Tổng thống Biden không thể thoát khỏi cái bóng của Trump trong khủng hoảng biên giới
Sự gia tăng số người di cư qua biên giới Mỹ-Mexico thời gian gần đây đã đặt Tổng thống Joe Biden vào tình thế khó khăn và đe dọa về mặt chính trị.
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ cấp tiểu bang và địa phương, những người được cho là đồng minh thân cận nhất của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, đang chỉ trích gay gắt cách xử lý vấn đề nhập cư của ông. Đối thủ tiềm năng thuộng Cộng hòa vào năm 2024 của ông, Donald Trump, đang tăng cường tấn công vào một vấn đề vốn là trọng tâm trong thông điệp chính trị của ông trong gần một thập kỷ. Và sự ủng hộ của công chúng dành cho ông Biden về vấn đề này đang trở nên tồi tệ.
Trong khi cuộc bầu cử vẫn còn hơn một năm nữa mới diễn ra, cuộc khủng hoảng nhập cư đang gia tăng - mà tác động của nó được cảm nhận hàng ngàn dặm từ biên giới Mỹ-Mexico, một phần vì các thống đốc Đảng Cộng hòa đã chuyển những người di cư mới đến các thành phố do Đảng Dân chủ điều hành - có thể là một thách thức lớn, một lực cản chính trị đối với uy tín và hy vọng tái đắc cử của ông Biden.
Những con số vẽ nên một bức tranh u ám. Theo số liệu sơ bộ của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ mà CBS News - đối tác của BBC có được, Đội tuần tra Biên giới Hoa Kỳ đã bắt giữ khoảng 210.000 người di cư không có giấy tờ vào Hoa Kỳ trong tháng 9. Đó là mức cao nhất trong năm và gần bằng mức cao kỷ lục hàng tháng vào cuối năm 2022.
Nếu chính quyền Biden cho rằng cuộc khủng hoảng ở biên giới đang giảm bớt và sự chú ý của cả nước đang chuyển sang các vấn đề khác sau những thay đổi chính sách của chính phủ vào đầu năm nay, thì mức tăng mới nhất sẽ xóa tan quan điểm đó.
Hơn nữa, bản chất của làn sóng nhập cư cho thấy có thể sẽ không có hồi kết. Khoảng một phần tư số vụ bắt giữ ở biên giới vào tháng trước là công dân của Venezuela, quốc gia Nam Mỹ đang phải vật lộn với khó khăn chính trị và kinh tế dưới chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro.
Cuộc di cư của người Venezuela đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn ở bán cầu, với hơn bảy triệu người phải trốn khỏi đất nước - và hậu quả ngày càng được cảm nhận rõ ràng trên đất Mỹ.
Theo chính phủ Panama, hơn 150.000 người Venezuela đã đi về hướng bắc tới Mỹ, băng qua Darian Gap để vào Trung Mỹ trong hai tháng qua.
Janet Napolitano, người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa dưới thời chính quyền Obama, nói với BBC : "Người ta không gói ghém đồ đạc và rời quê hương chỉ cho vui. Họ thường ở trong tình trạng tuyệt vọng – nghèo đói, thất nghiệp, tội phạm cao, bạo lực, thiếu các thể chế dân sự ở nước họ".
Hôm thứ Năm, chính quyền Biden đã công bố hai bước mới để giải quyết sự gia tăng đáng kể số người nhập cư - và cả hai đều khiến tổng thống phải đối mặt với các cuộc tấn công từ mọi phe phái chính trị. Tổng thống đã ban hành một loạt các miễn trừ về môi trường và quy hoạch, đồng thời cấp vốn để xây dựng các phần tường bổ sung dọc biên giới Mỹ-Mexico.
Ông cũng tiết lộ rằng Mỹ sẽ nối lại việc trục xuất trực tiếp công dân Venezuela - một hoạt động đã bị đình chỉ vì quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai nước.
Những biện pháp mới này nhanh chóng bị những người theo đường lối cứng rắn về nhập cư lên án là quá ít và quá nhiều bởi các nhà hoạt động nhập cư cánh tả. Những lời giải thích lộn xộn của tổng thống - rằng ông vẫn tin rằng các bức tường không có tác dụng và đó là số tiền mà Quốc hội buộc ông phải chi - đã làm tình hình trở nên phức tạp hơn.
Thông báo của Venezuela cũng thể hiện sự thay đổi thái độ của chính quyền, sau các động thái vào tháng trước cho phép khoảng nửa triệu người tị nạn Venezuela ở Mỹ nộp đơn xin giấy phép lao động và tránh bị trục xuất trong 18 tháng.
Khi cố gắng xoa dịu những lo ngại rằng ông chưa làm đủ để giải quyết vấn đề biên giới gia tăng đồng thời khiến những người ủng hộ theo chủ nghĩa tự do của ông hài lòng, ông dường như không làm hài lòng được ai - một câu hỏi hóc búa đã lặp đi lặp lại về chính sách biên giới trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Biden.
Nhập cư đã trở thành một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc, một phần không nhỏ là do khẩu hiệu "xây tường" của ông Trump và đôi khi là những chính sách hà khắc trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Điều đó đã hạn chế đáng kể sự linh hoạt chính trị của ông Biden trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng.
Trong khi Barack Obama có thể gia tăng các vụ trục xuất và tăng cường an ninh biên giới trong nhiệm kỳ tổng thống của mình mà không phải đối mặt với đòn gây tổn hại từ các nhà hoạt động tự do, thì ông Biden lại không có được điều xa xỉ như vậy. Mỗi bước ông thực hiện trong vấn đề nhập cư giờ đây đều được xem xét trong bối cảnh môi trường hiện tại của cuộc chiến chính trị mang tính đảng phái, với một bên là ông Trump và đảng Cộng hòa và một bên là đảng Dân chủ.
Trong khi đó, cuộc thăm dò gần đây cho thấy rằng trong cuộc chiến đảng phái đó, công chúng đang quay lưng lại với tổng thống.
Những người trả lời trong cuộc thăm dò cử tri của Đại học Marquette được yêu cầu chọn ai là người "tốt hơn" trong vấn đề nhập cư và an ninh biên giới, tổng thống hiện tại hay người mà ông thay thế, 52% cho biết họ thích ông Trump hơn, trong khi chỉ có 28% chọn ông Biden.
Những kết quả đó được phản ánh trong một cuộc thăm dò của NBC News, cho thấy 45% người Mỹ cho rằng đảng Cộng hòa giải quyết vấn đề nhập cư tốt hơn so với chỉ 27% của đảng Dân chủ. Nó thể hiện sự thay đổi rõ rệt so với nhiệm kỳ tổng thống của Trump, khi đa số công chúng Mỹ ưa thích đảng Dân chủ hơn.
Những tin tức đáng lo ngại liên tục dội về từ biên giới, cũng như sự căng thẳng đối với các dịch vụ công tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ nơi người di cư đang định cư, đang tạo dấu ấn đáng chú ý trong dư luận.
Và nếu cuộc khủng hoảng không giảm bớt trước chiến dịch tổng tuyển cử năm 2024, tổng thống sẽ phải đối đầu với đối thủ Đảng Cộng hòa của mình trên bối cảnh chính trị bất lợi.
Theo bà Napolitano, việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư sẽ cần nỗ lực phối hợp từ đội ngũ của ông Biden.
"Nó đòi hỏi sự tiếp cận ngoại giao", bà nói. "Nó đòi hỏi phải đầu tư vào các quốc gia khác để chúng ta lấy đi một số động cơ di cư. Và nó đòi hỏi an ninh biên giới mạnh mẽ và thực thi hiệu quả luật nhập cư của chúng tôi, những luật này cần được sửa đổi và cải cách".
Cuối cùng, những lời chỉ trích mà ông Biden nhận được về hành động của ông đối với vấn đề nhập cư trong tuần này sẽ kém quan trọng hơn nhiều so với việc liệu các chính sách mới có hiệu quả hay không. Nếu không, và nếu các bước khác của chính quyền Biden nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Venezuela và các nơi khác cũng không thành công, thì con đường tái tranh cử của ông sẽ trở nên nguy hiểm hơn.
Anthony Zurcher
Nguồn : BBC, 08/10/2023
Chính phủ Mỹ sắp xây thêm vào bức tường ngăn biên giới Mỹ với Mexico, phía bên này bờ sông Rio Grande. Khi tranh cử tổng thống năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ không xây "thêm một tấc" nào cho công trình Tổng thống Donald Trump đang làm giở.
Chính phủ Mỹ có thể giảm bớt nạn di dân ứ đọng tại các tiểu bang phía Nam nếu giải quyết nhanh chóng khi những người này vào nước Mỹ.
Mọi người có thể coi đây là một thí dụ về thói quen "nói một đàng, làm một nẻo" của các nhà chính trị. Nhưng ông Biden thực tình vẫn muốn làm như đã nói : Không muốn dựng thêm tường ! "Ông có tin việc xây tường biên giới sẽ giảm bớt được làn sóng di dân tị nạn hay không ?" Ông Biden trả lời dứt khoát : "Không !"
Vậy tại sao ông vẫn tiếp tục làm "công việc vô ích" như thế ?
Ông Biden giải thích ông bị bắt buộc : không thể lựa chọn xây hoặc không xây nốt bức tường. Ngân sách đã được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2019, lúc ông Trump làm tổng thống. Luật ngân sách nói rõ ràng món tiền này để xây tường biên giới. Ông Biden phân bua : "Tôi đã cố gắng xin họ (Quốc hội) xét lại, cho chi vào mục khác, nhưng họ không cho !"
Xin thú thật, tôi không hiểu được lý luận của ông Biden. Nếu buổi sáng bà xã tôi đưa 100 đô la, dặn dò đây là tiền đi taxi, tôi có cần phải đi taxi suốt ngày cho đến hết 100 đô hay không ? Chắc không thể so sánh "luật lệ" trong nhà mình với hiến pháp nước Mỹ !
Chỉ có ông Donald Trump được một dịp để chế nhạo đối thủ. Ông nói đang chờ nghe ông Biden "xin lỗi" : vì trước đây vẫn đả kích việc xây tường ! Nhiều nhóm cử tri đảng Dân chủ cũng chống ông Biden vì việc xây tường có thể thay đổi môi trường sống. Dân biểu Henry Cuellar, Dân chủ, Texas, thì phản đối việc "tiêu tiền phí phạm". Hơn nữa, "Tường biên giới là một phương pháp của thế kỷ 14 đem dùng giải quyết những vấn đề của thế kỷ 21. Nó sẽ không bảo vệ được biên giới".
Tuy nhiên, chính phủ Biden muốn chứng tỏ mình đang lo lắng về biên giới. Ông Alejandro Mayorkas, bộ trưởng Bộ Nội an, đang bị các đại biểu Cộng hòa dọa sẽ đàn hạch vì bất lực. Ít nhất, ông Mayorkas có thể phân trần rằng mình đang xây tường. Ông từng tuyên bố có "nhu cầu khẩn thiết phải xây bức tường mới" để ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp. Ông chấp thuận các kế hoạch xây tường, bỏ qua các khó khăn về bảo vệ nước sạch, bảo vệ không khí và môi trường sống, hoặc bảo vệ các thú hoang bị đe dọa tuyệt chủng.
Ông Mayorkas không cần phải nói nhiều : các con số cũng đủ báo động. Trong 10 tháng trước tháng 8 năm nay, đã có 300.000 người vượt biên vào Mỹ, theo Sở Quan thuế và Bảo vệ Biên giới (US CBPA).
Các chính khách muốn làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024 đều tấn công ông Biden bất lực trước làn sóng di dân bất hợp pháp. Trong đảng Dân chủ, Thống đốc J.B. Pritzker, tiểu bang Illinois, và Mayor Brandon Johnson, thị trưởng Chicago, yêu cầu Tòa Bạch Ốc phải hành động cấp bách vì họ không đủ sức lo cho những dân tị nạn mới. Thị trưởng Eric Adams bay xuống tận biên giới Mexico lên tiếng báo trước cho dân tị nạn rằng thành phố New York không đủ tài nguyên để giúp họ hội nhập.
Dân tị nạn đông nhất là người Venezuela : họ đã vượt biên bỏ xứ, như người Việt Nam sau năm 1975. Theo đài CBS News, 50 ngàn dân Venezuela trong số 200 ngàn người đã vào nước Mỹ trong tháng 9 vừa qua. Họ phải đi qua Mexico trước khi tới thung lũng sông Rio Grande, biên giới Mỹ. Chính phủ Mỹ dễ dàng với dân Venezuela vì họ đang phải sống dưới một chế độ độc tài kiểu cộng sản, khiến cho kinh tế bị suy sụp.
Chính phủ Mỹ hiện không bang giao với Venezuela, chỉ có thể nhờ các xứ nằm giữa hai nước giúp cản trở làn sóng tị nạn này. Mỹ đã yêu cầu các chính phủ Trung Mỹ và Châu Mỹ La Tinh ngăn không cho dân các nước họ bỏ đi, một điều rất khó thuyết phục !
Chính phủ Mỹ có thể giảm bớt nạn di dân ứ đọng tại các tiểu bang phía Nam nếu giải quyết nhanh chóng khi những người này vào nước Mỹ. Khi người Việt Nam vượt biển xin được tị nạn ở Mỹ, thường chỉ cần trình diện trước các lãnh sự, thuộc Bộ Ngoại giao. Những di dân từ Nam Mỹ lên, trước hết, phải được tòa án di dân công nhận họ thuộc "diện tị nạn chính trị" ! Hiện đang có 2 triệu hồ sơ xin tị nạn chưa được xét xử vì thiếu thẩm phán.
Tòa Bạch Ốc đã đề nghị một ngân sách phụ, 4 tỷ mỹ kim, để tuyển thêm thẩm phán chuyên về di trú, tăng cường nhân viên canh phòng biên giới, vân vân. Khoản chi mới này vẫn chưa được thông qua, vì Hạ viện chưa có chủ tịch mới, không thể hoạt động. Nhưng dù có vị chủ tịch mới, tình trạng bế tắc cũng không tránh được : vì hai đảng khó thỏa thuận với nhau.
Đó là nguyên nhân chính khiến cuộc khủng hoảng về di dân lậu kéo dài mấy chục năm qua, không được giải quyết. Nhiều người nghĩ rằng các nhà chính trị thuộc cả hai đảng không thấy cần giải quyết : vì bên nào cũng muốn dùng vấn đề này để công kích đối phương mỗi lần tranh cử.
Năm 2016, ông Trump trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Ông thu hút được rất nhiều cử tri ủng hộ khi hứa sẽ dựng một bức tường dọc biên giới phía Nam nước Mỹ và chính phủ Mexico sẽ phải trả tiền !
Biên giới Mỹ - Mexico dài vài ngàn cây số không biết phải dựng lên bao nhiêu tường mới đủ. Cuối cùng, Tổng thống Trump đã tu bổ nhiều bức tường cũ và cũng dựng lên được 52 dặm (miles) tường mới – nước Mexico không đóng góp đồng nào. Trong thời gian bốn năm đó, số di dân lậu bị bắt ở biên giới vẫn tăng lên, chỉ ngưng lại một năm vì bệnh dịch Covid, nhưng từ đầu năm 2021 lại tăng lên rất nhanh.
Biên giới Mỹ - Mexico dài vài ngàn cây số không biết phải dựng lên bao nhiêu tường mới đủ.
Năm nay, ông Trump vẫn quyết tâm xây tường biên giới. Ông mới viết trên mạng TruthSocial : "Như tôi đã nói nhiều lần, trong lịch sử ngàn năm qua chỉ có hai thứ luôn luôn hoạt động tốt, là những cái bánh xe và những bức tường !"
Vạn lý Trường thành bắt đầu xây 200 năm trước Công nguyên ở biên giới phía Bắc Trung Quốc rồi, tiếp tục đắp thêm suốt ngàn năm. Nhưng dân Trung Hoa cũng không cản được "Rợ Hồ", những sắc dân Đột Quyết, Thổ Phồn, Mông Cổ, Mãn Thanh, nhiều lần đánh chiếm và cai trị hàng thế kỷ. Bức tường của Hoàng đế Hadrian, năm 212, cũng không bảo vệ được phần Đế quốc La Mã ở Anh quốc. Và gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan kêu gọi "hãy giật đổ bức tường Berlin" ! Trong mấy năm, bức tường ô nhục cũng sập.
Tất nhiên, ai cũng biết tánh ông Trump. Ông thường cao hứng, sáng tạo những lời hùng biện, hấp dẫn, không nhất thiết phải chính xác. Sau đó, chính ông bỏ qua luôn và mọi người cũng quên nốt : cho tới khi ông lại tìm ra những cách nói hấp dẫn mới.
Việc đóng cửa chính phủ vì không xin được ngân sách xây tường ở biên giới phía Nam của tổng thống Donald Trump kéo dài đã hơn 2 tuần, chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đảng Dân Chủ đã nắm quyền ở hạ viện từ ngày 03/01/2019 và quyết định không nhượng bộ trong chuyện chi tiền cho việc xây tường.
Ông Donald Trump tức giận, tuyên bố việc đóng cửa có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm và đe dọa nếu cần sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia (1).
Việc cố gắng bằng mọi cách, moi cho bằng được 5,6 tỉ USD ngân sách xây tường vào những ngày cuối năm 2018 chứng tỏ Trump đang bấn loạn, xoay trở với lá bài tẩy cuối cùng trong việc giữ niềm tin với các cử tri đã bỏ phiếu cho ông.
Hầu như tất cả những lời hứa khác với cử tri khi tranh cử, làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, gần như đã thất bại hoàn toàn. Từ việc hủy bỏ Obamacare đến chiến tranh thương mại với Tầu Cộng, áp lực Bắc Hàn hủy bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân, cấm vận Iran...Trump chỉ tự sướng bằng những phát ngôn hoang tưởng, mị dân, lừa bịp những kẻ mù quáng ủng hộ Trump, không đọc tin tức, theo giõi thời sự của truyền thông, báo chí tự do, bất kể thực tế trái ngược như thế nào.
Trong lúc ủy viên công tố đăc biệt Robert Mueller sắp sửa kết thúc cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, một số cộng tác viên thân cận nhất của Trump đã bị kết tội, lãnh án, vào tù như Paul Manafort, Michael Cohen, Michael Flynn... một số người nắm giữ những địa vị then chốt, quan trọng nhất trong Tòa Bạch Ốc như James Mattis, John Kelly, Ryan Zinke... từ chức khiến Trump gần như nổi điên, phải hủy bỏ những ngày nghỉ cuối năm ở Mar- a-Lago.
Khi thấy không còn chủ trương, kế hoạch gì để giữ vững niềm tin, sự ủng hộ của cử tri đã bỏ phiếu cho mình, Trump chỉ còn cách bám chặt vào con bài tẩy cuối cùng – bức tường biên giới phía Nam Mỹ-Mễ. Chính TNS đảng CH, Linsey Graham người tích cực ủng hộ Trump nhất trong nhiều vấn đề cũng đã công nhận điều này (2).
Xây tường ở biên giới phía Nam là con Joker cuối cùng nhưng đồng thời cũng là sợi gân gà dai nhách, khó nuốt còn lại của Trump. Cho nên khi không xin được ngân sách 5,6 tỉ USD, Trump giở trò ăn vạ, đóng cửa chính phủ vào dịp cuối năm khiến khoảng 800.000 gia đình điêu đứng vì không có tiền trang chải chi phí cho cuộc sống hàng ngày.
Áp lực lên hạ viện để moi ngân sách xây tường 5,6 tỉ $ không được, nhưng lỡ đã leo lên lưng cọp, tháu cáy ván xì phé để đời, Trump không thể nhẩy xuống dễ dàng, bình yên mà không bị thương tật nên Trump đổ liều, tố cạn láng bằng tiền thuế, mồ hôi, máu, nước mắt của dân, đe dọa ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia.
Tuy nhiên lời hăm dọa ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia của Trump không làm cho lãnh đạo đảng Dân Chủ quan tâm.
Chưa ai đoán được nhưng chắc ít người tin Trump dám tuyên bố an ninh đất nước trong tình trạng khẩn cấp bởi vì không có lý do chính đáng, đoàn người tị nạn từ Honduras, Guatemala, El Salvador đa số là đàn bà, trẻ em, không phải là quân khủng bố, cướp giật, sì-ke, ma túy như Trump tuyên bố. Ảnh hưởng, tác động, thiệt hại khi nước Mỹ rơi vào tình trạng khẩn cấp (giả tạo) do tuyên bố của Trump như thế nào cũng chưa ai (buồn) ước tính, do đó chủ tịch hạ viện, bà Pelosi vẫn bình chân như vại.
Có lẽ thấy trò hăm dọa con nít của mình không làm ai sợ, Trump dù tâm thần bất định, hoang tưởng nhưng cũng ngại bị truất phế, không dám liều mạng làm càn nên một mặt vẫn tuyên bố cứng rắn, mặt khác Trump bắn tiếng qua Mulvaney – Quyền tham mưu trưởng tòa Bạch Ốc - với đảng DC là không xây tường cũng được nhưng phải có hàng rào bằng thép ngăn chận dân nhập cư lậu từ Mễ qua (3).
Nếu điều này đúng sự thật, đây là lần đầu tiên Trump chịu nhượng bộ. Sự nhượng bộ của một kẻ gian manh, lẽo lự, vô đạo đức, thiếu văn hóa nhưng cũng sợ chết.
Chưa thấy đảng Dân Chủ phản ứng gì về đề nghị của Mulvaney nhưng ai cũng nhận ra lá bài tẩy của Trump đã trở thành sợi gân gà, giờ Trump muốn nuốt xuống chẳng được, nhả ra cũng không.
Có bao nhiêu phần trăm dân Mỹ biết được rằng việc xây dựng bức tường giữa biên giới Mỹ- Mễ đã có từ thập niên 1950? Chắc chỉ 20-30% là nhiều bởi vì cho dù có muốn, cũng chưa có tổng thống nào thực hiện được do nhiều nguyên nhân như tài chánh, địa lý phức tạp, tâm lý người dân 2 nước…
Hàng rào thép hay bức tường cao 30 feet (9,16m) có ngăn chận được chuyện người dân Mexico nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ không lại là chuyện khác. Bao nhiêu trong số 64% nguời Việt ủng hộ Trump từng là người vượt biển bỏ hết tất cả tài sản, nhà cửa, đất đai... sau lưng, chấp nhận hiểm nguy, từ hải tặc, cướp bóc, hãm hiếp đến giông bão, chết chóc vì đói khát trên biển nhiều ngày... để ra đi tìm một đời sống tốt đẹp, no đủ, hạnh phúc hơn?
Thạch Đạt Lang
(06/01/2019)
(1) Trump Will Accept Metal Fence Instead Of Concrete Wall
(2) Lindsey Graham: Trump caving on border security 'probably the end of his presidency'