Bộ Quốc phòng ‘sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển’ (VOA, 18/05/2020)
Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề Biển Đông, Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 18/5 tuyên bố với những đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng trong những năm qua, các lực lượng của Việt Nam "sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển".
Tàu cảnh sát biển Việt Nam (phải) và tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông vào thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền vào năm 2014.
Nhắc lại 4 lần Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam từ ngày 4/7 - 24/10 năm ngoái, Bộ này nói hành động của Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Bộ này khẳng định chủ trương của Việt Nam là "kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vùng 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI ; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo", theo Dân Trí.
Trước thực tế Trung Quốc "không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông", tăng cường củng cố sự hiện diện và khả năng kiểm soát trên thực địa, Bộ Quốc phòng cho biết thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống để không bị động, bất ngờ và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng.
Vẫn theo Bộ này, Việt Nam trong những năm qua đã gia tăng mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao để nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, diễn tập… để không bị động và xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.
Nêu sự kiện Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đến khu vực bãi Tư Chính vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng nhờ "kiên trì xử lý bình tĩnh, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa", nên đã "buộc Trung Quốc phải rút tàu" khỏi vùng biển của Việt Nam trong khi vẫn kiểm soát tốt được tình hình an ninh và trật tự xã hội.
Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, Zhang Mingliang, với tờ South China Morning Post, thì việc tàu Trung Quốc rút lui "không chắc là có liên quan đến những bình luận của Việt Nam".
Theo chuyên gia này, "lý do chính là nó đã hoàn thành công việc", như tuyên bố chính thức của Bắc Kinh về việc rút tàu Hải Dương 8. Nhưng cũng có thể xem động thái rút tàu của Trung Quốc "như một nỗ lực để giảm căng thẳng với Mỹ", chuyên gia Zhang Mingliang nhận xét thêm.
Những tuyên bố mới nhất của Bộ Quốc phòng Việt Nam được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục thực hiện các động thái gây hấn, lấn áp Việt Nam và các quốc gia láng giềng nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Trả lời cử tri về việc cần có "biện pháp kiên quyết hơn nữa" với hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng đây "vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài".
"Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần kiên quyết, kiên trì, ‘dĩ bất biến, ứng vạn biến’", Vietnamnet dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nói.
********************
Bộ Quốc phòng : Người Trung Quốc ‘lợi dụng kẽ hở’, nắm các khu đất ‘trọng yếu’ ở Việt Nam (VOA, 18/05/2020)
Người Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 162.000 hectare đất của Việt Nam, trong đó có những nơi trọng yếu thuộc vùng "biên giới" hoặc "ven biển", Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây cho biết, theo báo chí trong nước.
Một khu đất ven biển dài 1 km và rộng 30 ha ở Đà Nẵng do người Trung Quốc nắm giữ (ảnh tư liệu, 2015)
Thông tin kể trên được đưa ra trong báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi tới Quốc hội để trả lời cử tri, sau khi có những người ở Hải Phòng bày tỏ lo ngại về việc người Trung Quốc thu mua đất của Việt Nam, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet tường thuật trong các hôm 17 và 18/5.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam nói tính đến tháng 11/2019, có 149 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở khu vực biên giới hoặc ven biển thuộc 22 tỉnh của Việt Nam.
Vẫn báo cáo của bộ, được Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet trích đăng, cung cấp thông tin rằng tình trạng người Trung Quốc "tập trung sở hữu đất đai" nổi bật lên ở các tỉnh, thành là Đà Nẵng với 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh 5 trường hợp.
Qua các trích dẫn của Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, dường như Đà Nẵng được Bộ Quốc phòng tập trung nhấn mạnh nhất, khi báo cáo của bộ nêu ra 2 cá nhân và 7 doanh nghiệp Trung Quốc hoặc "có yếu tố sở hữu Trung Quốc" đã "núp bóng" một số công dân hay doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu hoặc thuê hàng trăm nghìn mét vuông đất ven biển, thậm chí sát cạnh sân bay Nước Mặn, từng là sân bay quân sự.
"Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ", báo cáo của Bộ Quốc phòng đưa ra nhận xét, đồng thời khẳng định rằng cử tri và dư luận xã hội thấy "đáng ngại" về việc cơ quan chức năng Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là "có cơ sở".
Mặc dù luật Việt Nam không cho phép công dân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất ở Việt Nam, song Bộ Quốc phòng chỉ ra trong báo cáo của mình rằng người Trung Quốc dựa vào 2 cách chính để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng.
Cách thứ nhất, họ thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam, trong khi phần góp vốn của người Việt chủ yếu là giá trị của đất. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp do người Việt điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, phía Trung Quốc tăng vốn và giành quyền điều hành doanh nghiệp, vì vậy, phần tài sản góp vốn là đất của phía Việt Nam trở nên thuộc quyền sở hữu của phía Trung Quốc.
Trong cách thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho công dân Việt Nam, chủ yếu là người Việt gốc Hoa, để mua đất. Bộ Quốc phòng đưa ra dẫn chứng là có một số trường hợp công dân thuộc diện "kinh tế khó khăn" nhưng lại đứng tên sở hữu 10 đến 12 lô đất.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường, khẳng định với VOA rằng việc người Trung Quốc nắm giữ đất ở Việt Nam gây ra những rủi ro :
"Trong hoàn cảnh tất cả các nước nhỏ cạnh các nước lớn, với quan hệ mạnh-yếu, chúng ta cũng biết rằng bỏ tiền ra mua đất chẳng hạn thì cũng là một kiểu gây tác động nhất định đến kinh tế, đến đời sống xã hội rồi thậm chí kể cả vấn đề an ninh".
Các công dân Trung Quốc phạm pháp bị chính quyền Đà Nẵng bắt giữ hôm 6/6/2019. Photo Da Nang TV
Để củng cố cho quan điểm của mình, giáo sư Đặng Hùng Võ dẫn lại một loạt những vụ việc từng được báo chí điều tra, đưa tin, bao gồm việc một số doanh nghiệp Trung Quốc đưa đông đảo công dân của họ vào Việt Nam lao động bất hợp pháp ; hay việc họ thiết lập các khu dân cư, các điểm kinh doanh tách biệt, theo hình thức tự trị, chỉ sử dụng ngôn ngữ và phương thức thanh toán của Trung Quốc, Việt Nam không thu được gì và ngay cả công an Việt Nam cũng không thể đi vào trong các khu đó.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường cảnh báo rằng tình trạng như vậy một mặt gây ra bất công về kinh tế cho người Việt Nam, mặt khác tiềm ẩn những nguy cơ như đó có thể là những nơi "chứa chấp vũ khí, súng ống", đe dọa đến trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Liên hệ tới tình hình Biển Đông, giáo sư Đặng Hùng Võ cảnh báo với VOA rằng những "tụ điểm" người Trung Quốc trên đất Việt Nam có thể bị Trung Quốc biến thành những cái cớ :
"Cách thức cư xử của Trung Quốc ở Biển Đông, mọi người Việt Nam rất khó chịu, thậm chí là phẫn uất vì chuyện bắt nạt ở Biển Đông. Thế thì trên đất liền thì sao ? Có thể bây giờ chưa xảy ra, nhưng cũng có thể sẽ xảy ra, thì cách thức nó sẽ như thế nào ? Khi mà về tương quan lực lượng quân sự và cách thức hành xử, thì như câu chuyện trên Biển Đông, thì thấy rất rõ".
Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, Bộ Quốc phòng cho biết họ đã báo cáo và đề xuất chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành rà soát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Bộ cũng đề nghị cần "kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập" của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở, không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng chính quyền Việt Nam có thể "khó xử lý" về mặt pháp lý khi người Trung Quốc "đội lốt" người Việt để nắm giữ đất ở Việt Nam. Ông nói với VOA :
"Không thể dùng luật pháp, không thu hồi được, bởi vì là không vi phạm điều luật nào trong việc nhận chuyển quyền [sử dụng đất] khi cái người đó là người Việt Nam. Thế thì tôi cho rằng giải pháp lúc này không phải là giải pháp pháp luật. Mà giải pháp lúc này tôi nghĩ đến cùng chỉ có mỗi một cái là người Việt Nam đừng ai làm chuyện này [tiếp tay cho Trung Quốc]. Đó là giải pháp tốt nhất".
Báo cáo trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng được đưa ra ở thời điểm hiện nay cung cấp một bức tranh trái ngược với những phát ngôn trước đó của một số quan chức cao cấp.
Hồi tháng 6/2018, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà nói trước Quốc hội rằng bộ của ông "chưa phát hiện người nước ngoài mua đất" và mong đại biểu Quốc hội "thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho bộ" để nhà chức trách điều tra xem "bằng cách nào họ mua được".
Lâu hơn nữa, hồi tháng 10/2015, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi gặp cử tri ở Hà Nội đã khẳng định : "Không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất".
https://youtu.be/FbVHOD2gQgI