Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/08/2020

Điểm báo Pháp - Trump nhẫn nhịn về thương mại với Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Vì sao Donald Trump nhẫn nhịn khác thường với Trung Quốc về thương mại

Tựa chính trang nhất các tờ báo lớn ra hôm 14/08/2020 rất đa dạng : Le Figaro tìm hiểu "Vì sao Macron dấn thân vào Lebanon", Libération nói về "Nicolas Sarkozy và siêu phẩm mùa hè", Le Monde nêu bật cuộc "Tranh luận về những sắc thái cực đoan mới của phong trào nữ quyền", trong lúc Les Echos chạy tựa về sự kiện "Ngành bán lẻ khởi động trở lại cuộc chiến giá cả" và La Croix đau xót trước sự kiện "Thánh Địa Lourdes vắng bóng bệnh nhân hành hương" nhân dịp lễ Thăng Thiên ngày mai.

thuingmai1

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu thỏa thuận thương mại được ký kết tại Nhà Trắng vào ngày 15/01/2020.  AFP

Về thời sự quốc tế, nổi bật trên các báo là tình hình căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tại miền đông Địa Trung Hải và chiến dịch thẳng tay đàn áp đối lập của tổng thống Belarus Lukachenko vừa tái đắc cử sau một cuộc bỏ phiếu bị đánh giá là gian lận.

Riêng về hồ sơ rất thường được bình luận trong thời gian gần đây là quan hệ Mỹ-Trung, chủ yếu là căng thẳng, nhật báo Les Echos hôm nay có một phân tích lý thú về thái độ nhẫn nhịn khác thường của chính quyền Donald Trump đối với Bắc Kinh trong lãnh vực thương mại, đối lập hẳn với những chỉ trích gay gắt trong những địa hạt khác.

Mỹ vẫn nhẹ tay với Bắc Kinh dù thương mại không đạt mục tiêu

Trong bài "Hoa Kỳ vẫn nhẹ tay với Trung Quốc dù thỏa thuận thương mại không mang lại nhiều lợi quả", Les Echos ghi nhận là trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm Mỹ qua Trung Quốc, theo thỏa thuận với Bắc Kinh, chỉ đạt tổng cộng 33,1 tỷ đô la, nhưng chính quyền Trump vẫn tỏ ra hài lòng về kết quả thu được.

Tuần này, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, đã cho thấy cảm nhận chung : "Trước mắt thì vẫn tốt".

Số liệu trao đổi thương mại còn rất xa những cam kết lúc đầu năm của Bắc Kinh để cân bằng lại trao đổi với Mỹ như được ghi trong thỏa thuận vào tháng Giêng. Xuất khẩu Mỹ đạt 33,1 tỷ đô la trong lúc mục tiêu nhắm đến là 71,3 tỷ, theo số liệu của viên Peterson Institute.

Xuất khẩu nông sản của Mỹ, trọng tâm của giai đoạn đầu thỏa thuận thương mại, có lợi cho thành phần cử tri mà Donald Trump o bế, cũng không cao như dự kiến, chỉ đạt 8,7 tỷ đô la trong lúc mục tiêu nhắm tới là gấp đôi.

Thế nhưng vào đầu tuần, ông Trump đã đánh giá là thỏa thuận với Trung Quốc là một thỏa thuận "tuyệt vời", với những con số tốt đẹp "khó tin". Mặc dù có trở ngại do dịch Covid-19, ông Trump "hy vọng có thể đạt những con số này ngay cả vào năm tới".

Đối với Les Echos, tổng thống Mỹ như cho thấy là ông không muốn gây sức ép thêm với Bắc Kinh trên hồ sơ này.

Tổng thống Trump không muốn cho thấy là thỏa thuận thất bại

Theo nhận định của Gary Hufbauer, viện Peterson Institute (PIIE) thì tổng thống Mỹ "hy vọng Trung Quốc sẽ còn mua thêm nhiều nông sản trong những tuần lễ tới đây, tất nhiên là trước cuộc bầu cử. Đây là những sản phẩm có thể lưu kho dự trữ, tóm lại đó là một quyết định mang tính chính trị của lãnh đạo Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không làm thế, thì người ta có thể chờ đợi một cuộc tấn công của Washington vào tháng 10".

Theo phân tích của Claire Reade thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS tại Washington, do tầm quan trọng của thỏa thuận để hỗ trợ các thị trường tài chính Mỹ và xuất khẩu nhiều nông sản hơn nữa, phần lớn đến từ các bang của đảng Cộng hòa, rất có thể là Donald Trump phải "tự kiềm chế", vì nếu "chính quyền Mỹ để giai đoạn đầu của thỏa thuận chết đi, thì ông rất khó giải thích vì sao gây nên cuộc chiến thương mại lâu dài này và ông có thể bị xem là đã thất bại".

Thương mại, như thể vẫn có thể là một cái neo giúp ổn định quan hệ ngày càng gay go giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong phát biểu đặc biệt gay gắt vào tháng 7, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho là "phải kiểm chứng khi họ (Trung Quốc) đưa một lời hứa". Nhà Trắng thì hàng ngày vẫn chỉ trích Bắc Kinh về việc phát tán "virus Trung Quốc".

Thứ Tư vừa qua, ông Trump vẫn còn nói "Tôi rất tức giận Trung Quốc" khi nhắc đến đại dịch, một quan điểm tương ứng với tâm lý của dân chúng Mỹ ngày càng ghét Trung Quốc, theo kết quả thăm dò dư luận của Pew Research.

Belarus : Chế độ Loukachenko khẳng định bản chất tàn bạo

Về tình hình Belarus, tất cả các báo Pháp đều bày tỏ thái độ phẫn nộ trước chiến dịch đàn áp thô bạo của chính quyền Loukachenko đối với những người biểu tình phản đối việc tổng thống mãn nhiệm tái đắc cử trong một cuộc bầu cử bị tố cáo là một ‘trò hề" gian lận.

Đối với Le Monde, không còn mơ hồ gì nữa : "Tại Belarus, sự biến chất thành một chế độ tàn bạo đã được xác nhận", tựa bài viết ở trang quốc tế.

Tờ báo Pháp nêu bật những bằng chứng : ít nhất hai người biểu tình đã bị cảnh sát giết chết khi biểu tình phản đối bầu cử bị coi là gian lận, trên hiện trường, người ta nhặt được vỏ đạn súng AK, cho thấy là cảnh sát đã dùng đến vũ khí tấn công, dùng trong chiến tranh.

Đối với người dân biểu tình, chế độ của tổng thống Loukachenko đã trị vì trên đất nước này từ hơn 1/4 thế kỷ nay đã chuyển hẳn qua hướng độc tài, và quyết bám víu vào quyền lực bằng bất cứ giá nào.

Le Monde trích dẫn Tadeusz Gizcan, một nhà nghiên cứu người Belarus cho rằng cuộc đàn áp hiện nay sẽ "không có giới hạn nào" và về thực chất "đó là một cuộc chiến", một cuộc chiến tranh chống lại người dân của mình.

Trả lời kênh thông tin TVN24bis của Ba Lan, nhà xã hội học Slawomir Sierakowski từ Belarus đã mô tả cảnh lực lượng OMON, tức là cảnh sát chống bạo động, bắn thẳng vào người dân "như bắn vào đàn vịt" chứ không đơn thuần là bắn cảnh cáo.

Mang kịch bản thảm sát Andijan ra dọa đối lập

Riêng tổng thống Loukachenko, theo Le Monde, đã không ngần ngại gợi lên ngay từ tháng Sáu vừa qua một kịch bản đầy tính đe dọa khi ông nhắc nhở những người phản đối ông về vụ thảm sát Andijan vào tháng 05/2005 tại Uzbekistan : "Các người không nhớ là cựu tổng thống [Uzbekistan] Karimov đã đàn áp một cuộc đảo chính ở Andijan bằng cách bắn hàng ngàn người sao ? (…) Thế thì chúng tôi sẽ nhắc lại cho các người biết !".

Le Figaro cũng quan ngại trước tình trạng : "Đàn áp gia tăng ở Belarus", với những đoạn video được lưu hành trên mạng, sau khi chính quyền cho tái lập mạng internet, cho thấy lực lượng cảnh sát Belarus thẳng tay đánh đập người biểu tình.

Dùng vũ khí "sợ hãi" để trấn áp

Đối với tờ báo Pháp, rõ ràng là chế độ Loukachenko đang dùng vũ khí sợ hãi để trấn áp phong trào phản đối, như đã thành công vào năm 2010, cũng nhắm vào những cuộc biểu tình chống ông tái đắc cử cho một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư.

Theo Le Figaro, lần này tình hình có phần đổi khác, và đòn đàn áp hù dọa của nhà lãnh đạo chuyên chế có thể thất bại vì đã xuất hiện một vài dấu hiệu rạn nứt trong thành phần ủng hộ chế độ, như một số nhà báo trong hệ thống truyền thông Nhà nước đã từ chức và tố cáo chính quyền trong những bài viết trên mạng, hay là nhiều quân nhân và cảnh sát tự quay phim, chiếu cảnh họ bỏ quân phục, cảnh phục vào thùng rác và tuyên bố không còn có thể phục vụ đất nước được nữa.

Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng ngày nào mà giới lãnh đạo các lực lượng võ trang, đặc biệt là lực lượng 3.000 nhân viên cơ quan an ninh FSB, còn ủng hộ ông Loukachenko, thì ngày đó nhà độc tài vẫn đứng vững.

Để có thể lật đổ chế độ Loukachenko, một nhà phân tích Nga cho rằng cần phải có một phong trào tổng đình công theo kiểu Công đoàn Đoàn kết Solidarnosc từng làm ở Ba Lan trước đây. Có điều là những lời kêu gọi tổng đình công cho đến hôm qua có vẻ như không mấy được hưởng ứng.

Phụ nữ và công nhân phá hoại hệ thống Loukachenko

Libération cũng dành nhiều trang bài cho tình hình Belarus, ghi nhận sự kiện "Phụ nữ và công nhân đang phá hệ thống Loukachenko".

Theo tờ báo : Kể từ hôm thứ Tư, phụ nữ đã động viên nhau xuống đường đòi hòa bình. Trong trang phục màu trắng, tay cầm hoa, hàng ngàn người vào hôm qua đã tạo thành một dây chuyền dài dọc theo đại lộ Độc Lập, một trong những con đường dài nhất ở Châu Âu.

Bên cạnh đó là những cuộc đình công tại nhà máy BelAZ ở Zhodino, một trong những lá cờ đầu của ngành công nghiệp Belarus, chuyên sản xuất thiết bị khai thác mỏ. Còn nhà máy quốc doanh Keramin, chuyên sản xuất chậu rửa và gạch ốp lát bằng sứ, cũng đã trải qua một "cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử".

Trong bài báo thứ hai, Libération trình bày các sáng kiến ​​ngoi giao cp độ quc tế. Cuc hp trực tuyến vào hôm nay ca các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu sẽ nói về vấn đề Belarus, bên cạnh những hồ sơ khác như Lebanon hay các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền đông Địa Trung Hải.

Quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ : Paris sốt sắng ủng hộ Athens

Về quan hệ căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực miền đông Địa Trung Hải, các báo đều chú ý đến sự kiện Pháp sốt sắng hậu thuẫn cho Hy Lạp.

Trong bài viết mang tựa đề "Liên Hiệp Châu Âu lao vào cứu Hy Lạp", báo Le Figaro nhắc lại rằng Athens yêu cầu "một phản ứng rõ ràng từ phía Liên Hiệp Châu Âu, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một tàu khảo sát địa chấn, được tàu quân sự hộ tống vào khu vực miền đông nam Biển Egée.

Libération thì xác định rõ hơn : "Trong vùng biển giàu dầu khí của đảo Kastellórizo" thuộc Hy Lạp, một khu vực mà hai bên "có bất đồng" tạo nên một tình huống "đáng lo ngại về một sự leo thang nguy hiểm".

Tờ báo ghi nhận một tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đang phô trương cơ bắp, một Hy Lạp đã đặt "quân đội trong tình trạng báo động và điều động lực lượng Hải quân và máy bay đến khu vực có căng thẳng" và một tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhanh chóng ra lệnh điều động chiến hạm và phi cơ Pháp đến khu vực.

Trên vấn đề này, Le Figaro nói chi tiết hơn, cho biết ngay từ sáng hôm qua, hai máy bay chiến đấu Rafale, cũng như khinh hạm La Fayette và tàu sân bay trực thăng Tonnerre, trên đường đến Lebanon, đã thực hiện một cuộc tập trận chung với Hy Lạp.

Một chuyên gia phân tích Pháp cho rằng "trước một chế độ độc tài và đế quốc (như Thổ Nhĩ Kỳ), cách đối phó hiệu quả nhất là dựa trên ngạn ngữ Latinh : Nếu muốn hòa bình, thì hãy chuẩn bị cho chiến tranh".

Theo Le Figaro, sự hiện diện quân sự của Pháp, được mô tả như là một "lá chắn", đã được báo chí và dư luận Hy Lạp ca ngợi. Điều này có thể đánh dấu điểm khởi đầu của một sự hợp tác quân sự mới giữa hai nước.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 633 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)