Thượng đỉnh APEC bất đồng về Gaza, Ukraine
Thanh Phương, RFI, 18/11/2023
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, Hoa Kỳ, đã kết thúc hôm qua, 17/11/2023, sau khi đưa ra những lời hứa về hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong khối này cũng đã thể hiện những bất đồng về xung đột ở Gaza và chiến tranh Ukraine.
Từ trái sang phải : Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, giám đốc điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Kristalina Georgieva, tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Úc Anthony Albanese và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại hội nghị thượng đỉnh APEC, San Francisco, Mỹ, ngày 17/11/2023. AP - Evan Vucci
Theo hãng tin AFP, lãnh đạo các quốc gia thành viên APEC đã ra một thông cáo riêng về các hồ sơ nóng hiện nay. Về "khủng hoảng ở Gaza", một số nước ủng hộ tuyên bố của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên án các hành động "man rợ" của quân đội Israel ở dải Gaza. Trong khi đó, tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn khẳng định sự ủng hộ đối với Nhà nước Do Thái. Về tình hình Ukraine, đa số các nước thành viên APEC cực lực lên án cuộc xâm lược của Nga.
Thông cáo nói trên được đưa ra theo yêu cầu của một số nước thành viên, vì theo họ APEC không phải là một diễn đàn thích hợp để thảo luận về các hồ sơ địa chính trị.
Thượng đỉnh APEC hôm qua cũng đã thông qua "Tuyên bố Golden Gate", lấy tên cây cầu biểu tượng của thành phố San Francisco. Trong tuyên bố này, lãnh đạo các quốc gia thành viên cam kết "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đối phó với các thách thức về môi trường, như biến đổi khí hậu".
APEC, hiện quy tụ 21 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, được thành lập năm 1989, để tạo điều kiện cho các trao đổi mậu dịch trong khu vực. Đây là một trong những tổ chức hiếm hoi mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều có đại diện.
Hội nghị thượng đỉnh APEC thường là dịp để lãnh đạo các nước thành viên gặp nhau để giải quyết các vấn đề song phương, chẳng hạn như giữa Trung Quốc và Úc mà quan hệ trong mấy năm qua đã trở nên căng thẳng.
Sau khi thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 11, thủ tướng Úc Anthony Albanese đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ hai trong tháng này bên lề thượng đỉnh APEC. Tại San Francisco hôm qua, thủ tướng Albanese cho biết ông đã mời thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm nước Úc nhằm tiếp tục cải thiện bang giao giữa hai nước.
Cũng tại San Francisco hôm qua, bộ Thương Mại Mỹ thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết sẽ mở cuộc đàm phán thương mại mới vào năm tới. Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ tư bên lề thượng đỉnh APEC.
Thanh Phương
***********************
Biển Đông : Tổng thống Philippines gặp chủ tịch Trung Quốc tìm cách hạ nhiệt căng thẳng
Minh Anh, RFI, 18/11/2023
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm nay, 18/11/2023, đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tìm kiếm những giải pháp hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông và khôi phục quyền tiếp cận các vùng đánh bắt cho ngư dân Philippines.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, California, ngày 17/11/2023, để tìm cách xoa dịu căng thẳng ở biển Tây Philippines. PPA Pool/Marianne Bermudez
Trả lời báo chí bên lề thượng đỉnh APEC tại San Francisco, tổng thống Philippines khẳng định Bắc Kinh và Manila cần tiếp tục trao đổi và cuộc họp này là một yếu tố quan trọng cho tiến trình duy trì hòa bình và bảo đảm tự do lưu thông cho các tuyến hàng hải, hàng không trong vùng Biển Đông.
Tổng thống Marcos cho biết đã "cố gắng đưa ra các cơ chế nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông", nhưng không giải thích thêm. Ngoài việc bày tỏ quan ngại về những sự cố giữa các tầu Trung Quốc và Philippines, kể cả một vụ va chạm, tổng thống Marcos còn đề cập đến hoàn cảnh khó khăn của ngư dân Philippines.
Ông cho biết đã đề nghị khôi phục nguyên trạng trước đây khi ngư dân cả hai nước "cùng đánh bắt tại những vùng biển này". Ngư dân Philippines phàn nàn rằng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc ngăn cản họ đánh bắt ở các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Cũng theo ông Marcos, ông và chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí rằng những vấn đề địa chính trị không nên là yếu tố quyết định cho quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Marcos tuyên bố : "Tôi không nghĩ là ai cũng muốn chiến tranh".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hiện chưa bình luận về những phát biểu trên của tổng thống Marcos.
Reuters nhắc lại, kể từ khi nhậm chức năm 2022, tổng thống Ferdinand Marcos Jr chủ trương cải thiện quan hệ với Mỹ, một đồng minh hiệp ước, trái ngược với lập trường thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm.
Ông Marcos đã mở cửa nhiều căn cứ quân sự cho Mỹ tiếp cận, kể cả tại những tỉnh ngay lối vào Biển Đông và đảo Đài Loan, khiến Bắc Kinh tức giận.
Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, và đã cho bố trí nhiều tên lửa, xây dựng các đường băng tại nhiều đảo nhân tạo trong khu vực này.
Minh Anh
***********************
Gặp Tập Cận Bình, thủ tướng Nhật bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc
Thanh Phương, RFI, 17/11/2023
Bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco, Hoa Kỳ, hôm qua, 16/11/2023, thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp đầu tiên từ một năm qua giữa hai lãnh đạo Nhật-Trung, ông Kishida đã bày tỏ "những quan ngại sâu sắc" về những hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương và về hợp tác giữa Bắc Kinh và Moskva.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh APEC, San Francisco, Mỹ, ngày 16/11/2023. AP - Jeff Chiu
Theo hãng tin AFP, phát biểu với các kênh truyền hình Nhật Bản, thủ tướng Kishida nói rõ : "Về Biển Hoa Đông, một lần nữa tôi đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc của chúng tôi và đã khẩn thiết yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay các phao nổi đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản".
Ông Kishida còn cho biết "đã một lần nữa nhấn mạnh với chủ tịch Trung Quốc về tầm quan trọng của hòa bình ở vùng eo biển Đài Loan đối với cộng đồng quốc tế và Nhật Bản".
Căng thẳng hiện đang gia tăng ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương do các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông và các cuộc tập trận chung quanh đảo Đài Loan.
Trong cuộc gặp với chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Kishida cũng đã kêu gọi Trung Quốc bãi bỏ ngay lập tức lệnh cấm nhập các hải sản của Nhật Bản. Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm này sau khi Nhật Bản vào tháng 8 cho đổ ra biển Thái Bình Dương nước thải đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trong cuộc họp báo sáng nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết chủ tịch Tập Cận Bình hôm qua đã tuyên bố với thủ tướng Kishida rằng việc đổ ra biển nước thải của Fukushima "ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn nhân loại". Tokyo vẫn khẳng định nước thải đó không nguy hiểm và quan điểm này được sự ủng hộ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Tuy có những bất đồng nói trên, thủ tướng Kishida cho biết ông và chủ tịch Tập Cận Bình "đồng ý với nhau là phải tìm các giải pháp thông qua đối thoại và qua các cuộc thảo luận với tinh thần xây dựng".
Thanh Phương
***************************
Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình : Mỹ, Trung nối lại liên lạc quân sự cấp cao
Thanh Hà, RFI, 16/11/2023
Trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 15/11/2023 tại San Francisco, Hoa Kỳ, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại đối thoại, tránh để hai cường quốc hàng đầu thế giới lao vào một cuộc "xung đột". Quan trọng nhất là việc nối lại các liên lạc quân sự cấp cao. Nhưng nhiều xung khắc vẫn tồn tại sau thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình lần này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đi dạo cùng với tổng thống Mỹ Joe Biden tại dinh thự Filoli, bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ở Woodside, bang Californie, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023. Reuters – Kevin Lamarque
Để minh họa cho những căng thẳng nói trên, ngay sau cuộc đối thoại với ông Tập Cận Bình, tổng thống Biden một lần nữa nhắc lại chủ tịch Trung Quốc là một "nhà độc tài". Còn theo hãng tin Mỹ AP, ông Tập Cận Bình trực tiếp quy trách nhiệm cho Washington trong việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan, gây bất ổn trong khu vực.
Đặc phái viên đài RFI Guillaume Naudin từ San Francisco tổng kết về thượng đỉnh Joe Biden và Tập Cận Bình trước thềm hội nghị APEC :
"Cuộc trao đổi diễn ra trong bốn giờ đồng hồ. Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đã thảo luận về hầu hết hồ sơ, tuy nhiên gần như họ chẳng đồng ý với nhau về bất kỳ một chủ đề nào. Dù vậy, ít ra đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm một cách trung thực, như tổng thống Joe Biden ghi nhận.
Ông nói : "Các cuộc họp luôn diễn ra một cách thẳng thắn và trung thực. Không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng ý với nhau, nhưng đối thoại luôn thẳng thắn. Tôi nghĩ rằng hôm nay chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng".
Những tiến bộ mà ông Biden muốn nói đến chính là thỏa thuận nối lại hợp tác chống nạn buôn ma túy tổng hợp Fentanyl. Đôi bên đồng ý khởi động các chương trình hợp tác để ngăn ngừa những hậu quả của việc phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo, nối lại liên lạc quân sự cấp cao, tránh để xảy ra những sự cố có thể dẫn tới khủng hoảng.
Trái lại, lãnh đạo hai cường quốc vẫn không có đồng thuận về chiến tranh Ukraine, về xung đột ở Trung Đông, hay về tự do hàng hải ở Biển Đông, hoặc là về những áp lực của Trung Quốc đối với Đài Loan vài tuần trước bầu cử tổng thống tại đảo này. Nói chung, còn rất nhiều bất đồng mà tổng thống Joe Biden sẽ phải xử lý. Nguyên thủ quốc gia Mỹ kết luận : "Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thế cạnh tranh và trách nhiệm của tôi là giải quyết một cách hợp lý để tránh cho cạnh tranh đó dẫn đến xung đột. Đó là mục tiêu của tôi".
Cũng vì tránh để xảy ra xung đột, lãnh đạo hai nước quyết định sẽ điện đàm trực tiếp với nhau khi cần. Trên nguyên tắc, họ sẽ không đợi thêm một năm nữa mới lại trao đổi với nhau".
Như chính tổng thống Biden đã ghi nhận, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh về kinh tế. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ thông báo "các quan chức cấp cao hai bên sẽ nối lại đối thoại", và đây là điều "quan trọng bởi những sự cố nguy hiểm, hay không mang tính chuyên nghiệp" giữa Không Quân và Hải Quân hai nước có nguy cơ ngày càng thường xuyên xảy ra.
Đối với Bắc Kinh, điểm quan trọng nhất liên quan đến Đài Loan. AP trích lời một quan chức Mỹ cho biết chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc "không có ý định xâm chiếm Đài Loan". Hãng tin Anh Reuters thì chú ý đến việc Bắc Kinh đòi Washington "ngừng trang bị vũ khí" cho Đài Bắc. Liên quan đến cuộc đọ sức Mỹ - Trung về kinh tế và công nghệ, cũng AP cho biết ông Tập Cận Bình xem các biện pháp trừng phạt của chính quyền Biden ảnh hưởng trực tiếp đến những "lợi ích chính đáng" của Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, tường thuật về thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình, Tân Hoa Xã cho biết lãnh đạo Bắc Kinh "tập trung vào hai hồ sơ lớn là Đài Loan và lợi ích kinh tế" trong cuộc trao đổi với tổng thống Biden.
Thanh Hà