Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/08/2020

Điểm báo Pháp - Cuộc đua tìm vaccin chống Covid

RFI tiếng Việt

Cuộc đua vaccin chống Covid : Nga đốt cháy giai đoạn để về đầu

Nếu những tiếng "bip bip" của vệ tinh đầu tiên trong lịch sử từng là cơn ác mộng cho Washington, cuộc chạy đua tìm kiếm vaccin chống virus corona lại không như thế. Ông Putin cần nhớ lại rằng tuy Sputnik đã mang lại cho Moskva chiến thắng đầu tiên, nhưng rốt cuộc Liên Xô đã thua trong chinh phục không gian, và người Nga chưa bao giờ đặt chân lên được Mặt Trăng.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp trực tuyến ngày 11/08/2020.  © Reuters - Sputnik

Le Mondehôm nay quan tâm đến "Các tập đoàn dầu khí trước những lỗ lã khổng lồ", La Croixchạy tựa "Hạn hán, thích ứng hay chịu đựng". "Covid : Tranh cãi xung quanh loan báo của ông Vladimir Putin về vaccin" là tít trang nhất củaLe Figaro. Libérationđăng ảnh tổng thống Nga tay cầm ống chích với tựa lớn "Vaccin chống Covid : Ngày mai không chết bao giờ" (theo tên tập 18 phim điệp viên James Bond). Đây cũng là chủ đề được tất cả các báo đề cập ở trang trong, bên cạnh vụ chạy trốn bất thường của ứng cử viên đối lập Belarus. 

Một sự đốt giai đoạn nguy hiểm

Libération cho biết tổng thống Putin trong cuộc họp nội các hôm qua đã bất ngờ loan báo vaccin do Nga bào chế vừa được cơ quan dược phẩm quốc gia cho lưu hành. Chính con gái ông đã được thử, hai ngày đầu cô bị sốt, nhưng sau đó rất khỏe, có được nhiều kháng thể. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng.

Trước hết, đó là người con gái nào của ông, trong khi lâu nay tổng thống Nga luôn giữ bí mật về con cái ? Rất có thể đó là Maria Vorontsova, con gái lớn của Putin là bác sĩ, có tham gia chương trình vaccin. Việc tổng thống nhanh chóng thông báo cũng gây ngạc nhiên. Mới hôm thứ Hai, Nga chừng như còn lẹt đẹt theo sau các nước khác trong chương trình vaccin.

Từ tháng Ba, Moskva đã công khai tham vọng, đầu tư nhiều tỷ rúp và huy động cả các quân nhân để thử nghiệm trên người, từ chối tham gia cuộc chạy đua tìm vaccin chung với thế giới. Vaccin do viện nghiên cứu Gamaleia của Nga chế ra đã được cấy vào 38 người tình nguyện. Do kết quả không được công bố cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ coi đó là giai đoạn 1 nhằm thử nghiệm liều lượng và tính an toàn.

Đúng ra theo quy trình, tiếp đến là giai đoạn 2, xem xét hiệu quả trên hàng trăm người : có gây phản ứng miễn dịch nơi người trẻ cũng như người già, nam cũng như nữ ? Và giai đoạn 3 sẽ mở rộng cho hàng ngàn người tình nguyện, xem vaccin có bảo vệ được lâu dài hay không, so với nhóm đối chứng dùng giả dược. Để có hiệu quả, vaccin của nhiều nước hiện đang được thử nghiệm lâm sàng tại các nước mà virus corona đang hoạt động mạnh như Brazil, Hoa Kỳ, Nam Phi.

Trả lời phỏng vấn của Libération, nhà nghiên cứu Thụy Sĩ François Balloux cho rằng đó là một hành động "hoàn toàn vô trách nhiệm, thậm chí nguy hiểm". Vaccin không phải là chiếc đũa thần cho tất cả mọi người. Bỏ qua giai đoạn 3 sẽ không thể biết được các chống chỉ định và tác dụng phụ trầm trọng, có thể là thảm họa cho người dùng. Trong lịch sử đã từng có những thất bại, tạo ra tâm lý chống vaccin trên thế giới.

Với Sputnik V, Putin muốn tìm lại vinh quang thời Liên Xô cũ

Trong bài xã luận mang tên "Vaccin Nga : Một sự lăng-xê đầy rủi ro"Le Figaro nhận xét, với 20 triệu người bị nhiễm virus, trên 700.000 người chết và các nền kinh tế trên thế giới suy sụp vì đại dịch, ông Vladimir Putin đã gây ấn tượng khi loan báo vaccin "đầu tiên" chống Covid-19. Vaccin được đặt tên là "Sputnik V" (V như Vaccin), nhắc nhở lại những giờ phút vinh quang của khoa học Liên Xô thời chiến tranh lạnh.

Nhưng nếu những tiếng "bip bip" của vệ tinh đầu tiên trong lịch sử từng là cơn ác mộng cho Washington, thì cuộc chạy đua tìm kiếm vaccin chống virus corona lại không như thế. Trên thế giới hiện có ít nhất 6 loại vaccin (của Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc) đang bước vào giai đoạn cuối.

Khi cho phép đưa ra thị trường trong lúc giai đoạn thử nghiệm cần thiết cuối cùng vẫn chưa thực hiện, ông Putin khiến dân Nga phải dùng một sản phẩm mà rốt cuộc có thể không hiệu quả, mang lại hy vọng giả tạo cho thế giới. Không đưa ra những dữ liệu khoa học khả tín, Putin chỉ cho biết đã sử dụng cho con gái. Một sự kiện độc đáo, nhưng không thể so sánh với một thử nghiệm lâm sàng nghiêm túc trong nhiều tháng, trên hàng trăm người tình nguyện.

May thay, theo như tình hình hiện nay, thì có thể trong những tháng tới sẽ có được vaccin hiệu quả, và ứng viên vaccin của Nga cũng có thể nằm trong số được chấp nhận. Nhưng ông Putin cần nhớ lại rằng nếu Sputnik đã mang lại cho Moskva chiến thắng đầu tiên về chinh phục không gian, nhưng rốt cuộc Liên Xô đã thua trong cuộc chạy đua, và chưa bao giờ đặt chân lên được Mặt Trăng.

Nhật báo La Croix nói thêm, ngoài vấn đề chính trị, còn là lợi ích kinh tế khổng lồ : Nga loan báo có 20 nước đã đặt hàng "trên 1 tỷ liều vaccin". Tuy vậy Tổ chức Y tế Thế giới nhắc nhở cần phải tôn trọng nghiêm ngặt quy trình. Tuy tình hình là khẩn cấp, nhưng không thể "đi tắt đón đầu". 

Putin, cứu tinh của thế giới chăng ? Libération đặt câu hỏi. Bất chấp sự nghi hoặc của cộng đồng khoa học, ông Putin muốn là người đầu tiên cắm lá cờ lên lãnh địa còn hoang vắng là vaccin chống Covid, một động thái quảng bá tầm cỡ về mặt địa chính trị. Trong lúc cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội khiến vô số công dân thế giới lâm vào cảnh tuyệt vọng, theo tờ báo, nguyên thủ các cường quốc chẳng nên diễn lại cuộc chiến tranh giữa các vì sao.

Belarus : Truyền thông mạng sát cánh với người dân tiếp tục đấu tranh

Liên quan đến tình hình Belarus, bài viết của Le Figaro và Libérationhầu như có cùng một tựa đề "Cuộc chạy trốn kỳ lạ của nhà đối lập Svetlana Tsikhanovskaia". Tuy nhiên theo tờ báo thiên tả, "Người dân Belarus sẵn sàng xuống đường lâu dài", cònLa Croixnhận định "Phong trào phản kháng Belarus không có lãnh đạo nhưng không phải là không có mạng lưới".

Trong phát biểu đầu tiên sau loan báo đang ở Litva, nữ ứng cử viên đối lập với khuôn mặt mệt mỏi, run giọng nói rằng đã tự quyết định ra đi, và trong video hôm qua, bà kêu gọi "đừng xuống đường", "đừng đối đầu với cảnh sát". Le Figaro dẫn lời thành viên thứ ba của nhóm ba phụ nữ đấu tranh này cho biết, video trên được ghi hình tại Minsk, trong văn phòng ủy ban bầu cử trung ương. Bà Tsikhanovskaia đến đây với ý định khiếu nại việc tổ chức bầu cử, nhưng đã bị giữ lại ba tiếng đồng hồ mà không có luật sư bên cạnh, với sự hiện diện của các quan chức cảnh sát cao cấp. Rõ ràng nhà đối lập đã chịu áp lực lớn.

"Tiếp tục phản kháng, xin đừng đi làm việc". Mệnh lệnh đưa ra hôm qua không phải từ ban lãnh đạo đối lập, mà từ Nexta, một trang mạng được phổ biến qua ứng dụng Telegram, trụ sở tại Ba Lan. Cả ngày lẫn đêm, ê-kíp các nhà báo, blogger liên tục đưa lên các video, hình ảnh biểu tình, bạo lực cảnh sát, truyền đơn kêu gọi đình công, lời khuyên làm thế nào để đối phó với lực lượng cảnh sát chống bạo động…

Tờ báo đấu tranh này xuất hiện ngay ngày bầu cử 09/08, là một trong những vũ khí để chống lại các kênh tuyên truyền của Nhà nước, và việc các mạng xã hội bị chặn. Chỉ sau vài ngày, đã có hơn 1 triệu người đăng ký đọc. Tổng biên tập tuy mới 22 tuổi đã có kinh nghiệm làm báo đối lập, và có nhiều liên lạc ngay trong lực lượng an ninh, nên có được những tiết lộ độc đáo.

Mỹ lôi kéo các nước Đông Âu chống Trung Quốc

Về quan hệ Âu-Mỹ, Les Echos cho rằng "Trong vòng công du, ngoại trưởng Mike Pompeo muốn chia rẽ Châu Âu". Hồi đầu năm 2018, ông Pompeo đã đi thăm các nước Visegrad và trong tháng Tám này, từ hôm qua 11/09 ông lại "come back" Cộng hòa Czech, Áo, Slovenia và Ba Lan, làm ngơ với Tây Âu. 

Thay vì đối đầu với Đức, Pháp, Washington tỏ ra thân thiết hơn với các chính phủ cũng cảnh giác với Nga và chống Trung Quốc. Tại Slovenia và Ba Lan, ngoại trưởng Mỹ có dịp cổ vũ các nước giữ lời hứa dành 2% GDP cho chi phí quốc phòng – một cách để phê phán những nước như Đức. Trong số 12.000 quân nhân Mỹ sẽ bị rút khỏi Đức, Ba Lan sẽ tiếp đón khoảng 1.000. Warsawa sẵn sàng chi 2 tỷ euro cho một căn cứ Mỹ đóng trên lãnh thổ mình, nhưng Washington chưa bật đèn xanh, và chắc chắn sẽ là một chủ đề thảo luận lần này.

Bên cạnh đường ống dẫn khí Nord Stream 2 là công nghệ 5G : tại tất cả các nước đến thăm, ông Pompeo sẽ nhấn mạnh đến mối đe dọa an ninh từ Hoa Vi (Huawei). Ngoại trưởng Mỹ ngày mai sẽ ký với Slovenia thỏa thuận hợp tác như đã ký với Ba Lan, Cộng hòa Czech và Estonia, theo đó các chính phủ cam kết rằng các nhà cung cấp 5G phải không nằm dưới sự kiểm soát của một thế lực nước ngoài không có bộ máy tư pháp độc lập. Như vậy các công ty Trung Quốc sẽ bị loại trên thực tế.

Vì một Châu Âu thực sự có tiếng nói về chính trị

Cũng trên Les Echos, tác giả Laurence Daziano, trường đại học Science Po Paris cổ vũ "Vì một Châu Âu thực chất về chính trị" : cần đẩy mạnh bước tiến khổng lồ mới đây về một cơ chế tài chính chung Châu Âu, không để cho các nước từng chống đối cản trở. 

Ngày 21/07 vừa qua, việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) đứng ra vay 750 tỷ euro để đối phó với đại dịch corona, là phôi thai cho một cơ quan tài chính Châu Âu tương lai. Thành công này đã bị mờ đi phần nào do thái độ của năm nước "khó chịu" là Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo và Estonia. Các nước này không có cùng xu hướng chính trị (đa số nắm quyền thuộc các phe dân chủ xã hội, tự do, bảo thủ, sinh thái) nhưng đều muốn siết chặt ngân sách và tự do về kinh tế.

Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng ba nước sáng lập Đức, Pháp, Ý đã nỗ lực suốt phân nửa thế kỷ 20 để có được EU ngày nay. Trừ Hà Lan, bốn nước trên đây gia nhập EU rất trễ : Đan Mạch năm 1973, Thụy Điển và Áo năm 1995, còn Estonia mãi đến 2004 mới trở thành thành viên. Họ không muốn một liên minh chính trị, không hỗ trợ Ý đối phó khủng hoảng nhập cư, mà chỉ chăm chăm vào điều kiện ngân sách.

Tuy nhiên quản lý một đất nước 82,5 triệu dân như Đức, hay một nước Ý 60,5 triệu dân với miền bắc kỹ nghệ và miền nam kém phát triển, phức tạp hơn rất nhiều so với những nước nhỏ tương đối đồng nhất. Riêng thành phố Milano của Ý đã đông dân hơn cả nước Estonia, Paris và vùng phụ cận đông đảo hơn cả nước Thụy Điển, và dân số cả năm nước "cứng đầu" trên cộng lại vẫn còn ít hơn dân Ý.

Tuy yếu tố dân số không phải là tất cả, nhưng cũng không thể để chế độ phủ quyết khiến một Nhà nước có thể ngáng chân toàn khối. Trong khi đó EU đang trong thời kỳ khó khăn. Từ 2016 phải lo Brexit – một trong những thành viên giàu mạnh nhất ra khỏi Liên hiệp. Hoa Kỳ có chính sách ngày càng khiến các nước Châu Âu cách biệt về lợi ích. Ở sát cạnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trở nên độc đoán hơn, và nhất là từ nay còn có cuộc đối đầu chiến lược công khai giữa EU với Trung Quốc. Trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung, để xây dựng một Liên hiệp vững mạnh về chính trị, giữa ba nước sáng lập Đức, Pháp, Ý cần có cùng một tiếng nói.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 537 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)