Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/08/2020

Điểm báo Pháp - Harris lá chủ bài đa năng của Joe Biden

RFI tiếng Việt

Bầu cử Mỹ : Harris lá chủ bài đa năng của Joe Biden

Do đâu mà Joe Biden chọn Kamala Harris đứng cùng liên danh ? Vì sao quảng cáo vac-xin của Putin làm giới khoa học quốc tế hoài nghi ? Đó là các câu hỏi trên các báo phát hành tại Paris ngày 13/08/2020.

harris00

Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và bà Kamala Harris, trong cuộc mít tinh vận động tranh cử tại trường Alexis Dupont High School, Wilmington, Delaware, Mỹ, ngày 12/08/2020. AP - Carolyn Kaster

Kamala Harris : chọn lựa lịch sử của phe Dân chủ

"Chiến binh Harris", nữ thượng nghi sĩ mà ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden mời làm "phó" là một nhân vật thuộc phe trung tả, da màu, mẹ là bác sĩ ung thư gốc Ấn, cha là giáo sư kinh tế người Jamaica.

Le Monde, trong bài vì sao Biden chọn Harris, nói qua về những ưu thế của cựu chưởng lý bang California mà Joe Biden ca ngợi là một nhân vật thông minh sẵn sàng lãnh đạo đất nước. Trước hết bà là phụ nữ da đen đầu tiên có cơ may làm phó tổng thống Mỹ. Chọn Harris, ông Biden trấn an được phe tả của đảng Dân chủ, bảo đảm được lá phiếu của cử tri ủng hộ Bernie Sanders, những lá phiếu mà cách nay gần bốn năm Hillary Clinton không thu hút được.

Trong xu thế này, New York Times, khắc tinh của chủ nhân Nhà Trắng nhận định : Kamala Harris sẽ tạo "xung lực" cho chiến dịch vận động của Joe Biden, có một tương lai trước mặt để động viên thành phần trẻ không mấy hăng hái, hứng thú bỏ phiếu cho một ứng cử viên trên 70 tuổi. Chưa hết, Kamala Harris sẽ huy động được lá phiếu ở hai bang quan trọng là Bắc Carolina và Georgia, nơi có đông đảo cử tri gốc Châu Phi.

Theo các tổ chức nữ quyền, năm 2020 này có thể sẽ là năm phụ nữ da đen. Họ luôn nhắc nhở là trong kỳ bầu cử 2016, có 54% phụ nữ da trắng bầu cho Donald Trump, 94% phụ nữ da đen bầu cho Hillary Clinton.

Libération cùng nhận định : Kamala Harris là lá chủ bài trên mọi mặt của Joe Biden. Vừa bảo đảm thu hút được lá phiếu của thành phần cử tri truyền thống của đảng Dân chủ vừa có thể chinh phục được giới phụ nữ các vùng ngoại ô nghèo, chìa khóa thành công

Thắng bại là do Trump

Le Figaro phân tích tương tự về các lợi thế của bà Kamala Harris trong bài Trump sẵn sàng đấu trận cuối cùng, nhưng đưa ra kết luận khác trong bài "Trump đấu với Trump". Theo nhật báo thiên hữu, yếu tố Harris thật ra không quyết định thành bại của Donald Trump trong ngày 03/11 tới. Tất cả đều tùy thuộc ở Trump, vào thành quả kinh tế cái được cái không, vào cá tính không giống ai.

Người Mỹ sẽ đi bầu vì thương hay vì ghét. Nếu cử tri Mỹ, sau bốn năm với Trump đã cảm thấy mệt mỏi thì Joe Biden sẽ là người trở lại một phần nào của thời kỳ trước 2016.

Vac-xin Covid : Putin dùng chiến tranh tâm lý thời Liên Xô

Đề tài đồng thuận thứ hai là "Vac-xin của Putin" : Làm thế nào mà tổng thống Nga có thể khẳng định Nga chế tạo vac-xin chống Covid 19 mà không qua các thủ tục thử nghiệm đại trà ? Theo Le Monde, cuộc chạy đua vac-xin của Putin làm dân Nga đâm ra nghi ngờ chính quyền sử dụng nghiên cứu khoa học để phục vụ mục tiêu chính trị. Nào là "chúng ta đi trước Mỹ, đi trước cả thế giới". Mười ngày trước, Kiril Dmitriev, chủ tịch Quỹ đầu tư quốc gia, tài trợ cho chương trình vac-xin tuyên bố khoa trương.

Nhắc lại thái độ này, Le Monde châm biếm : Thắng rồi. Chuyện còn lại bây giờ là điện Kremlin phải thuyết phục người Nga tin tưởng vào hiệu năng của thuốc chủng Nga chống Covid 19 và tính vô hại của nó.

Ngay việc chọn tên "Sputnik V" hàm ý Nga đi trước Mỹ trong cuộc đua chinh phục không gian.

Trong cuộc chạy đua tìm vac-xin chống Covid, Châu Âu xem đây là nhiệm vụ chung của cộng đồng quốc tế thì Nga và Trung Quốc nhắm vào mục tiêu địa chính trị.

Không phải ngẫu nhiên mà Nga đặt tên vac-xin chống Covid là Sputnik V. V là số 5 mà V cũng là chiến thắng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà con gái của Putin "tự nguyện" làm người thử (cobaye). Cũng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc khẳng định là các tướng lãnh tham gia nhận liều vac-xin thử nghiệm.

Qua ngòi bút của chuyên gia địa chiến lược Pháp Antoine Bondez, La Croix nhắc lại là vào năm 1957 khi người Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất lên quỹ đạo và mang tên Sputnik-1 thì vào thời điểm đó Liên Xô đã thua Mỹ về công nghệ không gian. Tuy nhiên, thành công của Sputnik làm người Mỹ hoang mang nghĩ rằng Hoa Kỳ thua, Liên Xô thắng. Sự thật không phải là như thế nhưng Sputnik gây "sốc" trong công luận Mỹ và dẫn đến một cuộc chạy đua chinh phục không gian. Với vac-xin thì cũng có cùng tác động. Báo New York Times chạy tựa : Trân Châu cảng công nghệ.

Covid tại Pháp : giới trẻ trong tầm nhắm

2.500 ca trong một ngày, nước Pháp lo lắng trước hiện tượng Covid lây lan mạnh trở lại và nhất là trong giới trẻ. "Làm sao đánh thức tinh thần trách nhiệm của thế hệ 20-30 đang bị siêu vi corona tấn công ngày càng nhiều ?" và "Thanh niên : coi chừng Covid tấn công các bạn" là hai bài báo động của Le Monde.

Lời kêu gọi khẩn thiết của giáo sư Jean François Defraisy, chủ tịch Hội đồng Khoa học Covid 19 của Pháp được Le Monde trích lại nguyên văn: "Cộng đồng trẻ hiểu nguy cơ siêu vi corona lây lan trong giới trẻ. Nhưng họ không hiểu là cần phải tự bảo vệ và bảo vệ người khác nữa và tương lai của chính họ". Theo các số liệu công bố trong tuần đầu tháng 8, số ca bị nhiễm siêu vi corona chủng mới tăng 45% trong thành phần bệnh nhân từ 15 đến 45, đặc biệt là trong độ tuổi 20-30. Tháng hè với bãi biển, sinh nhật, họp mặt, vui chơi là cơ hội tốt cho Covid 19 lây lan.

Les Echos cho biết thêm là trong số các ổ dịch mới bùng ra, 20% là từ các cơ quan làm việc. Trong tình hình này, các công ty tại Pháp bị áp lực buộc nhân viên đeo khẩu trang thường trực.

Cũng cùng lời báo động : Giới thanh niên giúp Covid lan mạnh hơn. Le Figaro cho biết bộ trưởng Nội vụ đã nghiêm khắc chỉ thị cho các tỉnh trưởng trong vòng ba tuần phải báo cáo chiến thuật chận dịch lây lan, mà ông cho là "có lơ là" từ khi biện pháp phong tỏa, cách ly được hủy bỏ. Nhật báo thiên hữu dự báo sẽ có nhiều nhà hàng, vũ trường, bãi biển, công viên những tụ điểm của giới trẻ sẽ bị kiểm soát gắt gao.

Nhân quyền Châu Á

Liên quan đến nhân quyền, Les Echos cho biết Liên Hiệp Châu Âu vừa tái áp đặt thuế quan đối với một số hàng sản xuất từ Cam Bốt để trừng phạt cảnh cáo chính quyền Hun Sen không tôn trọng quyền công nhân. Tuy nhiên, Bruxelles thận trọng, không cắt nguồn dưỡng khí đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào tay Trung Quốc.

Les Echos cũng lưu tâm đến tình hình Hồng Kông với bài "Các nhà hoạt động trước bánh xe hủ lô cán đá, luật an ninh, của Trung Quốc. Giới doanh nhân cũng lo sợ dữ kiện, thông tin khách hàng bị lọt vào tay an ninh Trung Quốc.

Địa Trung hải dậy sóng

La Croix trên trang nhất báo động về sự kiện tàu thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ra vào lãnh hải của láng giềng : Ankara chơi trò nguy hiểm ở Địa Trung Hải và biển Egée, gây căng thẳng với Chyprus và Hy Lạp.

Trong khu vực, tại Lebanon, Libération dành một trang phóng sự về số phận hẩm hiu của những lao động nước ngoài chết trong vụ nổ hóa chất mà không được một ai đoái hoài, không một giọt nước mắt xót thương.

Cùng lúc đó, người dân Lebanon phẫn uất xuống đường phản đối hệ thống chính trị vô tâm thì bị đàn áp thẳng tay.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 580 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)