì quan hệ Mỹ-Trung có sẽ khá hơn lên không ? Nhà ngoại giao trả lời rằng cũng sẽ không có gì thay đổi.
Cuộc gặp giữa Biden và Tập tại APEC, theo tôi, rồi cũng không mang lại những tiến bộ quan trọng nào vì hai bên như đang trở lại với những quan điểm chính trị và địa chính trị thời thập niên 1960, khác chăng nay Trung Quốc đã tiến bộ với các phát minh bắt kịp với phương Tây, từ xe ôtô, xe chạy điện, hệ thống tàu hỏa, vệ tinh, máy bay, tàu chiến, hàng không mẫu hạm và có thể thách thức Hoa Kỳ ở nhiều nơi. Biden và Tập gặp nhau chỉ là để mở lại những cổng liên lạc giữa lãnh đạo hai nước đã bị đóng lại từ mấy năm qua. Nếu có thay đổi chính sách cụ thể, phải chờ đến sau bầu cử Mỹ vào cuối năm tới.
Hôm Chủ nhật vừa qua (12/11), ở trung tâm thành phố San Francisco đã có hàng nghìn người xuống đường biểu tình phản đối APEC, đòi dẹp bỏ tổ chức này vì cho đó là nơi tập trung của tư bản để bóc lột dân nghèo khắp thế giới.
Người biểu tình với biểu ngữ phản đối APEC (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Những lời hô vang được người biểu tình lập đi lập lại : "Biden Biden lie. He don’t care if people die". Hay "Xi Jinping lies. He don’t care if people die" (Biden, Tập nói dối. Không quan tâm nếu dân có chết).
Trong khi đó có người biểu tình diễu hành giơ cao hình Marx, Lenin, Stalin, Mao. Có người đứng phát báo "Red Star – Sao Đỏ", có quầy bán sách báo cách mạng tán dương xã hội chủ nghĩa.
Hình các lãnh tụ cộng sản trong biểu tình hôm 12/11/2023 ở San Francisco (Ảnh Bùi Văn Phú)
Có người giơ cao biểu ngữ đòi chấm dứt khai thác dầu hỏa
Những người khác đòi chấm dứt việc coi phụ nữ Philippines như những món hàng.
Nhìn đoàn người tuần hành gồm đủ mọi thành phần dân chúng, quan điểm chính trị, tôi biết mình đang sống trong một đất nước tự do. Rất khác với Việt Nam hay Trung Quốc là những quốc gia đã đăng cai APEC mà dân không được phép xuống đường biểu tình và phát biểu ý kiến.
Bùi Văn Phú
(15/11/2023)