Thủ tướng Cam Bốt công du Trung Quốc : Hai bên nhất trí chống "thế lực bên ngoài"
Trọng Nghĩa, RFI, 12/02/2023
Nhân chuyến công du Trung Quốc từ ngày 09 đến ngày 11/02/2023, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã được Bắc Kinh cam kết hậu thuẫn về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, cho đến an ninh. Ngoài các vấn đề hợp tác song phương, hai bên đã nêu bật quyết tâm chống lại mọi can thiệp từ các "thế lực bên ngoài".
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay bên lề cuộc họp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 10/02/2023. Ảnh do Tân Hoa Xã Trung Quốc công bố. AP - Huang Jingwen
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, thủ tướng Hun Sen đã có cuộc tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/02 tại Bắc Kinh, trong đó lãnh đạo Trung Quốc khẳng định việc "kiên quyết ủng hộ Cam Bốt trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, thúc đẩy đều đặn các chương trình nghị sự chính trị lớn trong nước cũng như phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời kiên quyết phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Cam Bốt".
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã trích lời thủ tướng Hun Sen cho biết Cam Bốt "kiên quyết ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia" cũng như "kiên quyết phản đối bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng".
Riêng về Biển Đông, vấn đề vẫn gây tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN mà Cam Bốt là thành viên, hai bên đã dành riêng một trong số 8 điểm của bản Thông cáo chung ngày 11/02 để nhắc lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh theo đó "nhờ nỗ lực chung của các nước ASEAN và Trung Quốc, tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định" do đó cần phải tránh các "mưu toan sử dụng vấn đề Biển Đông để phá hoại hòa bình, ổn định và lòng tin trong khu vực".
Theo AP, Cam Bốt là một đối tác ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh giảm được sự chỉ trích trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.
Cam Bốt cũng bị nghi là sẵn sàng làm đầu cầu cho Trung Quốc thâm nhập vùng Đông Nam Á về mặt quân sự.
Hãng AP nhắc lại : Vào tháng 06,/2022, Trung Quốc và Cam Bốt đã động thổ dự án mở rộng một quân cảng khiến Mỹ và các nước khác lo ngại rằng dự án này có thể cung cấp cho Bắc Kinh một tiền đồn quân sự có tầm quan trọng chiến lược trên Vịnh Thái Lan.
Hun Sen vào năm 2019 được cho là đã trao cho Trung Quốc quyền thiết lập căn cứ quân sự tại Căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt, điều luôn luôn bị ông phủ nhận.
Về phần Trung Quốc, nước này đã giành được một vai trò to lớn trong đời sống chính trị và kinh tế Cam Bốt, với hàng loạt dự án hạ tầng cơ sở, khách sạn và sòng bạc do Trung Quốc tài trợ ở khắp nơi. Hơn 40% trong số 10 tỷ đô la nợ nước ngoài của Cam Bốt là nợ Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
**********************
Hai căn cứ Subic và Clark không nằm trong hiệp ước mới với Mỹ
Thu Hằng, RFI, 12/02/2023
Theo Japan Times ngày 11/02/2023, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định hiệp ước phòng thủ song phương với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin ký kết gần đây, không bao gồm hai căn cứ quân sự cũ của Mỹ là Subic và Clark.
Căn cứ Hải Quân cũ của Hoa Kỳ tại Subic Bay (Philippines). @wikimedia
Trả lời các câu hỏi liên quan đến phần mở rộng Thỏa Thuận Thăm Viếng Quân Sự (VFA) trong khuôn khổ Hiệp Ước Phòng Thủ 2014, được ký kết giữa bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Carlito Galvez và đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin, nguyên thủ Philippines khẳng định chưa có kế hoạch cho Mỹ tiếp cận hai căn cứ quân sự cũ của mình là Subic và Clark.
Japan Times nhắc lại, trong thỏa thuận mới vừa được ký kết, Philippines cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 địa điểm mới, nâng tổng số căn cứ quân sự mở rộng cho Mỹ là 9 khu vực. Tuy nhiên, tổng thống Philippines từ chối tiết lộ chi tiết về những căn cứ mới này.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. xác nhận một đề xuất hợp tác quân sự ba bên Mỹ - Nhật – Philippines đã được thảo luận trong chuyến công du Nhật Bản kéo dài năm ngày vừa qua, bắt đầu từ hôm thứ Tư 08/02, và sẽ tiếp tục nghiên cứu đề nghị này một khi trở về nước.
Theo ông Marcos, một thỏa thuận ba bên như vậy nên là một phần trong tiến trình thắt chặt quan hệ ba bên trong những tình huống được cho là "rối rắm" và "nguy hiểm", khi viện dẫn đến những bất ổn tại Biển Đông, vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, hay cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga tiến hành.
Tổng thống Philippines còn nói thêm rằng việc ký kết một Thỏa Thuận Thăm Viếng Quân Sự - VFA với Nhật Bản, một đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á để Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản có thể tham gia các cuộc tập trận chung ở Philippines "đáng được suy nghĩ kỹ lưỡng".
Cuối cùng, khi được hỏi về ý định giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc, ông Marcos cho biết Manila cần có một chính sách đối ngoại độc lập "bởi vì Philippines không thể cho phép mình quay trở lại với tình hình thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, buộc các cường quốc vừa và nhỏ, khi ấy phải lựa chọn giữa Liên Xô và Hoa Kỳ".
Theo ông, vai trò trung tâm của khối ASEAN tại Châu Á, sẽ "không cho phép tương lai của khu vực bị quyết định bởi các cường quốc nằm ngoài khu vực".
Thu Hằng
Đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc đã thổi bùng làn sóng thoát Trung của các nước phương Tây. Với sức mạnh dữ dội như virus corona, trào lưu này còn lan sang cả những quốc gia được gọi là đồng minh của Trung Quốc ở Đông Nam Á là Campuchia và Philippines. Hai nước này cùng lúc đã có những động thái cho thấy muốn giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc cũng như nâng cao cảnh giác với quốc gia này.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Phát biểu trong lễ động thổ một dự án ven biển tại tỉnh Sihanoukville ngày 01/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phủ nhận thông tin quân cảng Ream chỉ cho tàu chiến Trung Quốc cập bến đồng thời khẳng định Phnom Penh chào đón tàu chiến tất cả các nước tới đây, kể cả Mỹ.
Theo nhà lãnh đạo Campuchia, thời gian gần đây một số nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có Mỹ, đã bày tỏ sự lo ngại tới Phnom Penh trước thông tin Campuchia chỉ ưu ái và cho tàu chiến Trung Quốc đến quân cảng chiến lược nằm hướng ra vịnh Thái Lan.
Và ông Hun Sen khẳng định "Nếu tàu chiến của một nước được cập cảng Ream thì nước khác cũng làm được chuyện đó. Chúng tôi không đóng cửa quân cảng với nước nào".
Ông Hun Sen nói rằng Hiến pháp Campuchia không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài được thiết lập trên đất nước ông nhưng tàu chiến của các nước đến viếng thăm đều được hoan nghênh.
Theo Hãng thông tấn AP, nhà lãnh đạo Campuchia cho rằng Bắc Kinh không cần lập căn cứ ở nước này bởi đã có các căn cứ khác ở Biển Đông, ám chỉ các thực thể nhân tạo trái phép mà Trung Quốc đã dựng lên.
Cũng nhân sự kiện, ông Hun Sen cho biết Campuchia sẵn sàng tham dự các cuộc tập trận chung với tất cả các nước. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện sau khi mối nguy hại liên quan đến đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 qua đi.
Một ngày sau phát biểu này, Văn phòng Thủ tướng Campuchia đưa ra thông cáo nhấn mạnh Phnom Penh sẽ "không liên minh với nước này để chống lại nước khác".
Thông cáo ngày 2/6 của Văn phòng Thủ tướng Campuchia tuyên bố : "Nhắc lại một lần nữa quan điểm của Campuchia để tránh mọi sự nghi ngờ liên quan tới quân cảng Ream. Campuchia không liên minh với nước này để chống lại nước khác hay cho phép sự hiện diện quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia. Chúng tôi cũng không đóng quân ở bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ dưới cờ Liên Hiệp Quốc".
Cách đây chưa đầy 1 năm, ông Hun Sen cũng phủ nhận chuyện Campuchia cho Trung Quốc thuê quân cảng Ream trong thời gian 30 năm sau khi tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên của nước này và đồng minh cho biết Bắc Kinh và Phnom Penh hồi đầu năm bí mật ký thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu ngày 22/7/2019 rằng : "Đây là thông tin bịa đặt tồi tệ chưa từng có nhằm vào Campuchia. Điều đó không thể xảy ra vì việc đặt căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ là đi ngược lại Hiến pháp Campuchia".
Căn cứ Ream do hải quân Campuchia vận hành thuộc tỉnh Sihanoukville ở tây nam nước này, nằm trên bờ biển giáp vịnh Thái Lan.
Quân đội Mỹ và Campuchia từng tiến hành một số cuộc diễn tập chung tại đây trước khi quan hệ quốc phòng song phương trở nên nguội lạnh, trong bối cảnh Phnom Penh xích lại gần hơn với Bắc Kinh.
Kể từ năm 2016, Campuchia đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ và đến tháng 8/2017 quan hệ giữa Campuchia và Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Phnom Penh cáo buộc Washington can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước.
Thay vào đó, quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc ngày càng trở nên khăng khít. Ngày 15/3 vừa qua, bất chấp đại dịch Covid-19, gần 3.000 binh sĩ Campuchia đã bắt đầu cuộc tập trận Rồng vàng với Trung Quốc. Đây là cuộc tập trận Rồng vàng thứ 4 giữa Campuchia và Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên cùng khẳng định sẽ không hoãn cuộc diễn tập Rồng vàng 2020 bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19. Thông báo trên được đưa ra tại lễ bàn giao thiết bị y tế bảo hộ chống dịch Covid-19 của Campuchia cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong những năm gần đây. Ngoài các khoản viện trợ quân sự, Bắc Kinh trong năm 2017 đã hỗ trợ Phnom Penh 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Các dự án cơ sở hạ tầng tập trung tại thủ đô Phnom Penh và thành phố cảng Sihanoukville khiến xứ sở chùa tháp đã thay đổi hoàn toàn diện mạo một cách nhanh chóng.
Đổi lại những khoản đầu tư kếch xù từ Trung Quốc, Campuchia đã trao cho Trung Quốc lá phiếu và tiếng nói của mình bằng cách ủng hộ lập trường địa chính trị của Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế về những vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc đặt căn cứ tại Campuchia sẽ tạo cơ hội nới rộng tầm chiến lược quân sự của Trung Quốc một cách đáng kể, và làm nghiêng cán cân quyền lực ở khu vực theo cách sẽ làm áp lực lên các nước láng giềng trong ASEAN vốn có xu hướng đứng về phía Mỹ nhiều hơn.
Một thành viên khác của ASEAN những năm gần đây có mối quan hệ thắm thiết với Trung Quốc là Philippines mới đây đã có một quyết định bất ngờ khi vừa thông báo tạm hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Mỹ.
Ảnh chụp màn hình thông báo của Đại sứ quán Mỹ về việc Philippines tạm hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Mỹ
Thông báo này được công bố trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines với nội dung :
"Vào ngày 1/6, chính phủ Philippines đã thông báo cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Philippines về quyết định đình chỉ chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng quân sự.
Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định của chính phủ Philippines. Liên minh lâu đời của chúng ta đã mang lại lợi ích cho cả hai nước và chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng với Philippines".
Cũng trong hôm 2/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin viết trên Twitter rằng quyết định này được đưa ra theo lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ông Teodoro Locsin cũng giải thích Tổng thống Rodrigo Duterte thay đổi quyết định của mình với lý lẽ là : "Một người không thay đổi suy nghĩ thì không thay đổi được điều gì…".
Đồng thời ông nhấn mạnh : "Các tình huống trên thế giới đang thay đổi rộng khắp và nhanh chóng, trong thời gian đại dịch và căng thẳng về siêu quyền lực gia tăng, một lãnh đạo thế giới cần ‘nghĩ nhanh, làm gấp’ vì sự an toàn của quốc gia và hòa bình cho thế giới…".
Trước đó, hồi đầu tháng 2 năm nay, Tổng thống Duterte đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận ký vào năm 1998 giữa hai nước Mỹ và Philippines.
Ảnh chụp màn hình tweet của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin
Quyết định của Tổng thống Duterte được cho là bắt nguồn từ mối bất hòa được khơi mào khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết trừng phạt các quan chức Philippines liên quan đến cuộc chiến ma túy của ông Duterte, và việc giam giữ Thượng nghị sĩ bất đồng chính kiến Leila De Lima. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã hủy bỏ thị thực của Thượng nghị sĩ trung thành Ronald "Bato" Muff Dela Rosa, một trong những người lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông Duterte.
Còn lý do chính thức mà ông Duterte đưa ra là để giúp Philippines đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và để quân đội Philippines độc lập hơn.
Bất chấp những phản đối từ phía quân đội, Manila vẫn gửi thông báo hủy VFA vào ngày 11/02, kích hoạt thời hạn 180 ngày trước khi chính thức chấm dứt thỏa thuận vào ngày 09/8.
VFA đóng vai trò quan trọng trong một trong những quan hệ đồng minh quan trọng nhất của Washington ở Châu Á. VFA tạo khuôn khổ pháp lý để quân đội Mỹ có thể luân chuyển đến Philippines. Theo các chuyên gia, nếu không có hiệp định này, các thỏa thuận quốc phòng song phương không thể được triển khai.
Tuy nhiên, tương lai của thỏa thuận này vẫn bất định khi Manila chỉ đang tạm hoãn việc hủy thỏa thuận. Theo lá thư ngày 01/6 được Bộ Ngoại giao Philippines gửi cho đại sứ quán Mỹ, việc trì hoãn quá trình hủy VFA "sẽ tiếp tục trong 6 tháng" và có thể được gia hạn thêm 6 tháng nữa, sau đó sẽ nối lại quá trình hủy thỏa thuận như đã thông báo ngày 11/02.
Có thể thấy, thông báo chính thức về việc hoãn thực hiện quyết định nói rằng nguyên nhân là "diễn biến chính trị và các vấn đề khác ở khu vực", nhưng không nói cụ thể hơn.
Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân liên quan đến căng thẳng gia tăng trên Biển Đông tức là từ chính cách hành xử của Trung Quốc.
Duy trì Thỏa thuận quân sự với Mỹ cũng là công cụ hiệu quả giúp kiềm chế các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chuyên gia luật biển Jay Batongbacal, Trưởng khoa Luật và các vấn đề biển thuộc Đại học Philippines nhận định ông Duterte quyết định tiếp tục duy trì VFA có thể do tác động của những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây nhằm vào các nước Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Ông Batongbacal nói với báo SCMP rằng các lực lượng vũ trang Philippines đang ở tình thế dễ tổn thương do thiếu tàu tuần tra và tiếp tế.
Ông nói. "Hai tàu lớn nhất của Philippines vẫn đang ở Ấn Độ, nếu tôi nhớ đúng, trong khi những phương tiện trên không và trên biển khác đang được dùng để cho vận tải hàng tiếp tế và y tế".
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, Mỹ, đánh giá rằng việc bãi bỏ VFA "luôn nhận được ít ủng hộ".
Ông Poling nói : "Giờ Trung Quốc đang hành xử hung hăng trong khi đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các cuộc gặp của quan chức cấp cao Mỹ và Philippines phải hủy. Rõ ràng ai đó đã thuyết phục ông Duterte rằng vì điều này và những lý do khác, họ cần thêm thời gian".
Thời gian qua, Philippines cũng có những tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 4 năm nay, Philippines đã gửi hai công hàm phản đối Trung Quốc, trong đó có cáo buộc chĩa radar ngắm bắn vào tàu Philippines và việc Trung Quốc thành lập 2 quận mới nhằm hiện thực hóa yêu sách phi pháp và mở rộng của mình ở Biển Đông.
Ngay sau vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 03/4, Bộ Ngoại giao Philippines cũng lên tiếng thể hiện sự "quan ngại sâu sắc", thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam và kêu gọi cần có "sự kiên nhẫn và cư xử đúng đắn".
Hải Yến (Hà Nội)
Nguồn : VNTB, 04/06/2020