Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/03/2023

Vá víu chính sách

Mai Lan

Bộ Y tế tuy đã tạm thời gỡ được vướng mắc đấu thầu nhưng trên thực tế thì đây vẫn là sự vá víu của chính sách.

Bà Bộ trưởng thích đổ thừa

Dường như vì "trái chuyên môn" nên bà Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khi đăng đàn chỉ biết than vãn thay cho đưa ra giải pháp quản trị thích hợp.

yte1

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị - T. Hằng - Ảnh minh họa

Quan sát trên các diễn đàn Quốc hội đến những buổi họp hành, đa phần người dân đều thấy báo chí tường thuật về bà Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan sau khi than vãn là ‘đổ thừa’ chuyện "thiếu thuốc, thiết bị y tế có nguyên nhân sợ sai trong đấu thầu".

Dẫu là dân ngoại đạo ngành y, song khi đã từng là trợ lý lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, sau đó đã có thời gian suốt mùa dịch giã Covid-19, bà Đào Hồng Lan là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, tin rằng bà quá hiểu về hai vấn đề là nguyên nhân cho chuyện bà tham vãn lâu nay, đó là thứ nhất, bộ phận soạn thảo Luật đấu thầu chưa soạn được một quy định hoàn chỉnh nên người thực hiện rất khó thực hiện, hoặc thực hiện rất dễ sai phạm.

Từ duyên cớ trên đưa đến nguyên nhân thứ hai là bộ phận thực hiện ngại ngần chuyện không đủ năng lực, sợ trách nhiệm vì "thiếu căn cứ pháp luật chống lưng", nên chọn việc tạm gọi là lơ là trách nhiệm trong công việc.

3 chân kiềng đều yếu

Theo dõi mảng y tế, người viết vẫn còn nhớ ở kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, một đại biểu quốc hội vốn là cán bộ quản lý y tế chuyên trách về ngành dược của Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng cảnh báo rất thẳng thắn, rằng ngành y tế có 3 chân kiềng là y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng dược, trang thiết bị vật tư y tế. Nếu trước chỉ y tế cơ sở yếu, thì hiện nay cả 3 chân kiềng này đều yếu.

"Nói thẳng để Bộ trưởng mới thấy là chị đang tiếp nhận gia tài thế nào. Vấn đề này tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta, nên phải có nhìn nhận, phân tích về bảo hiểm y tế, cơ chế xã hội hóa y tế…", vị đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu vấn đề : cứ kêu gào thiếu thuốc, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng chỉ đạo xử lý, nhưng gốc rễ vấn đề ở đâu ? Về đãi ngộ nhân viên y tế đến giờ đã tăng được đồng nào chưa ?

"Nói y tế không phục vụ công lập thì ra bệnh viện tư, nhưng tư là phục vụ người có tiền, còn bệnh viện công phục vụ đại đa số người dân. Bác sĩ giỏi mà ra khỏi bệnh viện công thì người dân thiệt thòi", bà nghị của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh ý kiến rất quyết liệt về đòi hỏi khả năng quản trị chuyên môn trên cương vị là người đứng đầu Bộ Y tế.

Gần đây, bà Bộ trưởng Y tế có vẻ hài lòng khi hơn hai tuần lễ trước, Bộ Y tế đã tạm thời gỡ được vướng mắc đấu thầu qua việc tham mưu chính phủ và ban ngành trong ban hành nghị quyết 30 và nghị định 07, qua đó giúp khôi phục trở lại các ca mổ theo lịch ở các bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên trên thực tế thì đây vẫn là sự vá víu của chính sách.

Sự ổn định chính sách : mong lắm thay

Ông Nguyễn Trí Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy có ý kiến như sau, và người ta vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía lãnh đạo Bộ Y tế :

"Bên cạnh nhiều mặt được, hiệu quả khi áp nghị quyết 30 và nghị định 07 thì bệnh viện chúng tôi cũng còn nhiều băn khoăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thiết bị, vật tư y tế, có thể quy vào tội vi phạm mà không biết khi việc niêm yết giá, kê khai giá không mang tính bắt buộc.

Cụ thể với quy định một bảng báo giá hiện nay thay vì ba bảng báo giá trước đây, bệnh viện còn e ngại rằng một bảng báo giá này có sát với giá trị thực của sản phẩm mình mua hay không, trong khi các nhà quản lý bệnh viện không đủ cơ sở kiểm định.

Hiện phần lớn các máy móc, thiết bị y tế chưa niêm yết giá, trong khi quy định là sản phẩm mua không được cao hơn giá niêm yết, nên bệnh viện không thể so sánh được. Giả sử trong tình huống khẩn cấp, bệnh viện mua một thiết bị gì đó dựa trên một bảng báo giá cho phép nhưng không có giá niêm yết, nếu chẳng may khi thiết bị đó đưa vào hoạt động mà có giá niêm yết thấp hơn giá bệnh viện đã mua thì có thể bị vi phạm.

Và nghị quyết 30 chỉ tháo gỡ trong thời điểm cấp bách và thí điểm đến 31-12-2023 thì không giải quyết triệt để trong thời gian dài, vì việc thiếu thuốc và trang thiết bị y tế mang tính chất chu kỳ. Về lâu dài cần sửa luật đấu thầu và trong đó cần chia rõ hàng hóa y tế là hàng hóa đặc biệt, không xét chung với hàng hóa thông thường.

Đồng thời cần có chương đấu thầu riêng cho y tế và nên nêu rõ như thế nào là tình huống khẩn cấp trong y khoa để các nhà quản lý bệnh viện được mua sắm ; cũng như có quy định rõ về gói bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, đặc biệt với hệ thống máy móc cao cấp khi việc bảo dưỡng chúng gần như độc quyền…".

Lẽ ra bà Bộ trưởng Y tế phải là người trả lời bằng được với tính thuyết phục cao nhất, đó là vì sao cũng những bệnh viện công đó, cũng các bác sĩ đó mà họ vẫn tiếp cận đầy đủ vật tư y tế trước đây ? Thậm chí, trong dịch bệnh, họ là những người ở tuyến đầu. Thế rồi vì sao cũng vẫn là những con người đó lại để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trên diện rộng ?

Lỗi ở thể chế, hay chỉ đơn giản từ cái tâm, lòng tham của con người ; hoặc là sự tổng hợp của các yếu tố đó ?

Trên hết, các lãnh đạo tối cao xin luôn nằm lòng rằng, đảm bảo tính có thể dự báo, tính nhất quán và ổn định của chính sách là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành môi trường vĩ mô tốt.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 28/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan
Read 284 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)