Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/08/2017

Chống tham nhũng ê càng vì đụng tới nhóm lợi ích

Tổng hợp

Vụ án Việt Nam Pharma : Bất nhất thông tin từ lợi ích nhóm (RFA, 31/08/2017)

Vụ án liên quan đến thuốc đặc trị ung thư H-Capita nhập lậu của công ty Việt Nam Pharma được mang ra bàn luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, có sự tham gia của Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và bức xúc trong dư luận vì những giải trình bất nhất của các Bộ, ngành có liên quan cũng như thông tin từ truyền thông trong nước về số thuốc này là thật hay giả.

thamnhung1

Công ty cồ phần VN-Pharma đang bị điều tra về việc thuốc điều trị ung thư giả. Courtesy of thanhniennews.vn

Bất nhất thông tin chuyên môn

Chúng tôi đặt vấn đề này với một người (xin được ẩn danh), có thời gian dài làm việc trong ngành dược phẩm của công ty đa quốc gia, ông cho biết sau khi theo dõi báo chí thời gian qua, ông hoàn toàn đồng ý về những thông tin về Việt Nam Pharma trên truyền thông là bất nhất.

Phân tích về góc độ dược lý, ông cho biết loạt thuốc do công ty Việt Nam Pharma nhập về để điều trị bệnh ung thư không thể gọi là thuốc giả.

"Phân tích lô thuốc này, nó có 97% hoạt chất thuốc là Capicitabine là để trị đại tràng và ung thư vú. Có 1 văn bản khác mới công bố là chứa 98% hợp chất thuốc có khả năng trị bệnh cho người.

Rõ ràng đứng về mặt dược học, nó không phải thuốc giả, nó là một thứ thuốc Generic (thuốc biệt dược tương tự), nhái lại từ biệt dược Xeloda của hãng Ross.

Có thể nó có những trục trặc bên trong về giấy tờ hành chính, nhưng theo định nghĩa của FDA và WHO, thì họ không gọi là thuốc giả, mà gọi là illegal và unregistered (không hợp lệ và chưa đăng ký). Còn thuốc giả theo đúng định nghĩa là không có đủ hoặc không có hoạt chất trị bệnh".

Tại cuộc họp ngày 30/8 liên quan đến vụ án, bà Ung Thị Xuân Hương – Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những ý kiến cho rằng bên toà án chưa thống nhất với cách gọi loạt thuốc đó là "hàng giả".

Theo báo chí đưa tin, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hoạt chất chống ung thư trong thuốc đạt 98,1%. Kiểm nghiệm lần thứ 2, cho kết quả hoạt chất chống ung thư là 97%. Nhưng có báo thông tin là tạp chất 97% ; khác hoàn toàn, thậm chí có báo đăng 97% độc chất.

Nếu như theo kết quả phân tích kiểm nghiệm của Cục quản lý dược, vị dược sĩ không nêu tên này khẳng định lô thuốc H-Capita đúng với qui định về dược lý của quốc tế.

"Theo qui định, ngay cả của Mỹ, hàm lượng trong thuốc cho phép (+) (-) 10% , chiếm 10% là đạt yêu cầu rồi nên 97%, 98% là quá đạt yêu cầu. Trong khi so với giá thuốc gốc là 70 ngàn/viên, cái này có 30 ngàn/viên. Thì phải nói nếu họ làm được như thế là phải khen, vì người nghèo có thể tiếp cận với 1 loại thuốc mới với 1 nửa chi phí".

Do đó, theo cách gọi của bà Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đó có thể là hàng kém chất lượng, nhưng "phải so với đề án nhập thuốc. Đề án bao nhiêu % chất đó thì chúng ta so ra mới biết có kém chất lượng hay không ?"

Một sự bất nhất khác, cũng theo vị dược sĩ này cho biết ông đã đọc được trong các bài viết về vụ Việt Nam Pharma.

"Có 1 văn bản nói là nó không có tác dụng trị bệnh, không được sử dụng cho người. Còn 1 văn bản khác thì lại nói là đầy đủ chất lượng sử dụng trên người".

Trên tờ Infonet ngày 22 tháng 8 năm 2017. "Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg của Công ty Việt Nam Pharma chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người".

Cũng trên tờ Infonet, ngày 30 tháng 8 có đăng bài nhận định của bác sĩ Phan Đình Hiệp hiện đang làm việc ở Úc cho biết nếu phân tích theo định nghĩa của Luật Dược, H-Capita của Việt Nam Pharma được gọi là thuốc biệt dược tương tự (Generic). Nhưng theo qui định của Luật Dược 2016, H-Capita được xem là thuốc giả vì không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bất nhất trong qui trình và hiệu ứng đám đông

Trước đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn khi trả lời báo Vietnam.net trong nước cho rằng bà thấy khó hiểu khi các doanh nghiệp khác phải mất một thời gian rất lâu và rất khó khăn mới được đăng ký thuốc, nhưng tại sao "con lạc đà"như Việt Nam Pharma lại có thể chui lọt qua những "lỗ kim" như Bộ Y tế, Cục quản lý dược ?

Câu hỏi của bà nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh được Giáo sư Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam Nguyễn Thế Hùng trả lời chúng tôi theo quan điểm của ông, "lỗi là do cơ chế, mà cơ chế là do thị chế sinh ra".

"Như vậy là nó có những cái quan hệ, những lợi ích nhóm, những thượng tầng của nó tức là những lãnh đạo cao cấp che chở cho nên nó mới sinh ra như thế. Cho nên người ta mới gọi bất nhất là như vậy. Có anh thì đòi đưa ra xử, có anh khác thì nguỵ biện, đưa ra cái này cái khác. Thực chất là có những quan hệ đen tối bên trong, gọi là lợi ích nhóm đó".

Nhận định này tương đồng với ý kiến của phóng viên điều tra Đỗ Cường. Anh là người đã nhiều lần cố gắng liên lạc trực tiếp với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đưa lên trang mạng xã hội những hình ảnh, video về căn biệt thư của bà bộ trưởng đang gây ồn ào trong vụ án này.

Theo anh, cái gọi là lợi ích nhóm trong vụ án này đã tạo ra một kết quả gọi là ‘hiệu ứng đám đông’

"Những nguồn thông tin, mập mờ trong đấu thầu, mập mờ trong căn biệt thự 20 tỷ ông Hùng tặng cho bà Tiến, nếu là người ngoài thì không thể biết được, chỉ những người lãnh đạo, hoặc đối thủ bên đấu thầu, đối thủ của VN-Pharma mới biết được.

Người ta tung lên như 1 bằng chứng. Ở Việt Nam có rất nhiều tin đồn trở thành thật".

Về khía cạnh này, vị dược sĩ ẩn danh trong bài viết cũng đưa ra quan điểm đồng nhất. Ông cho biết mình theo dõi diễn biến sự việc với vai trò vừa là một độc giả, vừa là một người am hiểu về dược phẩm để thấy rằng, câu chuyện VN-Pharma là một cuộc tranh giành lợi ích nhóm.

"Đại khái là khi muốn chơi nhau về lợi ích nhóm hoặc muốn thí chốt bà Tiến thì dựng lên một câu chuyện truyền thông về thuốc giả, nhưng cái để bắt bẻ nhau và giấy tờ buôn lậu. Nhưng truyền thông thì được lệnh đưa lên thành 1 vụ án thuốc giả lừa người bệnh ung thư, làm cho dư luận phẫn nộ để chơi nhau".

Ông nói rằng chính những cách đưa tin về vấn đề này của truyền thông đã tạo nên một sự phẫn nộ rất lớn trong công luận.

"Nó thành một cái chủ đề là làm giả thuốc ung thư cho người bệnh nghèo ở giai đoạn chót…

Bản thân kết luận của toà án là buôn lậu thuốc với làm giả giấy tờ chứ không kết luận là sản xuất thuốc giả".

Vụ việc hơn 9.000 hộp thuốc ung thư được báo chí trong nước gọi là lô thuốc giả nhập vàp Việt Nam vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi, về thuốc thật hay giả, và cả trách nhiệm thuộc về ai.

Cộng đồng truyền thông mạng thời gian qua đồng loạt bày tỏ phẫn nộ kêu gọi Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức. Khi trả lời câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án VN-Pharma, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chỉ nói rằng : "Từng ngành đều có Bộ trưởng, người đó phải chịu trách nhiệm cao nhất chứ không thể đổ lỗi cho ai khác".

********************

Em chồng Bộ trưởng Tiến có ghế ở Việt Nam Pharma (BBC, 31/08/2017)

Truyền thông Việt Nam đưa tin em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Hoàng Quốc Dũng, từng là phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư của công ty Việt Nam Pharma.

thamnhung1

Bộ trưởng Tiến nói có thông tin bịa đặt và vu khống bà.

Ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Việt Nam Pharma, người vừa bị tuyên án 12 năm tù vì tội 'Buôn lậu và Làm giả con dấu để nhập lậu hàng ngàn lô thuốc chữa ung thư giả' nói với báo Tuổi Trẻ rằng "hình như không có ký quyết định bổ nhiệm" ông Dũng, em chồng bà Tiến, vào vị trí này.

"Vì lâu quá rồi nên tôi cũng không nhớ và cũng không nhớ lương trả bao nhiêu. Ông [Dũng] có vô ra làm việc nhưng lo về mấy việc xây dựng, nhưng do chưa có xây dựng gì hết nên người ta đâu có làm gì đâu, ngồi văn phòng vậy thôi".

Được biết ông Dũng vẫn còn làm việc vào thời điểm khi nhà chức trách tiến hành khởi tố và điều tra bê bối, nhưng sau đó đã nghỉ việc.

Hôm 28/08/2017, báo VietnamNet của Bộ Thông tin và truyền thông, có bài phỏng vấn Bộ trưởng Tiến để làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm sau khi bà Tiến trước đó ngày 24/08 mô tả các thông tin trên mạng về việc em chồng và con trai bà làm cho Việt Nam Pharma là "bịa đặt và vu khống".

"Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào đến khi vụ việc nhập thuốc có nhiều nghi vấn được Cục Quản lý dược báo cáo và Bộ đã chủ động đề nghị với cơ quan có thẩm quyền ở Bộ Công an làm rõ.

"Còn thông tin tôi được tặng căn biệt thự liền kề phía sau nhà tôi là dựng chuyện vu khống cho tôi và gia đình tôi.

"Căn nhà ở đường Nguyễn Văn Hưởng gia đình tôi mua đất đã 20 năm trước và cất nhà ở gần 10 năm nay rồi. Thông tin tôi được bị cáo Hùng tặng biệt thự trị giá 60 tỉ đồng là rất hoang đường, vớ vẩn, bịa đặt.

"Thông tin này trên mạng cũng đã dựng chuyện vu khống tôi trước đây rồi, giờ nhân vụ xét xử họ lại tiếp tục loan truyền để gây mất niềm tin, có ác ý… Thật là tôi không hiểu vì sao người ta có thể bịa đặt như vậy mãi như thế được", bà Tiến nói với VietnamNet.

'Không nói khác với nói không'

Trong khi đó một thứ trưởng Bộ Y tế nói việc Bộ trưởng Tiến không nói [em chồng làm cho Việt Nam Pharma] và nói "không có" là hai việc mà ông gọi là "hoàn toàn khác nhau".

"Theo quy định, cán bộ làm ở vị trí này thì không được là vợ, chồng, con, hoặc bố mẹ còn luật không nói đến là anh/em chồng. Ban cán sự Đảng có hỏi không thì tôi xin trả lời là cá nhân tôi chưa bao giờ hỏi Bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng không báo cáo việc này tại các cuộc họp ở Bộ", Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói tại buổi họp báo Chính phủ hôm 30/8/2017.

Bình luận được đưa ra sau một thời gian cư dân mạng bàn tán về khả năng có 'xung đột lợi ích' trong vụ án Việt Nam Pharma, với cáo buộc người nhà Bộ trưởng Y tế Việt Nam làm trong công ty này,

Cây bút Huy Đức viết trên Facebook cá nhân : ''Báo chí, Thanh tra và Ủy ban điều tra độc lập cũng nên điều tra làm rõ : Nếu Việt Nam Pharma đưa ông Dũng vào làm Phó Giám đốc ở đây chỉ để "thu hút hỏa lực dư luận" thì cũng nên minh oan cho bà Tiến ; Nếu trong thời gian làm việc ở đây, ông Dũng có "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn"(bà Tiến) thì cũng cần, vừa xem xét trách nhiệm của bà Tiến, vừa truy cứu trách nhiệm hình sự ông Dũng".

Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân : "Vụ thuốc ung thư giả gần đây cùng nhiều sự việc khác trước đó khiến dư luận càng lên án bà Bộ trưởng Y tế Kim Tiến và đòi bà từ chức. Điều này không sai, vì chúng ta đều giả định (và mơ mộng) rằng chức vụ công quyền đó do người dân giao phó thông qua bầu cử tự do... Tuy nhiên, bà Kim Tiến sẽ không từ chức...".

**********************

Chính phủ Việt Nam yêu cầu xử lý nghiêm vụ thuốc ung thư giả (RFA, 30/08/2017)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi vi phạm liên quan đến vụ việc nhập 9000 hộp thuốc ung thư giả của công ty Việt Nam Pharma.

thamnhung2

Các bị cáo Việt Nam Pharma tại tòa - Dantri

Chỉ đạo vừa nêu được đưa ra ngày 30 tháng 8 tại phiên họp Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam của chính quyền Hà Nội, mặc dù vụ việc đang được pháp luật xử lý, nhưng dư luận vẫn đặc biệt quan tâm và nhiều người bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào cả hệ thống y tế Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, ông cũng cho biết Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ Y tế về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ này trong vụ việc thuốc ung thư giả khiến dư luận phẩn nộ, và ông đã đề nghị phải thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã nhắc nhở Thanh tra Chính phủ phải tiến hành thanh tra một cách nghiêm túc việc cấp phép của Bộ Y tế vì đây là chuyện liên quan đến sức khỏe của người dân.

*********************

Vụ Việt Nam Pharma : Bộ Y tế nói đã 'làm đúng quy trình' (BBC, 29/08/2017)

Bộ Y tế lần đầu tiên giải trình về trách nhiệm của cơ quan quản lý dược liên quan đến bê bối thuốc giả của công ty dược Việt Nam Pharma hôm 29/8.

thamnhung3

Cựu chủ tịch Việt Nam Pharma Nguyễn Minh Hùng bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án 12 năm tù giam vì tội danh buôn lậu và làm giả con dấu của các cơ quan tổ chức hôm 25/8

Bài có tựa "Bộ Y tế lần đầu công bố chi tiết diễn biến cấp phép vụ thuốc giả của Việt Nam Pharma" của báo Dân Trí dẫn giải thích của Bộ Y tế khẳng định "đã thực hiện cấp phép nhập khẩu thuốc theo đúng quy định hiện hành".

Theo bài báo này, Bộ Y tế đã nhận đơn hàng thuốc H-Capita 500mg của Việt Nam Pharma từ 16/10/2013 và tiến hành thẩm định.

Hai tháng sau, Bộ Y tế cấp phép cho Việt Nam Pharma nhập khẩu loại thuốc này, nói rằng "Việc cấp phép hoàn toàn đúng quy định hiện hành, không có ưu ái".

Bảy tháng sau khi cấp phép nhập thuốc, 31/7/2014 Bộ Y tế mới yêu cầu giám đốc Việt Nam Pharma giải trình sau khi phát hiện giá thuốc rẻ 'bất thường'.

Ngày 1/8/2014 Cục Quản lý Dược ra quyết định không cho phép thuốc H-Capita bán ra thị trường. Bài báo này của báo Dân trí, khẳng định "không có một viên thuốc H-Capita nào trong lô thuốc nhập khẩu được bán trên thị trường".

Hôm 14/8, Cục Quản lý Dược ra quyết định tiến hành niêm phong toàn bộ số thuốc H-Capita 500mg.

thamnhung4

Bộ Y tế nói đã 'làm đúng quy trình' trong vụ thuốc giả của Việt Nam Pharma

Về việc thẩm định, Bộ Y tế nói vì các giấy tờ liên quan của Việt Nam Pharma được giả mạo tinh vi, 10 chuyên gia thẩm định của trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Cục Quản lý Dược không thể phát hiện.

Về việc xử lý hành chính, báo này cho biết bộ đã yêu cầu các cán bộ liên quan "báo cáo, giải trình và rút kinh nghiệm sâu sắc", và thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo, thẩm định.

Bộ Y tế cũng đã bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến nhập khẩu, đấu thầu thuốc, một cách được báo Dân Trí mô tả là "rất chi tiết, chặt chẽ tại Luật Dược 2016".

Cộng đồng ung thư gửi tâm thư đến Bộ trưởng Y tế

Tuy vậy, hôm nay báo Gia Đình Mới cũng đưa tin cộng đồng ung thư gửi một lá tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Báo này dẫn lời lại bà Đồng Thị Luyện, một bệnh nhân ung thư vòm họng viết : "Chúng tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền điều tra lại thật rõ ràng và xử thật công bằng đúng người đúng tội, phải trả giá đúng những gì chúng đánh cắp lấy đi của những người bệnh khốn khổ.

"Ai đã chống lưng đằng sau sự việc và có đường dây, có tổ chức mới trót lọt 1 việc tày trời như vậy ?

"Hãy bảo vệ chúng tôi, cho chúng tôi quyền được hy vọng và quyền được sống. Hãy cho chúng tôi niềm tin như chúng tôi vẫn hằng động viên nhau : Ung thư không phải là dấu chấm hết !".

*******************

Tài sản ông Quý : ‘Thanh tra đang làm, sẽ công bố’ (BBC, 31/08/2017)

Hạn công bố kết luận thanh tra khối tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái đã quá một tháng nhưng hiện còn "đang trong quá trình hoàn thiện để kết luận và công bố", theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

thamnhung4

Ông Phạm Sỹ Quý là em trai Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà.

Ông Phạm Sỹ Quý sinh năm 1971, là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và được chị mình ký quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Yên Bái vào tháng 9/2016, khi bà đang là Chủ tịch UBND tỉnh.

Truyền thông trong nước cho biết bản kê khai tài sản năm 2016 của ông Phạm Sỹ Quý nói ông đang sở hữu một ngôi nhà 600 m2 tại thành phố Yên Bái, một căn hộ tại khu chung cư Mandarin Garden, Cầu Giấy, Hà Nội, rộng 130 m2, một mảnh đất 1.000 m2 trị giá 500 triệu đồng, một trang trại 2 ha trị giá 1 tỷ đồng đã có giấy chủ quyền và một xe hơi Camry.

Ông Quý từng nói để có được khối tài sản được xây trên diện tích đất 13.000 m2 tại Yên Bái, ông đã phải vay ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng và vay của bạn bè, người dân, số còn lại là do ông tích góp từ thời trẻ, thu nhập từ những hoạt động như buôn chổi đót, lá chít.

Ông kê khai tổng thu nhập trong năm 2016 tăng 1 tỉ đồng là "thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016".

Trong khi đó báo mạng Dân Trí  mô tả một lãnh đạo cấp vụ có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ cho biết, kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý đã được "đặt lên bàn" lãnh đạo cơ quan này nhưng chưa biết khi nào mới công bố kết luận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối tháng Bảy nói ông rất 'trăn trở' vì cán bộ 'sống phô trương' và 'gây phản cảm'.

Hôm 17/7/2017, tờ Thanh Niên online dẫn lời lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại một hội nghị ở tỉnh miền núi Sơn La, nói :

thamnhung6

Khu biệt thự của ông Quý được xây trên diện tích hơn 1.000 m2, chuyển đổi từ đất rừng sang đất ở, theo truyền thông trong nước.

"Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta".

Ngày 17/7, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho hay một đoàn thanh tra của Cục đã hoàn tất 15 ngày thanh tra trực tiếp ở tỉnh Yên Bái về khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cũng như về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình ông và nói "khoảng đầu tháng Tám sẽ công bố rộng rãi cho dư luận".

"Trách nhiệm của thanh tra là sẽ xác minh và có kết luận cụ thể. Việc vay ngân hàng phải có cơ sở, giấy tờ đầy đủ chứ không thể giải trình bừa được".

Được biết trước đó, Thanh tra tỉnh Yên Bái cũng đã tiến hành thanh tra tài sản của ông Quý, tuy nhiên, do ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Tra nên Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Quay lại trang chủ
Read 666 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)