Bão hung quần thảo, Phạm Minh Chính cho gia cố nhóm lợi ích quân đội "chống bão" ?
Ông Nguyễn Xuân Phúc bị tróc gốc vì bão, sự việc này như là lời cảnh báo đối với ông Phạm Minh Chính. Làm chính trị giỏi trong chế độ độc tài cộng sản không cần quản trị giỏi, không cần chính sách hay, mà chỉ cần chiến với đồng chí cho thật giỏi. Với đối thủ thấp hơn thì càn quét sao cho họ phải tróc gốc, với đối thủ mạnh hơn thì phải có sự lì đòn để trụ được trước những đòn hiểm của đối phương.
Bộ Quốc phòng là nơi trú ngụ nhiều nhóm lợi ích lớn
Với trụ Thủ tướng, đối thủ mạnh hơn chỉ có thể là liên minh Tổng bí thư – Chủ tịch quốc hội. Ông Phạm Minh Chính đang gặp một cơn bão lớn thực sự, bởi như thông tin từ bên trong tuồn ra, ông Nguyễn Phú Trọng đang chĩa thẳng nòng vào trụ Thủ tướng, sau khi đã thổi bay trụ Chủ tịch nước.
Với bộ 3 vụ án : Việt Á, chuyến bay giải cứu và Cục Đăng kiểm, có thể chưa đủ sức để thổi bay được trụ Thủ tướng. Bởi trụ Thủ tướng cứng cáp hơn trụ Chủ tịch nước. Tuy nhiên, việc ông Phúc bị tróc gốc là dấu hiệu cho thấy bão có thể mạnh lên trong năm 2023. Ở bản tin trước, Thoibao.de đã phân tích cho thấy, ông Phạm Minh Chính đã gặp gỡ ông Phan Văn Giang nhiều hơn, sau khi Quốc hội họp bất thường truất phế ông Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 18/1 vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là yếu tố quyết định cán cân chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà bà Nhàn biết trước được lệnh khởi tố để đào tẩu, phải có nguồn tin mật báo cho bà biết. Điều đáng nói là, không chỉ riêng bà Nhàn trốn ra nước ngoài, mà còn có 6 nhân vật khác liên quan cũng trốn thành công. Người ta nghi ngờ những nhân vật mà bà Nhàn tổ chức cho trốn chạy tập thể ấy, có liên quan đến phần chìm trong vụ án AIC. Đó là những hợp đồng mua vũ khí và những khoản lại quả cho những người có chức trong Bộ Quốc phòng.
Ông Phạm Minh Chính và ông Nguyễn Phú Trọng đang tranh chấp ảnh hưởng tại Bộ Quốc phòng theo hai hướng khác nhau. Ông Nguyễn Phú Trọng dựa vào những hứa hẹn thăng cấp trong Đảng và tư tưởng cộng sản thuần khiết. Còn ông Phạm Minh Chính thì gây ảnh hưởng tại Bộ Quốc phòng theo cách y hệt như ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng thực hiện, đó là tạo điều kiện để phe cánh hưởng được lợi ích kinh tế.
Về ban phát quyền lực thì ông Phạm Minh Chính cũng có thể ban, nhưng hạn chế hơn ông Trọng. Ông Chính chỉ có tác động đến cấp ngoài Ủy viên Trung ương Đảng, còn những vị trí Ủy viên Trung ương Đảng, thì ông Trọng có tác động lớn hơn. Một sĩ quan quân đội cho Thoibao.de biết, lợi ích của Ủy viên Trung ương Đảng trong Quân đội lớn hơn người ngoài Trung ương Đảng. Người ngoài Trung ương không bao giờ có thể với tới những vị trí như thứ trưởng hay một số vị trí quan trọng khác. Như vậy, ông Trọng có công cụ ban chức, ông Phạm Minh Chính có công cụ ban lợi ích kinh tế. Vậy nên sự ảnh hưởng của hai người này trong quân đội là 50 – 50, khá cân bằng.
Tối 29/1, tại Sài Gòn, ông Phạm Minh Chính dự lễ phát lệnh xuất khẩu những container đầu Xuân Quý Mão 2023 tại Tân Cảng Cát Lái, thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân. Ông Chính đã đặt vấn đề với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn về việc xây dựng một Tập đoàn kinh tế – quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics ; xây dựng một thương hiệu uy tín, chất lượng toàn cầu.
Ông Phạm Minh Chính tại Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thuộc Quân chủng Hải quân
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là một doanh nghiệp quân đội trực thuộc Quân chủng Hải quân. Mà quân chủng này là đơn vị từng đề xuất dự án 6 tàu ngầm Kilo và dự án này đã được thực hiện. Tham gia vào quá trình hiện thực dự án này, ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Chí Vịnh có vai trò rất lớn.Thông tin từ nên trong cho biết, binh chủng này xưa thuộc nhóm lợi ích Nguyễn Tấn Dũng và nay thuộc nhóm lợi ích Phạm Minh Chính.
Việc phát triển doanh nghiệp quân đội mang tính quy mô, bề ngoài là mang lại lợi ích kinh tế cho Bộ Quốc phòng, nhưng bên trong là những con đường dọn sẵn cho cánh thân hữu nhảy vào giành phần. Một khi đã nhận được bổng lộc ban phát, thì những con người dính líu tự nhiên sẽ bị ràng buộc vào nhóm lợi ích. Ngoài ra, nhóm lợi ích này còn có thể dùng tiền để mở rộng sức mạnh cho nhóm.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 02/02/2023
****************************
"Lò" ông Trọng có "đốt" được hết cán bộ tham nhũng ?
RFA, 02/02/2023
Nhân dịp 93 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 3/2, RFA ghi nhận quan điểm của một số nhà quan sát chính trị - xã hội về công cuộc chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam trong năm vừa qua.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (phải) và ba quan chức bị mất chức gồm Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc - Reuters/RFA edited
Nhiều chuyên gia từng bình luận với RFA rằng "lò" chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm qua "nóng rực" khi hàng loạt các vụ đại án bị phanh phui, khiến hàng chục lãnh đạo cấp cao –là những đảng viên ưu tú- bị khởi tố, bị án tù. Trong đó có thể kể đến những vụ khiến dư luận quan tâm như : Vụ kit xét nghiệm Việt Á , chuyến bay giải cứu, vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC), Vụ nâng khống thiết bị xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai hay vụ bảo kê buôn lậu 200 triệu lít xăng…
Tham nhũng - hệ quả tất yếu của chế độ độc đảng
Một số nhà quan sát tình hình chính trị, xã hội Việt Nam đánh giá rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Đảng, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, trong năm qua dù có mạnh hơn, kiên quyết hơn với số lượng quan chức bị cho "vào lò" nhiều hơn nhưng suy cho cùng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Một luật sư yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn nói với RFA :
"Mặc dù khi nhìn vào số lượng, có người nghĩ rằng là số quan tham nhũng sẽ ngày ít đi. Tuy nhiên, đó chỉ là những điều trước mắt thôi, chỉ giải quyết được ở phần ngọn thôi, còn vấn đề lâu dài là nguyên nhân do cơ chế tại sao để xảy ra tham nhũng thì lại chưa giải quyết được".
Tiến sĩ luật, cựu tù nhân chính trị Cù Huy Hà Vũ, từ tiểu bang California (Hoa Kỳ), bình luận với RFA rằng ông đánh giá cao nỗ lực chống tham nhũng trong năm qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng :
"Phải nói rằng công cuộc đốt lò này rất đáng khen ngợi và hi vọng ông Trọng sẽ làm cho các đảng viên cộng sản, đặc biệt là những người giữ các chức vụ rất cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước phải thận trọng và từ đó đi đến việc giảm tham nhũng".
Tuy vậy, cũng giống nhận định của vị luật sư giấu tên ở trên, ông Vũ cho rằng chỉ hi vọng "giảm" chứ không phải là "loại bỏ" được tham nhũng. Bởi lẽ, theo ông Vũ, ở một hệ thống chính trị mà không có sự kiểm soát quyền lực qua lại thì tham nhũng là điều tất yếu, và đương nhiên là những người đứng đầu các vụ án tham nhũng phải là những người có quyền lực nhất. Ông nói tiếp :
"Trọng cũng chống với một niềm tin và hi vọng là chống tham nhũng có thể cứu được Đảng, hay nói đúng hơn là cứu được sự độc tôn cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng tóm lại tôi cho rằng chống tham nhũng bằng "lò", tức là bằng các biện pháp mạnh, kể cả là hình sự thì cũng không giải quyết được vấn đề, bởi vì trong một thể chế độc tài thì tham nhũng nó sẽ ngày càng mạnh".
Vùng cấm và trách nhiệm của người đứng đầu
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu với truyền thông nhà nước về chiến dịch "đốt lò" (hay chống tham nhũng) của mình là phải "xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" đối với các cán bộ vi phạm.
Tuy nhiên, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho rằng, vụ việc hai ông cựu phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam mất chức do liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu ; hay cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được cho là có thể có dính líu đến đại án Việt Á… đều cần phải được điều tra một cách triệt để và minh bạch.
Vì, vẫn theo ông Vũ, nếu xác định các vị cựu lãnh đạo nêu trên, có các dấu hiệu của tham nhũng, "tống tiền" đồng bào ở nước ngoài thì phải xử lý hình sự, chứ không thể đơn giản chỉ là Ban chấp hành Trung Ương "đồng ý cho thôi giữ chức vụ trong Đảng" như một hình thức kỷ luật được.
Ông Chính phải có trách nhiệm liên đới trong vụ các chuyến bay giải cứu
Ông Cù Huy Hà Vũ cũng cho rằng, ngay cả Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính cũng phải chịu trách nhiệm đối với vụ các chuyến bay giải cứu, bởi ông Chính nhậm chức Thủ tướng từ tháng 4/2021. Trong khi đó, Cục hàng không Việt Nam ra thông báo dừng tất cả các chuyến bay Quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam do dịch bùng phát từ ngày 1/6/2021. Sau đó, Việt Nam chỉ tổ chức nhỏ giọt các chuyến bay được gọi là "giải cứu" để đưa các công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài về nước.
Qua đó, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho rằng, ông Chính phải có trách nhiệm liên đới trong vụ án này :
"Tôi cho rằng trong thời gian tới ông Phạm Minh Chính cũng phải chịu trách nhiệm, còn nếu ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thấy cần phải giữ lại ông Chính mà không có một lý do biện hộ thuyết phục người dân thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng này nó lại hiện lên như một cuộc đấu đá nội bộ.
Cho nên, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới phải làm cho rõ vai trò, trách nhiệm của ông Phạm Minh Chính. Nếu không có sự giải trình thuyết phục từ ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam thì cái gọi là đấu tranh chống tham nhũng hay đốt lò vẫn có vùng cấm".
Tại Quy định số 80 về quản lý cán bộ được Ban Chấp hành Trung ương ban hành năm 2022, trong đó, khoản 2 Điều 6 có nêu : Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị, có quy định Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành trung ương đảng về công tác chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu những chức vụ chủ chốt, lãnh đạo bộ máy Hành chính và Tư pháp như Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội.
Ngoài ra, Trung ương đảng còn giới thiệu nhân sự cho một loạt các chức vụ cấp cao như Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch quốc hội, Phó Thủ tướng chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ quốc hội và các thành viên chính phủ…
Theo đó, luật sư giấu tên nhận định rằng, việc một loạt cán bộ là đảng viên tham nhũng thì cơ quan giới thiệu là Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị mà người đứng đầu Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng, không thể tránh trách nhiệm :
"Ông Trọng đã làm Tổng bí thư từ năm 2011 thì ông ấy phải có trách nhiệm khi để các đảng viên của mình tham nhũng trong suốt hơn chục năm qua".
Nguồn : RFA, 02/02/2023
Phan Đình Trạc "tuyên chiến" Bộ Quốc phòng, ai công, ai bị công ?
Kim Giang, Thoibao.de, 23/01/2023
Ông Phan Đình Trạc là một cánh tay lợi hại của ông Nguyễn Phú Trọng. Được xem là người thay thế ông Nguyễn Bá Thanh để làm lính tiên phong. Hiện nay, Bộ Quốc phòng là nơi tranh chấp ảnh hưởng giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cho nên Bộ Quốc phòng cũng là nơi mà ông Trọng muốn "cơ cấu lại" tỷ lệ quyền lực.
Hai ông Nguyễn Phú Trọng và Phan Đình Trạc - Ảnh minh họa
Ngày 12/10/2022, ông Nguyễn Phú Trọng cử ông Phan Đình Trạc làm Trưởng đoàn Kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương. Nội dung làm việc là kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Quân ủy Trung ương. Nói chung là ông Phan Đình Trạc đến Bộ Quốc phòng là muốn soi.
Ngày 20/1/2023, trong bài viết nhân dịp 10 năm tái lập ngành nội chính (2013 – 2023), ông Phan Đình Trạc phán một câu "xanh rờn" rằng, "Xử lý nghiêm minh cả cán bộ cao cấp, tướng trong lực lượng vũ trang". Đây được xem là lời tuyên chiến với thế lực nào đấy trong quân đội. Ông Trạc nói thêm, "phải chủ động, quyết liệt, tham mưu có hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực", và ông khẳng định quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Chưa bao giờ người ta nghe một ông Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói mạnh như thế, mà lại là nhắm vào hàng tướng tá quân đội. Hiện nay Quân đội Việt Nam như là một nhà nước nhỏ, với 22 Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, quyền lợi thì rất lớn nên các bên giành giật quyền lợi rất ác liệt.
Với ngân sách hơn 7 tỷ đô la mỗi năm, các hợp đồng mua bán vũ khí của Bộ Quốc phòng là những khoản tiền rất lớn, với vai trò của Tổng cục tình báo Quân đội (tức Tổng cục 2) làm nòng cốt. Nơi đây là đầu mối đi tiền trạm, bắt mối và dẫn dắt Bộ Quốc phòng ký kết hợp đồng. Mà trong Bộ này, ông Phạm Minh Chính có ảnh hưởng rất mạnh, mới đây ông Phạm Minh Chính đã có động thái gia cố thêm sức mạnh ở Tổng Cục 2.
Vì bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí của Việt Nam với Israel, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho ông Tô Lâm truy bằng được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Đến nay, vụ án liên quan đến bà Nhàn ở Đồng Nai đã được đưa ra xét xử, và bà Nhàn bị kết án vắng mặt 30 năm tù giam. Một mức án được cho là rất nặng.
Về mặt Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đang cho Phan Đình Trạc ráo riết theo dõi, phanh phui ra những vụ án có thể đã diễn ra trong Bộ Quốc phòng. Về mặt luật pháp, ông Nguyễn Phú Trọng cho Tô Lâm truy tìm cho bằng được Nguyễn Thị Thanh Nhàn về quy án. Lần này ông Trọng dùng chiến thuật "nội công ngoại kích", vừa đánh trong Đảng ủy Quân đội, vừa đánh vào đường dây mua bán vũ khí ngoài Đảng.
Ông Phan Đình Trạc cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 193 vụ án, 140 vụ việc. Các vụ án, vụ việc sau khi đưa vào diện do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã được khẩn trương, quyết liệt điều tra, truy tố, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc.
Trong số này, có nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp ; kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là "vùng cấm, nhạy cảm". Cùng với đó, cả khu vực công và khu vực tư đã được tham mưu chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm minh, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang…
Có vẻ như ông Trạc đang nhận lệnh ông Tổng bí thư hô "xung phong" công vào thành trì của ông Phạm Minh Chính trong quân đội.
Kim Giang (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 23/01/2023
******************************
Ăn đậm hợp đồng mua vũ khí, hạt giống đỏ về hưu Nguyễn Chí Vịnh đang vào tầm ngắm ?
Thu Phương, Thoibao.de, 23/01/2023
Trong đường dây mua bán vũ khí qua trung gian là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị lộ mới đây, cho thấy, có vai trò của Tổng cục tình báo Quân đội (tức là Tổng cục 2). Hiện nay là vai trò của ông Phạm Ngọc Hùng – Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục 2. Ông Phạm Ngọc Hùng là người giữ kín bí mật về những trao đổi giữa ông Phạm Minh Chính với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Phạm Ngọc Hùng. Mới đây ông Phạm Minh Chính cho gia cố nhân sự ở Tổng cục 2 để phòng thủ trước thế tấn công của ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Chí Vịnh – cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục
Ông Phạm Minh Chính là đàn em của Nguyễn Tấn Dũng. Việc nắm cho thật chắc Tổng cục 2 là cách mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã truyền lại cho đàn em. Nắm Tổng cục 2 là nắm chuyện thâm cung bí sử của nhiều đồng chí, đồng thời nó là nơi bắt mối với nhà thầu quân sự nước ngoài, để tiến tới ký kết hợp đồng quân sự cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Ngân sách Bộ Quốc phòng rất lớn, thời ông Nguyễn Tấn Dũng, Bộ này có ngân sách là 5 tỷ đô la, bây giờ ngân sách đã lên trên 7 tỷ đô la.
Không biết giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Chí Vịnh có bà con ruột thịt gì hay không, nhưng sự liên kết giữa ông Vịnh và ông Dũng không khác gì người nhà, có nguồn tin cho Thoibao.de biết. Ông Nguyễn Chí Vịnh đã giúp ông Nguyễn Tấn Dũng thọc rất sâu vào Bộ Quốc phòng. Và hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký với phía Nga, được ông Nguyễn Chí Vịnh – lúc đó là Tổng cục trưởng Tổng cục 2 bắt mối, liên hệ, đàm phán trước, rồi sau đó ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ cần đi công du sang Nga và ký hợp đồng. Nói chung, Nguyễn Chí Vịnh dọn cỗ cho Nguyễn Tấn Dũng ăn trước và Vịnh chỉ "ăn ké", mặc dù Nguyễn Chí Vịnh là tác giả chính của quá trình.
Ông Nguyễn Chí Vịnh giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục 2 vào năm 2002, khi đó ông chỉ mới 45 tuổi và mang quân hàm Thiếu tướng. Đến tháng 12/2004, ông được thăng quân hàm Trung tướng. Suốt năm 2008, ông Nguyễn Chí Vịnh với vai trò là người đứng đầu ngành tình báo Quân đội đã nỗ lực kết nối với phía Nga. Làm giá, thỏa thuận mức lại quả, sau khi hai bên đồng ý đâu vào đấy thì tháng 2/2009, Nguyễn Chí Vịnh rời Tổng cục 2 làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Nguyễn Chí Vịnh rời Tổng cục 2 để lại cho ông Nguyễn Tấn Dũng hợp đồng đã được thỏa thuận, đến cuối năm 2009, ông Nguyễn Tấn Dũng sang Nga ký hợp đồng mua 6 tàu Kilo trị giá 2 tỷ đô. Hợp đồng này tiền lại quả khoảng 25%, tức tầm 500 triệu đô la. Số tiền này không biết các bên chia chác như thế nào, nhưng chắc chắn phần của Nguyễn Chí Vịnh không hề nhỏ.
Ông Nguyễn Chí Vịnh là con nhà nòi, cha của ông Vịnh là đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cha vợ ông Vịnh là Trung tướng Đặng Vũ Chính, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục 2 từ năm 1994 đến năm 2002. Ông nguyễn Chí Vịnh lên nắm Tổng cục trưởng Tổng cục 2 là do cha vợ đưa lên. Thời ông Nguyễn Chí Vịnh nắm Tổng cục 2, ông được đánh giá là một tướng trẻ có triển vọng. Tuy nhiên, ông Vịnh biến Tổng cục 2 thành cái ổ làm hợp đồng mua bán vũ khí quá béo bở, nên ông ở đây đến năm 2009 mới rút.
Cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Chí Vịnh gắn với nhóm lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi Nguyễn Tấn Dũng thất thế thì Nguyễn Chí Vịnh cũng chỉ là một ông tướng mờ nhạt trong Bộ Quốc phòng. Làm Thứ trưởng đến 64 tuổi rồi nghỉ hưu theo chế độ.
Tàu ngầm Kilo là niềm tự hào của Hải quân Việt Nam hay một vết tích tham nhũng khủng
Tham nhũng trong Bộ Quốc phòng rất khủng. Nơi đây chia chác nhau hàng trăm triệu đô la từ các hợp đồng mua vũ khí của Quân đội. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thọc vào ổ tham nhũng này thì ắt có nhiều vụ án "kinh thiên động địa".
Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng thì có thể ông Nguyễn Phú Trọng nhắm vào hợp đồng mua tàu ngầm Kilo. Nếu đây là sự thật thì xem ra hạt giống đỏ về hưu Nguyễn Chí Vịnh, dù đã hạ cánh nhưng vẫn không an toàn. Ngoài ra, hợp đồng này không thể thiếu bàn tay ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 23/01/2023
*************************
Cuối năm, Phạm Minh Chính củng cố phòng tuyến cuối cùng để "nghênh chiến" Tổng Trọng ?
Tú Ngọc, Thoibao.de, 22/01/2023
Ông Vương Đình Huệ được ông Nguyễn Phú Trọng dọn đường rất cẩn thận. Từ đầu năm 2021, khi mà ông Vương Đình Huệ thua trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng với Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Phú Trọng đã đi từng bước, xây dựng nền tảng cho ông Vương Đình Huệ không khác gì một "thái tử".
Ông Vương Đình Huệ đang ngồi chờ ông Nguyễn Phú Trọng dọn đường
Ông Vương Đình Huệ có nhiều đối thủ cùng chạy đua vào ghế Tổng bí thư. Tuy nhiên, ông Huệ chỉ có 2 đối thủ đáng gờm, ở ngay trong Tứ Trụ. Còn lại thì không ai có thể thắng được ông Huệ. Như vậy sau hơn 2 năm, ông Nguyễn Phú Trọng đã bứng bay một trụ, trụ còn lại ông Nguyễn Phú Trọng đang từ từ tính kế.
Ngồi ở ghế Thủ tướng, nắm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, với hơn 30 bộ và cơ quan ngang bộ. Ông Phạm Minh Chính nắm trong tay quyền lực lớn, chứ không như ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ là hữu danh vô thực. Số ban ngành trong Ban Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng ít hơn số bộ trong Chính phủ. Tuy nhiên, những người đứng đầu các ban trong Ban Bí thư phần lớn là Ủy viên Bộ Chính trị. Riêng trong Ban Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng nắm 7 Ủy viên Bộ Chính trị. Cho nên, ông Nguyễn Phú Trọng bao giờ cũng trên cơ ông Phạm Minh Chính.
Ông Nguyễn Phú Trọng ngoài việc đang nắm trong tay những ban bệ với quyền lực lớn, ông còn hưởng lợi thế từ cơ chế trong Đảng. Đó là, Đảng đề ra chủ trương, Chính phủ thi hành. Ông đề ra chủ trương, và luôn cho rằng, chủ trương của mình là đúng. Nếu xảy ra mọi sai lầm thì đổ lỗi tại phía thi hành. Chính vì cơ chế này mà khi họp Bộ Chính trị, bên Chính phủ sẽ bị quy kết tội, chứ không bao giờ quy kết tội bên Đảng. Như vậy là bên Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng có thể "độc quyền chân lý".
Một khi ông Nguyễn Phú Trọng bứng được trụ Chủ tịch nước, thì đấy cũng là hồi chuông báo động cho trụ Thủ tướng. Thoibao.de nhận được tin cho biết, ông Tổng lên kế hoạch ra năm sẽ nhắm vào trụ Thủ tướng. Nếu đây là tin đúng, thì ông Thủ tướng Phạm Minh Chính cần phải gia cố thành trì, để trụ vững trước những đợt tấn công của ông Tổng bí thư.
Vụ án Việt Á, vụ án Chuyến bay giải cứu, vụ Cục Đăng kiểm, đều phải có trách nhiệm của ông Phạm Minh Chính. Bởi 3 vụ án đó xảy ra xuyên qua 2 đời thủ tướng. Tuy nhiên, có người đánh giá, với 3 vụ án đó e không đủ mạnh để bứng được trụ Thủ tướng. Vậy ông Nguyễn Phú Trọng cần đòn hiểm nào mới khoan thủng trụ Thủ tướng ? Đó chính là vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí của quân đội. Đây là yếu huyệt lớn nhất của ông Phạm Minh Chính.
Tin tức từ bên trong cho biết, ban đầu, ông Trọng muốn Tô Lâm ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Tuy nhiên, Tô Lâm thoái thác rằng, ông còn nhiệm vụ bắt Nguyễn Thị Thanh Nhàn về quy án, nên ông muốn ở lại Bộ Công an. Đó là lý do làm ông Trọng cũng trở nên khó xử, nên ông tạm hoãn. Bởi vì, ông Trọng cũng đang rất muốn Tô Lâm bắt được Nguyễn Thị Thanh Nhàn, để ông giải quyết nốt bài toán lớn có liên quan đến Phạm Minh Chính.
Có tin cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang "giương nòng" vào trụ Thủ tướng
Bộ Công an thì nằm gọn trong tay của ông Nguyễn Phú Trọng, trong khi đó, Bộ Quốc phòng thì ông Nguyễn Phú Trọng và ông Phạm Minh Chính đang tranh chấp ảnh hưởng. Hôm ngày 9/1, ông Phạm Minh Chính đã củng cố nhân sự cho Tổng Cục tình báo Quân đội (tức Tổng cục 2) và Thoibao.de đã có đưa thông tin này đến bạn đọc. Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa, điều này làm cho ông Phạm Minh Chính phải xem xét, củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa ông với quân đội. Mối quan hệ của ông Phạm Minh Chính trong Bộ Quốc phòng được xem là phòng tuyến cuối cùng chống lại sự tấn công của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những ngày cuối năm, ông Phạm Minh Chính đã tranh thủ đi thăm binh chủng tăng thiết giáp của Bộ Quốc phòng. Đối với ông Phạm Minh Chính lúc này, ông cần củng cố thế lực của ông ở các đơn vị tác chiến, bởi bên Chính ủy, ông Nguyễn Phú Trọng nắm rất chắc.
Trận chiến nhổ trụ đợt hai này xem ra sẽ có nhiều diễn biến hay trong năm 2023. Thoibao.de cố gắn mang lại những tin tức và phân tích tình hình hậu trường đến với khán thính giả. Mục đích là phá tan bức tường sắt bưng bít thông tin của chế độ.
Tú Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 22/01/2023
Bộ Quốc phòng ‘sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển’ (VOA, 18/05/2020)
Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề Biển Đông, Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 18/5 tuyên bố với những đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng trong những năm qua, các lực lượng của Việt Nam "sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển".
Tàu cảnh sát biển Việt Nam (phải) và tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông vào thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền vào năm 2014.
Nhắc lại 4 lần Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam từ ngày 4/7 - 24/10 năm ngoái, Bộ này nói hành động của Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Bộ này khẳng định chủ trương của Việt Nam là "kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vùng 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI ; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo", theo Dân Trí.
Trước thực tế Trung Quốc "không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông", tăng cường củng cố sự hiện diện và khả năng kiểm soát trên thực địa, Bộ Quốc phòng cho biết thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống để không bị động, bất ngờ và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng.
Vẫn theo Bộ này, Việt Nam trong những năm qua đã gia tăng mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao để nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, diễn tập… để không bị động và xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.
Nêu sự kiện Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đến khu vực bãi Tư Chính vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng nhờ "kiên trì xử lý bình tĩnh, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa", nên đã "buộc Trung Quốc phải rút tàu" khỏi vùng biển của Việt Nam trong khi vẫn kiểm soát tốt được tình hình an ninh và trật tự xã hội.
Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, Zhang Mingliang, với tờ South China Morning Post, thì việc tàu Trung Quốc rút lui "không chắc là có liên quan đến những bình luận của Việt Nam".
Theo chuyên gia này, "lý do chính là nó đã hoàn thành công việc", như tuyên bố chính thức của Bắc Kinh về việc rút tàu Hải Dương 8. Nhưng cũng có thể xem động thái rút tàu của Trung Quốc "như một nỗ lực để giảm căng thẳng với Mỹ", chuyên gia Zhang Mingliang nhận xét thêm.
Những tuyên bố mới nhất của Bộ Quốc phòng Việt Nam được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục thực hiện các động thái gây hấn, lấn áp Việt Nam và các quốc gia láng giềng nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Trả lời cử tri về việc cần có "biện pháp kiên quyết hơn nữa" với hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng đây "vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài".
"Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần kiên quyết, kiên trì, ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’", Vietnamnet dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nói.
********************
Bộ Quốc phòng : Người Trung Quốc ‘lợi dụng kẽ hở’, nắm các khu đất ‘trọng yếu’ ở Việt Nam (VOA, 18/05/2020)
Người Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 162.000 hectare đất của Việt Nam, trong đó có những nơi trọng yếu thuộc vùng "biên giới" hoặc "ven biển", Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây cho biết, theo báo chí trong nước.
Một khu đất ven biển dài 1 km và rộng 30 ha ở Đà Nẵng do người Trung Quốc nắm giữ (ảnh tư liệu, 2015)
Thông tin kể trên được đưa ra trong báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi tới Quốc hội để trả lời cử tri, sau khi có những người ở Hải Phòng bày tỏ lo ngại về việc người Trung Quốc thu mua đất của Việt Nam, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet tường thuật trong các hôm 17 và 18/5.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam nói tính đến tháng 11/2019, có 149 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở khu vực biên giới hoặc ven biển thuộc 22 tỉnh của Việt Nam.
Vẫn báo cáo của bộ, được Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet trích đăng, cung cấp thông tin rằng tình trạng người Trung Quốc "tập trung sở hữu đất đai" nổi bật lên ở các tỉnh, thành là Đà Nẵng với 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh 5 trường hợp.
Qua các trích dẫn của Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, dường như Đà Nẵng được Bộ Quốc phòng tập trung nhấn mạnh nhất, khi báo cáo của bộ nêu ra 2 cá nhân và 7 doanh nghiệp Trung Quốc hoặc "có yếu tố sở hữu Trung Quốc" đã "núp bóng" một số công dân hay doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu hoặc thuê hàng trăm nghìn mét vuông đất ven biển, thậm chí sát cạnh sân bay Nước Mặn, từng là sân bay quân sự.
"Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ", báo cáo của Bộ Quốc phòng đưa ra nhận xét, đồng thời khẳng định rằng cử tri và dư luận xã hội thấy "đáng ngại" về việc cơ quan chức năng Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là "có cơ sở".
Mặc dù luật Việt Nam không cho phép công dân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất ở Việt Nam, song Bộ Quốc phòng chỉ ra trong báo cáo của mình rằng người Trung Quốc dựa vào 2 cách chính để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng.
Cách thứ nhất, họ thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam, trong khi phần góp vốn của người Việt chủ yếu là giá trị của đất. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp do người Việt điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, phía Trung Quốc tăng vốn và giành quyền điều hành doanh nghiệp, vì vậy, phần tài sản góp vốn là đất của phía Việt Nam trở nên thuộc quyền sở hữu của phía Trung Quốc.
Trong cách thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho công dân Việt Nam, chủ yếu là người Việt gốc Hoa, để mua đất. Bộ Quốc phòng đưa ra dẫn chứng là có một số trường hợp công dân thuộc diện "kinh tế khó khăn" nhưng lại đứng tên sở hữu 10 đến 12 lô đất.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường, khẳng định với VOA rằng việc người Trung Quốc nắm giữ đất ở Việt Nam gây ra những rủi ro :
"Trong hoàn cảnh tất cả các nước nhỏ cạnh các nước lớn, với quan hệ mạnh-yếu, chúng ta cũng biết rằng bỏ tiền ra mua đất chẳng hạn thì cũng là một kiểu gây tác động nhất định đến kinh tế, đến đời sống xã hội rồi thậm chí kể cả vấn đề an ninh".
Các công dân Trung Quốc phạm pháp bị chính quyền Đà Nẵng bắt giữ hôm 6/6/2019. Photo Da Nang TV
Để củng cố cho quan điểm của mình, giáo sư Đặng Hùng Võ dẫn lại một loạt những vụ việc từng được báo chí điều tra, đưa tin, bao gồm việc một số doanh nghiệp Trung Quốc đưa đông đảo công dân của họ vào Việt Nam lao động bất hợp pháp ; hay việc họ thiết lập các khu dân cư, các điểm kinh doanh tách biệt, theo hình thức tự trị, chỉ sử dụng ngôn ngữ và phương thức thanh toán của Trung Quốc, Việt Nam không thu được gì và ngay cả công an Việt Nam cũng không thể đi vào trong các khu đó.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường cảnh báo rằng tình trạng như vậy một mặt gây ra bất công về kinh tế cho người Việt Nam, mặt khác tiềm ẩn những nguy cơ như đó có thể là những nơi "chứa chấp vũ khí, súng ống", đe dọa đến trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Liên hệ tới tình hình Biển Đông, giáo sư Đặng Hùng Võ cảnh báo với VOA rằng những "tụ điểm" người Trung Quốc trên đất Việt Nam có thể bị Trung Quốc biến thành những cái cớ :
"Cách thức cư xử của Trung Quốc ở Biển Đông, mọi người Việt Nam rất khó chịu, thậm chí là phẫn uất vì chuyện bắt nạt ở Biển Đông. Thế thì trên đất liền thì sao ? Có thể bây giờ chưa xảy ra, nhưng cũng có thể sẽ xảy ra, thì cách thức nó sẽ như thế nào ? Khi mà về tương quan lực lượng quân sự và cách thức hành xử, thì như câu chuyện trên Biển Đông, thì thấy rất rõ".
Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, Bộ Quốc phòng cho biết họ đã báo cáo và đề xuất chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành rà soát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Bộ cũng đề nghị cần "kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập" của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở, không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng chính quyền Việt Nam có thể "khó xử lý" về mặt pháp lý khi người Trung Quốc "đội lốt" người Việt để nắm giữ đất ở Việt Nam. Ông nói với VOA :
"Không thể dùng luật pháp, không thu hồi được, bởi vì là không vi phạm điều luật nào trong việc nhận chuyển quyền [sử dụng đất] khi cái người đó là người Việt Nam. Thế thì tôi cho rằng giải pháp lúc này không phải là giải pháp pháp luật. Mà giải pháp lúc này tôi nghĩ đến cùng chỉ có mỗi một cái là người Việt Nam đừng ai làm chuyện này [tiếp tay cho Trung Quốc]. Đó là giải pháp tốt nhất".
Báo cáo trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng được đưa ra ở thời điểm hiện nay cung cấp một bức tranh trái ngược với những phát ngôn trước đó của một số quan chức cao cấp.
Hồi tháng 6/2018, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà nói trước Quốc hội rằng bộ của ông "chưa phát hiện người nước ngoài mua đất" và mong đại biểu Quốc hội "thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho bộ" để nhà chức trách điều tra xem "bằng cách nào họ mua được".
Lâu hơn nữa, hồi tháng 10/2015, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi gặp cử tri ở Hà Nội đã khẳng định : "Không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất".
https://youtu.be/FbVHOD2gQgI
Hai chữ "nghiêm minh" tiếp tục khiến người ta cảm thấy buồn cười khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng đang "chỉ đạo xử lý" những hậu quả do Tổng Công ty Thái Sơn (doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng thành lập, chỉ đạo, giám sát hoạt động) đã gây ra cho kinh tế, xã hội, uy tín quân đội…
Đại tá Phùng Danh Thắm (trái), Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị khởi tố về cáo buộc "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong khi Đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân, bị cáo buộc "lợi
Nếu giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng không đặt ra, bám vào chủ trương "quân đội làm kinh tế", sẽ không có chuyện Thượng tá Đinh Ngọc Hệ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, tự "Út trọc", tự "Út Bộ trưởng", tung hoành ngang dọc, khuấy đảo "giang hồ", không có sự kiện Đại tá Phùng Danh Thắm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Đại tá Bùi Văn Tiệp – cựu Tư lệnh Sư đoàn 367 của Quân chủng Phòng không – Không quân, trở thành bị can, không có vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" làm dư luận rúng động (1) !
Về lý thuyết, vạch ra đường hướng để thực hiện tội phạm là chủ mưu, tạo ra những tiền đề nhằm hỗ trợ hành vi phạm tội ít nhất cũng bị xem là đồng phạm. Có bao giờ, ở đâu, chủ mưu hay đồng phạm có thể đứng ra "chỉ đạo xử lý tội phạm" mà còn được khen là "đi đầu", "nghiêm minh" ?
***
Tháng 6 năm ngoái, sau scandal Đồng Tâm (nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rào làng, giữ con tin,… phản đối việc dán nhãn "đất quốc phòng", tịch thu đất để giao cho Viettel – Tập đoàn Viễn thông Quân đội, một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng) và scandal sân golf Tân Sơn Nhất (nhân danh "sự nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng khăng khăng thủ giữ 157 héc ta thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tục cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường này nghẽn cả trên trời, lẫn tắc ở dưới đất vì không thể mở rộng), một Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dõng dạc cam kết : Quân đội sẽ thôi, không làm kinh tế nữa (2).
Chuyên gia nhiều giới đã từng trưng nhiều bằng chứng cả trong lẫn ngoài Việt Nam, khuyến cáo nên loại bỏ chủ trương "quân đội làm kinh tế" vì đó là cội nguồn của nhiều vấn nạn : Dễ bị các cá nhân lạm dụng để trục lợi. Làm vẩn đục môi trường kinh doanh, nguy hại cho nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là suy giảm khả năng quốc phòng do nhân tâm xáo trộn, quân đội cần được dân chúng tin – yêu – hỗ trợ thì lại tạo ra bất bình, nội bộ phân hóa vì một bên gánh chịu gian nan, khổ cực trong khi bên còn lại thì giàu có "nứt đố, đổ vách", ăn chơi phè phỡn, chưa kể "quân đội làm kinh tế" sẽ khiến lãnh đạo quân đội chao đảo, bị khuynh đảo vì lợi…
Đó là lý do cam kết của tướng Lê Chiêm, có sự hiện diện của Thủ tướng Việt Nam như một nhân chứng được nhiều giới tán thưởng, khen là sáng suốt (3). Tuy nhiên niềm vui "ngắn chẳng tày gang". Chỉ nửa tháng sau, một Thượng tướng khác, cũng đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Quốc phòng như tướng Lê Chiêm là tướng Nguyễn Chí Vịnh "đăng đàn", phủ nhận cam kết của đồng liêu. Theo đó, tướng Lê Chiêm không thay mặt quân đội ( ?) mà chỉ nêu quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân của tướng Lê Chiêm "cũng đúng nhưng không đầy đủ". Tướng Vịnh thay mặt quân đội "nói lại cho rõ" là : "Quân đội sẽ tiếp tục làm "kinh tế quốc phòng", thậm chí "sẽ còn ‘làm’ mạnh hơn nữa (4)" !
Không chỉ khẳng định quân đội sẽ tiếp tục "tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế" vì đó là "chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội", Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng còn gọi tất cả những người góp ý rằng quân đội nên thôi, đừng làm kinh tế là "chúng", là một kiểu chống phá của các thế lực thù địch. Tướng Lịch nhấn mạnh : "Nguyên tắc của chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội" cho nên "trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và làm tốt hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh" để "chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn" (5).
Chủ trương "quân đội làm kinh tế" đã tạo ra một sĩ quan cấp bậc đại tá liên tục là "doanh nhân tiêu biểu" của "Việt Nam", "doanh nhân tiêu biểu" của "khối doanh nghiệp Trung ương", "doanh nhân tiêu biểu" của "khối doanh nghiệp quân đội", "doanh nhân tiêu biểu" của "khối doanh nghiệp Sài Gòn",... những danh hiệu ấy còn giúp Đại tá Phùng Danh Thắm liên tục được Thủ tướng tặng bằng khen "vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm" (6). Cuối tuần rồi, Đại tá Thắm bị khởi tố. Chẳng có "thế lực thù địch" nào rờ tới Đại tá Thắm. Chính... "ta" tống giam ông Đại tá – "doanh nhân tiêu biểu" đã từng được xem như một cá nhân xuất sắc, lãnh đạo một doanh nghiệp đang ra sức "chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn" ấy !
***
Giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, rồi giới lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam từng nói rất nhiều về sự câu kết giữa nhiều cá nhân với nhau để trục lợi, bất kể đạo lý, bất chấp luật pháp và gọi những cá nhân ấy là "nhóm lợi ích".
Dẫu giờ đã rõ, Tổng Công ty Thái Sơn – một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của Bộ Quốc phòng – là ổ tội phạm, dẫu có nhiều thắc mắc chưa được giải đáp, chẳng hạn tại sao quân đội có "Quân ủy trung ương", có lực lượng tình báo, lực lượng an ninh rải khắp nơi nhưng giờ mới biết, giờ mới ngăn chặn, xử lý, giờ mới "phát hiện" Đinh Ngọc Hệ tự "Út Trọc", tự "Út Bộ trưởng" danh vang bốn bể, sử dụng bằng cấp giả ( ?), dẫu chẳng có chứng cứ nào cho thấy các viên chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng dính "chàm" nhưng chẳng lẽ cam kết của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, giới lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam về việc truy cứu trách nhiệm những người đứng đầu là cam kết suông ?
Chẳng lẽ Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và những ông tướng nhất mực cổ súy cho việc duy trì hiện trạng "quân đội làm kinh tế" vẫn hoàn toàn vô can, vẫn không hề có bất kỳ liên đới nào về mặt trách nhiệm ? Chủ trương "quân đội làm kinh tế" đâu chỉ tạo ra scandal Đồng Tâm, scandal sân golf Tân Sơn Nhất. Chủ trương rất nhất quán đó đã giúp Công ty Long Biên (chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất) thâu tóm phi trường quân sự Gia Lâm (Hà Nội), biến cả phi trường này thành sân golf Long Biên, dẫu cũng có hàng loạt sai phạm được xác định là nghiêm trọng (sai qui hoạch chi tiết, tự ý thay đổi thiết kế đã được phê duyệt – xây dựng thêm nhiều khối nhà không có trong giấy phép, làm thêm tầng cho một số khối nhà khác, thu hẹp hệ thống giao thông nội bộ và hệ thống xử lý nước thải…) (7), song cũng giống như sân golf Tân Sơn Nhất, Công ty Long Biên vẫn "bình an, vô sự".
Nhìn lại riêng năm ngoái, nếu không có chủ trương "quân đội làm kinh tế", chắc chắn không có thêm hàng loạt scandal khác : Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân băm ba trái núi ven vịnh Hạ Long - vốn bất khả xâm phạm vì thuộc khu vực đã được UNESCO xác định là "di sản thiên nhiên của thế giới" - để lấy vôi (8) ! Sư đoàn 370 Không quân lấy một phần đất vốn cũng thuộc phi trường Tân Sơn Nhất giao cho một số doanh nghiệp xây dựng các khu giải trí, dịch vụ mà không hề xin phép, không cho chính quyền địa phương vào kiểm tra với lý do đó là "khu vực quân sự" (9) ! Bộ Tư lệnh Hải quân các vùng 3, 4, 5 đứng ra làm lá chắn cho một số doanh nghiệp móc cát ở những đoạn bờ biển xung yếu (Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc,…) để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đã nhãn tiền, nhờ khoác vỏ "quốc phòng" được tạo điều kiện mua đi, bán lại quyền "nạo vét" theo kiểu bán mười - khai một trốn đủ loại thuế nhưng đến nay, vẫn không có doanh nghiệp nào "mắc nạn" (10).
***
Cuối tuần rồi, truyền thông Mỹ loan báo, Học viện đào tạo Hạ sĩ quan cao cấp của Lục quân Mỹ (U.S. Army Sergeants Major Academy) vừa khởi động một cuộc điều tra để xác định bản chất 700 áo thun của công ty Grunt Style.
U.S. Army Sergeants Major Academy là nơi Lục quân Mỹ đào tạo các Thượng sĩ nhất trong vòng 10 tháng, trước khi lựa chọn - bổ nhiệm họ làm Thượng sĩ nhất Thường vụ của các đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên. Những Thượng sĩ nhất này thường rời khỏi trường với một vài vật kỷ niệm về khóa mà họ đã theo học.
Mới đây, mỗi thành viên của khóa 68 được tặng một áo thun. U.S. Army W.T.F. ! Moments – blog chuyên bới tìm, thu thập những thông tin, sự kiện thuộc loại coi không được trong Lục quân Mỹ - bảo rằng, những chiếc áo thu đó là quà tặng của Grunt Style. Họ nhấn mạnh, Grunt Style là một doanh nghiệp chuyên sản xuất quần áo phỏng theo kiểu quân đội, do vậy nhận tài trợ của Grunt Style là "phi đạo đức" và vi phạm luật pháp.
Đại diện Grunt Style phản bác đã tài trợ áo thun cho U.S. Army Sergeants Major Academy nói chung và khóa 68 nói riêng. Họ khẳng định, đã nhận được một đơn đặt hàng 674 áo thun và đã được thanh toán tiền. Bởi quân đội Mỹ nghiêm cấm vận động và nhận quà từ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nếu cá nhân hay nơi tài trợ đang hoặc sẽ có thể đạt được những lợi ích nào đó từ vị trí của người nhận quà hay loại công việc mà người nhận quà đảm nhận nên Phát ngôn viên của U.S. Army Sergeants Major Academy vừa loan báo, học viện này đã mở cuộc điều tra để xác định thực hư(11).
Chẳng thể và cũng không nên xem Mỹ là mẫu mực. Câu chuyện vừa kể chỉ là một ví dụ về quan niệm cũng như một số cách thức mà thiên hạ đặt ra để bảo đảm quân đội của họ "tận trung" với quốc gia, "tận nghĩa" với dân tộc, không bị biến thành con rối, múa may dưới tác động của lợi ích. "Quân đội làm kinh tế", doanh nhân được vời vào phong hàm sĩ quan, sĩ quan trở thành "doanh nhân tiêu biểu" từ khi quân đội thôi "trung với nước" để "trung với Đảng". Kết quả như đã thấy. Nếu thật sự tâm niệm và không ngừng nỗ lực xây dựng quân đội chính qui, hiện đại, tại sao giới lãnh đạo quân đội vẫn mê tạo bóng cho một số cá nhân núp, lúc thấy không ổn cho mình thì đuổi ra và mạnh miệng bảo rằng, đó là "nghiêm minh" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/05/2018
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/thai-son-bo-q-p-lien-quan-gi-den-dai-ta-phung-danh-tham-20180429081359701.htm
(3) http://dantri.com.vn/blog/mung-vi-quan-doi-se-khong-lam-kinh-te-20170626040806638.htm
(7) http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Hang-loat-sai-pham-dong-troi-tai-san-golf-Long-Bien-post160928.gd
(8) http://vtc.vn/cong-trinh-khai-thac-da-tren-vinh-ha-long-de-nghi-bo-quoc-phong-vao-cuoc-d332703.html
(10)http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161203/vi-sao-cat-phu-quoc-van-chay-sang-singapore/1229737.html