Cuộc xâm lược của Nga là cơ hội cho các công ty đa quốc gia thức tỉnh ?
Lê Tây Sơn, SaigonnhoNews, 31/03/2022
Tốc độ ra đi của các thương hiệu phương Tây nổi tiếng ở Nga cho thấy một làn sóng nhận thức mới, trong đó các nhà đầu tư và khách hàng đang đòi hỏi các thương hiệu phải làm nhiều hơn thay vì tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá.
Tên những thương hiệu lừng danh như Marks & Spencer, Bershka, Zara, Oysho, Stradivarius, Pull&Bear, Gloria Jeans được quảng cáo trước siêu thị khổng lồ Salarievo ở Moscow. Tính đến nay, gần 500 đại công ty đã tuyên bố tạm ngưng làm ăn ở Nga (ảnh : Alexander Sayganov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Tiếp tay cho các chế độ độc tài
Cuộc chiến ở Ukraine đã kích hoạt làn sóng rời Nga đông đảo chưa từng thấy của hàng loạt công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới (gần 500 công ty). Các tập đoàn đã dành nhiều năm để có chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng đang phát triển này đã rút lui gần như chỉ sau một đêm. Cuộc tháo chạy cũng làm sáng tỏ những gì một số công ty đang làm ở Nga từ lúc mới đi vào thị trường.
Nói rõ hơn, trong khi tìm kiếm lợi nhuận, họ đã chấp nhận những yêu cầu của "quỉ" dù hệ quả có giáng lên đầu công chúng và xâm phạm quyền riêng tư và tự do. Ngày 28 Tháng Ba, tờ The New York Times đã tiết lộ cách Nokia trong nhiều năm cung cấp thiết bị và dịch vụ hỗ trợ hệ thống giám sát rộng lớn của Nga, được sử dụng để theo dõi người bất đồng chính kiến. Dù Nokia lên tiếng tố cáo cuộc xâm lược Ukraine và cho biết sẽ ngừng bán hàng tại nước này, nhưng công ty "than" với tờ Times rằng họ bị phía Nga buộc phải sản xuất các sản phẩm phục vụ cho mạng lưới giám sát rộng lớn người dân. Nói cách khác, đây đơn giản là "chi phí máu" Nokia phải chấp nhận nếu muốn kinh doanh ở Nga.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố sau đó, Nokia than phiền bài báo của The Times "đã gây hiểu lầm" đồng thời khẳng định "Nokia không hề sản xuất, cài đặt hoặc bảo trì các công cụ giám sát cho Nga. Chúng tôi lên án bất kỳ hành vi xâm hại quyền tự do cá nhân, vi phạm nhân quyền. Nhưng muốn ngăn chặn phải có hành động đa phương mạnh mẽ để tạo ra những khuôn khổ chung hiệu quả. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ hãy ban hành các quy định rõ ràng hơn về những nơi có thể và không thể bán công nghệ".
"Thật khó tưởng tượng Nokia không biết chuyện gì đang xảy ra ở Nga – một chuyên gia về tình báo Nga nói với tờ The Times – Nokia phải biết các thiết bị của họ được sử dụng vào việc gì !". Theo các chuyên gia, không doanh nghiệp nào có thể giữ cho bàn tay của mình sạch sẽ hoàn hảo. Bản chất rộng lớn và liên kết của các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các công ty đa quốc không thể tránh khỏi một số dính líu (trực tiếp hoặc gián tiếp) với tham nhũng, bóc lột sức lao động hoặc các yếu tố "đen" khác của thương mại toàn cầu.
Jason Brennan, giáo sư đạo đức kinh doanh tại Đại học Georgetown nói : "Câu hỏi đặt ra là hành vi xấu đã đạt đến mức độ nào ! Không ai muốn bơi trong hồ bơi nhỏ khi có một xác chết ở trong, nhưng bơi trong đại dương rộng lớn thì nhiều người sẵn sàng vì xác chết… ở xa ! Thị trường kinh doanh cũng na ná như thế". Điều đó có nghĩa, Nokia có thể không sản xuất công nghệ do thám cho người Nga theo hợp đồng, nhưng Nokia cho phép người Nga sử dụng các công cụ có sẵn của mình vào việc xấu.
Các tài liệu được The Times xem xét cho thấy Nokia không thể không biết đã giúp kích hoạt bộ máy giám sát của Nga. "Đây là một ngành kinh doanh cần thiết và sinh lợi cho Nokia, mang lại hàng trăm triệu đôla doanh thu mỗi năm" – tờ báo viết. Công ty phản hồi sau bài báo : "Nokia không có khả năng kiểm soát, truy cập hoặc can thiệp vào bất kỳ khả năng đánh chặn hợp pháp nào trong những hệ thống mạng mà khách hàng của chúng tôi sở hữu và vận hành". Đây thường là cách các công ty biện minh cho những hạn chế trong việc "tự làm cảnh sát" bảo vệ quyền công dân.
Không thể chỉ vì lợi nhuận
Cơn đau đầu của Nokia trong hoạt động kinh doanh ở nước ngoài không hề mới đối với các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, Big Tech đã phải vật lộn để đạt được sự cân bằng giữa "lý tưởng dân chủ về quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư" và thực tế kinh doanh tại các thị trường độc tài như Trung Quốc và Nga, những nơi không cho người dân những quyền đó.
Apple từ lâu luôn tự hào về chính sách đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng nhưng họ cũng đã bẻ cong những giá trị đó để tuân thủ các qui định của cơ quan quản lý truyền thông tại Trung Quốc. Một cuộc điều tra của The Times vào mùa hè năm ngoái cho thấy Apple đã hỗ trợ chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt App Store Trung Quốc. Apple phủ nhận một số phát hiện của báo cáo, với lý lẽ rằng họ chỉ gỡ bỏ các ứng dụng "được Trung Quốc lên danh sách đen" là vi phạm luật pháp nước chủ nhà.
Tương tự, các con chip do Intel và Nvidia sản xuất bị tố cáo đã "cung cấp sức mạnh cho các máy tính được Trung Quốc sử dụng để giám sát người thiểu số Hồi giáo". Năm ngoái, Microsoft xin lỗi vì vô tình gỡ bỏ những hình ảnh về cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 trên công cụ tìm kiếm Bing ở qui mô toàn cầu (một ví dụ cho thấy kiểm duyệt nội bộ của Trung Quốc đã lan cả ra ngoài biên giới). Khi các lãnh đạo công nghệ như Tim Cook của Apple biện bạch : "Tham gia vào các thị trường độc tài vẫn tốt hơn là đứng ngoài lề", thì nên được hiểu "vì lợi nhuận, chúng tôi phải đáp ứng các qui định của các chế độ vi phạm nhân quyền và đôi khi, hỗ trợ họ trong các vi phạm đó". Với người Việt Nam, từ lâu người ta đã chẳng còn lạ gì việc Facebook hợp tác với chính quyền cộng sản Việt Nam để xóa những thông tin hoặc thậm chí tài khoản của giới bất đồng chính kiến.
Dù thế nào, việc Nga xâm lược Ukraine cũng là sự kiện để các công ty như Nokia nhìn lại cách làm ăn của mình. Muốn kinh doanh tốt thì phải làm điều đúng đắn, và tốt cho cả lợi nhuận cuối cùng. Người tiêu dùng và nhà đầu tư vào cổ phiếu công ty ngày càng nhận thức được hành vi đúng-sai của các công ty.
Những đại công ty nào vẫn còn hiện diện tại Nga ?
CBS News cho biết, một trong những tập đoàn khổng lồ vẫn chưa rút chân khỏi Nga là Abbott (trụ sở tại Illinois). Ngày 4 Tháng Ba, Abbott cho biết họ sẽ quyên góp $2 triệu cho các nhóm nhân đạo cứu trợ ở Ukraine. 10 ngày sau, họ thông báo tạm ngừng những hoạt động kinh doanh "không thiết yếu" (non-essential) ở Nga (đầu tư mới, phát triển kinh doanh và quảng cáo) nhưng vẫn tiếp tục cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khỏe "bao gồm những loại thuốc cho bệnh ung thư và thuốc điều trị liên quan các chức năng tim mạch, gan, thận…". Pfizer và Eli Lilly của Mỹ, cùng Bayer của Đức cũng theo cách tương tự (tạm dừng các hoạt động không thiết yếu nhưng tiếp tục cung cấp thuốc cho bệnh tiểu đường và ung thư…).
Cargill đang thu hẹp các hoạt động kinh doanh và ngừng đầu tư vào Nga nhưng tập đoàn nông nghiệp Mỹ này cho biết vào ngày 11 Tháng Ba rằng họ vẫn tiếp tục cung cấp những gì họ gọi là "thực phẩm và thức ăn chăn nuôi thiết yếu". Ngày 9 Tháng Ba, Nestle cho biết họ đình chỉ hoạt động đầu tư vốn và quảng cáo tại Nga nhưng tiếp tục bán các sản phẩm thực phẩm "thiết yếu". Gã khổng lồ thức ăn nhanh Subway thông báo sẽ chuyển tất cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ở Nga cho những nỗ lực nhân đạo và nhấn mạnh khoảng 450 cửa hàng ở Nga thuộc sở hữu độc lập và do các nhà nhượng quyền địa phương kiểm soát. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến nhiều người tiêu dùng khắp thế giới kêu gọi tẩy chay Subway.
Lê Tây Sơn
Nguồn : SaigonnhoNews, 31/03/2022
*******************
Ukraine giúp thế giới thức tỉnh
Ngô Nhân Dụng, VOA, 31/03/2022
Dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu một mình chống lại những đoàn quân xâm lược nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh. Dân Ukraine đang được loài người kính trọng và ý thức bổn phận phải tiếp sức.
Quang cảnh đổ nát ở Kyiv.
Cuộc chiến Ukraine đã kéo dài gần bằng thời gian quân Thanh đánh Việt Nam năm Kỷ Dậu. Quân Thanh chiếm được Thăng Long ; còn quân Nga bao vây thủ đô Kyiv cả tháng trời, mới tuyên bố sẽ rút đi. Vladimir Putin sẽ thất bại như Càn Long thời trước. Sẽ không có cảnh quan quân nhà Thanh tháo chạy "sập cầu trôi đầy sông" nhưng hình ảnh một đoàn quân xa Nga với thiết giáp cùng đại pháo tắc nghẽn trên quãng đường dài 60 cây số suốt bốn ngày sẽ ghi mãi trong lịch sử. Với 40,000 binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến, 15,000 lính tử trận, trong đó có bảy tướng lãnh, quân Nga cũng thiệt hại nặng như quân Thanh năm 1789.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với báoEconomist, "Bọn xâm lược không bận tâm đến những binh sĩ tử trận ; đó là điều tôi không hiểu nổi. [Vladimir Putin] đẩy đám lính ra trận như ném củi gỗ vào trong lò đầu máy xe lửa. Xác chết bỏ mặc trên đường phố không lo chôn cất".
Zelensky ca ngợi quân đội Ukraine ở thành phố Mariupol, "sau 31 ngày bị vây hãm và pháo kích, họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Không phải vì họ được lệnh của Ông Zelensky mà vì họ ở lại để chôn cất các đồng đội tử trận và cứu những người bị thương..". Ông kết luận, "Đó là điều căn bản cho thấy hai phía trong cuộc chiến nhìn thế giới khác biệt với nhau thế nào".
Cuộc chiến Ukraine, cuối cùng, là cuộc chiến giữa hai cách nhìn thế giới. Một bên tôn trọng giá trị của con người. Bên kia coi dân và lính như những dụng cụ vô hồn để đạt tham vọng quyền lực. Một bên chọn tự do dân chủ. Bên kia chuyên chế độc tài. Một bên thiện, một bên ác. Dân Ukraine đang làm gương cho nhân loại cùng thấy : Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng làm người ?
Báo Economist kể chuyện anh Sasha, một người dân thủ đô Kyiv. Ngày quân Nga bắt đầu tấn công, anh nghe tiếng đại pháo nã vào phi trường Hostomel. Sasha lái xe đưa vợ và hai con ra khỏi thành phố, đi về phía biên giới. Vợ con chạy qua Ba Lan rồi, anh lái xe trở về Kyiv để chiến đấu. "Nếu tôi không quay về", Sasha nói, "Tôi sẽ không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt các con tôi nữa".
Loài người khắp nơi nức lòng chứng kiến những hình ảnh dũng cảm của dân Ukraine qua các mạng xã hội. Những thường dân Ukraine phất lá quốc kỳ leo lên trên các xe thiết giáp Nga. Hình ảnh dân Ukraine chơi nhạc giữa cuộc chiến tranh đáng nhớ nhất. Những giai điệu cất lên vừa có vẻ hư ảo, vừa bày tỏ chí bất khuất, vừa bình dị vừa ngạo nghễ.
Nhật báoThe Washington Post tả cảnh một em bé gái đứng trong hầm tránh bom, hát bài "Let It Go" trong một phim của hãng Disney. Một nhạc sĩ hồ cầm (cello) ngồi trình tấu giữa các ngôi nhà đổ nát. Cả một ban nhạc mặc đồ lính trận cùng trình diễn với ca sĩ Ed Sheeran. Ở thành phố Kharkiv đã bị quân Nga bủa vây hàng tháng, video chiếu hình một ông mặc cái áo trùm đầu đứng hát trong ga xe điện ngầm. Những người tị nạn trong hầm trú ẩn đứng nghe rồi lần lượt hát theo, giống như trong một giáo đường.
Nhạc sĩ Sviatoslav Vakarchuk, biệt hiệu Slava, dẫn đầu ban nhạc Okean Elzy (Đại Dương Elza), là ban nhạc "Rock" nổi tiếng nhất nước. Ông đã đậu PhD về Vật lý học Lý thuyết, đã học thêm ở các Đại học Mỹ như Stanford và Yale, hai lần làm đại biểu quốc hội nhưng giã từ chính trị. Vakarchuk đang vào các bệnh viện hát cho thương binh nghe ; hát trong các nơi tụ họp người tị nạn nghe, từ Kharkiv tới Lviv.
Thành phố hải cảng Odessa đã bị quân Nga tấn công ngay từ đầu, trên bộ và từ ngoài biển. Ban đồng ca đại nhạc kịch Odessa đứng ngoài trời hát opera của Verdi.
Đài BBC thuật lời Olexandr Proletarskyi, một nhà phê bình sân khấu ở Odessa : "Âm nhạc là đời sống. Khi không còn âm nhạc nữa, cái gì cũng có thể xảy ra. Âm nhạc là một phương pháp bảo vệ cái tâm mình. Tại thành phố bên bờ Hắc Hải này, các quán trên bờ biển, các tiệm ăn có hòa nhạc, các tiệm làm móng tay vẫn mở cửa, chứng tỏ người dân tự tin họ sẽ thắng.
Alexander Hodosevich, một tay trống trong ban nhạc ở quán "More Music club" nói : "Tôi thấy thành phố đang sống lại. Người ta đã bớt sợ. Dân chúng tin quân đội sẽ bảo vệ họ, họ cảm thấy bình an. Tôi không tin quân Nga có thể thắng". Quán nhạc More Music mới mở cửa trở lại, trình diễn nhạc sống mỗi buổi chiều cho khách nghe trước giờ giới nghiêm phải về nhà. Người dân tin tưởng vì trong lịch sử nhiều đế quốc đã muốn đánh chiếm Odessa nhưng đều thất bại.
Odessa có một địa đạo dài 2,500 cây số, đào trong hai lần đại chiến thế giới thế kỷ trước, bây giờ lại được quét dọn để làm "hầm trú ẩn" tránh bom và pháo kích. Những tấm nệm, thực phẩm khô, chất đống trong những góc hầm tối tăm. Ông Maxim Baranestski, nhà sử học 46 tuổi, nhìn ra những chữ viết trên tường của dân tị nạn từ thời 1940. Ông chiếu đèn pin lên mặt tường đá cho thấy khẩu hiệu ‘Diệt Phát xít’ cho phóng viên BBC đọc".
Cuối cùng, Thiện sẽ thắng Ác. Dân Ukraine đang chiến đấu cho cả loài người. Ông Andriy Yermak, một người bạn đang làm chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky nói với báoEconomist, "Ukraine cần đứng vững và tồn tại. Nếu không, Putin sẽ không bao giờ ngừng".
Tới giờ Putin vẫn chưa ngừng. Cuộc chiến còn tiếp tục. Quân Nga có thể phá nát các thành phố của Ukraine ở hai tỉnh phía Đông trong vùng Donbas, làm áp lực khi mặc cả chính sách ngoại giao của Ukraine đối với Âu Châu và NATO trong tương lai.
Putin có thể chọn giải pháp ngưng bắn nhưng không rút quân, Ukraine sẽ bị chia cắt như Moldova và Georgia. Moldova đã mất Transnistria, Georgia mất Ossetia và Abkhazia, cả ba vùng "ly khai" đều còn quân Nga chiếm đóng. Ngày 30 tháng Ba, Anatoly Bibilov, tổng thống nước "Cộng Hòa Ossetia" tuyên bố sẽ bắt đầu các thủ tục để gia nhập Liên bang Nga. Putin có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý gian lận, cho vùng này gia nhập Liên bang Nga. Vladimir Putin có thể tuyên bố với dân chúng rằng Nga đã thắng lớn ! Nhưng sau đó sẽ phải gánh chịu việc tái thiết và cai trị vùng Donbas, kinh tế Nga khó lòng chịu đựng nổi. Và dân Ukraine sẽ không để yên cho ông Putin ca khúc khải hoàn.
Tổng thống Volodymir Zelensky chắc chưa hề đọc lịch sử Việt Nam, nhưng đã hành động giống như Trần Nhân Tôn, Lê Thái Tổ và Quang Trung. Sau khi đã đánh bại các đoàn quân xâm lược, cả ba vị vua Việt Nam đều "dâng biểu cầu hòa". Như Nguyễn Trãi giải thích trong Bình Ngô Đại Cáo : "Ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi".
Suốt một tháng qua, ông Zelensky cũng luôn luôn cầu hòa, cho dân đỡ khổ. Ông đã nói với một nhà báo Nga : "Tôi hiểu không thể đánh cho quân Nga phải rút hết khỏi vùng Donbas". Zelensky còn nói, "Đất đai quan trọng thật, nhưng cũng chỉ là đất đai thôi", theo báoEconomist.
Nhưng trước đó, Zelensky từng tuyên bố không chấp nhận để mất một mảnh đất nào của Ukraine. Bây giờ nếu ông muốn nhượng bộ thì dân chúng và quân đội sẽ phản đối. Quân đội và dân Ukraine đã chứng tỏ tinh thần dũng cảm và khả năng chiến đấu của họ. Sau một tháng cầm cự, được viện trợ thêm nhiều vũ khí mới, họ sẽ tiếp tục bền bỉ tấn công những đám quân Nga còn đóng lại, không bao giờ để yên. Hiện nay khối NATO và Mỹ chỉ giúp các vũ khí phòng ngự, nhưng trong tương lai các nước cộng sản Đông Âu cũ có thể gửi thêm các hỏa tiễn, thiết giáp và phi cơ chiến đấu do Nga sản xuất mà quân Ukraine quen sử dụng.
Dù Putin theo đường nào trong ba giải pháp trên, Zelensky cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các nước tự do dân chủ phong toả kinh tế Nga – cho đến khi Putin rút hết quân về. Chính phủ Anh mới lập lại điều kiện đó : "Chỉ ngưng cấm vận khi Nga rút hết quân khỏi Ukraine". Mỹ và các nước NATO cũng vậy ; sẽ được các nước khác ủng hộ, từ Nhật Bản, Australia, đến Thụy Sĩ, Singapore.
Dân Nga đã bắt đầu thấm đòn cấm vận. Các ngân hàng thiếu ngoại tệ, các công ty ngoại quốc bỏ đi, hàng nhập cảng cạn dần, giá sinh hoạt tăng 15% và còn tăng mãi. Công ty nghiên cứu thị trường S&P tiên đoán trong năm nay kinh tế Nga sẽ sụt giảm 22%.
Trước đây thế giới đã đứng ngoài, để yên cho Putin đánh, chiếm đất đai của Georgia, Moldova từ năm 2008. Sau đó năm 2014 cũng chỉ trừng phạt nhẹ nhàng khi Putin chiếm Crimea của Ukraine. Thái độ "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" này chỉ khiến Putin nuôi thêm tham vọng phiêu lưu, bành trướng. Bây giờ Mỹ, các nước Âu Châu nhất là Ba Lan, Tiệp, Slovakia, Hungary, các nước Á Châu như Nhật Bản, Australia, chắc đồng ý phải duy trì áp lực.
Dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu một mình chống lại những đoàn quân xâm lược nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh. Dân Ukraine đang được loài người kính trọng và ý thức bổn phận phải tiếp sức. Họ đang chịu thống khổ, nhưng đứng vững không khuỵu chân nên khiến loài người cùng thức tỉnh. Cần bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Ukraine để xác định lại quy tắc : Không một nước nào được đánh, chiếm, chia cắt đất đai của một nước nào khác.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 30/03/2022
***********************
Putin bị các cố vấn báo cáo láo về chiến sự
Bình Phương, SaigonnhoNews, 30/03/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị các cố vấn của ông "báo cáo láo" về các cuộc chiến đấu của quân đội Nga ở Ukraine, theo thông tin tình báo của Mỹ.
Người dân Ukraine và những người ủng hộ tham dự một cuộc biểu tình đoàn kết với Ukraine tại Ba Lan vào ngày 17 Tháng Ba, 2022 (ảnh : Beata Zawrzel / NurPhoto via Getty Images)
Thông tin tình báo của Mỹ được hãng tin AP loan đi sáng Thứ Tư 30 Tháng Ba cho thấy có vẻ như có sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa ông Putin và Bộ Quốc phòng Nga, cả với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người từng là một trong những thành viên thân tín nhất của Điện Kremlin.
Theo AP, nguồn cơn của mối căng thẳng này có thể là do ông Putin đã bị các sĩ quan cao cấp, các cố vấn quân sự, báo cáo thông tin không chính xác, từ đó khiến ông đưa ra những quyết định sai lầm, ngớ ngẩn và hoang tưởng.
Phát biểu tại Algiers, Ngoại trưởng Antony J. Blinken thừa nhận ông Putin đã được các cố vấn của mình cung cấp ít thông tin trung thực hơn. Theo ông Blinken, một trong những gót chân Achilles [điểm yếu chết người] của các chế độ chuyên chế là không có những người nói sự thật hoặc người có khả năng nói lên sự thật với người lãnh đạo. "Và tôi nghĩ đó là điều mà chúng ta đang thấy ở Nga", ông Blinken nói, được The New York Times trích dẫn.
Một số quan chức Mỹ khác nhận xét, ông Putin đã tự cô lập gắt gao trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và sở thích của ông sẵn sàng quở trách công khai các cố vấn không cùng quan điểm đã tạo ra một thái độ cảnh giác, hoặc thậm chí là sợ hãi, trong các chỉ huy cấp cao của quân đội Nga. Các quan chức tin rằng ông Putin đang nhận được các báo cáo không đầy đủ hoặc quá lạc quan về sự tiến bộ của các lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine.
Ông Putin dường như thực sự không biết rằng quân đội Nga đã sử dụng lính quân dịch vào cuộc chiến Ukraine, và những người lính bị động viên đó nằm trong số những người thiệt mạng trên chiến trường. Sự thiếu hiểu biết của ông Putin cho thấy "một sự đứt gãy rõ ràng trong luồng thông tin chính xác đến tổng thống Nga", theo một quan chức Mỹ. Quan chức ẩn danh này cho biết "hiện đang có căng thẳng dai dẳng" giữa ông Putin và Bộ Quốc phòng.
Đánh giá của tình báo Mỹ cũng cho rằng ông Putin có hiểu biết không đầy đủ về thiệt hại mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra cho nền kinh tế Nga.
Cuộc chiến vẫn tiếp tục tồi tệ đối với các lực lượng Nga. Quân kháng chiến Ukraine không chỉ tổ chức phòng thủ mà đã bắt đầu phản công. Một số quan chức Mỹ tin rằng các chỉ huy cấp cao của Nga lo ngại phải việc đưa ra những sự đánh giá trung thực về tình hình – vì sợ người đưa tin xấu sẽ phải chịu trách nhiệm về những thất bại trên chiến trường.
Những thất bại của quân đội Nga đã làm xói mòn lòng tin giữa ông Putin và Bộ Quốc phòng. Trong khi ông Shoigu vẫn được coi là một trong số ít cố vấn mà ông Putin tin cậy, thì việc điều hành cuộc xâm lược ở Ukraine đã làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai người.
Ông Putin đã ra lệnh quản thúc tại gia hai quan chức tình báo hàng đầu vì cung cấp thông tin tình báo kém trước cuộc xâm lược ; và điều có thể đã góp phần thêm vào bầu không khí sợ hãi trong giới chỉ huy quân sự và tình báo ở Nga.Bằng chứng về sự thất vọng của ông Putin ngày càng tăng. Các quan chức Mỹ tin rằng ông Putin đang tiếp tục bị lừa và các cố vấn cấp cao không muốn nói ra sự thật.
Nguồn tin tình báo Mỹ có thể có trong Điện Kremlin là một bí mật được giữ rất kín. Nhưng từ khi Nga bắt đầu tập trung quân đội dọc theo biên giới Ukraine vào năm ngoái, các quan chức tình báo Mỹ đã dự đoán chính xác mọi hành động của ông Putin.
Các lực lượng Nga đã tuyên bố một sự cắt giảm lực lượng xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine vào hôm Thứ Ba, mặc dù các quan chức Mỹ không tin rằng Nga dừng các cuộc tấn công như một động thái hòa bình mà thay vào đó, hành động này là một dấu hiệu nữa cho thấy Nga đang điều chỉnh lại chiến lược thất bại của mình. Cũng có thể chiến lược chuyển hướng là một dấu hiệu của sự rối loạn chức năng và thông tin sai lệch trong các cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga.
Bình Phương
Nguồn : SaigonnhoNews, 30/03/2022
************************
Ngoại giao mềm dẻo có kết quả
Ngô Nhân Dụng, VOA, 28/03/2022
Napoleon từng nói rằng trong chiến tranh tinh thần chiến đấu quan trọng gấp ba lần sức mạnh vật chất. Lòng yêu nước của quân và dân Ukraine đang lên cao tột đỉnh. Tinh thần quân lính Nga đang xuống thấp.
Ở Bruxelles, chính phủ Mỹ đóng vai khiêm tốn hơn, mở mặt trận ngoại giao qua ba cuộc họp thượng đỉnh, giúp dân Ukraine chống Nga và cảnh cáo Trung Quốc.
Trong 20 năm, Mỹ không quan tâm đến các nước đồng minh. Chính phủ George W. Bush tấn công Iraq mặc dù Pháp, Đức, New Zealand và Canada không ủng hộ. Chính phủ Donald Trump đánh thuế trên hàng hóa của Âu Châu cũng như của Trung Quốc, dọa rút ra khỏi NATO và thỏa hiệp với Taliban để rút chân ra khỏi Afghanistan, không cần bàn với các nước khác. Ông Joe Biden rút quân vội vàng và lộn xộn cũng không báo trước cho các đồng minh để cùng chuẩn bị rút. Chính phủ Biden ký thỏa ước với Anh quốc giúp Australia về tàu ngầm nguyên tử bất chấp dự án cộng tác giữa Australia với Pháp ; sau đó ông Biden phải xin lỗi.
Chính sách ngoại giao "một mình một ngựa" này khiến các nước Âu Châu lạnh lùng không phản ứng khi được báo động quân Nga đang kéo quân tới biên giới Ukraine, tháng 12 năm 2021.
Đầu năm 2022, Mỹ đã thay đổi. Ngoại trưởng Mỹ đi một vòng các thủ đô và Tổng thống Biden gọi điện thoại cho lãnh đạo các nước từ Âu sang Á. Các tin tức tình báo về hoạt động của quân Nga được chia sẻ với các nước Âu Châu, dần dần đã thuyết phục được họ. Các nước Âu Châu đã chấp nhận phải hợp tác đối phó với tham vọng của Vladimir Putin.
Tân thủ tướng Đức Olaf Scholz qua thăm Tòa Bạch Ốc ngày 7 tháng Hai cho thấy đường lối ngoại giao mới có hiệu quả. Từ lâu Đức vẫn chủ trương hòa dịu với Nga, một phần vì hầu hết dầu và khí đốt nhập cảng từ Nga. Olaf Scholz đã đổi hướng hoàn toàn, khi Putin tấn công Ukraine. Đức tăng ngân sách quốc phòng gấp đôi, lên cao hàng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.
Hầu hết thế giới ủng hộ dân Ukraine. Ngày Thứ Năm 24 tháng Ba, trong khi ông Joe Biden đến Bruxelles, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một quyết nghị lên án Nga. Có 140 quốc gia bỏ phiếu thuận, chỉ có năm nước chống là Nga, Belarus, Eritrea, Bắc Hàn và Syria ; Ấn Độ và Trung Quốc không bỏ phiếu, cùng 36 nước khác.
Ở Bruxelles, chính phủ Mỹ đóng vai khiêm tốn hơn, mở mặt trận ngoại giao qua ba cuộc họp thượng đỉnh, giúp dân Ukraine chống Nga và cảnh cáo Trung Quốc.
Thứ nhất, Liên hiệp Âu Châu (EU) yêu cầu Nga tuân theo luật pháp quốc tế. Tòa Án Quốc tế đã cảnh cáo Nga đang phạm tội ác chiến tranh, bắt Nga phải rút khỏi Ukraine.
Cuộc họp EU tìm cách giảm bớt cảnh lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Nga cung cấp 40% số khí đốt và một phần tư số dầu lửa cho Âu Châu. Khi tấn công Ukraine, Vladimir Putin đã báo trước sẽ tiếp tục cung cấp dầu khí cho Âu Châu. Bây giờ, ông Putin tỏ ý muốn các nước mua dầu, khí phải trả bằng tiền Nga, là đồng rúp. Đó là một cách giảm bớt hiệu lực của lệnh cấm vận các ngân hàng và Ngân Hàng Trung Ương Nga. Vì các nước nhập cảng sẽ phải mua đồng rúp, tức là cho Nga thâu ngoại tệ, nhất là đô la Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ ý kiến này, vì không nằm trong các hợp đồng đã ký kết. Đức đang tìm mua dầu, khí từ các nguồn cung cấp khác.
Các nước EU nhập cảng 90% khí đốt. Bà Ursula von der Leyen, đứng đầu cơ quan hành chánh của EU muốn Mỹ bán khí đốt lỏng (LNG) cho liên hiệp trong hai mùa Đông sắp tới. Trong 27 quốc gia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp tùy thuộc vào Nga nhiều hơn cả. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia hứa chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ Âu Châu.
Năm 2020 ông Biden tranh cử với khẩu hiệu giữ gìn môi trường, hứa sẽ bớt khai thác dầu lửa và khí đốt ở Mỹ. Bây giờ ông phải làm ngược lại, khuyến khích sản xuất dầu khí nhiều hơn ; nếu muốn nước Mỹ đóng vai trò lãnh đạo. Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục dùng nghệ thuật ngoại giao mềm mỏng, tỏ ra luôn luôn tham khảo các đồng minh
Bên cạnh khối EU là Nhóm G7. Thực ra 6 trong 7 người cầm đầu 7 quốc gia nước kinh tế lớn đã gặp nhau trong các phiên họp của EU và NATO. Nhưng việc triệu tập cuộc "họp khẩn cấp" của G7 chỉ cốt mời thêm thủ tướng Fumio Kishida. Nhóm G7 có Nhật Bản nhưng không có Trung Quốc. Nga đã bị trục xuất ra khỏi tập hợp này, trước gọi là G8, sau khi cưỡng chiếm Crimea của Ukraine. Ông Kishida là chính khách duy nhất từ một nước Á Châu có mặt, để cho thấy phản ứng chống Nga khắp thế giới. Ông Biden còn đề nghị chính phủ Indonesia không mời Nga tới dự cuộc họp G-20 sắp tới ở Bali. Nhưng ông vẫn dè dặt nói rằng quyết định đuổi Nga ra khỏi G-20 là quyền của 20 nước kinh tế lớn nhất.
Nhóm G7 lên án cuộc xâm lăng Ukraine ; cảnh cáo Nga không được dùng các vũ khí hóa học và nguyên tử ; và sẽ điều tra các bằng cớ Nga phạm tội ác chiến tranh. Họ báo trước sẽ trừng phạt các nước đang giúp Nga, như Belarus, và cảnh cáo Trung Quốc. Ông Biden nói, "Trung Quốc hiểu rằng tương lai kinh tế của họ liên hệ với các nước phương Tây hơn là với Nga. Ông nghĩ họ sẽ không giúp Nga nhưng "sẽ theo dõi hành động của họ".
Sau Liên hiệp Âu Châu và G7, cuộc họp của khối NATO nhắm vào các biện pháp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và cô lập hóa nước Nga. Nước Phần Lan đã tiếp tế vũ khí cho Ukraine, nay sẽ ngưng tất cả các chuyến xe lửa nối Helsinki và St Petersburg.
Anh quốc là nước tích cực nhất trong việc gửi vũ khí cho Ukraine, mới gửi thêm 6,000 hỏa tiễn sau khi đã giúp 4,000 tên lửa NLAW bắn thiết giáp mà quân đội dùng, cùng với Javelin của Mỹ để tiêu diệt các đoàn xe Nga. Hơn 70% dân chúng ủng hộ Thủ tướng Boris Johnson tích cực giúp dân Ukraine, dù Anh quốc đã rút khỏi EU. Sau khi Nga đánh Ukraine, ông Johnson đã triệu tập phiên họp của 10 nước trong tổ chức JEF (Joint Expeditionary Force) gồm Anh và 9 nước Bắc Âu và vùng Baltic. Tất cả đồng ý phải ngăn chặn trước mối nguy Nga sẽ tấn công các nước khác ngoài Ukraine. Với danh nghĩa JEF, nước Anh có thể hành động ngoài khuôn khổ của NATO, và không cần chờ ý kiến của Mỹ và các nước khác.
Mặt trận ngoại giao chỉ diễn ra ở Bruxelles trong vài ngày nhưng cho thấy thế giới đã chia thành hai khối rõ rệt. Tổng thư ký khối NATO, ông Jens Stoltenberg kêu gọi Trung Quốc hãy "ngưng ủng hộ Nga cùng toàn thể thế giới lên án cuộc xâm lăng tàn bạo ở Ukraine. NATO yêu cầu Trung Quốc không trợ giúp Nga về quân sự, không được giúp Nga tuyên truyền loan tin sai lạc.
Tuần trước, ông Biden đã điện thoại cảnh cáo Tập Cận Bình sẽ "lãnh hậu quả" nếu giúp Nga cưỡng lại lệnh cấm vận. Ngày 25 tháng Ba, Sinopec, công ty dầu khí lớn của Trung Quốc đã quyết định ngưng thảo luận dự án đầu tư xây dựng nhà máy hóa chất trị giá $500 triệu mỹ kim, cũng như ý định mua bán khí đốt của Nga, theo tin Reuters.
Ông Biden đã cam kết sẽ bảo vệ các nước NATO trước mối đe dọa của Nga. Ông tuyên bố "Điều quan trọng nhất là chúng ta đoàn kết". Ông ca ngợi nhà lãnh đạo NATO đã thiết lập bốn đạo quân chiến đấu, từ 1,000 đến 1,500 binh sĩ, tới các nước cộng sản cũ ở Đông Âu Slovakia, Romania, Bulgaria và Hungary. Ông đi thăm Ba Lan, gặp các binh sĩ Mỹ. Trước đây ông Biden đã từng gọi ông Putin là "sát nhân". Tháng trước, ông lên án Putin là một "tội phạm chiến tranh". Ở Ba Lan, sau những vụ Nga ném bom và bắn hỏa tiễn giết thường dân trong các thành phố, Biden tặng thêm một danh hiệu mới, gọi Putin là một "tên đồ tể".
Ở Ba Lan, ông Biden lại cổ động cho lý tưởng tự do, lên án Putin đang tìm cách "thắt cổ" chế độ dân chủ. Nhưng điều quan trọng nhất là, sau một tháng chiến đấu, quân đội Ukraine đang thắng thế và quân Nga đang thất bại. Quân Ukraine đang bao vây những toán quân Nga ở vùng ngoại ô Kyiv, kêu gọi họ đầu hàng. Ở phía Đông, một chiến hạm Nga bị bắn cháy ở hải cảng Berdyansk. Mỹ đang chuyển các vũ khí chống tàu thủy cho Ukraine. Phó tư lệnh hải quân Nga trong vùng tử nạn, nâng tổng số tướng lãnh Nga tử thương lên 7, cho đến nay.
Bộ quốc phòng Nga tìm cách gỡ thể diện, nói rằng quân Nga đã "hoàn tất giai đoạn thứ nhất" trong cuộc chiến, và từ nay sẽ chỉ còn lo củng cố hai tỉnh phía Đông Ukraine mà thôi. Nga phải chấp nhận không thể chiếm được nước Ukraine.
Napoleon từng nói rằng trong chiến tranh tinh thần chiến đấu quan trọng gấp ba lần sức mạnh vật chất. Lòng yêu nước của quân và dân Ukraine đang lên cao tột đỉnh. Tinh thần quân lính Nga đang xuống thấp. Hệ thống tiếp liệu đình đốn, không tiếp liệu đủ đạn dược, xăng nhớt, thực phẩm. Lý do không phải chỉ vì cấp chỉ huy sai lầm ; nhưng là nạn tham nhũng. Xe cộ, vũ khí không được bảo trì. Các sĩ quan bán xăng lậu, có khi bán cả dụng cụ truyền tin, ngay từ lúc đóng quân ngoài biên giới Ukraine. Quân Nga có lúc đói quá phải xin ăn hoặc vào cướp các siêu thị, nhiều người lính không đủ quần áo ấm bị hư ngón tay vì băng giá. Đây là lần đầu tiên thế giới chứng kiến "sức mạnh" của quân đội chính quy nước Nga ; chỉ có dân Nga không được biết.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 28/03/2022
Moscow thay đổi trọng tâm hay thừa nhận thất bại ?
Paul Adams, BBC, 27/03/2022
Có phải quân đội Nga đang phải thay đổi kế hoạch ? Có lẽ thậm chí Nga đang giảm mức độ tham vọng tại Ukraine ?
Có lẽ vẫn còn quá sớm để nói lên được điều gì nhưng rõ ràng là có một bước chuyển về trọng tâm của cuộc xâm lược.
Thành phố Kharkiv bị pháo kích trong hàng tuần qua - giờ thì Nga có thể huy động lực lượng xa hơn ở phía đông
Quân đội Nga không thể tác chiến dịch trên nhiều trục khác nhau
Vị tướng hàng đầu của quân đội Nga - Sergey Rudskoy - nói rằng "giai đoạn đầu tiên" về điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga đã gần như đã hoàn tất và rằng lực lượng quân đội Nga sẽ tập trung vào việc "giải phóng hoàn toàn vùng Donbass".
Điều này có thể mang ý nghĩa Nga sẽ tập trung tổng lực nhằm vượt qua "đường tiếp xúc" (line of contact) phân định giữa vùng lãnh thổ thuộc chính phủ Ukraine ở vùng miền đông với hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng là Donetsk và Lugansk.
Hiện bước tiến của Nga tại các vùng khác dường như bị chững lại. Lực lượng Nga đã bị đẩy lùi khỏi các vị trí xung quanh thủ đô Kyiv và được cho đã bắt đầu đào các vị trí phòng thủ nhằm tránh bị tổn thất thêm nữa hay chuẩn bị cho một hình thức tạm dừng.
Vẫn còn quá sớm để kết luận Nga đã từ bỏ tham vọng chiếm lấy Kyiv nhưng giới chức phương Tây nói rằng Nga đang tiếp tục gánh chịu hết thất bại này đến thất bại khác.
Vào ngày thứ Sáu 25/03, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết một tướng của Nga, Trung tướng Yakov Rezantsev, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công gần thành phố Kherson, miền nam Ukraine.
Rezantsev là Tư lệnh Binh đoàn Liên hợp vũ trang số 49 của Quân khu phía Nam của quân đội Nga. Một quan chức phương Tây cho biết ông là vị tướng thứ bảy thiệt mạng ở Ukraine.
Ukraine cho rằng tinh thần xuống thấp trong quân đội Nga đã buộc các sĩ quan cấp cao tiến gần hơn đến chiến tuyến.
Giới chức phương Tây cũng tin rằng tuyên bố của tướng Sergey Rudskoy có ẩn ý rằng Moscow biết rằng chiến lược tiền chiến đầy tham vọng đã thất bại.
"Nga đang thừa nhận rằng quốc gia này không thể theo đuổi đồng thời các chiến dịch trên nhiều trục khác nhau", một quan chức phương Tây nói.
Giới chức phương Tây cũng cho biết khoảng 10 nhóm đơn vị tác chiến mới của Nga đang hướng đến Donbass.
Thậm chí trước khi cuộc chiến tại Ukraine bùng phát vào tháng 2 thì phương Tây đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng Nga sẽ tổng lực thiết lập vòng vây và bao vây những đơn vị chiến đấu tinh nhuệ nhất của Ukraine thuộc Chiến dịch Lực lượng Phối hợp (JFO) đồn trú tại "đường tiếp xúc" nhằm chống lại các phiến quân do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Rút lui không đồng nghĩa với kiềm chế tham vọng
Trong bước tiến mới thì binh sĩ Nga có thể tràn vào các vùng chưa được thâu tóm tại Donetsk và Luhansk, có thể với mục tiêu kết nối với lực lượng di chuyển sang phía nam từ Kharkiv và Izyum.
Và nếu Nga có thể thành công trong việc chiếm lấy thành phố cảng Mariupol ở biển Azov thì các lực lượng khác có thể di chuyển sang phía bắc và hoàn thành thiết lập vòng vây đối với Chiến dịch Lực lượng Phối hợp (JFO).
Một trong số các mục tiêu này dường như vẫn còn xa tầm với. Các chiến binh phòng vệ tại Mariupol đã chiến đấu kiên cường, ngăn chặn Nga đạt được hoàn toàn các tham vọng đề ra trước cuộc xâm lược - đó là một kết nối trên bộ nối liền bán đảo Crimea đến vùng Donbass.
Thế nhưng nếu Moscow kết luận rằng mỗi lúc chỉ cần phải tập trung cho một mục tiêu thì có thể Nga sẽ tập trung pháo kích đặc biệt là từ trên không.
Quân đội Ukraine với tinh thần kỷ luật và nhuệ khí cao sẽ cần được trợ giúp để vượt qua các áp lực.
"Tôi hy vọng rằng khí tài do phương Tây cung cấp sẽ đóng góp đáng kể cho lực lượng quân sự của Ukraine", một quan chức phương Tây nhận định.
Nếu những ngày tới chúng ta chứng kiến sự chuyển dịch trọng tâm sang Donbass, điều này không đồng nghĩa là Moscow đã từ bỏ những tham vọng sâu xa hơn của mình.
"Chúng tôi đã không nhận thấy đã có sự đánh giá lại mang tính tổng thể về cuộc xâm lược", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss khẳng định rằng nếu Nga không "ngừng bắn và rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine" thì chỉ có gánh chịu các lệnh trừng phạt "nặng nề hơn" từ phương Tây / EPA.
'Trừng phạt nặng nề hơn'
Phát biểu với tờ Sunday Telegraph, bà Liz Truss nói phương Tây phải tiếp tục "cứng rắn để đạt được hòa bình" tại Ukraine.
Hiện Mỹ, Anh và EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên hơn 1.000 cá nhân và doanh nghiệp Nga.
Bà Truss cũng cho biết một đơn vị đàm phán đã được thiết lập nhằm hỗ trợ Ukraine chỉ khi phía Nga "nghiêm túc" với các cuộc đàm phán, nhưng cho biết them : "Tôi không cho rằng họ hiện đang nghiêm túc".
"Đó là lý do... chúng ta cần phải tăng cường các lệnh trừng phạt", bà cho biết.
Ngoại trưởng Anh trước đó cũng cho rằng các cuộc hòa đàm là "màn tung hỏa mù" được dựng nên để gây xao lãng trước các hành động của phía Nga và giúp nước này có thêm thời gian để nhóm lại lực lượng.
Paul Adams
Nguồn : BBC, 27/03/2022
***********************
BBC, 23/03/2022
Quân đội Nga cho biết hiện nay Nga sẽ tập trung nỗ lực chiến tranh chính vào việc "giải phóng hoàn toàn" khu vực Donbas, miền đông Ukraine.
Các thiết bị quân sự được cho là của Nga bị phá hủy ở Kiev, Ukraine (Ảnh : Reuters).
Bộ Quốc phòng cho biết Nga đã cân nhắc hai lựa chọn cho "hoạt động quân sự đặc biệt" của mình - một bao gồm toàn bộ Ukraine và một tập trung vào Donbas.
Các bình luận - do các hãng thông tấn nhà nước Nga thực hiện - có vẻ ám chỉ Nga có thể giảm tham vọng xâm lược Ukraine.
Các lực lượng Nga đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ ở phía bắc Ukraine và xung quanh Kyiv.
Sergey Rudskoy, người đứng đầu bộ phận tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga, cho biết 93% khu vực Luhansk và 54% khu vực Donetsk thuộc quyền kiểm soát của Nga.
Ông nói thêm, Nga đã tiêu diệt phần lớn lực lượng không quân và hải quân của Ukraine, và điều này đánh dấu sự kết thúc thành công của giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột.
Hãng tin Ria Novosti đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra bản cập nhật về thương vong của quân đội nước này tuyên bố 1.351 binh sĩ của họ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương.
Các nguồn tin quân sự Ukraine trước đây ước tính rằng có khoảng 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, mặc dù con số này có thể bao gồm cả người bị thương và người chết.
Cập nhật đầu tiên từ Bộ Quốc phòng Nga về thương vong là vào ngày 2 tháng 3 và cho biết 498 quân nhân đã chết trong cuộc xâm lược.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ cho biết quân đội Nga đã có những bước tiến ổn định trong thành phố phía nam bị bao vây Mariupol, tiến vào khu vực trung tâm thành phố hôm 24/03.
Thành phố cảng Mariupol được coi là quan trọng đối với chiến dịch của Nga, đã bị quân đội Nga bao vây từ đầu tháng ba.
Theo ISW, khi tình hình ở Mariupol xấu đi, chính quyền địa phương đã rời khỏi thành phố để điều phối các hoạt động trong khu vực tốt hơn.
Nga cũng tiếp tục pháo kích vào Kharkiv và tấn công một điểm vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo, khiến sáu người thiệt mạng và 15 người bị thương, đạt được một số thành công nhỏ ở các khu vực Donetsk và Luhansk.
Nhưng ISW cũng ghi nhân Ukraine đã thành tựu trong cuộc phản công vào các tàu Nga tại cảng Berdyansk bị chiếm đóng, thêm vào đó Ukraine đã buộc quân đội Nga phải phòng thủ phía tây bắc thủ đô Kyiv và ngăn chặn Nga bao vây khu vực Chernihiv.
ISW là một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Nguồn : BBC, 25/03/2022
************************
Lý giải sai lầm quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine
Jonathan Beale, BBC, 19/03/2022
Nga có một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới, nhưng điều đó đã không thể hiện rõ trong cuộc xâm lược Ukraine, cho tới giờ. Nhiều nhà phân tích quân sự ở phương Tây đã rất ngạc nhiên về khả năng của Nga trên chiến trường cho đến nay.
Xe tăng Nga
Tuần này, một quan chức quân sự cấp cao của NATO nói với BBC, "Nga rõ ràng đã không đạt được mục tiêu của họ và có lẽ sẽ không thành công". Vậy điều gì đã xảy ra ? Tôi đã nói chuyện với các sĩ quan quân đội và quan chức tình báo phương Tây cấp cao về những sai lầm mà Nga đã mắc phải.
Sai lầm đầu tiên của Nga là đánh giá thấp sức mạnh kháng cự và khả năng của các lực lượng vũ trang nhỏ hơn của Ukraine. Nga có ngân sách quốc phòng hàng năm hơn 60 tỷ USD, so với mức chi của Ukraine chỉ hơn 4 tỷ USD.
Nhiều xe tăng Nga bị bỏ lại
Đồng thời, Nga và nhiều nước khác dường như đã đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của mình. Tổng thống Putin đã bắt tay vào một chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng cho quân đội và ông cũng có thể tin vào ảo tưởng mình tạo ra.
Một quan chức quân sự cấp cao của Anh cho biết phần lớn đầu tư của Nga đã được chi cho kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và thử nghiệm mới, ví dụ phát triển vũ khí mới như tên lửa siêu thanh. Nga được cho là đã chế tạo loại xe tăng tiên tiến nhất thế giới - T-14 Armata. Nhưng xe tăng này chỉ được nhìn thấy trong Cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng của Moscow trên Quảng trường Đỏ, chứ không thấy xuất hiện ở Ukraine. Hầu hết những gì Nga đã trang bị trên chiến trường là xe tăng T-72 cũ hơn, pháo và bệ phóng tên lửa.
Khi bắt đầu cuộc xâm lược, Nga đã có lợi thế rõ ràng trên không, với các máy bay chiến đấu đông hơn không quân Ukraine theo tỷ lệ 3 chọi 1. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng lực lượng xâm lược sẽ nhanh chóng giành được ưu thế trên không, nhưng thực tế không phải vậy. Hệ thống phòng không của Ukraine vẫn đang tỏ ra hiệu quả, hạn chế khả năng cơ động của Nga.
Các cột thiết giáp dài của Nga từ phía bắc được vệ tinh chụp lại vẫn không bao vây được Kyiv. Những bước tiến đáng kể nhất là ở miền nam, vì Nga có thể sử dụng các tuyến đường sắt để tiếp tế cho lực lượng của mình.
Nga đã tích lũy một lực lượng khoảng 190.000 quân cho cuộc xâm lược này và hầu hết trong số đó đã tham chiến. Nhưng họ đã mất khoảng 10% lực lượng. Không có số liệu đáng tin cậy về quy mô tổn thất của Nga và Ukraine. Ukraine tuyên bố đã giết 14.000 quân Nga, mặc dù Mỹ ước tính con số đó có lẽ chỉ bằng một nửa.
Các quan chức phương Tây cho biết cũng có bằng chứng về việc lính chiến đấu của Nga đang sa sút tinh thần, với một người nói rằng tinh thần "rất, rất thấp". Một người khác nói rằng quân đội "lạnh, mệt và đói" vì họ đã chờ đợi trong tuyết nhiều tuần ở Belarus và Nga trước khi được lệnh xâm lược.
Nga đã buộc phải tìm kiếm thêm binh sĩ để bù đắp tổn thất của mình, bao gồm cả việc chuyển đến các đơn vị dự bị từ những nơi xa như phía đông của đất nước và Armenia. Các quan chức phương Tây tin rằng "rất có thể" quân đội nước ngoài từ Syria sẽ sớm tham gia cuộc chiến.
Nga đã phải vật lộn với những điều cơ bản. Có một câu nói quân sự rằng dân nghiệp dư nói về chiến thuật trong khi các chuyên gia nghiên cứu về hậu cần. Có bằng chứng cho thấy Nga đã không xem xét đầy đủ. Các đoàn xe bọc thép đã hết nhiên liệu, lương thực và đạn dược. Các phương tiện bị hỏng hóc và bị bỏ lại, sau đó được xe của Ukraine kéo đi.
Các quan chức phương Tây cũng tin rằng Nga có thể sắp hết một số loại vũ khí sát thương. Nga đã bắn từ 850 đến 900 quả đạn chính xác tầm xa, bao gồm cả tên lửa hành trình, loại vũ khí khó thay thế.
Ngược lại, đã có một lượng vũ khí ổn định do phương Tây cung cấp cho Ukraine, điều này đã thúc đẩy tinh thần của nước này. Mỹ vừa thông báo sẽ cung cấp thêm 800 triệu USD hỗ trợ quốc phòng. Cùng với nhiều tên lửa phòng không và chống tăng, dự kiến sẽ có Switchblade, một loại vũ khí không người lái gọn nhỏ, do Mỹ phát triển, có thể được mang theo trong ba lô trước khi phóng.
Bất chấp những thất bại, một quan chức tình báo cho biết Tổng thống Putin "khó có thể bị nhụt chí và thay vào đó có thể leo thang. Ông ấy có thể vẫn tự tin rằng Nga có thể đánh bại Ukraine về mặt quân sự".
Cũng chính quan chức đó cảnh báo rằng nếu không có nguồn tiếp tế đáng kể, Ukraine cũng có thể "cuối cùng sẽ bị tiêu hao về số lượng và đạn dược". So với lúc chiến tranh bắt đầu, hy vọng của Ukraine đã gia tăng nhưng cơ hội chiến thắng có vẻ vẫn nhỏ bé cho Ukraine.
Jonathan Beale
Nguồn : BBC, 19/03/2022