Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/12/2017

Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam sẽ đi tới "giám sát từ xa" ?

Anh Văn

Việt Nam đang học tập theo Trung Quốc trong cuộc chiến củng cố quyền lực Đảng, từ việc tiến hành chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" cho đến nhấn mạnh xây dựng một quốc gia "tinh gọn, hiện đại".

giamsat1

Các ông Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Thế Huynh tại Hà Nội, 05/11/2015.

Do đó, có thể nhìn thấy tương lai Việt Nam qua Trung Quốc hiện tại.

Một trong những vấn đề mà cả hai nước đang gặp phải là cuộc chiến chống tham nhũng, và làm sao để hạn chế thấp nhất sự tẩu tán tài sản cũng như nhân thân ra nước ngoài.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã tìm ra phương hướng mới khi tiến hành xây dựng một dự án luật mang tên Luật giám sát.

Luật giám sát có gì đặc biệt ?

Luật giám sát gồm 10 chương, trong đó tại Điều 2 (Chương I) ghi nhận, Luật này là nhằm "củng cố sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc trong việc giám sát, xây dựng một hệ thống giám sát mang đặc điểm Trung Quốc ; một hệ thống chống tham nhũng tập trung, thống nhất, có thẩm quyền và hiệu quả ; tăng cường sự kiểm soát của Đảng và Nhà nước. 

Tại Điều 4 (Chương I), giám sát nhà nước thực hiện dựa trên Hiến pháp và Pháp luật ; duy trì một lập trường cứng rắn để không ai dám tham nhũng.

Về cơ cấu thì tại Chương II quy định, thành lập Ủy ban giám sát - và đây sẽ là cơ quan cao giám sát cao nhất của hệ thống chính trị Trung Quốc, và được thành lập ở các tỉnh, thành phố, khu tự trị. Ủy ban này sẽ do Quốc Hội Trung Quốc ban hành và giám sát hoạt động. Cơ cấu nhân sự được bổ nhiệm và bãi nhiệm bởi Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc. 

giamsat2

Một quan tham Trung Quốc bị dẫn giải từ Canada về nước trong chiến dịch "săn cáo" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành

Và như vậy, dự luật này sẽ tăng cường hơn nữa quyền lực của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc. Từ dự luật này sẽ nảy sinh ra một Ủy ban mới gọi là Ủy ban Giám sát Quốc gia, bắt đầu làm việc từ tháng 3/2018. Tổ chức này sẽ là cơ sở đấu tranh trực tiếp đối với các đối tượng bao gồm quan chức, chủ các doanh nghiệp nhà nước,… Ủy ban giám sát này sẽ được lãnh đạo trực tiếp bởi trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời phối kết hợp với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc trong tiến hành các hoạt động giám sát, truy tố, kỷ luật đối tượng bị tình nghi. 

Trước đó, vào tháng 11/2017, Tân Hoa Xã trong một bài xã luận 10.000 từ, đã giải thích Ủy ban này như sau : đây là tổ chức mang màu sắc Trung Quốc, là cơ quan chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, nhưng thay vì là một cơ quan hành chính/tư pháp nhà nước thực hiện quyền giám sát như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, thì Ủy ban Giám sát Quốc gia là cơ quan chính trị.

Tiếp theo, phạm vi giám sát tại Chương III quy định : tất cả các quan chức thuộc cơ quan Đảng hay các doanh nghiệp nhà nước, trong các đơn vị khoa học-giáo dục-y tế ; trong các khu tự trị ; các nhân viên công lực đều là đối tượng chịu sự giám sát. 

Nhiệm vụ giám sát, tại Điều 17 (Chương IV) cho hay, các cơ quan giám sát có quyền tiến hành các cuộc điều tra về hành vi bất hợp pháp tại văn phong Chính phủ ; nghi ngờ tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực, lợi ích cá nhân.

Về mặt phạm vi giám sát, tại Điều 24 (Chương V) ghi nhận, cơ quan giám sát có thể xem xét và giữ một người ở tại một địa điểm bí mật bất kỳ nếu rơi vào trường hợp : quy mô sự vụ lớn và phức tạp ; đối tượng có thể chạy trốn hoặc tự sát ; có thể thông đồng hay tiêu hủy, che dấu bằng chứng ; cản trở điều tra ; nghi ngờ nhận hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ. 

Như vậy, dự luật này cho phép chính quyền tạm giam bất kỳ đối tượng tình nguy tham nhũng nào ở một địa điểm bí mật trong vòng 6 tháng, đồng nghĩa trong thời gian đó họ sẽ không được tiếp cận với giới luật sư hay người thân.

Điều 25 (Chương V) cũng cho thấy, trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thể đóng băng tài sản của những người có liên quan, trong đó có sổ tiết kiệm, kiều hối, trái phiếu, cổ phiếu,…

Sự ra đời của dự thảo và cơ quan giám sát mới này đặt trọng tâm là chống tham nhũng cho bằng được, do đó, nó được nhiều học giả Trung Quốc nhận định là vi hiến, đặc biệt khi về mặt cơ cấu nhà nước, đã đặt cơ quan Giám sát lên trên Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, và thậm chí trên cả Hội đồng nhà nước Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay sau đó đã tìm cách "sửa sai" bằng cách sửa đổi Hiến pháp – được cho là tiến hành vào tháng 1/2018.

Trong tuyên bố của mình gần đây, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc đã khẳng định rằng, "chiến dịch [chống tham nhũng] phải được đảm bảo một cách chặt chẽ bởi đảng và tham nhũng sẽ phải dừng lại". Đồng thời, tổ chức này sẽ có trách nhiệm giám sát đảng viên, thực hiện kỷ luật, giữ người vi phạm phải chịu trách nhiệm.

Việt Nam sẽ học tập theo ?

Vào tháng 5/2017, trong một cuộc họp, bà Lê Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Theo đó, 1.000 cán bộ cấp cao trong diện kiểm tra, giám sát tài sản.

Nhưng đây chỉ mới là thủ tục kiểm soát tài sản và giới hạn trong đội ngũ cán bộ cấp cao, về phạm vi - quy mô và cách thức chỉ là một phần nhỏ nằm trong tiến trình giám sát đối tượng, nguồn tài sản bị nghi là tham nhũng như Trung Quốc đã và sẽ tiến hành trong thời gian tới. 

Hiện tại, đơn vị nổi bật trong phòng chống tham nhũng Việt Nam là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương có quyền hạn tương đương với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, nhưng cũng giống như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương thực tế chưa có thực quyền diện rộng và khả năng quản lý, tiến hành các hoạt động bắt giam đối tượng tình nghi tham nhũng, tham ô như Ủy ban Giám sát Quốc gia. 

giamsat3

Ra một Luật giám sát và cho thành lập một cơ quan giám sát đối tượng, tài sản tình nghi tham nhũng như Trung Quốc sẽ là bước đi kế tiếp của Đảng cộng sản Việt Nam ?

Do đó, trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành hiện nay sẽ nhanh chóng đi xuống nếu như không có bước đi tiếp theo. Đặc biệt, quan điểm "kiên quyết đấu tranh loại khỏi bộ máy những người tham nhũng, hư hỏng ; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn" trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ sáng ngày 28/12 sẽ sớm chìm vào dĩ vãng nếu như không có một khung pháp lý và một tổ chức tương ứng ra đời trong tương lai. 

Giả sử như ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục "học tập theo Trung Quốc" trong mô hình và cách thức chống tham nhũng thì Đảng cộng sản Việt Nam có thể tiến hành dự thảo một Luật giám sát (bên cạnh Luật Phòng chống tham nhũng đã có), và cho ra đời một tổ chức tương tự để thực thi Luật giám sát, hoặc có thể biến chuyển Ban Nội chính thành một Ủy ban Giám sát Quốc gia Việt Nam, bởi căn cứ theo quan điểm Quyết định thành lập (QĐ 17-QQD/TW/1991) thì Ban này sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành : kiểm sát, toà án, tư pháp, thanh tra, hải quan, trọng tài kinh tế nhà nước, Hội luật gia,… Có nghĩa phạm vi giám sát và nhiệm vụ giám sát sát gần Ủy ban Giám sát Quốc gia nhất, và quan điểm thành lập cũng gần gũi với Điều 4 – Luật giám sát của Trung Quốc nhất về mặt vai trò.

Như vấn đề đặt ra là bao giờ ?

Trước hết, một tổ chức tương tự như Ủy ban Giám sát Quốc gia ra đời, thì đồng nghĩa phải có một dự luật tương ứng để hỗ trợ, trong khi đó, Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 mà Quốc Hội Việt Nam thông qua vào ngày 8/6/2017 không có dự luật nào (từ trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến) mang tính "giám sát" như vậy. Trong khi đó, về mô-típ, thì Việt Nam dù học tập Trung Quốc, nhưng độ trễ ở mức từ 5 -10 năm, cụ thể - ngay như chiến dịch "đả hổ-diệt ruồi-săn cáo" - khi Trung Quốc bắt đầu khi ĐH Đảng toàn quốc nước này kết thúc vào năm 2012, thì Việt Nam phải chờ đến tận năm 2016 mới bắt đầu nhen nhóm và 2017 mới thực sự bắt đầu.

Do vậy, phải đến kỳ ĐH Đảng kế tiếp thì Hà Nội mới thực sự bắt nhịp giám sát tham nhũng giống như Bắc Kinh. 

Anh Văn

Nguồn : VNTB, 30/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 849 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)