Bộ Y tế tuy đã tạm thời gỡ được vướng mắc đấu thầu nhưng trên thực tế thì đây vẫn là sự vá víu của chính sách.
Bà Bộ trưởng thích đổ thừa
Dường như vì "trái chuyên môn" nên bà Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khi đăng đàn chỉ biết than vãn thay cho đưa ra giải pháp quản trị thích hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị - T. Hằng - Ảnh minh họa
Quan sát trên các diễn đàn Quốc hội đến những buổi họp hành, đa phần người dân đều thấy báo chí tường thuật về bà Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan sau khi than vãn là ‘đổ thừa’ chuyện "thiếu thuốc, thiết bị y tế có nguyên nhân sợ sai trong đấu thầu".
Dẫu là dân ngoại đạo ngành y, song khi đã từng là trợ lý lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, sau đó đã có thời gian suốt mùa dịch giã Covid-19, bà Đào Hồng Lan là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, tin rằng bà quá hiểu về hai vấn đề là nguyên nhân cho chuyện bà tham vãn lâu nay, đó là thứ nhất, bộ phận soạn thảo Luật đấu thầu chưa soạn được một quy định hoàn chỉnh nên người thực hiện rất khó thực hiện, hoặc thực hiện rất dễ sai phạm.
Từ duyên cớ trên đưa đến nguyên nhân thứ hai là bộ phận thực hiện ngại ngần chuyện không đủ năng lực, sợ trách nhiệm vì "thiếu căn cứ pháp luật chống lưng", nên chọn việc tạm gọi là lơ là trách nhiệm trong công việc.
3 chân kiềng đều yếu
Theo dõi mảng y tế, người viết vẫn còn nhớ ở kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, một đại biểu quốc hội vốn là cán bộ quản lý y tế chuyên trách về ngành dược của Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng cảnh báo rất thẳng thắn, rằng ngành y tế có 3 chân kiềng là y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng dược, trang thiết bị vật tư y tế. Nếu trước chỉ y tế cơ sở yếu, thì hiện nay cả 3 chân kiềng này đều yếu.
"Nói thẳng để Bộ trưởng mới thấy là chị đang tiếp nhận gia tài thế nào. Vấn đề này tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta, nên phải có nhìn nhận, phân tích về bảo hiểm y tế, cơ chế xã hội hóa y tế…", vị đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu vấn đề : cứ kêu gào thiếu thuốc, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng chỉ đạo xử lý, nhưng gốc rễ vấn đề ở đâu ? Về đãi ngộ nhân viên y tế đến giờ đã tăng được đồng nào chưa ?
"Nói y tế không phục vụ công lập thì ra bệnh viện tư, nhưng tư là phục vụ người có tiền, còn bệnh viện công phục vụ đại đa số người dân. Bác sĩ giỏi mà ra khỏi bệnh viện công thì người dân thiệt thòi", bà nghị của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh ý kiến rất quyết liệt về đòi hỏi khả năng quản trị chuyên môn trên cương vị là người đứng đầu Bộ Y tế.
Gần đây, bà Bộ trưởng Y tế có vẻ hài lòng khi hơn hai tuần lễ trước, Bộ Y tế đã tạm thời gỡ được vướng mắc đấu thầu qua việc tham mưu chính phủ và ban ngành trong ban hành nghị quyết 30 và nghị định 07, qua đó giúp khôi phục trở lại các ca mổ theo lịch ở các bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên trên thực tế thì đây vẫn là sự vá víu của chính sách.
Sự ổn định chính sách : mong lắm thay
Ông Nguyễn Trí Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy có ý kiến như sau, và người ta vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía lãnh đạo Bộ Y tế :
"Bên cạnh nhiều mặt được, hiệu quả khi áp nghị quyết 30 và nghị định 07 thì bệnh viện chúng tôi cũng còn nhiều băn khoăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thiết bị, vật tư y tế, có thể quy vào tội vi phạm mà không biết khi việc niêm yết giá, kê khai giá không mang tính bắt buộc.
Cụ thể với quy định một bảng báo giá hiện nay thay vì ba bảng báo giá trước đây, bệnh viện còn e ngại rằng một bảng báo giá này có sát với giá trị thực của sản phẩm mình mua hay không, trong khi các nhà quản lý bệnh viện không đủ cơ sở kiểm định.
Hiện phần lớn các máy móc, thiết bị y tế chưa niêm yết giá, trong khi quy định là sản phẩm mua không được cao hơn giá niêm yết, nên bệnh viện không thể so sánh được. Giả sử trong tình huống khẩn cấp, bệnh viện mua một thiết bị gì đó dựa trên một bảng báo giá cho phép nhưng không có giá niêm yết, nếu chẳng may khi thiết bị đó đưa vào hoạt động mà có giá niêm yết thấp hơn giá bệnh viện đã mua thì có thể bị vi phạm.
Và nghị quyết 30 chỉ tháo gỡ trong thời điểm cấp bách và thí điểm đến 31-12-2023 thì không giải quyết triệt để trong thời gian dài, vì việc thiếu thuốc và trang thiết bị y tế mang tính chất chu kỳ. Về lâu dài cần sửa luật đấu thầu và trong đó cần chia rõ hàng hóa y tế là hàng hóa đặc biệt, không xét chung với hàng hóa thông thường.
Đồng thời cần có chương đấu thầu riêng cho y tế và nên nêu rõ như thế nào là tình huống khẩn cấp trong y khoa để các nhà quản lý bệnh viện được mua sắm ; cũng như có quy định rõ về gói bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, đặc biệt với hệ thống máy móc cao cấp khi việc bảo dưỡng chúng gần như độc quyền…".
Lẽ ra bà Bộ trưởng Y tế phải là người trả lời bằng được với tính thuyết phục cao nhất, đó là vì sao cũng những bệnh viện công đó, cũng các bác sĩ đó mà họ vẫn tiếp cận đầy đủ vật tư y tế trước đây ? Thậm chí, trong dịch bệnh, họ là những người ở tuyến đầu. Thế rồi vì sao cũng vẫn là những con người đó lại để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trên diện rộng ?
Lỗi ở thể chế, hay chỉ đơn giản từ cái tâm, lòng tham của con người ; hoặc là sự tổng hợp của các yếu tố đó ?
Trên hết, các lãnh đạo tối cao xin luôn nằm lòng rằng, đảm bảo tính có thể dự báo, tính nhất quán và ổn định của chính sách là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành môi trường vĩ mô tốt.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 28/03/2023
Đọc trên nhiều tờ báo mấy bữa nay, tôi thấy mà tá hoả bởi những chuyện không ai dám nghĩ tới. Phó Giáo sư Tiến sĩ Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, tất cả những người trên Bộ Y tế vừa phát ngôn trên các báo này đều không ai có chuyên môn về dược. Thật vậy sao ?
Tôi hơi thất vọng khi đọc trên báo khoảng chục hôm nay thấy có những điều tưởng như không quá khó khi tìm ra một định nghĩa tạm gọi là đủ ý về khái niệm thế nào là hàng giả ? Thế nào là thuốc chữa bệnh giả ? Với ngay cả các cơ quan tố tụng pháp luật cũng vậy, muốn xử đúng người, đúng tội trong vụ án xảy ra tại Công ty VN Pharma hôm mới đây, lẽ ra cũng cần thống nhất khái niệm. Chỉ có vậy mới tránh được điều tiếng cho những người tham gia tố tụng.
Trên diễn đàn chính thức mà các cơ quan truyền thông trích dẫn, đại diện Bộ Y tế luôn khăng khăng cho rằng lô thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma nhập chỉ là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả. Họ viện dẫn cả đến Luật Dược (năm 2005) với điều nọ, khoản kia, nói này, nói nọ để biện minh thì ai chẳng phải tin. Nếu không có chút kiến thức nhất định về dược học như tôi chẳng hạn, có lẽ tôi cũng phải im lặng mà nghe và tin vào họ. Không lẽ nơi đây có cả một cơ quan cấp cục, gọi là Cục Quản lý dược mà lại non kém kiến thức đến thế là sao ?
Đọc trên nhiều tờ báo mấy bữa nay, tôi thấy mà tá hoả bởi những chuyện không ai dám nghĩ tới. Phó Giáo sư Tiến sĩ Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu quốc hội khóa XIV cho rằng, tất cả những người trên Bộ Y tế vừa phát ngôn trên các báo này đều không ai có chuyên môn về dược. Thật vậy sao ?
Hãy nghe bà nói : "Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, đại diện cho Bộ Y tế nói thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc thật, nhưng ông cũng chỉ là một bác sĩ, chứ không phải là dược sĩ ; còn lại những người khác nói thuốc này là thuốc thật mà tôi biết đều là những người không có chuyên môn về dược, kể cả phó giáo sư.Tiến sĩ Trần Thị Hồng Phương - Phó cục trưởng Cục quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) - lên tiếng với báo chí mới đây cũng không có kiến thức về dược"- bà Lan khẳng định.
Khi được hỏi, liệu bà có chấp nhận ra đối chất nếu Bộ Y tế thành lập hội đồng để phản biện việc này không thì bà nói sẽ rất sẵn sàng bởi bà tin vào kiến thức chuyên môn được đào tạo và hành nghề nhiều năm của bà. Bà Phong Lan cho hay : "Tôi rất bức xúc không hiểu tại sao mọi người luôn kêu gọi bắt và trừng trị nghiêm khắc những người sản xuất, buôn bán thuốc giả nhưng khi chúng ta đã bỏ công sức bắt được rồi thì lại đánh tráo khái niệm để tạo điều kiện cho những kẻ vi phạm thoát tội".
Một điều làm tôi hơi bất ngờ là khi bà nói : "Tôi là một người học chuyên ngành về dược, được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài, từ đại học, đến tiến sĩ rồi được phong hàm phó giáo sư, tôi có thể thẳng thắn tranh luận về vấn đề này đến cùng. Thật ra đến giờ tôi chưa thấy có nhà chuyên môn nào trong lĩnh vực dược nói đây là thuốc thật cả, còn những người nói đây là thuốc thật đều là những người ngoài chuyên môn về dược".
Có lẽ bà Phong Lan đã rất dũng cảm khi nói vậy mà không ngại "đụng" đến sự tự ái của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, âu bà cũng vì cái chung. Tôi tuyệt nhiên không hề có ý coi thường ông, vị Giáo sư, tiến sỹ Y khoa, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới mà còn rất muốn chia sẻ với ông khi bị bộ trưởng phân công oái oăm như thế, bởi tôi biết rõ giáo sư Viết Tiến vốn là nhà ngoại khoa chuyên về sản rất tài năng, từng được mệnh danh "người có đôi bàn tay vàng trời cho".
Song dù sao, Bộ Y tế cũng không nên làm khó ông như thế. Không nên để ông Tiến phải chịu trận như vậy trong khi bộ này có hẳn vị Thứ trưởng kiêm Cục trưởng cục quản lý dược ngồi đó. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ việc năm 2014, ông Trương Quốc Cường chưa ngồi ghế Thứ trưởng mà vẫn là Cục trưởng của chính cái cục cấp giấy phép cho lô thuốc này vào Việt Nam (Giám đốc VN Pharma bị bắt từ tháng 9/2014, tới giờ đã 3 năm, Bộ Y tế xử lý kiểu gì mà lãnh đạo Cục Quản lý dược vẫn tiếp tục được lên chức cao hơn ?) cho nên trách nhiệm của ông Cường đến đâu, tôi nghĩ cũng không thể ngoài cuộc. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng Bộ trưởng Kim Tiến muốn cho sự việc được khách quan hơn nên không muốn ông Cường xuất hiện chăng ?
Nếu đọc trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/9 thì sẽ thấy cuộc trao đổi với ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cũng sẽ vỡ ra nhiều điều. Ông Trần Hùng, trong các mảng công việc được Ban 389 phân công theo dõi thì cũng có cả ngành y tế. Cho nên theo ông Hùng, "ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, Công ty VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ nại ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc. Như vậy, họ đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, vi phạm theo điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vì thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên chắc chắn các quy định có liên quan còn ngặt nghèo hơn. Với tổ thẩm định của Cục Quản lý dược Bộ Y tế, gồm 10 chuyên gia giỏi, chia thành hai nhóm kiểm tra, đánh giá trước khi xét duyệt, tôi không rõ quá trình thẩm định nguồn gốc, xuất xứ số thuốc này của Công ty VN Pharma được thực hiện theo cách thức, quy trình nào. Các mã vạch ở vỏ hộp thuốc cũng có thể là nguồn tra cứu trực tiếp, đơn giản và hữu dụng. Tất cả mã vạch chuẩn được đăng ký toàn cầu và rất nhiều trang web có mục tra cứu, quét bằng điện thoại smartphone thông dụng để một người tiêu dùng bình thường cũng có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa mình sử dụng.
Nói ngắn gọn H-Capita là hàng giả, thuốc giả và cần được xử lý đúng tội danh buôn bán hàng giả và yếu tố nghiêm trọng đó là thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là tội ác !".
Liên quan đến vụ VN Pharma làm giả giấy tờ để nhập thuốc chữa ung thư, cùng những tranh luận về thuốc giả, thuốc thật, thuốc nhập lậu và thuốc kém chất lượng, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Gia Khải, chuyên gia cao cấp trong Ban bảo vệ sức khoẻ trung ương nhiều năm nay cho biết : "Nếu đã là thuốc thì giấy tờ phải hợp lệ. Nếu thuốc thật thì làm sao phải làm giấy tờ giả ? Có những thuốc lý luận tốt nhưng tương đương về lâm sàng không có. Lâm sàng mới là thước đo cuối cùng...".
Ông nói thêm : "Tôi kể chuyện này : Một công ty nổi tiếng là Boehringer Ingelheim của Đức tiến hành thử nghiệm lâm sàng chứng minh Telnisantan (biệt dược Micardis) cộng với Ramipril (tên một loại thuốc ức chế men chuyển) thì cho kết quả hạ huyết áp tốt. Thế nhưng trên thực nghiệm, làm trên hàng trăm người, người ta thấy rằng nó không phải như vậy. Những người suy thận, kali cao thì dùng như vậy nguy hiểm. Và cuối cùng chỉ công nhận được : Telnisantan và Ramipril giá trị như nhau nhưng dùng riêng rẽ, không nên dùng phối hợp".
"Mình nghĩ rằng tốt, nhưng trên thực tế nó không tốt như vậy. Thực tế lâm sàng khác với suy luận của mình. Một công ty nổi tiếng và được thế giới công nhận mà còn như vậy. Trong y học không có suy luận.
Trở lại vụ việc ở Công ty VN Pharma, tôi thấy nó là dấu giả, giấy giả, công ty cũng giả nốt, nếu thuốc vẫn tốt, vậy thì cần gì dấu với giấy tờ nữa, cứ nhập thuốc thôi !"- Giáo sư Khải phân tích.
Việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao, sau phiên toà sơ thẩm, trước bức xúc của dư luận đã cùng có ý kiến chỉ đạo cấp dưới xem xét lại quá trình điều tra, ra cáo trạng và xét xử vụ án nói trên ; Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra chính phủ thanh tra toàn diện công tác quản lý dược của bộ Y tế, đã cho thấy tất cả đều đang vào cuộc và không tha thứ cho những dấu hiệu khuất tất đã và đang diễn ra ở lĩnh vực chuyên doanh nhạy cảm nói trên. Tôi nghĩ, chỉ có làm nghiêm khắc và làm tới cùng sự việc như thế thì mới có khả năng răn đe những hành vi vi phạm kiểu như thế về sau. Hy vọng vào một Chính phủ hành động, liêm chính cũng chính là từ những việc rất cụ thể như thế này.
Quốc Phong
Nguồn : Một Thế Giới, 05/09/2017
Vụ án liên quan đến thuốc đặc trị ung thư H-Capita nhập lậu của công ty Việt Nam Pharma được mang ra bàn luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, có sự tham gia của Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và bức xúc trong dư luận vì những giải trình bất nhất của các Bộ, ngành có liên quan cũng như thông tin từ truyền thông trong nước về số thuốc này là thật hay giả.
Công ty cồ phần VN-Pharma đang bị điều tra về việc thuốc điều trị ung thư giả. Courtesy of thanhniennews.vn
Chúng tôi đặt vấn đề này với một người (xin được ẩn danh), có thời gian dài làm việc trong ngành dược phẩm của công ty đa quốc gia, ông cho biết sau khi theo dõi báo chí thời gian qua, ông hoàn toàn đồng ý về những thông tin về Việt Nam Pharma trên truyền thông là bất nhất.
Phân tích về góc độ dược lý, ông cho biết loạt thuốc do công ty Việt Nam Pharma nhập về để điều trị bệnh ung thư không thể gọi là thuốc giả.
"Phân tích lô thuốc này, nó có 97% hoạt chất thuốc là Capicitabine là để trị đại tràng và ung thư vú. Có 1 văn bản khác mới công bố là chứa 98% hợp chất thuốc có khả năng trị bệnh cho người.
Rõ ràng đứng về mặt dược học, nó không phải thuốc giả, nó là một thứ thuốc Generic (thuốc biệt dược tương tự), nhái lại từ biệt dược Xeloda của hãng Ross.
Có thể nó có những trục trặc bên trong về giấy tờ hành chính, nhưng theo định nghĩa của FDA và WHO, thì họ không gọi là thuốc giả, mà gọi là illegal và unregistered (không hợp lệ và chưa đăng ký). Còn thuốc giả theo đúng định nghĩa là không có đủ hoặc không có hoạt chất trị bệnh".
Tại cuộc họp ngày 30/8 liên quan đến vụ án, bà Ung Thị Xuân Hương – Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những ý kiến cho rằng bên toà án chưa thống nhất với cách gọi loạt thuốc đó là "hàng giả".
Theo báo chí đưa tin, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hoạt chất chống ung thư trong thuốc đạt 98,1%. Kiểm nghiệm lần thứ 2, cho kết quả hoạt chất chống ung thư là 97%. Nhưng có báo thông tin là tạp chất 97% ; khác hoàn toàn, thậm chí có báo đăng 97% độc chất.
Nếu như theo kết quả phân tích kiểm nghiệm của Cục quản lý dược, vị dược sĩ không nêu tên này khẳng định lô thuốc H-Capita đúng với qui định về dược lý của quốc tế.
"Theo qui định, ngay cả của Mỹ, hàm lượng trong thuốc cho phép (+) (-) 10% , chiếm 10% là đạt yêu cầu rồi nên 97%, 98% là quá đạt yêu cầu. Trong khi so với giá thuốc gốc là 70 ngàn/viên, cái này có 30 ngàn/viên. Thì phải nói nếu họ làm được như thế là phải khen, vì người nghèo có thể tiếp cận với 1 loại thuốc mới với 1 nửa chi phí".
Do đó, theo cách gọi của bà Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đó có thể là hàng kém chất lượng, nhưng "phải so với đề án nhập thuốc. Đề án bao nhiêu % chất đó thì chúng ta so ra mới biết có kém chất lượng hay không ?"
Một sự bất nhất khác, cũng theo vị dược sĩ này cho biết ông đã đọc được trong các bài viết về vụ Việt Nam Pharma.
"Có 1 văn bản nói là nó không có tác dụng trị bệnh, không được sử dụng cho người. Còn 1 văn bản khác thì lại nói là đầy đủ chất lượng sử dụng trên người".
Trên tờ Infonet ngày 22 tháng 8 năm 2017. "Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg của Công ty Việt Nam Pharma chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người".
Cũng trên tờ Infonet, ngày 30 tháng 8 có đăng bài nhận định của bác sĩ Phan Đình Hiệp hiện đang làm việc ở Úc cho biết nếu phân tích theo định nghĩa của Luật Dược, H-Capita của Việt Nam Pharma được gọi là thuốc biệt dược tương tự (Generic). Nhưng theo qui định của Luật Dược 2016, H-Capita được xem là thuốc giả vì không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn khi trả lời báo Vietnam.net trong nước cho rằng bà thấy khó hiểu khi các doanh nghiệp khác phải mất một thời gian rất lâu và rất khó khăn mới được đăng ký thuốc, nhưng tại sao "con lạc đà"như Việt Nam Pharma lại có thể chui lọt qua những "lỗ kim" như Bộ Y tế, Cục quản lý dược ?
Câu hỏi của bà nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh được Giáo sư Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam Nguyễn Thế Hùng trả lời chúng tôi theo quan điểm của ông, "lỗi là do cơ chế, mà cơ chế là do thị chế sinh ra".
"Như vậy là nó có những cái quan hệ, những lợi ích nhóm, những thượng tầng của nó tức là những lãnh đạo cao cấp che chở cho nên nó mới sinh ra như thế. Cho nên người ta mới gọi bất nhất là như vậy. Có anh thì đòi đưa ra xử, có anh khác thì nguỵ biện, đưa ra cái này cái khác. Thực chất là có những quan hệ đen tối bên trong, gọi là lợi ích nhóm đó".
Nhận định này tương đồng với ý kiến của phóng viên điều tra Đỗ Cường. Anh là người đã nhiều lần cố gắng liên lạc trực tiếp với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đưa lên trang mạng xã hội những hình ảnh, video về căn biệt thư của bà bộ trưởng đang gây ồn ào trong vụ án này.
Theo anh, cái gọi là lợi ích nhóm trong vụ án này đã tạo ra một kết quả gọi là ‘hiệu ứng đám đông’
"Những nguồn thông tin, mập mờ trong đấu thầu, mập mờ trong căn biệt thự 20 tỷ ông Hùng tặng cho bà Tiến, nếu là người ngoài thì không thể biết được, chỉ những người lãnh đạo, hoặc đối thủ bên đấu thầu, đối thủ của VN-Pharma mới biết được.
Người ta tung lên như 1 bằng chứng. Ở Việt Nam có rất nhiều tin đồn trở thành thật".
Về khía cạnh này, vị dược sĩ ẩn danh trong bài viết cũng đưa ra quan điểm đồng nhất. Ông cho biết mình theo dõi diễn biến sự việc với vai trò vừa là một độc giả, vừa là một người am hiểu về dược phẩm để thấy rằng, câu chuyện VN-Pharma là một cuộc tranh giành lợi ích nhóm.
"Đại khái là khi muốn chơi nhau về lợi ích nhóm hoặc muốn thí chốt bà Tiến thì dựng lên một câu chuyện truyền thông về thuốc giả, nhưng cái để bắt bẻ nhau và giấy tờ buôn lậu. Nhưng truyền thông thì được lệnh đưa lên thành 1 vụ án thuốc giả lừa người bệnh ung thư, làm cho dư luận phẫn nộ để chơi nhau".
Ông nói rằng chính những cách đưa tin về vấn đề này của truyền thông đã tạo nên một sự phẫn nộ rất lớn trong công luận.
"Nó thành một cái chủ đề là làm giả thuốc ung thư cho người bệnh nghèo ở giai đoạn chót…
Bản thân kết luận của toà án là buôn lậu thuốc với làm giả giấy tờ chứ không kết luận là sản xuất thuốc giả".
Vụ việc hơn 9.000 hộp thuốc ung thư được báo chí trong nước gọi là lô thuốc giả nhập vàp Việt Nam vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi, về thuốc thật hay giả, và cả trách nhiệm thuộc về ai.
Cộng đồng truyền thông mạng thời gian qua đồng loạt bày tỏ phẫn nộ kêu gọi Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức. Khi trả lời câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án VN-Pharma, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chỉ nói rằng : "Từng ngành đều có Bộ trưởng, người đó phải chịu trách nhiệm cao nhất chứ không thể đổ lỗi cho ai khác".
********************
Em chồng Bộ trưởng Tiến có ghế ở Việt Nam Pharma (BBC, 31/08/2017)
Truyền thông Việt Nam đưa tin em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Hoàng Quốc Dũng, từng là phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư của công ty Việt Nam Pharma.
Bộ trưởng Tiến nói có thông tin bịa đặt và vu khống bà.
Ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Việt Nam Pharma, người vừa bị tuyên án 12 năm tù vì tội 'Buôn lậu và Làm giả con dấu để nhập lậu hàng ngàn lô thuốc chữa ung thư giả' nói với báo Tuổi Trẻ rằng "hình như không có ký quyết định bổ nhiệm" ông Dũng, em chồng bà Tiến, vào vị trí này.
"Vì lâu quá rồi nên tôi cũng không nhớ và cũng không nhớ lương trả bao nhiêu. Ông [Dũng] có vô ra làm việc nhưng lo về mấy việc xây dựng, nhưng do chưa có xây dựng gì hết nên người ta đâu có làm gì đâu, ngồi văn phòng vậy thôi".
Được biết ông Dũng vẫn còn làm việc vào thời điểm khi nhà chức trách tiến hành khởi tố và điều tra bê bối, nhưng sau đó đã nghỉ việc.
Hôm 28/08/2017, báo VietnamNet của Bộ Thông tin và truyền thông, có bài phỏng vấn Bộ trưởng Tiến để làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm sau khi bà Tiến trước đó ngày 24/08 mô tả các thông tin trên mạng về việc em chồng và con trai bà làm cho Việt Nam Pharma là "bịa đặt và vu khống".
"Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào đến khi vụ việc nhập thuốc có nhiều nghi vấn được Cục Quản lý dược báo cáo và Bộ đã chủ động đề nghị với cơ quan có thẩm quyền ở Bộ Công an làm rõ.
"Còn thông tin tôi được tặng căn biệt thự liền kề phía sau nhà tôi là dựng chuyện vu khống cho tôi và gia đình tôi.
"Căn nhà ở đường Nguyễn Văn Hưởng gia đình tôi mua đất đã 20 năm trước và cất nhà ở gần 10 năm nay rồi. Thông tin tôi được bị cáo Hùng tặng biệt thự trị giá 60 tỉ đồng là rất hoang đường, vớ vẩn, bịa đặt.
"Thông tin này trên mạng cũng đã dựng chuyện vu khống tôi trước đây rồi, giờ nhân vụ xét xử họ lại tiếp tục loan truyền để gây mất niềm tin, có ác ý… Thật là tôi không hiểu vì sao người ta có thể bịa đặt như vậy mãi như thế được", bà Tiến nói với VietnamNet.
'Không nói khác với nói không'
Trong khi đó một thứ trưởng Bộ Y tế nói việc Bộ trưởng Tiến không nói [em chồng làm cho Việt Nam Pharma] và nói "không có" là hai việc mà ông gọi là "hoàn toàn khác nhau".
"Theo quy định, cán bộ làm ở vị trí này thì không được là vợ, chồng, con, hoặc bố mẹ còn luật không nói đến là anh/em chồng. Ban cán sự Đảng có hỏi không thì tôi xin trả lời là cá nhân tôi chưa bao giờ hỏi Bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng không báo cáo việc này tại các cuộc họp ở Bộ", Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói tại buổi họp báo Chính phủ hôm 30/8/2017.
Bình luận được đưa ra sau một thời gian cư dân mạng bàn tán về khả năng có 'xung đột lợi ích' trong vụ án Việt Nam Pharma, với cáo buộc người nhà Bộ trưởng Y tế Việt Nam làm trong công ty này,
Cây bút Huy Đức viết trên Facebook cá nhân : ''Báo chí, Thanh tra và Ủy ban điều tra độc lập cũng nên điều tra làm rõ : Nếu Việt Nam Pharma đưa ông Dũng vào làm Phó Giám đốc ở đây chỉ để "thu hút hỏa lực dư luận" thì cũng nên minh oan cho bà Tiến ; Nếu trong thời gian làm việc ở đây, ông Dũng có "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn"(bà Tiến) thì cũng cần, vừa xem xét trách nhiệm của bà Tiến, vừa truy cứu trách nhiệm hình sự ông Dũng".
Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân : "Vụ thuốc ung thư giả gần đây cùng nhiều sự việc khác trước đó khiến dư luận càng lên án bà Bộ trưởng Y tế Kim Tiến và đòi bà từ chức. Điều này không sai, vì chúng ta đều giả định (và mơ mộng) rằng chức vụ công quyền đó do người dân giao phó thông qua bầu cử tự do... Tuy nhiên, bà Kim Tiến sẽ không từ chức...".
**********************
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi vi phạm liên quan đến vụ việc nhập 9000 hộp thuốc ung thư giả của công ty Việt Nam Pharma.
Các bị cáo Việt Nam Pharma tại tòa - Dantri
Chỉ đạo vừa nêu được đưa ra ngày 30 tháng 8 tại phiên họp Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam của chính quyền Hà Nội, mặc dù vụ việc đang được pháp luật xử lý, nhưng dư luận vẫn đặc biệt quan tâm và nhiều người bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào cả hệ thống y tế Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, ông cũng cho biết Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ Y tế về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ này trong vụ việc thuốc ung thư giả khiến dư luận phẩn nộ, và ông đã đề nghị phải thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã nhắc nhở Thanh tra Chính phủ phải tiến hành thanh tra một cách nghiêm túc việc cấp phép của Bộ Y tế vì đây là chuyện liên quan đến sức khỏe của người dân.
*********************
Bài có tựa "Bộ Y tế lần đầu công bố chi tiết diễn biến cấp phép vụ thuốc giả của Việt Nam Pharma" của báo Dân Trí dẫn giải thích của Bộ Y tế khẳng định "đã thực hiện cấp phép nhập khẩu thuốc theo đúng quy định hiện hành".
Theo bài báo này, Bộ Y tế đã nhận đơn hàng thuốc H-Capita 500mg của Việt Nam Pharma từ 16/10/2013 và tiến hành thẩm định.
Hai tháng sau, Bộ Y tế cấp phép cho Việt Nam Pharma nhập khẩu loại thuốc này, nói rằng "Việc cấp phép hoàn toàn đúng quy định hiện hành, không có ưu ái".
Bảy tháng sau khi cấp phép nhập thuốc, 31/7/2014 Bộ Y tế mới yêu cầu giám đốc Việt Nam Pharma giải trình sau khi phát hiện giá thuốc rẻ 'bất thường'.
Ngày 1/8/2014 Cục Quản lý Dược ra quyết định không cho phép thuốc H-Capita bán ra thị trường. Bài báo này của báo Dân trí, khẳng định "không có một viên thuốc H-Capita nào trong lô thuốc nhập khẩu được bán trên thị trường".
Hôm 14/8, Cục Quản lý Dược ra quyết định tiến hành niêm phong toàn bộ số thuốc H-Capita 500mg.
Về việc thẩm định, Bộ Y tế nói vì các giấy tờ liên quan của Việt Nam Pharma được giả mạo tinh vi, 10 chuyên gia thẩm định của trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Cục Quản lý Dược không thể phát hiện.
Về việc xử lý hành chính, báo này cho biết bộ đã yêu cầu các cán bộ liên quan "báo cáo, giải trình và rút kinh nghiệm sâu sắc", và thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo, thẩm định.
Bộ Y tế cũng đã bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến nhập khẩu, đấu thầu thuốc, một cách được báo Dân Trí mô tả là "rất chi tiết, chặt chẽ tại Luật Dược 2016".
Tuy vậy, hôm nay báo Gia Đình Mới cũng đưa tin cộng đồng ung thư gửi một lá tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Báo này dẫn lời lại bà Đồng Thị Luyện, một bệnh nhân ung thư vòm họng viết : "Chúng tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền điều tra lại thật rõ ràng và xử thật công bằng đúng người đúng tội, phải trả giá đúng những gì chúng đánh cắp lấy đi của những người bệnh khốn khổ.
"Ai đã chống lưng đằng sau sự việc và có đường dây, có tổ chức mới trót lọt 1 việc tày trời như vậy ?
"Hãy bảo vệ chúng tôi, cho chúng tôi quyền được hy vọng và quyền được sống. Hãy cho chúng tôi niềm tin như chúng tôi vẫn hằng động viên nhau : Ung thư không phải là dấu chấm hết !".
*******************
Tài sản ông Quý : ‘Thanh tra đang làm, sẽ công bố’ (BBC, 31/08/2017)
Hạn công bố kết luận thanh tra khối tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái đã quá một tháng nhưng hiện còn "đang trong quá trình hoàn thiện để kết luận và công bố", theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Ông Phạm Sỹ Quý là em trai Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà.
Ông Phạm Sỹ Quý sinh năm 1971, là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và được chị mình ký quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Yên Bái vào tháng 9/2016, khi bà đang là Chủ tịch UBND tỉnh.
Truyền thông trong nước cho biết bản kê khai tài sản năm 2016 của ông Phạm Sỹ Quý nói ông đang sở hữu một ngôi nhà 600 m2 tại thành phố Yên Bái, một căn hộ tại khu chung cư Mandarin Garden, Cầu Giấy, Hà Nội, rộng 130 m2, một mảnh đất 1.000 m2 trị giá 500 triệu đồng, một trang trại 2 ha trị giá 1 tỷ đồng đã có giấy chủ quyền và một xe hơi Camry.
Ông Quý từng nói để có được khối tài sản được xây trên diện tích đất 13.000 m2 tại Yên Bái, ông đã phải vay ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng và vay của bạn bè, người dân, số còn lại là do ông tích góp từ thời trẻ, thu nhập từ những hoạt động như buôn chổi đót, lá chít.
Ông kê khai tổng thu nhập trong năm 2016 tăng 1 tỉ đồng là "thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016".
Trong khi đó báo mạng Dân Trí mô tả một lãnh đạo cấp vụ có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ cho biết, kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý đã được "đặt lên bàn" lãnh đạo cơ quan này nhưng chưa biết khi nào mới công bố kết luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối tháng Bảy nói ông rất 'trăn trở' vì cán bộ 'sống phô trương' và 'gây phản cảm'.
Hôm 17/7/2017, tờ Thanh Niên online dẫn lời lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại một hội nghị ở tỉnh miền núi Sơn La, nói :
Khu biệt thự của ông Quý được xây trên diện tích hơn 1.000 m2, chuyển đổi từ đất rừng sang đất ở, theo truyền thông trong nước.
"Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta".
Ngày 17/7, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho hay một đoàn thanh tra của Cục đã hoàn tất 15 ngày thanh tra trực tiếp ở tỉnh Yên Bái về khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cũng như về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình ông và nói "khoảng đầu tháng Tám sẽ công bố rộng rãi cho dư luận".
"Trách nhiệm của thanh tra là sẽ xác minh và có kết luận cụ thể. Việc vay ngân hàng phải có cơ sở, giấy tờ đầy đủ chứ không thể giải trình bừa được".
Được biết trước đó, Thanh tra tỉnh Yên Bái cũng đã tiến hành thanh tra tài sản của ông Quý, tuy nhiên, do ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Tra nên Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Hiến máu nhân đạo - Ảnh minh họa
Mới đây dư luận xôn xao khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo quy định cho máu nhân đạo, trong đó có phương án "cho máu bắt buộc mỗi năm một lần". Trước làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, vào chiều ngày 9/1 đã gặp gỡ giới báo chí Việt Nam. Theo ông Quang, dự thảo lần này có hai phương án cụ thể, bao gồm cho máu bắt buộc và cho máu tự nguyện.
Ông Quang giải thích rằng Bộ Y tế đưa ra hai phương án : phương án 1 quy định việc cho máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện một năm/lần nhưng có miễn trừ một số trường hợp không thể cho máu. Phương án còn lại quy định việc cho máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho vận động hiến máu. Ông Quang nói rằng Bộ Y tế đưa ra hai phương án để lấy ý kiến trong xã hội, để mọi người cùng bàn luận và rộng đường dư luận. Nói cách khác, theo ông Quang, phương án 1 (phương án bắt buộc cho máu) chỉ là phương án giả định qua đó đánh giá tác động của luật này.
Ông Quang khẳng định : "Luật nào cũng vậy, ban soạn thảo sẽ đưa ra nhiều phương án để mọi người bàn bạc và lấy ý kiến của nhân dân, xã hội. Khi thống nhất thì sẽ trình phương án tối ưu nhất tới Quốc hội để các đại biểu ấn nút thông qua". Tuy nhiên, lời giải thích của ông Quang không thuyết phục, cho thấy những yếu kém trong việc xây dựng luật của ngành y tế với vấn đề hiến máu nói riêng, mà hậu quả có thể kéo theo tư duy xây dựng luật thiếu hiệu quả với các vấn đề khác.
Thứ nhất, một dự thảo luật đúng là cần có những giả định khác nhau. Tuy nhiên, việc đưa các giả định không hợp lệ vào dự thảo luật, như việc bắt buộc người dân hiến máu cứu người, là 1 giả định vô lý nếu không muốn nói là không thể tồn tại (vì vi hiến). Ai cũng biết Hiến pháp quy định quyền bất khả xâm phạm thân thể, sức khỏe, quyền tự quyết với thân thể và sức khỏe của mình. Như vậy không một ai có thể bắt buộc người khác cho máu, dù cho đó là Bộ Y tế hay cao hơn là chính phủ của một quốc gia.
Vấn đề đặt ra, tại sao Bộ vẫn đưa giả định "vi hiến" này vào dự thảo ? Có hai giả thuyết, một là người (hoặc ban) soạn thảo dự luật yếu kém về khả năng xây dựng luật. Lẽ ra phải so sánh, đối chiếu quy định dự thảo với Hiến pháp và những bộ luật dân sự, hình sự liên quan nhằm đảm bảo luật mới không va chạm hay mâu thuẫn với bất kỳ điều luật nào trước đó. Thậm chí mở rộng ra, cần phải tham khảo luật của các quốc gia khác. Việt Nam không phải là nước duy nhất thiếu máu, vậy nên việc tham khảo các quy định hiến máu và tế bào gốc của các quốc gia có tình trạng thiếu máu tương tự cũng là một điều rất nên làm.
Giả thuyết thứ hai của việc Bộ đưa một phương án (cho máu bắt buộc) không khả thi vào dự thảo, tức là đưa cho có chứ hiển nhiên khả năng được chọn là 0%, là vì gây áp lực để nhà nước phải thông qua phương án 2, tức tăng chi tiêu cho hoạt động thu hút cho máu tình nguyện. Phương án 2, như ông Quang trình bày trong dự thảo, không chỉ dừng ở chuyện "cho máu tình nguyện" mà trọng tâm là "tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu". Điều này lý hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên khúc mắc vẫn chưa được giải đáp.
Lẽ ra, thay vì đưa một phương án (cho máu bắt buộc) thiếu khả dĩ vào dự luật, Bộ Y tế nên tập trung khai thác nhiều phương án cho nội dung thứ 2 – làm sao để kích thích hoạt động cho máu tự nguyện. Bộ Y tế lẽ ra cần làm rõ cần bao nhiêu tiền cho những phương án cụ thể nào ? Ví dụ : Phương án 1 : Tập trung đầu tư kênh vận động qua mạng xã hội ; Phương án 2 : Kêu gọi qua kênh báo chí (gồm truyền hình, báo điện tử, báo giấy...) ; Phương án 3 : Kết hợp ; Phương án 4 : Các cuộc vận động trực tiếp tại các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, trường học hàng năm đi kèm những quyền lợi được tăng lên của người hiến máu... Tôi nói ví dụ như vậy để thấy, Bộ Y tế cần chú trọng vào phương án cho máu tình nguyện ngay từ ban đầu, chứ không phải đưa một phương án vô thưởng vô phạt vào dự luật để dư luận hoang mang, bức xúc và ném đá chính sách một cách không thương tiếc.
Nhìn lại các quốc gia trên thế giới sẽ thấy, hình thức vận động hiến máu của họ rất đa dạng và hiệu quả, không chỉ thông qua công cụ truyền thông và còn thông qua chính sách giáo dục, các hoạt động xã hội, văn hóa công sở... Tuyệt nhiên chưa có nước nào đề xuất cho máu bắt buộc. Đó là một phương án "rỗi hơi", nếu không muốn nói là điên rồ.
Tại sao người dân lại hay "ném đá" các dự thảo chính sách ? Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Khi người làm luật không cẩn trọng và không biết điều gì nên được đào sâu, điều gì không cần (được) đưa vào dự luật, thì việc "ném đá" chính sách là chuyện bình thường.
Cao Huy Huân
Nguồn : VOA tiếng Việt, 12/01/2017