Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đảng Dân chủ giờ đây phải quyết định giữa việc đề cử bà Kamala Harris làm ứng viên tranh cử tổng thống hay một đại hội gây chia rẽ.

biden1

Nếu đắc cử, Kamala Harris sẽ không chỉ là nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ mà còn là tổng thống Mỹ gốc Á đầu tiên và duy nhất là tổng thống da đen thứ hai © Brendan Smialowski/AFP/Getty Images

Joe Biden đã làm nên lịch sử. Tổng thống lớn tuổi nhất nước Mỹ đã trở thành người đầu tiên tự nguyện từ bỏ quyền lực kể từ Lyndon Johnson năm 1968 và trước đó là George Washington năm 1796. Quyết định rút khỏi cuộc tranh cử của ông – được đưa ra sau nhiều tuần tranh luận căng thẳng giữa các đảng viên Dân chủ về khả năng nhận thức suy yếu của Tổng thống – nhiều khả năng sẽ còn dẫn đến những điều "đầu tiên" khác, mang tính lịch sử hơn. Việc Biden ủng hộ phó tổng thống của mình, Kamala Harris, sẽ mở đường để một phụ nữ không phải người da trắng lần đầu tiên được đề cử cho ghế tổng thống. Nếu bà giành chiến thắng trong đại hội đảng vào tháng tới, Harris sẽ bắt đầu cuộc tổng tuyển cử chính thức với một cơ hội tương đối để đánh bại Donald Trump.

Trước khi đi đến quyết định này, Biden đã chần chừ bất chấp lời kêu gọi ngày càng lớn của các đảng viên cấp cao trong Đảng Dân chủ, các nhà tài trợ lớn, và cả giới truyền thông, nhưng ông vẫn để lại đủ thời gian để các đảng viên Đảng Dân chủ có thể đoàn kết ủng hộ Harris, hoặc một ứng viên khác, trước đại hội đảng ở Chicago vào tháng tới. Liệu đại hội lịch sử đó có trở thành lễ đăng quang của Harris, như Biden hiện cam kết nỗ lực hướng tới, hay nó sẽ biến thành một cuộc chiến gây chia rẽ giữa nhiều đối thủ ? Câu trả lời sẽ xuất hiện trong những ngày tới. Những nhân vật có tham vọng tiềm năng như Thống đốc California Gavin Newsom, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, và Bộ trưởng Giao thông của Biden, Pete Buttigieg, sẽ phải suy nghĩ rất lâu và rất kỹ về việc liệu họ có muốn biến con đường dẫn đến đề cử tổng thống của Harris thành một cuộc chiến thực sự hay không.

Rủi ro bị xem là kẻ ngáng đường một người phụ nữ da màu là rất cao. Nếu họ gây tổn hại đến Harris, nhưng không thành công trong việc ngăn bà giành được đề cử của đảng, thì họ sẽ đứng trước nguy cơ bị đổ lỗi nếu bà thất bại vào tháng 11. Mặt khác, Harris không được nhiều người xem là ứng viên nặng ký. Thành tích của bà trong vòng bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Dân chủ hồi năm 2020 kém đến mức bà đã bỏ cuộc trước khi cuộc họp kín đầu tiên được tổ chức. 18 tháng đầu tiên của bà trên cương vị phó tổng thống cũng chứng kiến một loạt thảm họa quan hệ công chúng, trong đó bà nhiều lần lỡ miệng và gặp khó khăn trong việc thuyết phục mọi người rằng bà đang nỗ lực khắc phục khủng hoảng biên giới Mỹ-Mexico. Thậm chí đội ngũ của Biden cũng không hề giấu diếm việc họ đánh giá thấp khả năng của bà.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa đội ngũ của Harris và của Biden đã được cải thiện. Bà trở thành người phát ngôn nặng ký nhất của nước Mỹ về quyền phá thai của phụ nữ sau vụ đảo ngược phán quyết Roe vs Wade hai năm trước. Bà cũng tỏ ra tự tin hơn trước công chúng khi dẫn đầu các cuộc tấn công nhắm vào hồ sơ trọng tội của Trump. Trong ba tuần qua, khả năng giải quyết vấn đề của bà, và lòng trung thành công khai với Biden trong lúc ông vật lộn với quyết định của mình, đã giúp bà nhận được nhiều lời khen ngợi. Nhiều người tin rằng tài năng của bà đã bị giới truyền thông và công chúng Mỹ đánh giá thấp, theo đó khiến bà có tỷ lệ ủng hộ thấp, chỉ tương đương với sếp của mình.

Dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong nền chính trị khó đoán của Mỹ là một việc liều lĩnh. Chưa có tiền lệ nào về việc một tổng thống từ chức muộn như vậy trong năm bầu cử, và cũng không có ví dụ nào trong những năm gần đây về việc một đảng giành được Nhà Trắng sau một đại hội đầy tranh cãi. Những đối thủ thách thức tiềm năng của Harris sẽ phải cân nhắc những sự thật này bên cạnh tham vọng của họ. Tuy nhiên, bản thân Harris cũng phải cân nhắc những mặt trái của việc bị xem là người được hưởng lợi từ một lễ đăng quang phi dân chủ. Không có con đường nào là dễ dàng hoặc có tiền lệ từ trước. Bất kể điều gì xảy ra, nó cũng sẽ làm nên lịch sử.

Edward Luce

Nguyên tác : "Joe Biden’s historic decision puts Kamala Harris in uncharted territory", Financial Times, 22/07/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 22/07/2024

Additional Info

  • Author Edward Luce, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Bầu cử Mỹ 2020 : Nước Mỹ sẽ vĩ đại với Biden và Harris ?

Chiến thắng vinh quang trong vất vả của Joe Biden và Kamala Harris là chủ đề chính của báo chí Pháp ngày 09/11/2020. Le Figaro cho biết thêm Putin rất ngại Joe Biden, còn Trung Quốc của Tập Cận Bình cũng không ảo vọng. Thời sự Châu Á cũng không thiếu với tình hình chính trị tại Thái Lan, Miến Điện và nhân quyền tại Trung Quốc.

nuocmy0

Ứng cử viên tổng thống Joe Biden (thứ 2 từ trái qua phải) và phó tổng thống Kamala Harris (thứ hai, từ phải qua trái) tại cuộc mít tinh ngày 07/11/2020 tại thành phố Wilmington (bang Delaware, Hoa Kỳ), sau khi truyền thông loan báo ông Biden thắng cử.  Reuters – Jim Bourg

"Một nước Mỹ mới" ; "Một bàn cờ mới" ; "Biden và Harris làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" đó là những tựa trên trang nhất của Les Echos, La Croix Libération, sáu ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cho dù Donald Trump vẫn chưa chịu thua.

Làm cách nào Joe Biden "chữa trị" nước Mỹ ? Từ một chính trị gia già nua chuyển mình thành cứu tinh. "Chiến binh Kamala bước vào lịch sử", cùng với các tựa này, Le Figaro cho biết thêm vì sao Putin và Tập Cận Bình ngại Joe Biden.

Joe Biden tuyên bố sẽ làm cho "nước Mỹ phục hồi và vĩ đại trở lại". Nước Mỹ đang chờ Joe Biden với những thách thức nào ? Báo chí Pháp phác họa.

Sứ mệnh an dân của Joe Biden

Thắng Donald Trump, Joe Biden phải đối phó với hai vấn đề lớn của nước Mỹ là đại dịch Covid và hệ quả kinh tế. Sau những ngày phấn chấn của phe Dân chủ, thực tế đang chờ trước mặt, Les Echos nhận định.

Nhật báo kinh tế không quên dành cho Kamala Harris một bài giới thiệu phó tổng thống với nhiều cái đầu tiên : Phụ nữ đầu tiên, phụ nữ da màu có dòng máu Châu Á đầu tiên lên đến chức vụ lãnh đạo này, báo hiệu một trang sử mới, "một nước Mỹ tôn trọng nữ quyền và đa sắc tộc".

Nhưng khi Joe Biden tuyên bố "sẽ đoàn kết và chữa trị nước Mỹ" phải chăng là nền dân chủ Mỹ "bị đe dọa hay bệnh hoạn" ? Được La Croix đặt câu hỏi, nhà nghiên cứu chính trị Denis Lacorne thẩm định là "chờ ngày bàn giao" mới rõ.

Còn Didier Combeau, chuyên gia Pháp về chính trị Mỹ trên La Croix, dứt khoát cho rằng nền dân chủ Mỹ rất "vững chắc" nhưng "ốm đau". Ốm đau vì tuân thủ vào những mẫu mực cố định "bầu qua đại cử tri". Donald Trump phủ nhận kết quả và chỉ trích hệ thống bầu cử là điều thật đáng ngại, nhưng ông sẽ không dám "đảo chính". Muốn đảo chính phải có sự đồng tình của truyền thông và quân đội. Thế nhưng, cả hai định chế này đều không ủng hộ Trump.

Một khi vào Nhà Trắng, Joe Biden sẽ đối đầu với một Thượng Viện không hữu hảo, ông đã biết như vậy, theo Les Echos. Ông sẽ phải bổ nhiệm những bộ trưởng ôn hòa để không bị Thượng Viện, một bên là Cộng hòa, một bên là phe tả của Dân chủ, gây khó dễ.

Vấn nạn của một người ôn hòa

Ưu điểm của Joe Biden là một người biết dung hòa, nhưng để hoạch định một chính sách cải cách, nhà lãnh đạo phải dứt khoát chọn lựa một con đường. Le Figaro phân tích vấn nạn của tổng thống Mỹ tương lai.

Chương trình "phục hồi" nước Mỹ với 7.000 tỷ đôla, kể cả đầu tư khổng lồ vào đừng xá, cầu cống, tăng lương tối thiểu, hỗ trợ y tế, tăng thuế đánh vào nhà giàu cần có sự đồng thuận của Hạ Viện, nhưng có thể bị Thượng Viện cản trở.

Vấn nạn đầu tiên của Joe Biden là Donald Trump và phe bảo thủ vẫn đứng vững, theo nhận định của Le Figaro. Trong thất bại, người ta sẽ thấy rõ bản chất của "chủ thuyết Trump", một phong trào dân chủ, chấp nhận thắng thua trong chính trị, hay chỉ là một lực lượng với mục tiêu duy nhất là tiêu diệt đối thủ.

Ý thức hiểm nguy này và thấy cần phải nhanh chóng hòa giải dân tộc đang bị chia rẽ nghiêm trọng, Joe Biden chìa bàn tay mời gọi phe Donald Trump "đoàn kết để hồi phục tâm hồn nước Mỹ". Ông cũng biết là cũng cần phải chứng minh với phe mình qua những biện pháp thay đổi sâu sắc. Nhóm cộng sự của Joe Biden đã chuẩn bị tái lập các biện pháp của Barack Obama, mà Donald Trump, qua sắc luật, đã hủy bỏ. Cụ thể là trở lại Hiệp định khí hậu Paris, tái lập hàng chục quy định liên quan đến môi trường và bảo hiểm y tế.

Hòa giải hay cải cách ? Joe Biden buộc phải nhanh chóng chọn một trong hai, nhật báo thiên hữu kết luận.

Moskva và Bắc Kinh đều chưa có phản ứng

Một câu hỏi khác là Joe Biden có tiếng là "bạn" của Tập Cận Bình sẽ cứng rắn hay sẽ mềm mỏng với Bắc Kinh ? Vì sao Putin "buồn bã". Le Figaro phân tích :

Phản ứng chậm chạp của Điện Kremlin chưa chúc mừng Joe Biden phản ánh tâm trạng bối rối của tổng thống Putin, nếu không nói là người trúng cử không phải là ứng cử viên mà ưa thích. Theo giới phân tích được Le Figaro trích dẫn, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ gia tăng trong nhiệm kỳ của Joe Biden theo hướng "đau đớn hơn và chọn lựa mục tiêu chính xác hơn", lá bài chống Nga đã được khai thác sẽ tiếp tục được khai thác trong bốn năm tới. Tuy nhiên, cũng có khả năng hai bên sẽ hợp tác trên hồ sơ Iran và hiệp định giải trừ vũ khí New Start.

Trung Quốc của Tập Cận Bình cũng không hy vọng gì với nước Mỹ của Joe Biden. Theo Le Figaro, cho dù giữa Biden và Tập có mối liên hệ cá nhân hữu hảo từ thời Biden làm phó cho Obama, nhưng Joe Biden, qua những cuộc gặp gỡ, dạ tiệc với chủ tịch tương lai Trung Quốc chỉ nhằm mục đích tìm hiểu, đo lường bản lĩnh của ngôi sao đang lên trong đảng cộng sản Hoa Lục hầu tránh chiến tranh. Tập luôn đáp trả bằng nụ cười thân thiện, nhưng từ năm 2013, khi lên cầm quyền ông đã tỏ ra không khoan nhượng. Nội tình thì thẳng tay trấn áp, đối ngoại thì diễu võ dương oai, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông mà Joe Biden thì mù tịt.

Một thập niên sau, Joe Biden thay đổi hẳn. Trong chiến dịch tranh cử, ông liên tục lên án "Tập Cận Bình du côn". Theo một nhà phân tích Trung Quốc (Trần Kỳ), hầu hết giới quan sát Trung Quốc không tin là quan hệ hai bên sẽ được cải thiện. Washington và Bắc Kinh huy động sức mạnh chuẩn bị một cuộc chiến tranh tiêu hao. Cho đến hôm nay, Bắc Kinh cũng chưa chúc mừng tổng thống đắc cử.

Các nhà chiến lược Trung Quốc hy vọng Joe Biden sẽ giúp Bắc Kinh một thời gian bớt căng thẳng sau bốn năm sóng gió với Donald Trump. Tuy nhiên, họ cũng e rằng các nước Châu Á, và Châu Âu sẽ tiếp tục theo đà cùng với Mỹ bao vây Trung Quốc. Trước mắt, Bắc Kinh còn lo ngại chính quyền Trump mãn nhiệm sẽ đốt những chiếc cầu nối cuối cùng với Trung Quốc để phát động một loạt phương án đối nghịch mới, từ Đài Loan cho đến lãnh vực công nghệ.

Trump và hậu duệ

Nếu mọi việc tốt đẹp, Joe Biden sẽ vào Nhà Trắng vào ngày 20/01/2021. Còn Donald Trump ? Thúc thủ hay có những lá bài trong tay áo ?

Với hai bài phóng sự dài, Le Figaro cho biết, Donald Trump sẽ đi tới cùng với thủ tục pháp lý để làm sáng tỏ điều mà ông gọi là "bị đánh cắp chiến thắng". Tuy nhiên, không ít người trong đảng Cộng hòa muốn tìm một lối ra trong vinh dự, bàn giao quyền lực một cách ôn hòa.

Trump sẽ rời Nhà Trắng, nhưng "triều đại Trump" đã tôi luyện được một thế hệ hậu duệ tiếp tục tranh đấu trên sân khấu chính trị Mỹ. Đó là nội dung bài phóng sự cùng tên bên cạnh tấm ảnh toàn gia đình ba thế hệ của tổng thống mãn nhiệm.

Mêkông cạn nước, Thái Lan xuống đường, Miến Điện bầu cử

Thời sự Châu Á khá phong phú. Le Monde với tình hình chính trị căng thẳng tại Thái Lan và bầu cử tại Miến Điện.

Trước hết, chiếm trọn trang địa chính trị của Le Monde là bản đồ các quốc gia có chung dòng sông Mekong với tựa : Bằng cách nào Trung Quốc làm khô cạn dòng sông Mekong.

Với hàng loạt đập thủy điện làm thay đổi dòng nước nuôi sống hàng chục triệu người với những hệ quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái. Tác động đến biến đổi khí hậu mỗi năm mỗi nghiêm trọng cho các quốc gia ở hạ nguồn được minh họa bằng màu hồng và đỏ. Từ 2010 đến 2019, cả một khu vực từ Lào, một phần Thái Lan, toàn bộ Cam Bốt và phần lớn lãnh thổ Việt Nam từ miền Trung cho đến một số tỉnh Nam Bộ bị khô hạn.

Về thời sự Thái Lan, Le Monde, qua phân tích của các chuyên gia Châu Á, dự báo phong trào phản kháng ngày càng lan rộng với màu sắc cách mạng, cho dù giới trẻ khẳng định chỉ muốn cải cách Hiến pháp. Khẩu hiệu mới của họ là đòi Hoàng gia, với ngân sách 280 triệu đôla, trả lại tiền thuế cho dân.

Matthew Wheeler của Tổ chức Crisis Group lý giải : bản chất của phong trào phản kháng Thái Lan là làm cách mạng, chưa kể họ muốn xóa hết để làm lại. Họ muốn ép quốc vương tuân thủ các trói buộc của một chế độ quân chủ lập hiến. Nếu quyền lực của vua bị giảm thiểu thành một chế độ quân chủ lập hiến thì là gì, nếu không phải là cách mạng ?

Bầu cử tại Miến Điện, theo Le Monde, sẽ đưa đến kết quả là bà Aung San Suu Kyi thắng. Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này mang ý nghĩa của cuộc trưng cầu dân ý. Ủng hộ hay không chính sách thân thiện với Trung Quốc. Chính sách đàn áp người Rohingya những hành động vi phạm nhân quyền khác làm Tây phương giảm đầu tư vào đất nước này.

Trong năm qua, tiền đầu tư vẫn lên đến 5 tỷ đôla mà phần lớn là từ Trung Quốc, theo một nhà quan sát tại Rangoon (Rory Wallace). Bầu cho đảng của Aung San Suu Kyi là ủng hộ chính sách thân Trung Quốc.

Trung Quốc hết dịch

Bề trái của thành quả diệt Covid-19 tại Trung Quốc và chính sách bóc lột sức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương là hai hồ sơ của La Croix.

Đại dịch virus corona đã được khống chế tại Trung Quốc. Với giá nào ? Theo La Croix, từ khi siêu vi Corona chủng mới xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc chứng tỏ sắc thái đặc biệt qua các biện pháp khống chế rất nghiêm khắc, phong tỏa một loạt ba thành phố lớn. Nhiều tháng sau, qua các video được tiết lộ, người Tây phương thấy thực tế phong tỏa như thế nào với tâm trạng ngạc nhiên lẫn thương xót. Chế độ Bắc Kinh từ lâu nay đã nổi tiếng tiêu diệt tự do.

Tại Pháp, cũng đang diễn ra tranh luận : có chấp nhận hy sinh tự do đổi lấy mạng sống hay không ?

Còn ở Tân Cương, La Croix dành một bài phóng sự dài tố cáo các tập đoàn may mặc danh tiếng của Tây phương rơi vào bẫy của Trung Quốc như thế nào khi đầu tư vào Tân Cương vì ham giá nhân công rẻ. Chỉ xin đưa một câu chuyện : Trong các xí nghiệp do doanh nhân Tây phương đầu tư, người công nhân Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bách lao động. Ngoài giờ, họ còn bị tập trung học tập "yêu nước" và học tiếng Trung Quốc.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Đại hội đảng Dân chủ 2020 cho thấy tính đa dạng chính trị, văn hóa, chủng tộc và những khó khăn đảng Dân chủ đang phải đối đầu, liệu liên danh Biden – Harris có thể vượt qua các khó khăn giành thắng lợi trong kỳ bầu cử sắp tới ?

biden1

Liệu liên danh Biden – Harris có thể vượt qua các khó khăn giành thắng lợi trong kỳ bầu cử sắp tới ? Ảnh minh họa trang https://joebiden.com/

Từ chính sách xã hội…

Thời Tổng thống John Kenedy là thời kỳ vàng son của đảng Dân chủ, ông đã đưa ra những chính sách xã hội chống lại nghèo khó và bất công, thu hút được đa số cử tri lao động.

Tổng thống Lyndon Johnson tiếp tục ban hành Đạo luật Quyền Dân sự 1964, chống kỳ thị chủng tộc, giới tính… và Đạo luật Quyền Bầu cử 1965, bảo vệ quyền bầu cử của người Mỹ da đen, nên hầu hết cử tri người Mỹ da đen đều bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.

…sang toàn cầu hóa

Tổng thống Bill Clinton tự nhận đã được Tổng thống Kennedy truyền cảm hứng khiến ông gia nhập đảng Dân chủ nhưng khi cầm quyền ông lại đi theo đường lối và chiến lược của Tổng thống Ronald Reagan, ông Clinton khai sinh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ khiến hàng hóa từ Mễ Tây Cơ đổ vào nước Mỹ làm hàng triệu công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp, đói nghèo.

Những người lao động đã trừng phạt ông Clinton nên ngay trong cuộc bầu cử giữa kỳ 1994, đảng Dân chủ mất cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.

Lần đầu tiên trong vòng 40 năm đảng Cộng hòa kiểm soát được Hạ Viện và liên tục giữ cả hai viện trong sáu năm còn lại của Tổng thống Clinton.

Đảng Cộng hòa nắm cả lưỡng viện nên chi phối các chính sách kinh tế và xã hội, nhờ đó kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng các chính sách xã hội cho người lao động bị giới hạn rất nhiều.

Năm 2000, Tổng thống Clinton tin rằng khi Bắc Kinh gia nhập WTO, Trung Quốc sẽ tôn trọng luật chung nên đã chấp nhận Bắc Kinh tham gia vào Tổ chức Thương mãi Thế giới (WTO) và mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc đổ vào nước Mỹ.

Nhưng Bắc Kinh thay vì tôn trọng luật chung lại tìm cách phá bỏ nó, khiến thương mại nước Mỹ càng ngày càng lụn bại, người lao động ngày càng khốn khổ.

Đảng Dân chủ mất cử tri lao động nhưng bù lại đã thu hút được thành phần cấp tiến theo tự do phóng khoáng, tự do thương mãi quốc tế và cổ vũ toàn cầu hóa.

Những người cấp tiến theo khuynh hướng toàn cầu hóa có học thức nên được giữ những vai trò quan trọng trong chính trị, giáo dục và truyền thông, dần dần họ chuyển đổi cả văn hóa và tư tưởng của người Mỹ.

Toàn cầu hóa tàn phá nước Mỹ về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, giáo dục và với tư tưởng sống chung hòa bình không cần tăng cường quân sự.

Chính trị bản sắc bắt đầu…

Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến từng người, từng gia đình và toàn xã hội là nguyên nhân gây phân cực nước Mỹ, trong Đại hội đảng Dân chủ năm 2004, ông Barack Obama có bài diễn văn tố cáo sự phân cực chính trị.

Từ đó, báo chí và truyền thông Mỹ bắt đầu bàn luận về một Tổng thống da đen đầu tiên cho nước Mỹ, và nhờ tài ăn nói ông Obama đã thắng cử Tổng thống một cách dễ dàng.

Nhưng điều hành một nước Mỹ không phải là chuyện dễ, dư âm ông Obama để lại là Obamacare, 8 năm kinh tế trì trệ và một nước Mỹ phân hóa hơn.

Với Trung Quốc, ông Obama quá ôn hòa đến độ nhu nhược bị giới chức Bắc Kinh xem thường, còn hàng hóa Trung Quốc tràn ngập, kỹ nghệ Mỹ hầu như phá sản, chiến lược xoay trục về Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mục đích "bao vây" một Trung Quốc đang trỗi dậy, chỉ hoàn tất trên giấy tờ.

Nhiều người Việt ủng hộ Hiệp định TPP nhưng quên rằng người Mỹ lao động đã từ chối TPP ngay từ phút đầu soạn thảo.

Bầu cử giữa kỳ 2010 đảng Dân chủ mất Hạ viện, đến bầu cử giữa kỳ 2014 mất luôn Thượng viện. Khi ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chính bà Hillary Clinton đã phải hứa nếu thắng cử Tổng thống bà sẽ chấm dứt tham gia Hiệp định TPP.

Sau chiến thắng của ông Obama năm 2008, báo chí truyền thông Mỹ bắt đầu nói đến chuyện một Tổng thống thuộc phái nữ, chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc, giới tính và vóc dáng bề ngoài nhằm thu hút cử tri của đảng Dân chủ đã thay cho việc tranh cử cổ điển thuyết phục cử tri bằng chính sách và chiến lược.

Trong lần tranh cử 2016, bà Clinton gần như không đưa ra một chính sách hay chiến lược nào, người bảo thủ và lao động sợ bà Clinton sẽ tiếp nối con đường của 2 ông Clinton và Obama tiếp tục đưa nước Mỹ vào con đường lụn bại nên đã bầu cho ông Trump.

Liên danh Trump - Pence…

Ông Trump là một nhà truyền thông xuất sắc, ông liên tục nêu quan điểm chính trị để thăm dò và sửa soạn dư luận.

Ông luôn nhắc nhở mọi người những việc ông đã và đang làm, ông tạo hứng thú để mọi người tiếp tục tìm hiểu, theo dõi và ủng hộ những việc ông sẽ làm.

Trong 4 năm qua ông đã hoàn thành một phần cuộc "chiến tranh tâm lý" đánh thức cả thế giới phải nhận thức lại vai trò của nước Mỹ, nhận thức lại toàn cầu hóa, nhận thức lại tự do thương mãi quốc tế, nhận thức được mối đe dọa của Bắc Kinh.

Ông Trump thường làm những việc mà các chính trị gia ít ngờ tới như vừa rồi ông ký sắc lệnh gia hạn hỗ trợ tài chánh cho hàng chục triệu người Mỹ bị mất việc do đại dịch.

Gắn bó với ông Trump là Phó Tổng thống Mike Pence, một người bảo thủ, ngoan đạo, điềm đạm, nhiều kinh nghiệm và uy tín, một chính trị gia gương mẫu của đảng Cộng hòa.

Ngày 23/8/2020, ông Trump đã công bố Chương trình hành động với 50 ưu tiên hành động cho nhiệm kỳ sắp tới dưới tiêu đề : "Chiến đấu vì bạn !".

Ngày 24/8/2020, Đại hội Đảng Cộng hòa 2020 khai mạc gợi "giấc mơ Mỹ Quốc" tương lai sẽ tươi sáng hơn quá khứ nếu đảng Cộng hòa được tiếp tục cử tri tin cậy.

Ứng cử viên Biden

Ông Biden là chính trị gia với gần 50 năm kinh nghiệm chính trường, ông đã nhiều lần ra tranh cử, nhưng thật lạ lần này ông gần như tránh mặt không tiếp xúc với truyền thông báo chí, đánh mất nhiều cơ hội cổ vũ cho đường lối và chiến lược của đảng Dân chủ.

Khi ông Biden tuyên bố ứng cử viên phó tổng thống phải là một phụ nữ da màu, mà phải là trẻ để ông có thể chuyển tiếp quyền lực, rõ ràng chính trị bản sắc đã thống lĩnh đảng Dân chủ vì có đến 90% dân số nước Mỹ là đàn ông, phụ nữ da trắng và lớn tuổi bị loại khỏi vòng tuyển cử.

Nước Úc có Đạo luật Cơ hội Bình đẳng (Equal Opportunity Act) tuyên bố như ông Biden chỉ chọn phụ nữ, da màu và trẻ, là tuyên bố kỳ thị giới tính, kỳ thị tuổi tác và kỳ thị chủng tộc.

Bà Kamala Harris, người được chọn đứng cùng liên danh với ông Biden, cũng là người đã từng công khai chỉ trích ông Biden là người lợi dụng phụ nữ và kỳ thị chủng tộc.

Ứng cử viên Kamala Harris

Bà Harris là người đã được Tổng thống Obama tạo cơ hội cho phát biểu trong Đại hội đảng Dân chủ 2012 và bà có rất nhiều gắn bó với ông Obama.

Bà ra tranh cử Tổng thống 2020 nhưng qua tranh luận bà không đưa ra được quan điểm rõ ràng nên số người ủng hộ ít dần và bà sớm bỏ cuộc.

Bà Harris có cha gốc Jamaica và mẹ gốc Ấn Độ, nhưng nguồn gốc sẽ giúp gì cho cuộc tranh cử : (1) phụ nữ và người Mỹ da đen sẽ chọn bà hay chọn chính sách của đảng Cộng hòa hay không đi bầu ; (2) trong tình trạng Ấn Trung đang chiến tranh, người Mỹ gốc Ấn sẽ chọn bà hay chọn ông Trump ; và (3) khi bà ít nói đến nguồn gốc Jamaica của cha mình, cử tri gốc Nam Mỹ sẽ nghĩ gì về bà.

Cánh tả xã hội chủ nghĩa

Trên Twitter, Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez cho phổ biến bài cô đã phát biểu trong Đại hội với phụ đề bằng tiếng Tây Ban Nha.

Cô kêu gọi đảng Dân chủ chấp nhận các giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe, giáo dục đại học, lương đủ sống và quyền lao động cho mọi người ở Mỹ và kết thúc bằng lời đề cử Thượng nghị sĩ Bernie Sanders làm ứng cử viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ.

Qua đó có thể thấy cô đã không đồng ý với việc đề cử ông Biden, cũng như nói rõ quan điểm muốn thắng cử đảng Dân chủ cần có đường lối và chính sách rõ ràng.

Đây một dấu hiệu quan trọng nó có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử vì cô thu hút được nhiều người trẻ và người gốc Nam Mỹ cánh tả.

Ai thắng ai ?

Bầu cử Tổng thống lần trước (2016), nhiều cử tri đảng Dân chủ không đi bầu là vì chính trị bản sắc không đủ sức hấp dẫn họ và họ không biết đảng Dân chủ sẽ đưa nước Mỹ về đâu.

Đại hội đảng Cộng hòa 2020 cũng đã bắt đầu, việc tranh cử càng ngày càng trở nên ráo riết, mong rằng sẽ có nhiều thông tin hơn về đường lối và chiến lược của cả hai đảng trong những ngày sắp tới.

Đảng Dân chủ lần này không lạc quan về một "làn sóng xanh", một chiến thắng áp đảo như hai cuộc bầu cử 2016 và giữa kỳ 2018 vừa qua.

Nếu liên danh Biden – Harris thất cử thì rõ ràng cử tri Mỹ đã chán ngấy chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc, giới tính và vóc dáng bề ngoài.

Nếu thế, đảng Dân chủ cần vượt qua "thời kỳ đen tối", quay trở lại cách thức tranh cử cổ điển, thuyết phục cử tri bằng chính sách và chiến lược cụ thể rõ ràng.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 25/8/2020

Nguyễn Quang Duy

Additional Info

  • Author Nguyễn Quang Duy
Published in Diễn đàn

Bầu cử Mỹ : Harris lá chủ bài đa năng của Joe Biden

Do đâu mà Joe Biden chọn Kamala Harris đứng cùng liên danh ? Vì sao quảng cáo vac-xin của Putin làm giới khoa học quốc tế hoài nghi ? Đó là các câu hỏi trên các báo phát hành tại Paris ngày 13/08/2020.

harris00

Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và bà Kamala Harris, trong cuộc mít tinh vận động tranh cử tại trường Alexis Dupont High School, Wilmington, Delaware, Mỹ, ngày 12/08/2020. AP - Carolyn Kaster

Kamala Harris : chọn lựa lịch sử của phe Dân chủ

"Chiến binh Harris", nữ thượng nghi sĩ mà ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden mời làm "phó" là một nhân vật thuộc phe trung tả, da màu, mẹ là bác sĩ ung thư gốc Ấn, cha là giáo sư kinh tế người Jamaica.

Le Monde, trong bài vì sao Biden chọn Harris, nói qua về những ưu thế của cựu chưởng lý bang California mà Joe Biden ca ngợi là một nhân vật thông minh sẵn sàng lãnh đạo đất nước. Trước hết bà là phụ nữ da đen đầu tiên có cơ may làm phó tổng thống Mỹ. Chọn Harris, ông Biden trấn an được phe tả của đảng Dân chủ, bảo đảm được lá phiếu của cử tri ủng hộ Bernie Sanders, những lá phiếu mà cách nay gần bốn năm Hillary Clinton không thu hút được.

Trong xu thế này, New York Times, khắc tinh của chủ nhân Nhà Trắng nhận định : Kamala Harris sẽ tạo "xung lực" cho chiến dịch vận động của Joe Biden, có một tương lai trước mặt để động viên thành phần trẻ không mấy hăng hái, hứng thú bỏ phiếu cho một ứng cử viên trên 70 tuổi. Chưa hết, Kamala Harris sẽ huy động được lá phiếu ở hai bang quan trọng là Bắc Carolina và Georgia, nơi có đông đảo cử tri gốc Châu Phi.

Theo các tổ chức nữ quyền, năm 2020 này có thể sẽ là năm phụ nữ da đen. Họ luôn nhắc nhở là trong kỳ bầu cử 2016, có 54% phụ nữ da trắng bầu cho Donald Trump, 94% phụ nữ da đen bầu cho Hillary Clinton.

Libération cùng nhận định : Kamala Harris là lá chủ bài trên mọi mặt của Joe Biden. Vừa bảo đảm thu hút được lá phiếu của thành phần cử tri truyền thống của đảng Dân chủ vừa có thể chinh phục được giới phụ nữ các vùng ngoại ô nghèo, chìa khóa thành công

Thắng bại là do Trump

Le Figaro phân tích tương tự về các lợi thế của bà Kamala Harris trong bài Trump sẵn sàng đấu trận cuối cùng, nhưng đưa ra kết luận khác trong bài "Trump đấu với Trump". Theo nhật báo thiên hữu, yếu tố Harris thật ra không quyết định thành bại của Donald Trump trong ngày 03/11 tới. Tất cả đều tùy thuộc ở Trump, vào thành quả kinh tế cái được cái không, vào cá tính không giống ai.

Người Mỹ sẽ đi bầu vì thương hay vì ghét. Nếu cử tri Mỹ, sau bốn năm với Trump đã cảm thấy mệt mỏi thì Joe Biden sẽ là người trở lại một phần nào của thời kỳ trước 2016.

Vac-xin Covid : Putin dùng chiến tranh tâm lý thời Liên Xô

Đề tài đồng thuận thứ hai là "Vac-xin của Putin" : Làm thế nào mà tổng thống Nga có thể khẳng định Nga chế tạo vac-xin chống Covid 19 mà không qua các thủ tục thử nghiệm đại trà ? Theo Le Monde, cuộc chạy đua vac-xin của Putin làm dân Nga đâm ra nghi ngờ chính quyền sử dụng nghiên cứu khoa học để phục vụ mục tiêu chính trị. Nào là "chúng ta đi trước Mỹ, đi trước cả thế giới". Mười ngày trước, Kiril Dmitriev, chủ tịch Quỹ đầu tư quốc gia, tài trợ cho chương trình vac-xin tuyên bố khoa trương.

Nhắc lại thái độ này, Le Monde châm biếm : Thắng rồi. Chuyện còn lại bây giờ là điện Kremlin phải thuyết phục người Nga tin tưởng vào hiệu năng của thuốc chủng Nga chống Covid 19 và tính vô hại của nó.

Ngay việc chọn tên "Sputnik V" hàm ý Nga đi trước Mỹ trong cuộc đua chinh phục không gian.

Trong cuộc chạy đua tìm vac-xin chống Covid, Châu Âu xem đây là nhiệm vụ chung của cộng đồng quốc tế thì Nga và Trung Quốc nhắm vào mục tiêu địa chính trị.

Không phải ngẫu nhiên mà Nga đặt tên vac-xin chống Covid là Sputnik V. V là số 5 mà V cũng là chiến thắng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà con gái của Putin "tự nguyện" làm người thử (cobaye). Cũng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc khẳng định là các tướng lãnh tham gia nhận liều vac-xin thử nghiệm.

Qua ngòi bút của chuyên gia địa chiến lược Pháp Antoine Bondez, La Croix nhắc lại là vào năm 1957 khi người Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất lên quỹ đạo và mang tên Sputnik-1 thì vào thời điểm đó Liên Xô đã thua Mỹ về công nghệ không gian. Tuy nhiên, thành công của Sputnik làm người Mỹ hoang mang nghĩ rằng Hoa Kỳ thua, Liên Xô thắng. Sự thật không phải là như thế nhưng Sputnik gây "sốc" trong công luận Mỹ và dẫn đến một cuộc chạy đua chinh phục không gian. Với vac-xin thì cũng có cùng tác động. Báo New York Times chạy tựa : Trân Châu cảng công nghệ.

Covid tại Pháp : giới trẻ trong tầm nhắm

2.500 ca trong một ngày, nước Pháp lo lắng trước hiện tượng Covid lây lan mạnh trở lại và nhất là trong giới trẻ. "Làm sao đánh thức tinh thần trách nhiệm của thế hệ 20-30 đang bị siêu vi corona tấn công ngày càng nhiều ?" và "Thanh niên : coi chừng Covid tấn công các bạn" là hai bài báo động của Le Monde.

Lời kêu gọi khẩn thiết của giáo sư Jean François Defraisy, chủ tịch Hội đồng Khoa học Covid 19 của Pháp được Le Monde trích lại nguyên văn: "Cộng đồng trẻ hiểu nguy cơ siêu vi corona lây lan trong giới trẻ. Nhưng họ không hiểu là cần phải tự bảo vệ và bảo vệ người khác nữa và tương lai của chính họ". Theo các số liệu công bố trong tuần đầu tháng 8, số ca bị nhiễm siêu vi corona chủng mới tăng 45% trong thành phần bệnh nhân từ 15 đến 45, đặc biệt là trong độ tuổi 20-30. Tháng hè với bãi biển, sinh nhật, họp mặt, vui chơi là cơ hội tốt cho Covid 19 lây lan.

Les Echos cho biết thêm là trong số các ổ dịch mới bùng ra, 20% là từ các cơ quan làm việc. Trong tình hình này, các công ty tại Pháp bị áp lực buộc nhân viên đeo khẩu trang thường trực.

Cũng cùng lời báo động : Giới thanh niên giúp Covid lan mạnh hơn. Le Figaro cho biết bộ trưởng Nội vụ đã nghiêm khắc chỉ thị cho các tỉnh trưởng trong vòng ba tuần phải báo cáo chiến thuật chận dịch lây lan, mà ông cho là "có lơ là" từ khi biện pháp phong tỏa, cách ly được hủy bỏ. Nhật báo thiên hữu dự báo sẽ có nhiều nhà hàng, vũ trường, bãi biển, công viên những tụ điểm của giới trẻ sẽ bị kiểm soát gắt gao.

Nhân quyền Châu Á

Liên quan đến nhân quyền, Les Echos cho biết Liên Hiệp Châu Âu vừa tái áp đặt thuế quan đối với một số hàng sản xuất từ Cam Bốt để trừng phạt cảnh cáo chính quyền Hun Sen không tôn trọng quyền công nhân. Tuy nhiên, Bruxelles thận trọng, không cắt nguồn dưỡng khí đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào tay Trung Quốc.

Les Echos cũng lưu tâm đến tình hình Hồng Kông với bài "Các nhà hoạt động trước bánh xe hủ lô cán đá, luật an ninh, của Trung Quốc. Giới doanh nhân cũng lo sợ dữ kiện, thông tin khách hàng bị lọt vào tay an ninh Trung Quốc.

Địa Trung hải dậy sóng

La Croix trên trang nhất báo động về sự kiện tàu thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ra vào lãnh hải của láng giềng : Ankara chơi trò nguy hiểm ở Địa Trung Hải và biển Egée, gây căng thẳng với Chyprus và Hy Lạp.

Trong khu vực, tại Lebanon, Libération dành một trang phóng sự về số phận hẩm hiu của những lao động nước ngoài chết trong vụ nổ hóa chất mà không được một ai đoái hoài, không một giọt nước mắt xót thương.

Cùng lúc đó, người dân Lebanon phẫn uất xuống đường phản đối hệ thống chính trị vô tâm thì bị đàn áp thẳng tay.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Biến cố lịch sử đã diễn ra ở Mỹ ngày thứ Ba, 11/08/2020 khi cựu Phó Tổng thống Jose Biden, chuẩn ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ chọn Thượng nghị sĩ da mầu, bà Kamala Harris là ứng viên Phó Tổng thống chống lại liên danh đương nhiệm của đảng Cộng hòa, Donald Trump-Mike Pence.

kamala1

Liên danh Joe Biden - Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020

Nhưng bà Harris là ai, và liệu chính trị gia có hai dòng máu gốc Châu Phi và Ấn Độ có thể giúp đảng Dân chủ giành lại tòa Bạch Ốc và nắm đa số cả Thượng lẫn Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 ?

Cuộc đời Kamala Harris

Nghị sĩ Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, California. Bà là con cả trong hai chị em của bà Shyamala Gopalan, nhà nghịên cứu bệnh ung thư người Mỹ gốc Ấn Độ và ông bố Donald Harris, Giáo sư Kinh tế gốc Jamaica.

Cha mẹ bà gặp nhau tại Đại học University of California, Berkeley, sau năm 1960 khi hai người theo đuổi học trình cấp cao sau đại học. Nhưng cha mẹ bà đã chia tay khi bà lên 7.

Tuổi ấu thơ của bà Harris gặp nhiều khó khăn về kinh tế gia đình vì bà mẹ phải gánh vác một mình nuôi hai con. Ở bậc tiểu học, bà từng phải đi học xa nhà mỗi ngày theo kế hoạch pha lẫn chủng tộc của tiểu bang California.

Hết bậc trung học, bà Kamala Harris ghi danh vào Đại học Howard University, một trường nổi tiếng của người da mầu ở Hoa Thịnh Đốn. Sau đó, bà tốt nghiệp ngành Luât tội phạm (Criminal law) tại Hastings College of the Law, University of California.

Sự nghiệp chính trị của bà Harris khởi sắc từ khi bà là phụ nữ đầu tiên được bầu làm Chánh án thứ 27 của quận hạt San Francisco và nắm giữ chức vụ này trong suốt 11 năm, từ ngày 8/02/2004 đến ngày 03/01/2011.

Sau đó, bà cũng là phụ nữ đầu tiên đắc cử chức Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang California từ ngày 3/01/2011 đến ngày 3/01/2017.

Không chỉ có vậy, trong cuộc tranh cử chức Thượng nghị sĩ tháng 11/2016, bà Harris đã đánh bại bà Loretta Sanchez, cùng đảng Dân chủ, sau 20 năm giữ ghế Dân biểu liên bang (1997-2017). Thống kê kiểm phiếu cho thấy ứng cử viên Kamala Harris thắng phiếu tại 54 trên tổng số 58 quân hạt, kể cả Orange county, quận nhà của bà Sanchez. Trong khi đó, không ứng viên nào của đảng Cộng hòa hội đủ tiêu chuẩn tranh cử chức vụ này, sau cuộc bầu sơ bộ.

Với chiến thắng năm 2016, bà Harris trở thành Nghị sĩ nữ da mầu thứ hai tại Thượng viện, sau Nghị sĩ Carol Moseley Braun của tiểu bang Illinois, chỉ phục vụ một nhiệm kỳ từ 1993 đến 1999. Tuy nhiên, bà Harris là Nghị sĩ gốc Ấn Độ (Nam Á, South Asia) đầu tiên vào Thượng viện.

Người Mỹ gốc Ấn Độ-Châu Phi-Châu Mỹ la-tinh

Theo thống kê năm 2018, dân số người Mỹ gốc Ấn là 3.852.293 người sống rải rác trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ. Nổi bật trong số các viên chức gốc Ấn đắc cử vào guồng máy chính trị cao cấp của Mỹ là hai Thống đốc Cộng hòa : ông Bobby Jindal, bang Louisiana, và bà Nikki Haley, bang South Carolina.

Ngoài ra cộng đồng người Mỹ gốc Ấn cũng có ba thị trưởng được bầu tại các thành phố Hoboken (New Jersey), Anaheim (California) và San Antonio (Texas).

Đến nay, bà Kamala Harris là phụ nữ thứ 4 ở Mỹ được một đảng chính trị lớn chọn là ứng cử viên Phó Tổng thống. Ba người kia gồm ứng cử viên Tổng thống, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của đảng Dân chủ, năm 2016. Hai nữ ứng viên Phó Tổng thống khác là Thống đốc Alaska, Sarah Palin trong liên danh Cộng hòa John McCain năm 2008 và Dân biểu liên bang, Geraldine Ferraro, trong liên danh Walter Mondale năm 1984. Tất cả những phụ nữ này đều thất cử trong cuộc đua.

Lần nay liệu nữ ứng viên Phó Tổng thống Harris có thể làm thay đổi thế cờ trong cuộc tranh cử cho đảng Dân chủ năm 2020 hay không ? Hay cặp liên danh Dân chủ này cũng sẽ thất bại trước liên danh Cộng hòa đương nhiệm Donald Trump và Mike Pence ?

Thử tìm hiểu xem khả năng thắng cử của bà Kamala Harris.

Trước hết, bà Harris có 3 yếu tố thuận lợi hơn Trump-Pence, đó là bà có triển vọng thu được phiếu của cử trị :

- Gốc Ấn và Nam Châu Á  (South Asia) như Pakistan và Afghanistan.

- Gốc Châu Phi vì bố bà Harris có nguồn gốc từ nô lệ Châu Phi được người Anh đem đến Jamaica.

- Cũng rất có thể ứng viên Harris sẽ thu được nhiều phiếu của cộng đồng 23 triệu cử tri di dân, đa số gốc Hispanic, ở Mỹ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Joe Biden được 55% cử tri di dân ủng hộ, trong khi Donald Trump chỉ có 33%.

Kế đến là sự ủng hộ của cử tri gốc di dân, cự ngụ đông nhất tại các tiểu bang : California (5,5 triệu), New York (2,5 triệu), Florida (2,5 triệu) ; Texas và New Jersey, mỗi nơi có từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu.

Các hãng thăm dò còn cho biết có tới 62% cử tri gốc Nam Mỹ nghiêng hay ủng hộ đảng Dân chủ, trong khi chỉ có 34% nghiêng hay ủng hộ đảng Cộng hòa.

Với số thống kê mới này, các chuyên viên thăm dò dư luận chứng minh, cho đến ngày 12/08/2020 ông Joe Biden dẫn đầu từ 10 đến 13 điểm trên toàn quốc hơn Donald Trump. Ông Biden cũng dẫn đầu từ 3 đến 4 điểm ở các tiểu bang mà ông Trump thắng cử năm 2016, đó là Michigan, Wisconsin và Pennsykvania.

Ngoài ra hai tiểu bang, từng được coi chắc chắn đã "nằm trong tay" đảng Cộng Hòa, nay lại nghiêng về đảng Dân chủ là Florida và North Carolina.

Tại sao có sự chuyển hướng này ? Có hai lý do : Vụ George Perry Floyd Jr và dịch Covid 19.

Yếu tố George Floyd-Covid-19

Ông George Floyd bị cảnh sát viên Derek Chauvin dùng đầu gối đè chấn lên cổ lâu gần 8 phút khiến anh tắt thở ngày 25/05/2020 tại Minneapolis, Minnesota.

Sau đó bạo loạn và chiến dịch chống Cảnh sát lan tràn khắp nước Mỹ. Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa đã không có những giải pháp tích cực để giải tỏa áp lực phẫn nộ của quần chúng. Ngược lại ông Trump đã có một số lời nói và tuyên bố đổ dầu vào lửa khiến dư luận người dân thiểu số, đặc biệt là người da mầu bất mãn.

Bên cạnh tình trạng kỳ thị không nguội đi sau vụ George Floyd, chính quyền Donald Trump đã thất bại trong kế hoạch kiểm soát sự lây lan dịch Vũ Hán, Covid 19. Tính đến ngày 12/08/2020), nước Mỹ có 5.356.629 ca lây nhiễm, trong số này 168.992 người đã chết.

Đại dịch cũng đã làm cho nhiều công ty, xí nghiệp, nhà hàng đóng cửa, nâng tổng số người thất nghiệp lên hơn 16 triệu người, tính đến tháng 7/2020. Tính chung, số thất nghiệp hiện nay từ 10,2 đến 11,1% nhân số tích cực.

Các sự kiện trên đây đã làm cho Tổng thống Trump mất uy tính lãnh đạo với nhân dân. Các cuộc thăm dò dư luận ghi nhận ông chỉ được từ 39% đến 42% người dân tín nhiệm, trong khi số không chấp nhận trung bình từ 54% đến 59%.

Các hãng thăm dò ý dân đã thống nhất kết luận rằng hầu hết các ý kiến cho rằng Tổng thống Trump không có khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng kỳ thị mầu da, dịch Covid 19 và tình trạng kinh tế suy sụp do nạn dịch gây ra. Đa số người được hỏi ý kiến cũng đồng ý rằng chính quyền Trump rất ít có khả năng làm cho tình hình sáng sủa hơn trước ngày bầu cử 3/11/2020. Nếu đúng như thế thì cán cân sẽ nghiêng về phía liên danh Joe Biden-Kamala Harris.

Như vậy, cuộc tranh cử giữa Tổng thống Trump và nguyên Phó Tổng thống Joe Biden sẽ chỉ tập trung vào những chủ đề nội tại của nước Mỹ và đời sống của người Mỹ hơn bất cứ vấn đề nào khác trong 80 ngày tới.

Phạm Trần

(12/08/2020)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn