Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam đang học tập theo Trung Quốc trong cuộc chiến củng cố quyền lực Đảng, từ việc tiến hành chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" cho đến nhấn mạnh xây dựng một quốc gia "tinh gọn, hiện đại".

giamsat1

Các ông Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Thế Huynh tại Hà Nội, 05/11/2015.

Do đó, có thể nhìn thấy tương lai Việt Nam qua Trung Quốc hiện tại.

Một trong những vấn đề mà cả hai nước đang gặp phải là cuộc chiến chống tham nhũng, và làm sao để hạn chế thấp nhất sự tẩu tán tài sản cũng như nhân thân ra nước ngoài.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã tìm ra phương hướng mới khi tiến hành xây dựng một dự án luật mang tên Luật giám sát.

Luật giám sát có gì đặc biệt ?

Luật giám sát gồm 10 chương, trong đó tại Điều 2 (Chương I) ghi nhận, Luật này là nhằm "củng cố sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc trong việc giám sát, xây dựng một hệ thống giám sát mang đặc điểm Trung Quốc ; một hệ thống chống tham nhũng tập trung, thống nhất, có thẩm quyền và hiệu quả ; tăng cường sự kiểm soát của Đảng và Nhà nước. 

Tại Điều 4 (Chương I), giám sát nhà nước thực hiện dựa trên Hiến pháp và Pháp luật ; duy trì một lập trường cứng rắn để không ai dám tham nhũng.

Về cơ cấu thì tại Chương II quy định, thành lập Ủy ban giám sát - và đây sẽ là cơ quan cao giám sát cao nhất của hệ thống chính trị Trung Quốc, và được thành lập ở các tỉnh, thành phố, khu tự trị. Ủy ban này sẽ do Quốc Hội Trung Quốc ban hành và giám sát hoạt động. Cơ cấu nhân sự được bổ nhiệm và bãi nhiệm bởi Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc. 

giamsat2

Một quan tham Trung Quốc bị dẫn giải từ Canada về nước trong chiến dịch "săn cáo" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành

Và như vậy, dự luật này sẽ tăng cường hơn nữa quyền lực của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc. Từ dự luật này sẽ nảy sinh ra một Ủy ban mới gọi là Ủy ban Giám sát Quốc gia, bắt đầu làm việc từ tháng 3/2018. Tổ chức này sẽ là cơ sở đấu tranh trực tiếp đối với các đối tượng bao gồm quan chức, chủ các doanh nghiệp nhà nước,… Ủy ban giám sát này sẽ được lãnh đạo trực tiếp bởi trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời phối kết hợp với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc trong tiến hành các hoạt động giám sát, truy tố, kỷ luật đối tượng bị tình nghi. 

Trước đó, vào tháng 11/2017, Tân Hoa Xã trong một bài xã luận 10.000 từ, đã giải thích Ủy ban này như sau : đây là tổ chức mang màu sắc Trung Quốc, là cơ quan chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, nhưng thay vì là một cơ quan hành chính/tư pháp nhà nước thực hiện quyền giám sát như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, thì Ủy ban Giám sát Quốc gia là cơ quan chính trị.

Tiếp theo, phạm vi giám sát tại Chương III quy định : tất cả các quan chức thuộc cơ quan Đảng hay các doanh nghiệp nhà nước, trong các đơn vị khoa học-giáo dục-y tế ; trong các khu tự trị ; các nhân viên công lực đều là đối tượng chịu sự giám sát. 

Nhiệm vụ giám sát, tại Điều 17 (Chương IV) cho hay, các cơ quan giám sát có quyền tiến hành các cuộc điều tra về hành vi bất hợp pháp tại văn phong Chính phủ ; nghi ngờ tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực, lợi ích cá nhân.

Về mặt phạm vi giám sát, tại Điều 24 (Chương V) ghi nhận, cơ quan giám sát có thể xem xét và giữ một người ở tại một địa điểm bí mật bất kỳ nếu rơi vào trường hợp : quy mô sự vụ lớn và phức tạp ; đối tượng có thể chạy trốn hoặc tự sát ; có thể thông đồng hay tiêu hủy, che dấu bằng chứng ; cản trở điều tra ; nghi ngờ nhận hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ. 

Như vậy, dự luật này cho phép chính quyền tạm giam bất kỳ đối tượng tình nguy tham nhũng nào ở một địa điểm bí mật trong vòng 6 tháng, đồng nghĩa trong thời gian đó họ sẽ không được tiếp cận với giới luật sư hay người thân.

Điều 25 (Chương V) cũng cho thấy, trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thể đóng băng tài sản của những người có liên quan, trong đó có sổ tiết kiệm, kiều hối, trái phiếu, cổ phiếu,…

Sự ra đời của dự thảo và cơ quan giám sát mới này đặt trọng tâm là chống tham nhũng cho bằng được, do đó, nó được nhiều học giả Trung Quốc nhận định là vi hiến, đặc biệt khi về mặt cơ cấu nhà nước, đã đặt cơ quan Giám sát lên trên Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, và thậm chí trên cả Hội đồng nhà nước Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay sau đó đã tìm cách "sửa sai" bằng cách sửa đổi Hiến pháp – được cho là tiến hành vào tháng 1/2018.

Trong tuyên bố của mình gần đây, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc đã khẳng định rằng, "chiến dịch [chống tham nhũng] phải được đảm bảo một cách chặt chẽ bởi đảng và tham nhũng sẽ phải dừng lại". Đồng thời, tổ chức này sẽ có trách nhiệm giám sát đảng viên, thực hiện kỷ luật, giữ người vi phạm phải chịu trách nhiệm.

Việt Nam sẽ học tập theo ?

Vào tháng 5/2017, trong một cuộc họp, bà Lê Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Theo đó, 1.000 cán bộ cấp cao trong diện kiểm tra, giám sát tài sản.

Nhưng đây chỉ mới là thủ tục kiểm soát tài sản và giới hạn trong đội ngũ cán bộ cấp cao, về phạm vi - quy mô và cách thức chỉ là một phần nhỏ nằm trong tiến trình giám sát đối tượng, nguồn tài sản bị nghi là tham nhũng như Trung Quốc đã và sẽ tiến hành trong thời gian tới. 

Hiện tại, đơn vị nổi bật trong phòng chống tham nhũng Việt Nam là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương có quyền hạn tương đương với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, nhưng cũng giống như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương thực tế chưa có thực quyền diện rộng và khả năng quản lý, tiến hành các hoạt động bắt giam đối tượng tình nghi tham nhũng, tham ô như Ủy ban Giám sát Quốc gia. 

giamsat3

Ra một Luật giám sát và cho thành lập một cơ quan giám sát đối tượng, tài sản tình nghi tham nhũng như Trung Quốc sẽ là bước đi kế tiếp của Đảng cộng sản Việt Nam ?

Do đó, trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành hiện nay sẽ nhanh chóng đi xuống nếu như không có bước đi tiếp theo. Đặc biệt, quan điểm "kiên quyết đấu tranh loại khỏi bộ máy những người tham nhũng, hư hỏng ; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn" trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ sáng ngày 28/12 sẽ sớm chìm vào dĩ vãng nếu như không có một khung pháp lý và một tổ chức tương ứng ra đời trong tương lai. 

Giả sử như ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục "học tập theo Trung Quốc" trong mô hình và cách thức chống tham nhũng thì Đảng cộng sản Việt Nam có thể tiến hành dự thảo một Luật giám sát (bên cạnh Luật Phòng chống tham nhũng đã có), và cho ra đời một tổ chức tương tự để thực thi Luật giám sát, hoặc có thể biến chuyển Ban Nội chính thành một Ủy ban Giám sát Quốc gia Việt Nam, bởi căn cứ theo quan điểm Quyết định thành lập (QĐ 17-QQD/TW/1991) thì Ban này sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành : kiểm sát, toà án, tư pháp, thanh tra, hải quan, trọng tài kinh tế nhà nước, Hội luật gia,… Có nghĩa phạm vi giám sát và nhiệm vụ giám sát sát gần Ủy ban Giám sát Quốc gia nhất, và quan điểm thành lập cũng gần gũi với Điều 4 – Luật giám sát của Trung Quốc nhất về mặt vai trò.

Như vấn đề đặt ra là bao giờ ?

Trước hết, một tổ chức tương tự như Ủy ban Giám sát Quốc gia ra đời, thì đồng nghĩa phải có một dự luật tương ứng để hỗ trợ, trong khi đó, Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 mà Quốc Hội Việt Nam thông qua vào ngày 8/6/2017 không có dự luật nào (từ trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến) mang tính "giám sát" như vậy. Trong khi đó, về mô-típ, thì Việt Nam dù học tập Trung Quốc, nhưng độ trễ ở mức từ 5 -10 năm, cụ thể - ngay như chiến dịch "đả hổ-diệt ruồi-săn cáo" - khi Trung Quốc bắt đầu khi ĐH Đảng toàn quốc nước này kết thúc vào năm 2012, thì Việt Nam phải chờ đến tận năm 2016 mới bắt đầu nhen nhóm và 2017 mới thực sự bắt đầu.

Do vậy, phải đến kỳ ĐH Đảng kế tiếp thì Hà Nội mới thực sự bắt nhịp giám sát tham nhũng giống như Bắc Kinh. 

Anh Văn

Nguồn : VNTB, 30/12/2017

Published in Diễn đàn

Những vấn đề nổi cộm nêu trên xuất phát điểm từ tính thiếu lý tưởng, mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đó từng chia sẻ : "nhạt đảng, khô đoàn".

daihoi1

Đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản đang diễn ra tại Hà Nội

Vào sáng ngày 11/12 chính thức khai mạc phiên trọng thể Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017 - 2022 tại Hà Nội.

Với sự tham gia của các vị lãnh đạo chủ chốt và Bộ Chính trị, chứng minh cho tầm vóc quan trọng của Đại hội Đoàn và vai trò thanh niên.

"Tiền phong – Bản lĩnh - Đoàn kết – Sáng tạo – Phát triển" là khẩu hiệu được kết hoa của ĐH. Những khẩu ngữ này nếu được hiện thực hết, thì Đoàn sẽ thực sự là một lực lượng mạnh, nguồn bổ sung nhân lực không phải cho mỗi Đảng Cộng sản Việt Nam, mà cả cho quốc gia Việt Nam trong tiến trình phát triển bền vững.

Nhưng rất tiếc, khi nhìn vào Đoàn Thanh Niên, thay vì tiền phong thì người ta nhận thấy sự lầm lũi, thay vì bản lĩnh thì là bợ đỡ, thay vì sáng tạo thì là khuôn khổ, và thay vì phát triển đi lên về mặt thực chất thì lại là phát triển hình thức.

Những vấn đề nổi cộm nêu trên xuất phát điểm từ tính thiếu lý tưởng, mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đó từng chia sẻ : "nhạt đảng, khô đoàn".

Tính thiếu lý tưởng là người ta không còn nhận thấy vai trò, hoặc vai trò không còn đậm nét bởi chủ thuyết dẫn dắt. Nói cách khác, khi những thanh niên trong Đại hội Đoàn cầm hai lá cờ (một cờ Đảng, một cờ tổ quốc), họ hiểu Tổ quốc hơn là lá cờ búa liềm mà họ cầm trong tay, bởi tính mơ hồ và không thực tiễn của cái xã hội chủ nghĩa chi phối nó. Trong khi đó, cờ đỏ búa liềm chi phối toàn bộ Đoàn Thanh niên, từ cơ cấu đến tổ chức, con người. Thành ra, Đoàn Thanh niên nổi bật về quy mô (lực lượng đoàn viên, thanh niên hiện nay chiếm đến 25,6% dân số cả nước, tương ứng 23.731.482 người), nhưng chất lượng hoạt động của tổ chức này không khác gì một cái xác không hồn của tổ chức mẹ - Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do vậy, mà vai trò của Đoàn Thanh Niên trong nhiều vấn đề chính trị - xã hội, mà điển hình là trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng là không có, chỉ bởi "lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống" là những khái niệm xa lạ với thực tiễn đối với chính các chủ thể tham gia tổ chức. 

Với vị trí và tư cách là một đứa con của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên làm thế nào để "chống tham nhũng" khi bản thân mẹ nó cũng hoàn toàn yếu ớt trong chức năng này ?

Tiếp đó, ngay cả vai trò hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thì Đoàn Thanh niên - vốn được coi là thế mạnh, có tính thực tế nhất mà tổ chức này làm được thì lại nhạt nhòa trong quá trình khởi nghiệp quốc gia. So với kỳ vọng 4.0 mà Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra, thì Đoàn Thanh niên mới chỉ chạm mốc 0.5, bởi nó hướng đến phần hỗ trợ vốn thay vì định hướng một lối đi với sự tiệm cận khoa học – kỹ thuật. Trong khi tổ chức này tỏ ra nhiệt huyết trong việc vận động thanh niên xoay quanh các cuộc thi tìm hiểu hình thức mang cái tên rất hình thức như : "Ánh sáng soi đường".

Do vậy, xét trên quan điểm chỉ đạo của V.I. Lenin trong Đại hội II của Đoàn Thanh niên Nga trước đó, thì Đoàn Thanh niên Việt Nam hiện nay đứng ngoài việc hấp thụ toàn bộ kiến thức của nhân loại mang tính thực tiễn, thì tổ chức này từ chối sự "nghiền ngẫm trên quan điểm giáo dục hiện đại" mà chỉ thao thao "những điều thuộc lòng" về Nghị quyết A, Quyết định B từ trên đưa xuống. Thành ra, bản thân Đoàn Thanh niên trở thành một máy photocopy của Đảng hơn là 1 tổ chức của thanh niên - gắn liền tuổi trẻ - đam mê – nhiệt huyết và tri thức.

Ngoài ra, Đoàn Thanh Niên mắc một căn bệnh nan y là "nói quá nhiều, làm không bao nhiêu", hay bệnh "100%" (100% đoàn viên đăng ký, 100% nhất trí, 100% đạt danh hiệu,…) thành ra cái vai trò là 1 tổ chức dành cho thanh niên sinh hoạt đã trở nên quá tầm với tổ chức này. Dẫn đến việc, "trắng đoàn viên, trắng chi đoàn" về mặt thực tế, dù rằng đoàn viên được kết nạp cưỡng bức vẫn diễn ra hằng năm để đạt chỉ tiêu báo cáo.

daihoi2

Đảng - mẹ của Đoàn Thanh niên cộng sản cũng chưa giải quyết được vấn đề của chính mình

Một vấn đề nữa cần đặt ra là vấn đề "nhân quyền" – một yếu tố của nhà nước pháp quyền có tác dụng thực tiễn thì hoàn toàn vắng bóng trong Đoàn Thanh Niên về mặt giáo dục lẫn thực hành chỉ vì bị áp đặt bởi tư duy của tổ chức mẹ là, nếu thực hiện giáo dục nhân quyền thì sẽ đưa đến hệ quả : thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta, trong đó mũi tấn công nguy hiểm là kích động, lôi kéo, chia rẽ thanh niên.

Trong thông tin có liên quan, dự toán ngân sách năm 2017 chi cho tổ chức chính trị - xã hội thì Trung ương Đoàn Thanh Niên còn lớn hơn cả Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc,… Chỉ số chi đầu tư phát triển là 250.000 tỷ đồng (tổng số là 356,955 tỷ đồng). 

Ý nghĩa là gì, số tiền bỏ ra cho Đoàn Thanh niên không đem lại giá trị xứng tầm với nó, trở thành một tổ chức "ăn tiền" dưới lớp màng "phục vụ chính trị" cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bỏ chút thời gian nhìn sang Đoàn Thanh niên Trung Quốc, tổ chức mà gần đây ông Tập Cận Bình đã có những phê phán trực diện khi chỉ thẳng tổ chức này là "cái vỏ rỗng" chỉ biết "hô hào những khẩu hiệu sáo rỗng", và cảnh báo không nên coi tổ chức này là "thăng tiến, và trở thành người kế nhiệm đối với vị trí lãnh đạo Đảng".

Câu chuyện của Việt Nam cũng như vậy, chỉ là thay vì nói chi tiết, thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nói một cách hờ hững qua cụm : nhạt đảng, khô đoàn.

Anh Văn

Nguồn : VNTB, 12/12/2017

Published in Diễn đàn